Erwin Schrödinger và Con đường

by , under Uncategorized

 

ERWIN SCHRÖDINGER CON ĐƯỜNG

Erwin Schrödinger (1933).jpg

Erwin Schrödinger signature.svg

(1887-1961)

Cha đẻ của cơ học sóng trong thuyết lượng tử.

Ông được giải Nobel vật lý năm 1933.

Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu

“Ai sống trong những điều kiện thoải mái tạm chấp nhận được và an toàn, và cho rằng những thứ đó là tiêu chuẩn tự nhiên của tồn tại con người, tiêu chuẩn − do sự tiến bộ không tránh khỏi mà người ta tin vào – sẽ lan tỏa ngày càng nhiều, để cuối cùng bao gồm hết cả quả địa cầu, người đó có thể sống được mà không cần thế giới quan có tính triết lý; nếu không phải dài hạn, thì ít ra cũng cho tới khi người đó già yếu đi và đối diện với cái chết như một thực tế. Dĩ nhiên, giai đoạn đầu của sự tiến bộ tăng vọt vật chất, cái mà khoa học hiện đại đem lại, dường như mang theo một giai đoạn của hòa bình, an ninh và tiến bộ, nhưng giờ dường như hoàn toàn không còn như thế nữa. Tình hình đã thay đổi một cách đáng buồn. Nhiều người, vâng cả các dân tộc đã bị vứt ra khỏi cuộc sống tiện nghi và an bình; cùng với nỗi đau buồn vì những người chết thân yêu còn có thêm nỗi lo về một tương lai mù mịt của mình, và tương lai của con cái họ, nếu chúng còn sống. Người ta hầu như không còn tin rằng sự tồn tại tiếp tục trần trụi là được bảo đảm, càng lại không đối với sự tiến bộ thường xuyên của loài người.

Đau khổ cá nhân, hy vọng bị chôn vùi, sự khốn cùng đang chờ đợi, niềm tin đã mất vào sự minh triết và chân thật của những người cầm quyền, những cái đó đánh thức sự thèm khát một niềm hy vọng dù còn mơ hồ, không hoàn toàn được minh giải, rằng «thế giới» của chúng ta, hay «cuộc sống» của chúng ta được lồng vào một khung cảnh lớn hơn, và gắn liền với một ý nghĩa sâu xa hơn không giải thích được đối với chúng ta. Nhưng ở đó, chúng ta thấy mình đang đứng trước một bức tường chia cách thành «hai con đường», con đường của trái tim và con đường của lý trí thuần túy. Chúng ta duỗi mắt ngược nhìn về quá khứ, dọc theo bức tường kia: có thể nào chúng ta kéo sập nó xuống không, nó đã tồn tại từ thuở khai thiên lập địa chăng? Nếu chúng ta tiếp tục lần theo qua các khúc quanh, vượt qua các đồi núi và thung lũng, thì một miền đất xa, rất xa sẽ chợt hiện ra trước mặt chúng ta, cách chúng ta một thời gian hơn hai nghìn năm, nơi đó bức tường kia đã phẳng đi và biến mất, và con đường chưa bị chia cắt hiện ra, và chỉ có một mình nó thôi. Vài người trong chúng ta cảm thấy đáng công đi về quá khứ, để xem có thể học được vài điều gì từ sự thống nhất nguyên thủy lôi cuốn này hay không.

Nói không cần ẩn dụ, theo tôi, ngày nay triết học của người Hy Lạp có sức thu hút chúng ta mạnh mẽ như thế là vì không đâu trên thế giới này, trước đó và sau đó, một tòa nhà được dựng lên tiến bộ như thế, trật tự như thế, được làm bằng tri thức và sự trầm tư của con người, mà không có một sự phân liệt định mệnh nào, cái đã kềm hãm chúng ta hằng thế kỷ, và ngày nay trở thành không chịu nổi.”

Erwin Schrödinger

Trong sách Tự nhiên và Người Hy Lạp (1956)

Lời bạt. Schrödinger viết những dòng trên năm 1956, tức khoảng 10 năm sau Thế chiến thứ II. Ông chứng kiến cả hai cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại. Ông cũng bị nhập ngũ làm sĩ quan pháo binh trong Thế chiến I, 1914 -18. Đầu thế kỷ 20, mọi người ta đã tin chắc những tiến bộ khoa học, công nghệ sẽ đem lại nền hòa bình vĩnh cửu của Kant giữa các dân tộc, và sự phồn vinh lâu dài trên toàn thế giới. Không cần phải chiến đấu để giành giật với nhau nữa. Nhưng điều hoàn toàn ngược lại đã xảy ra. Không phải là điều bất định, như thuyết lượng tử. Ngược lại Einstein cho rằng – một cách bi quan − đó là điều tất định, nằm trong bản chất chưa thay đổi của con người.

Schrödinger viết những lời trên trong lúc giảng dạy ở Đại học Dublin, thủ đô của Ái Nhĩ Lan, nơi tị nạn Nazi của ông. Tiêu đề của đoạn văn trên là “Sự cần thiết khắc phục các đối kháng thế giới quan” trong một loạt bài giảng về văn minh Hy Lạp, về các nhà tư tưởng cổ đại Hy Lạp. Thất vọng trước nền văn minh mới, ông muốn đi tìm lại sự “hài hòa tiền định” từ văn minh Hy Lạp cổ đại.

Phương Tây đã nỗ lực xây dựng một nền văn minh mới từ thời Trung cổ, với bao công sức, bằng sự phát triển thương mại, sản xuất, công nghệ, khoa học, tôn giáo, nghệ thuật, văn chương, để thoát khỏi tình trang man di, để văn minh hơn, và phồn vinh. Nhưng một nghìn năm sau, đứng trên đỉnh cao của sự phát triển, phương Tây đã tự phá hủy thế giới mình bằng hai cuộc chiến tự sát, chôn vùi bao nhiêu niềm mong ước nhân bản của biết bao thế hệ trước. Chiến tranh có sức tàn phá văn minh. Nhìn những tàn phá của Thế chiến I ở châu Âu, một nhóm quan sát viên, những học giả, nhà cải cách của Trung Quốc đầu thế kỷ 20, cho rằng, không thể xây dựng nền văn minh chỉ dựa trên khoa học, công nghệ như thế được. Nhưng hôm nay con cháu họ còn nhớ bài học đó không khi các lãnh đạo Trung Quốc hôm nay cũng dựa trên sức mạnh của khoa học, công nghệ, đang hùng hỗ, bằng sự bành trướng quân sự, và mua chuộc để tóm thâu, đi chinh phục các phần đất khác không phải của họ?

Con người từ đâu đến, câu hỏi đó khoa học đã trả lời được sau khi Schrödinger mất nửa thế kỷ. Nhưng con người đi về đâu, đó là điều không ai biết. Nền văn minh cổ đại vàng son của Hy Lạp rồi cũng tắt. Có những cái gì sẽ tắt trong tương lai nữa? Thế giới đã hòa bình nửa thế kỷ. Đủ lâu để tái diễn chiến tranh? Châu Âu sau nửa thế kỷ chiến tranh Pháp Đức cũng nổ ra những cuộc đại chiến. Bản chất hiếu chiến của tinh thần bộ lạc thời hái lượm vẫn chưa tan, có thể tan?

“Chúa đã chết” từ hơn một thế kỷ. Con người đến lược đi vào giai đoạn ngự trị địa cầu − thời kỳ anthropocene – “một mình một chợ”. Một cuộc chiến tranh đơn phương của con người chống lại tự nhiên đang diễn ra. Con đường của lý trí và trái tim lại tiếp tục phân kỳ. Con người tiếp tục có ảo tưởng như Schrödinger đã diễn tả, chỉ nhìn được một khoảng cách ngắn ngủi ở phía trước? Khoa học có thể góp phần trả lời những vấn đề lớn? Khoa học phát triển được nhờ vượt qua khỏi những ảo giá của các ấn tượng giác quan để đạt tới bản chất sâu thẳm của das ding an sich theo tinh thần của Platon. Nhưng con người thường nhật thời nào cũng vẫn sống theo cảm xúc nhất thời của giác quan đầy ảo giác. Sau Chúa, đến lúc nào đó tác phẩm xinh đẹp của Ngài, “Địa cầu cũng sẽ chết theo”?

Câu nói của Protagoras “Con người là thước đo của tất cả” là con dao hai lưỡi. Hoặc nó được hiểu những quyền lợi chính đáng của con người cần phải được bảo vệ, trong đó có quyền sống, quyền tự do, đó là mặt tích cực. Nhưng nếu hiểu nó như triết lý sống lấy con người làm trung tâm cắt rời khỏi môi trường hành tinh, thì đó sẽ là tai họa cho nhân loại. Chúng ta mới chỉ có lý tính riêng lẻ, mà chưa có lý tính thế giới −Weltvernünft – của Anaxogoras làm hài hòa các lý tính nông cạn cá nhân để tránh một cuộc cạnh tranh, chiến tranh, khốc liệt và mà hậu quả là sự hủy diệt tự nhiên, quê hương của homo sapiens.