Henri Poincaré nói về Albert Einstein

by , under Uncategorized

HENRI POINCARÉ NÓI VỀ ALBERT EINSTEIN

 

Ý tưởng chỉ là một ánh chớp giữa đêm dài. Nhưng chính ánh chớp là tất cả.

La pensée n’est qu’un écliar au milieu d’une longue nuit. Mais c’est cet éclair qui est tout.

Henri Poincaré

 

Lời nói đầu

Anh chị thân mến,

Dưới đây là lá thư của nhà toán học, vật lý, bác học Pháp Heinri Poincaré khoảng tháng 11 năm 1911 gửi cho một đồng nghiệp, Pierre Weiss, nói về phong cách nghiên cứu và tài năng của nhà vật lý lúc đó còn rất trẻ Albert Einstein. Đó cũng là đánh giá Einstein lúc đó 32t của Poincaré lúc đó 66t theo yêu cầu của Đại học kỹ thuật ETH Zürich nhằm bổ nhiệm một giáo sư cho chiếc ghế của Minkowski vốn vẫn trống từ năm 1902 khi ông đi Göttingen. Sách Einstein của tôi có trích dẫn.

Dưới đây là nguyên văn lời đánh giá.

Henri Poincaré (1845-1912). Photograph: Hulton-Deutsch Collection/Corbis

Poincaré, Marie Curie và Einstein trong Hội nghị Solvay 1911 lần thứ nhất, một năm trước khi Poincaré mất quá sớm ở tuổi 67

 

Đồng nghiệp thân mến của tôi,

Ông Einstein là một trong những bộ óc độc đáo nhất mà tôi từng biết; dù còn trẻ nhưng ông đã được xếp hạng rất cao trong số những học giả đầu tiên ở thời đại của mình. Điều chúng ta phải đặc biệt ngưỡng mộ ở ông ấy là sự dễ dàng thích nghi của ông ấy với những quan niệm mới và biết cách rút ra mọi hệ quả từ đó. Ông ta không còn bám víu vào các nguyên lý cổ điển, và khi gặp một vấn đề vật lý, ông ta nhanh chóng xem xét mọi khả năng. Điều này ngay lập tức chuyển trong tâm trí ông ta thành dự đoán về các hiện tượng mới, có khả năng sẽ được kiểm chứng bằng kinh nghiệm vào một ngày nào đó. Tôi không muốn nói rằng tất cả những dự đoán này sẽ thất bại trước sự kiểm tra của kinh nghiệm vào ngày sự kiểm tra này trở nên khả thi. Khi ông ấy tìm kiếm mọi hướng, chúng ta ngược lại phải chờ đợi rằng hầu hết các con đường anh ta đi đều là ngõ cụt, nhưng đồng thời chúng ta phải hy vọng rằng một trong những hướng đi mà ông chỉ ra là đúng đắn; và thế là đủ. Đây chính xác là cách chúng ta nên tiến hành. Vai trò của vật lý toán học là đặt ra các câu hỏi một cách chính xác; chỉ có thực nghiệm mới có thể giải quyết được chúng.

Tương lai sẽ ngày càng chứng tỏ giá trị của ông Einstein, và trường đại học nào biết cách thu hút vị thầy trẻ tuổi này chắc chắn sẽ nhận được nhiều vinh dự từ đó. Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã gửi tác phẩm của Ritz; ông cũng là người đã cống hiến rất nhiều cho Khoa học và là người có thể được mong đợi nhiều hơn nữa nếu cái chết không cướp đi ông quá sớm.

Đồng nghiệp rất tận tâm của bạn,

Poincaré

Nguồn:

La correspondance entre Henri Poincaré et les physiciens, chimistes et ingénieurs. Présentée et annotée par Scott Walter en collaboration avec Étienne Bolmont et André Coret. Tr. 377-378. Nhà xuất bản Birkhäuser 2007.

Nguyên văn:

Mon cher collègue,

Einstein est un des esprits les plus originaux que j’aie connus; malgré sa jeunesse, il a déjà pris un rang très honorable parmi les premiers savants de son temps. Ce que nous devons surtout admirer en lui, c’est la facilité avec laquelle il s’adapte aux conceptions nouvelles et sait en tirer toutes les conséquences. Il ne reste pas attaché aux principes classiques, et, en présence d’un problème de physique, est prompt à envisager toutes les possibilités. Cela se traduit immédiatement dans son esprit par la prévision de phénomènes nouveaux, susceptibles d’être un jour vérifiés par l’expérience. Je ne veux pas dire que toutes ces prévisions résisteront au contrôle de l’expérience le jour où ce contrôle deviendra possible. Comme il cherche dans toutes les directions, on doit au contraire s’attendre à ce que la plupart des voies dans lesquelles il s’engage soient des impasses; mais on doit en même temps espérer que l’une des directions qu’il a indiquées soit la bonne; et cela suffit. C’est bien ainsi qu’on doit procéder. Le rôle de la physique mathématique est de bien poser les questions, ce n’est que l’expérience qui peut les résoudre.

L’avenir montrera de plus en plus quelle est la valeur de M. Einstein, et l’Université qui saura s’attacher ce jeune maître est assurée d’en retirer beaucoup d’honneur. Je vous remercie beaucoup de l’envoi des œuvres de Ritz; c’est là aussi un homme qui a beaucoup fait pour la Science et dont on aurait pu attendre beaucoup plus encore si la mort ne l’avait si prématurément enlevé.

Votre bien dévoué collègue,

Poincaré

 

Lời bạt

Poincaré là một nhà toán học, vật lý học, kiêm triết gia vĩ đai, với tài năng bao trùm nhiều lãnh vực khoa học vô cùng rộng lớn. Ông có cái bộ óc universal. Đầu thế kỷ 21 thế giới được biết đến Phỏng đoán Poincaré, một trong những bài toán chưa có lời giải trong toán học được ông đưa ra đầu thế kỷ 20, được nhà toán học Nga Grigori Perelman giải sau đúng một thế kỷ.

Những năm ở Berlin, các tác phẩm La Science et l’Hypothèse (1902) La valeur de la science (1905) của Poincaré thuộc về những quyển sách nằm trong trái tim tôi. Các ý tưởng của Poincaré soi sáng ý nghĩa của khoa học, toán học, vẻ đẹp và tính nhân văn của chúng đối với con người, giúp tôi hiểu thêm về mặt triết học tại sao chúng ta phải làm khoa học, làm toán, làm vật lý. Toán học, vật lý không chỉ là những công thức hay định lý mà đằng sau đó là những ý tưởng nằm trong một context lớn hơn mang tính triết học.

Hơn mười năm trước tôi đã dịch được một phần trích dẫn quan trọng từ hai tác phẩm nói trên sang tiếng Việt. Tôi mong sẽ có dịp post lên mạng rosetta, ở dạng đầy đủ như có thể để giới thiệu bạn đọc. Đó đây, tôi cũng đã từng trích dẫn những nhận thức của ông trong các bài viết của tôi, chẳng hạn như trong lời giới thiệu quyển sách Thiên tài và Số phận của tác giả Lê Quang Ánh:

Chúng ta thường được hỏi, toán học để làm gì, chẳng phải những cấu trúc tinh vi, những thứ bắt nguồn từ bộ óc chúng ta, là giả tạo và là những đứa con của tính khí bất thường của chúng ta hay sao. Giữa những người đặt câu hỏi này có một sự phân biệt. Những người thực dụng chỉ đòi hỏi chúng ta phương tiện để kiếm tiền. Những người này không xứng đáng một câu trả lời; ngược lại chúng ta nên hỏi họ, họ tích lũy nhiều tài sản để làm gì, người ta có được phép vì nỗi lo âu để kiếm được tài sản mà xao lãng nghệ thuật và khoa học hay không, những thứ duy nhất làm cho tâm hồn chúng ta có khả năng thưởng thức chúng:

Chỉ vì cuộc sống, chúng ta đánh mất lý do tồn tại của nó

(et propter vitam vivendi perdere causas)

Ngoài ra, một khoa học chỉ nhắm vào ứng dụng là không thể được; các chân lý chỉ màu mỡ khi một chân lý này kết nối với một chân lý khác. Nếu người ta chỉ tập trung vào những chân lý mà người ta chờ đợi có một thành công lập tức, thì các mắt xích kết nối sẽ thiếu đi, và tất cả không còn là một sợi chuỗi nữa.

Con người tìm thấy trong lý thuyết mà nó hay ghét bỏ thức ăn hàng ngày mà không hay biết; nếu thức ăn này bị cướp đi, sự tiến bộ sẽ nhanh chóng dừng lại, và chẳng bao lâu chúng ta sẽ bị trì trệ trong sự bất động của người Trung Hoa.

Toán học có một mục tiêu ba tầng. Nó cần cung cấp một công cụ để nghiên cứu tự nhiên. Nhưng nó cũng có mục tiêu triết học, tôi muốn nói, mỹ học. Nó cần giúp nhà triết học hiểu sâu các khái niệm số, không gian và thời gian. Ngoài những thứ này, nó còn đem lại cho những môn đệ của nó những sự thưởng thức tương tự như hội họa và âm nhạc. Họ ngưỡng mộ sự hài hòa tinh tế của các số và dạng; họ ngưỡng mộ một khám phá mới mở ra một viễn tưởng bất ngờ. […] Chỉ một số ít người được chọn lọc mới có khả năng thưởng thức chúng đầy đủ. Nhưng chẳng phải cũng như thế đối với những nghệ thuật tao nhã nhất hay sao?

Cho nên tôi không do dự nói rằng, toán học xứng đáng được chăm sóc vì chính nó, đặc biệt những lý thuyết không có ứng dụng vào vật lý, cũng như những lý thuyết khác.

Henri Poincaré

(La Valeur de la Science)

Tại Việt Nam, Poincaré có lẽ còn ít được biết đến, ngoài Phỏng đoán Poincaré gây không khí sôi nổi một thời, khi nó đã được nhà toán học Nga giải mã. Ông cũng là người đã đi đến Thuyết tương đối hẹp, lọt qua cổng trời tới vùng đất mới, trước cả Einstein, nhưng ông vẫn còn bịn rịn với thuyết ether là chất lúc bấy giờ giới vật lý cho rằng phải tồn tại trong vũ trụ để truyền sóng điện từ, nên đã không đạt tới dạng hoàn hảo của Einstein. Điều này tôi cũng có nói trong sách Einstein. Trong đánh giá trên đối với Einstein, Poincaré có lẽ cũng nói đến sự khác biệt giữa ông và Einstein, một cách gián tiếp, rằng ông thật sự cũng không “dễ dàng thích với những quan niệm mới” như Einstein đã làm.

Có lẽ Poincaré bị cái bóng Einstein che khuất, vì Einstein quá nổi tiếng trên diễn đàn khoa học và cả đại chúng thế giới, do tính thời sự của các lý thuyết ông sau cả trăm năm vẫn còn làm bận tâm các nhà vật lý, và cũng do các quan điểm nhân văn của ông về cuộc đời và giáo dục. Nhưng Einstein là người từng nghiên cứu các tác phẩm của Poincaré lúc còn là sinh viên. Ông đọc chúng cùng với các bạn ông trong nhóm Akademie Olympia. Tôi tin rằng các quyển sách của Poincaré đã gây ấn tượng mạnh và có tác dụng “khai mở” cho chính Einstein.

Xem thêm:

John Wheeler nói về Albert Einstein

và những câu chuyện toán học thú vị:

Định lý cuối cùng của Fermat

 

Diễn từ bất hủ của David Hilbert

 

Nguyễn Xuân Xanh