THẦN NÔNG VIỆT NAM ĐÃ RA ĐI
GIÁO SƯ VÕ TÒNG XUÂN KHÔNG CÒN NỮA
Cuộc đời như một cuốn phim. Hãy để lại những thước phim có giá trị nhất.
Võ Tòng Xuân
Sáng thứ Hai, ngày 19 tháng 8, năm 2024, Giáo sư Võ Tòng Xuân, sau cơn bệnh nặng đã vĩnh viễn ra đi tại Thành phố Hồ Chí Minh, lúc 7 giờ sáng. Tin này như sét đánh. Có lẽ không ai không biết tên tuổi của ông, nhất là người dân của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tôi hay gọi ông là Thần Nông Việt Nam. Thần nông trong truyền thuyết chỉ là truyền thuyết. Nhưng ở đây, Thần nông là câu chuyện có thật, “người thật, việc thật”, được lịch sử ghi chép rõ ràng. Ông rất xứng đáng với danh hiệu cao quý đó.
Võ Tòng Xuân sinh ngày 6 tháng 9 năm 1940 tại xã Châu Phú, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Ông xuất thân từ một gia đình nghèo, phải làm nhiều nghề để lo cho 5 người em. Ông kể: “Khi tôi học xong Trung học đệ nhất cấp thì như những thanh niên khác muốn kiếm trường để lên cấp 3, rất may tôi đậu vào Trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng (nay là trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng). Học Cao Thắng là giai đoạn cực nhất vì gia đình nghèo tôi phải đi bán báo kiếm tiền lo cho việc học và phụ ba mẹ nuôi các em. Mỗi ngày tôi phải thức dậy từ 2 giờ 30 phút sáng đến chổ phát hành lãnh báo, lãnh xong đem về nhà để cả gia đình cùng xếp báo lại, sau đó anh em tôi chia báo ra bán cho đến 6 giờ 30 sáng thì về đi học…”. Sau một thời gian ông bị bệnh lao nặng, và được điều trị tại Bệnh viện Sài gòn. Nhưng cũng chính nơi đây, như một duyên nợ tiền định, ông đã gặp người bạn đời của ông, bà Bùi Thị Ngọc Lệ, “người vợ tào khang” mà ông biết ơn suốt đời. Việc học kỹ thuật ở Trường Kỹ thuật Cao Thắng đã có tác dụng rèn cho ông một khuôn mẫu suốt đời: đức tính kỹ lưỡng, kiên nhẫn, làm việc gì cũng phải chỉnh chu, tác phong nghiêm túc.
Giáo sư Võ Tòng Xuân thăm ruộng lúa tại huyện Tân Hồng, Đồng Tháp. Ảnh: Lục Tùng
Năm 1961, sau khi tốt nghiệp trường kỹ thuật Cao Thắng, ông nhận được học bổng Rockefeller để tham gia vào hoạt động của Viện cây lúa quốc tế IRRI là viện được 24 quốc gia tài trợ, trong đó có những nhà tài trợ chính là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn độ, Indonesia và Philippines. Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân Hóa nông, chưa phải là nghề lúa, nhưng sau đó được nhận làm Nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu cây lúa IRRI.
Năm 1971, một khúc quanh đã đến, ông đã giã từ viện IRRI, nơi cuộc sống của ông rất ổn định, lương cao, điều kiện làm việc rất tốt, để khăn gói về về Việt Nam với mức lương thấp hơn, chỉ vì muốn đào tạo đội ngũ kỹ sư nông nghiệp cho quê nhà theo lời mời của Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ. Lúc đó viện trưởng Đại học Cần Thơ Nguyễn Duy Xuân viết thư sang cho ông: “Đồng bằng sông Cửu Long không có ai chuyên về lúa cả, nếu anh về làm ở đại học chắc sẽ giúp ích được nhiều hơn. Chiến tranh rồi sẽ có ngày hòa bình, cái ăn sẽ luôn luôn đi đầu, rất cần những người như anh…”.
Bà Bùi Thị Ngọc Lệ, phu nhân của GS Võ Tòng Xuân
Tình yêu đất nước và khao khát đem kiến thức áp dụng cho quê hương của anh lúc nào cũng mãnh liệt, mặc cho mọi gian khổ, thử thách. VN lúc đó chưa có những nhà nông khoa học. Chính ông là người đã mở màn cho việc đào tạo bài bản. Trong 2 năm, 1972 – 1974, ông đã hướng dẫn được 25 SV làm luận văn tốt nghiệp, nền tảng khoa học cho cây lúa. Con số này sẽ tăng lên hàng nghìn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Võ Tòng Xuân trong buổi công bố chức danh giáo sư nhà nước, tháng 4,1981 (Thanh Niên)
Cuối năm 1974, ông sang Nhật Bản bảo vệ luận án tiến sĩ và sau khi đất nước thống nhất, trở về từ Nhật Bản, ông mang những kiến thức đã học ở nước ngoài về phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam.
Năm 1975, ông không ra đi, mà vẫn tiếp tục ở lại “bám ruộng, bám đồng” để phát triển cây lúa VN, góp phần hồi sinh và thăng hoa kinh tế lúa trong những điều kiện rất khó khăn. Đây cũng là một điểm son của ông.
Tại lễ nhận giải thượng VinFuture năm 2023, ông chia sẻ: “Muốn làm sao để người nông dân Việt Nam giàu hơn. Đi nước này nước kia, tôi thấy sao người nông dân người ta giàu quá vậy, mà người nông dân nước mình lại nghèo thế. Cần làm sao để người nông dân trồng lúa Việt Nam có thu nhập cao lên. Từ đó tôi xác định mục tiêu để học, nghiên cứu nhằm giải quyết vấn đề”.
Ông Võ Tòng Xuân được xem là “cha đẻ” của nhiều giống lúa ngon của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ông là người, bằng những phương pháp sáng tạo mới mẻ, đã phổ biến giống lúa IR36 nhanh chóng trên diện rộng có đặc tính dễ trồng, khống chế được rầy nâu và cho năng suất cao tới 8-9 tấn/ha, góp phần giải quyết nạn khan hiếm thực phẩm quốc gia. Ông cũng có nhiều đóng góp biến các giống Thần Nông, IR33, IR64, MTL30 khắp các tỉnh miền Tây. Đóng góp của ong rất nhiều, không kể hết.
Ông cũng đã đưa nhiều giống lúa cao sản và chất lượng cao sang châu Phi. Đây cũng là một hoạt động hết sức quan trọng của ông.
GS Võ Tòng Xuân nhận Giải thưởng VinFuture năm 2023
“Cuộc đời như một cuốn phim. Hãy để lại những thước phim có giá trị nhất“: Đó là Võ Tòng Xuân. Ông được phong “Anh hùng lao động” năm 1985 là năm khó khăn nhất của Việt Nam. Ông là nhà khoa học không phải đảng viên hiếm hoi đứng trước diễn đàn của Quốc hội hùng hồn hiến kế cho đất nước. Ông từng là đại biểu quốc hội 3 khóa liền. Điều đó nói lên uy tín của ông, điều không phải dễ đối với người ngoài Đảng, nhất là trí thức từ miền Nam.
Ông nhận được hầu hết các vinh danh: được phong Giáo sư vào năm 1980, được tặng danh hiệu Anh hùng lao động năm 1985, Nhà giáo Ưu tú năm 1990, Nhà giáo Nhân dân năm 1999, Huân chương Lao động hạng ba năm 1981 và Huân chương Lao động hạng nhất năm 1986. Ông cũng được nhận nhiều giải thưởng quốc tế, bao gồm: Giải thưởng Derek Tribe về khoa học kỹ thuật 2005; giải thưởng Nikkei Á châu năm 2002 về tăng trưởng vùng; giải thưởng Ramon Magsaysay về phục vụ Nhà nước năm 1993; huy chương “Kỵ mã nông nghiệp” của Bộ Nông Lâm Thủy sản Pháp, năm 1996, bằng khen của Bộ Ngoại giao Nhật Bản 2019, Huân chương Mặt Trời Mọc của Chính phủ Nhật Bản năm 2023. Vâng, ông đã nếm trải đủ cả: gian khổ của tuổi thơ và thành niên, cũng như vinh quang ở tuổi trưởng thành, từ những nỗ lực phi thường của ông.
Ảnh tang lễ tại gia đình GS Võ Tòng Xuân
Chiều 21-8, Tổng lãnh sự Nhật Bản ONO Masuo đã đến Nhà tang lễ TP Cần Thơ trực tiếp viếng và chia buồn cùng gia quyến GS Võ Tòng Xuân. Ông ONO Masuo đã trình bày cảm tưởng bằng tiếng Việt:
“Giáo sư Võ Tòng Xuân là du học sinh tại Trường đại học Kyushu Nhật Bản vào năm 1974. Ông đã cống hiến trọn đời cho việc nghiên cứu về cây lúa, không chỉ riêng tại Việt Nam mà còn được nhiều bạn bè quốc tế yêu mến gọi ông là Dr.Rice. Sự ra đi của ông là mất mát to lớn đối với gia đình và những người yêu mến ông. Đặc biệt, vì sự đóng góp quý báu lâu năm của ông cho việc phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, GS Võ Tòng Xuân đã được Nhật Bản trao tặng Huân chương Mặt trời mọc Tia sáng vàng và Ruy băng cổ năm 2021. Thay mặt cho Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, tôi xin bày tỏ lòng kính trọng đối với những đóng góp to lớn của GS Võ Tòng Xuân và hy vọng các thế hệ nối tiếp của ông cũng sẽ nỗ lực hết mình như ông trong con đường xây dựng phát triển mối quan hệ hữu nghị Nhật – Việt cho hôm nay và mai sau”.
Ông ONO Masuo sẽ tiếp tục ở lại TP Cần Thơ để sáng mai tham dự lễ truy điệu GS Võ Tòng Xuân. (Báo Tuổi Trẻ ngày 21/08/2024)
Vào giai đoạn đầu của Minh Trị Duy Tân, nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi đã nghiên cứu về sự tiến bộ của văn minh của phương Tây và “những định luật tinh thần của sự tiến bộ” theo hàm số của đạo đức và trí tuệ. Đạo đức có “mối quan hệ trực tiếp hơn với nghĩa vụ của chúng ta” và trí tuệ “với tri thức của chúng ta”. Để nền văn minh tiến bộ, cả hai đều cần thiết và gắn kết với nhau. Sẵn sàng thực hiện bổn phận của mình là phần đạo đức; biết thực hiện nó là phần trí tuệ. Võ Tòng Xuân là người có đủ hai phẩm chất đó: thực hiện nghĩa vụ đối với đất nước như một thái độ đạo đức, và có năng lực trí tuệ để thực hiện nó. Và các trí thức yêu nước khác cũng đều như thế cả. Có như thế quốc gia mới tiến bộ. Tinh thần đó – đức hạnh và sự thông minh (tri thức) – khi lan tỏa trong dân tộc, sẽ làm cho quốc gia tiến bộ, rủ bỏ quá khứ nghèo nàn, để đi lên phồn vinh. Tinh thần của họ đã hòa nhập vào tinh thần của thế giới.
Những năm trước dịch Covid, thỉnh thoảng tôi còn gặp anh ấy tại Lễ trao Giải Sách Hay. Anh là người rất hăng say và tâm huyết với giáo dục, và thường được mời phát biểu. Sự hiện diện của anh ấy làm tăng lên giá trị của những ngày hội sách như thế. Ông từng đảm nhiệm nhiều trọng trách như Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, sáng lập và là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học An Giang; hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo; sau đó là Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ.
Gia đình diễn đàn edu-sci mà ông là thành viên rất lâu gửi nhiều lời phân ưu với gia đình ông. Trong vòng nửa năm qua, chúng ta mất mát nhiều tài năng của thế hệ trước: Cao Huy Thuần, Chu Phạm Ngọc Sơn, ở hải ngoại có Phạm Gia Thụ, nhà thống kê học nổi tiếng ở Canada, đồng học lớp toán MGP ở Đại học Sài gòn cùng với tôi, Thế hệ này dần lùi vào dĩ vãng. Họ đều mang theo nỗi ưu tư và khát vọng về một tương lai tươi sáng bền vững cho giống nòi Việt Nam.
Nguyễn Xuân Xanh
ĐÔI DÒNG KÝ ỨC
Nhiều anh chị trong diễn đàn edu-sci là bạn của anh Võ Tòng Xuân. Sự ra đi đột ngột của anh gây ra bao nhiêu bàng hoàng và luyến tiếc. Dưới đây là hồi tưởng của của một số anh chị. Riêng anh Võ Tá Hân đã hoàn tất khẩn trương một video clip nhạc để tưởng nhớ người bạn đã khuất.
Viết tới đây, tôi nhớ lại những lời của Tướng Mỹ Douglas MacArthur. Khi bị triệu về Mỹ để bị nghỉ hưu vì bất đồng chính kiến với Tổng thống Truman về chiến lược đối với Bắc Hàn và Trung Quốc, MacArthur là một hard-liner, ông có bài phát biểu tại một buổi họp lưỡng viện. Bài phát biểu bị đứt quãng vài chục lần vì tiếng hoan hô. Và ông kết thúc với câu:
“Các chiến sĩ già không bao giờ chết; họ chỉ phai nhạt đi thôi”
(Old soldiers never die; they just fade away)
(Lời cầu nguyện của tướng Douglas MacArthur cho con trai của ông)
từ một bài ca ballad của binh sĩ Anh trong Thế chiến I mà ông đã học được trong những ngày ở West Point. Tôi liên tưởng, những người Việt Nam đã từng tâm huyết cống hiến cho đất nước, như các anh Võ Tòng Xuân, Chu Phạm Ngọc Sơn, …. cũng giống như những chiến sĩ. Họ không bao giờ chết; họ chỉ phai nhạt đi thôi.
Anh Xuân qua đời là một sự mất mát to lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam! Tôi hết sức kính mến anh Xuân, và vô cùng ngưỡng mộ những gì anh đã cống hiến cho đất nước! Anh Võ Tòng Xuân xứng đáng yên nghỉ sau một cuộc đời tốt đẹp, một tấm gương sáng cho các thế hệ đã biết đến anh!
–Trần Hà Anh
Xin chân thành chia buồn với gia đình và bạn hữu của anh Võ Tòng Xuân, một người trí thức chân chính của đất nước.
–Nguyên Ngọc
Lần cuối gặp anh Võ Tòng Xuân cách nay cũng 15 năm là khi tôi đưa anh tham quan 4 trường đại học ở Singapore chụp hình, quay video, thu thập tài liệu, gặp vài quan chức, giáo sư tham khảo, lấy ý kiến để mang về cho ngôi trường của anh. Trước khi về nước thì bà xã tôi còn đưa anh Xuân ra phố Tàu mua dầu về làm quà cho chị … và rồi thì vài tuần sau đó được tin chị Xuân qua đời… Năm ngoái thì anh Xuân bị bệnh nặng nhưng rồi qua khỏi và nhìn hình ảnh thì tưởng là anh đã hoàn toàn bình phục. Do đó nhận được tin anh đã vĩnh viễn ra đi thì thật là bất ngờ và buồn quá! Đất nước lại vừa mất đi một nhân tài! Biết chia buồn cùng ai đây?
Xin chia sẻ một video clip nhạc tôi thực hiện gấp để tưởng nhớ anh Xuân:
https://www.youtube.com/watch?v=0nkWCE6UXL8
–Võ Tá Hân
Tôi tin là GS Võ Tòng Xuân sẽ được thế hệ tương lai nhớ đến như một tấm gương cao quí cả về tài năng và tấm lòng với quê hương đất nước.
–Vũ Minh Khương
Vô cùng thương tiếc anh Võ Tòng Xuân, vẫn nhớ những ngày cùng với anh Xuân đi Canada, cùng Hội thảo Hè…Cầu chúc anh yên nghỉ cõi vĩnh hằng.
–Lê Đăng Doanh
Xin chia buồn với gia đình anh Võ Tòng Xuân và cộng đồng bạn hữu edu-sci chúng ta.
–Nguyễn Trung
Sáng hôm nay, tôi bàng hoàng đau đớn khi nhận được tin Giáo sư VÕ TÒNG XUÂN qua đời. Suốt cả ngày, những kỷ niệm các cuộc gặp Anh, nghe Anh thuyết trình, trò chuyện với Anh…cứ tràn về. Đặc biệt cuộc trò chuyện trên chuyến bay dài đi Canada đầu thập kỷ 1990 (cùng các anh Lê Đăng Doanh, Võ Quý) và cả lượt về, mỗi lần mười mấy tiếng đồng hồ, đối với tôi không bao giờ có thể quên được. Tôi học được từ Anh không biết bao nhiêu điều trong chuyến đi đó, cả về nông nghiệp, lúa gạo, tôm cá, trái cây, cuộc sống của nông dân, đến giáo dục, sự học, cũng như về Đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt An Giang, quê hương Anh và cũng là nơi tôi được sinh ra. Từ chuyến đi đó, Anh gọi tôi là đồng hương, và lần nào anh em gặp nhau cũng có bao chuyện để nói. Lần cuối gặp Anh tại Mekong Connect năm ngoái, hai anh em ôm nhau mừng mừng tủi tủi khi tôi chúc mừng Anh vượt qua thách thức lớn về sức khỏe. Anh còn cười bảo tôi yên tâm, sẽ có nhiều dịp cùng làm việc với nhau nữa, vì Đồng bằng sông Cửu Long đang tới lúc chuyển mình mạnh mẽ. Vậy mà hôm nay Anh lại ra đi…
Đất nước ta thời nào cũng có những nhân tài, những người con ưu tú. Nhưng với tôi, người như Anh Võ Tòng Xuân thực sự quý hiếm, cả về tài năng, đức độ và sự cống hiến trọn đời cho Đất nước. Yêu nước, thương đồng bào, nhất là thương nông dân và học sinh, tận tụy bền bỉ dốc lòng dốc sức cho cây lúa, cho nền nông nghiệp, cho sự phát triển của Việt Nam…, mấy ai được như Anh!
Cầu mong Anh rũ bỏ những điều còn trăn trở, thanh thản về cõi vĩnh hằng. Những người đã được học Anh, làm việc với Anh, cùng hàng chục triệu nông dân Việt chắc chắn sẽ mãi nhớ công lao của Anh và tiếp tục chung sức cho nền nông nghiệp Việt, cho Đồng bằng sông Cửu Long và Việt Nam thịnh vượng như Anh hằng mong ước.
Xin thành tâm chia buồn cùng gia quyến và bạn bè thân hữu, đồng nghiệp của GS Võ Tòng Xuân.
–Phạm Chi Lan
Để tưởng nhớ anh Xuân xin viết vài dòng dưới đây.
Có người bạn tôi là Hoàng Thái Việt viết về quan hệ giữa chúng tôi và anh Xuân như sau (tôi viết chúng tôi vì hồi đó chúng tôi quan hệ chặt chẽ trong việc tiếp đón các nhà khoa học Việt Nam sang Mỹ):
….
Anh Xuân đi thăm Mỹ lần đầu cùng với giáo sư Võ Quý (Zoologist và là “Father of Environmental Conservation in Vietnam”) khoảng giữa thập niên 1980’s do ông Ed Cooperman/Hội US-Vietnam Scientific Cooperation Committee dàn xếp. Vân Mai và tôi có đón tiếp hai người tại Berkeley. GS Võ Quý đóng góp rất nhiều trong sự hợp tác giữa Mỹ và VN trong vấn đề Agent Orange/Dioxin (https://www.nytimes.com/2017/01/11/world/asia/vietnam-vo-quy-dead.html).
Sau đó anh Xuân có đi Mỹ nhiều lần; dự hội nghị hay đi họp với tư cách là thành viên của Board of Directors của Rockefeller Foundation. Anh Xuân có tham dự Hội thảo Hè năm 2008 tại Nha Trang. Nhiều anh chị em có quen biết và liên hệ khá thân mật với anh Xuân. Tôi cũng có dịp gặp chị Lệ, vợ anh Xuân, khi thăm anh Xuân ở An Giang. Lúc đó chị Lệ đã bị bệnh nặng phải ngồi xe lăn và mọi việc trong nhà phải nhờ cô cháu anh Xuân giúp đỡ.
…
Tôi cũng gặp anh Xuân nhiều lần ở Mỹ, và lần đầu tiên vào khoảng 1980-1990, khi anh ấy còn dạy ở Đại học Cần Thơ, được đưa đi xem ruộng và các vườn trồng cây ở đó. Tôi không nhớ gặp anh lần cuối là lần nào nhưng dường như chỉ một ngày rất gần đây vì cũng thường trao đổi email với anh.
–Vũ Quang Việt
Xin chia buồn với gia quyến Anh Võ Tòng Xuân và cùng với các bạn của Anh thương tiếc và vinh danh Anh ở đây. Tôi có dịp gặp anh trong dịp tham gia giảng dạy môn Luật Thương mại quốc tế trong khoá huấn luyện về Kinh tế Thị Trường mà anh Xuân tổ chức tại Đại học An Giang khi anh làm Viện Trưởng, và có dịp hàn huyên khi anh lái xe chở tôi về Sài Gòn. Rất kính phục một trí thức chuyên gia với rất nhiều thành tích và nhiệt huyết xây dựng cho nông nghiệp và giáo dục đại học Việt Nam.
–Tạ Văn Tài
Tôi cảm ơn bài viết của anh về anh Võ Tòng Xuân mà tôi vô cùng kính mến và thương tiếc. Đây là một mất mát vô cùng lớn, anh Xuân đi đến đâu luôn luôn có khả năng dẫn những đối tác về với những suy nghĩ mộc mạc nhưng bền vững, đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc. Cách đây có mấy tháng tôi đã có dịp làm việc với anh Xuân.
Khó lòng tìm ra người thay thế anh.
–Phan Văn Trường
Võ Tòng Xuân – Giải thưởng VinFuture – Chuyện bây giờ mới kể
Vào cuối năm 2023, anh Võ Tòng Xuân đã được trao Giải thưởng VinFuture:
Câu chuyện này của tôi, có lẽ tôi không được phép kể, vì thuộc loại “confidential”, nhưng nay anh Xuân đã ra đi rồi, ngồi nhớ lại mấy chuyện vui buồn có liên quan đến anh, tôi phá lệ thôi; tôi mong Quỹ VinFuture không lấy làm phiền.
Từ khi Giải thưởng VìnFuture được thành lập trong năm 2021, tôi được Quỹ mời làm một “Official Nominator”, tức là mỗi mùa giải, tôi được gởi đề nghị đến Quỹ các nhà khoa học trên thế giới làm ứng viên cho ba giải thưởng. Ngày từ đầu, khi nghĩ đến việc giớ thiệu một nhà khoa học Việt Nam, tôi nghĩ ngay đến anh Xuân. Câu chuyện về cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đã luôn gắn bó với tên anh. Tôi sớm nhờ anh Nguyễn Xuân Xanh giúp tôi liên lạc với anh Xuân để làm bộ hồ sơ tiến cử.
Anh Xuân gởi cho tôi rất nhiều tài liệu về sự nghiệp khoa học của anh, chủ yếu là các công trình về cây lúa… Tôi không nhớ đã kéo dài bao lâu, nhưng tôi ngồi đọc hết, và viết tóm tắc công trình của anh trong một mẫu thư của Quỹ (nomination letter). Càng đọc công trình từ những năm đầu thập kỷ 1970s, tôi càng hiểu về những sáng kiến, sáng tạo, cố gắng… của anh trong việc tạo ra các giống lúa mới, cải thiện cách trồng lúa, rồi đi giới thiệu và thuyết phục nông dân miền Đông, miền Tây trồng lúa theo khoa học… Anh đã cố gắng không ngừng nghỉ, với một định hướng, và một tấm lòng, là nhằm làm tốt hơn việc sản xuất lúa gạo để cải thiện đời sống nông dân. Anh cũng đã đem kiến thức và kỷ thuật trồng lúa của mình sang giúp các nước châu Phi.
Nhưng anh Xuân không được chọn cho giải VinFuture 2021, rồi 2022 cũng không. Tôi khá thất vọng; tự nhủ là có lẽ giải mới thành lập nên các tiêu chí chọn lựa chưa rõ ràng. Vì khá bức xúc, nên khi ra có dịp Hà nội vào đầu tháng 3/2023, tôi có nhờ một đồng nghiệp hẹn cho tôi gặp cô giám đốc Quỹ VinFuture.
Tôi nhớ, cuộc gặp gỡ với cô giám đốc H. rất vui, cởi mỡ và thẳng thắn về các giải trong hai năm qua. Nhưng trên đường về, nhớ lại, tôi nghĩ chắc là… xong rồi; vì mình bức xúc đã khá mạnh miệng nói nhiều điều không nên nói, nên có lẽ anh Xuân sẽ chẳng bao giờ được giải thưởng này. Anh Xuân đã được khá nhiều giải thưởng quốc gia (Anh hùng lao động…) và quốc tế (như huân chương Nhật bản…), nhưng đây là một giải đưa anh ngang tầm với các nhà khoa học lớn thế giới.
Nhưng rồi, Quỹ xem lại, và cuối năm 2023 anh Xuân đã được trao Giải VinFuture cho nhà khoa học các nước đang phát triển (scientist from developing countries). Tôi quá vui! Bạn bè và đồng nghiệp đều rất vui. Tôi xin cảm ơn Quỹ VinFuture đã nhận đề nghị của tôi (kịp) trao giải cho anh. Chỉ có một điều là, anh Xuân chia sẽ với tôi và anh Xanh, trong ba người được giải, có một không thật sự là một nhà khoa học, mà là một quan chức!.
Giờ ngồi nhìn lại tấm ảnh trên trang báo Tuổi Trẻ (xem trên), thấy anh Xuân rạng rỡ trong buổi nhận giải thưởng, tôi thấy vui và buồn. Vui vì mình đã làm tròn bổn phận phải làm với anh, và với cộng đồng khoa học nước nhà. Buồn vì chưa có dịp về nước gặp lại anh để chúc mừng, anh đã vội ra đi.
–Nguyễn Minh Thọ
Giáo sư Võ Tòng Xuân là nhân tài hiếm có của đất nước, được đông đảo dân chúng ngưỡng mộ và tặng danh hiệu Tiến sĩ của Nông dân hay Doctor Rice. Khi được tin anh Xuân mất (sáng 19/8/2024), báo chí đăng tin và nhiều bài viết về sự nghiệp khoa học và giáo dục của anh.
Riêng tôi cũng có nhiều kỷ niệm với anh. Chỉ kể vài chuyện đáng nhớ nhất.
Anh Xuân nhận rất nhiều giải thưởng quốc tế danh giá, trong đó có Giải Nikkei Asia, do tờ nhật báo uy tín Nikkei Shinbun tổ chức. Giải nầy hằng năm trao cho 3 người Á châu đã có thành tích xuất sắc về nghiên cứu hoặc hoạt động thực tiễn về một trong ba lãnh vực: Kinh tế phát triển, khoa học công nghệ và văn hóa. Từ 1996 là năm trao giải đầu tiên đến giữa thập niên 2000 tôi được báo Nikkei nhờ tiến cử người Việt Nam vào trong danh sách để Ban Giám khảo bình chọn. Năm 2001 tôi giới thiệu Giáo sư S. vào bộ môn kinh tế phát triển của Giải thưởng. Giáo sư S. là người đầu tiên ở Việt Nam viết nhiều báo và sách nói về những khiếm khuyết của kinh tế kế hoạch tập trung và kêu gọi Việt Nam cần chuyển sang kinh tế thị trường, xem như người đóng góp về mặt lý luận để dẫn tới đổi mới năm 1986. Rất tiếc năm đó Giải thưởng Nikkei Asia được trao cho một lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ, có công đầu trong việc phát triển ngành công nghệ thông tin (IT). Năm sau tôi giới thiệu Giáo sư Võ Tòng Xuân. Lần này có thêm Đại sứ Nhật tại Việt Nam cũng tích cực tiến cử. Rất mừng là anh Xuân đã được trao Giải Nikkei Asia năm 2002. Tôi có tham dự Lễ phát thưởng tại Tokyo.
Một kỷ niệm đáng nhớ khác là lúc anh Xuân hướng dẫn vợ chồng tôi thăm Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2003. Ngoài việc hiểu biết tình hình phát triển và đời sống người dân ở vựa lúa Việt Nam dưới sự hướng dẫn của chuyên gia uy tín số một, chúng tôi được chứng kiến một hiện tượng mà nhiều người có kinh nghiệm tương tự đều nhắc đến. Đó là thấy anh Xuân hòa mình vào nông dân, ân cần hỏi thăm nông dân về cây lúa, cây ăn trái, tình trạng mương lạch, giếng nước, v.v.. Ấn tượng nhất là ai cũng xem anh như người thân, người thầy đáng kính.
Xem lại các emails trao đổi với anh thấy có một chi tiết vui. Tháng 7 năm 2015 báo Nikkei có tổ chức hội thảo tại thành phố Hồ Chí Minh về đề tài “Các vấn đề phát triển của Việt Nam và triển vọng hợp tác Việt Nhật”. Họ nhờ tôi liên lạc với anh Võ Tòng Xuân hỏi ý kiến anh trước khi họ gửi thư mời chính thức. Kết cuộc cả anh và tôi đều tham gia. Trước khi về dự hội nghị tôi hỏi anh thích thứ gì ở Nhật để tôi mang về làm quà và anh viết mail ngày 4/7/2015 như sau: “Tôi có cây viết (bút bi) sử dụng refill sau đây (chụp hình cây bút kèm theo). Vì tôi thường ký tên các văn bản bằng mực xanh này, nhưng kích thước bi 0,7 vẫn còn nhỏ quá, anh có thể mua cho tôi một hộp loại 1 – 1,2 mm”.
Tôi có một ân hận là hồi anh Xuân làm hiệu trưởng Đại học An Giang, anh có yêu cầu tôi thu xếp về giảng dạy một khóa hai hoặc ba tháng. Tôi hứa nhưng rồi chẳng thực hiện được.
Viết vài kỷ niệm để tưởng nhớ Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhà khoa học tận tụy với việc phát triển kinh tế Việt Nam.
–Trần Văn Thọ, Tokyo
Hai bữa ăn với Giáo sư Thần Nông
Giáo sư Võ Tòng Xuân xưng anh và gọi tôi em ngọt xớt. Ổng xưng hô vậy sau khi biết tôi gốc gác An Giang. Hoạt động của ông rất rộng, người ta gọi ông là ông Thần Nông vì thành tựu nổi bật ban đầu của ông là đưa các giống lúa Thần Nông vào Miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Tôi thì thấy bên cạnh các lãnh vực khác, hình như hoạt động giáo dục của ông quan trọng không thua hoạt động canh nông chút nào.
Năm đó tôi về đồng ruộng Việt Nam lấy mẫu cá để trích ARN ribosome. Các mẫu ARN ribosome được so sánh với nhau để vẽ cây chủng loại phát sinh (phylogénie)của các loài sinh vật có xương sống. Ông dẫn tôi lấy mẫu cá tra, cá trê, cá chép, ếch, thằn lằn, chuột và một số động vật có xương sống khác. Lần đầu tiên được dọc ngang sông rạch Bình Thủy, mà được đi với ông mới khoái vì ông quen biết rộng, lội ngang vườn cây, ao cá nào cũng có người quen.
Bữa cơm thân mật với ông bà giản dị mà ngon miệng. Về tới nhà vẫn còn nắng, ông kêu, em ơi có Lãnh Vân tới nè. Rồi hai anh em dọn dẹp cái bàn bên cửa sổ, khiêng nó dịch về hướng có ánh sáng nhiều hơn. Tô canh chua cá bông lau, dĩa cá kho với thịt ba chỉ xắt lát của cháu hàng xóm đem qua. Dưa leo, rau sống. Ngon hông? Anh thấy món nhà quê mình ngon nhứt hạng! Mâm cơm đầy tiếng nói chuyện, đề tài về ao vườn, đồng ruộng, trường học. Bà cũng tham gia bàn luận về đề tài giáo dục, nhờ vậy tôi biết bà cũng trong hàng ngũ trí thức.
Ông Xuân lại hỏi ngon hông…
– Dạ, em ăn dễ ngon lắm. Ăn vui là ăn ngon. Ăn với anh chị rất vui!
– Mình đi công tác giữa đồng, gặm miếng bánh đỡ đói là chuyện khác. Anh với Lãnh Vân làm việc nhiều, phải ăn nhiều mới có sức làm việc.
Ông lại nói thêm: ăn có bạn hữu chung tâm tình đương nhiên là vui rồi. Mà, ăn vui khác với ăn ngon. Anh thì ăn một mình cũng phải ăn ngon miệng!
Cuối buổi cơm, anh dặn tôi nên làm theo anh: mỗi buổi sáng uống một ly nước chanh không đường để giữ sức khỏe!
Khoảng mười mấy năm sau, năm 2003 hay 2004 không nhớ rõ, lại có dịp làm việc ông. Lúc đó ông lo dựng trường đại học An Giang, và ngôi trường cũng khá khang trang rồi. Tôi thì có một ít tiền, ba mươi sáu ngàn đô-la Mỹ của công ty DuPont Vietnam, giúp ông trang bị phòng Lab cho thư viện trường! Đưa ông từ An Giang lên Sài Gòn, ông biểu ghé góc Lê Văn Sĩ – Trần Quang Diệu. Hai anh em đi vô một con hẻm, tôi xúc động thấy chị đang bệnh phải mở khí quản. Chị gầy gò, không nói chuyện được, chỉ ra hiệu. Em nhớ Lãnh Vân không? Chị gật đầu, quơ tay nắm tay tôi. Thấy nước thức ăn của chị vương vãi trên bàn, ông lấy giấy lau, rồi chậm nhẹ trên cổ, trên tay cho chị.
Ông dẫn tôi đi ngang cây xăng, băng qua đường Trần Quang Diệu tới một quán mì, hủ tíu, giới thiệu quán này lâu đời, nhiều người chuộng. Sau vài câu cho biết bệnh tình của chị, hai anh em nói chuyện về trường đại học An Giang. Tưởng ông vui lắm vì đã dựng được ngôi trường, té ra ông còn rất nhiều tâm sự. Trường quan trọng, Ban giám hiệu quan trọng, mà hệ thống giáo dục đại học quốc gia còn quan trọng hơn nhiều lắm em. Mình đâu có tự chủ đại học, bên trên chụp xuống hết. Chỉ ra đường nắng đẹp, ông nói trời muốn nắng mình được ráo, trời muốn mưa mình phải ướt, mà mưa hoài, em ơi!
Hai người cập nhật tin tức của nhau. Ông kể mình được trao tặng giải thưởng Giải thưởng Nikkei Asia, được trao giải lại nhớ bạn bè và sinh viên Việt Nam. Ông hỏi tôi có biết giáo sư Trần Văn Thọ ở Nhật không. Ông nhắc những bạn bè khắp thế giới, hỏi thăm bằng hữu bên Pháp, Hoa Kỳ, Canada…
Tôi kể mấy hôm trước đi công tác ghé qua Viện Cây ăn quả Miền Nam, nói chuyện lâu với anh viện trưởng Nguyễn Minh Châu. Anh Châu và tôi cùng thế hệ, tôi học ở Sài Gòn nên không học với ông Xuân, nhưng tự coi mình thuộc lứa học trò của giáo sư. Ông Xuân thở dài nói, thằng Châu cũng khổ với mấy ông ở ngoải, không có 15% – 20% thì chương trình nào cũng xếp vô tủ!
Ông nói tánh tham ăn của con người mình hiểu được, mà ăn phải biết chừa cho người khác sống với chớ. Đang trong dòng câu chuyện, tôi tưởng ông nói về tham nhũng, té ra ông đã đổi đề tài. Nông nghiệp thì bỏ thuốc bảo vệ thực vật độc hại vô ruộng rồi tháo ra môi trường, tôm cá thì quản lý ô nhiễm không được, tràm chim bị lấn dần… riết rồi vi sinh chết, công trùng chết, phiêu sinh chết, chim chóc bỏ đi thì nông nghiệp, sinh thái cũng lần lần chết luôn…
Những lần làm việc, nói chuyện với ông, tôi cảm nhận rõ rệt một con người dù đi tới đâu trên thế giới, được giải thương quốc tế gì đi nữa, vẫn chân chất cây lúa trên đất phù sa Lục Tỉnh. Con người ấy, dù kiến thức sâu rộng vẫn bình dị tự thấy mình là một cây lúa giữa ruộng lúa bao la. Con người ấy làm nhiệm vụ công dân trí thức của mình một cách hồn nhiên như cây lúa đơm bông dưới ánh sáng mặt trời!
Nghe tin giáo sư Võ Tòng Xuân mất, anh Nguyễn Xuân Xanh viết email hỏi tôi có trải nghiệm gì với anh Xuân không. Tôi có khá nhiều, chỉ xin viết những khía cạnh ít người viết, vì công lao của ông nhiều người viết rồi. Từ lâu và từ đáy lòng, tôi luôn áy náy với ông, ông nhờ làm hai việc tôi đều không làm được. Việc thứ nhứt là mở bộ môn Sinh học Phân tử hoặc bộ môn Tiến hóa học cho trường đại học An Giang. Việc thứ hai là dịch các bộ sách về Môi trường học và Tiến hóa học của Giáo sư Guillaume Lecointre, cố vấn về Sinh học cho Tổng thống Pháp, người xưa kia là bạn thân của tôi tại trường đại học Orsay. Sự áy náy quyện với lòng thương tiếc ông, giáo sư Võ Tòng Xuân, người đại diện cho một lớp người năng nổ, hồn nhiên, sống tử tế và phụng sự chân thành!
Lê Học Lãnh Vân
Ngày 20 tháng 8 năm 2024
(Cập nhật 26/8/2024)
Xin cảm ơn anh Võ Tá Hân thông tin này.
(Cập nhật 26/8/2024)