BẤT CẬP CỦA HỆ THỐNG BẦU CỬ Ở HOA KỲ
VÀ NHỮNG HỆ QUẢ CỦA NÓ
Khi “Quyền của Thiểu Số” trở thành “Sự Thống Trị của Thiểu số”
TS. Nguyễn Trung Dân
Lời nói đầu. Phải nói rằng, thể thức bầu cử của Mỹ ở nhiều điểm là rất bất hợp lý. Người thắng cuộc có thể lại là người thua cuộc trong thực tế, vì nhận được ít phiếu hơn đối phương. Xuất phát từ suy nghĩ của những người cha lập quốc muốn bảo vệ các bang thiểu số ít dân, hệ thống bầu cử Mỹ vô tình đã trao quyền lãnh đạo cho những tổng thống có ít tính đại diện về số phiếu cá nhân, cũng như những tổng thống đại diện cho những vùng có GDP thấp đối với những vùng có GDP cao, có thể cao hơn nhiều, dẫn đến nghịch lý: Vùng kinh tế kém phát triển lãnh đạo vùng kinh tế phát triển cao. Do đó, thể thức bầu cử không phản ảnh thực tế ý dân. Hai thí dụ sau đây sẽ cho thấy sự bất cập đó:
- Năm 2000 ứng cử viên (ƯCV) Al Gore của đảng DC thắng ƯCV G.W Bush của đảng CH hơn 553 ngàn phiếu phổ thông trên toàn quốc, nhưng vì thua chỉ 537 phiếu phổ thông ở tiểu bang Florida mà phải chịu mất 25 Đại cử tri của bang này, khiến G. W. Bush giành được tổng cộng 271 phiếu Đại cử tri (ĐCT), quá 1 phiếu ĐCT cần thiết để giành được ngôi vị tổng thống nước Mỹ năm 2000.
- Thí dụ thứ hai. Năm 2016 bà Hillary Clinton thắng ông Donald Trump hơn 2.87 triệu số phiếu phổ thông (tương đương 2.1% số phiếu bầu năm đó) nhưng vẫn bị thua phiếu ĐCT, trong khi năm 2020, ông Biden thắng Trump 7 triệu số phiếu phổ thông (4.5%) nhưng kết quả chiến thắng chung cuộc của ông Biden cũng chỉ khá sít sao.
Đó là chưa nói sự bất hợp lý cho tỷ lệ đại diện trong Thượng viện, và cả Hạ viện. Tại Thượng viện, mỗi tiểu bang đều có 2 đại diện, bất kể số dân của các tiểu bang, một loại “bình đẳng chủ nghĩa”.
Những bất cập trên dẫn đến “sự thống trị của thiểu số”, điều không xuất hiện ở các nền dân chủ khác, và các quốc gia theo thể chế liên bang khác vẫn bảo vệ được tiếng nói của những bang nhỏ.
Các số liệu dưới đây được tác giả lấy từ năm 2021, nhưng vẫn có giá trị tham khảo về sự bất cập của hệ thống bầu cử Mỹ, và vẫn có thể xảy ra tiếp tục trong tương lai, trừ khi hệ thống đó được thay đổi.
Cuộc bầu cử lần này ở Mỹ khác hơn mọi cuộc bầu cử khác. Nó chứa đựng nhiều nguy cơ. Không những nhân dân Mỹ, mà nhân dân các quốc gia phương Tây và đồng minh đều rất quan tâm. Tôi xin chia sẻ quan tâm đó qua những nhận xét về lịch sử sau đây của một giáo sư lịch sử tại Đại học Yale:
Lịch sử không lặp lại, nhưng nó chứa đựng nhiều bài học. Khi những Người cha lập quốc tranh luận về Hiến pháp của chúng ta, họ đã lấy các bài học từ lịch sử mà họ biết. Lo ngại rằng nền cộng hòa dân chủ mà họ hình dung sẽ sụp đổ, họ đã suy ngẫm về sự suy tàn của các nền dân chủ và cộng hòa cổ đại biến thành chế độ đầu sỏ (oligarch) và đế chế. Như họ biết, Aristote đã cảnh báo rằng bất bình đẳng là nguồn gốc của sự bất ổn, trong khi Plato tin rằng những kẻ mị dân lợi dụng quyền tự do ngôn luận để tự đưa họ lên làm bạo chúa. Khi thành lập một nền cộng hòa dân chủ theo luật pháp và thiết lập một hệ thống kiểm tra và cân bằng, những Người cha lập quốc đã tìm cách tránh cái ác mà họ, giống như các nhà triết học cổ đại, gọi là chế độ chuyên chế (tyranny). Họ nghĩ đến việc một cá nhân hoặc một nhóm người chiếm đoạt quyền lực, hoặc việc những người cai trị lách luật để hưởng lợi cho chính họ. …
Lịch sử có thể làm cho chúng ta quen thuộc, và nó có thể cảnh báo. Vào cuối thế kỷ XIX, cũng như vào cuối thế kỷ XX, sự mở rộng của thương mại toàn cầu đã tạo ra kỳ vọng về sự tiến bộ. Vào đầu thế kỷ XX, cũng như vào đầu thế kỷ XXI, những hy vọng này đã bị thách thức bởi những tầm nhìn mới về chính trị quần chúng (mass politics) trong đó một nhà lãnh đạo hoặc một đảng tuyên bố đại diện trực tiếp cho ý chí của người dân. Các nền dân chủ châu Âu đã sụp đổ thành chủ nghĩa độc tài cánh hữu và chủ nghĩa phát xít vào những năm 1920 và 1930. … Lịch sử châu Âu của thế kỷ XX cho chúng ta thấy rằng xã hội có thể tan vỡ, nền dân chủ có thể thất thủ, đạo đức có thể sụp đổ và người dân bình thường có thể bỗng nhiên thấy mình đứng trên hố tử thần với vũ khí trên tay. Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta ngày nay hiểu lý do tại sao.
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1989-91, chúng ta đã bị thấm nhuần huyền thoại về “sự kết thúc của lịch sử” (end of history). Làm như vậy, chúng ta đã hạ thấp khả năng phòng thủ, hạn chế trí tưởng tượng và mở đường cho chính những chế độ mà chúng ta tự nhủ rằng chúng sẽ không bao giờ có thể quay trở lại.
Chúng ta có thể bị cám dỗ nghĩ rằng di sản dân chủ của chúng ta tự động bảo vệ chúng ta khỏi những mối đe dọa như vậy. Đây là một phản xạ sai lầm. Trên thực tế, tiền lệ do những Người cha lập quốc đặt ra đòi hỏi chúng ta phải xem xét lịch sử để hiểu được nguồn gốc sâu xa của chế độ chuyên chế và cân nhắc những phản ứng thích hợp đối với nó. Người Mỹ ngày nay không khôn ngoan hơn người châu Âu đã chứng kiến nền dân chủ đã bị khuất phục trước các chế độ độc tài trong thế kỷ XX thế nào. Lợi thế duy nhất của chúng ta là chúng ta có thể học hỏi từ kinh nghiệm của họ. Bây giờ là thời điểm tốt để làm như vậy.
– Timothy Snyder
Timothy Snyder là Giáo sư Levin về Lịch sử tại Đại học Yale. Ông nhận được rất nhiều phần thưởng, trong đó có Emerson Prize in the Humanities, the Literature Award of the American Academy of Arts and Letters, the Václav Havel Foundation Prize, the Foundation for Polish Science Prize, Le Prix du livre d’Histoire de l’Europe, the Leipzig Award for European Understanding, the Dutch Auschwitz Committee Award, the Hannah Arendt Prize, the Pell Center Prize, the Transatlantic Bridge Award, the Silvers-Dudley Prize, the Madame de Staël Prize, Guggenheim and Carnegie fellowships, and the Marshall Scholarship at Oxford, chỉ kể vài trong số đó. Có thể xem chi tiết ở Đại học Yale.
“Ông Snyder là một tri thức công chúng đang lên không ngại làm những kết nối táo bạo giữa quá khứ và hiện tại” – The New York Times
Nguyễn Xuân Xanh
PHẦN I
- Có Hay Không “Sự Thống Trị của Thiểu số” Ở Mỹ
Trong vài chục năm gần đây nhiều nhà phân tích chính trị và xã hội ở Mỹ đã gióng lên những tiếng chuông cảnh báo về một xu hướng chính trị có thể được coi là đi ngược lại với nền tảng dân chủ (democracy) của hệ thống nhà nước cộng hòa (republic) do các Nhà Lập Quốc của nước Mỹ thiết lập và được qui định bởi hiến pháp. Thậm chí, nhiều người còn coi đây là xu thế “phản dân chủ” (anti-democracy). Xu thế này ngày càng trở nên trầm trọng, và rất có thể sẽ đưa lại các hệ quả to lớn không chỉ đối với các vấn đề nội bộ mà cả vị thế chính trị cũng như nhiều mặt khác của nước Mỹ trên trường quốc tế. Liệu những cảnh báo này có quá đáng hay không, chúng ta hãy cùng nhau xem xét các hiện tượng và nguồn gốc sâu xa của chúng trong bài viết này.
Trước hết cần nhắc lại rằng nền chính trị truyền thống của Hoa Kỳ luôn khẳng định sự “thống trị của đa số” (Majority Rule) nhưng luôn bảo vệ “các quyền của thiểu số” (Minority Rights). Điều này không chỉ là khẩu hiệu mà còn được qui định rõ ràng trong Hiến pháp (Constitution). Chẳng hạn, Hiến pháp Hoa Kỳ được phê chuẩn thông qua năm 1789 tuyên bố nhà nước Hoa Kỳ theo mô hình cộng hòa (republic) với chính quyền là quyền lực của nhân dân được đại diện bởi các đại biểu do người dân bầu ra một cách dân chủ (democracy). Bầu cử dân chủ chính là nền tảng của một nền cộng hòa được thống trị bởi số đông, theo đó người đạt được số phiếu cao nhất là người thắng cuộc bầu cử. Tuy nhiên, Hiến pháp Hoa Kỳ cũng có những quy định cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi của thiểu số. Chẳng hạn như qui định mọi tiểu bang dù lớn hay nhỏ, đông hay ít dân cư đều có hai Thượng Nghị Sỹ (TNS, Senator) đại diện cho tiểu bang tại Thượng Viện (Senate). Cần nói thêm rằng lúc bấy giờ tiểu bang đông dân nhất là Virgina có số dân đông gấp 10 lần tiểu bang ít dân nhất là Delaware. Hiện nay, sự chênh lệch này lên tới hơn 71 lần, giữa California (40 triệu dân) và Wyoming (560 ngàn). Mọi luật lệ của đất nước trước hết đều phải được thông qua tại Quốc Hội bao gồm Hạ Viện (The House of Representatives) và Thượng Viện, rồi mới được Tổng Thống ký ban hành. Muốn thông qua lưỡng viện quốc hội thì cần đa số (Majority Rule). Tuy nhiên, phần lớn các luật quan trọng cần phải đạt 60 trên tổng số 100 Thượng Nghị Sỹ (TNS) chấp thuận cho phép đưa ra tranh luận rối sau đó mới được bỏ phiếu thông qua hay bác bỏ. Qui định này ngầm chứa đựng bảo vệ quyền lới của thiểu số trong sự lãnh đạo của đa số. Lí do là hai đảng Cộng Hòa (CH) và Dân Chủ (DC) rất hiếm khi nắm được tỷ lệ 60/40 hoặc cao hơn, thông thường chỉ nắm được tỷ lệ trong khoảng 48/52 – 45/55 TNS (hiện nay, tỷ lệ này là 50-50). Vì vậy, điều kiện nói trên (còn được gọi là Filibuster) qui định phải có 60 TNS chấp thuận cho phép đưa một dự luật ra tranh luận trước khi bỏ phiếu thông qua, khiến cho tiếng nói của một số nhỏ các TNS dù chỉ ở một vài tiểu bang ít dân trở nên cực kỳ quan trọng, nhiều khi là tiếng nói quyết định cho nhiều đạo luật. Đó có thể được coi là một trong cách bảo vệ quyền của thiểu số (Minority Rights) do các Nhà lập quốc đưa vào trong hiến pháp việc tất cả các tiểu bang đều có số TNS bằng nhau. Cần nói thêm là trừ một vài ngoại lệ (sẽ nói thêm sau) tất cả các đạo luật liên quan đến tiền bạc của liên bang đều phải thông qua quốc hội với qui định filibuster nói trên. Vì vậy, qui định filibuster thực chất đã tạo ra một siêu quyền lực vô hình của thiểu số tại Thượng Viện của Hoa Kỳ.
Trong suốt hơn 200 năm đầu kể từ khi thành lập nước Mỹ, việc bảo đảm “Majority Rule” và tôn trọng “Minority Rights” dường như chưa dẫn tới cuộc khủng hoảng nào đối với nền chính trị Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong khoảng 30 năm trở lại đây, nhiều dấu hiệu cho thấy nền dân chủ Hoa Kỳ trong đó “quyền dành cho thiểu số” đang trượt dài trở thành “sự thống trị của thiểu số” (Minority Rule). Điều này có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị và khủng hoảng hiến pháp trong một tương lai không xa nữa. Trước khi đi sâu vào phân tích nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi nguy hiểm này, chúng ta hay thử nhìn các con số cụ thể về các kết quả bầu cử ở Hoa Kỳ trong những năm gân đây và xu hướng sắp tới.
Hình 1 dưới đây cho thấy trong số 100 TNS trong nhiệm kỳ thứ 117 của quốc hội Hoa kỳ hiện nay (kết thúc ngày 3/1/2023). Hai đảng đảng Dân Chủ (DC) và Cộng Hòa (CH) chia đều số ghế TNS với số các TNS bằng nhau là 50/50. Tuy nhiên, 50 TNS của đảng DC đại diện cho các tiểu bang có dân số nhiều hơn 50 TNS của đảng CH khoảng 41.5 triệu dân, nghĩa là 12.6% dân số. Điều đó có nghĩa là 50 TNS của đảng DC đại diện cho hơn 56% dân số trong khi đó 50 TNS đảng CH chỉ đại diện cho chưa tới 44%. Xin lưu ý thêm là là một TNS có nhiệm kỳ 6 năm, và HNS có nghiệm ky 2 năm.
Hình 1. Trong số 100 TNS Nhiệm kỳ thứ 117 của Quốc Hội Mỹ (kết thúc ngày 3 tháng 1 năm 2023) có 50 TNS Dân Chủ và 50 TNS Cộng Hòa. Tuy nhiên, 50 TNS DC đại điện cho 184.54 triệu dân trong khi đó 50 TNS Cộng Hòa chỉ đại diện cho 142.99 triệu dân, nghĩa là cả 2 đảng CH và DC cùng có 50 TNS ở Thượng Viện, nhưng đảng DC đại diện cho các tiểu bang có 41.5 triệu dân nhiều hơn đảng CH. (Theo tài liệu [1]).
Theo thống kê của New York Times, suốt trong các năm từ 2014-2020, đảng CH luôn giữ tới 53-55 trên tổng số 100 TNS nhưng chỉ đại diện cho khoảng 44-46% dân số cả nước. Số phiếu thực sự bầu còn phi lí hơn nữa. Chẳng hạn như năm 2018, số phiếu bầu cho các TNS đảng DC nhiều hơn CH là 18 triệu phiếu, nhưng đảng DC lại thua 2 ghế TNS trong đợt bầu cử năm 2018. Lí do đơn giản là số tiểu bang (TB) bầu cho CH nhiều hơn dù dân số của các tiểu bang này ít hơn các TB bầu cho DC. Đặc biệt hơn cả, trong thời gian này, từ năm 2016-2020 ông Donald Trump cũng thuộc đảng CH đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống với số phiếu ít hơn bà Hilary Clinton 3 triệu phiếu. Hơn thế nữa, đảng CH trong những năm 2016-2018 cũng chiếm được 55% ghế ở Hạ Viện trong khi chỉ thắng được 48% số phiếu bầu [1]. Điều đó có nghĩa là từ năm 2016 đến 2018 Đảng CH chiếm giữ lưỡng viện quốc hội và cả ghế tổng thống với số phiếu thu được ít hơn trong các cuộc bầu cử ở cả 2 nhánh quyền lực: hành pháp (tổng thống) và lập pháp (quốc hội). Kết quả này cho thấy nền chính trị “thiểu số thống trị” (Minority Rule) đã xảy ra đúng theo nghĩa đen ở nước Mỹ chứ không còn là nghĩa bóng như nhiều người vẫn tưởng! Gần đây hơn cả là cuộc bầu cử tổng thống 2020. Mặc dù ông Joe Biden thắng đến hơn 7 triệu phiếu bầu trên toàn nước Mỹ – 1 đa số áp đảo, lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, nhưng nếu ông chỉ cần mất một số phiếu xấp xỉ 100 ngàn ở 3 tiểu bang, dù vẫn thắng 7 triệu ở các TB khác, thì ông Biden đã thua cuộc bầu cử 2020. Một trăm ngàn phiếu đó là 80 ngàn phiếu ở Pennsylvania (20 đại cử tri – ĐCT), 10.6 ngàn phiếu ở Arizona (11 ĐCT) và 11.8 ngàn phiếu ở Georgia (16 ĐCT). Nếu ông Biden mất 47 ĐCT ở 3 TB này thì kết quả phiếu ĐCT chung cuộc thay vì Biden/Trump là 306/232 như đã xảy ra sẽ trở thành 259/279 và ông Trump đã tiếp tục nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 vì chỉ cần 270 ĐCT là đủ để giành được ngôi vị tổng thống. Điều đó cũng có nghĩa là, suýt nữa “thiểu số thống trị” đã tiếp tục ngự trị nước Mỹ ít nhất là 4 năm nữa.
Theo một nghiên cứu mới đây của National Public Radio (NPR) [1] thì nếu Hoa kỳ vẫn tiếp tục duy trì hệ thống bầu cử như hiện nay thì đến năm 2040, 70 TNS Hoa kỳ sẽ chỉ đại diên cho 30% dân số trong khi đó 30 TNS sẽ đại diện cho 70% dân số Hoa kỳ. Hơn thế nữa, 22 tiểu bang nhỏ nhất của Mỹ hiện nay có dân số khoảng 40 triệu (~ 13% dân số) nhưng được đại diện bởi 44 TNS (44% TNS), trong khi California chỉ có 2 TNS đại diện cho 40 triệu dân. Như vậy, các tiểu bang nhỏ nhất này chỉ đại diện cho 13% dân số nước Mỹ nhưng với 44 TNS họ có thể ngăn cản bất cứ một đạo luật nào vì qui định filibuster đòi hỏi 60 TNS. Nếu xu hướng dân cư ở các tiểu bang nhỏ (nặng về làm nông nghiệp) càng ngày càng giảm như hiện nay thì đến năm 2050, ở 21 tiểu bang ít dân số nhất chỉ có 5% dân số nhưng sẽ có 42 TNS, đủ để ngăn cản bất cứ một đạo luật nào bằng hình thức filibuster, còn các tiểu bang có 10% dân số lại có đến trên 50 TNS, đủ để lãnh đạo Thượng Viện và thông qua các đạo luật quan trong của quốc gia [2]. Một kết cục cực kỳ phi dân chủ! Trên thực tế, theo CNN trong suốt 40 năm qua (1980-2020) đảng CH nắm đa số Thượng Viện trong 22 năm nhưng chỉ thực sự đại diện cho đa số dân chúng một nhiệm kỳ duy nhất trong 2 năm 1997-1998 [3].
Hiện tượng “Thiểu số thống trị” trên thực tế đã trở thành phổ biến không chỉ về số phiếu phổ thông mà cả về mặt kinh tế. Trong cuộc bầu cử tổng thống 2016, Bà Hillary Clinton thắng hơn ông Trump 3 triệu phiếu bầu phổ thông. Đặc biệt, bà Hillary thắng ở 472 địa hạt bầu cử chiếm 64% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khi ông Trump thắng tới 2584 địa hạt nhưng chỉ chiếm 36% GDP và thua tới hơn 3 triệu phiếu. Sang đến kỳ bầu cử 2020, ông Biden thắng ở 520 địa hạt đóng góp tới 71% GDP trong khi ông Trump thắng ở 2564 địa hạt nhưng chỉ đóng góp 29% GDP. Ngoài ra ông Biden thắng hơn 81 triệu so với hơn 74 triệu phiếu phổ thông (cách biệt khoảng 7.11 triệu phiếu bầu) [4].
Hiên tượng này xảy ra không chỉ ở Thượng Viện liên bang mà còn xảy ra ở Hạ Viện với mức độ không kém, thậm chí ở một số tiểu bang với mức độ còn kinh hoàng hơn rất nhiều. Chẳng hạn như tiểu bang North Carolina có 13 Hạ Nghị Sỹ (HNS) cấp liên bang thì năm 2018 đảng CH chiếm đến 10 ghế trong khi phiếu bầu của cử tri cho đảng CH và DC là nghiêng ngửa 50.3 – 48.3% [5]. Hay nói cách khác đảng CH ở tiểu bang này chiếm áp đảo gần 77% số ghế HNS liên bang trong khi chỉ cần thắng với số phiếu xấp xỉ 2%. Tiểu bang North Carolina được xếp vào 1 trong 9 tiểu bang tranh chấp (hay còn gọi là tiểu bang chiến địa) trong mùa bầu cử tổng thống 2020. Điều đó có nghĩa là số phiếu dành cho 2 đảng DC và CH ở tiểu bang này cũng như ỏ các tiểu bang tranh chấp khác thường quá sít sao, khó dự đoán. Trên thực tế, kết quả bầu cử quốc hội liên bang năm 2020 ở North Carolina cho thấy số phiếu của cử tri đảng CH thua đảng dân chủ 1.66%. Tuy nhiên, đảng CH của tiểu bang này vẫn thắng số ghế quốc hội với tỷ số là 8/5, nghĩa là 62% dù đảng CH thua 1.66% tổng số phiếu thu được [5, 6]. Cần nói thêm là sự thay đổi từ thắng 77% xuống 66% của đảng CH có được do tòa án liên bang đã bác bỏ một số qui định phi lí trong phân chia ranh giới bầu cử ở North Carolina vốn được đảng CH sử dụng như 1 vũ khí cực kỳ hiệu quả để giành ghế (sẽ phân tích kỹ ở phần sau).
Kết quả kỳ quặc này nếu xảy ra ở bất cứ nước nào chắc chắn sẽ bị các tổ chức “nhân quyền” của Mỹ lên án là phản dân chủ, ấy vậy mà điều đó đang xảy ra khá phổ biến ở Mỹ !
Để có thể hiểu được những nguyên nhân dẫn đến các kết quả khó có thể chấp nhận được nói trên ở một đất nước mà đa số người dân vẫn tự hào về mô hình dân chủ của họ, có lẽ phải tìm hiểu kỹ mọi góc cạnh rất phức tạp của hệ thống bầu cử, kể cả các khía cạnh lịch sử đặc biệt của Hoa kỳ. Hơn thế nữa, phải nhìn thấy và hiểu được việc lợi dụng và lạm dụng một cách có tổ chức các “lỗ hổng” trong các luật lệ vốn được ra đời để bảo vệ quyền của các tiếng nói thiểu số. Trước khi tìm hiểu các khía cạnh pháp lý của vấn đề hết sức phức tạp đó, trước hết chúng ta hãy xem thử các hệ lụy của cái gọi là “thống trị của thiểu số” vốn bị biến chứng từ “quyền của thiểu số” trong nền chính trị của Mỹ.
Đầu tiên có lẽ cần phải nhấn mạnh rằng trên thực tế “Minority Rule” thường được biểu hiện thông qua việc sử dụng qui định filibuster để chống thông qua các đạo luật mới và vì vậy có thể duy trì các luật lệ cũ vốn đã quá lỗi thời. Trong lịch sử, filibuster đã được các TNS đảng DC sử dụng như một công cụ cực kỳ hiệu quả để duy trì các đạo luật phân biệt đối xử người da đen suốt từ năm 1920 mãi cho đến khi Đạo Luật Các Quyền Dân Sự (Civil Rights Act) được quốc hội thông qua và tổng thống Johnson (DC) ký ban hành năm 1964. Vào năm đó, trong một nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng, một số các TNS của đảng DC dùng filibuster để trì hoãn Thượng Viện bỏ phiếu 60 ngày, nhưng cuối cùng đã thất bại [7]. Cần nói thêm là sau khi TT J.F Kenedy và J.B Johnson của đảng DC quay sang ủng hộ phong trào đòi các quyền cơ bản của người da đen do Mục sư Martin Luther King lãnh đạo thì hàng loạt đảng viên DC đồng loạt từ bỏ đảng và chuyển qua nhập đảng CH, góp phần chuyển hóa đảng CH từng là đảng của TT Lihncon giải phóng nô lệ gia đen trở thành đảng bị coi là có xu hướng kỳ thị các sắc tộc thiểu số hiện nay.
Trên thực tế, filibuster có thể coi là công cụ tốt nhất để thực thi “thống trị của thiểu số” bằng việc ngăn cản việc thông qua các đạo luật mới dù đa số dân chúng và cả đa số các TNS ủng hộ. Tháng 12 năm 2012 đã xảy ra một vụ thảm sát bằng súng ở trường tiểu học Sandy Hook, tiểu bang Connecticut, với 20 em học sinh 6 – 7 tuổi và 6 giáo viên bị bắn chết bởi 1 kẻ tâm thần. Phong trào đòi phải kiểm soát súng đạn dâng cao trên toàn nước Mỹ, nhất là yêu cầu phải kiểm tra cơ bản lí lịch cũng như tâm thần của cá nhân người muốn mua súng. Thăm dò dư luận cho thấy có đến 86% dân chúng và có đến 54 TNS ủng hộ thông qua một đạo luật như vậy. Nhưng chỉ cần 46 TNS đại diện cho các tiểu bang có 38% dân số cả nước cũng đã đủ ngăn Thượng Viện thông qua một đạo luật như vậy mãi cho đến tận hôm nay không thể thông qua được.
Một trường hợp khác cũng rất phổ biến của việc dùng filibuster để thực hiện cái gọi là “thống trị của thiểu số” được chỉ ra bởi GS Jake Grumbach của ĐH Washington. Đó là, dù dân số của cả 3 tiểu bang sản xuất than Kentucky (~ 4.5 triệu dân), Louisiana (~4.6 triệu) and West Virginia (~ 1.8 triệu) là rất nhỏ (3%) so với toàn nước Mỹ, nhưng chỉ cần 6 TNS của 3 tiểu bang này liên kết với 1 số TNS khác cũng đủ để filibuster ngăn chặn các đạo luật liên quan đến chống nóng ấm và thay đổi khí hậu dù các thăm dò dư luận cho thấy đa số dân chúng mong muốn quốc hội phải đưa ra các luật để đối phó với các vấn đề này [2].
Trên đây là các ví dụ về chính sách đối nội. Các chính sách đối ngoại cũng bị “thiểu số thống trị” chi phối nặng nề. Việc Thượng Viện Hoa kỳ không thể phê chuẩn thông qua Công Ước Về Luật Biển Của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) là một ví dụ điển hình. Chính phủ Mỹ là một trong những chính phủ tham gia xây dựng bộ luật này từ năm 1974 đến 1982. Tuy nhiên mãi cho đến nay hiệp ước này vẫn không được Thượng Viện Hoa Kỳ phê chuẩn. Lí do chủ yếu là do ở Mỹ có các lực lượng luôn chống lại các định chế và hiệp ước quốc tế, từ Liên hiệp Quốc cho đến WHO, UNESCO vv vì cho rằng nếu công nhận các tổ chức này cũng như các hiệp ước quốc tế thì Hoa kỳ mất quyền tự chủ, bị lệ thuộc vào các định chế và tổ chức quốc tế. Dưới thời tổng thống Obama, chính quyền Mỹ đã thúc đẩy, kêu gọi thượng viện phê chuẩn UNCLOS nhưng cũng đã lại thất bại. Ngày 23 tháng 5.2012, trong phiên điều trần tại Thượng Viện, Ngoại Trưởng Clinton, Bộ Trưởng quốc phòng Leon Panetta và Tổng Tham mưu trưởng liên quân, Đai tướng Martin Dempsey đều kêu gọi Thượng Viện phê chuẩn hiệp ước UNCLOS. Ba tuần sau, ngày 14 tháng 6.2012, sáu Đại tướng đại diện cho các binh chủng hải lục không quân đã ủng hộ phê chuẩn UNCLOS trong một phiên điều trần ở quốc hội [8]. Vào lúc này, thượng viện do đảng dân chủ nắm đa số với 54 ghế, nhưng để phê chuẩn một hiệp định quốc tế cần phải có 2/3 thượng viện, nghĩa là cần phải có ít nhất 67 trên 100 TNS đồng ý. Sau các cuộc điều trần nói trên triển vọng thượng viện phê chuẩn UNCLOS hết sức sáng sủa. Tuy nhiên, ngày 16 tháng 7.2012, 34 TNS đảng CH đã ra một tuyên bố chống lại phê chuẩn UNCLOS trong một lá thư gửi cho TNS John Kerry, chủ tịch Tiểu ban Đối Ngoại của Thượng Viện. Cần nhớ là 34 TNS là chính xác số phiếu cần có để phủ quyết việc phê chuẩn hiệp ước quốc tế, đẫn đến thất bại của nỗ lực cuối cùng của chính phủ của TT Obama muốn phê chuẩn UNCLOS [8]. Chúng ta cũng đã biết hệ quả của việc này. Gần đây, khi chính phủ Hoa kỳ yêu cầu chính phủ Trung quốc (TQ) tôn trọng UNCLOS trong ứng xử trên Biển Đông thì người phát ngôn bộ ngoại giao TQ đã chế diễu rằng Hoa kỳ có công nhận UNCLOS đâu mà lên mặt dạy người khác.
Mới gần đây, ngày 8/6/2021 Thượng Viện đã thông qua một đạo luật đầu tư 250 tỷ USD cho các lĩnh vực khoa học và công nghệ của Mỹ nhằm đối phó với TQ trong các lĩnh vực này. Truyền thông Mỹ và thế giới ca ngợi đây là một trong những đạo luật quan trọng nhất thu được sự ủng hộ lưỡng đảng hiếm có với số phiếu 68/32 ở Thượng Viện. Tuy nhiên, cần phải nhìn thấy rằng ngay cả một đạo luật quan trọng như thế và được sự ủng hộ rất cao trong dân chúng nhưng cũng suýt nữa cũng bị thất bại: 32 trong 50 TNS Cộng Hòa đã bỏ phiếu chống. Chỉ cần thêm 9 vị TNS nữa bỏ phiếu chống thì đạo luật này cũng đã bị bác bỏ bởi cái gọi là “thiểu số thống trị” (Minority Rule) nhờ qui định filibuster đòi hỏi 60 phiếu tối thiểu.
Có lẽ không cần phải nêu thêm các ví dụ khác nữa cũng thấy được ảnh hưởng của cái gọi là “Minority Rule” vốn là biến chứng của “Minority Rights” qua việc sử dụng fillibuster. Lịch sử của fillibuster và các hệ quả của nó được trình bày rất cụ thể cho nhiều trường hợp trong tài liệu [7]. Cũng vì vậy, thông qua được một luật lớn ở Mỹ rất khó vì 2 phe CH và DC tranh cãi nhau hàng tháng, thậm chí hàng năm. Từ chỗ thượng viện có cấu trúc như trên để bảo vệ quyền lợi cho các tiểu bang nhỏ – nay quyền lực của các TNS ở các tiểu bang nhỏ lại quá lớn nên họ lạm dụng quyền lực ngày 1 trầm trọng. Nghiêm trọng hơn cả là trên thực tế fillibuster đã khiến cho quốc hội Hoa kỳ trở nên gần như tê liệt và trong nhiều trường hợp hầu như không thể thông qua được các đạo luật quan trọng dù đa số dân chúng và cả đa số các nghị sỹ quốc hội ủng hộ, nhất là các luật mới nhằm đáp ứng và đối phó với các thay đổi nhanh chóng trên thế giới, nhất là sự trỗi dậy của TQ.
Trong phần sau chúng tôi sẽ trình bày tại sao những điều tưởng chừng như vô cùng phi lí về cái gọi là “sự thống trị của thiểu số” lại có thể phát triển mạnh mẽ ở ngay trong lòng của nước Mỹ. Hơn thế nữa, tác hại vô cùng to lớn của hiên tượng này có thể sẽ dẫn đến các cuộc khủng hoảng chính trị và thậm chí cả khủng hoảng hiến pháp đối với Hoa kỳ trong một tương lai không xa lắm.
Viết xong ngày 20/6/2021
Lần tới Phần II.
Nguyễn Trung Dân
- https://www.npr.org/2021/06/09/1002593823/how-democratic-is-american-democracy-key-pillars-face-stress-tests
- https://www.secondratedemocracy.com/unrepresentative-senate/
- https://www.theguardian.com/commentisfree/2021/mar/26/just-how-severe-will-americas-minority-rule-become
- https://www.brookings.edu/blog/the-avenue/2020/11/09/biden-voting-counties-equal-70-of-americas-economy-what-does-this-mean-for-the-nations-political-economic-divide/
- https://www.vox.com/policy-and-politics/2018/5/8/17271766/north-carolina-gerrymandering-2018-midterms-partisan-redistricting
- https://en.wikipedia.org/wiki/2020_United_States_House_of_Representatives_elections_in_North_Carolina
- https://en.wikipedia.org/wiki/Filibuster_in_the_United_States_Senate
- https://en.wikipedia.org/wiki/United_States_and_the_United_Nations_Convention_on_the_Law_of_the_Sea