Bất cập của hệ thống bầu cử ở Hoa Kỳ (Phần II)

by , under Uncategorized

BẤT CẬP CỦA HỆ THỐNG BẦU CỬ Ở HOA KỲ

VÀ NHỮNG HỆ QUẢ CỦA NÓ

Khi “Quyền của Thiểu Số” trở thành “Sự Thống Trị của Thiểu số

PHẦN II

TS. Nguyễn Trung Dân

Lời nói đầu

Xin gửi anh chị Phần II của bài Những bất cập của hệ thống bầu cử ở Hoa Kỳ. Lần I đã đăng lần trước:

Bất cập của hệ thống bầu cử ở Hoa Kỳ (Phần I)

Từ cuối năm rồi tôi có ý định viết một bài về Abraham Lincoln nhân cuộc bầu cử năm nay ở Mỹ, về xuất thân của ông từ một “thanh niên tách gỗ” (Railsplitter), lội ngược dòng thế nào để được đề cử làm ứng viên tổng thóng Đảng Cộng Hòa năm 1860, và cuối cùng chiến thắng vang dội cuộc bầu cử lịch sử năm 1861 để trở thành tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ. Lincoln là con người tự-học (self-taught), và tự-lập thân (self-made) vĩ đại từ nghèo nàn vươn lên. Ông chưa bao giờ bước vào tòa nhà của một college, hay academy với tư cách một sinh viên, cho đến khi ông đã có bằng hành nghề luật từ tự học. Ở tuổi 40, ông còn tự học và làm chủ gần như hết sáu quyển sách Cở sở của hình học Euclid, cho thấy một ý chí học hỏi phi thường.

Lincoln là con chim đại bàng sinh vào một cái tổ chật hẹp, nhưng ý thức mình là nòi giống đại bàng, luôn luôn vươn lên nguồn gốc cao cả của mình, lao động cật lực để trở thành chính mình. Rồi ngày ấy đã đến, ông trở thành đại bàng thật sự trên đỉnh cao của quyền lực, là Tổng thống của Hoa Kỳ, và giải phóng nô lệ, thống nhất lại giang san, làm cho Tự doBình đẳng tái sinh, những giá trị mà những người cha lập quốc đã long trọng ghi vào Bản Tuyên ngôn Độc lập bất diệt.

Chẳng phải Lincoln đã linh cảm con đường như thế dành cho ông như đã được mô tả trong bài phát biểu trước sinh viên Trung học Springfield lúc ông 28 tuổi hay sao? Abraham Lincoln nói, những cánh đồng vinh quang của quá khứ đã được thu hoạch và sử dụng rồi, nhưng những người thu hoạch mới chắc chắn sẽ xuất hiện, do đó họ phải tìm cho mình một cánh đồng mới và gieo trồng lấy. Họ có thể tìm lấy vinh quang bằng cách hỗ trợ và gìn giữ một lâu đài được xây nên bởi người khác chăng? Chắc không. Có nhiều người đầy đủ tài giỏi để thực hiện những nhiệm vụ của mình nhưng không khao khát gì xa hơn mấy chiếc ghế trong Quốc hội, hay trong chính phủ. Nhưng những người đó không thuộc về dòng sư tử, hay họ đại bàng. Sao, các bạn nghĩ những vị trí đó sẽ thoả mãn một Alexander, một Ceasar, hay Napoleon chăng? Không bao giờ. Thiên tài cao ngất xem thường lối mòn đã đi. Họ tìm những vùng đất chưa bao giờ khai phá. Họ không tìm sự khác biệt trong việc thêm bớt một hai chi tiết ở những tượng đài của sự nổi tiếng được dựng lên trong ký ức của những người khác. Họ từ chối cho rằng phục vụ một người chủ là đủ vinh quang. Họ ghét bước theo dấu chân của bất cứ ai khác, dù nổi tiếng đến đâu. Họ khao khát cháy bỏng sự khác biệt. (Trong diễn thuyết của Abraham Lincoln ttrước học sinh trường trung học Springfield bang Illinois năm 1838, lúc ông mới 28t. Xem Diển văn năm học mới)

Nhưng giờ đây chắc tôi không có đủ thời gian để viết, lực bất tòng tâm. Xin xem một chút về tiểu sử tự phát họa của ông để làm ứng viên tổng thống năm 1861: một xuất thân vô cùng khiêm tốn và ấn tượng, cái vĩ đại không nằm ở sự bung xung mà ở nhân cách và năng lực trí tuệ đích thực của con người:

 

Abraham Lincoln: Phác họa tiểu sử

 

Nguyễn Xuân Xanh

 

PHẦN II

Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu các nguyên nhân chính dẫn đến sự trượt dốc của nền chính trị Mỹ từ một mục đích tốt đẹp của các Nhà lập quốc nhằm bảo vệ các quyền lợi chính đáng của những người thuộc phía thiểu số. Từ việc bảo đảm quyền công bằng cho thiểu số nay điều này đang có khả năng biến tướng trở thành “Thống trị của Thiểu số”.

Trước hết, ắt hẳn chúng ta ai cũng biết hệ thống bầu cử của Mỹ gồm có các yếu tố cơ bản như ở cấp liên bang có bầu cử tổng thống với nhiệm kỳ 4 năm, các nghị sỹ quốc hội liên bang trong đó có Thượng Viện (Senate) với 100 thượng nghị sỹ (TNS) với nhiệm kỳ 6 năm, Hạ Viện (House of Representatives) với 435 hạ nghị sỹ (HNS) có nhiệm kỳ 2 năm. Ở các tiểu bang thì có bầu cử thống đốc (Governor) và bầu quốc hội của tiểu bang, rồi thành phố, quận hạt vvv.

Trong bài này chúng tôi chỉ tập trung vào bầu cử cấp liên bang của Hoa kỳ.

  1. Những Bất Cập Của Thể Thức Bầu Cử Tổng Thống Bằng Đại Cử Tri

Điều dễ nhận thấy là hệ thống bầu cử ở Mỹ có những khác biệt rất cơ bản với hầu hết tất cả các nước trên thế giới. Chẳng hạn, hệ thống bầu cử tổng thống bao gồm thể thức Cử Tri Đoàn (Electoral College ) bao gồm 538 Đại Cử Tri (ĐCT) được phân bổ một cách rất kỳ lạ cho các tiểu bang (sẽ được trình bày sau). Theo qui định, ứng cử viên (ƯCV) nào giành đủ 270 ĐCT thì thắng cuộc bầu cử TT nhiệm kỳ 4 năm.  Đi cùng với thể thức ĐCT này là một qui chế  “Winner Takes All” hay có thể gọi một cách dân giã là “được ăn cả ngã về không”. Để cho dễ hiểu thể thức ĐCT và qui chế “thắng ăn cả”, hãy xét 1 ví dụ đơn giản sau trong đó 3 ƯCV cho chức vụ tổng thống tại một tiểu bang (TB) có 10 ĐCT. Giả sử số phiếu của 3 ƯCV nhận được tại TB này lần lượt là 33.3-33.3-33.4%. Theo qui chế “thắng ăn cả” thì ƯCV có 33.4% số phiếu sẽ hốt trọn 10 ĐCT (100%) ở TB này, trong khi 2 ƯCV kia không được ĐCT nào cả dù số phiếu họ thu được gần như xấp xỉ người thắng cử. Đã từng xảy ra trường hợp chỉ cần thắng vài trăm phiếu ở một TB mà một ƯCV tổng thống vẫn có thể thắng cử dù thua vài trăm ngàn phiếu trên toàn liên bang. Điều này dẫn tới một thực tế là giá trị của các lá phiếu phổ thông ở các TB là không bình đẳng, trái ngược với nguyên tắc phổ thông đầu phiếu của mọi nền dân chủ. Năm 2000 ƯCV Al Gore của đảng DC thắng ƯCV G.W Bush của đảng CH hơn 553 ngàn phiếu phổ thông trên toàn quốc, nhưng chỉ vì thua 537 phiếu phổ thông ở TB Florida, để mất 25 ĐCT của TB Florida, khiến ƯCV G. W. Bush giành được 271 phiếu ĐCT, quá 1 phiếu ĐCT cần thiết để giành được ngôi vị tổng thống nước Mỹ năm 2000 [1].

Qui chế “thắng ăn cả” cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho thể thức bầu cử tổng thống bằng hình thức ĐCT ngày càng trở nên lỗi thời và làm cho các khiếm khuyết của thể thức ĐCT càng trở nên trầm trọng. Bầu cử tổng thống bằng hình thức cử tri đoàn và ĐCT cùng với qui chế “thắng ăn cả” là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng “Thiểu số Thống trị” bên nhánh hành pháp trong 2 kỳ bầu cử tổng thống năm 2000 (G.W Bush thắng cử dù thua Al Gore hơnn 500 ngàn phiếu) và 2016 (Donal Trump thắng cử dù thua Hillary Clinton hơn 3 triệu phiếu phổ thông).

Hiện nay đang có một phong trào đòi xóa bỏ thể thức ĐCT trong bầu cử tổng thống, chuyển sang bầu cử phổ thông đầu phiếu toàn quốc (National Popular Votes). Phong trào này đã thu được sự ủng hộ không chỉ của các cử tri mà cả quốc hội ở các TB Delaware, Hawaii, Rhode Island, Vermont, Colorado, Connecticut, Maryland, Massachusetts, New Jersey, New Mexico, Oregon, Washington, California, Illinois, New York [2]. Cần chú ý rằng tất cả các TB này đều thường bầu cho ƯCV đảng DC trong các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội liên bang. Tuy vậy, muốn thay đổi luật bầu cử thì phải thông qua một Tu Chính Án (TCA) sửa đổi hiến pháp. Qui trình để thông qua một TCA là cực kỳ khó khăn và ngoài khuôn khổ của bài này.

Cần nói thêm là qui chế “thắng ăn cả” trước đây còn được áp dụng trong các cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ra ƯCV tổng thống của 2 đảng cho cuộc bầu cử tổng quát (general election) cho chức vụ tổng thống bốn năm một lần vào thứ 3 tuần đầu tiên của tháng 11. Do áp lực của các cử tri cấp tiến trong đảng DC, qui chế này đã chính thức bị bãi bỏ trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng DC trong 2 cuộc bầu cử tổng thống gần đây năm 2016 và 2020. Sở dĩ đảng DC có thể làm được như vậy là  do qui tắc riêng của từng đảng không bị ràng buộc bởi các qui định trong luật bầu cử tổng quát theo thể thức CTĐ.

Việc sử dụng hình thức cử tri đoàn – CTĐ  (Electoral College) cũng như việc phân bổ đại cử tri bầu cử tổng thống cũng rất kỳ quặc, có nguồn gốc lịch sử từ sự hình thành của nước Mỹ. Cần biết rằng, lúc bấy giờ đa số người từ châu Âu sang Mỹ là tầng lớp lao động nghèo, ít học, cùng đường  hoặc bị đàn áp tôn giáo (đa số theo đạo Tin Lành) mới liều mình bỏ nước ra đi. Lênh đênh trên biển hàng tháng trời, đói khát, tai nạn, bệnh tật và bị cướp biển vv nên không khó hình dung những người nào dám liều mạng ra đi như vậy đến một xứ xa xôi, không có gì chắc chắn đang chờ đợi họ. Xét về hoàn cảnh, những người này cũng khốn khổ không khác gì những người di dân hiện nay đang muốn tìm cách vào Mỹ. Khác chăng là lúc bấy giờ những người di cư liều mạng sống để tìm đến một nơi bất định chứ không phải đến miền đất hứa như ngày nay. Hơn nữa, lúc bấy giờ không có các cơ quan truyền thông quốc tế phổ biến và lan truyền tin tức  cũng như không có các tổ chức từ thiện và nhân đạo đứng ra kêu gọi giúp đỡ di dân như ngày nay. Điều đó cũng có nghĩa là hoàn cảnh của những người di dân sang Mỹ lúc bấy giờ hết sức khó khăn.

Dĩ nhiên, trong số họ có cả những người gan dạ và lỗi lạc và chính họ đã lập ra nhà nước liên bang Hoa kỳ. Để tạo dựng được một nền dân chủ mà các Nhà Lập Quốc gọi là một cuộc thí nghiệm dân chủ (democratic experiment) dựa trên bầu cử phổ thông đầu phiếu nhưng vẫn giảm được những khiếm khuyến do các hạn chế của đa số sử tri ít học, thiếu hiểu biết, lúc bấy giờ các Nhà Lập Quốc nghĩ ra thể thức cử tri đoàn với các đại cử tri (ĐCT) bầu ra chức vụ tổng thống – chức vụ cao nhất của cơ quan hành pháp. Hội nghị Lập hiến (The Constitutional Convention) năm 1787 đã dựa trên đề xuất của tiểu bang Virginia (Virginia Plan) làm cơ sở cho các cuộc thảo luận, theo đó Quốc hội do dân bầu ra sẽ là cơ quan bầu ra tổng thống. Thoạt tiên, đa số các đại biểu đã tán thành đồng ý với phương thức bầu cử này. Tuy nhiên, sau khi tranh luận, các đại biểu đã phản đối việc Quốc hội bầu chọn tổng thống với lý do điều đó có thể vi phạm sự phân chia quyền lực giữa hai nhánh lập pháp và hành pháp, và làm mất đi tính độc lập của chức vụ tổng thống. Một số người trong đó có Hamilton đề xuất tổ chức một cuộc bầu cử trực tiếp tổng thống, nhưng đề xuất này cũng bị bác do các đại biểu từ các tiểu bang ít dân lo ngại bị lấn át cũng như các lí do vừa nói trên. Cuối cùng các đại biểu đi đến thỏa hiệp theo hình thức chọn các đại cử tri với mục đích lựa chọn tổng thống. Theo thể thức bầu cử này các cử tri vẫn đi bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu – nhưng chỉ bầu ra các ĐCT được phân bổ cho các TB, rồi các ĐCT này mới bầu ra tổng thống. Chính vì vậy, tổng số 538 ĐCT hiện nay bằng số dân biểu nghị sỹ liên bang: 100 TNS + 435 HNS và từ năm 1961 có tu chính án cho phép District of Columbia bao gồm cả thủ đô Washington (được gọi chung là Washington D.C) có thêm 3 ĐCT [3]. Lưu ý là Washington D.C dù không phải là một tiểu bang – nhưng được hưởng qui chế của 1 tiểu bang với số ĐCT tối thiểu là 3 (sẽ trình bày thêm ở sau). Nhiều đại biểu của Hội nghị Lập hiến đã công khai thừa nhận hình thức ĐCT có khả năng tránh được tham nhũng, âm mưu và bè phái. Một số đại biểu thừa nhận rằng mặc dù lý tưởng là bỏ phiếu phổ thông nhưng sẽ khó đạt được sự đồng thuận. Theo các đại biểu của Hội nghị, có sự khác biệt cơ bản giữa việc chọn quốc hội (QH) và Cử tri Đoàn để bầu ra tổng thống.  Qui chế của QH cho phép các dân biểu có thể ứng cử, trúng cử và làm việc vô thời hạn, vì vậy dễ bị lũng đoạn bởi các nhóm lợi ích và dễ bị tham nhũng (corrupt).

Như vậy, Cử tri Đoàn với số ĐCT bằng số dân biểu liên bang cũng chỉ là một hình thức đại biểu do dân bầu ra nhưng chỉ với một mục đích duy nhất là bầu ra TT cho từng nhiệm kỳ nhất định. Thể thức này lúc bấy giờ được cho là vừa dân chủ (do người dân bầu ra) vừa giảm thiểu được các khiếm khuyến có thể có lúc bấy giờ. Thoạt đầu hình thức này có vẻ đạt được mục đích nhưng ngày càng tỏ ra lạc hậu và lỗi thời,  quá hình thức, dễ bị lạm dụng. Trên thực tế, ngày nay cử tri khi đi bầu TT không quan tâm và thậm chí không biết ai là ĐCT đại diện cho mình để bầu ra TT, dẫu vậy, họ vẫn phải bầu ra các ĐCT tưởng là hình thức, nhưng lại rất dễ bị lạm dụng. Hơn thế nữa, thể thức ĐCT về mặt nguyên tắc lại là nguyên nhân chính có thể dẫn tới sự “Thống trị của Thiểu số” như sẽ trình bày rõ hơn sau đây. Điều này trái ngược với lý tưởng dân chủ mà Nhà Lập Quốc hướng tới khi xây dựng hiến pháp bao gồm các điều luật về bầu cử của nước Mỹ.

Sau đây chúng ta hãy cùng phân tích kỹ các yếu tố căn bản của thể thức bầu cử TT. Trước hết là qui tắc phân bổ ĐCT cho các TB. Về nguyên tắc, hiến pháp qui định số ĐCT của 1 TB là bằng số các dân biểu liên bang, tức là số TNS + HNS của TB đó.  Như đã nói sơ qua ở trên, hiến pháp qui định mỗi TB dù đông hay ít dân đều được đại diện bởi 2 TNS. Về nguyên tắc, tổng số các dân biểu ở Hạ Viện liên bang, các HNS là chỉ thay đổi khi có thêm các tiểu bang mới gia nhập nước Mỹ. Con số này hiện là 435 các HNS được phân bổ theo dân số của từng TB, nghĩa là TB càng đông dân thì càng có nhiều HNS. Tuy nhiên, hiến pháp cũng qui định rõ ràng rằng cử tri của mọi TB đều được quyền có người đại diện của họ ở quốc hội, cả TV và HV. Vì vậy, mọi TB dù dân số có ít đến bao nhiêu đi chăng nữa cũng phải được đại diện bởi ít nhất của một HNS (và 2 TNS như đã nói ở trên). Về lí thuyết, điều này  bảo đảm quyền có người đại diện ở quốc hội liên bang của mọi cử tri. Trên thực tế thì qui định này tạo ra sự bất bình đẳng về số ĐCT đại diện cho các TB trong bầu cử TT, dẫn đến sự vô lý thậm chí phản dân chủ trong hệ thống bầu cử TT Mỹ. Ví dụ, theo nguyên tắc này thì một tiểu bang dù ít dân cư đến mấy cũng có 2 TNS và 1 HNS, đồng nghĩa với việc mỗi TB có ít nhất 3 ĐCT trong cử tri đoàn bầu ra TT. Vì thế, các tiểu bang nhỏ như Alaska (dân số ~ 600 ngàn), Wyoming (dân số ~ 560 ngàn), 1 ĐCT đại diện cho khoảng 200 ngàn dân (Alaska) hay khoảng 180 ngàn dân (Wyoming) trong khi đó ở các tiểu bang khác tỷ lệ này thường là khoảng 500-600 ngàn. Riêng California với dân số đông nhất ~ 40 triệu người, 1 ĐCT đại diện cho khoảng 700 ngàn dân. Cũng vì theo điều luật này mà Washington D.C dù không được công nhận qui chế của một tiểu bang nhưng vẫn được đại diện bởi 3 ĐCT.

Nguyên tắc phân bổ ĐCT trên đây dẫn đến những vô lý cả về mặt nguyên tắc lẫn trên thực tế. Về lí thuyết, nếu một tiểu bang chỉ có 3 người thì cả 3 người sẽ đương nhiên là ĐCT bầu tổng thống! Do bởi TB phải có 2 TNS và người còn lại sẽ là HNS. Dĩ nhiên, điều này dù không bao giờ xảy ra nhưng nó vẫn chỉ ra sự vô lí của nguyên tắc phân bổ ĐCT trong thể thức bầu cử TT của  nước Mỹ.

Sự phân bổ ĐCT nói trên dẫn đến một hệ quả là hệ thống bầu cử TT Mỹ dần dần trở nên “phi dân chủ”, thể hiện rất rõ qua các cuộc bầu cử TT từ 2000 đến 2016. Trong thời gian này có 5 cuộc bầu cử TT vào các năm 2000, 2004, 2008, 2012, 2016 thì Đảng CH ch thắng đa số phiếu phổ thông chỉ 1 lần duy nhất (2004: Bush – Kerry) nhưng lại thắng cử TT đến 3 lần (2000, 2004 và 2016). Năm 2000 Bush thua Al Gore 553 ngàn phiếu phổ thông, năm 2016 ông Trump thua bà Clinton hơn 2.87 triệu phiếu nhưng vẫn thắng cử TT. Lí do của sự vô lí đó là nước Mỹ có rất nhiều TB dân số rất ít, chủ yếu là các TB làm nông nghiệp thường theo xu hướng bảo thủ và đa số bầu cho CH và vì vậy tỷ lệ ĐCT trên đầu người có lợi thế rõ rệt cho đảng CH dẫn tới sự bất bình đẳng trầm trọng trong hệ thống bầu cử TT ở Mỹ. Do số lượng các TB dân số ít này vốn chủ yếu dựa vào nông nghiệp này tương đối lớn, và thường tập trung bầu cho đảng CH nên đảng CH luôn được lợi thế theo hình thức cử tri đoàn. Cũng chính vì vậy mà các TB này  còn hay được gọi là các TB cộng hòa, được tô màu đỏ trên bản đồ chính trị, trải một vùng rộng lớn của nước Mỹ. Trong khi đó dù số các tiểu bang nằm dọc theo 2 bờ biển của nước Mỹ là khá ít, nhưng phần lớn là các trung tâm công nghiệp, kinh tế, văn hóa, khoa học có dân số đông, tập trung ở các  thành phố lớn. Các TB đông dân nằm dọc 2 bờ duyên hải này thường bỏ phiếu cho ƯCV đảng DC (vì vậy còn được gọi TB DC – được tô màu xanh trên bản đồ). Mặc dù dân số của các TB DC (màu xanh) lớn hơn nhiều so với các TB CH (màu đỏ) nhưng số lượng các TB xanh thì khá ít so với số các TB đỏ. Điều này dẫn đến số phiếu ĐCT của các TB đỏ thường có lợi thế hơn các TB xanh. Theo thống kê, nếu đảng DC chỉ thắng đảng CH 1-2% phiếu phổ thông thì UWCV của đảng DC gần như không có cơ hội thắng TT, phải hơn 3-4% mới có cơ hội. Điều này không chỉ là lý thuyết mà trên thực tế, năm 2016 bà Hillary Clinton thắng ông Trump hơn 2.87 triệu số phiều phổ thông (tương đương 2.1%) nhưng vẫn thua, còn năm 2020, ông Biden thắng 7 triệu số phiếu phổ thông (4.5%) nhưng kết quả chung cuộc dường như khá sít sao. Kết quả sít sao này càng rõ rệt nếu nhìn kỹ hơn vào các tiểu bang tranh chấp. Chẳng hạn, ở Arizona (11 ĐCT), Georgia (16 ĐCT) và Wincosin (10 ĐCT) ông Biden thắng chưa tới 0.3%. Nếu ông Trump thắng ở cả 3 TB này năm 2020 (dù vẫn thua 7 triệu phiếu ở các TB khác)  thì số phiếu ĐCT cho Biden-Trump là 269-269. Cần nhớ rằng ông Trump thắng cả 3 TB này năm 2016 với tỷ lệ khá cao, 4-5% ở Arizona và Georgia, nên giả thiết này không quá khó để thành hiện thực. Nếu điều giả định đó xảy ra, thay vì kết quả 306/232 ĐCT như đã xảy ra, số ĐCT cho 2 ông sẽ trở thành 269-269. Khi đó theo luật bầu cử, hạ viện (HV) sẽ phải phân xử bằng cách bỏ phiếu chọn TT với mỗi đoàn đại biểu của một TB sẽ chỉ được một phiếu bầu đại diện. Khi đó, ông Trump sẽ thắng vì đảng CH nắm 27 TB ở hạ viện (27 phiếu) trong khi đảng DC chỉ nắm 22 TB (22 phiếu) và TB Pennsylvanis có số HNS DC bằng CH 9-9 nên không có phiếu đại diện trong cuộc bầu này. Sự vô lý này còn kịch tính hơn nữa khi mà tổng số nghị sỹ DC ở HV là 232 trong khi CH chỉ có 197 HNS, nhưng nếu bầu theo phương thức qui định thì CH vẫn thắng. Ví dụ này cho thấy dù thắng đến 7 triệu phiếu phổ thông thì Biden vẫn có thể thua cuộc bầu cử TT nếu để mất khoảng hơn 40 ngàn phiếu phổ thông ở 3 TB nói trên. Điều đó cho thấy mô hình dân chủ của Hoa kỳ rất chi là mong manh, không như mọi người vẫn lầm tưởng.

Hệ thống bầu cử ĐCT này đã tồn tại từ khi lập quốc, và dù có vài trục trặc nhỏ trong lịch sử Hoa kỳ nhưng nó cũng không dẫn đến khủng hoảng chính trị, chủ yếu là do các ứng cử viên TT trong quá khứ dù thua cuộc vẫn thường tuân thủ các nguyên tắc dù thấy có nhiều điều không thỏa đáng. Chẳng hạn năm 2000 mặc dù thắng hơn nửa triệu phiếu phổ thông tòan liên bang nhưng chỉ thua 537 phiếu phổ thông trên 7 triệu phiếu bầu của tiểu bang Florida,  ông Al Gore vẫn chấp nhận thua cuộc sau khi tối cao pháp viện không cho đếm lại phiếu ở Florida. Điều này cho thấy sự phi lý của hệ thống bầu cử TT: 537 phiếu phổ thông của một TB Florida có giá trị hơn 553 ngàn phiếu phổ thông ở các TB khác. Năm 2016, bà Clinton thắng gần 3 triệu phiếu phổ thông nhưng thua phiếu ĐCT và ngay sáng 4/11 đã gọi điện chúc mừng ông Trump thắng cử.

Dẫu rằng càng ngày càng có sự hiểu biết hơn của người dân về những phi lí của hệ thống bầu cử TT ở Mỹ, và càng có nhiều người đòi hỏi cải cách hệ thống bầu cử này. Tuy vậy, cải cách hệ thống bầu cử ở Mỹ là một trong những điều khó khăn nhất. Trước hết, vì nó đã được qui định cụ thể trong Hiến pháp, muốn thay đổi phải có một Tu Chính Án (TCA) với qui trình hết sức khó khăn. Nên nhớ rằng sau hơn 240 năm lịch sử, Hoa kỳ chỉ mới thông qua được 27 TCA mà thôi. Cũng nên nhấn mạnh thêm rằng, “sự thống trị của thiểu số” cũng chính là một công cụ đắc lực nhất để chống lại việc thông qua các TCA. Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà một đảng chính của nước Mỹ đang dựa trên thể thức bầu cử ĐCT để thắng cử TT thì việc thông qua một TCA như vậy là điều dường như không tưởng.

Tiếp đến, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thể thức bầu cử  quốc hội bao gồm Thượng Viện và Hạ Viện. Trong đó đặc biệt nhất phải kể đến là qui định mỗi tiểu bang dù bé hay lớn đều có quyền đại diện bởi 2 thượng nghị sỹ (TNS) có nhiệm kỳ là 6 năm. Nước Mỹ có 50 tiểu bang thì có 100 TNS đầy quyền lực. Hạ Viện có 435 hạ nghị sỹ (HNS) có nhiệm kỳ 2 năm. Cứ 2 năm một lần thì toàn bộ 435 ghế  ở Hạ Viện và khoảng 1/3 ghế ở Thượng Viện sẽ phải được bầu chọn lại. Trừ bầu cử tổng thống, tất cả các cuộc bầu cử khác đều theo thể thức phổ thông đầu phiếu, nghĩa là mỗi cử tri hợp lệ chỉ có được một lá phiếu duy nhất (phiếu phổ thông) bầu trong một mùa bầu cử theo thể thức người thắng cử là người thu được nhiều phiếu bầu phổ thông nhất so với các ƯCV khác.

Có thể thấy ngay hệ thống bầu cử Thượng Viện của Mỹ có một yếu tố “bất thường”, đó là mỗi TB dù dân số ít hay đông bao nhiêu đi chăng nữa cũng chỉ có 2 TNS liên bang. Điều này có lẽ ai cũng đã biết, nhưng rất ít người biết rằng đây chính là các yếu tố chủ yếu dẫn đến hiên tượng “thống trị của thiểu số” đã trình bày. Sau đây chúng ta hãy tìm hiểu về qui chế đó và những hệ quả của nó đối với nền chính trị của nước Mỹ.

  1. Qui Chế Thượng Viện Liên Bang Với 2 TNS cho Mỗi Tiểu Bang

Trước hết cần phải nhấn mạnh rằng qui chế này trước hết xuất phát từ nguyên tắc căn bản của các Nhà Lập Quốc muốn vừa duy trì được một thể chế dân chủ (Majority Rule) nhưng vẫn bảo về được các quyền của những người thiểu số. Thomas Jefferson, vị tổng thống thứ 3 trong diễn văn nhậm chức năm 1801 đã nói ”… cần ghi nhớ nguyên tắc thiêng liêng đó là ý nguyện của đa số trong mọi trường hợp phải chiếm được ưu thế, … rằng quyền công bằng của những người thiểu số phải được bảo vệ bởi các luật lệ và nếu vi phạm điều đó sẽ phải bị trừng phạt”.

Qui chế 2 TNS cho mọi TB và hệ thống bầu cử này có được là do lịch sử hình thành của nước Mỹ. Ban đầu những Nhà Lập Quốc Hoa kỳ phải đưa ra các nhân nhượng, trao cho các tiểu bang nhiều quyền lợi chính trị để các TB này tự nguyện gia nhập vào liên bang. Nhiều tiểu bang nhỏ lo sợ khi gia nhập liên bang sẽ bị các TB có đông dân lấn át và bị mất quyền lợi. Cần nhớ rằng, nhiều tiểu bang từng là thuộc địa của các đế quốc khác nhau như Pháp, Anh, Tây Ban Nha. Thoạt tiên, việc những người soạn thảo Hiến Pháp đưa ra mô hình lưỡng viện quốc hội liên bang gồm có hai viện, Hạ Viện (HV) và Thượng Viện (TV) nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Việc phân bổ dân biểu của HV theo tỷ lệ dân số cũng không gặp rắc rối nhưng việc phân bổ dân biểu của TV đã gặp phải nhiều tranh luận hơn bất kỳ phần nào khác khi xây dựng Hiến pháp. Trong các cuộc tranh luận này, một số tiểu bang nhỏ – không muốn từ bỏ quyền lực ngang bằng của mình với các tiểu bang lớn hơn đã đe dọa ly khai và đã giành chiến thắng với tỷ lệ bỏ phiếu 5–4 trong một thỏa thuận được gọi là Thỏa hiệp Connecticut quy định rằng mỗi một tiểu bang – bất kể dân số ít hay nhiều – sẽ được đại diện bởi hai thượng nghị sĩ[1].

Như vậy là, để bảo đảm ‘Quyền của Thiểu Số’, các Nhà Lập Quốc của Hoa Kỳ đã đưa vào Hiến Pháp qui định mỗi TB dù lớn hay nhỏ, dân số ít hay nhiều, đều có 2 thượng nghị sỹ (TNS). Ngoài ra, mọi người dân đều có quyền được đại diện ở cả lưỡng viện quốc hội, và vì vậy Hiến pháp cũng qui định rằng mỗi tiểu bang dù ít dân số đến mấy cũng phải có ít nhất 1 hạ nghị sỹ (HNS). Mỗi một TNS có quyền lực hết sức lớn vì hầu hết các đạo luật liên quan đến tài chính, ngân sách, quốc phòng, hiệp ước quốc tế muốn thông qua thì thông thường cần phải có 60 TNS đồng ý cho tranh luận trước khi bỏ phiếu bởi qui định filibuster đã nói trươc đây. Trên thực tế, tỷ lệ của 2 đảng ở TV thông thường chỉ xê dịch trong khoảng 52/48 đến 55/45, cũng có lúc trên 60/40 nhưng là hết sức hiếm. Vì số chênh lệch TNS giữa 2 đảng DC và CH quá ít nên lá phiếu của từng TNS cực kỳ quan trọng. Để thông qua các đạo luật, thông thường phải dàn xếp, thương lượng để thu được từng lá phiếu. Vì vậy các đạo luật khi được thông qua thường phải cân bằng giữa ý nguyện của số đông cử tri nhưng vẫn bảo vệ được quyền lợi của các cử tri ở các TB nhỏ có ít cử tri. Nói cách khác đó chính là mục đích bảo đảm “Thống trị của Số Đông” nhưng vẫn bảo vệ “Quyền của Thiểu Số” do các nhà lập quốc xác lập thông qua các điều khoản của bản hiến pháp. Đó có thể nói là một ý tưởng vô cùng tốt đep. Tuy nhiên, mặt trái của những quy định này càng ngày càng bộc lộ rõ, mà nguy hiểm nhất là không có cơ chế nào có thể thay đổi được các qui định đó ngoài cách yêu cầu các TNS bỏ phiếu tự truất bỏ quyền lực của chính họ vốn là các siêu quyền lực được qui định bởi hiến pháp. Từ chỗ thượng viện có cấu trúc như trên để bảo vệ quyền lợi của thiểu số và cho các tiểu bang nhỏ – nay quyền lực thường bị lạm dụng ngày 1 trầm trọng. Nghiêm trọng hơn cả là TV của Mỹ giờ đây trở thành 1 cơ quan phi dân chủ nhất, và điều này càng ngày càng trở nên trầm trọng như đã trình bày ở phần đầu. Trong mấy chục năm qua, đảng CH dù chỉ đại diện cho 44-46% dân số nhưng vẫn thường nắm 54-55 ghế TNS cũng có nghĩa là chiếm 54-55% TV. Nếu xu thế dân số vẫn tiếp tục thay đổi và hệ thống bầu cử vẫn duy trì như hiện nay thì đến năm 2040, 70 TNS Hoa kỳ sẽ chỉ đại diên cho 30% dân số trong khi đó 30 TNS sẽ đại diện cho 70% dân số Hoa kỳ. Trên thực tế, Thượng Viện Hoa Kỳ đã trở thành một thế lực cản trở lớn nhất cho các cải cách trong xã hội Mỹ ngày nay [4].

Hậu quả trước mắt là do đấu đá đảng phái ngày một quyết liệt TV Hoa kỳ giờ đây đã trở nên tê liệt, rất hiếm khi thông qua được các luật quan trọng. Đặc biệt các luật thường quá chậm để có thể đối phó với các thay đổi nhanh chóng trên thế giới, nhất là sự trỗi dậy của TQ. Nguy hại hơn cả, nếu Thượng Viện – cơ quan lập pháp quan trong nhất được lãnh đạo bởi các TNS đại diện cho một thiểu số chừng 30-40% dân số trong một tương lai không xa lắm như đã được dự đoán. Lúc bấy giờ số đông dân chúng sẽ không chấp nhận cơ chế phi dân chủ đó trong khi những người bảo thủ sẽ bằng mọi cách bảo vệ cơ chế đem lại cho họ các siêu quyền lực. Đó chính là nguồn gốc gây ra các cuộc khủng hoảng chính trị và cả khủng hoảng hiến pháp trong môt tương lai không xa.

Với những trình bày trên đây về hệ thống bầu cử TT và Thượng Viện Hoa kỳ, có lẽ không có gì quá khó để chúng ta có thể nhìn ra những khiếm khuyến của hệ thống đó. Điểm cần phải nhấn mạnh rằng có rất nhiều học giả không đảng phái đã chỉ ra những khiếm khuyến đó và một bộ phận khá lớn của dân chúng cũng nhận ra vấn đề và muốn sửa đổi. Tuy vậy, cũng đã chỉ ra ở trên quá trình sửa đổi đó có lẽ phải kéo dài vài thế hệ mới có thể thực hiện được. Một trong những thay đổi đầu tiên đã xảy ra dưới áp lực của tầng lớp trí thức và cử tri trẻ buộc đảng DC đã phải bỏ hình thức “Thắng Ăn cả” trong các cuộc bầu cử sơ bộ chọn lựa ỨCV TT trong đảng DC năm 2016 và 2020.

Sau đây, một “lỗi hệ thống” khác trong thể thức bầu cử hạ nghị sỹ (HNS) liên bang đã và đang được sử dụng vô cùng hiệu quả đến mức có thể được coi là cách chiếm ghế HNS một cách hợp pháp.

  1. Phân Chia Ranh Giới Địa Hạt Bầu Cử – Cách Chiếm Đoạt Ghế Hợp Pháp

Theo luật bầu cử – dù là bầu các chức vụ dân cử liên bang nhưng toàn bộ qui trình bầu cử đều do các tiểu bang và các quận hạt tự tổ chức theo các hình thức do các cấp địa phương tự quyết định. Đây chính là một quy định tạo ra các các sai sót và cả các lỗ hổng dễ bị lạm dụng dưới rất nhiều hình thức. Tuy nhiên bất cứ cuộc bầu cử nào cũng đều có các sai sót. Ở đây chúng tôi chỉ xin đề cập đến vấn đề thuộc về “lỗi hệ thống” mà các nghiên cứu độc lập không đảng phái chỉ ra. Đó là dựa vào luật phân chia lại ranh giới các địa hạt bầu cử 10 năm một lần để “chiếm đoạt” ghế ở hạ viện môt cách hoàn toàn hợp pháp.

Theo luật bầu cử, cứ 10 năm một lần (2000, 2010, 2020 vv…) các TB phải vẽ lại ranh giới các địa hạt bầu cử nhằm phản ánh chính xác số lượng cử tri và các đại biểu quốc hội đại diện cho họ. Mục đích của việc phân lại các địa hạt bầu cử là rất đúng vì dân số luôn có sự thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, lợi dụng qui định này của luật bầu cử một số tiểu bang nơi mà một đảng chiếm được ghế thống đốc và đa số ở quốc hội tiểu bang đã chiếm đoạt ghế dân biểu quốc hội một cách thô bạo bằng cách “vẽ lại” ranh giới địa hạt bầu cử. Điển hình nhất có lẽ phải kể đến đảng CH ở TB North Carolina đã thành công ngoài mức tưởng tượng với việc giành được 10 ghế trên tổng số 13 ghế HNS (77%) năm 2018 dù chỉ thắng 2% tổng số phiếu bầu. Năm 2020 dù đảng CH thua tổng số phiếu bầu 1.66% nhưng vẫn chiếm được 8 trên 13 (66%) ghế [5].  Một ví dụ khá điển hình khác là TB Pennsylvania với 18 ghế HNS. Năm 2012 sau khi vẽ lại ranh giới địa hạt bầu cử đảng CH thắng 13/18 (72%) dù thua tổng số phiếu bầu với tỷ lệ 49/51% trên toàn TB [6]. Kết quả phi lý này dẫn đến các vụ kiện dẫn đến phán quyết của tòa cho phân chia lại ranh giới dẫn tới kết quả cân bằng hơn với tỷ lệ 9/9 cho 2 đảng năm 2020 [7]. Đó là bầu cử cấp liên bang. Tình hình này cũng không mấy sáng sủa hơn ở bầu cử cấp tiểu bang. Ví dụ như cuộc bầu cử quốc hội tiểu bang Wisconsin năm 2018, đảng CH thu được 45 % số phiếu nhưng giành được 66 ghế trên 99 ghế (66.7%) trong khi đảng DC thu được 53% số phiếu bầu mà chỉ giành được 33 ghế (33.3%) mà thôi [8].

Theo các kết quả công bố mới gần đây (tháng 11 năm 2021) việc vẽ lại ranh giới cho các cuộc bầu cử năm 2022 ở 16 TB đã phân chia xong thì đảng CH sẽ giành thêm được 5 ghế ở Hạ Viện chỉ bằng việc vẽ lại ranh giới [9], đủ để cho đảng CH giành lại vị trí lãnh đạo HV hiện nay có 221/213 (DC/CH) với 1 ghế bị khuyết. Việc phân chia lại này sẽ còn được tiếp tục cho đến đầu năm 2022 và đảng CH sẽ còn tiếp tục giành ưu thế ở các TB đang tiếp tục phân chia [9].

Để dễ hình dung vì sao chỉ cần phân chia lại ranh giới bầu cử có thể chiếm được các ghế một cách dễ dàng, hãy xét 1 ví dụ đơn giản sau đây. Giả sử 1TB có 200 cử tri, được minh họa bởi 20 hình tròn dưới đây, nghĩa là 1 hình tròn đại diện cho 10 cử tri. Giả sử có 100 cử tri bầu cho DC (màu xanh) và 100 cử tri bầu cho CH (màu đỏ), và TB này có 4 ghế HNS, nghĩa là trung bình mỗi địa hạt bầu một ghế có khoảng 50 cử tri (5 hình tròn). Hình A cho thấy các địa hạt bầu cử được phân chia bởi đường bao bên ngoài, mỗi địa hạt đều có 50 cử tri. Cách phân chia này cho kết quả 2 HNS của DC (xanh) và 2 HNS của CH (đỏ) phản ánh khá chính xác tương quan 50-50% số phiếu cử tri bầu cho 2 đảng. Tuy nhiên, chỉ cần vẽ lại ranh giới phân chia lại các địa hạt như ở hình B thì kết cục đảng CH sẽ có 3 HNS (75%) với số phiếu 50% bầu cho họ.

         Hình 1. Minh họa cách phân chia ranh giới địa hạt bầu cử để “chiếm ghế” một cách hợp pháp. Hình A cho thấy với cách chia khá công bằng thì đảng DC (xanh) và CH (đỏ) thì mỗi đảng sẽ có 2 HNS (50-50%) phù hợp với số phiếu mỗi đảng thu được (50-50%). Hình B cho thấy cũng với tỷ lệ phiếu bầu cho mỗi đảng là 50-50%, nhưng địa hạt bầu cử được phân chia khác đi thì đảng CH sẽ có 3 HNS (75%), và đảng DC chỉ thu được 1 HNS (25%).

Việc sử dụng hình thức vẽ lại ranh giới không chỉ hoàn toàn do đảng CH tiến hành, đảng DC cũng thi hành chiến lược này nhưng không được thành công cho lắm. Có nhiều lí do. Thứ nhất đảng CH đã đề ra chiến lược này từ năm 2000 và đã đầu tư nhiều công sức và tiền của và đến khi đảng DC thấy được thì đã khá muộn và đối phó không hiệu quả một phần cũng vì lí do tiếp theo. Đó là, một thành phần khá đông trong đảng DC là trí thức và lớp trẻ đầy lý tưởng không chấp nhận cách “chiếm ghế” bằng hình thức bị coi là “chơi bẩn” hoặc không công bằng (unfair). Bằng chứng cho điều này là 1 số lớn các TB do đảng DC kiểm soát thì việc phân chia ranh giới bầu cử được giao cho các ủy ban độc lập (Independent Commission) không đảng phái với việc phân định khá khách quan. Trong khi đó thì ở các TB do đảng CH kiểm soát thì đại đa số các ủy ban này do đảng CH kiểm soát thường ít khách quan hơn. Kết quả là, hiện nay đảng CH kiểm soát phân chia ranh giới cho 187 ghế hạ viện, đảng DC chỉ kiểm soát phân chia ranh giới của 75 ghế, số còn lại do các Ủy ban độc lập không đảng phái (tổng số là 435 ghế HNS) [9].

Theo các nhà phân tích bầu cử thì tình hình chiếm ghế bằng cách “vẽ lại” bản đồ ngày càng trở nên trầm trọng và tình trạng “thiểu số thống trị” sẽ trở thành cố định (permanent) ở hạ viện trong thời gian dài sắp tới. Câu hỏi được đặt ra là tại sao tình trạng này lại có thể xảy ra, và xảy ra bằng cách nào. Câu trả lời không dễ chút nào nhất là nếu muốn trả lời 1 cách ngắn gọn và dễ hiểu cho số đông. Tuy vậy, một vài yếu tố chính có thể phác họa như sau.

Lí do chính, gốc gác của vấn đề này là ở chỗ nước Mỹ không có 1 bộ luật thống nhất cho bầu cử. Mỗi một TB, thậm chí quận hạt có một qui định khác nhau, rất dễ bị lạm dụng. Chẳng hạn nếu một TB nào đó dù do một đảng nắm cả quốc hội và thống đốc của TB nhưng muốn sự phân chia công bằng khách quan thì thường sẽ lập ra các ủy ban độc lập bao gồm đại diện các đảng và không đảng phái – như TB lớn nhất là California chẳng hạn. Cách làm này thường đưa đến các phân chia khá khách quan. Ngược lại, nếu một TB khác cũng được kiểm soát của một đảng nhưng muốn lợi dụng quyền lực gần như tuyệt đối ở TB đó và giao việc phân chia ranh giới cho người của đảng mình, thì việc phân chia này thường thiếu khách quan – như TB Texas. Điều đáng nói là việc phân chia như vậy ở 2 TB nói trên là hoàn toàn phù hợp với luật bầu cử của 2 TB đó. Như đã nói ở trên, hiện nay đảng CH ở các TB kiểm soát phân chia địa hạt bầu cử cho 187 ghế ở hạ viện, đảng DC chỉ kiểm soát việc phân chia của 75 ghế, còn lại là do các ủy ban độc lập. Dù vậy, hiện nay (vào thời điểm viết tháng 11/2021) đảng DC vẫn đang nắm HV với tỷ số sát sao 221/213 (1 ghế bị tạm khuyết). Với các kết quả phân chia lại được công bố của 16 TB cho đến tháng 11/2020 thì đảng CH sẽ gần như chắc chắn lấy thêm được 5 ghế – đủ để đảng CH giành được quyền lãnh đạo Hạ Viện vào cuộc bầu cử tháng 11/2022.

Ngoài ra, do mỗi TB hoặc các quận hạt tự có các qui định riêng, không theo một qui định thống nhất nên rất dễ bị lạm dụng. Chẳng hạn như trong cuộc bầu cử 2020, truyền thông chiếu trên TV cho thấy các cử tri thiểu số ở Georgia có nơi phải xếp hàng hơn 8 giờ mới đến lượt bầu, trong khi ở các vùng khác (thường là nơi dân da trắng) chỉ xếp hàng 15 phút. Nếu biết rằng đối với những người lao động bình dân phải bỏ việc để xếp hàng bầu cử vài tiếng là ảnh hưởng đến thu nhập vốn đã rất thấp của họ. Điều đó có thể làm giảm đi đáng kể số người thu nhập thấp đi bầu. Như vậy, chỉ cần bố trí số phòng bầu cử khác đi một chút là đã có thể làm ảnh hưởng đáng kể đến kết quả cuối cùng.

Giải pháp để giảm thiểu sự mất công bằng trong phân chia địa hạt bầu cử là phải có các luật lệ chung thống nhất, ít nhất là chống lại sự lạm dụng quyền lực của các địa phương. Mô hình ủy ban độc lập phân chia địa hạt dù không phải là lí tưởng nhưng vẫn là cách khách quan nhất. Tuy nhiên, để có thể ban hành được một đạo luật về bầu cử như vậy thì trở ngại lớn nhất là filibuster ở Thượng Viện. Gần đây, đang có các tổ chức kêu gọi TV hủy bỏ filibuster ít nhất là để thông qua đạo luật bầu cử. Hiện nay HV do đảng DC nắm đã thông qua 1 dự luật như vậy, nhưng thông qua được TV là hết sức khó khăn. Đảng DC hiện đang nắm TV dù tỷ lệ giữa 2 đảng là 50-50, nhưng do lá phiếu quyết định của phó TT Kamala Haris mỗi khi không phân thua thắng bại. Nếu đảng DC thống nhất họ có thể hủy bỏ filibuster để thông qua diều luật về bầu cử mà HV đã thông qua. Điều này dù chưa từng xảy ra nhưng về lí thuyết hoàn toàn có thể thực hiện được, nhưng khả năng là rất thấp. Đặc biệt ngay chính trong đảng DC hiện có 2 TNS không muốn hủy bỏ filibuster.

Với những gì trình bày trong bài này, hiện tượng “thiểu số thống trị” có lẽ không còn là một giả thuyết xa vời đối với nền chính trị của Mỹ. Liệu điều này có thể bị đảo ngược được không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm cải cách ở quốc hội Mỹ, nhất là TV có dám thay đổi qui định filibuster để thực hiện cải cách chính trị ở Mỹ.  Khả năng cho một cuộc cải cách như vậy là hết sức mong manh, nhưng vẫn có thể xảy ra về mặt lí thuyết. Chúng ta hãy chờ xem.

Viết xong 01/12/2021.

Nguyễn Trung Dân

 

Tham khảo và trích dẫn  

  1. https://en.wikipedia.org/wiki/2000_United_States_presidential_election
  2. https://www.nationalpopularvote.com/state-status
  3. https://www.usa.gov/election
  4. https://www.npr.org/2021/06/09/1002593823/how-democratic-is-american-democracy-key-pillars-face-stress-tests
  5. https://en.wikipedia.org/wiki/2020_United_States_House_of_Representatives_elections_in_North_Carolina
  6. https://www.washingtonpost.com/news/wonk/wp/2018/02/19/pennsylvania-supreme-court-draws-a-much-more-competitive-district-map-to-overturn-republican-gerrymander
  7. https://en.wikipedia.org/wiki/United_States_congressional_delegations_from_Pennsylvania
  8. https://en.wikipedia.org/wiki/2018_Wisconsin_State_Assembly_election https://www.nytimes.com/2021/11/15/us/politics/republicans-2022-redistricting-maps.html?searchResultPosition=3

 

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/United_States_Senate