Iwan Turgenev: Thay một lời tựa

by , under Uncategorized

THAY MỘT LỜI TỰA

IWAN TURGENEV

Nguyễn Xuân Xanh chuyển ngữ

 

Chúng ta ít tính độc lập và yếu đuối đến nổi chúng ta sợ hãi mỗi ảnh hưởng nước ngoài và chống đỡ nó với sự kinh sợ con nít, bởi vì nó có thể làm hư hỏng chúng ta chăng?

Dưới mắt tôi, kẻ thù này có một hình dạng nhất định, và nó mang một tên đã biết: Kẻ thù này là chế độ nông nô. Dưới cái tên này, tôi tóm gọn lại tất cả những gì tôi kiên quyết chiến đấu chống lại đến cùng. Đó là lời thề không đội trời chung của tôi…Và tôi không phải là người duy nhất lúc đó thề như thế. Để thực hiện lời thề tốt nhất, tôi đi về phương Tây.

 

Iwan Turgenev

 

Lời nói đầu. Bài này cho thấy tình trạng tồi tệ ở nước Nga thế kỷ 19, một đế chế và xã hội đóng kín trước thế giới, và người trí thức yêu nước thức thời phải tìm cách ra khỏi nước để học hỏi hầu có thể đánh thức dân tộc mình. Xin xem thêm tâm trạng và nhận định của Maxim Gorki về nước Nga:

Maxim Gorki – Những ý tưởng không hợp thời về Văn hóa và Cách mạng

Tôi đã dịch bài của Turgenev từ một quyển sách của ông gồm những “đoản khúc” mà tôi ưa thích, nhưng hiện nay chưa tìm lại được để ghi nguồn chính xác. Khi nào tìm lại được, tôi sẽ đăng sau. Cám ơn. NXX 3/2021

 

Iwan Turgenev (1818-1883)

Vào khoảng thời gian lễ Phục sinh năm 1843 có một sự kiện ở Petersburg có ý nghĩa nhất cũng như từ đó nó bị rơi vào quên lãng. Lúc đó xuất hiện một bài thơ không qui mô lắm của một người tên T.L, với cái tựa “Parascha”. Người T.L. ấy chính là tôi; với bài thơ tôi bước lên sân khấu thi ca. Từ ấy đến nay đã ngót hai mươi năm trôi qua, và giờ đây nhân cơ hội xuất bản mới các tác phẩm của tôi, tôi muốn trò chuyện với đọc giả một chút, ít nhất về một phần nhỏ của những hồi ức đã kết tụ ở tôi trong một phần tư thế kỷ này. Grande aevi spatium!1 Tôi hứa với đọc giả không gì mới cơ bản, không “sắc cạnh”; cũng như tôi muốn báo trước, rằng nhiều điều vẫn không thể nói ra được, hay chỉ có thể nói một cách ẩn dụ thôi. Lý do đã rõ. Chúng ta tất cả biết rằng, từ 1843 rất nhiều điều đã thay đổi, rất nhiều điều đã biến mất…Nhưng không phải tất cả các mối liên hệ ràng buộc giữa Hôm nay và Hồi ấy đã bị đứt đoạn; nhiều con người vẫn còn sống trong chúng ta – và không phải chỉ họ mới sống sót. Người ta chỉ có thể nói đến sự thật, sự thật tỉnh táo và toàn diện, về một cái gì đã thuộc hẳn về quá khứ. Tôi muốn giới hạn mình vào vài đoản khúc (Fragmente), vài chương lẻ từ những hồi ức của tôi; tôi hy vọng, mối liên hệ nội tại giữa chúng sẽ rõ ra; tôi từ chối ngay từ đầu một một mối liên hệ hình thức, một niên biểu trong những trình bày của tôi. Tuy nhiên tôi cũng thấy việc báo trước một vài điều có liên quan đến cá nhân tôi và quyết định đến xuất phát điểm của hoạt động của tôi là cần thiết.

Khi tốt nghiệp xong ở Khoa triết của Đại học St. Petersburg vào năm 1837, tôi đi Berlin vào đầu năm 1838 để tiếp tục việc nghiên cứu. Lúc đó tôi chỉ mới mười chín tuổi; tôi đã mơ chuyến đi này từ lâu. Hồi đó tôi sống trong niềm tin, ở nước Nga người ta chỉ có thể thu thập vài kiến thức sơ đẳng, nguồn tri thức đích thực ngược lại nằm ở nước ngoài. Trong số các giáo sư của Đại học Petersburg của những năm đó không có vị nào có thể làm lay chuyển tôi trong niềm tin này; mà chính họ cũng thấm nhuần niềm tin ấy; người ta cũng chia sẻ nó trong Bộ, cơ quan được lãnh đạo bởi Bá tước Uwarow, là nơi tài trợ cho việc học của các sinh viên trẻ tại các đại học Đức. Tại Berlin (nơi tôi đến hai lần) tôi ở tổng cộng tròn hai năm.Trong những người Nga theo nghe các bài giảng tại Đại học, tôi có thể kể trong lần ở thứ nhất của tôi: N. Stankewitsch, Granowski, Frolow, trong lần ở thứ hai: M. Bakunin, người sau này nổi tiếng. Tôi đăng ký theo học triết học, cổ ngữ cũng như lịch sử, và nghiên cứu Hegel với sự hăng sai đặc biệt dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Werder. Để chứng minh nền giáo dục thiếu hụt trước đây ở các đại học của chúng tôi, tôi muốn kể tình huống sau đây: Tôi nghe giảng tại Berlin Cổ đại Latin với Giáo sư Zumpt và Lịch sử văn học Hy Lạp với Giáo sư Böck, và ở nhà tôi phải học như vẹt văn phạm latin và hy lạp, bởi vì tôi không nắm vững những thứ này, mặc dù tôi không phải là một trong những thí sinh tồi nhất.

Sự khao khát đi ra nước ngoài của các người trẻ, cùng lứa tuổi tôi, nhắc lại tôi rằng, những người Slawe ngày xưa đã đi tìm thế nào các vị lãnh đạo bộ tộc mình từ những người Variagơ của những vùng đất lạ. Tất cả chúng tôi đều ý thức rằng đất nước chúng tôi to lớn và giàu có, nhưng không có trật tự ngự trị trong đó. Tôi có thể nói từ bản thân tôi, rằng tôi nhận thức được tất cả những bất lợi của một sự ngăn cách như thế khỏi quê hương, một sự cắt đứt đột ngột như thế tất cả những sợi chỉ và mối liên hệ ràng buộc tôi với cách sống kia mà ở đó tôi đã lớn lên…Những điều đó tôi không thay đổi được. Cách sống kia, hoàn cảnh xung quanh và đặc biệt môi trường, nếu tôi được phép nói, mà tôi thuộc vào, môi trường của các đại địa chủ và của chế độ nông nô – không thể níu giữ tôi lại. Ngược lại: hầu hết tất cả những gì tôi nhìn thấy xung quanh đều gây ra một cảm giác của sự rối rắm và bất mãn, và cuối cùng kinh tởm. Tôi không được phép chần chừ. Hoặc tôi phải khép mình vào, và đi vào cùng đường ray một cách thủ phận như những người khác, trên con đường đã bị giẫm nát, hoặc tôi phải một lần quay lưng đi, vứt bỏ tất cả và tất cả, chấp nhận cả nguy cơ mất rất nhiều những gì trái tim tôi yêu quý. Tôi đã làm điều đó… Tôi đã lao đầu vào cái “biển Đức”, cái để rửa sạch và tái sinh tôi, và rồi khi trồi lên khỏi những ngọn sóng của nó, tôi đã trở thành một “người phương Tây”, và tôi vẫn như thế mãi mãi.

Tôi không nghĩ đến việc kết án những người cùng lứa tuổi tôi, những người trên một con đường khác, ít đột ngột hơn, đi tìm Tự do, Nhận thức, những thứ mà tôi khao khát… Tôi chỉ muốn cắt nghĩa rằng, tôi không thấy con đường nào khác. Vì tôi không thể sống với những cái gì mà tôi khinh ghét; có lẽ tôi thiếu sự kiềm chế cần thiết, và cá tính mạnh. Tôi phải tránh xa khỏi kẻ thù của tôi, chính là để từ khoảng cách này tấn công nó một cách dữ dội hơn. Dưới mắt tôi, kẻ thù này có một hình dạng nhất định, và nó mang một tên đã biết: Kẻ thù này là chế độ nông nô. Dưới cái tên này, tôi tóm gọn lại tất cả những gì tôi kiên quyết chiến đấu chống lại đến cùng. Đó là lời thề không đội trời chung của tôi…Và tôi không phải là người duy nhất lúc đó thề như thế. Để thực hiện lời thề tốt nhất, tôi đi về phương Tây. Và tôi không tin rằng “tính chất Tây phương” của tôi đã cướp đi mọi cảm xúc về cuộc sống ở nước Nga, mọi sự cảm thông cho những đặc thù và nghèo khó. “Những ghi chép của người đi săn”, các phác thảo này thời trước là mới mẻ, nhưng giờ đây đã lỗi thời, tôi đã viết ở nước ngoài, một vài phát thảo được viết trong những giờ phút nặng nề của ưu tư, rằng tôi có nên trở về quê hương hay là không. Người ta có thể bác lại rằng chút tinh thần Nga được cảm nhận trong đó còn được giữ lại được không phải vì từ các niềm tin phương Tây, nhưng mặc dù thế, và ngược lại ý muốn của tôi. Thật là khó khăn tranh cãi về điều đó; tôi chỉ biết rằng tôi chắc chắn sẽ không viết được “Những ghi chép của người đi săn” nếu tôi ở lại nước Nga. Tôi nói thêm rằng tôi không bao giờ chấp nhận đường phân thủy rành rọt mà một số người yêu nước lo lắng và cả quá hăng sai nhưng không hiểu biết lại rất muốn giăng ra giữa nước Nga và Tây Âu, một Tây Âu mà nước Nga đã gắn bó rất chặt chẽ bằng nguồn gốc, ngôn ngữ và tín ngưỡng. Chẳng phải chủng tộc slawe đã làm thành – trong mắt của các nhà ngôn ngữ văn và dân tộc học – một trong những nhánh quan trọng nhất của dòng Ấn-Âu hay sao? Và khi không thể chối bỏ ảnh hưởng của Hy Lạp lên Roma và ảnh hưởng của cả hai lên thế giới german-roma thì với lý do gì loại bỏ ảnh hưởng của thế giới vẫn luôn bà con và cùng loài này lên chúng ta? Chúng ta ít tính độc lập và yếu đuối đến nổi chúng ta sợ hãi mỗi ảnh hưởng nước ngoài và chống đỡ nó với sự kinh sợ con nít, bởi vì nó có thể làm hư hỏng chúng ta chăng? Tôi không nghĩ như thế, ngược lại tôi tin rằng Dân tộc Nga chúng ta sẽ mãi mãi giữ mình được cho dù người ta có “tắm chúng ta với bảy nước”. Nếu ngược lại thì thôi, chúng ta là một dân tộc đáng thương làm sao! Tôi nói điều đó từ kinh nghiệm bản thân, bởi vì sự kính phục của tôi trước những nguyên tắc mà cuộc sống của phương Tây đã giành được không ngăn cản tôi cảm nhận được sự trong sáng của ngôn ngữ Nga của chúng ta một cách rõ nét, và gìn giữ nó một cách ganh tị. Những phê phán ở nước Nga, và những trách cứ nhiều loại khác nhau chống lại tôi, theo tôi nhớ lại, đều không một lần nào buộc tội tôi đã bóp méo đi ngôn ngữ, hay ngụy tạo, hay bắt chước một ngôn ngữ ngoại lai khác.

Nhưng thôi đã đủ; tôi đã nói đủ về cá nhân tôi, giờ tôi muốn nói về những người khác. Điều đó sẽ thú vị hơn cho cho bạn đọc và cho cả tôi. Tôi xin phép được nói rằng, các đoản khúc từ những ký ức của tôi mà tôi trình cho đọc giả để phán xét được xếp theo thứ tự niên biểu, và rằng đoản khúc thứ nhất trong đó liên quan đến giai đoạn trước 1843.

 

Nguyễn Xuân Xanh chuyển ngữ

từ tiếng Đức. 25/11/2009

 

1 “Sự vĩnh cửu là vô cùng tận” (Tacitus). Có lẽ tác giả muốn nói không thể nào nói hết được những gì có tính cách vĩnh cửu to lớn, nên tạm giới hạn nói một phần nhỏ thôi.