Mathilde Tuyết Trần đã ra đi

by , under Uncategorized

CÁNH HOA TRƯỚC GIÓ 

Tưởng niệm Mathilde Tuyết Trần

 

Tôi không phải là một cuốn sách hoàn hảo/

Tôi chỉ là một con người với mâu thuẫn của tôi.

(Ich bin kein ausgeklügeltes Buch/

Ich bin ein Mensch mit seinem Widerspruch)

C. F. Meyer

 

Ngày 25. 10. 2022, Pierre, chồng của Mathilde Tuyết Trần, đã thông báo trên mạng Tủ sách Nhất Nghệ Tinh “Tuyet died today at 4:30 in the afternoon”. Đó là dòng tin sét đánh. Tuyết là một “sao sáng” về văn nghệ, trình diễn tại nhiều buổi meeting công chúng. Tuyết học và tốt nghiệp về kinh tế, nhưng với thòi gian khao khát vẻ, và viết. Tuyết có nhiều tác phẩm tranh sơn dầu rất đẹp, và về sau biên soạn nhiều quyễn sách liên quan đến một số chủ đề lịch sủ Việt Nam. Tuyết sinh ngày 31.5.1952, hưởng thọ 70 tuổi. Lễ mai táng ngày 31.10 được diễn ra tại Ressons-sur-Matz, Pháp, và lễ hạ huyệt ở làng Lagny, quê của Pierre, cách Paris 110 cây số.

Mathilde Tuyết Trần

(31.5.1952 – 25.10.2022)

Các bạn thân mến,
Tuyết đã về thăm Sài gòn với Pierre vào hai tuần cuối tháng 8 vừa qua, với mong muốn nhìn lại thành phố thân yêu lần cuối, và giải quyết một số việc nhà còn tồn đọng. Tôi có gặp Tuyết và Pierre. Tôi đã cố gắng giúp Tuyết để chiến đấu tiếp tục, “còn nước còn tát”. Tuyết rất đau đớn, phải liên tục uống thuốc. Tuyết không đi được nữa, mà phải ngồi xe lăng. Pierre mỗi lần phải ẵm Tuyết lên. Anh làm việc đó thường xuyên và hết sức tận tụy và với tình thương yêu sâu sắc.
Buổi chia tay giữa ba chúng tôi tại căn phòng của Nhà khách (tôi quên tên) đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nơi Tuyết và Pierre ở, đẫm nước mắt. Tôi vẫn còn chút hy vọng Tuyết sẽ phục hồi, và gặp lại Tuyết. Khi tiễn tôi ra về trên sân Nhà khách, Pierre vừa ứa nước mắt vừa nói: Người vợ trước của tôi qua đời sau 23 năm sống chung, bây giờ sự việc cũng muốn tái diễn y như thế? Tại sao? Pierre giống như Từ Hải, vai rộng thân cao, tưởng chừng anh ấy khô khan, nhưng ngược lại Pierre là con người có tâm hồn rất nhạy cảm.
Giờ chúng ta đã mất đi người bạn quý của phong trào. Năm 2005 tôi có làm bài thơ tặng Tuyết:

Trời Thu em như cánh én bay,

Gọi bầy để nhớ những ngày xuân xưa

Tóc tuy có bạc nắng mưa

Nhưng ngày xưa ấy vẫn chưa nhạt màu.

Ai ơi xin nhớ cho nhau

Tuổi xuân ta đấy sống đầy trái tim.

Một lần thay máu con chim

Nó bay ngàn dặm, vẫn nhớ hoài năm xưa.

……..

(chọc Tuyết)

Vườn em cắt cỏ xong chưa?

Cho anh qua đấy nghỉ trưa chút nào.

Vườn em có mận có đào?

Cho xin chút vị ngọt ngào lòng anh?

 

Thỉnh thoảng, trong những lúc Tuyết buồn và tuyệt vọng, tôi có gửi Tuyết video Chú đại bi của anh Võ Tá Hân để mong Tuyết nghe mà bình tâm hơn. Cuộc đời là hữu hạn, mọi sinh linh đều thế. Những cái Tuyết đã làm là cố gắng vươn ra khỏi cái giới hạn đó để đạt tới những giá trị cao hơn của cuộc sống. Được như thế là cao quý. Còn lại là số phận. Hãy mỉm cười và chấp nhận. 

Em hãy yên tâm mà đi. Bạn bè đều nhớ đến em. Một thời em đã đem lại sức sống cho tập thể. Nhưng em lúc nào cũng dào dạt sức sống. Làm sao khác được? Nhu cầu ca hát, vẽ tranh, và viết lách, tất cả những thứ đó đều xuất phát từ suối nguồn của tâm hồn một nghệ sĩ. Anh nhớ đến Peter Weiss. Cũng viết, vẽ, làm phim, làm hầu như tất cả mọi thứ, rồi lại viết cho đến khi tài năng ông chín mùi. 
Adieu Tuyết,
Thương yêu,
Nguyễn Xuân Xanh
25/10/2022

Một số tranh sơn dầu trên vải của Tuyết

Nhà thờ của thành phố Lataule nơi Tuyết và Pierre sống

 Cánh rừng ở Halatte

Mandala

Adieu Corsica

 

Vài hình ảnh về Tuyết

MTT_ba_tuyet_photo6

 “Con gái rượu” của bố

MTT_GiaLong1

Nữ sinh đệ Nhất C2 trường nữ trung học Gia Long: Tuyết và Diệu

numérisation0013 (2)

Tuyết và anh Nguyễn Ba năm 2009

8d5So 14_Doc sach

Hai trong nhiều quyển sách của Tuyết

prunus22_1

Mùa xuân bên nhà Tuyết & Pierre

Pierre Deschamps, một “Từ Hải” với trái tim yêu thương trọn vẹn dành cho Tuyết

(Tấm ảnh này hơi to, tôi cố gắng thu bớt lại bằng các tấm ảnh trước cho cân đối, nhưng không thành. Có lẽ Tuyết muốn tôi để nguyên như vậy, vì tình yêu với Pierre)

 

 

ĐÔI LỜI CUỐI VỚI MATHILDE TUYẾT 

“MỘT THOÁNG RỰC RỠ Ở NHÂN GIAN” (Ocean Vương)

Tuyết ơi,

Anh nhờ anh Cung chuyển đến em đôi lời giã biệt. Giờ em đã nằm xuống, tinh anh của em đã về bên kia thế giới. Chúng ta vẫn rất gần nhau, hiện em vẫn ở đâu đây chứ chẳng phải đi xa, nhưng chúng ta không thể với tới nhau được nữa. Anh đã chuẩn bị tinh thần cho mọi tình huống, nhưng khi nghe Pierre báo tin em đã ra đi, anh đã lặng người. Đó là ngày thứ Tư, 25. 10. 2022. Không thể khác hơn hay sao? Những tín hiệu hồi phục của em những ngày trước đó sao bỗng nhiên lại vụt tắt sau lần điều trị căng thẳng cuối cùng mà anh tưởng sau đó em sẽ hồi phục.

Thế là chúng ta không thắng được định mệnh để triển hạn một kiếp người rất xứng đáng để sống tiếp, để con tằm tiếp tục nhả tơ cho đời. Nghe tin dữ, bạn bè chúng ta vô cùng xúc động như một tiếng sét. “Người con gái Việt Nam”, con chim đầu đàn văn nghệ của phong trào năm xưa, đã ra đi vĩnh viễn rồi sao? Không ai muốn tin dù đó là sự thật. Có thể nào níu kéo thời gian lại không? 

Tuyết bên bàn thờ của mẹ tại Sài gòn năm 1998 (ảnh do Tuyết gửi)

Em đã có một tuổi thanh xuân đẹp đẻ, sống để hiến dâng cho đất nước, hết mình với trái tim, cũng hết mình với đồng bạn. Em viết năm 2005: “Dù cuộc sống ở Aachen có nhiều bóng mây đen, nhưng tôi không bao giờ quên được những ngày tháng đã in vết sâu đậm trong trí nhớ” và “bạn ơi, có những kỷ niệm để quên, mà cũng có những kỷ niệm để nhớ. Vui hay buồn, kỷ niệm nào cũng là một viên đá đã xây trong phần đời của mình. Nhất là khi tuổi hai mươi đã qua và không bao giờ trở lại. Nhất là khi đã nghe nỗi lo trong lòng, có khi sẽ chẳng còn dịp để đi thăm nhau nữa. Khi nào sẽ là lần cuối?” Quả là “những năm tháng không thể nào quên” của tuổi trẻ rất đáng sống. Từ khởi điểm đó, em đã bước lên con đường của chính mình để lập thân, với một xung lực mạnh mẽ. Nó dẫn dắt em đến những chặng đường của sự trưởng thành không ngờ tới. Đường đi cũng có lúc quanh co, nhưng đó là con đường của mình, để mình sống thật với những cái thiên phú bên trong, vẫn tốt hơn những con đường “thẳng tấp” và người người cứ thế đi mà không cần biết về đâu, như cụ Goethe nói. Chúng ta là những thân phận phù du, nhưng đẹp đẽ, và biết sống cho có ý nghĩa trong cuộc đời ngắn ngủi này, như em. Đó là hạnh phúc.

Tuy có những lúc bóng đen giăng lên đời em, nhưng “thuyền em” vẫn phăng phăng đi tới trong đêm, vượt mọi đau khổ, để đến bờ ánh sáng. Đau khổ chỉ giúp chúng ta hiểu cuộc đời hơn, và để sống thật hơn với bản thân, như em đã sống. Em đã phát triển các tài năng nghệ sĩ đa dạng, sáng tác nhiều bức tranh rất đẹp. Em vẽ tranh, triển lãm, rồi viết miệt mài và công bố nhiều tác phẩm có giá trị về lịch sử Việt Nam. Dấu Xưa, Việt Bắc – Một mùa xuân, Từ Lũng Cú đến Đất Mũi, và sau cùng là Vua Duy Tân, tất cả đều là những công trình nghiên cứu công phu và đặc sắc. Xưa tiếng hát của em dành cho “đất nước còn chiến tranh”. Nay ngòi bút của em cũng dành cho đất nước còn đang nghèo khó.

Cuối cùng, em cũng tìm thấy hạnh phúc bên cạnh người chồng hết mực yêu thương, như con thuyền đã tìm thấy bến đỗ: Pierre Deschamps, một người chồng lý tưởng với trái tim nhân hậu và nhạy cảm rất đáng ngưỡng mộ. Hạnh phúc rồi em. Bù đắp rồi em. Quý lắm rồi em. Xin cho anh kể: Có người phụ nữ tên Johanna, vợ của Theodore van Gogh, từng nói, tôi chỉ cần sống với người yêu của tôi một năm là đủ cho cả cuộc đời. Thực tế Theodore không may đã mất chỉ sau một năm làm đám cưới. Bà vẫn sống hạnh phúc bên cạnh đứa con trai nhỏ, và chính là yếu nhân đã dành cả cuộc đời của mình để phấn đấu làm cho thế giới biết đến tác phẩm của Vincent van Gogh một cách trọn vẹn như hôm nay. 

Em hãy về thăm quê hương mà em hằng yêu dấu nhé, nơi em từng lớn lên trong tình thương yêu, của Ba – em là cô con gái rượu – và nhất là của Mẹ, và nơi mà dòng máu Việt Nam đã hình thành và tuôn chảy trong từng thớ thịt của em. 

Em hãy yên nghỉ nhé.

Thương yêu,

Nguyễn Xuân Xanh

31/10/2022 Thành phố Hồ Chí Minh

Xem thêm:

Giới thiệu sách Vua Duy Tân của Mathilde Tuyết Trần

Dưới đây tôi xin ghi lại bài thơ dành cho Tuyết của bạn Nguyễn Thanh Lâm, người từng sống ở Aachen trong những năm sôi động và cũng đầy ắp tinh thần nghệ sĩ, với sự cho phép của anh. Hy vọng sắp tới chúng ta có một tập hồi tưởng của bạn bè dành tặng cho Tuyết.

 

Bay về “Dấu xưa”

 Thương tặng Mỹ, Chí, Tiffany, Pierre và gia quyến của Tuyết Trần

Nguyễn Thanh Lâm

 

Cuộc đời trôi như một giấc mơ

Thoắt đến, thoắt đi dầu chẳng hững hờ

Giọng hát vút cao như “xa khơi” vời vợi

Đọng lại trong lòng như một “Dấu xưa”

Có những dấu xưa nằm trong trang sách

Những dấu xưa trong nốt nhạc miên man

Dòng sông ấy có “Hoa Gai” ven rạch

Có mắt nhìn như đâm suốt tim gan

Xin cứ cười trong đuôi mắt, lời ca …

Cõi nhân gian biết thế nào là đẹp ?

Hồn bay đi mà thân xiêu chưa khép

Muôn tình yêu thương nhớ cõi ta bà

Tuyết đã đến giữa nhân gian ẩn hiện

Một trái tim em bé mãi mê tìm

Những dấu xưa của những ngày dâu biển

Bay, bay đi, về với ánh bình minh

Một kiếp người ngắn ngủi với sinh linh

Sao chứa đựng tình tràn đầy như thế!

Tuyết hãy bay đi qua rừng, qua bể….

Mấy bạn hiền nào dễ để quên nhau!

Hãy an lành múa hát mãi ngàn sau !

Vĩnh biệt Tuyết!

 

Thêm một bài nữa của người bạn lâu năm của Tuyết, Trần Văn Cung và Thủy. Cung Thủy đã đi hơn 500km từ thành phố Wuppertal, Đức, đến dự đầy đủ lễ an táng của Tuyết ở Ressons s/M rồi Lagny, quê nhà của Pierre; đi về hơn 1.000km nội trong một ngày, một nổ lực phi thường. Sau đây là nội dung của bài tường thuật rất cảm động, cảm ơn Cung & Thủy:

 

Đôi lời tiễn biệt bạn Trần thị Tuyết rất mến thương

Trần Văn Cung và Thủy

 

Ngủ đi mộng hãy bình thường
À ơi có tiếng thùy dương mấy bờ
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ
Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau …

(Huy Cận – Phạm Duy)

Tuyết mến thương của bạn bè ở Đức, hãy yên nghỉ!

Hôm thứ hai, 31.10, ba đứa tụi mình Thu (Lưu) và Thủy Cung đã đến Ressons-sur-Matz dự tang lễ Tuyết tại nhà thờ và sau đó đến làng Lagny, cách Ressons s/M (20 km), nơi sinh trưởng của Pierre dự lễ hạ huyệt. Vâng, hạ huyệt (Gruftbeisetzung) chứ không chôn như bình thường.

Tụi này rời Wuppertal khoảng 6h45, chạy qua Aachen, xuyên nước Bỉ, theo xa lộ A1 về hướng Paris, đến gần Compiègne rồi rẽ vào Ressons s/Matz lúc gần 12 h trưa, sớm 3 tiếng, trước khi bắt đầu tang lễ ở nhà thờ, còn đủ thời gian để tìm mua một giỏ hoa dùm UBTT, theo lời yêu cầu của bạn PK Hổ đang ở VN.

Tp. Ressons s/M nhỏ xíu, vào cuối thu trời nắng hanh se lạnh, vắng vẻ … Trưa thứ hai đa số các cửa hàng đều nghỉ nên lại càng có vẻ đìu hiu. Cửa hàng hoa duy nhất cũng đóng cửa, thế là 3 chúng tôi phải đi 20 km về Compiègne tìm một cửa hàng hoa (thành phố đại học, nổi tiếng với toa xe lửa lịch sử, nơi Pháp và Đức ký hiệp ước chấm dứt Thế chiến thứ nhất vào ngày 11.11.1918). Cuối cùng, may thay, cũng tìm thấy một cửa hàng khang trang, vào xem bên trong thấy có nhiều bó hoa và chậu hoa đẹp. Chúng tôi chọn một chậu hoa có nhiều bông trắng gồm hồng, thược dược, điểm thêm vài đóa huệ hồng nhạt, khiến người xem tưởng như thấy dáng một cô nữ sinh Gia Long có đánh chút má hồng của thuở xa xưa. Một màu áo mà vài chục năm trước, khi còn ở AC Tuyết cũng thường hay mặc vào những dịp Tết, đám cưới của các bạn SV cùng thời… Chậu hoa đẹp thanh nhã nhưng trang trọng, được kết thêm một dải băng có hàng chữ “Sincères Condoleances – La VSW et les amis en Allemagne”, mà bạn Hổ từ VN nhắn sang nhờ mang đến tiễn biệt Tuyết.

Gần 15 h, xe nhà đòn đến, chở theo quan tài của Tuyết. Pierre, các con cháu của Tuyết, bà con và bạn bè của Pierre cũng lần lượt bê hoa vào, tất cả chỉ hơn 20 người. Quan tài của Tuyết được đặt trên mặt tiền trước bàn thờ chính, được bao bọc bởi khá nhiều hoa của gia đình và bạn bè. Trong số đó có cả 3 bó hoa rất đẹp của Đoàn làm phim “Đi tìm dấu tích ba nhà vua yêu nước” (2008), tạp chí Hồn Việt và của Chị em B3 (có lẽ là của các bạn học thời trung học?), do các bạn ở Paris tổ chức. Tụi mình đến chào hỏi và chia buồn với Pierre và hai cháu Mai Phi và Stefanie,  con gái của Tuyết. Cả hai cô cũng vừa cùng chồng và các con từ Nam Đức đến dự lễ tang của Mẹ. Tất cả mọi người đều mang một nét u buồn, chút mệt mỏi (vì đường xa) và chút thảng thốt vì chỉ biết tin tang lễ trước một ngày. Riêng Pierre thì trông rất tội nghiệp, mắt đỏ hoe vì khóc nhiều, trông mệt mỏi với nét mặt như thất thần, rất đáng thương … Tụi mình nhìn lướt qua các khách Pháp và ráng nhìn ra phía sau xem có bạn bè nào quen không, nhưng tiếc thay … Và cuối cùng Thu cũng nhận ra cháu “Cu Chí” đứng tuốt phía sau với cháu Antoine, con riêng của Pierre với người vợ trước.

Đúng 15 h chuông nhà thờ gióng giả ngân vang báo giờ bắt đầu buổi thánh lễ, rồi cha xứ bước tới bục nhỏ trước bàn thờ chính làm lễ. Một buổi lễ với các nghi thức gần giống như các thánh lễ bình thường, nhưng trọng tâm là cầu nguyện cho linh hồn người quá cố được về nước Chúa … Sau khoảng 45 phút làm lễ nguyện cầu và rắc nước thánh lên áo quan. Cuối cùng quan tài được đưa đến nghĩa trang của làng Lagny, quê hương của gia đình Pierre, cách Ressons khoảng 20 km. Như Pierre cho biết trước, quan tài của Tuyết sẽ được đặt xuống một bên của hầm mộ, kế bên là chỗ dành cho Pierre sau này. Ban đầu, khi đọc chữ caveau mình chưa hiểu, tưởng là sẽ chôn cất bình thường như mọi nơi. Nghĩa là hai huyệt cùng nằm song song sát bên nhau trên một mảnh đất rộng gấp đôi mảnh đất huyệt bình thường. Nhưng không phải vậy. Mộ huyệt do Pierre chọn có kích thước vuông vắn, mỗi bề khoảng 2,5 m, được đào sâu khoảng 2 m và đúc bê tông 4 chung quanh chia làm 2 tầng khoảng 1 m, hai tầng trên dưới cách ngăn bằng một nền bê tông có chừa một lỗ trống đủ rộng để có thể hạ quan tài xuống đáy huyệt. Sau đó, người nhà đòn leo xuống đẩy sang một bên chừa chỗ cho quan tài thứ hai (của Piere) sau này. Từ đó mình mới hiểu huyệt mộ là một cái hầm, sau khi đặt áo quan xuống, người tà chỉ đóng kín bằng các tấm nắp bê tông chế tạo sẵn chứ không lấp đất lên. Kế đó, người trong gia đình và bạn bè lần lượt đến nghiêng mình chào từ biệt và ném hoa hoặc rắc những cánh hoa tươi xuống mộ. Tụi mình có mang theo hai bó nhang trầm với một chén nhỏ đựng gạo làm bát hương, đặt trên nền mộ và mời mọi người đến tưởng niệm và cắm nhang theo phong tục Việt nam. Cuối cùng, còn lại hơn chục nén, mình cắm một nén cho anh Xanh đã dặn riêng và những nén còn lại là dành cho bạn bè của Tuyết, vì ở xa không đến được …

Buổi lễ hạ huyệt đã diễn ra trong không khí rất trang nghiêm, cảm động, ấm cúng và gần gũi như một cảnh cúng giỗ trong gia đình. Và lúc đó lại càng hiểu thêm thế nào là “thắm tình bạn bè, thắm tình anh em” … Buổi lễ tang vào lúc chiều tà, nắng đã tắt, ở phía tây xa xa vẫn còn ánh chiều vàng hắt lên nền trời đầy những cụm mây xám lơ lửng. Tuy trời đã se lạnh, nhưng mọi người vẫn nán ở lại, đứng từng nhóm, từng cặp như nói với Pierre, với nhau những lời tâm tình hoặc chia sẻ với nhau những kỷ niệm tốt đẹp về người bạn vừa ra đi, về tình cảm bạn bè (trong khoảnh khắc đó, rõ ràng Pierre đã không cô đơn!)… Những hình ảnh đó đã để lại cho chúng tôi một ấn tượng thật đẹp, thật sâu sắc về Pierre, về gia đình con cháu của Tuyết và về vài thân quyến và bạn bè của Pierre mà có lẽ họ đã chơi với nhau từ thuở còn là những thanh thiếu niên ở làng này. Lễ tang của Tuyết lần này, theo mình hiểu, đã hàn gắn được những tình cảm có ít nhiều „rạn nứt” trước đây trong gia đình. Qua những cử chỉ và biểu lộ từ lúc bắt đầu ở nhà thờ đến gần cuối, chỉ khoảng 3 tiếng đồng hồ, mình thấy có một sự thông cảm, thân mật giữa Dì Thu và hai cháu Mai Phi, Tifanny, con gái của Tuyết.

Đám tang, không phải chỉ có buồn mà cũng có vui. Niềm vui lớn lần này là chúng mình gặp được cháu Chí (“cu Chí” mủm mỉn dễ thương, được sự yêu mến của nhiều cô chú hồi gần 50 năm trước ở Aachen hoặc trong các kỳ Tết nhất, lễ hội …). Sau gần 50 năm mới gặp lại Chí, nhưng chắc chắn ai cũng sẽ nhận ra ngay. Chí giống bố một chín một mười, nhất là cái miệng và tướng tá cao ráo. Chí năm nay đúng 50 tuổi. Một chàng trung niên cao lớn, phương phi, đẹp trai, vui vẻ và hồn nhiên, như thể chưa từng ngăn cách. Chí nói tiếng Việt trôi chảy với phong cách hiền hòa, có nét ngây thơ, vô tư lự … nên càng dễ thương. Cháu cho biết đã sống ở Compiegne hơn 8 năm (cách Lataule, nhà của Tuyết Pierre khoảng 20 km), tụi này không muốn hỏi nhiều về đời tư mà chỉ quan tâm đến sức khỏe và quan hệ giữa Chí với Bố Mỹ và Mẹ Tuyết trong nhiều năm qua. Chí cho biết là Mỹ vẫn ở Đức, đâu đó gần Karlsruhe, nhưng hai bố con hầu như không có liên lạc với nhau nên Chí cũng không cho Mỹ biết về cái chết của Mẹ Tuyết. Theo mình đoán thì Tuyết và Pierre vẫn lo lắng, chăm sóc Chí từ lâu nay. Nhân dịp gặp lại Chí, tụi mình có trao đổi số fon với nhau, hy vọng trong tương lai sẽ còn dịp gặp Chí khi có dịp qua Paris.

Chuyện đời tư của Tuyết khá phức tạp. Mình biết không nhiều, chỉ một vài Facette của một viên ngọc quý, qua vài bạn trong gia đình và những gì Tuyết viết trên trang Web … Vì vậy mình không muốn viết gì thêm về Tuyết. Những gì các bạn viết về Tuyết, theo mình là khá đầy đủ: một cô Tuyết trong Hội SVVN Aachen, trẻ trung, xinh tươi và duyên dáng của một thời “ngày đó chúng mình…”; một phụ nữ tài hoa, giỏi nhiều mặt “cầm kỳ thi họa”. Cuộc đời tình ái có phần lận đận gian nan ở giai đoạn đầu đời, nhưng cuối cùng thì Tuyết có phúc lớn, đã gặp được một chàng Pierre trượng phu, hết lòng thương yêu Tuyết với cả tấm lòng hào hiệp bao la; che chở, bảo bọc, tạo đủ mọi điều kiện vật chất và tinh thần để Tuyết có thể thi thố tài năng, làm được hầu hết những gì mình yêu thích. Và dĩ nhiên chàng Pierre, một người từng nếm trải ít nhiều bất hạnh về tình duyên cũng có hồng phúc gặp được một người vợ tuyệt vời như Tuyết (người vợ Pháp đầu tiên của chàng đã mất sau 23 năm sống hạnh phúc bên nhau, lần tái duyên sau đó không được tốt đẹp …). Một mối tình Pháp-Việt đẹp lãng mạn như thơ. Hai người đã sống bên nhau vô cùng hạnh phúc, tâm đầu ý hợp suốt 23 năm nơi một làng nhỏ nhà quê, đến khi định mệnh nhẫn tâm cắt đứt mối tình đẹp như khó có mối tình nào đẹp hơn.

Riêng cá nhân mình, sau vài lần tiếp xúc với Tuyết – Pierre ở tổ ấm “nhà quê” bên Pháp, cũng như  nghe/đọc những gì Tuyết thố lộ về chàng, và có lẽ cũng tương tự như rất nhiều bạn bè chúng ta, mình rất khâm phục, ngưỡng mộ và có lòng yêu mến Pierre. Chàng thật là một hiền nhân, một trượng phu, một tảng đá lớn, kiên cố vững chãi để Tuyết có thể xây dựng một “lâu đài tình ái” vững bền trên đó. Điều này cũng khiến mình bất chợt nghĩ đến lời Chúa Jesus đã nói với Petrus: “Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hỡi Simon, ngươi thật là có phước; vì không phải  xương thịt và máu đã mặc khải cho các ngươi, chính là Cha ta ở trên trời. Nhưng ta nói với các anh em rằng: Chính vì ngươi là Petrus và trên tảng đá này, ta sẽ xây dựng đền thờ của Cha ta và các thế lực âm binh sẽ không thể đánh đổ các đền thờ của Cha ta được ”.

Hôm tang lễ, chàng Pierre của Tuyết đã khóc gần như từ đầu đến cuối vì quá đau buồn trước sự mất mát vô cùng lớn. Thật ra thì Pierre đã khóc suốt cả tuần nay. Theo lời của cháu Chí, thì sau khi Tuyết mất tại nhà, Pierre chẳng báo gì cho Sở y tế địa phương biết, có lẽ vì sợ họ sẽ đến mang Tuyết đi mất (Pierre có gởi cho các bạn tấm hình Tuyết nằm “ngủ” trên giường, còn chàng ngồi mé bên kia khóc lóc trông rất tội nghiệp). Tuyết đã thanh thản ra đi, chúng ta chỉ còn những gì Tuyết để lại, đó là Pierre, Cu Chí hai cháu Mai Phi, Tifanny và 4 đứa cháu ngoại rất mực dễ thương. Ngoài ra còn có rất nhiều di cảo văn chương, tranh vẽ, các bài hát trên YouTube và các quyển sách nghiên cứu về sử cận đại VN, đã in và chưa in … Có lẽ chúng ta nên tạo dựng một hình thức gì đó để gìn giữ những đứa con tinh thần của Tuyết và truyền lại cho các thế hệ về sau. Tuyết đã ra đi, nhưng chúng ta còn Pierre, một nửa còn lại của Tuyết, và chúng ta có lẽ cũng nên trân trọng và thay Tuyết an ủi, động viên Pierre được phần nào hay phần nấy. Hãy xem Pierre như một người anh, người bạn thân và thỉnh thoảng ghé thăm chàng khi có dịp đi về phía Paris. Có lẽ đó cũng là ước nguyện của Tuyết và chắc chắn Tuyết sẽ rất vui trong khi chờ chàng sum họp …

Kèm đây là một vài hình ảnh của buổi tang lễ trong nhà thờ và buổi hạ huyệt:

https://photos.app.goo.gl/GdM6Whbpcg84APQi7

Chúc các bạn sức khỏe và an vui.

Cung Thủy và thay mặt Thu.

(Wuppertal, 4. Nov. 2022)

Kèm đây là một vài hình ảnh của buổi tang lễ trong nhà thờ và buổi hạ huyệt.

https://photos.app.goo.gl/GdM6Whbpcg84APQi7

Chúc các bạn sức khỏe và an vui.

Cung Thủy và thay mặt Thu.

(Wuppertal, 4. Nov. 2022)