Những kinh nghiệm từ Anh quốc

by , under Uncategorized

NHỮNG KINH NGHIỆM TỪ ANH QUỐC

(2019)

Nguyễn Xuân Xanh

 

Sự ham muốn cải thiện điều kiện sống của chúng ta, một ham muốn…. đến với chúng ta từ trong bụng mẹ, và không bao giờ rời bỏ chúng ta cho đến khi chúng ta xuống mồ.

Adam Smith

 

Lời nói đầu. Bài dưới đây là một phần (tr. 324-341)  trong bài có tiêu đề

NƯỚC ĐỨC TRONG BỐI CẢNH CUỘC CÁCH

MẠNG NGHIỆP CÔNG NGHIỆP THẾ GIỚI

của quyển sách Nước Đức Thế kỷ XIX lần in năm 2019 do Cty sách ZENBOOKS phát hành, TP Hồ Chí Minh.

Trong khuôn khổ kỷ niệm 300 năm sinh nhật của Adam Smith, tôi xin đăng lại cho việc tham khảo.

Nguyễn Xuân Xanh

 

Các cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh không cần phá ngục Bastille, hay đổ máu như cách mạng Pháp, hoặc các cuộc cách mạng đổ máu khác, lại chứa đầy tính chất cách mạng xã hội, kinh tế, đem lại phúc lợi cho nhân dân. “Những gì mà bạo lực của những thể chế phong kiến không bao giờ thực hiện được thì hoạt động âm thầm và không ồn ào của ngoại thương và sản xuất lại từng bước làm được” như Adam Smith nói. Cuộc cách mạng công nghiệp Anh ở thế kỷ 18 được đánh dấu bằng hai phát minh: Máy ngưng tụ riêng (separate condenser) của James Watt để sử dụng cho máy hơi nước của ông, và máy dệt chạy bằng nước (water frame) của Richard Arkwright để tạo ra sợi cotton bằng sức nước thay cho sức người, cả hai được đăng ký sở hữu trí tuệ cùng năm 1769, cho nên năm này được gọi là năm thần kỳ, annus mirabilis (theo Donald Cardwell) của phát triển công nghiệp. Đó là những phát minh có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất lên kinh tế kể từ cuộc cách mạng nông nghiệp mười ngàn năm trước.

Friedrich Engels so sánh vị thế của Anh và Pháp như sau về ảnh hưởng lên thế giới là hai quốc gia có nhiều thuộc địa (1847): “Lấy thí dụ Anh, chẳng hạn. Anh quốc phát minh ra máy hơi nước; Anh quốc xây dựng ngành đường sắt – hai thứ đó chúng ta nghĩ xứng đáng được gọi là những ý tưởng hay. Có phải Anh quốc phát minh những thứ đó cho riêng họ, hay cho cả thế giới? Danh tiếng của Pháp trong sự truyền bá văn minh ở mọi nơi, đặc biệt tại Algiers (và ba nước Đông Dương). Vâng, còn ai truyền bá văn minh ở Mỹ, châu Á, châu Phi và châu Úc, nếu không phải là Anh?” Trước Engels, Hegel từng viết trong Triết lý của Lịch sử: “Sự tồn tại vật chất của Anh dựa trên thương mại và công nghiệp, và người Anh đã đảm nhận sứ mệnh vĩ đại làm những nhà truyền giáo của Văn minh trên toàn thế giới; vì tinh thần thương mại đã thúc đẩy họ lục lọi tất cả các biển và quốc gia, tạo nên kết nối với các dân tộc man di, đánh thức các nhu cầu và công nghiệp ở họ, và nhất là thiết lập những điều kiện để giao thương ở họ, đó là sự từ bỏ các hành vi bạo động, sự tôn trọng tư hữu và lòng mến khách.”

Đối với tiến bộ công nghiệp, giới quý tộc ở Anh, khác với ở Pháp và Đức, phần lớn không thù địch; ngược lại họ tích cực tham gia vào việc tài trợ cuộc công nghiệp hóa và hưởng lợi từ đó.  Nước Anh có đặc biệt nhiều thợ thủ công được đào tạo tốt. Luân đôn vào năm 1600 với dân số 200.000, có ít nhất 2.000 người thực hành khoa học, phụ nữ nghiên cứu cây cỏ, những nhà giả kim nam và nữ (những dược sĩ bấy giờ), nhà thực vật học, người chưng cất rượu, người làm nghề in, thợ và chế tạo máy, và chế tạo đồng hồ. [Trong khi Berlin, để so sánh, căn bản là một đồn lính khổng lồ. Năm 1780, trong số 141.000 cư dân, Berlin có 33.000 lính và gia đình, 13.000 quan chức, 10.000 người hầu, tổng cộng 56.000 người phục vụ nhà nước cho một ông vua chuyên chính, và gia đình dòng họ ông. Magdeburg có 5-6.000 cư dân lính trong tổng số 20.000 dân cư. Tại Petersburg (Nga), trong số cư dân 218.000 có 55.600 lính và gia đình họ. (Sidney Pollard)]

Anh có điều kiện chính trị thuận lợi cho cách mạng công nghiệp. Từ sau cuộc Cách mạng Vinh quang 1688 (Glorious Revolution), tinh thần “thượng tôn pháp luật” được củng cố, và cùng với nó, sự bảo đảm an toàn cho quyền tư hữu. Nhà nước không đối đầu với xã hội, mà đúng hơn, nhà nước đại diện xã hội, ít nhất giai cấp có tư hữu. Ở trường học và đại học, óc tò mò khoa học và công nghệ có thể phát triển tự do. Đó là điều kiện thuận lợi cho sự chiến thắng của óc sáng tạo. Phong cách tư duy của Anh-Scotland là ít trừu tượng hơn tư duy của Pháp, và ít tư biện hơn của Đức. Nó có tính chất thực hành, thực dụng và thực nghiệm nhiều hơn − tinh thần của Francis Bacon, người quảng bá việc nghiên cứu tự nhiên bằng quan sát và phương pháp quy nạp để tìm ra định luật, và tiến đến khai thác nó cho những mục đích con người. “Cứu cánh đích thực và chính đáng của các ngành khoa học”, ông viết, “là đời sống con người phải được làm giàu bởi những khám phá và sức mạnh (của tự nhiên)”. Qua đó con người có thể đạt tới sự đền bù và làm cho con người mạnh lại, giành lại quyền năng và sức mạnh (J. M. Roberts & O. A. Westad). Khi những người cách mạng Pháp những năm 1790 khai trương lần đầu tiên triển lãm công nghệ công nghiệp và ngành thủ công tinh vi, họ viện dẫn Bacon như nguồn cảm hứng của họ.

Văn hóa có ảnh hưởng lớn lên công nghiệp hóa một quốc gia. Nước Anh đã trải qua nhiều thay đổi trong văn hóa từ giai đoạn sau của thời Trung cổ cho đến cuộc cách mạng công nghiệp. Công giáo Trung cổ được thay thế bởi Tin lành, sau đó được xác định lại nhiều lần. Đến thời kỳ cách mạng khoa học thế kỷ 17, giới thượng lưu tiếp nhận thế giới quan cơ học được truyền cảm từ Newton và từ cuộc cách mạng khoa học. Thế giới chuyển dịch từ trạng thái trong đó con người cầu nguyện để cải thiện số phận, sang trạng thái trong đó họ tính toán bằng toán học, khoa học. Tỉ lệ người dân biết đọc và biết tính cao. Họ là những người sản xuất và buôn bán giỏi. Người Anh sống với triết lý của Francis Bacon, và có khai sáng công nghiệp (Industrial Enlightenment, Mokyr), tin vào sức mạnh đổi đời của công nghiệp. Họ có kỹ năng, theo đuổi cuộc sống sung túc hơn, và mê tín trong xã hội suy giảm cùng với cuộc cách mạng khoa học đang lên. Khai sáng giúp thực hiện sự chuyển đổi từ homo civilis (con người công dân) sang homo economicus (con người kinh tế), hợp lý hóa tính ích kỷ và tư lợi thành một “ý thức hệ được khai sáng” (R. Porter).

Thay đổi văn hóa là điều kiện tiên quyết để mới có thể phát triển khoa học, chứ không phải bắt khoa học thích nghi văn hóa. Khoa học tự nó là cách mạng, không chịu gò bó vào một môi trường văn hóa không thích nghi hay xa lạ với nó (I. I. Rabi). Khoa học đòi hỏi một văn hóa thích hợp cho nó để phát triển. Giống như một khu vườn gồm những loài cây đặc biệt, cần một văn hóa vun xới thích hợp, cây mới phát triển tốt.

Hai nhân tố có ảnh hưởng rất lớn lên sự lan tỏa tri thức khoa học, công nghệ. Đó là cuộc cách mạng công nghiệp in của Gutenberg thế kỷ 15, và cuộc Cải cách Tin Lành thế kỷ sau đó. Tri thức được phổ biến nhanh chóng. Tin Lành khuyến khích giáo dục để người dân có đức tin đọc được Kinh thánh trực tiếp. Đọc sách dần dần trở thành sự tôn sùng sách. Điều này giúp phát triển khoa học và Khai sáng một cách nhanh chóng. Công nghiệp hóa khó có thể xảy ra nếu không có độ biết chữ lớn. Và cuộc cách mạng khoa học thế kỷ 17 cũng không hình dung được nếu không có sự truyền bá thông tin bằng sách vỡ nhanh chóng. Thư viện của Newton chứa đến 2.000 quyển sách, một con số rất lớn thời bấy giờ.

Một trong những sự cản trở sự phát triển kinh tế là tâm lý mê tín, yếu tố thuộc về văn hóa thời tiền-hiện đại. Ở phương Tây mê tín sớm biến mất dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học, cho nên khoa học và công nghệ phát triển nhanh hơn so với các nền văn minh khác. Ở Anh, Tin lành được ưa thích là vì tôn giáo này “không có những sự tin tưởng và nghi lễ hão huyền và mê tín, và là mô hình duy nhất của lòng mộ đạo và đức hạnh.” Phát triển tư duy khoa học rộng rãi trong xã hội vì thế là điều cần thiết để phát triển nhanh kinh tế (Max Weber). Khoa học phải là nền tảng mới của văn hóa (science as culture). Giống như tiên đề của Đại học Humboldt. (Xem sách Đại Học sắp tới của tác giả[1])

Năm 1726, nghĩa là khoảng nửa thế kỷ trước cuộc cách mạng công nghiệp, người Anh ở thành thị đã có một cuộc sống sung túc vượt hẳn các quốc gia châu Âu như được Daniel Defoe, tác giả của Robinson Crusoe, mô tả: “Giới lao động sản xuất của Anh ăn béo và uống ngọt, sống sướng hơn, làm ăn tốt hơn là những người lao động nghèo của bất cứ quốc gia nào khác của châu Âu; họ làm ra đồng lương cao hơn từ lao động họ, và tiêu xài nhiều hơn từ số tiền của họ cho quần áo và ăn uống so với bất cứ đất nước nào khác.” Ông tin rằng hạnh phúc của Anh nằm trong sự mở rộng thương mại quốc tế. Anh quốc có nhiều nhà văn và nhà tư tưởng ca ngợi thương mại và sản xuất. Thương mại đem lại một bộ mặt mới cho quốc gia … hầu như thay đổi hoàn toàn cách cư xử, phong tục và thói quen của con người. Phồn vinh làm cho xã hội văn minh hơn. Thương mại không chỉ làm cho nước Anh giàu, mà còn thực hiện công việc của Chúa, “văn minh hóa các quốc gia nơi chúng ta và những người Âu châu khác đang định cư; mặc quần áo cho những người hoang dã, và hướng dẫn cho những quốc gia man di phải sống thế nào cho phải lẽ.” (Roy Porter)

Daniel Defoe tác giả của Robinson Crusoe (1659/60-1731)

Defoe là một “nhà ái quốc kinh tế”, bảo vệ giới thương gia và biện minh cho thương mại. Thương mại, theo ông, truyền cảm hứng cho chủ nghĩa yêu nước (patriotism), và nâng cao lòng tự trọng của Anh. “Quyền lực của một quốc gia”, Defoe viết, “không phải được đo lường bằng lòng dũng cảm, sự hào hiệp, hay hạnh kiểm”. Chính sự phồn vinh mới làm cho quốc gia vĩ đại. “Ngoài phúc lợi mà chúng ta thu hoạch được với tư cách là một quốc gia thương mại”, ông viết, “điều là nguyên lý vinh quang của chúng ta, thương mại là một thứ rất khác lạ ở Anh, hơn là ở nhiều nước khác, và nó được thực hiện bởi những người mà, qua giáo dục hay nguồn gốc của họ, không hề là những người cặn bã của xã hội.” Ngược lại, Vua Charles II nói: Rằng những thương nhân chính là những người quý tộc (gentry) ở Anh. Ở Anh, thương nhân không phải, “như phổ biến ở các quốc gia khác”, là những hạng người bủn xỉn nhất. Đúng hơn, thương lại là một thanh nam châm cho các tài năng, “là con đường sẵn sàng nhất cho những người làm ra tài sản cho họ và gia đình; và do đó là lãnh vực cho những con người có tầm cỡ hay của những gia đình tốt để bước vào sự nghiệp.” Thực tế, Anh quốc được xác định là “một quốc gia thương mại”, và sự vinh quang và vĩ đại của nó…. là được làm nên bởi Thương mại…cái là suối nguồn mà từ đó tất cả chúng ta đã hứng lấy với tư cách là quốc gia, được nâng cao, và từ đó chúng ta giàu có, và được duy trì.” Và “Ai trả những số thuế khổng lồ, cung cấp tiền vay, và ứng trước tiền trong tất cả mọi cơ hội? Ai thực hiện các hoạt động ngân hàng và công ty? … Chẳng phải thương mại và thương nhân trả gánh nặng cho chiến tranh?” Và “chẳng phải Thương mại là cái quỹ không bao giờ cạn của tất của tất cả các quỹ mà tất cả những phần còn lại lệ thuộc vào nó hay sao?” (Liah Greenfield)

Có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử danh từ “nhà buôn”, merchant, từng bị chế nhạo ở nhiều nước Công giáo Âu châu, và ở các quốc gia phong kiến nho giáo ở phương Đông, trở thành một danh hiệu vinh dự ở Anh, cũng như danh từ thương mại. Giàu có đồng nghĩa với địa vị, và đó là nhiệm vụ yêu nước. Theo Defoe, thương mại mới là xương sống của nền kinh tế Anh. Ông cũng nói: “Bất động sản là một cái ao, nhưng thương mại là một nguồn suối.” Chính thương mại Anh thời Defoe đã tạo nên nên sự phồn vinh của xã hội làm tiền đề cho cuộc Cách mạng công nghiệp sắp tới, và duy trì sự phát triển mạnh mẽ của nó.

Tinh thần cạnh tranh và theo đuổi hạnh phúc là đậm nét trong văn hóa Anh. Đó là không khí đã tồn tại trước đó mà Adam Smith đã đưa vào tác phẩm của mình Wealth of the Nations: Lợi ích xã hội của một nền kinh tế quốc dân sẽ được kích thích và phát triển không gì bằng sự theo đuổi lợi ích cá nhân của từng người. Điều này đối với người Anh là không có tính cách mạng gì cả, nhưng là mới mẻ ở các quốc gia sống dưới chế độ phong kiến, hay dưới ảnh hưởng của công giáo ở đó nhà thờ còn xem mưu cầu lợi nhuận cá nhân là cái gì bất hảo về mặt đạo đức, hay ở những quốc gia mà chính quyền xem việc lèo lái kinh thế là độc quyền của nhà nước (như các quốc gia theo chủ nghĩa mercantilism thời bấy giờ). Cũng thế, tự do kinh doanh, một yêu cầu của Smith, đã được thực hiện rộng rãi ở Anh hơn bất cứ ở đâu trên lục địa.

Adam Smith (1723-1790)

Nhân tố quan trọng như điều kiện không thể thiếu: Tự do, và tự chủ. Anh quốc là quốc gia sớm có nhiều tự do hơn, nhiều khoan dung hơn. Tự do như khí trời mà nếu không có nó thì các ngọn lửa sáng tạo, đầu tư, kinh doanh sẽ không cháy được. Nước Anh có lẽ là một ngoại lệ ở châu Âu đã sớm thoát khỏi chế độ chuyên chế, nên có không khí thoải mái cho công nghiệp, thương mại, khoa học và tư tưởng phát triển. Phổ đã cải cách cũng vì phải tạo ra một bầu không khí khoan dung và tự do như thế, tuy chưa được như thế. Ở đâu cũng thế: Muốn cải cách kinh tế có hiệu quả cần phải có nhiều tự do, như điều kiện tiên quyết, phải giải phóng con người khỏi những trói buộc của quyền lực thống trị phong kiến, hay các quyền lợi của các nhóm đẳng cấp. Con người phải có bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Khi phúc lợi càng tăng, khung luật pháp càng phải mạnh mẽ hơn, để bảo vệ chính đáng công dân trước sự ngạo nghễ quyền lực ở các đế chế nông nghiệp hay toàn trị. Điểm quan trọng là sự tách rời hành pháp khỏi lập pháp. Theo Smith, một nền “hành chánh luật pháp có thể chịu được” là một trong những chìa khóa để chủ nghĩa tư bản phát triển (Alan Macfarlane).

Điều này gắn liền với việc công nhận và bảo vệ quyền tư hữu bằng pháp luật công minh. Phổ đã làm điều đó trong cuộc Đại cải cách. Marx tự hỏi: “Tại sao lịch sử của phương Đông là lịch sử của tôn giáo?” và ông đã trả lời: “Ở phương Đông không tồn tại tư hữu. Đây chính là chìa khóa để lên thiên đàng phương Đông.”

Khoa học ngày càng có vai trò quyết định trong phát triển kinh tế. Đầu thế kỷ 19, khoa học là công việc của một thiểu số người ham thích. Họ làm việc một mình và chỉ có mối liên hệ với các đồng nghiệp trong cộng hòa trí thức của họ. Năm 1900, hai quốc gia tiên tiến nhất về khoa học, Đức và Anh, có 8.000 khoa học gia mỗi nước. Đến năm 1940, một mình Hoa Kỳ có khoảng 70.000 khoa học gia trong các phòng nghiên cứu và phát triển. Đề án bom nguyên tử Manhattan có đến 40.000. Đến 1980, Hoa Kỳ có khoảng hơn một triệu. Tây Âu cộng lại có nhiều hơn (J. R. McNeill & W. H. McNeill).

Sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Anh còn chịu ảnh hưởng quan trọng của của tôn giáo: tinh thần Tin lành, như Max Weber chỉ ra. Những người Tin lành thanh giáo (puritan) ở Anh tin rằng, những người được Chúa chọn là những người thành công trong thương mại hay công nghiệp. Họ phải thành công, và không được sống phung phí, sống “khổ hạnh bên trong thế gian”, mà có nghĩa vụ thiêng liêng để dành tiền làm những việc có ích cho xã hội, cộng đồng. Tiền cũng không nên cất giấu trong kho, mà cần được sử dụng đầu tư có lợi cho xã hội. Ai sống khác đi sẽ bị tội. Từ thế kỷ 16 trở đi, người ta thấy có mối tương quan giữa các quốc gia đi theo Tin lành và những vùng nơi đó chủ nghĩa tư bản thương mại và sau đó công nghiệp phát triển thành công, từ Amsterdam đến Luân Đôn (Fernand Braudel) [2]. Nói chung, cần có một đức tin, niềm tin gì đó mạnh mẽ thúc giục con người, chẳng hạn lòng yêu nước và một bộ đạo đức nhất định, như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Sau cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là yếu tố nhà nước và thể chế. Những quốc gia nào bị vướng vào các bẫy thu nhập trung bình và “bão hòa” trong đó là những quốc gia có vấn đề về thể chế, hay nói cách khác, thể chế của họ không tương thích với sự phát triển công nghệ. Các tiến bộ công nghệ, như đã nói, là những cổ máy chính của tăng trưởng kinh tế, và năng suất. Các thể chế nào không tương thích, hay kềm hãm sự phát triển khoa học công nghệ, vô tình hay cố ý, như Philippin và nhiều quốc gia châu Mỹ La Tinh hay Châu Phi, sẽ bị tiếp tục lạc hậu, trong khi những quốc gia khác như Hàn Quốc, Singapore nhanh chóng trở nên phồn vinh.

Ghana và Hàn quốc là hai quốc gia vào những năm 1960 có gần như cùng mức độ GNP, và nhiều điều kiện kinh tế, sản xuất, cũng như viện trợ từ nước ngoài giống nhau. Nhưng 30 năm sau tình hình hoàn toàn khác: Hàn quốc trở thành một người khổng lồ công nghiệp đứng hàng thứ mười bốn trên thế giới, xuất khẩu ô tô, thiết bị điện tử và nhiều hàng hóa chất lượng cao khác. Những tiến bộ kinh tế còn giúp củng cố nền dân chủ ở đó. Trong khi đó, Ghana không có sự phát triển nào như thế, và GNP chỉ bằng một phần năm của Hàn Quốc. Những gì đã làm nên sự khác biệt đó? Có nhiều nguyên do, nhưng văn hóa dường như là một nguyên do quan trọng làm nên sự khác biệt. Người Hàn quốc có những giá trị cao như tiết kiệm, lao động siêng năng, giáo dục, đầu tư, tổ chức và kỷ luật, và trên hết lòng yêu nước, trong khi người Ghana có những giá trị khác. (Lawrence E. Harrison và Samuel P. Huntington)

Để có hình dung về sức mạnh công nghiệp Anh, quốc gia đầu tiên thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp, chúng ta lấy vài con số. Người Anh hay tự hào quốc gia mình là “công xưởng của thế giới” (workshop of the world). Năm 1850 Anh quốc thống nhất (gồm cả Wale, Scotland và Bắc Ai-Len) sở hữu phân nửa tổng số tàu đi biển của thế giới, và phân nửa đường ray xe lửa. Năm 1851 Vương quốc Anh (Great Britain) luyện 2.5 triệu tấn sắt, bằng năm lần Hoa Kỳ, và mười lần Đức. Lúc đó các đầu máy hơi nước của Anh có công suất bằng 1.2 triệu mã lực, hơn phân nửa của tất cả châu Âu cộng lại (Roberts & Westad). Nhưng tình hình sau đó dần dần khác đi. Cuộc triển lãm vĩ đại có tên Triển lãm Lâu đài Pha lê tại Luân Đôn năm 1851 là cuộc biểu diễn cuối cùng uy lực của nền công nghiệp Anh triều đại Victoria. Vị trí lãnh đạo của Anh dần dần nhường lại cho Đức và Hoa Kỳ. 

Hai thế ký 18 và 19 − giữa năm 1702 đánh dấu sự kết thúc triều đại William đến năm 1901 đánh dấu sự kết thúc của triều đại Victoria ở Anh − thế giới có những thay đổi sâu sắc chưa từng có. Các thể chế quân chủ lần lược nhường chỗ cho thời đại của xí nghiệp (factory) lên ngôi, biểu tượng của cuộc cách mạng công nghiệp. De Tocqueville cho rằng, từ thế kỷ 11 trở đi, cứ mỗi nửa thế kỷ đã mang giới quý tộc và thường dân lại gần nhau hơn trên thang xã hội. Đến năm 1900, một thường dân có thể tận hưởng những sản phẩm thực phẩm phong phú mà giới hoàng gia năm 1500 có thể ganh tỵ. Từ thời Shakespeare và Nữ hoàng Elizabeth đến thời của Dickens và Nữ hoàng Victoria, một thế giới mới đã hình thành. (Ron Davison)./. 

(2019)

[1] Đã ra mắt, xem https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/gioi-thieu-sach-dai-hoc/

[2] Cho đến thế kỷ 16, các trung tâm của sự phồn vinh thương mại đã tồn tại, và lần lược di chuyển từ Byzantine đến vùng Địa Trung Hải của Công giáo phía Nam châu Âu, để cuối cùng tiến về phía Bắc châu Âu với các quốc gia theo Tin lành. Có lẽ cho đến 1610-1620, danh từ chủ nghĩa tư bản (capitalism) đã được áp dụng chủ yếu cho phía Nam (Braudel). Điều này cho thấy, chủ nghĩa tư bản đã có sớm hơn nhiều so với Tin lành, một điều cần được bổ sung vào nhận định của Weber. Hơn nữa, những người Anh làm ăn giàu có không phải chỉ biết tiện tặng như đạo đức Tin lành đòi hỏi. Họ làm nhiều, chi nhiều.