Sách cho Thành phố

by , under Uncategorized

 

SÁCH CHO THÀNH PHỐ

THÀNH PHỐ SÁCH

Nguyễn Xuân Xanh

 

Lời nói đầu. Đây là bài phát biểu ngắn tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (1977-2017) được tổ chức sáng ngày 1, tháng 2, năm 2018.

 

Tôi rất vui mừng được phép có đôi lời phát biểu tại diễn đàn này liên quan đến sách, sách cho thành phố, và vì sao sách. Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố có một khẩu hiệu làm tôi luôn luôn rất tâm đắc mỗi lần nhìn thấy nó: “Tri thức thay đổi thế giới”.

Đúng như thế, tri thức và óc sáng tạo đã định dạng chúng ta trong cuộc tiến hóa. Thế giới đã trải qua nhiều cuộc cách mạng: Cách mạng khoa học thế kỷ 17, cách mạng công nghiệp tại Anh giữa thế kỷ 18, sự kiện đột phá làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới; cách mạng đại học của Đức (Humboldt) thế kỷ 19 đã tạo ra các đại học nghiên cứu hiện đại như hiện nay, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản trên toàn thế giới, mà sự phồn vinh và quốc phòng của mỗi quốc gia đều rất phụ thuộc vào đó.

Và hôm nay chúng ta có cuộc sống rất ư hiện đại, với những tiện nghi ưu việt mà chỉ 50 năm trước thôi không thể có: GPS, điện thoại thông minh, laptop, internet, mạng xã hội, hay các thiết bị y tế cao cấp như máy chụp ảnh cộng hưởng từ. Một thế kỷ rưỡi trước, có lẽ chúng ta cũng không ngồi đông đảo với nhau ở đây như thế này: Tỉ lệ người sống sót chỉ khoảng 2/3, trước khi có cuộc cách mạng y học mà Louis Pasteur & Robert Koch là những người tiên phong đã đem lại sự sống vững chắc cho nhân loại.

Nói như thế, để thấy Khoa học & Công nghệ là những vấn đề quyết định sống còn cho con người và cho mỗi quốc gia. Khoa học & Công nghệ thực tế là động cơ phát triển thế giới, và tạo cho nó những bộ mặt mới qua thời gian. Hiện nay chúng ta đang đứng trước nhiều cuộc cách mạng diễn ra cùng một lúc trên nhiều lãnh vực: trí tuệ thông minh, cách mạng sinh học, công nghệ nano, và nhiều thứ khác, mà hệ quả chưa lường hết được, tốt cũng như xấu. Các trung tâm sáng tạo đổi mới công nghệ nằm khắp nơi, có lẽ chưa ở Việt Nam. Các công ty khổng lồ thế giới thường xuyên sống trong lo lắng cho sự tồn vong của mình trước sự ra đời của các công nghệ mới có tính hủy diệt, như người khổng lồ Kodak đã từng bị hủy diệt, chứ không phải họ sống yên ổn. Cả thế giới là cái bể sôi động ‘sinh diệt’ tiềm năng và đe dọa. Chúng ta không thể không lo âu.

***

Tất cả các tri thức của những tiến bộ đó nằm ở đâu? Không đâu khác ngoài sách vở, tạp chí và các thư viện ở các quốc gia phát triển. Không có quốc gia nào đi lên mà thiếu những kho tàng tri thức đó. Năm 2017 vừa qua kỷ niệm 150 năm Các Mác hoàn tất tác phẩm Tư Bản Luận (Phần I) tại Đại thư viện Anh ở Luân Đôn. Ông ngồi ở đó nghiên cứu 20 năm, sử dụng sách vở tư liệu của thư viện lớn nhất thế giới, tại quốc gia phát triển nhất, mà nếu không có, chắc ông không thể viết được.

Nhân loại hiện nay có một bộ thông tin di truyền DNA thứ hai nằm trong kho tàng văn hóa chữ viết, chứa đựng những thành tựu vĩ đại của loài người. Chữ viết là phát minh vĩ đại nhất của loài người mà các loài khác không có, giúp con người tiến hóa nhanh chóng vượt bậc. Một dân tộc có thể đổi đời mình trong vòng 30 năm, thay vì hàng nghìn năm, từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu để trở thành một quốc gia công nghiệp hóa phồn vinh và quốc phòng vững mạnh, nếu họ biết học hỏi và sử dụng cái DNA thứ hai này. Có DNA này, đồng nghĩa với có thật nhiều sách, nền giáo dục thật tốt, và ứng dụng thật giỏi những gì đã học vào cuộc sống. Đó là điều tôi muốn nói.

***

Thư viện là nơi chứa đựng DNA thứ hai của loài người

Thư viện là nơi chứa đựng DNA thứ hai của loài người.

Các quốc gia phát triển sau đều dựa vào DNA thứ hai này. Nhật Bản đã có cuộc dịch thuật lớn kéo dài khoảng gần 2 thế kỷ, để du nhập tri thức khoa học và y khoa, trước khi Minh Trị lên ngôi. Tri thức đó giúp cho họ chuyển đổi nhanh chóng dạng thể chế cho phù hợp với tình thế. Năm nay kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy Tân. Tôi xin kể một câu chuyện liên quan đến sách và mang tính đặc trưng của tinh thần Nhật Bản.

Nhật Bản mở cửa chính thức năm 1868, giống như chúng ta mở cửa 1986, sau họ 118 năm. Những mặt hàng được nhập đầu tiên về Nhật Bản là gì? Không phải là hàng hóa hay thiết bị để sản xuất, lại càng không phải hàng hóa tiêu dùng. Mà chính là sách! Giới tinh hoa Nhật muốn biết phương Tây có gì, làm gì, nghĩ gì, sống ra sao. Người Nhật có một văn hóa đọc rất phát triển trong gần 300 năm tỏa quốc thời Tokugawa. Một đầu sách của họ có thể in lên tới 10.000 bản. Các tranh khắc gỗ cũng có thể phát hành với số lượng đó. Với dân số lúc bấy giờ chỉ khoảng 25 triệu thôi. Khi Minh Trị Duy Tân tiếp thu di sản của Tokugawa, thì nước Nhật có đến 17.000 trường học các loại. Và tỉ lệ người có học rất cao, không thua kém châu Âu. Họ học vì óc tò mò, muốn khám phá, và để là con người văn hóa. Thời Minh Trị, họ ráo riết học và ứng dụng cái DNA phương Tây để bắt kịp, không để thua kém ai, và muốn thể hiện lòng tự trọng dân tộc của họ. Sách dịch của họ lúc đó bán ra hàng trăm nghìn bản, đôi khi lên đến cả triệu bản. Họ làm một cuộc cách mạng đọc dữ dội không tiền khoáng hậu.

***

Cho nên, muốn phát triển đất nước, điều cần thiết không thể thiếu là dịch và xuất bản thật nhiều sách hay từ các quốc gia phát triển giàu kinh nghiệm, chứa đựng DNA văn hóa khoa học công nghệ và giáo dục. Đó là điều kiện tiên quyết. Thư viện, trường học, phòng thí nghiệm: Đó là những nơi lịch sử được quyết định, không đâu khác. Mori Arinori, vị bộ trưởng giáo dục đầu tiên của Minh Trị Duy Tân nhận định sâu sắc rằng, nếu chung ta thua trận chiến tri thức, kỹ năng trong thương mại, công nghệ, chúng ta sẽ thua trận chiến bằng súng đạn.

Hiện nay các thư viện trường học, đại học còn quá ít sách. Thầy có quá ít sách để cải thiện nội dung giáo trình cho tốt hơn. Trò cũng thế, quá thiếu sách để có thể tham khảo hay học thêm cho sâu hơn. Cái khó sẽ bó cái khôn. Cái nghèo đáng sợ nhất sau cái nghèo vật chất là nghèo sách, nghèo ý tưởng, làm cho cái đầu bị bó hẹp lại.

Nhà nước đã đầu tư hàng triệu tỷ đồng, nếu tôi không lầm, vào các doanh nghiệp công, nhưng chưa có sự đầu tư vào việc khuếch trương thị trường sách vở và thư viện, tức đầu tư vào tri thức cho các thế hệ trẻ. Cho nên tôi xin mạn phép kiến nghị, Thành phố nên làm sự đầu tư này, bằng một quỹ phát triển sách về khoa học, công nghệ, giáo dục, thuộc loại chấn hưng đất nước, giao cho các nhà xuất bản làm; rồi trang bị các thư viện thành phố với nhiều sách, và lập ra nhiều thư viện công tại các quận huyện, khuyến khích văn hóa đọc phát triển. Văn hóa đọc của chúng ta hiện nay đang rất yếu. Một quyển sách hay bán ra chỉ được vài nghìn bản, chưa quyển nào lên tới vài vạn.Tri thức ít, làm sao xây dựng quốc gia?

Thành phố cần phải là Thành phố sách & học tập, Thành phố của tư duy & sáng tạo, và Thành phố của ý tưởng & tri thức. Đó sẽ là một sự đổi mới sáng tạo lớn có tính đột phá. Tác động của một chương trình như thế sẽ làm tăng tiềm lực sáng tạo cho người Thành phố, làm cho Thành phố xứng đáng thêm không những là đầu tàu kinh tế, mà còn là đầu tàu tri thức sáng tạo. Gần đây, người ta nói nhiều đến đổi mới sáng tạo. Nhưng muốn có đổi mới sáng tạo, không thể không có nhiều sách hay chứa đựng tinh hoa tri thức sáng tạo của nhân loại để đọc. Nhà nước cũng cần phải đổi mới sáng tạo trong việc thiết kế các chính sách phát triển của mình. “Chính phủ kiến tạo” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, theo tôi hiểu, chính là chính phủ đổi mới sáng tạo.

“Đổi mới sáng tạo, và óc tưởng tượng đem lại cho một nền kinh tế, hay công ty, một ưu thế cạnh tranh mới”, cựu Thủ Tướng Gô Chốc Tông nói. “Ngày nay, sự thịnh vượng được tạo ra bởi những ý tưởng mới.” Muốn có nhiều ý tưởng mới, chúng ta cần có nhiều sách hay để học.

Muốn là thành phố thông minh cần phải có một thị trường sách thông minh. Và khi đã là thành phố thông minh, Thành phố sẽ làm tăng chỉ số thông minh của các cư dân của nó. Chúng ta quyết tâm nâng cao mặt bằng tri thức của Thành phố lên cao, và cao hơn nữa đối với thế giới. Ở New York, hay Thung lũng Silicon, hay Berlin, Luân đôn, Tokyo, có sách gì hay, hoặc hữu ích, thì Thành phố Hồ Chí Minh cần phải có sách đó ngay.

Để kết luận, tôi xin trích dẫn khẩu hiệu nổi tiếng sau đây của nhà toán học Đức vĩ đại David Hilbert đầu thế kỷ 20 bày tỏ sự khát khao nóng bỏng muốn biết, khao khát mà chúng ta nên có:

Chúng ta phải biết

Chúng ta sẽ biết.

Xin cám ơn.

1/2/2018