CÂY LIỄU LÚC HOÀNG HÔN
Willows at Sunset
Vincent van Gogh
-May mắn thay cho anh, anh không thuộc về những người mà trong thế giới không gì khác hơn trong trái tim của họ là tranh (Thư 479, Arles, 1888)
-Anh cảm nhận một lực trong anh mà anh phải phát triển, một ngọn lửa mà anh không được phép để nó tắt, mà phải làm cho nó cháy bùng lên, mặc dù anh không biết điều đó sẽ dẫn anh tới kết cục nào, và anh sẽ không ngạc nhiên, nếu đó là một kết cục đen tối ….
-Trong mọi trường hợp, làm một người chiến bại vẫn hơn là kẻ chiến thắng. (242, Den Haag)
-Em thấy, anh đã tìm được gì: công việc của anh; và em đã cũng thấy, cái gì anh không tìm được – tất cả những thứ còn lại của cuộc đời. (W4, Arles, tháng 6/7, 1888)
-Anh luôn luôn tự trách mình, rằng hội họa của anh không có giá trị bằng những tốn kém mà nó đã gây ra. (492, Arles)
Vincent van Gogh (từ những lá thư)
Chân dung tự họa của van Gogh năm 1889 ở Saint-Rémy (Provence)
Bức tranh Cây liễu lúc hoàng hôn, Vincent van Gogh, 1888, tại Provence, nước Pháp
“Diễn tả niềm hy vọng bằng một vì sao, sự nhung nhớ của tâm hồn bằng một hoàng hôn tỏa sáng”
Van Gogh (531, Arles, 1888)
Thưa quý bạn đọc, tôi xin đổi đề tài một chút. Sáng nay (3/2/2023) đọc tin trên The Atlantic, tác giả bài báo (Clint Smith, một tác giả tiếng tăm) viết rằng người da đen Tyre Nichols 29 tuổi, người vừa bị năm viên sĩ quan cảnh sát của Sở cảnh sát Memphis giết chết, gây ra làn sóng phẫn nộ trên nước Mỹ, cũng là người rất yêu hoàng hôn. Mẹ của Nichols thuật rằng cậu thường đến Shelby Farms, một công viên trượt băng, để ngắm hoàng hôn. “Đó là niềm đam mê của cậu ấy. Đến Shelby Farms để ngắm hoàng hôn và chụp ảnh.” Tác giả bài báo trên Atlantic liên tưởng hiện tượng đó với bức tranh Cây liễu lúc hoàng hôn. Ông cũng tự trách mình đã luôn viện nhiều lý do để đánh mất khả năng ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên:
Không phải lúc nào tôi cũng dừng lại để ngắm hoàng hôn. Tôi thường trở thành nạn nhân của căn bệnh cảm thấy quá bận rộn: Thời hạn phải hoàn thành. Thực hành bóng đá để đưa những đứa trẻ đến. Bữa tối để nấu ăn. Email để kiểm tra. Nhưng bức ảnh của Nichols, và những lời mẹ anh ấy nói về tình yêu của anh ấy, đã nhắc nhở tôi về tầm quan trọng của việc ngồi yên với những khoảnh khắc này. Để đưa vào cuộc sống của tôi những hình thức ca ngợi mang tính nghi thức đối với thế giới xung quanh chúng ta mà Nichols đã áp dụng vào cuộc sống của mình.
Không biết Nichols có quen với tác phẩm của van Gogh hay không, nhưng Clint Smith biết rằng cả hai người họ đều có chung cảm giác kinh ngạc trước điều kỳ diệu hàng ngày này của tự nhiên.
Quả thật, từ lâu, chúng ta đã bị “cướp đi” thời gian quý báu và năng lực tạo ra cuộc sống có những giá trị sâu xa hơn là theo đuổi văn minh vật chất. Cái nghịch lý của xã hội kinh tế tư bản chủ nghĩa, theo Theodor Adorno, là con người đánh mất sự nhàn rỗi, điều kiện để thực hiện Bildung, con người chỉ biết theo đuổi sự duy trì tồn tại của bản thân (Selbsterhaltung) mà không có bản thân (Selbst).
Đọc vài dòng đầu tiên của bài báo, tình yêu của tôi trong quá khứ đối với van Gogh bỗng nhiên sống dậy. Tác phẩm Cây liễu lúc hoàng hôn với màu sắc rực rỡ nhưng đầy tương phản gợi lại cuộc đời ông, sự vươn lên từ cảnh sống cùng cực, mặc cho cuộc đời thờ ơ với ông, để vẽ cho đời. Bức tranh đó là cảnh mùa thu, tháng 9. Ánh vàng mặt trời còn tỏa sáng rực rỡ hơn, đem lại sự ấm áp cho thế gian, trước khi tắt lịm. Lúc đó ông không còn vẽ than nháp trước nữa, mà vẽ thẳng vào canvas, như ông viết cho em ông, Theo, vì ông đã cảm thấy tay vẽ của ông đã vững vàng. Thời gian dọn về Arles và Saint-Rémy Provence từ tháng 2 năm 1888 cho đến khi ông mất tháng 7 năm 1890 tại ngoại ô Auvers-sur-Oise của Paris, là giai đoạn sáng tạo nhất, tỏa sáng nhất, nhưng vô cùng ngắn ngủi của Van Gogh. Tài năng ông như đã chín mùi, sức sáng tạo nghệ thuật như bừng dậy một lúc, nhưng đó cũng lại là thời hoàng hôn của ông, sự phát bệnh mạnh mẽ của ông, trước khi ánh sáng của ông vĩnh viễn tắt lịm. Hoa hướng dương, Đêm đầy sao trên sông Rhone, Đêm đầy sao, Hoa diên vĩ, Đồng lúa mì với những nội dung khác nhau, với đàn quạ, cây bách … là những bức tranh của giai đoạn này. Đó là di sản của buổi hoàng hôn rất lộng lẫy của ông để lại cho nhân loại.
Một tấm ảnh khác về hoàng hôn của van Gogh: Bức tranh Cánh đồng lúa mì lúc hoàng hôn, tháng 6, 1888 tại Arles
Vincent ơi, tôi hy vọng năm nay sẽ xuất bản được Các bức thư của ông ở Việt Nam để giúp người ta thấu hiểu ông, sau một thời gian dài bị chậm trễ ngoài ý muốn. Các bức thư, hơn 600 bức, là một tác phẩm văn học lớn chứa đựng triết lý sống đẹp đẽ của ông, cũng như mô tả hoạt động nghệ thuật của ông. Không có những bức thư, không ai sẽ hiểu được Van Gogh. Các bức thư đã chiếm giữ một vị trí quan trọng trong sự nghiệp của Van Gogh. Ông có lẽ là nghệ sỹ đọc nhiều nhất các tác phẩm văn học thế giới quan trọng bấy giờ, không phải để giải trí, mà ở ông, văn học có sức tương tác và dẫn dắt sự nghiệp hội họa của ông, mỗi giai đoạn chuyển biến hội họa đều có một giai đoạn đọc sách văn học đi trước dẫn dắt.
Van Gogh viết:
Đọc lại một quyển sách là một điều tốt, để gìn giữ những cảm xúc nhất định cho sống động. Đặc biệt tình yêu con người (Menschenliebe), niềm tin vào sự tồn tại của Cái cao cả hơn, và ý thức về nó. (227, Den Haag)
Anh không thể tin rằng, một họa sĩ không cần có trách nhiệm khác và bổn phận khác hơn là chỉ vẽ. Anh nghĩ, trong khi nhiều người chẳng hạn xem đọc sách và những thứ tương tự là để giết thì giờ, anh ngược lại quan niệm, rằng người ta lao động không phải rất ít hơn và tồi hơn, mà nhiều hơn và tốt hơn, nếu người ta mở rộng tinh thần và điều đó trên một lãnh vực gắn bó chặt chẽ với công việc này. (R34, Tháng 5, 1883)
Từ trái tim, anh muốn một ngày nào đó vẽ một tiệm sách (nghiêng của V.G.) (615 Saint-Re1my 1889)
Thật là thú vị cũng như khó khăn, nói được một điều gì hay, cũng như vẽ nó. Có một nghệ thuật của đường nét và màu sắc, nhưng không ít hơn nghệ thuật của ngôn từ, và nó sẽ là như thế. (B4, Arles, khoảng ngày 20 tháng 4, 1888)
Dù thế nào, để viết được một quyển sách, thực hiện một hành động, vẽ một bức tranh trong đó có chứa đựng cuộc sống, thì người ta phải tự mình là một con người sinh động. (W1, Paris, 1887)
Khi Van Gogh mất, Albert Einstein được 11 tuổi, người sẽ vẽ bằng phương trình và công thức bức tranh của vũ trụ lộng lẫy và chính xác chưa từng thấy làm kinh ngạc cả thế giới.
Hoàng hôn đẹp lắm, có lẽ chính nó mới cung cấp những bức tranh lãng mạng. Chẳng phải trong bài thơ Bước tới đèo ngang, Bà Huyện Thanh Quan cũng đã diễn tả cảnh quan và tâm trạng của mình vào buổi “xế tà” hay sao:
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Đón xem David Hilbert: Nhận thức tự nhiên và logic học mô tả bức tranh của khúc quanh triết học tự nhiên vào những thập niên đầu thế kỷ 20 mà ông là nhân chứng, đặc biệt với các quan điểm của Kant và Einstein, khúc quanh diễn ra 250 năm sau Newton, với những thay đổi rất triệt đễ.
Nguyễn Xuân Xanh
3/2/2023