Phạm Tuấn Huy: Ngôi sao toán học mới của Việt Nam

by , under Uncategorized

PHẠM TUẤN HUY

NGÔI SAO TOÁN HỌC MỚI CỦA VIỆT NAM 

 

Chúng ta bắt đầu bằng một bài báo của vnexpress ngày 28/1/2023:

Chàng trai vàng Toán học giành học bổng Clay

Xin trích:

Huy là người Việt đầu tiên nhận học bổng này và sẽ trở thành nghiên cứu viên Viện Toán học Clay trong 5 năm, từ 1/7/2023. Hơn 30 cựu nghiên cứu viên của Viện cho đến nay đều là những nhà toán học xuất sắc thế giới, 9 người từng giành giải thưởng Fields – được coi là giải Nobel trong Toán học, trong đó có thần đồng Terence Tao.

Phạm Tuấn Huy sinh năm 1996, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ năm thứ tư tại khoa Toán, Đại học Stanford. Đến nay, anh đã công bố 28 bài báo trên các tạp chí về Toán học. Hướng nghiên cứu của Tuấn Huy là tổ hợp, lý thuyết xác suất và những ngành có liên quan.

Cựu học sinh trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM) từng hai lần giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế (IMO) vào năm 2013, 2014. Anh theo học rồi lấy bằng cử nhân Toán học và thạc sĩ Thống kê tại Đại học Stanford; thạc sĩ nghiên cứu cao cấp về Toán tại Đại học Cambridge. Ở hai ngôi trường danh tiếng, Tuấn Huy đều đạt thành tích xuất sắc và giành nhiều giải thưởng.

Ngoài Toán học, Tuấn Huy được thầy cô nhận xét là người toàn diện và đa tài. Chàng trai này từng theo học 6 năm ở Nhạc viện TP HCM, chuyên ngành Piano.

Theo PGS.TS Lê Minh Hà, mùa hè tới, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán sẽ đồng hành với Viện Toán học Clay tổ chức trường hè và hội thảo tại Việt Nam.

⭐⭐⭐

Tháng 4, năm 2022, một sự kiện quan trọng đã gây xôn xao trong làng toán học thế giới. Nhà toán học trẻ Phạm Tuấn Huy (lúc đó 26t) đã cũng với nhà nữ toán học Hàn Quốc Jinyoung Park (lúc đó 40t), cả hai đều làm việc tại ĐH Stanford, giải được “Giả thuyết Kahn-Kalai” một cách xuất sắc. GS Đàm Thanh Sơn có giới thiệu bài báo trên tạp chí Quanta (tạp chí vừa rồi đưa tin rất chi tiết về lỗ đen toàn ảnh trong máy tình lượng tử) với nhiều chi tiết thú vị:

Elegant Six-Page Proof Reveals the Emergence of Random Structure

(Sáu trang chứng minh thanh nhã hé lộ sự xuất hiện của cấu trúc ngẫu nhiên)

https://www.quantamagazine.org/elegant-six-page-proof-reveals-the-emergence-of-random-structure-20220425

Park, Pham

Jinyoung Park và Phạm Tuấn Huy (ảnh của IAS, Institute for Advanced Study)

Bài báo lời giải của Park và Phạm thực ra chỉ có 5 trang (phần còn lại ngắn ở trang thứ 6 chỉ là sáu mục tư liệu tham khảo (Xem https://arxiv.org/pdf/2203.17207.pdf). Giả thuyết này được hai nhà toán học Jeff Kahn và Gil Kalai đưa ra năm 2006 liên quan đến việc xác định điểm chính xác (ví dụ: nhiệt độ, áp suất, xác suất, v.v.) tại đó xảy ra “sự chuyển pha” (phase transition) trong nhiều hệ thống khác nhau. Các hệ thống được nghiên cứu rộng rãi trong cơ học thống kê và lý thuyết đồ thị (có thể liên quan đến nghiên cứu của GS ĐTS?). Mặc dù điểm này cực kỳ khó tính toán, nhưng vào năm 2006, Jeff Kahn và Gil Kalai, cựu thành viên IAS (1995, 2000) và là khách thường xuyên, đã phỏng đoán rằng nó rất gần với một tham số khác dễ tính toán hơn nhiều. Nếu đúng, thì có thể tính gần đúng khi xảy ra chuyển pha. Điều này được gọi là “giả thuyết ngưỡng kỳ vọng.”  (the expectation threshold conjecture) (https://www.ias.edu/news/park-and-pham-prove-kahn-kalai-conjecture)

Theo dự đoán trong bài viết Quanta:

Giả thuyết Kahn-Kalai, giờ đây đã được chứng minh là đúng, tự động bao hàm vô số phỏng đoán liên quan. Nhưng hơn thế nữa, “đây là một kỹ thuật chứng minh mạnh mẽ [có thể] sẽ dẫn đến những điều mới lạ,” Noga Alon, một nhà toán học tại Đại học Princeton cho biết.

Trong khi các nhà toán học khác cố gắng đi theo lộ trình này để hướng tới chứng minh đầy đủ cho giả thuyết Kahn-Kalai, thì Park và Phạm đã tìm ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới. Conlon nói: “Jinyoung và Huy nhận thấy lập luận cực kỳ trực tiếp, cực kỳ ngắn gọn này đã xuyên thẳng vào tất cả những điều đó. “Thật phi thường. Tôi không hề mong đợi điều đó.”

Kahn đồng ý. “Đây là một trong những điều tốt đẹp xảy ra trong toán học,” ông nói. “Những điều mà mọi người nghĩ là vô vọng hóa ra không những không vô vọng, mà thậm chí còn không khó.”

Bản thân một tác giả của giả thuyết (Gil Kalai) viết: Kỳ diệu thay: Jinyoung Park và Phạm Huy Tuấn giải quyết giả thuyết ngưỡng kỳ vọng! “Nó cực kỳ đơn giản và sáng tạo,” Kalai nói. “Thật gây kinh ngạc. Rất tuyệt vời.”

Jacob Fox, một nhà toán học tại Stanford và là cố vấn của Phạm Tuấn Huy, cho biết: “Tôi sẽ gọi chứng minh của họ là kỳ diệu. Đây sẽ là một phần quan trọng của lĩnh vực phát triển trong tương lai.”

Vào thời điểm giải bài toán, Phạm Tuấn Huy được Quỹ Two Sigma hỗ trợ. Quỹ này sau đó có bài phỏng vấn Tuấn Huy, trong đó có đoạn anh tả lại cảm xúc như sau:

Two Sigma: Việc chứng minh Giả thuyết Kahn-Kalai có ý nghĩa gì đối với ông?

-Tôi đã rất vui khi nghĩ rằng mình có thể chứng minh được giả thuyết Kahn-Kalai, nhưng nhanh chóng phải gác lại cảm xúc để cẩn thận viết ra chứng minh. Ngày hôm sau cái đêm tôi viết bản thảo đầu tiên của chứng minh, tôi đã gặp cố vấn của mình (GS Jacob Fox) và chia sẻ tin tức với ông ấy. Bài chứng minh chưa được kiểm tra bởi bất kỳ ai vào thời điểm đó, nhưng cả hai chúng tôi đều ngây ngất với suy nghĩ rằng nó có thể thành công. Ngày hôm sau, tôi đã mô tả chứng chứng cho đồng tác giả của mình; nhìn vào tấm bảng trắng trong văn phòng của tôi, cô ấy ngạc nhiên vì mọi thứ đã diễn ra suôn sẻ và không thể tin rằng câu hỏi khó có thể được giải quyết bằng một chứng minh đơn giản và thanh nhã. Chúng tôi nhanh chóng viết bài chỉ vài ngày sau bản thảo đầu tiên. Cuối cùng, giả thuyết đã được giải quyết chỉ trong năm trang! (Xem https://www.twosigma.com/articles/the-fellowship-forum-meet-the-two-sigma-fellows/)

Ngoài ra, GS Trần Thanh Vân cũng cho biết, rằng Quỹ học bổng Vallet (của nhà tỷ phú Pháp Odon Vallet) đã trao cho Phạm Tuấn Huy học bổng trong hai năm 2013 và 14. Quỹ này giờ đây có thể hãnh diện về sự chọn lựa của mình.

Phạm Tuấn Huy, hiện đang làm việc tại ĐH Stanford, xin xem:

https://web.stanford.edu/~huypham/

Anh hoạt động cả trên lãnh vực Machine Learning. Anh là một trí tuệ đa dạng.

Việt Nam dần dần có quyền hy vọng sẽ trở thành một “powerhouse” toán học, có nhiều nhà toán học nổi bật hoạt động nhiều nơi trên thế giới. Nếu Việt Nam có những tài năng toán học, thì không có lý do gì không có những tài năng trên những lãnh vực khác, nhất là khoa học, công nghệ, kể cả nghệ thuật. “Trí tuệ là đa nguyên”, trải đều trong xã hội, theo tinh thần của David Hume. Vì hoàn cảnh xã hội mà cho đến nay, VN phần lớn mới chỉ có chủ yếu general và poet. Giờ đã đến lúc phải có những nhà khoa học, công nghệ, doanh nhân lớn. Nước Đức không chỉ có “Dichter và Denker” (nhà thơ và nhà tư tưởng), mà còn có cả thiên hà các nhà khoa học, toán học và công nghệ xuất hiện ở thế kỷ 19 cho nên mới giàu có. Vâng, ở trên cao còn nhiều thứ giá trị lắm. Chúng ta hãy biết khát vọng trí tuệtrân quý thành tựu tinh thần thế giới và tìm đến khai sáng để tạo xung lực cho mình. (Xem Hiện tượng Do Thái: https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/hien-tuong-do-thai-mot-ly-giai/)

Chúng ta hết sức kỳ vọng vào một thế hệ mới các nhà toán học, khoa học xuất sắc của VN xuất hiện trên vũ đài học thuật thế giới, làm cảm hứng cho sự phát triển kinh tế vượt bật của VN, xứng đáng với tiềm năng trí tuệ của mình.

Có thể xem đầy đủ bài báo chứng minh 6 trang ở đây

Bài chứng minh

click để thu gọn phần tiểu sử ở trên

Nguyễn Xuân Xanh 

30/1/2023

 

Những bài viết của tác giả liên quan đến toán học:

YUTAKA TANIYAMA VÀ THỜI ĐẠI CỦA ANH

KỶ NIỆM 100 NĂM ĐỊNH LÝ EMMY NOETHER

ĐỊNH LÝ CUỐI CÙNG CỦA FERMAT

LỜI TỰA CHO QUYỂN SÁCH THIÊN TÀI VÀ SỐ PHẬN

TOÁN HỌC VÀ NGHỆ THUẬT

DAVID HILBERT – DIỄN TỪ BỐN PHÚT BẤT HỦ TRÊN ĐÀI PHÁT THANH NĂM 1930:
CHÚNG TA PHẢI BIẾT/ CHÚNG TA SẼ BIẾT