Yoichiro Nambu – Một thiên tài hiền hòa và nhân hậu

by , under Uncategorized

 

YOICHIRO NAMBU: ĐÃ RA ĐI MỘT

THIÊN TÀI HIỀN HÒA VÀ NHÂN HẬU

(2016)

Tác giả: Madhusree Mukerjee

(Courtesy of Huffingtonpost)

Người dịch: Nguyễn Trọng Hiền & Nguyễn Xuân Xanh

 

Lời giới thiệu. Yoichiro Nambu, người Mỹ gốc Nhật, là một trong những người khổng lồ của thế kỷ 20 trong ngành vật lý lý thuyết. Ông có những đóng góp quan trọng đặc biệt trong phá vỡ đối xứng tự phát, cơ chế đã mang lại khối lượng cho hạt boson Higgs và các hạt khác; lý thuyết màu, cơ chế qua đó các quark kết dính với các nhân nguyên tử; và lý thuyết dây. Ông có niềm tin mạnh mẽ “vật lý không có biên giới”. “Ông là một đồng nghiệp rộng rãi và nhân đức và là tấm gương sống”, chủ tịch Robert J. Zimmer của ĐH Chicago nói.

Ông được trao giải Nobel vật lý năm 2008 “cho sự khám phá cơ chế phá vỡ đối xứng tự phát trong vật lý dưới nguyên tử”, cùng với hai nhà nghiên cứu Nhật Bản, Makoto Kobayashi and Toshihide Masakawa, những người được công nhận cho những công trình họ về các hạt quarks. “Tại sao họ phải chờ đợi lâu như thế, các người Thụy Điển”, James Cronin, đồng nghiệp với Nambu tại ĐH University of Chicago, và cũng là nhà vật lý giải Nobel, hỏi. “Công trình của ông đi trước nhiều công trình rất quan trọng những người khác đã làm, và là viên đá nền tảng để hiểu mô hình chuẩn của vật lý hạt cơ bản”, ông nói.

Ông chứng minh rằng trong một số điều kiện nhất định, các hạt có thể bị “sụp đổ”, đem lại thay đổi trong khối lượng và chức năng. Ông mô tả hiện tượng bằng thí dụ của một đám đông đứng trong một diện tích trống, nhìn theo các chiều ngẫu nhiên khác nhau. Nhưng nếu một người thình lình nhìn chằm chằm vào một hướng nhất định, các người khác sẽ nhìn theo, tạo nên một lực hoàn toàn khác. Khi ông xác định phá vỡ đối xứng tự phát năm 1960, các nhà vật lý nghi ngờ, nhưng nó đã trở thành một nguyên lý cơ bản của nhiều công trình lý thuyết trong vật lý.

Trong bài diễn văn tại buổi lễ chào mừng giải Nobel tại ĐH Chicago tháng 10, 2008, Nambu đưa ra cái nhìn của ông về thế giới tự nhiên: “Ngày nay, nguyên lý của sự phá vỡ đối xứng tự phát là khái niệm cốt lõi để hiểu làm sao thế giới lại đa dạng như thế, mặc dù có nhiều tính chất đối xứng trong các định luật cơ bản được xem là chi phối nó. Các định luật cơ bản là rất đơn giản, nhưng thế giới này lại không buồn tẻ; tôi nghĩ, đó là một sự kết hợp lý tưởng.” (Về Phá vỡ đối xứng tự phát và Mô hình chuẩn, xin xem thêm Kỷ yếu Hạt Higgs Mô hình chuẩn, nxb Tri Thức 2013)

Từ những năm sau của thập niên 1950, ông thực hiện thí nghiệm trong siêu dẫn, nghiên cứu xem một dòng điện làm sao có thể chuyển động với ít lực cản ở nhiệt độ cực thấp.

Khi ông nhận được giải Nobel và được hỏi lời khuyên nào ông có thể nhắn gửi đến các sinh viên quan tâm đến khoa học, ông nói: “Hãy nghĩ độc lập, và luôn luôn nghĩ.” Và “Tôi thích xử trí một bài toán trước một mình, rồi nhìn lời giải của người khác, nếu có.” “Tôi học được từ ông (Nambu) hai nguyên lý quan trọng: Không bao giờ biết sợ tư duy khác với thói thường; và các sự tương tự là một nguồn ý tưởng mạnh mẽ” như G. Jona-Lasinio phát biểu, giáo sư vật lý lý thuyết ở Rom, một thời đã cộng tác với Nambu.

Bản chất khiêm tốn sâu xa là một phần của nhân cách ông. Người ta không hiểu từ đâu mà con người khiêm tốn và nhút nhát này chốc chốc lại tuôn ra những ý tưởng độc đáo, và đi trước. Có lẽ vì ông xem làm vật lý như sự tham gia vào một cuộc chơi sáng tạo.

Nambu sinh năm 1921 tại Tokyo và mất năm 2015 tại Osaka, hưởng thọ 94 tuổi. Ông nói, là đã thi rớt môn Nhiệt Động lực học vì đã không hiểu entropy. May nhờ đam mê vật lý và lòng ngưỡng mộ Hideki Yukawa, người Nhật Bản đầu tiên nhận giải Nobel vật lý năm 1949, ông đã theo vật lý tiếp được. Sau Thế chiến, ông tham gia vào nhóm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của Sin-Itiro Tomonaga (tại Đại học Bunrika Tokyo và RIKEN), và đã nhìn thấy sự phát triển của thuyết điện động học lượng tử QED (lãnh vực mà Tomonaga được giải Nobel cùng với Feynman và Schwinger năm 1965). Đó là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến ông. (Về Hideki Yukawa xem Tự truyện của ông sắp tới)

Năm 1952 được Tomonaga giới thiệu, Nambu đến Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton để học với J. Robert Oppenheimer. Ông được kể là người dám có đủ can đảm để xin gặp Albert Einstein, người mà Oppenheimer tìm cách cách ly khỏi sự thăm viếng của các nhà nghiên cứu trẻ. “Einstein rất sung sướng vì cuối cùng cũng có một ai đó đến nói chuyện với ông”, GS Peter G.O. Freund kể lại.


Tấm ảnh Einstein do Nambu chụp từ trong xe

Nambu nhận được nhiều vinh dự, ngoài giải Nobel ông còn là thành viên của Hàn lâm viện khoa học Hoa Kỳ, Hàn lâm viện Nghệ thuật và Khoa học Mỹ, viện sĩ danh dự của Hàn lâm viện Nhật Bản, được Giải J. Robert Oppenheimer, Giải Wolf về Vật lý, Huân chương Benjamin Franklin, và Huân chương Văn hóa của chính phủ Nhật Bản./.

 

Image result
Yoichiro Nambu (1921 – 2015)
giải Nobel vật lý 2008

Yoichiro Nambu không còn nữa, và cùng với ông, một kỷ nguyên vật lý đã ra đi.

Đó là một thời của sự sôi động và khám phá, và của những nhân cách ngoại hạng, không hợp lắm với một thiên tài nhỏ nhắn, trầm lặng và kín đáo. Ông là thầy cho luận án của tôi tại Đại học Chicago. Sau đó, với tư cách là biên tập viên của Scientific American, tôi đã viết một tiểu sử mô tả cuộc đời và sự nghiệp khoa học của ông; bài này mang tính cá nhân hơn, về ông như một người thầy và một con người.

Cửa phòng ông luôn rộng mở. Mỗi thứ Hai, trọn một giờ đồng hồ, tôi gặp Nambu để trình bày với ông những tính toán nhỏ nhoi của mình, rồi ông đã gắng giải thích hướng đi tiếp. Rồi tôi chép lại, dầu chỉ hiểu biết chút ít những gì ông nói, nhưng khi ra về lòng đầy hào hứng, đam mê vật lý của ông truyền cảm là như thế. Đôi khi ông moi ra các bài viết quan trọng từ kho tư liệu của ông – những nghiên cứu ông làm từ lâu và dường như quan trọng thật sự nhưng ông lại không nghĩ chúng có giá trị để công bố. Và khi ông thấy tôi làm việc quá sức, ông đã kê toa một “liều thuốc” V.I. Warshawski, thám tử giả tưởng Chicago (phim).

Một lần tôi gặp Nambu nghiên cứu một cách chăm chỉ một bài viết tay về thuyết tương đối mà một tay mơ nào đã gửi cho ông. Tôi rất đỗi ngạc nhiên, tôi hỏi tại sao ông lại dành nhiều thời gian để đọc một công trình của một người không chừng là lang băm. Ông trả lời rằng khi Albert Einstein nhận được một bài viết chẳng biết từ đâu của một người Ấn Độ vô danh, ông đã để công đọc nó và hiểu nó. Tác giả là Satyendra Nath Bose và bài báo này đã báo trước sự khám phá ra các hạt boson; nếu không có sự can thiệp của Einstein có thể bài báo không bao giờ nhìn thấy ánh sáng. Vì vậy, mỗi khi Nambu nhận được một cái gì đó bằng thư, cho dù nó trông kỳ quái như thế nào đi nữa, ông cảm thấy bắt buộc phải dành thì giờ đọc nó, vì đó có thể là một viên ngọc ẩn mình. Bài học tôi đã nhận được: không bao giờ đánh giá người khác bằng ngoại hình.

Đôi khi Nambu kể cho tôi nghe những câu chuyện trong quá khứ. Về chuyện Edward Teller say mèm trong bữa tiệc đến nỗi ông ấy đã kết thúc bằng khiêu vũ trên bàn có trải lá cờ Hoa Kỳ. Hoặc về Wolfgang Pauli làm một buổi hội thảo và trở nên nổi trận lôi đình bởi một bình luận phê phán của một thành viên của khán giả khiến ông đã túm lấy người đàn ông và gần như bóp cổ anh ta. Và câu chuyện Bà Wu đã bị từ chối giải Nobel thế nào, điều bà xứng đáng, nhưng chỉ vì bà là phụ nữ.

Tại Viện Enrico Fermi, nơi chúng tôi có văn phòng, không chỉ bầu không khí sôi động và thú vị, mọi người đều thân thiện và giúp đỡ nhau. Nếu tôi có vấn đề với một tính toán, các bạn cùng phòng tôi, những người hơi cao cấp hơn tôi, đã luôn sẵn sàng dành thời gian để chỉ cho tôi biết làm thế nào. Sau đó, tôi nhận ra rằng một sự hợp tác có tính xã hội, chứ không phải là một bầu không khí cạnh tranh trong một nhóm vật lý hạt, là điều rất hiếm, và tất cả mọi người đều quy điều đó vào sự hiện diện văn minh của Nambu.

Tuy nhiên, gần cuối của học bổng sau tiến sĩ đầu tiên của tôi, tôi thấy sự nghiệp của mình gặp rắc rối, và đã viết cho Nambu hỏi ông có nghĩ tôi có tương lai về vật lý hay không. Ông đã gửi cho tôi một thư trả lời dài, mà tôi muốn sao lại một số đoạn trong niềm hy vọng rằng điều đó sẽ nằm trong mối quan tâm của các nhà vật lý đang khát vọng:

Tôi hiểu câu hỏi của bạn. Để trở thành một nhà vật lý không phải dễ, mặc dù nó không phải là khó khăn như trở thành một nghệ sĩ piano hòa nhạc, như một người bạn của tôi, người đã từ bỏ âm nhạc để đi theo vật lý một lần nói. Trong trường hợp âm nhạc, bạn có tài năng bẩm sinh, hoặc bạn không có, thế thôi. Theo đuổi vật lý cũng là một nghệ thuật, vì vậy nó vẫn chủ yếu là vấn đề tài năng, nhưng tài năng có thể có nhiều sắc thái. Có chỗ dành cho các phong cách khác nhau. Hơn nữa, tài năng không có nghĩa đồng nhất với thành đạt. Cái sau là một điều năng động hơn. Bạn cần sự tự-tin, nhưng thường tự-tin và thành đạt liên kết nhau.

Khi còn trẻ, bạn có khuynh hướng trở nên lý tưởng hơn, tham vọng và thiếu kiên nhẫn hơn, giống như bản thân tôi. Bạn sẽ hài lòng với không gì hơn là giải quyết được những vấn đề lớn của vật lý. Nhưng đồng thời, bạn có nỗi tự nghi ngờ gặm nhấm, liên tục cân đo mình với người khác. Tôi đã trải nghiệm điều này sâu sắc khi làm việc hai năm tại Viện Nghiên cứu Cao Cấp (Princeton). Tôi không thể hoàn thành những gì tôi muốn. Mọi người xem ra thông minh hơn tôi, và tôi đã có một sự suy sụp tinh thần. Tôi nghĩ, tôi là người khốn khổ duy nhất có vấn đề. Một thời gian rất lâu sau, tôi phát hiện từ các đối thủ cũ của tôi rằng họ cũng đã nếm trải kinh nghiệm tương tự …

Các xu hướng hiện nay của cộng đồng vật lý gây lo lắng cho tôi. Một số lĩnh vực vật lý đang trong trạng thái trì trệ. Một số khác, nếu không trì trệ, đã trở thành doanh nghiệp tập thể theo định hướng sứ mệnh. Nhưng bạn để tôi kể cho bạn nghe một khía cạnh khác của việc theo đuổi vật lý, hoặc bất kỳ ngành nào. Bạn nên thưởng thức nó như một niềm vui. Bạn không nên lúc nào cũng nghiêm trọng cho đến chết. Chỉ làm mà không chơi là không tốt. Khi bạn bị mắc kẹt, bạn hãy thư giãn và thử những thứ khác mà bạn xử lý được mà không có mục đích hoặc tham vọng cụ thể. Học cách linh hoạt trong việc theo đuổi của bạn trên quy mô ngắn hạn, và kiên nhẫn về dài hạn. Đôi khi một bài báo bạn viết trong một khoảnh khắc tình cờ lại được chú ý nhiều hơn bài báo bạn nghĩ là nghiêm túc và quan trọng hơn …

Tôi đã may mắn được cứu khỏi sự trầm cảm của tôi bởi Goldberger, người đã đưa tôi đến Chicago. Đó là công việc duy nhất mà tôi nhận được, vào phút chót. Bạn cần may mắn, nhưng may mắn không xảy ra trong chân không. Nó phải được vun xới.

Thực ra, Nambu đã cứu tôi. Hóa ra tôi không tìm được việc trong ngành vật lí, và visa của tôi sắp hết hạn – để tôi phải đối mặt với viễn cảnh trở về Ấn Độ, quê của tôi, như là một thất bại – thì ông đã tìm thấy một khoản trợ cấp để hỗ trợ tôi trong hai tháng. Trong thời gian đó, tôi đã may mắn được tìm cho mình một công việc mới và, như nó đã thành hiện thực, một nghề nghiệp mới với tư cách một nhà báo và nhà văn.

Qua nhiều năm tôi thi thoảng nghe từ Nambu. “Tôi đang tìm một cách diễn tả mới cho động lực học chất lỏng trong thời gian rảnh rỗi của tôi, lấy cảm hứng từ lý thuyết dây”, ông viết trong năm 2010. Ông đã 89 tuổi, nhưng niềm đam mê vật lý của ông đã không bị suy giảm. Ông đã quay trở lại Nhật Bản, và có vẻ hạnh phúc ở đó, mặc dù những thay đổi nhất định trong văn hoá − cái mà ông miêu tả như một sự bận tâm đặc thù với cái tầm thường, và một sự ép buộc xã hội để thích nghi – làm cho ông bối rối.

Lần cuối cùng tôi nghe thấy từ Nambu cách đây khoảng một năm, khi ông gửi tặng tôi một bản tuyển tập của ông, mà lời nói đầu là bài tôi đã viết về ông gần hai thập niên trước. Tôi đã bị xúc động bởi chữ viết tay run rẩy trên bao thư, và bây giờ tôi ước là tôi đã biết gìn giữ nó.

Tôi đã không trở thành một nhà vật lý, nhưng tôi không hối hận về những năm tôi đã theo đuổi giấc mơ. Tôi đã học được những điều cơ bản trong việc nghiên cứu, tầm quan trọng của theo đuổi sự tò mò của tôi, và sự cần thiết phải bỏ lại bên đường các lý thuyết yêu mến nếu chúng không được thực tế hỗ trợ. Và tôi vẫn tiếp tục xem ngấu nghiến phiên bản Warshawski mới nhất mỗi khi nó xuất hiện. Làm sao người ta có thể không được phước lành bởi một sự hiện diện đầy ân sủng như sự hiện diện của Nambu trong những năm hình thành của cuộc đời mình?