TÍN ĐIỀU CỦA TÔI
(Mein Glaubensbekenntnis/ Credo)
Albert Einstein
1932
Nếu không có sự đồng cảm với những người cùng chí hướng trong việc theo đuổi những điều không bao giờ đạt tới trong nghệ thuật và nghiên cứu khoa học, cuộc sống của tôi sẽ trở nên trống rỗng. Những mục tiêu tầm thường của tham vọng con người: Sở hữu, thành công bề ngoài, danh tiếng và xa xỉ – từ thời thơ ấu đối với tôi là đáng khinh. Tôi tin rằng một lối sống đơn giản và khiêm tốn là tốt nhất cho mọi người, tốt cho cả thể chất lẫn tinh thần.
Thật là một sự trớ trêu của định mệnh khi người khác đã dành cho tôi quá nhiều sự ngưỡng mộ và tôn kính, không phải do lỗi của tôi, hay do công lao của tôi. Nó có thể xuất phát từ mong muốn không thể thực hiện được đối với nhiều người, những người hiểu được một vài ý tưởng mà tôi đã tìm thấy trong cuộc đấu tranh không ngừng bằng những sức lực yếu ớt của mình.
Albert Einstein
1931
Trong bài Thế giới như tôi nhìn (The World as I see it)
Albert Einstein tại Đài quan sát Mt. Wilson ở Pasadena, Calif.,
khi ông thăm Viện Carnegie vào ngày 14 tháng 1 năm 1931 (AP)
Lời nói đầu. Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 144 vào ngày 14 tháng Ba năm 2023 của Albert Einstein, tôi xin đăng lại bài viết dưới đây của ông năm 1932. Sách EINSTEIN đã từng trích nhiều đoạn trong bài viết này. Lúc viết những dòng đó, Einstein lúc đó khoảng 50 tuổi, và hãy còn sống ở Đức những tháng ngày cuối cùng, trước khi tình hình chính trị đã buộc ông đi định cư vĩnh viễn ở Hoa Kỳ (1933). Có thể nói, Tín điều của tôi là bản thu gọn của bài Thế giới như tôi nhìn, là cánh cửa cho chúng ta thấy những giá trị nhân bản phổ quát của ông, về trách nhiệm xã hội, đam mê nghiên cứu khoa học, lý tưởng dân chủ, triết lý sống, tình yêu hòa bình, công bằng xã hội, sự chán ghét chiến tranh và mọi thứ đi ngược lại tự do. Tín điều được viết bằng tiếng Đức vào tháng 8, năm 1932 tại nhà nghỉ ở Caputh, Berlin, và tháng 9 sau đó, được ông đọc để gây quỹ cho Deutsche Liga für Menschenrechte (Liên đoàn Đức về Quyền con người).
Đĩa Mein Glaubensbekenntnis của Einstein
Năm nay cũng kỷ niệm đúng 90 năm Einstein định cư vĩnh viễn tại Princeton, New Jersey, và sống ở đó quãng đời 22 năm còn lại của mình, thời gian dài nhất ông sống cố định tại một nơi. Tôi hy vọng sẽ có một bài nói về Einstein ở Princeton. Thật ra Einstein đã đặt chân lên Princeton từ năm 1921 trong chuyến đi thăm Hoa Kỳ đầu tiên hết, và tại đây ông đã đọc 4 bài giảng về thuyết tương đối để về sau xuất bản thành gia bảo của những nhà nghiên cứu:
Nguyễn Xuân Xanh
Xem thêm:
100 năm Einstein đặt chân lên nước Mỹ
TÍN ĐIỀU CỦA TÔIAlbert Einstein Đoạn đầu viết tay của Glaubensbekenntnis Thuộc về những người được phép và có thể cống hiến sức lực tốt nhất của mình để chiêm nghiệm và nghiên cứu những điều khách quan, vĩnh cữu, là một ân sủng đặc biệt. Tôi vui mừng và biết ơn biết bao vì tôi đã có thể chia sẻ ân sủng này, phần lớn được quyết định bởi số phận cá nhân và độc lập với hành vi của đồng loại. Nhưng sự độc lập này không được làm chúng ta mù quáng trước nhận thức các nghĩa vụ không ngừng ràng buộc chúng ta với nhân loại trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Tình hình của chúng ta trên trái đất này có vẻ kỳ lạ. Mỗi người trong chúng ta xuất hiện ở đây một cách không tự nguyện trong một thời gian ngắn, và không được mời, mà không biết tại sao và với mục đích gì. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta chỉ cảm thấy rằng con người sống ở đậy là vì lợi ích của người khác, những người chúng ta yêu thương cũng như vô số chúng sinh khác ràng buộc với chúng ta trong số phận. Tôi thường phiền muộn về mức độ mà cuộc sống của tôi được xây dựng trên lao động của những người đồng loại, và tôi biết món nợ của tôi đối với họ lớn như thế nào. Tôi không tin vào tự do của ý chí. Câu nói của Schopenhauer: “Con người có thể làm những gì mình muốn, nhưng không thể muốn những gì anh ta làm”, đồng hành cùng tôi trong mọi tình huống của cuộc sống và hòa giải tôi với những hành động của mọi người, ngay cả khi chúng khiến tôi khá đau đớn. Nhận thức về sự không tự do của ý chí này bảo vệ tôi khỏi quá coi trọng bản thân và đồng loại của mình như những cá nhân hành động và phán xét, và khỏi đánh mất đi tính hài hước của tôi. Tôi chưa bao giờ khao khát cuộc sống giàu có và xa xỉ, thậm chí còn khá coi thường chúng. Niềm đam mê của tôi đối với công bằng xã hội thường khiến tôi xung đột với con người, cũng như tôi không thích bất kỳ sự ràng buộc và phụ thuộc nào mà tôi thấy thực sự không cần thiết. Tôi luôn tôn trọng cá nhân và có mối ác cảm không lay chuyển với bạo lực và sự cuồng tín. Từ tất cả những động cơ này, tôi là một người theo chủ nghĩa hòa bình và chống quân phiệt nồng nhiệt, tôi từ chối mọi chủ nghĩa dân tộc, ngay cả khi nó được bọc trong cái vỏ chỉ là chủ nghĩa yêu nước. Những đặc quyền bắt nguồn từ địa vị và tài sản đối với tôi luôn luôn là bất công và tai hại, cũng như sự sùng bái cá nhân thái quá. Lý tưởng của tôi là dân chủ, mặc dù tôi nhận thức rõ những nhược điểm của hình thái chính phủ dân chủ. Đối với tôi, cân bằng xã hội và bảo vệ cá nhân về mặt kinh tế dường như luôn là những mục tiêu quan trọng của các định chế nhà nước. Tôi tuy là một “độc mã” điển hình trong cuộc sống hàng ngày, nhưng ý thức thuộc về cộng đồng vô hình của những người tìm kiếm chân lý, cái đẹp và công lý đã không làm nảy sinh cảm giác cô đơn trong tôi. Điều đẹp nhất và sâu thẳm nhất mà con người có thể trải nghiệm được là cảm giác về sự bí ẩn. Nó làm nền tảng cho tôn giáo và tất cả những nỗ lực sâu xa hơn trong nghệ thuật và khoa học. Ai chưa từng trải qua điều này, đối với tôi, nếu không giống như một người đã chết, thì ít nhất cũng giống như một người mù. Để cảm thấy rằng đằng sau những gì chúng ta có thể trải nghiệm được ẩn chứa một điều gì đó mà trí tuệ của chúng ta không thể với tới được mà vẻ đẹp và sự vĩ đại của nó chỉ đến với chúng ta một cách gián tiếp và yếu ớt, đó chính là tính tôn giáo. Theo nghĩa đó, tôi là người có tính tôn giáo. Đối với tôi, chỉ cần cảm nhận những điều bí ẩn này trong sự kinh ngạc, và cố gắng thấu hiểu được bằng lý tính qua một hình ảnh yếu ớt của một cấu trúc vĩ đại của tồn tại trong sự khiêm tốn là đủ. (1932) (Courtesy Albert Einstein Archives, Đại học Hebrew, Jerusalem, Israel) Tham khảo Albert Einstein, Verehrte An- und Abwesende! Originaltonaufnahmen 1921-1951. Supposé, 2003 (Tiếng Đức) Xin giới thiệu video Albert Einstein- Greatest Brain of the 20th century rất bổ ích:
Về nghi vấn video đề cập, rằng Hilbert và Einstein đạt tới phương trình của thuyết tương đối rộng năm 1915 cùng lúc, tôi có trình bày chi tiết kết quả của nhóm nhà nghiên cứu ở Viện Max Planck Nghiên cứu lịch sử khoa học ở Berlin. Nhóm này lục hết hồ sơ của Hilbert ở Đại học Göttingen, đọc lại nhật ký ghi chép của Einstein về giai đoạn hình thành thuyết tương đối rộng, so sánh từng đoạn một, và đã rút ra từ đó kết luận rằng Einstein là người đã đến phương trình trường trước, không phải Hilbert, vì ông thiếu trực quan vật lý, Hilbert chỉ lầy kết quả đó đưa vào paper của ông. Những tác giả nào chưa đọc công trình nghiên cứu trên của nhóm Viện Max Planck, vẫn còn nhắc đến “giả thuyết”, có thể Hilbert đã đến trước, hay cùng lúc. Gần như một cái mốt, họ nhắc lại câu chuyện chạy đua này. Xin xem ở đây chi tiết Einstein đã đến trước phương trình trường thế nào: Vài ngộ nhận về Albert Einstein Hoặc có thể đọc trực tiếp ở đây kết quả nghiên cứu của Nhóm Max Planck Institute: Leo Corry, Jürgen Renn, John Stachel, Belated Decision in the Hilbert-Einstein Priority Dispute, trong Science 14 Nov 1997, vol. 278, Issue 5341, pp. 1270-1273. Einstein cũng không bao giờ thăm Ấn Độ như trong video nói. Einstein chỉ có viết thư ngưỡng một Gandhi. Nhưng ngoài một số nhỏ chi tiết chưa chính xác, video cung cấp những tư liệu và lifetime rất bổ ích về cuộc đời Einstein.
|