ĐẠI HỌC nhận được Giải Sách Hay 2019

by , under Uncategorized

 

ĐẠI HỌC

DIỄN TỪ nhân sách ĐẠI HỌC nhận được

Giải Sách Hay 2019, hạng mục Giáo dục

Nguyễn Xuân Xanh

Lời nói đầu. Sáng ngày Chủ nhật, 15/9/2019, tại khách sạn REX, TP Hồ Chí Minh, lễ công bố Giải Sách Hay (GSH) 2019 lần thứ 9 đã diễn ra rất trọng thể với sự tham dự của đông đảo quan khách, từ sinh viên, người yêu sách đến học giả, nhà giáo dục, tác giả, dịch giả, nhà xuất bản, công ty kinh doanh sách, và đại diện của nhiều báo đài. GSH có 7 hạng mục: Nghiên cứu, Giáo dục, Kinh tế, Quản trị, Văn học, Thiếu nhi và Phản biện mới. Ngoài ra, năm nay có thêm một hạng mục mới là “Sách cho người trẻ do Cộng đồng sách trẻ bình chọn”. Số sách được bình chọn của mỗi hạng mục vào đến vòng chung khảo là ấn tượng, về số lượng cũng như nội dung, chủ đề, cho thấy thị trường sách ngày đang lên. Mục sách thiếu nhi rất ấn tượng, cũng như mục mới của người trẻ cho người trẻ. Thị trường sách đang có thêm những xung lực. Buổi lễ rất hào hứng và sôi động, trong một không khí vui tươi và hy vọng bao trùm.Thị trường sách đã trở thành một thị trường ý tưởng, và con người tiếp cận được sách nhiều hơn, hiểu giá trị của sách là một công cụ để diễn tả, để nắm bắt những tri thức mới, để giáo dục, khai sáng, và để “tạo hình” cho chính mình (Bildung).

Giải Sách Hay có một Hội đồng Xét giải rất chuyên nghiệp gồm những chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu uy tín trên các hạng mục của họ mà khó có một tập hợp nào khác như thế có thể hình thành được. Khối lượng công việc là đồ sộ. GSH hiện đạt được một uy tín và thẩm quyền không thể tranh cãi, cũng như có một tính đại chúng rất cao. Gõ “giải sách hay 2019” vào Google sẽ nhận được vô số bản tin về sự kiện với nhiều hình ảnh phong phú, phải xem nhiều trang liên tiếp mới hết, kể cả các mạng entertainment như Zalo hay Zing cũng có các bài trường trình nghiêm túc. GSH là một ngọn đuốc thắp lên giúp cho những quyển sách có giá trị lan tỏa trong cộng đồng và mang tri thức đi xa hơn. GSH làm một cuộc nối mạng, networking, kết nối những người quan tâm đến tri thức với nhau.

Trong dịp này, quyển sách ĐẠI HỌC – Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới – Từ Trung cổ đến Hiện đại đã được chọn cho Giải Sách Hay, hạng mục Giáo dục. Cám ơn sự chia sẻ rất nhiệt tình và cảm động của các nhà giáo dục Bùi Trân Phượng, Võ Tòng Xuân, và Giản Tư Trung, cùng nhiều bạn bè và quan khách có mặt, vượt khỏi sự chờ đợi của tôi. Tôi cũng cám ơn các mạng truyền thông đã quan tâm. Đó là niềm khích lệ to lớn.

Nếu có ai hỏi ý tưởng về giáo dục đại học hình thành từ lúc nào trong tôi, thì xin thưa, nó đã hình thành từ quyển sách Nước Đức Thế kỷ XIX, xuất bản lần đầu tiên năm 2004 tại nxb Tổng hợp Thành phố, trong đó tôi đề cập đến cuộc cách mạng giáo dục của Humboldt là một trong ba cuộc cách mạng nền tảng của cuộc vươn lên của Đức. Ý tưởng này được dịp phát triển toàn diện năm 2010 nhân dịp thế giới kỷ niệm 200 năm thành lập Đại học theo mô hình Humboldt, mà tác phẩm quan trọng của lễ kỷ niệm này là Kỷ yếu ĐẠI HỌC HUMBOLDT 200 NĂM tại nxb Tri Thức đầu năm 2011 với khoảng 50 nhà khoa học, nghiên cứu tham gia. Có thể nói lần đầu tiên ánh sáng của đại học thế giới xuất hiện tại Việt Nam.

Những năm tiếp theo, tôi đã dành thì giờ nghiên cứu về đại học Hoa Kỳ, lịch sử và những bước phát triển của nó từ lúc Đại học Harvard dưới dạng một College được hình thành năm 1636, cho đến những bước phát triển có tính bước ngoặc vào những thập niên sau cuộc Nội chiến, sự chuyển hướng từ đại học nhân văn sang đại học nghiên cứu theo mô hình Đức, và một trăm năm sau, sau Thế chiến II, những bước vinh quang tột đỉnh cũng như vấn đề của nó trước thềm thế kỷ 21. Và từ 2017, tôi tiếp tục viết thêm những bài nghiên cứu có tính nguồn gốc của Đại học nghiên cứu tập trung của nhiều nhà triết học Đức là những người cha tinh thần của Đại học Humboldt, và bản chất của lý tính con người, cũng như sự tiến hóa của nó từ những thế kỷ Trung cổ cho đến thời hiện đại – lý tính như đặc tính tư duy cốt lõi của con người mà khoa học là sự thể hiện của nó từ thời Cổ đại Hy Lạp mà nếu không có nó, sẽ không có đại học lẫn khoa học – nhằm hoàn thiện một quyển sách như đã ra mắt hiện tại. Tổng cộng lại, có thể nói, ý tưởng giáo dục đại học đã hình thành và phát triển trong một khoảng thời gian 15 năm, với một công sức bỏ ra nhiều hơn công sức dành cho tác phẩm Einstein.

Với ĐẠI HỌC, tuy nhiên, đề tài giáo dục đại học chưa phải đã khép lại, mà đúng hơn, chỉ mới mở ra cho những nghiên cứu tiếp để hiểu biết nhiều vấn đề của đại học thế giới, đương đại cũng như quá khứ. Hỵ vọng các học giả, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục Việt nam sẽ tiếp tục phần này. Hiểu biết càng sâu, tác động sẽ càng lớn. Đại học thế giới có thể nói là cả một “Web of Life” liên kết, tương tác với nhau, nói như Alexander von Humboldt (đang có kỷ niệm 250 năm sinh nhật ông trong 2019) nói về sự gắn kết chặt chẽ của thế giới sự sống. ĐẠI HỌC cũng đã trình bày được tính chất liên kết đó. Đại học Việt Nam rất tiếc chưa thể hiện tính liên kết đó với đại học thế giới, và có một sức ỳ dai dẳng, trong khi đại học các quốc gia phát triển trong khu vực đã làm điều đó từ lâu và phát triển mạnh mẽ trong cùng quỹ đạo đại học thế giới. Chúng ta chỉ có thể sống còn khi biết thích nghi, chứ không phải đứng ngoài vòng phát triển, như Charles Darwin diễn tả, đúc kết cuộc tiến hóa của các loài.

Cũng vào lúc này, nxb Tổng hợp Thành phố đang tiến hành tái bản ĐẠI HỌC, 8 tháng sau khi ra mắt lần đầu tiên. Tác giả rất cám ơn sự tiếp nhận nồng nhiệt của giới độc giả, học giả, nhà giáo, các bạn trẻ, cũng như các phương tiện truyền thông từ lúc nó ra mắt đến nay.

Mong thay sách Đại Học giúp ích được gì cho cuộc chấn hưng giáo dục đại học nước nhà. Nhu cầu cải cách là cấp thiết.

Dưới đây là diễn từ của tác giả.

 

DIỄN TỪ CẢM ƠN

 

Kính thưa Hội đồng Xét giải của Giải Sách Hay,

Thưa quý anh chị và các bạn,

Tôi hết sức vui mừng và chân thành cám ơn Giải Sách Hay về sự lựa chọn này. Cảm ơn Hội đồng Xét giải đã cho tôi vinh dự, cũng như đã góp sức làm lan tỏa và truyền cảm hứng đến độc giả vì một nền giáo dục đại học tiên tiến của nước nhà.

Muốn chấn hưng quốc gia, phải ưu tiên chấn hưng đại học. Đại học đã ra đời trên nhiều phần đất lạc hậu của thế giới để chấn hưng và cứu rỗi quốc gia. Không thể xây dựng quốc gia mà không có tri thức khoa học, thời Trung cổ cũng thế, Hiện đại cũng thế. Không thể có một quốc gia mạnh với các đại học yếu. Không thể có quốc gia giàu với các đại học nghèo. Quốc gia không thể tiến lên hàng đầu thế giới mà các đại học lại tụt hậu ở phía sau. Nếu đại học không phải là nơi nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, thì quốc gia cũng không thể đổi mới sáng tạo được.

Một đại học không thể là nơi dạy tốt, nếu nó không phải là nơi nghiên cứu tốt. Không thể có những công dân tư duy độc lập nếu đại học không độc lập.

Đại học khao khát phụng sự quốc gia bằng sự rèn luyện con người có đức tính trung thực trí thức và sự độc lập tinh thần. Các quyền lực trong nhà nước và xã hội cần chăm lo cho đại học, vì họ cần tri thức khoa học và giáo dục tinh thần, điều đại học sẽ cung cấp cho họ. Đại học là nơi phản ảnh sáng sủa nhất về tinh thần thời đại. Ở đó thầy và trò đến với nhau như những con người chỉ có tiếng gọi chung là đi tìm và nắm bắt chân lý. Khám phá chân lý là nhu cầu tự nhiên của con người.

Sự phồn vinh của các quốc gia giờ đây tùy thuộc vào sự thực hiện giáo dục đại học chưa lúc nào như trước đây, qua sự đóng góp của nó vào việc xây dựng nguồn nhân lực và tri thức tích lũy; và cũng như thế đối với sự cạnh tranh quân sự giữa các cường quốc – là vấn đề sống còn theo nghĩa đen nhất. Sức mạnh chính trị của các quốc gia bây giờ cũng lệ thuộc vào giáo dục đại học, hơn bao giờ hết, để giúp tạo ra các cơ hội lớn cho nhân dân, và để giúp dỡ bỏ các ranh giới giai cấp còn di lại từ quá khứ.

Ngày nay đại học nghiên cứu là đầu tàu của các hệ thống đại học các quốc gia trên thế giới. Nó tạo ra khoa học, công nghệ, và đào tạo tầng lớp chuyên gia lãnh đạo cao cấp trong mọi lãnh vực xã hội. Muốn có kinh tế cạnh tranh, phải có khoa học công nghệ mới, có những nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tri thức đẳng cấp thế giới được đào tạo thông qua các đại học tinh hoa. Không thể hình dung được Thung lũng Silicon mà không có Đại học Stanford hay UC Berkeley gần đó, hoặc MIT xa hơn.

Nếu có một người ngoài hành tinh đến thăm trái đất và muốn biết đâu là “đầu não trí tuệ” của một quốc gia, người đó trước nhất nên đi thăm các đại học nghiên cứu tinh hoa, nếu có. Nếu người ngoài hành tinh muốn biết thêm cái gì đã góp phần định hình nền văn minh thế giới, xin mời họ ngược dòng thời gian đi xem các đại học hình thành từ thời Trung cổ tại châu Âu Kitô giáo thế kỷ 12, 13. Đó là một sản phẩm tri thức độc đáo mà không có nền văn minh nào khác có được. Không thể hiểu được sự phát triển và sức mạnh của phương Tây mà không giải mã định chế đại học của họ. Đại học trải qua 2 thời kỳ chính yếu: Trung cổ và Thế kỷ 19, định dạng cho thế kỷ 20, 21 với Hệ thống Đại học Hoa Kỳ như ngọn hải đăng tỏa sáng.

Chúng ta phải có những tác phẩm hay, nhiều tác phẩm hay, tiêu chuẩn thế giới, hòa nhập vào dòng tri thức thế giới đang chảy, để có tiếng nói của giới trí thức Việt Nam, và nâng cao tầm tri thức của VN lên với thế giới. Chúng ta cần đi trước cuộc chấn hưng, và phải là những con chim báo sáng.

Một lần nữa xin cám ơn Giải Sách Hay.

Nguyễn Xuân Xanh

 

Xin xem giới thiệu gốc của tác giả tại đây:

https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/gioi-thieu-sach-dai-hoc/

Xem thêm báo doanhnhanplus ngày 23/9/2019 chi tiết hơn trong một bài phỏng vấn:

https://doanhnhanplus.vn/tien-si-nguyen-xuan-xanh-giai-sach-hay-2019-470731.html

hoặc ở đây: https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/khong-the-co-quoc-gia-manh-voi-cac-dai-hoc-yeu/

https://vnexpress.net/sach-noi-ve-lich-su-900-nam-cua-dai-hoc-3881988.html

GS Phạm Phụ giới thiệu sách ĐẠI HỌC trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần