MORRIS CHANG
NGÃ NGỰA VÀ LÀM LẠI TỪ ĐẦU
Nguyễn Trung Dân
Xem thêm:
Mọi việc đang hết sức thuận buồm xuôi gió thì viễn cảnh trở thành CEO TI của Morris Chang bỗng nhiên tan biến. Sự việc bắt đầu từ lúc TI thay đổi chiến lược phát triển vào giữa những năm 1970, đó là tập trung mạnh vào các mặt hàng điện tử dân dụng như các máy tính bỏ túi, đồng hồ điện tử và nhiều mặt hàng dân dụng tương tự khác.
Quay về bởi “một đề nghị không thể từ chối”
Vào năm 1978, Chang được giao phụ trách toàn bộ mảng kinh doanh bán hàng (chủ yếu là các mặt hàng dân dụng) và phục vụ khách hàng của TI. Mặc dù gặt hái được một số thành công trong cương vị mới, sau này Morris Chang tự nhận rằng quyết định đưa ông sang phụ trách lĩnh vực này là một sai lầm quan trọng của công ty và cả của chính ông. Triết lý của vị chủ tịch và đồng thời là CEO của TI lúc bấy giờ là “một nhà quản lý giỏi có thể điều hành được tất cả mọi lĩnh vực”.
Sau này, theo Chang: “Tôi cho là ông ấy đã sai. Tôi nhận thấy rằng lĩnh vực kinh doanh và phục vụ khách hàng hoàn toàn khác… Trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ và giá thành là quan trọng nhất. Với lĩnh vực kinh doanh và phục vụ khách hàng công nghệ có thể giúp nhưng để hấp dẫn được khách hàng là điều hoàn toàn khác, đó là một khái niệm rất mơ hồ”.
Vào năm 1983 khi mảng kinh doanh dịch vụ và khách hàng của TI gặp nhiều khó khăn, Chang gần như bị loại bỏ ra khỏi ban lãnh đạo của TI, ông được giao cho phụ trách một bộ phận nhỏ “chất lượng và hiệu quả con người” vô danh mà cũng vô thực. Chang biết ông không còn được TI sử dụng nữa, ông quyết định thôi việc.
Ông Chang đã biến TSMC trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Khi quyết định thôi việc, ông hoàn toàn không có một kế hoạch gì cả, nhưng tin rằng với kinh nghiệm và tên tuổi của mình ông sẽ sớm tìm được việc làm như ý. Quả thực, khi tin ông thôi việc được thông báo, điện thoại của ông rung không ngừng suốt mấy ngày liền. Cuối cùng, vào năm 1984 ông nhận lời làm việc cho hãng General Instruments (GI) ở New York với cương vị chủ tịch và COO (Chief Operator Officer). Nhưng rồi ông nhanh chóng thất vọng về GI. Những tưởng họ sẽ để cho ông tập trung vào phát triển công nghệ, R&D nhưng hóa ra các các nhà đầu tư của công ty chỉ muốn tập trung vào việc mua lại các công ty khác để mở rộng và bành trướng kinh doanh chứ không muốn đầu tư vào nghiên cứu. Thất vọng, chỉ sau một năm ông lại xin thôi việc mặc dù không hề có một dự định gì cho tương lai.
Sau hai lần thất bại, ông từ bỏ giấc mơ lớn của mình – trở thành CEO của một hãng công nghệ lớn của Mỹ. Với số tiền lớn ông nhận được từ TI và GI, ông và vợ cảm thấy có thể an hưởng một cuộc sống sung túc cho đến cuối đời mà không cần bận tâm đến tìm việc làm. Có lúc ông cũng định nhận lời mời chuyển sang làm cho một công ty đầu tư tài chính, nhưng rồi lại thôi vì biết khả năng của mình rất hạn chế trong lĩnh vực này.
Vào lúc dường như ông cảm thấy số phận đã an bài, hết cơ hội để làm được những điều to lớn như mơ ước thì ông nhận được một cú điện thoại từ một quan chức ở Đài Loan tên là K. T. Li. Ông Li đề nghị ông trở về Đài Loan lãnh đạo Viện Nghiên cứu kỹ thuật công nghiệp (ITRI) của nhà nước. Mong muốn của Đài Loan là đưa viện nghiên cứu này thành một viện theo mô hình Bell Laboratories (Bell Labs) của Mỹ (xin xem thêm về Bell Labs ở loạt bài này [1]). Morris Chang đồng ý nhận lời và đó cũng là một trong những lý do mà ông li dị với người vợ đầu vì bà nghĩ rằng ông đã mất tỉnh táo khi nhận lời mời này [3].
Ông trở về Đài Loan và lãnh đạo ITRI vào năm 1985. Ngay lập tức ông đã thay đổi cách suy nghĩ của nhân viên ở đây vốn coi biên chế trong cơ quan nhà nước là công việc trọn đời. Chang cho đánh giá công việc và tuyên bố những người bị xếp vào 2% thấp nhất sẽ có nguy cơ mất việc nếu không có tiến bộ rõ rệt. Dù đây chỉ là một thay đổi nhỏ của ông đề ra cho ITRI nhưng gây ra không ít tiếng vang, xấu cũng như tốt.
Ngay sau khi tình hình hoạt động ở ITRI bắt đầu đi vào nề nếp thì vào năm 1987, lại chính ông Li gọi điện cho ông với một đề nghị mới. Ông Li bảo, nội các Đài Loan muốn thành lập một công ty về bán dẫn và cho rằng không ai hơn Chang có thể làm được điều này. Điều kiện đặt ra là Đài Loan sẽ cung cấp cho ông Chang một nửa tiền đầu tư ban đầu (tức một nửa của số tiền 220 triệu USD năm 1987) và ông phải tự đi kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư khác cho đủ số nửa còn lại.
Sau này khi được một nhà báo Mỹ hỏi tại sao ông dám nhận lời khi biết Đài Loan không có điều kiện gì đáng kể để xây dựng một công ty về công nghệ cao như vậy, ông bảo đại ý là bản thân mình cũng như nhiều người Á châu không có thói quen từ chối đề nghị của quan chức nhà nước. Ông kể: “Giống như trong phim Bố Già, một đề nghị mà anh không thể từ chối” và rằng nếu từ chối thì ông không còn tương lai và cơ hội làm ăn ở Đài Loan nữa.
“Tay không bắt giặc”
Có một câu chuyện thú vị Chang kể lại trong buổi lễ trao tặng danh hiệu “Stanford Engineering Hero” của Đại học Stanford năm 2014 [2]. Ông kể rằng lúc bấy giờ ông phải chạy ngược chạy xuôi đi kêu gọi đầu tư nhưng không thu được kết quả vì không ai tin tưởng khi nghe đến dự định sản xuất chip bán dẫn ở Đài Loan.
Một hôm, ông bộ trưởng kinh tế gọi điện bảo ông là đã nói chuyện với một đại thương gia giàu có và ông này đồng ý đầu tư nếu Chang trình bày cho ông ta thấy kế hoạch đáng tin tưởng. Chang mừng rỡ gọi điện và được mời đến trình bày kế hoạch. Nhưng sau ba lần trình bày, cuối cùng ông bị từ chối. Ông báo lại kết quả cho vị quan chức kinh tế. Tuy nhiên, khoảng 30 phút sau, ông nhận được cú gọi từ chính đại gia kia, cho biết họ đồng ý đầu tư cho ông. Sau này hỏi thì được biết là đã có thêm một cuộc gọi tác động từ vị quan chức kinh tế và sau cú điện thoại thì doanh nhân này đã phải đổi ý và quyết định đầu tư cho ông Chang thành lập ra công ty TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company).
Người sáng lập TSMC Morris Chang phát biểu tại một diễn đàn do UDN tổ chức ở Đài Bắc, Đài Loan, vào tháng 4.2021. Ảnh: Bloomberg
Nhưng lúc này hơn ai hết Chang biết thử thách đối với ông là hết sức lớn. Công nghệ bán dẫn là một trong những công nghệ hiện đại nhất, đòi hỏi thiết bị hết sức tinh vi và rất đắt tiền. Ngoài ra, cần phải có một đội ngũ nghiên cứu có trình độ hết sức cao, từ nghiên cứu cơ bản đến thiết kế mạch bán dẫn (chip), mà đội ngũ này ở Đài Loan lúc bấy giờ gần như rất ít nếu không muốn nói là chưa có ai. Hơn thế nữa, để có thể sản xuất và bán các con chip do mình sản xuất thì phải có các bằng sáng chế riêng, nếu không thì sẽ phải suốt ngày đi hầu tòa vì bị kiện vi phạm bản quyền. Lúc bấy giờ Đài Loan bản quyền và bằng phát minh về bán dẫn chỉ là một con số 0 tròn trĩnh. Giả sử có làm ra chip tốt thì làm thế nào có thể cạnh tranh với các đại công ty về bán dẫn lúc bấy giờ như TI, IBM, Intel, AMD… Trong đó, TI – công ty mà Morris Chang đã làm việc từ năm 1958 đến 1983, lúc bấy giờ là công ty dẫn đầu về lĩnh vực sản xuất bán dẫn. Tiếp đó là Intel đang trỗi dậy, rồi đến AMD, IBM.
Ngoài ra còn có các công ty Nhật Bản cũng đang vươn lên mạnh mẽ như Fujitsu, NEC, Toshiba, Sony. Các công ty “khổng lồ” nói trên đã có hàng chục năm nghiên cứu và phát triển bán dẫn với một đội ngũ khoa học gia hàng đầu thế giới và kỹ sư nổi tiếng. Cần nói thêm rằng, mặc dù các nhà khoa học của Bell Labs phát minh ra transistor từ những năm 1947-1951 với vật liệu germanium, nhưng TI là công ty đầu tiên trên thế giới phát minh ra transistor làm bằng vật liệu silicon từ năm 1954, và đây là vật liệu bán dẫn chính được sử dụng nhiều nhất cho sản xuất chip bán dẫn ngày nay.
Sở dĩ các công ty Nhật bản nói trên trở thành các đại công ty về bán dẫn (và thiết bị điện tử) cũng do một phần là họ đã nhanh chóng phát hiện và tham gia lĩnh vực quan trọng này từ rất sớm. Vào khoảng đầu những năm 1950, Masaru Ibuka, nhà đồng sáng lập Sony trong một chuyến tham quan ở New York nhận thấy transistor đang là vấn đề thời sự nóng bỏng trong giới công nghệ. Ông đã đề nghị và được bộ Tài Chính của Nhật Bản cho phép mua lại quyền sử dụng bản quyền của Bell Labs với giá 50 ngàn USD, và Sony đã sản xuất riêng cho mình các transistor đầu tiên vào năm 1955 [4]. Kể từ đó, thoạt tiên là Sony rồi kế tiếp các công ty khác của Nhật Bản đã nhanh chóng chiếm một ví trí lớn trong lĩnh vực sản suất bán dẫn, rồi đến các máy móc và thiết bị điện tử khác.
Hình ảnh phòng thí nghiệm của TSMC ở Đài Loan. Ảnh: TSMC
Ra đời trong hoàn cảnh “tay không bắt giặc” lại phải cạnh tranh với các công ty khổng lồ nói trên, để tồn tại chứ chưa nói đến phát triển, quả thực là vô cùng khó khăn đối với TSMC, nếu không muốn nói là hết sức tuyệt vọng. Nhưng cái khó ló cái khôn hay như người Tây Âu nói “nhu cầu là mẹ của phát minh”, chính trong bối cảnh tưởng chừng như tuyệt vọng đó, Morris Chang đã đề ra được một chiến lược phát triển mà ngày nay tất cả mọi người đều cho là yếu tố quyết định thành công của TSMC. Trong bài nói chuyện ở lễ vinh danh mình tại Đại học Stanford, Chang ví chiến thắng của TSMC giống như trận chiến Stalingrad trong đại chiến thế giới thứ II, trong một tình thế tưởng như hoàn toàn tuyệt vọng. Ông cho rằng mặc dù ông có chiến lược đúng, nhưng sự chủ quan coi thường TSMC của các gã khổng lồ nói trên lúc bấy giờ cũng là yếu tố quan trọng cho sự thành công của ông.
Ngày nay các đối thủ của Chang đều phải phải tâm phục khẩu phục ông thực sự vì nhiều người trong số họ giờ đây đã bị TSMC bỏ xa không chỉ về số lượng sản phẩm bán ra mà còn cả về mức độ tinh vi của các con chip được sản xuất. Hiện nay chỉ có hai công ty (TSMC và Samsung) có thể sản xuất các con chip bán dẫn với các linh kiện có kích thước 5 nm (nanometer), và sắp tới TSMC là công ty duy nhất có thể sản xuất chip với transistor kích thước 3 nm [5]. Để có thể dễ hình dung, 1 nanometer nhỏ bằng 1 phần triệu của 1 mm (milimeter) và cỡ khoảng 1 phần trăm ngàn kích thước của sợi tóc.
Trong bài viết tới, chúng tôi sẽ trình bày chiến lược xây dựng TSMC của Moris Chang. Bạn đọc muốn tìm hiểu kỹ hơn về câu chuyện thần kỳ này có thể tìm đọc trong các bài viết về ông [1, 3, 5] hoặc trong video clip của Đại học Stanford trong buổi lễ vinh danh ông “Stanford Engineering Hero” năm 2014 [2].
Còn tiếp…
Nguyễn Trung Dân
_________
* Tác giả bài viết là phó giáo sư nghiên cứu (Associate Research Professor) về lĩnh vực vật lý lý thuyết và quang tử tại Đại học Arizona từ năm 1998 đến tháng 2.2017. Từ 2.2017 cho đến nay là nghiên cứu viên cao cấp tại trung tâm nghiên cứu của một công ty công nghệ cao, đa quốc gia tại New York, đồng thời vẫn tiếp tục giữ cương vị giáo sư ngoài biên chế (Adjunct Professor) của Đại học Arizona.
Nguồn trích dẫn:
[ 1]. https://nguoidothi.net.vn/trung-quoc-chiem-doat-cong-nghe-cua-my-bang-cach- nao-bai-2-canh-tranh-hay-choi-ban-28268.html
[2] Stanford Engineering Hero Lecture: Morris Chang in conversation with President John L. Hennessy. https://www.youtube.com/watch?v=wEh3ZgbvBrE&t=1425s
[3] https://spectrum.ieee.org/at-work/tech-careers/morris-chang-foundry-father
[4] https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_the_transistor
[5] https://thediplomat.com/2020/12/taiwan-chips-and-geopolitics-part-1
Chú thích: Bài của TS Nguyễn Trung Dân được đăng lần đầu tiên trên báo Người Đô Thị, và nay được tác giả cho phép đăng lại trên mạng rosetta.vn. Chân thành cảm ơn tác giả.