Tình yêu khoa học hay Lý tính thời Trung cổ

by , under Uncategorized

 

NHỮNG QUYỂN SÁCH

MUỐN “GỬI HƯƠNG CHO GIÓ”

Nguyễn Xuân Xanh

 

Chúng ta sinh ra là những sinh vật có lý tính.

John Locke

Lời nói đầu. Dưới đây là những quyển sách mà tôi ít nhiều đã can dự dưới các hình thứ khác nhau, như biên soạn, dịch, chủ trì, đồng chủ biên, viết lời tựa, đã được xuất bản từ năm 2004 đến nay được trình bày gần như theo thứ tự thời gian. Tôi ghi lại để chia sẻ với bạn đọc gần xa, nhất là các bạn trẻ, và để với thời gian tôi khỏi quên mình đã làm gì trong gần 15 năm qua. Chuỗi các số Kỷ yếu có tất cả 7 số, được thực hiện từ 2006 – 2014, bắt đầu với Kỷ yếu Giáo sư Đặng Đình Áng (2006), Giáo sư Hoàng Tụy (2007), Max Planck (2008) người khai sáng lượng tử, đến 400 Năm Thiên văn học và Galilei (2009), 150 Năm Thuyết tiến hóa và Darwin (2009), Đại học Humboldt 200 Năm (2010), bà mẹ của đại học nghiên cứu hiện đại thế giới, và cuối cùng là Hạt Higgs và Mô hình chuẩn (2012), sự khám phá tuyệt vời của Hạt và Cơ chế bí ẩn đã tạo ra vật chất của thế giới, cũng như sự cấu tạo cơ bản của vật chất. Kỷ yếu là những công trình rất tập thể của các nhà khoa học, nghiên cứu Việt Nam trong và ngoài nước, trong đó có cả một số nhà khoa học nước ngoài từ Đức, Mỹ. Chúng đánh dấu một nỗ lực rất nhiều công sức để truyền bá khoa học, giáo dục và gây cảm hứng cho đại chúng. Khoa học và Giáo dục đại học là hai chủ đề quan trọng, cũng như các danh nhân khoa học, những người đã hiến dâng đời mình cho sự nghiệp khoa học, giáo dục và tiến bộ thế giới. Các quyển sách chứa đựng rất nhiều điều thú vị và bổ ích về khoa học và giáo dục đại học.

Không có khoa học, và giáo dục của thế giới, chúng ta giờ không thể ở đây hôm nay. Xin cám ơn tất cả những anh chị đã bỏ công sức tham gia, cám ơn các nhà tài trợ, nhà xuất bản, công ty sách, các dịch giả, người hiệu đính và biên tập, và cám ơn bạn đọc đã hưởng ứng nồng nhiệt.

***

Chúng ta hãy dành một chút thời gian để trở về miền đất xưa nơi tình yêu khoa học và cách tư duy lôgic sáng sủa bắt đầu bén rễ và phát triển một cách có hệ thống, để cuối cùng, sau bao nhiêu khó khăn, vất vã, và qua bao nhiêu bàn tay chăm chút đầy hy sinh của các “nghệ nhân khoa học” tài tình để cuối cùng nhân loại có một vụ mùa lớn: khoa học hiện đại. Đây là một câu chuyện rất ư thú vị và kỳ diệu rất đáng được đọc. Nó liên quan đến nền văn minh phương Tây và đến tiến trình phát triển và vận mệnh của cả nhân loại. Một xã hội chỉ có thể có sức sống mạnh mẽ ở bề mặt khi nào nó có những lớp đất màu mỡ của khoa học ở bên dưới làm nền tảng. Thiếu chúng, xã hội không thể xanh tươi và có nhiều cây trái được. Do đó, tình yêu khoa học – và sự truyền bá nó bằng các phương tiện giáo dục – là thước đo của một dân tộc, hay một nền văn minh muốn vươn lên − một cách khoa học. Châu Âu Kitô giáo thời Trung cổ là phần đất đã làm một cuộc vươn lên như thế rất ngoạn mục, sau 1.000 năm vắng bóng khoa học của giai đoạn “đen tối” từ sau sự tan rã của đế chế La Mã và châu Âu bị xâm chiếm bởi những người man di. Đó là cuộc “thức tỉnh học thuật”, một thời “Phục Hưng” của những ý tưởng khoa học Hy Lạp cổ đại. Vinh quang của nền văn hóa cổ đại, và đế chế La Mã chỉ còn là môt ký ức xa vời. Sự sụp đổ đế chế La mã, sự di dân của những người man di vào vùng đất đã phá hủy không những quyền lực dân sự mà còn phá hủy đời sống văn hóa. Sau sự bành trướng của Islam, con đường tiếp cận văn minh Hy Lạp trực tiếp bị cắt đứt. Những người Kitô biết rằng mình đang sống trong giai đoạn le lói của một thời đại vàng son đã qua của văn hóa và học thuật. Di tích văn hóa vàng son chỉ còn được gìn giữ trong các tu viện, nơi vẫn còn chứa đựng những tia sáng của quá khứ. Trong giai đoạn không ổn định về chính trị và xã hội, các tu viện Kitô giáo là nơi gìn giữ và phát triển tiếp học thuật. Các người cha Nhà thờ biết rằng để phát triển văn minh, không thể từ chối các thành tựu cổ điển ngoại giáo (pagan) mà nên diễn giải lại và hiểu chúng trong khuôn khổ của chân lý Kitô giáo. Châu Âu cũng đang đối mặt với thế giới Hồi giáo đang phồn vinh, phát triển, và giàu học thuật. Họ là những người đang quản lý di sản học thuật của Hy Lạp, có những người chú giải và bình luận (như Averroes) có ảnh hưởng lên sự khai sang của châu Âu sắp tới.

Đằng sau bức tường của các tu viện ngọn lửa học thuật vẫn không tắt

Các người Cha nhà thờ vì thế tỏ ra hết sức quan tâm đến tri thức khoa học, tư duy lôgic, toán học sáng sủa, khách quan. Đại học trung cổ ra đời như những đốm lửa khai sáng, và đến thế kỷ 15 đã phủ kín châu Âu. Cuộc dịch thuật vĩ đại ngót hai thế kỷ từ các tác phẩm học thuật kinh điển của Hy Lạp cổ đại và thời Hy Lạp hóa đã diễn ra để củng cố vị thế khoa học trong giáo dục đại học. Nhà khoa học vĩ đại ngoại đạo Aristote với những tác phẩm đồ sộ và bao trùm của ông, cũng như Platon, đã thuyết phục được nhà thờ. Aristote là mentor, người thầy dẫn dắt, và là một thách thức. Bên cạnh Aristote và Plato còn có một loạt các nhà khoa học khác, như Galen, Ptolemy, Euclid, Archimedes, chưa kể các học giả của Hồi giáo và La Mã. Đây là nét độc đáo mà các nền văn minh khác không có. Giới tinh hoa châu Âu trung cổ không cam chịu sống trong sự u ám của tinh thần. Tinh thần cần phải có ánh sáng. Họ bước lên, và chấp nhận con đường phát triển có tính biện chứng, với những cái pro contra. Nếu không, thì chỉ có độc thoại, và điều đó có nguy cơ dẫn tới sự suy tàn như các nền văn minh Hồi giáo và Trung Hoa. Phép biện chứng, và những con người luôn luôn yêu thích khám phá chân lý, ngay bên trong tôn giáo, sẽ quyết định vận mệnh nền văn minh đi về đâu. Nhưng giới tinh hoa tin vào cái của lý tính. Họ có những người thầy, người hướng đạo vĩ đại từ cổ đại mà họ biết học hỏi nghiêm túc, để rồi cuối cùng học thuật phương Tây vượt họ luôn.

Thời Trung cổ, bắt đầu từ thế kỷ thứ 5-10 (đầu kỳ), qua đến thế kỷ 11-13 (giữa kỳ), cho đến thế kỷ 14-15 (cuối kỳ), ngược với một số đánh giá trước đây, là một trong những thời kỳ đổi mới sáng tạo bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Trong những sáng tạo đổi mới có mắt kính, la bàn từ, đồng hồ cơ học, súng, thuốc súng, cà nông, và kỹ thuật in; lần đầu tiên có ngân hàng, hối phiếu (bill of exchange), séc, và bảo hiểm đường biển, công ty cổ phần, hệ thống kế toán kép, hệ thống số học hiện đại, cối xay gió, máy xẻ gỗ để đóng tàu. Hệ thống luật phương Tây ra đời. Về chính trị, có Đại hiến chương (Magna Carta), quốc hội Anh, hình thức chính quyền đại nghị đầu tiên thế giới. Âm nhạc phức âm (polyphonic). Sự ra đời các nhà thờ Gôtic vĩ đại. Sự ra đời các đại học như những trung tâm học thuật. Các nhà thám hiểm mở rộng chân trời của châu Âu: Viking tới vùng Newfoundland (Canada) năm 1000; trước năm 1500, Vasco da Gama và Bartholomew Diaz tới Ấn độ bằng con đường vòng qua Mũi Hảo Vọng, và vài năm sau Christopher Columus đặt chân đến Tân thế giới.

Nhưng, trên hết, điều chúng ta quan tâm ở đây, là châu Âu trung cổ, lần đầu tiên trong lịch sử của văn minh nhân loại, trở thành một xã hội mà con người nêu lên vô số những câu hỏi về tự nhiên, và tìm cách trả lời, không phải bằng mê tín, mà bằng cách sử dụng lý tính, bằng phân tích bằng lôgic. Không ở đâu được như thế, có không khí học thuật sôi nổi và tương đối cởi mở như thế. Đại học và lý tính đặt nền tảng vững chắc cho sự tiến lên của khoa học cho 500 năm tới. Những điều này xảy ra trong một xã hội được quản lý chặt chẽ bởi nhà thờ Kitô giáo mà những công cụ của lý tính lại thuộc về những người Hy Lạp ngoại đạo. Triết học tự nhiên là một chương hoàn toàn khác không nằm trong Kinh thánh. Tôn giáo và khoa học phải sống chung, tương tác và tiến hóa. Nhưng cuộc chơi được chấp nhận như tiên đề cho sự phát triển. (E. Grant)

***

Trước khi La Mã tan rã, châu Âu rơi vào giai đoạn đen tối, Boethius (480-525) của thế kỷ thứ 5/6, người tử tù và là một chính khách cao cấp trong giới quý tộc La Mã đang chờ chết một năm vì bị ghép vào tội mưu phản, đã viết ra Sự an ủi của triết học (Consolation of Philosophy), tác phẩm nổi tiếng mang tính triết lý Stoic, cũng như ông dịch (ra tiếng La tinh) và diễn giải về tác phẩm lôgic học Categories (trong Organon) của Aristote, cũng như Introduction (Isagoge) của Porphyry, tác phẩm nhập môn cho Categories. Đây là những tác phẩm của và về Aristote được biết ở phương Tây cho đến khi những tác phẩm của ông về lôgic, vật lý và siêu hình học được dịch và phục hồi hoàn toàn vào thế kỷ 12 và 13. Nhưng những tư liệu của Boethius cũng đủ để phương pháp học thuật kinh viện ra đời thế kỷ 12. Boethius cũng dịch Euclid và Ptolemy ra tiếng La tinh cùng với những luận văn cổ điển về số học và âm nhạc, những thứ trở thành trụ cột trong các tu viện hay trường nhà thờ, là những thể chế giáo dục quy củ đầu tiên của phương Tây. Thực tế, Boethius đã ứng dụng phương pháp tiên đề hóa (axiomatization) vào thần học một cách nghiêm túc. Ông chú ý lôgic giống như những nhà triết học ở trường Alexandria, ở đó chương trình giảng dạy triết học bắt đầu bằng lôgic. Boethius là đường truyền đầu tiên qua đó lôgic học của Aristote được truyền tới các nhà triết học trung cổ tiếng La tinh. Chính ông là người truyền lại ngọn lửa khoa học và học thuật cho thời Trung cổ. Boethius được gọi là “Một trong những người La Mã cuối cùng, và người đầu tiên của các nhà kinh viện (scholastics)”.

Boethius (480-524)

Trước cái chết đang chờ đợi, Boethius mượn Triết học, mà ông nhân cách hóa lên thành Lady Philosophy, hay nàng triết học, để đối thoại và an ủi. Chúng ta hãy dừng lại đây một chút để chia sẻ với những ưu tư triết học của ông. Nàng triết học an ủi ông rằng ông không phải là người bị oan sai đầu tiên trong lịch sử. Socrate đã đau khổ ở Athens, Seneca ở Rom. Chính nàng cũng gặp khó khăn. Boethius trách móc ‘tại sao những kẻ độc hại lại phát đạt?’ Ông đồng ý rằng vũ trụ được quản lý bởi một vị thống lãnh lý tưởng, đó là Thiên Chúa; nhưng nó lại giống như một cái nhà mà trong đó những cái bình vô giá trị thì được săn lùng trong khi những cái bình quý giá thì lại bị bỏ quên cho mưa gió. Nàng triết học lấy những lý luận từ Gorgias (những câu chuyện đối thoại giữa Socrate và một nhóm sophist) của Plato để chứng minh rằng sự phồn vinh của những kẻ độc hại chỉ là bề ngoài. Ý muốn làm cái ác, tự nó, là điều bất hạnh, và thành công đạt mục đích là một tai họa là tồi tệ hơn. Một người tốt có thể khao khát sự thần thánh, còn người xấu thì biến thành kẻ súc sinh (beast). Vật chất có từ may mắn là không quan trọng nếu so sánh với những giá trị bên trong của một con người. Sự ban tặng của may mắn mà chúng ta hưởng được thật sự không thuộc về chúng ta: của cải rồi cũng sẽ bị mất, và chúng có giá trị nhất chỉ khi nào chúng được cho đi. Một người khoe khoang của cải và quyền lực giống như một con chuột khoe khoang trước các con chuột khác. Tôi không thể tìm thấy hạnh phúc ở sự giàu có, quyền thế hay sự nổi tiếng, nhưng chỉ ở tài sản quý báu nhất của tôi, bản thân tôi. Vận may là lừa dối, và luôn luôn chịu sự bất ổn, trong khi vận rủi đem lại sự tự-nhận thức và dạy cho con người biết ai là những người bạn chân chính, những tài sản quý giá nhất của tất cả loại giàu có trên đời. Mượn triết lý của Platon và Aristote, hạnh phúc theo nghĩa chân chính được định nghĩa lại như sau:

Hạnh phúc (beatitudo) là cái tốt lành (good) mà khi đạt được sẽ không để lại điều gì nữa để khao khát. Đó là cái cao nhất của tất cả cái tốt lành, chứa đựng tất cả cái tốt lành trong nó; nếu một cái tốt lành thiếu tính chất này, nó không phải là cái tốt lành cao nhất, vì còn cái gì đó để ham muốn. Cho nên, hạnh phúc (đích thực) là trạng thái được làm hoàn hảo bởi sự tích lũy của những cái tốt lành có được.

Cho nên giàu có, địa vị, quyền lực, và tên tuổi không đáp ứng những điều kiện đó, những thú vui của cơ thể cũng không. Nàng triết học lý luận, Chúa mới là cái hoàn hảo nhất, tốt nhất của tất cả thứ tốt trên đời; cho nên hạnh phúc đích thực chỉ được tìm thấy ở Chúa thôi.

Thế còn ý chúa (providence) và số phận (fate) thì sao? Trong thế giới được ngự trị bởi ý chúa, thì số phận có còn là điều ngẫu nhiên hay không? Chúa có nhìn thấy trước mọi việc và sắp xếp không? Nàng triết học lý luận, ý chúa là lý tính thần thánh nối kết lại với nhau tất cả sự vật, trong khi số phận (hay định mệnh) là cái tổ chức những sự vận hành của sự vật nằm rải rác trong không gian và thời gian, trong một quá trình phức tạp. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy ở bề mặt sự lộn xộn của sự vận hành của số phận. Nhưng nếu chúng ta có thể nhìn sâu để thấy sơ đồ toàn cục như được thiết kế bởi ý chúa, chúng ta sẽ nhận ra rằng cái gì xảy ra là xảy ra công bằng, cái gì tồn tại là tồn tại có lý.

Sự chọn lựa tự do của con người là cái gì khó hòa hợp với ý chúa, hay với Chúa, đấng tối cao có thể nhìn thấy trước mọi thứ. “Nếu Chúa có thể nhìn thấy trước tất cả mọi việc, và trong mọi trường hợp không thể sai lầm, thì điều phải được xảy ra là điều mà trong ý chúa ngài nhìn thấy là sẽ tới.” Đây là một câu hỏi “hóc búa”. Câu trả lời của nàng triết lý được đưa ra ở đây là, cũng là “hóc búa”: Chúa đứng ngoài khung thời gian, cho nên không đúng nếu nói đến ý chúa liên can dự vào tri thức trước (foreknowledge)”. Tri thức của Chúa về các hành động tương lai của chúng ta là giống như tri thức của chúng ta về những hành động hiện tại của những người khác: ngài ở ngoài thời gian, và cái thấy của ngài thật sự không phải là một cái thấy trước, foreseeing. “Cùng một sự kiện tương lai, nếu nhìn từ tri thức thần thánh, là tất yếu; nhưng nếu được xem trong bản chất của nó, thì nó có thể nhìn thấy là sự kiện hoàn toàn tự do và vô điều kiện… Chúa thấy như là hiện tại những sự kiện tương lai, những cái xảy ra vì ý muốn tự do.” (Anthony Kenny) Dĩ nhiên, nan đề này chưa thế kết thúc, mà là đối tượng cho tranh luận của đời sau.

***

Những thế kỷ 11, 12, và 13, giai đoạn châu Âu đã hồi phục kinh tế và ổn định chính trị, là thời kỳ phát triển lý tính, tư duy lôgic, biện chứng, và học thuật. Đó là một thời phục hưng di sản khoa học của Hy Lạp và Hy Lạp Hóa đã bị biến mất nghìn năm. Các đại học ra đời để phát triển và truyền bá rộng rãi các ý tưởng khoa học. Các đại học lớn đầu tiên là Bologna, Paris và Oxford. Các vị cha nhà thờ đã nhận ra rằng tư duy theo lý tính, lôgic, sáng sủa là thuộc tính con người mà Chúa đã ban cần được nâng niu và phát triển – để xứng đáng là con của Chúa. Cho nên mới hiểu bảy môn nghệ thuật nhân văn (septem artes liberates) gồm có văn phạm, hùng biện, biện chứng hay lôgic (trivium), và âm nhạc, số học, hình học, thiên văn (quadrivium) trong chương trình học. Sinh viên học tập bằng tranh luận trong các xêmina, và thi cử bằng tranh luận cả ngày, để chứng minh rằng họ đã tự lập, trưởng thành về tinh thần. Tư duy biện chứng đặt ra luận đề (thesis), phản đề (anti-thesis) và hiệp-đề (synthesis), buộc sinh viên phải đi đến một kết luận nào đó bằng lý luận. Đó là những môn học mà các nhà thần học hay triết học không thể thiếu. Bảy môn học nhân văn thực ra đã có từ thời La Mã, mà tác giả là Varro (116-27 tr. CN). Ông là người đã biên soạn một cách hệ thống 9 môn nhân văn, trong đó có thêm y khoa và kiến trúc là những môn sau này bị bỏ.

Các đại học đều có qui chế tự quản, tự chủ, như các phường (guild). Universitas ban đầu có nghĩa một tổ chức (corporation) của những người cùng nghề nghiệp. Xã hội Trung cổ đã công nhận những quyền tự do đoàn thể (corporate liberties) và quyền tự trị để các thành viên bảo vệ quyền lợi của họ. Luật La Mã được phát triển, đặc biệt tại Đại học Bologna, để phục vụ cho một thế giới đang phát triển ngày càng phức hợp. Không có luật, thế giới sẽ trở thành tùy tiện, hoang dã, hay hỗn loạn. Cũng như các đại học, các thành phố được hưởng những qui chế đặc biệt phù hợp với sự phát triển của chúng. Khoa học và Luật pháp là hai đặc tính quan trọng của nền văn minh mới nhằm xây dựng một thế giới có trật tự, lôgic và hiểu được về tinh thần cũng như về cấu trúc xã hội. Một châu Âu man di, bằng sự tự-học, đã xuất hiện thành trung tâm mạnh mẽ của một nền văn minh mới.

Có thể nói, các thế kỷ 12 và 13 là giai đoạn “phát triển đầy đủ nhất của tất cả tiềm lực của nền văn minh trung cổ”. Nhiều học giả về thời này cho rằng những thế kỷ này còn có ý nghĩa cho sự hình thành các ý tưởng và thể chế phương Tây lớn hơn thời Phục Hưng Ý hay Cải cách Tin lành. Lịch sử trí thức có tính chất khẳng định và tự-khám phá trong giai đoạn lớn lên và trưởng thành này. Môn trí thức mới là logic, biện chứng, mà tất cả các học giả đều phải trang bị.

Thánh Augustin (Augustinô thành Hippo) của thế kỷ thứ 4 và thứ 5 là người từng rất thấm nhuần các môn học nhân văn. Ông là một nhà thần học Kitô giáo và triết học uyên bác, và có ảnh hưởng lớn lên sự phát triển của Kitô giáo. Thái độ ông khá đặc trưng cho tôn giáo. Trong Những lời tự bạch (Confessions) ông cho biết đã khám phá tác phẩm Categories (các phạm trù) của Aristote và đã đọc trong thời trẻ tất cả các sách về các nghệ thuật nhân văn ông có được về hùng biện, lôgic, hình học, số học, và âm nhạc. Ông cũng định viết những giáo trình cho giáo dục các môn này. Những ý tưởng phân mảnh của triết học tự nhiên Hy Lạp xuất hiện xuyên qua tác phẩm ông. Tuy dài hạn, ông khuyên con người nên đặt trái tim vào những vấn đề trên trời hơn là những vấn đề dưới đất, nhưng ông thừa nhận sự hữu ích của tri thức về tự nhiên trong việc làm sáng tỏ, minh họa và giải thích Kinh Thánh. Lý tính là món quà của thượng đế, làm cho con người khác biệt với súc sinh, và cần được sử dung, vun xới. Con người trước nhất phải có đức tin, sau đó lý tính. Lý tính không thể thiếu nếu đức tin cần được bảo vệ và nội dung cần được hiểu. Các lý luận dị giáo “cần phải được lánh xa và kinh ghét, không phải vì đó là lý luận, mà bởi vì đó là lý luận sai.” Đối với Augustin, sau đức tin mục đích cao nhất là hiểu (understanding): “Chúa của chúng con… nói với các tín đồ, ‘Tìm và sẽ thấy [Mattt. 7:7]’. Nhưng người ta không thể nói đến sự tìm thấy này mà lại tin rằng không cần đến tri thức.” Cho nên ở Augustin, không hẳn lý tính phải hoàn toàn phục tùng đức tin như đôi khi ông nhấn mạnh. Tuy nhiên, trong một đoạn nổi tiếng của Enchiridion Augustin tỏ ra rất nghi ngờ về giá trị của khoa học tự nhiên. “Nếu được hỏi chúng tôi phải tin điều gì trong những chuyện tôn giáo, câu trả lời không phải được tìm trong sự khám phá bản chất của sự vật theo cách thức mà những người Hy Lạp gọi là những ‘nhà vật lý làm.’” Người Kitô giáo có thể không hiểu biết nhiều về thế giới tự nhiên, không sao. Họ chỉ cần hiểu rằng “cội nguồn (cause) của tất cả mọi vật được tạo ra, dù trên trời hay dưới đất, dù thấy được hay không thấy, không gì khác hơn là Đấng sáng tạo, là Chúa đích thực.” Tuy thế, ông cũng sử dụng công cụ khoa học của Hy Lạp để minh họa thần học và nhận thức luận của ông, như ý tưởng ánh sáng dưới đây (D. C. Lindberg):

“Nhưng khác với những vật thể này (của cái nhìn, vision) là Ánh sáng qua đó linh hồn được soi sáng, để cho linh hồn có thể thấy và hiểu đích thực mọi vật, hoặc trong tự nó, hoặc trong Ánh sáng. Vì Ánh sáng chính là Chúa, trong khi linh hồn là sinh vật được tạo ra (creature)… Và nếu nó cố gắng nhìn ngắm Ánh sáng, nó run rẩy trong sự yếu đuối của nó, và tự thấy mình không thể làm như thế được. Nhưng từ nguồn này xuất phát tất cả sự hiểu biết mà nó có thể đạt được.”

Augustin cũng đưa ra cái gọi là “các nguyên lý giống như hạt” (seedlike principles) của trường phái triết học Stoic để điều hòa khái niệm Chúa đã tạo ra mọi vật ngay từ ban đầu với sự kiện quan sát được là có một tiến trình phát triển của các dạng tự nhiên, đặc biệt trong sinh học sau những ngày sáng thế. Ông là người có câu nói bất hủ về thời gian: Thời gian là gì vậy? Nếu không ai hỏi tôi, tôi biết nó là gì. Nhưng nếu tôi muốn cắt nghĩa nó khi có người hỏi, thì tôi không biết.

Thánh Augustin hay Augustinô thành Hippo

Sau Augustin có Gerbert xứ Aurillac (946-1003), một học giả rất uyên bác. Ông trở thành Giáo Hoàng Sylvester II (999-1003) và nổi tiếng là nhà giáo của bảy môn học nhân văn ở trường nhà thờ lớn Rheims, Pháp. Ông có tiếng ngưỡng mộ lôgic hay biện chứng, và có lẽ là người đầu tiên chú ý đến những tác phẩm của Boethius về lôgic. Các học trò ông truyền bá tình yêu học thuật và phương pháp giảng dạy và do đó, lôgic là môn học cơ bản trong các trường nhà thờ của châu Âu. Ở những thế kỷ 12 và 13, nó bám rễ sâu vào chương trình giảng dạy của các trường nhà thờ lớn và sau đó các đại học châu Âu. Tại sao nó lại được yêu thích đến thế? Bởi vì “nó mở ra cánh cửa sổ vào một cái nhìn trật tựhệ thống của thế giới và của tinh thần con người”, vào lúc mà cuộc sống trí thức đang ở mức thấp.

Trước Gerbert có John Scotus Eriugena cuối thế kỷ thứ 9, một triết gia và nhà thần học Ái Nhĩ Lan, từng phục vụ Vua Charles the Bald của Pháp, viết trong một tác phẩm quan trọng có tên On the Division of Nature (Về sự phân loại của Tự nhiên):

Bỏi vì quyền lực hoạt động từ lý tính đích thực, nhưng lý tính chắc chắn không hoạt động từ quyền lực. Bởi vì, quyền lực nào không được nâng đỡ bằng lý tính đích thực thì quyền lực đó được xem là yếu ớt, trong khi lý tính đích thực được gìn giữ vững chắc và bất biến bằng sức mạnh của chính nó, và không cần được xác nhận bởi sự đi lên của quyền lực nào. Đối với tôi, quyền lực đích thực không gì khác hơn là chân lý đã được khám phá bởi sức mạnh của lý tính, và được viết xuống bởi các cha nhà thờ cho đời sau sử dụng.

Ông đặt quyền lực dưới sự tuân thủ lý tính. Cuối thế kỷ thứ 8, vua Charlemagne, người thống nhất châu Âu đầu tiên, và cai trị Đế chế La Mã thần thánh, ra sắc lệnh các nhà thờ và tu viện phải thiết lập và hỗ trợ trường học để giáo dục con trai. Ông chiêu dụ các học giả trong giới tăng lữ về cung điện hoàng gia ở Aachen. Ở đây, trường cung cấp giáo dục trong bảy môn nghệ thuật nhân văn, với sự nhấn mạnh đặc biệt lên các môn văn phạm, lôgic và toán học như những công cụ chính. Đó là thời Phục hưng Carolingian thế kỷ thứ 9. Tiếp theo, năm 1079, Đức giáo hoàng Gregory VI ban sắc lệnh cho các nhà thờ lớn và tu viện phải lập trường để giáo dục và huấn luyện tu sĩ. Đến thế kỷ 11, các thành phố Paris, Orleans, Toledo, Rheims, Chartres, Cologne và những thành phố khác đã có các trường học nhà thờ, được xem như các trung tâm trí thức cho cả giới tăng lữ và người ngoài, trước khi đại học hình thành. Một số lớn sinh viên háo hức có một sự đào tạo và sẵn sàng chịu cực đi xa.

Hugh (Hugo) của St. Victor, một trường dòng quan trọng ở Paris, có một đề nghị giáo dục táo bạo, rằng cái học thế tục, tập trung vào hiện thực của thế giới tự nhiên, là nền tảng cần thiết cho sự thiền định tôn giáo tiên tiến. “Hãy học tất cả đi”, Hugh tuyên bố, “sau này bạn sẽ thấy không có gì là thừa thãi hết.” Mục đích của bảy môn nghệ thuật nhân văn, nền tảng giáo dục của đại học trung cổ, là nhằm “tái tạo hình ảnh Chúa trong chúng ta.”

Ý tưởng lớn được phục hồi lại trong thế kỷ 12 để làm cho sự phát triển khoa học khả dĩ là ý tưởng giải thích duy lý ở dạng chứng minh (demonstrative) hình thức hay hình học. Nghĩa là chứng minh một sự kiện (fact) có thể được suy diễn từ một nguyên lý tổng quát hơn. Điều này đạt được nhờ lôgic học của Aristote và toán của Hy lạp và Ả rập. Ý tưởng chứng minh toán học qua tác phẩm Các cơ sở hình học của Euclid là khám phá vĩ đại của người Hy lạp trong lịch sử khoa học, và nó là cơ sở không chỉ của những đóng góp cho toán học, mà còn cho vật lý học hay thiên văn, quang học, hay cũng như của sinh học, và y khoa. Xu hướng tinh thần là quan niệm, ở đâu có thể, xem khoa học như công việc của suy luận từ những nguyên lý đầu tiên có tính hiễn nhiên nhưng không thể chứng minh được (tức tiên đề, theo tinh thần tiên đề hóa của Euclid). (A. C. Crombie)

Peter Abelard (1079-1142), người “hiệp sĩ” của logic học

Trong những học giả truyền bá lôgic, Peter Abelard được xem như nhà lôgic học và người duy lý lớn nhất, có lẽ là trí thức lớn nhất của thế kỷ 12, và mãi mãi bất tử vì mối tình đầy kịch tính với nàng Heloise. Ông là người muốn đi tìm nhận thức bằng lôgic và phép biện chứng: “Bằng cách nghi ngờ, chúng ta đi đến đặt câu hỏi, và bằng các câu hỏi, chúng ta nhận thức được chân lý.” Tác phẩm nổi tiếng của Abelard là Sic et Non (Đúng và Không) được viết vào năm 1121/22. Quyển sách nhằm đánh thức con người ra khỏi giấc ngủ giáo điều. Phép biện chứng, bên cạnh Kinh Thánh, là công cụ duy nhất để khám phá chân lý, dẹp bỏ các thành kiến, và khuyến khích con người sử dụng lý trí mà không biết sợ hãi. Không có gì ngoài Thánh Kinh là không thể sai, ông nói. Ngay các tông đồ và các cha nhà thờ cũng có thể sai. Abelard sinh năm 1079 tại Nantes. Với 34 tuổi, năm 1113, ông đã là người thầy vô cùng nổi tiếng ở Paris. Tuổi trẻ yêu thích sự sắc bén, sự sử dụng chuyên nghiêp phép biện chứng, và thái độ không sợ hãi của ông. Ông liên tiếp bị hại, bị biệt xứ, và kết án hai lần cho đến lúc ông mất. Hài cốt của ông và Heloise cuối cùng được mai táng chung bên nhau tại nghĩa trang Père Lachaise, Paris. Đối với thế giới đời thường Abelard nổi tiếng vì mối tình bi thảm với Heloise, đối với lịch sử triết học, ông có vị trí quan trọng vì những đóng góp cho lôgic và phương pháp học thuật kinh viện.

Sự phát triển của các Dòng tu trong các tu viện là một hiện tượng quan trọng trong sự hồi sinh của học thuật, đặc biệt các dòng Phanxicô và Dominic (Đa Minh) là những dòng sống khắc khổ, khất thực. Họ chủ trương, như Dòng Benedict (Biển Đức) là một tấm gương trước đó, vừa tu, vừa học, đọc sách, (vita contemplativa), nhưng cũng tham gia vào lao động tay chân (vita activa). Hai dòng tu này có những tu sĩ nổi tiếng về tinh thần khoa học, như các thánh Albertus Magnus, Thomas Aquinas của dòng Biển Đức, và Robert Grosseteste, Roger Bacon và William xứ Ockham của dòng Phanxicô. Họ là những nhà khoa học, triết học và thần học. Grosseteste và Bacon (học trò của Grosseteste) đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của thực nghiệm và toán học trong khoa học, điều sẽ được thực hiện trên qui mô lớn ở thế kỷ 16 và 17 để tạo nên khoa học hiện đại. (Về Grosseteste xem thêm Năm quốc tế ánh sáng 2015)

Ngoài bảy môn học nhân văn, Hugh của St. Victor, một nhà thần học nổi tiếng thế kỷ 12, còn đưa vào bảy môn học cơ học (septem artes mecanicae) gồm kỹ thuật dệt, rèn, luyện kim, xây dựng, lái tàu, nông nghiệp, săn bắn, kịch nghệ và chữa bệnh. Khoa học là những thứ được Chúa ban cho con người làm những phương tiện để chiến đấu chống lại những yếu đuối mà con người đã mắc phải từ cái tội truyền kiếp năm xưa. Với khoa học lý thuyết, con người chiến đấu với sự vô minh; với những khoa học ứng dụng, con người chống lại bất bình đẳng và giúp những người yếu thế bảo vệ mình.

Trong lòng Nhà thờ trung cổ, triết học Kitô giáo chối-từ-thế-giới được hun đúc bởi Augustin và dựa trên Platon bắt đầu nhường chỗ cho một cách tiếp cận khác một cách căn bản đến sự tồn tại, uyển chuyển hơn, lý tính hơn. Sự sử dụng lý tính để xem xét và bảo vệ các tín điều của đức tin, được khai thác bởi Anselm, tổng giám mục của Canterbury trong thế kỷ 11, và đặc biệt môn học lôgic, được nhà biện chứng học bốc lửa Abelard của thế kỷ 12 phát triển, đã nhanh chóng tiến lên trong lãnh vực giáo dục và thần học. Không phải các chân lý Kitô giáo bị đặt vấn đề, mà các chân lý đó là đối tượng của sự phân tích để có sự hiểu biết thấu đáo hơn. Như Anselm phát biểu, “Dường như đối với tôi, sẽ là một sự khinh suất, nếu sau khi đã vững chắc trong đức tin, chúng ta không nỗ lực để thấu hiểu những gì chúng ta tin.”

Mối quan tâm chính của triết học trung cổ là sự nối liền đức tin và lý tính, một ý tưởng rất hay, để cho các chân lý khải huyền của tôn giáo có thể được thuyết minh và bảo vệ với sự giúp đỡ của phân tích lý tính. Triết học do đó phải là cô hầu của thần học, cũng như lý tính là người diễn giải của đức tin. Lý tính do đó phải phục tùng đức tin. Nhưng với sự xuất hiện của Aristote, và sự tập trung vào thế giới vật lý, lý tính đã có ý nghĩa mới rộng hơn: Lý tính không phải chỉ là lôgic, mà còn là, để nhận thức được thế giới, sự quan sát thực nghiệm và thí nghiệm nữa. Với miếng đất hoạt động ngày càng lớn, sự căng thẳng giữa đức tin và lý tính cũng sẽ tăng theo.

Albertus Magnus là nhà tư tưởng trung cổ đầu tiên làm sự phân biệt giữa tri thức được suy ra từ thần học và tri thức từ khoa học. Nhà thần học là chuyên gia trong những vấn đề đức tin, trong khi trong những vấn đề thế tục, nhà khoa học có nhiều hiểu biết hơn. Và ông khẳng định tính độc lập của tri thức khoa học được dựa trên quan sát thực nghiệm. Dưới cái nhìn này, triết học của Aristote được xem là thành tựu vĩ đại nhất của lý tính con người hoạt động không cần cảm hứng Kitô giáo. Albertus từng được tặng cho cái danh hiệu “thánh đỡ đầu” cho khoa học tự nhiên. Ông cho rằng nghiên cứu khoa học có giá trị tự nó, Aristote không nên đáng sợ, lý tính và đức tin sẽ hài hòa nhau trong tri thức về Chúa.

Thomas Aquinas hay Tôma Aquinô (1225-1274)

Thomas Aquinas tiếp nối công việc của Albertus, nhưng hơn ai hết là người có năng lực làm một cuộc “điều hòa” ấn tựợng giữa tri thức con người và đức tin. Tác phẩm quan trọng của ông là Summa Theologiae (Tổng luận thần học) nhằm hợp nhất triết học của Aristote và thần học Kitô, có lẽ là quyển sách chỉ nam quan triết học trọng nhất thời trung cổ, và được đánh giá là “một trong những quyển kinh điển của lịch sử triết học và một trong những tác phẩm ảnh hưởng nhất của văn học phương Tây”. Aquinas thuộc gia đình quý tộc nhưng sớm từ bỏ hết đời sống cao sang để trở thành tu sĩ và gia nhập Dòng Đa Minh khổ hạnh, bị gia đình bắt về, rồi lại trốn thoát để thực hiện tiếng gọi tôn giáo trong ông. Aquinas ngưỡng mộ Albertus Magnus là người đã đưa Aristote đầy đủ vào châu Âu Kitô giáo, và đã đến Cologne để học Albertus. Aquinas muốn biến Aristote thành một người Kitô, và muốn làm cho ranh giới giữa chủ nghĩa Aristote và Công giáo biến mất. Đối với Aquinas, Chúa không chỉ là Mô thức (Form) tối cao tạo ra thế giới tự nhiên mà còn là nền tảng căn bản của sự tồn tại của tự nhiên. Aquinas đã đem lại cho sự tồn tại cái hồn: đó là Chúa. Cái hồn của con người chính là mô thức, mà thân thể là vật chất. Cả hai liên kết chặt chẽ với nhau. Aquinas trích dẫn thánh Phaolô: “những vật thể không thể thấy được của Chúa được nhìn thấy rõ…. bằng những vật thể đã được Chúa làm ra.” Những cái có tính thần thánh không nhìn được có thể được tiếp cận qua thực nghiệm, qua quan sát cái có thể nhìn thấy được và đặc thù. Bằng trải nghiệm cái đặc thù qua giác quan, tinh thần con người có thể di chuyển đến cái phổ quát, điều làm cho cái đặc thù hiểu được. Aquinas tin rằng trí tuệ con người không tiếp cận được trực tiếp các Ý tưởng (Ideas) siêu nghiệm, nhưng nó đòi hỏi sự trải nghiệm bằng giác quan để đánh thức tri thức tiềm tàng của những cái phổ quát. Hiện hữu (to-be) là sự tham dự vào tồn tại (existence), và vì tồn tại tự nó là sự ban tặng của sự hiện hữu của Chúa. Cho nên mọi sự vật được tạo ra có một thực tại đích thực bắt nguồn từ thực tại vô tận của Chúa. Do đó, bằng cách mở rộng tri thức, con người trở thành càng giống Chúa, và giống Chúa là mục đích tối hậu mong đợi của con người. Aquinas tin rằng lý tính con người và tự do có giá trị tự chúng, và sự thể hiện chúng sẽ phục vụ cho sự vinh danh Chúa. Sự tự chủ ý chí và tri thức con người sẽ không bị giới hạn bởi quyền năng vô hạn của Chúa, và cũng không có ý nghĩa chống đối gì đối với Đấng sáng tạo. Đúng hơn, những phẩm chất đặc biệt của con người có nguồn gốc trong bản chất của Chúa, bởi vì con người được tạo ra theo hình ảnh của Chúa. Con người được phép hưởng những quyền năng trí tuệ và ý chí được dựng theo mô hình của Chúa. Cho nên đấu tranh cho tự do con người và cho sự thực hiện những giá trị đặc trưng của con người chính là thúc đẩy thực hiện ý muốn thánh linh. Con người là một bộ phận tự chủ của vũ trụ của Chúa, và sự tự chủ tối cao của Ngài cho phép con người trở về nguồn gốc của mọi thứ một cách tự do. Thực tế, chỉ khi con người tự do đích thực, thì con người mới có khả năng yêu Chúa một cách tự do, mới nhận ra một cách tự do sự vĩ đại tinh thần của Ngài. Kết luận: nỗ lực con người để hiểu thế giới vật lý được biện hộ bằng ý nghĩa tôn giáo sâu sắc: Con đường của chân lý là con đường của Thánh Linh. (R. Tarnas) Đó không gì khác là sự dọn đường cho nghiên cứu khoa học hiện đại một cách chính danh.

Sau Albertus và Aquinas, tri thức và nghiên cứu khoa học được cởi trói để đi tới. Hai ông là những người nhìn-về-phía-trước một cách có ý thức. Hai ông là những người chịu ảnh hưởng rất lớn của Robert Grosseteste (1175-1253), cũng là một nhà nghiên cứu khoa học. Học trò của Grosseteste là Roger Bacon (1214-94) là nhà tư tưởng khoa học lớn nhất của thời trung cổ. Bacon dạy học ở Paris và Oxford. Ông là một nhà bách khoa thư. Bacon không phải là nhà thực nghiệm, cũng không phải là nhà toán học, nhưng ông, cũng như thầy ông Grossesteste, nhìn thấy rõ, không có thực nghiệm và toán học, triết học tự nhiên chỉ là một sự lắm lời. Thực nghiệm và ứng dụng sẽ lên ngôi trong những thế kỷ tới vào thời Phục Hưng và sau đó.

Trong các thành tựu tri thức thời trung cổ, có một sự thay đổi có ý nghĩa về thái độ con người trước thế giới. Người dân đầu thời trung cổ xem thế giới là một sân khấu hỗn độn, huyền bí, không thể hiểu được, của mọi đau khổ, tốt nhất cần nên tránh và trở về thiền định với Chúa. Nhưng vào thế kỷ 12 và 13, một bộ phận đã nhìn thế giới tự nhiên với con mắt khác, tích cực hơn. Họ nhìn thế giới như một tác phẩm có trật tự của Chúa, hoạt động theo những định luật được lập ra một cách thiêng liêng, và con người có thể hiểu được, chứ không phải là sản phẩm của ma quỷ.

Cho đến thế kỷ 12, châu Âu Kitô giáo đã phát triển hơn Đế Chế La Mã, về công nghệ (hãy xem các nhà thờ Gôtic vĩ đại), cũng như về học thuật, những thứ mà châu Âu đã thừa hưởng từ Hy Lạp, La Mã và cả thế giới Hồi giáo. Thế giới Kitô giáo là thế giới đượm tư duy lôgic và hệ thống. Cho đến thế kỷ 19, nhà triết học Nietzsche vẫn còn nhắc nhở gìn giữ nét đặc biệt này:

Cho nên trường học phải loại bỏ tất cả những gì không thích hợp với các thao tác này, thí dụ như tôn giáo. Nó phải dự trù rằng sau này sự mơ hồ của con người, thói quen và ham muốn sẽ làm giảm đi khả năng tư duy chặt chẽ. Tuy nhiên bao lâu ảnh hưởng của nó còn cho phép, trường học cần phải dạy cho được điều cơ bản và trội bật ở con người sau đây: ‹Lý tính và Khoa học, như khả năng tri thức cao nhất của con người› như ít nhất Goethe nhận định. – Nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên von Baer nhận thấy tính ưu việt của người châu Âu so với người châu Á về năng lực được giáo dục ở nhà trường, rằng họ có thể đưa ra những lý lẽ để biện minh cho điều họ tin, trong khi những người kia hoàn toàn không có khả năng. Châu Âu đã trải qua trường học của tư duy lôgic và có tính phê phán, trong khi châu Á vẫn chưa phân biệt được giữa Sự thật và Thi ca, và chưa ý thức được niềm tin của mình có phải là kết quả từ sự quan sát riêng và cách tư duy đúng đắn, hay là từ những sự tưởng tượng mơ hồ cảm tính (fantasy). Lý tính trong trường học đã làm cho châu Âu trở thành châu Âu: trong thời Trung cổ nó đã có nguy cơ biến thành một mảnh đất và một phần phụ thuộc của châu Á – nghĩa là mất mát tinh thần khoa học mà nó đã học được từ những người Hy Lạp. (Xem Trường học của Lý tính)

***

Khoa học dù muốn tách ra khỏi tôn giáo như thời Hy Lạp để tự do phát triển cũng không thể được. Số phận của nó gắn bó với số phận của Kitô giáo, và phải lớn lên trong đó. Các vị cha nhà thờ, những người có quyền lực nhất, ngay từ đầu chỉ muốn khoa học phụng sự đức tin, là người hầu gái của thần học. Khoa học không được theo đuổi cho mục đích riêng của nó, nhưng là để giúp ích cho sự diễn giải Kinh Thánh. Thánh Bonaventure (1221-1274) viết cả một luận thuyết cho rằng tất cả mọi nghệ thuật (arts), tất cả các ngành của tri thức, đều là những người hầu gái của thần học, nhằm củng cố đức tin và vinh danh Chúa. Hai thế kỷ trước ông, thánh Peter Damian cũng cho rằng việc nghiên cứu thế giới thấy được bên ngoài có hai mục đích: đem lại cho chúng ta sự thiền định về bản chất tâm linh không thấy được của nó để chúng ta yêu và tô điểm thêm cho Chúa. Các môn học trong quadrivium giúp đạt được mục đích này. Tức là khoa học thế tục phải chịu quy chế của người hầu gái, chứ không phải ngược lại.

 

Aristote (382-322 tr. CN)

Aristote có lẽ gương mặt quan trọng nhất trong lịch sử tư tưởng phương Tây cho đến cuối thế kỷ 16. Ông là tấm gương của nhà nghiên cứu tự nhiên một cách hệ thống, khoa học, chi li và trung thực chưa từng có. Bên cạnh nhiều tác phẩm về triết học, siêu hình học, lôgic học, đạo đức học, mỹ học, tâm lý học, chính trị học, ngôn ngữ học, hùng biện, âm nhạc… ông còn là nhà quan sát tự nhiên rất nghiêm túc và đam mê, từ vũ trụ cho đến các sinh vật, với các tác phẩm vật lý, sinh học, động vật học, làm thành hệ thống toàn diện của triết học phương Tây. Các nhà nghiên cứu hệ thống sau là sự lập lại của tấm gương ông, trong đó có những tên tuổi vĩ đại như Linaeus, Alexander von Humboldt, Darwin. Aristote là biểu tượng của tinh thần học thuật đích thực và toàn diện của phương Tây. Aristote là học trò của Plato ở Academy, và thầy của Alexander Đại đế. Người ta nói là sự “kết hợp của cái đầu mạnh nhất và con người mạnh nhất của thời đại”. Sau một thời gian dài vắng mặt, năm 335 Aristote quay lại quê nhà Stagira và thành lập trường Lyceum, trường tương đương với Academy của Plato. Chính ở đây ông viết những tác phẩm hiện còn tồn tại. Alexander mất năm 323, và năm sau, trước sự bài bác Macedon là quê hương của Alexander, ông phải trốn qua Chalcis trên một hòn đảo của Euboea, nơi ông mất cùng năm. Dựa trên nhiều nguồn thông tin về các tác phẩm còn và mất của ông được nhắc tới, các nhà nghiên cứu đoán rằng Aristote đã phải viết tất cả 200 tác phẩm. Nhưng các nhà nghiên cứu chỉ tập trung vào 30 tác phẩm được xác nhận là đích thực do ông viết. Phải nói rằng nhờ Aristote và những tác phẩm đồ sộ, đa dạng của ông mà khoa học và tinh thần của nó mới thâm nhập vào châu Âu Kitô giáo, thúc đẩy và biến đổi học thuật. Thật không thể tưởng được thế nào về sự phát triển khoa học nếu không có Aristote.

Platon (trái), Aristote (phải), từ bức tranh tường Trường học Athens của Raphael

Organon (công cụ) là tác phẩm quan trọng về lôgic của Aristote, gồm 6 tập Categories, Prior Analytics, De Interpretatione, Posterior Analytics, Sophistical Refutation,Topics, đã ảnh hưởng lớn lên các nhà tư tưởng trung cổ và sự phát triển của thần học, cũng như thống lĩnh lý luận khoa học hơn 2000 năm qua. [Đầu thế kỷ 17, Francis Bacon đã viết tác phẩm The New Organon, mượn tên Organon, để quảng bá cho phương pháp tiếp cận tự nhiên mới của ông.] Tuy Plato và Socrate bàn nhiều về lôgic, nhưng Aristote là người đã hệ thống hóa việc nghiên cứu môn này cho đời sau. Phép suy diễn quan trọng là tam đoạn luận (syllogism): Tất cả phụ nữ đều chết. Cleopatra là phụ nữ. Vậy Cleopatra sẽ chết.

Charles Darwin, sau khi nhận được như quà tặng từ Dr. William Ogle bản dịch của Parts of Animals (Các phần của động vật) của Aristote, đã gửi một lá thư cảm ơn đến Ogle vào ngày 22 tháng 2 năm 1882: “Ông phải để tôi cám ơn ông về niềm vui mà quyển sách của Aristote đã đem lại cho tôi qua sự giới thiệu của ông”. Rồi Darwin viết tiếp:

“Tôi hiếm khi đọc cái gì gây sự quan tâm tôi lớn hơn (như quyển sách của Aristote), dù tôi chưa đọc hơn một phần tư quyển sách.
Từ những trích dẫn mà tôi thấy, tôi đánh giá cao về những công lao của Aristote, nhưng tôi không ngờ ông ấy là một con người tuyệt vời làm sao. Linaeus và Cuvier là hai vị thần của tôi, mặc dù với những cách thức khác nhau, nhưng họ chỉ là những cậu học trò của ông Aristote già thôi.”

Nhưng tình hình đổi khác vào thế kỷ 12 và 13, khi bộ tác phẩm đồ sộ của Aristote lần lượt được dịch sang tiếng La tinh. Từ 1200 đến khoảng giữa thế kỷ 17, tức 450 năm, các đại học châu Âu đều nhấn mạnh việc học lôgic và khoa học của Aristote. Những nỗ lực cấm đoán Aristote trong thế kỷ 13 đều vô hiệu. Hệ quả là giới thần học bị chia rẽ, một nhóm chống đối, một nhóm ủng hộ Aristote. Và người đại diện nổi tiếng nhất phái ủng hộ không ai khác là Thomas Aquinas. Triết học bao gồm khoa học thế tục không thể mâu thuẩn với thần học hay đức tin. Siger ở Brabant, một nhà triết học có ảnh hưởng lớn, và đứng cùng phía với Aquinas, hay Boethius ở Dacia, cho rằng triết học tự nhiên của Aristote là chìa khóa không thể thiếu để hiểu vũ trụ, và nó độc lập với thần học, bằng hoặc hơn. Không những thế, một số nhà thần học có những đóng góp quan trọng cho khoa học và toán học. (E. Grant)

Đối với người châu Âu, đức tin thôi chưa đủ. Các cấm đoán, kết án, như các kết án (condemnation) 1210, 1270, 1277, hay cả trừng phạt đều không ngăn được óc tò mò, tinh thần khám phá, và lòng dũng cảm. Khoa học tự nó có sức cám dỗ, mê hoặc, và thuyết phục đối với những con người có óc khám phá, tò mò. Khoa học là khai sáng, là giải phóng con người khỏi sự thiếu hiểu biết. Khoa học cũng tránh cho Kitô giáo khỏi hiểm họa mê tín từ chiêm tinh học mà các cha nhà thờ rất ý thức về nguy cơ. Tòa thánh La Mã thời Phục Hưng tuy có thể phạm những sai lầm nghiêm trọng khi rơi vào chủ nghĩa giáo điều Aristote và truy bức những nhà khoa học tiến bộ, nhưng không thể kìm hãm mãi các hạt giống khoa học vươn lên. Con người châu Âu bất chấp mọi khó khăn, can đảm tiếp tục khai phá để đưa khoa học đến thắng lợi trong cuộc cách mạng khoa học vĩ đại ở thế kỷ 17 để thế giới có khoa học hiện đại như ngày nay. Đó là một quá trình dài đầy đau khổ, nhưng rất vinh quang, mà chỉ có các dân tộc châu Âu Kitô giáo mới có được. Họ không có tự do, mà họ giành được tự do. Với Newton, khoa học hiện đại được hoàn toàn giải phóng khỏi lòng nhà thờ, thoát khỏi mọi sự trói buộc, được công nhận như một thực thể đầy đủ và độc lập tự nó, và từ cuối thế kỷ 17 trở đi được phát triển tự do, ngang bằng hoặc hơn tôn giáo. Khoa học cũng là ánh sáng của Chúa, nói theo Augustin. Con đường khoa học cũng là con đường của Thánh Linh, nói theo Aquinas.

Sau Albertus và Aquinas, tri thức và nghiên cứu khoa học được cởi trói để đi lên. Hai ông là những người nhìn-về-phía-trước một cách có ý thức. Hai ông là những người chịu ảnh hưởng rất lớn của Robert Grosseteste (1175-1253), cũng là một nhà nghiên cứu khoa học. Học trò của Grosseteste là Roger Bacon (1214-94) là nhà tư tưởng khoa học lớn nhất của thời trung cổ. Bacon dạy học ở Paris và Oxford. Ông là một nhà bách khoa thư. Bacon không phải là nhà thực nghiệm, cũng không phải là nhà toán học, nhưng ông, cũng như thầy ông Grossesteste, nhìn thấy rõ, không có thực nghiệm và toán học, triết học tự nhiên chỉ là một sự lắm lời. Thực nghiệm và ứng dụng sẽ lên ngôi trong những thế kỷ tới vào thời Phục Hưng và sau đó. Francis Bacon đầu thế kỷ 17 sẽ giương cao tiếp ngọn cờ thực nghiệm trong nghiên cứu khoa học, trong khi Galilei làm cả hai: thực nghiệm và ứng dụng toán học.

Nhưng có thể nào khác hơn được chăng khi Kitô giáo sinh vào thế giới chịu ảnh hưởng của văn minh Hy Lạp đầy chất lý tính đã phát triển sáu trăm năm trước đó? Có thể nào khác hơn chăng khi sự “thai nghén” cuối cùng sinh nở một đứa con có tên khoa học? Thực tế không ai tưởng nổi cuộc tiến hóa của sự sống chung giữa tôn giáo và khoa học. Chúng ta nhớ rằng, tri thức chưa bao giờ là lý tưởng của tôn giáo. Nhà thờ phương Tây trong lịch sử của mình quan tâm tập trung vào sự quản trị của vương quốc của chúa trong tất cả những chuyện về tư tưởng. Nó có tính chính trị hơn là tính trí thức. Chúa Jesus chưa bao giờ là nhà triết học. Thánh Phanxicô chưa bao giờ có chỗ đứng cho nó. Học thuật, chủ nghĩa kinh viện, cả Augustinô, chưa bao giờ để lại ấn tượng gì trong ông, cũng như tất cả những chuyện đời thường, chiến tranh, dị giáo, hay tham nhũng của hàng giáo sĩ. Ông sống với sự hồn nhiên và vui tươi của đứa trẻ. Ông sống để thể hiện đức tin Kitô, đem Kinh Thánh đến người thường.

Không thiếu những vị cha nhà thờ đã cưỡng lại trào lưu học thuật đang diễn ra, tiêu biểu là thánh Bernard ở Clairvaux (1019-1153), người truy đuổi Alebard cho đến cùng: “Peter Abelard đang nỗ lực để làm mất đi giá trị của đức tin Kitô khi ông ta tự tưởng có thể bằng lý tính con người có thể hiểu được tất cả về Chúa. Ông ta đi lên trời rồi xuống vực sâu! Không có gì có thể dấu kín ông, trong chiều sâu của địa ngục, hay ở trên cao! Con người là vĩ đại trong mắt anh ta – kẻ đi soi bói Chúa và sản sinh ra những điều dị giáo.” Bernard là một người thần bí, đi tìm Chúa bằng con đường của trực giác và vision. Nhưng rồi thánh Tôma thế kỷ 13 làm rõ rằng con đường của lý tính, dù đầy nguy hiểm, sẽ đưa con người tới Chúa chắc chắn như cảm giác của người thần bí, và rằng tự nó có niềm vui khó so sánh được. Tư tưởng kinh viện của Tôma, tuy thế, nhìn chung, vẫn là cái gì còn xa lạ đối với trái tim của Trung cổ. Học thuật xuất phát từ óc tò mò của con người phương Tây, và trưởng thành trong một nền văn minh khai sáng, trở thành một lực lượng độc lập tự nó mà nhà thờ tìm cách nắn lại và làm cho nó thích hợp vào khuôn khổ của Kitô giáo, nhưng không bao giờ hoàn toàn làm chủ nó được. Từ Abelard đến Tôma, học thuật kinh viện đã vượt khỏi sự tổng hợp trung cổ để đặt chân đến thế giới hiện đại, và hệ thống tư tưởng Aristote-Tôma có ảnh hưởng đến sự phát triển tư tưởng của tương lai. (J. H. Randall, Jr.) Nhà thờ đã “tiếp quản” Aristote làm cho nó hài hòa với Kinh thánh, làm cho Aristote trở thành một “người Kitô”, cũng như trước đó thánh Augustinô đã nỗ lực sát nhập chủ nghĩa Tân Platon vào Kitô giáo sau khi chủ nghĩa này đã bị mai một bởi cái chết của Hypatia (379-415), nhà nữ toán học xuất sắc và là người đứng đầu trường tân Platon ở Alexandria cuối thế kỷ thứ tư. Chủ nghĩa Tân Platon có ảnh hưởng ngầm rất lớn lên nhà thờ Kitô giáo trong giai đoạn đầu. Tác phẩm Timaeus của Platon về thế giới vật lý và con người trở thành sách giáo khoa, vì quan niệm của nó về vũ trụ và đấng sang tạo rất gần gủi với quan niệm của Kitô giáo. Tuy thế con đường của lý tính đã diễn ra không theo ý muốn chủ quan của nhà thờ.

Cho nên, sự phát triển của phương Tây thời Trung cổ không phải là điều đương nhiên, hay tất yếu, mà là một sự kỳ diệu mà các nền văn minh khác như Trung Hoa, Hồi giáo, hay Ấn Độ không có. Đó là điểm rẽ giữa các nền văn hóa lớn của thế giới. Trong Phê phán triết học thuần túy, Kant có lời bình luận nổi tiếng về cuộc cách mạng khoa học, rằng với các quan niệm và phương pháp của khoa học được đưa vào ứng dụng bởi Galileo và những người đương thời của ông “một ánh sáng mới vụt chiếu lên tất cả sinh viên của tự nhiên”, và “việc nghiên cứu tự nhiên đã bước lên con đường của những phương pháp chắc chắn của khoa học, sau khi nhiều thế kỷ đã không làm gì hơn là mò mẫm trong bóng tối.” Nhưng khoa học này không thể có – dù phải trải qua nhiều thử thách cam go − nếu không có sự phát triển khoa học của thời trung cổ phát xuất từ các tu viện, trường học nhà thờ, và các đại học, với sự góp sức của các tu sĩ tên tuổi mà một số trong đó từng bị xem là dị giáo.

Cuối thế kỷ 13, trong khi học thuật thế giới Kitô giáo đang phát triển cao, thì học thuật của thế giới Hồi giáo, sau thời đại vàng sáng chói kéo dài nhiều thế kỷ, lại suy tàn. Cuộc dịch thuật khối tài sản tinh thần khổng lồ từ tiếng Ả rập và Hy Lạp đã xong. Học việc cũng đã xong. Châu Âu Kitô giáo đang trên đà vươn lên, và hưởng trọn quyền bá chủ về tinh thần và chính trị từ đó. Trung tâm lấp lực của thế giới học thuật nằm ở phương Tây, và nó vẫn như thế cho đến hôm nay. Khoa học của phía Đông của châu Âu lần lần đi vào quên lãng. Những đóng góp của người Ả rập, Do Thái và Hy Lạp được thống nhất và hòa tan vào khoa học của phương Tây. Nếu Platon nói “Tất cả những gì chúng tôi những người Hy Lạp nhận được, chúng tôi đều cải tiến và làm cho hoàn hảo” thì giờ đây điều đó cũng đúng cho thế giới châu Âu.

Nhìn toàn bộ, chúng ta có thể chia tiến trình thời gian phát triển của khoa học như sau (C. Singer):

1. Thời những ý tưởng nền tảng (600-400 tr. CN): Ionia, Magna Graecia và Athens
2. Các hệ thống tư tưởng lớn ra đời (400-300 tr. CN): Athens. Platon, Aristote, Stoics và Epicurians
3. Sự chi tay giữa khoa học và triết học (300-200 tr. CN): Alexandria
4. Khoa học là người hầu gái của Thực hành (50 tr. CN-400 s. CN): La Mã
5. Thời Trung cổ (400-1400): Sự phục hồi học thuật lần thứ nhất. Thần học là nữ hoàng của tất cả các môn khoa học; khoa học được nâng cấp là người hầu gái của thần học.
6. Phục Hưng, hay sự phục hồi học thuật lần hai: Sự hình thành của chủ nghĩa nhân văn, humanism (1250-1600). Một nỗ lực lớn hơn trở về Cổ đại. Thế giới thế tục phát huy sức mạnh.
7. Thời kỳ nổi dậy (1600-1700): Sự suy tàn của chủ nghĩa Aristote. Nỗ lực của những tổng hợp mới.
8. Khoa học hiện đại chiến thắng. Với Newton, thế giới cơ học ra đời và “chiếm diễn đàn thế giới (1700-1900).

Đó là cuộc hành trình kỳ thú không tưởng tượng nổi của tri thức. Từ Thành phố của Chúa (City of God) của Thánh Augustinô thế kỷ thứ năm, con người đã tiến hóa và thiết lập các Thành phố của Tri thức (City of Intellect) của Clark Kerr, các Đa đại học (Multiversity) khổng lồ của Mỹ thế kỷ 20.

***

Nói người không thể không nghĩ đến ta. Người Việt Nam có những hạt giống của tình yêu khoa học, tư duy lôgic sáng sủa bên trong hay không? Chúng ta có con mắt quan sát sự vật và thế giới chính xác hay không? Và có trái tim để ngưỡng mộ khoa học hay không? Dường như chưa có chứng cứ rõ rệt lắm. Chúng ta hiện đang nói nhiều về cuộc cách mạng 4.0, nhưng đã không nói nhiều về những cuộc cách mạng đã qua. Không thực hiện những cuộc cách mạng công nghệ khác mà thế giới từng đi qua như những bậc thang không thể thiếu trong sự phát triển, từ hơi nước, cơ khí, xe lửa, ô tô, transistor, chip vân vân, chúng ta liệu có thể làm gì được với cuộc cách mạng mới? Chúng ta đã chểnh mảng, xem thường khoa học trong việc xây dựng đất nước. Khoa học là một lỗ hổng văn hóa trong lịch sử Việt Nam. Tuy thế, dù với xuất xứ lịch sử không thuận lợi thế nào, ngày nay mỗi quốc gia đều có thể đổi đời khi giới tinh hoa có nhận thức đúng đắn và hành động kiên quyết. Dân tộc Hàn là điển hình rõ nhất cho chúng ta. Họ xuất phát từ con số không, thậm chí từ số âm sau cuộc chiến Nam Bắc. Nhưng họ có lãnh đạo có tầm nhìn, khôn ngoan, và hành động kiên quyết, nên đã bứt phá một cách thần kỳ chỉ trong vòng ba thập niên, trong khi chúng ta vẫn ì ạch hơn ba thập nhiên mà vẫn chưa thấy lối ra. Không có con đường nào lành mạnh hơn bằng sự trở về tình yêu khoa học đích thực như các dân tộc châu Âu đã làm. Không có nền tảng khoa học vững chắc, sự tồn tại của chúng ta không khác gì ngọn đèn trước gió. Một xã hội chỉ có sức sống mạnh mẽ và sinh động trên bề mặt khi nào nó có những lớp đất màu mở khoa học ở bên dưới làm nền. Không có chúng, xã hội không thể xanh tươi và có nhiều cây trái được. Chúng ta chỉ có thể xây dựng được một Việt Nam hiện đại, phát triển, phồn vinh, trên vai nhiều tầng lớp đông đảo người, nếu không phải là cả dân tộc, biết yêu khoa học, yêu chân lý, có tinh thần trách nhiệm, long yêu nước và lý tưởng cao, không phải chỉ ở ngoài da, mà đích thực ở tận tâm can. Những quyển sách dưới đây muốn góp một chút phần vào tình yêu đó./.

NXX

(Tháng 11, 2017)

Xem thêm:

https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/danh-sach-cac-sach/