VANNEVAR BUSH
và
Khoa học − Biên giới vô tận
Phạm Hiệp trình bày
(Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010)
Lời nói đầu. Chúng tôi vui mừng được dịch giả Phạm Hiệp cho phép đăng lại bài viết về nhân vật quan trọng Vannevar Bush đã đem tài năng và tầm nhìn của mình cống hiến cho sự hình thành chính sách phát triển khoa học của Hoa Kỳ thời hậu chiến. Bài được viết cho Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 Năm, được xuất bản năm 2011 tại Nxb Tri Thức, dưới sự chủ trì của Ngô Bảo Châu – Pierre Darriulat – Cao Huy Thuần – Hoàng Tụy – Nguyễn Xuân Xanh – Phạm Xuân Yêm. Kiến nghị của ông có tên Khoa học – Biên giới vô tận đã mở đầu cho Big Science tại Hoa Kỳ, đem lại thời kỳ phát triển rực rỡ của nền khoa học, cùng những phúc lợi và an ninh cho quốc gia. Tinh thần của kiến nghị có thể được tóm tắt trong ba điểm chính:
-Khoa học cơ bản được quan niệm là “ngân hàng tri thức” và cần được phát triển một cách hệ thống và ưu tiên để ảnh hưởng lên sự phát triển công nghệ, kinh tế quân sự và y tế;
-Nghiên cứu khoa học được đưa về chủ yếu cho các đại học (vô hình trung, đúng theo mô hình đại học nghiên cứu Đức của Humboldt);
-Công việc nghiên cứu khoa học được dựa trên sự hợp tác đối tác (partnership) “chiến lược” giữa các đại học, colleges, viện nghiên cứu khoa học một bên, và chính phủ liên bang Mỹ một bên. Chính phủ liên bang có nhiệm vụ cung cấp ngân quỹ cho các đại học nghiên cứu theo những tiêu chuẩn cạnh tranh khách quan.
Nhận thức cơ bản của Bush là sự phi-tập trung hóa và hợp tác đối tác với các định chế sẵn có. Ông nhận thức rằng, công việc nghiên cứu ngay cả trong lãnh vực quốc phòng, đã vượt khỏi năng lực của các phòng thí nghiệm quân sự. Nhà nước phải sử dụng nguồn lực trí thức mênh mông ở các đại học. Nhà nước không thể ôm đồm những công việc quá lớn đối với nhà nước. Nhân dân mới là người có đủ năng lực để đáp ứng sự phát triển quốc gia. Nhà nước sẽ trả chi phí cho việc nghiên cứu khoa học cơ bản cũng như các cơ sở nghiên cứu cần thiết dưới sự quản lý của đại học. Các nhà khoa học không phải là những nhân viên trực tiếp của nhà nước, và họ cũng không bị kiểm soát bởi ai trừ nơi họ làm việc. NXX
Điều “thần kỳ” nào đã làm thay đổi bộ mặt khoa học và đại học Hoa Kỳ, qua đó “hích” nền kinh tế nước này bứt xa các nước khác? Ai là “kiến trúc sư trưởng” của cú “hích” đó? Không ai khác, đó chính là Vannevar Bush, một người đáng ra phải nổi tiếng hơn rất nhiều nếu tính đến những gì ông đã đóng góp và cống hiến cho Hoa Kỳ cũng như cho sự phát triển của khoa học nhân loại nói chung.
Vannevar Bush sinh ngày 11 tháng 3 năm 1890 và mất ngày 28 tháng 6 năm 1974 đều tại Massachusetts, Hoa Kỳ. Tốt nghiệp kỹ sư tại đại học Tuft và lấy bằng tiến sĩ về điện tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Trong những năm cuối chiến tranh thế giới thứ I, V. Bush làm việc cho Ủy ban Khoa học Quốc gia (NRC), tham gia vào việc chế tạo và cải tiến thiết bị rò sóng trong lòng biển. Năm 1919, V. Bush quay về MIT và làm giáo sư tại Khoa Kỹ thuật Điện tử tại đó cho đến năm 1932. Cũng trong quãng thời gian này, V. Bush cùng với người bạn học trước kia là Laurence K. Marshall đồng sáng lập ra công ty Thiết bị Hoa Kỳ chuyên kinh doanh dụng cụ thí nghiệm mang tên S-tube, một thiết bị chuyên dùng để tách sóng; và thực tế thì Bush đã thu được rất nhiều tiền từ hoạt động thương mại này. Vào năm 1932, Bush bắt đầu bước chân vào sự nghiệp chính trị khi nhận chức Phó Giám đốc của MIT. V.Bush đảm nhiệm cương vị này cho đến năm 1939, trong quãng thời gian này, chính ông là người đã tốn khá nhiều công sức cho việc ra đời Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ, một tổ chức khoa học độc lập khỏi sự quản lý của Chính phủ. Năm 1939 cũng là năm đánh dấu một sự kiện quan trọng trong sự nghiệp của V. Bush khi ông đồng thời nhận 2 nhiệm vụ mới: Giám đốc Học Viện Carnegie tại Washington và Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Hàng không Quốc Gia (NACA). Ở cương vị lãnh đạo mới này, V. Bush có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với các nhà lãnh đạo trong Chính phủ. Và đến năm 1940, cuối cùng ông cũng thành công trong việc thuyết phục Quốc hội thành lập Ủy ban Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia (NDRC). Nói là cuối cùng bởi, ý tưởng này đã nhen nhóm trong ông từ thời ông đang làm nghiên cứu sinh tại MIT những năm cuối chiến tranh thế giới thứ I. Ngay từ thời điểm đó, ông đã nhận thấy sự thiếu liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học với hệ thống quốc phòng, qua đó, những lúc cần thiết, Hoa Kỳ đã không thể vận dụng được tối đa các nguồn lực nội tại của mình. Cho đến những năm 1943, 1944, V. Bush với tư cách là Giám đốc Văn phòng nghiên cứu và phát triển khoa học (OSRD, tên mới của NDRC) là người lãnh đạo của hơn 30,000 kỹ sư và nhà khoa học, chủ trì dự án Manhattan (dự án sản xuất bom nguyên tử đầu tiên), đồng thời tiến hành sản xuất và cải tiến hơn 200 loại vũ khí như sonar, radar, tên lửa fuze, xe tăng lội nước, bom sáng Norden…. Những vũ khí này được đem bán cho cả 2 bên tham chiến và, Hoa Kỳ thu được không biết bao nhiêu lợi ích kinh tế. Cũng chính nhờ điều này, uy tín của V. Bush ngày một lên cao, và ông chính thức được Tổng thống Roosevelt công nhận làm Cố vấn đặc biệt về khoa học.
Chúng ta đang ở thời điểm cuối năm 1944, khi đó, nhìn thấy viễn cảnh của việc sớm kết thúc chiến tranh thế giới, nhận ra đã đến lúc cần phải chuẩn bị cho một cuộc cải cách về khoa học mới thời hậu chiến, Tổng thống Roosevelt gửi một bức thư cho V. Bush vào ngày 17/11/1944, với nội dung xung quanh 4 câu hỏi chính:
- Hoa Kỳ phải làm như thế nào để có thể vừa chia sẻ được với nhân loại những thành tựu của nền khoa học Hoa Kỳ làm được trong suốt thời gian chiến tranh, mà lại vừa vẫn giữ được sự an toàn quân sự cần thiết cũng như có thể thuyết phục được giới lãnh đạo quân sự chuẩn y?
- Rõ ràng là khoa học có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống lại bệnh tật và liệu Hoa Kỳ phải làm như thế nào, đối với các ngành y, dược để tiếp tục cuộc chiến đó?
- Chính phủ Hoa Kỳ phải làm gì tại thời điểm hiện tại và cả trong tương lai để hỗ trợ các tổ chức công và tư trong các hoạt động nghiên cứu của họ?
- Liệu Hoa Kỳ có thể xây dựng được một chương trình hiệu quả nhằm phát hiện và phát triển các tài năng trẻ đảm bảo tiếp tục duy trì được trong tương lai như những thành tựu của khoa học như hiện nay đã thu được trong thời gian chiến tranh?
Ngay lập tức V. Bush triệu tập các cộng sự của ông, cũng đều là những nhà khoa học, lãnh đạo giáo dục hàng đầu thời bấy giờ như James B. Conant, Giám đốc Đại học Harvard, Karl Compton, Giám đốc MIT, Frank Jewett, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Quốc Gia để thảo luận những vấn đề trên.
Tinh thần tiên phong vốn luôn là điểm mạnh của quốc gia này. Khoa học cho phép những người tiên phong tha hồ khám phá những vùng đất mới. Phần thưởng của công cuộc kiếm tìm này cho mỗi cá nhân, và cho cả quốc gia nói chung thật không kể xiết. Sự phát triển của khoa học chính là chìa khóa quan trọng nhất cho an toàn của quốc gia, cho sức khỏe cộng đồng, cho việc giải bài toán thất nghiệp, cho chất lượng cuộc sống cao hơn và cả cho sự phát triển văn minh hơn nữa. Trích thư của V. Bush gửi Tổng thống Truman ngày 25/7/1945 (bức thư kèm theo Bản báo cáo Khoa học – Biên giới vô tận) |
Tám tháng sau, vào tháng 7/1945 nhóm của V. Bush đã đệ trình lên Tổng thống Truman (người thay thế Roosevelt đã mất ngày 12/4/1945) bản báo cáo mang tên “Khoa học – Biên giới vô tận” (Science – The Endless Frontier) trong đó đề ra các giải pháp rất rõ ràng cho các vấn đề mà Tổng thống Roosevelt đã nêu ra:
An ninh quốc gia, V. Bush cho rằng rõ ràng, ngay cả trong thời bình thì Chính phủ vẫn không thể lãng quên việc nghiên cứu khoa học quân sự. Tuy nhiên, để có hiệu quả tốt hơn, thì công việc này chắc chắn phải được thực hiện bởi một tổ chức dân sự, có mối liên hệ chặt chẽ với Quân đội và Hải quân, nhưng lại được Quốc hội tài trợ trực tiếp.
Cuộc chiến chống lại bệnh tật, V. Bush phân tích rằng mặc dù Hoa Kỳ đã thu được ít nhiều thành quả trong lĩnh vực này, nhưng còn lâu họ mới với tới được mục tiêu ban đầu; khi chỉ cần một hoặc hai dịch bệnh bùng phát, là có thể cướp đi nhiều hơn rất nhiều số sinh mạng mà binh lính nước này đã chết trong chiến tranh thế giới thứ II. Do vậy, V. Bush đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư hơn nữa vào nghiên cứu y, dược cơ bản.
Nghiên cứu và giáo dục đại học, Bush cho rằng việc đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng là trách nhiệm của khu vực tư nhân và công nghiệp bởi vì sự cạnh tranh trong cơ chế thị trường sẽ buộc họ phải làm việc này, nếu họ không muốn tự mình loại khỏi cuộc chơi. Thế còn khoa học cơ bản? – rõ ràng là phần trách nhiệm của Chính phủ, bởi nếu Chính phủ không làm, thì sẽ chẳng ai làm điều này cả. Tiếp theo, V. Bush đặt tiếp câu hỏi: “Thế thì ai sẽ là người thực hiện việc nghiên cứu”. Tại Liên Xô và Pháp thời ấy (và cho đến tận bây giờ), đây vẫn được coi là nhiệm vụ của các viện và trung tâm nghiên cứu, được Chính phủ trực tiếp quản lý và tài trợ, tách rời khỏi các trường đại học. V. Bush không nghĩ như vậy, với những kinh nghiệm đã thu được trong chiến tranh thế giới thứ II, V. Bush cho rằng nhiệm vụ nghiên cứu phải là của các trường đại học. Cũng trong vấn đề này, V. Bush lần đầu tiên nhấn mạnh đến vai trò của việc quốc tế hóa trao đổi thông tin khoa học. Và theo V. Bush, Chính phủ có thể có rất nhiều cách để hỗ trợ cho việc này, ví dụ như việc tài trợ cho các Hội thảo quốc tế, xây dựng cơ chế hợp lý nhằm thu hút các nhà khoa học nước ngoài có thể đến và ở lại làm việc cho Hoa Kỳ.
Phát hiện và bồi dưỡng các tài năng trẻ, V. Bush dự báo việc hẫng hụt nhân lực khoa học trong tương lai gần bởi quá nhiều binh lính hiện nay vốn đã từng là sinh viên và phải bỏ dở việc học để tham gia quân đội. V. Bush cho rằng việc đào tạo thế hệ khoa học kế cận là điều không thể bỏ qua. Để hỗ trợ cho việc này, V. Bush đề nghị phải thành lập ngay các quỹ học bổng tài trợ cho sinh viên đại học, sau đại học và cho các nhà khoa học trẻ. Cũng trong báo cáo này, một khái niệm đã trở nên rất quen thuộc ngày nay, lần đầu tiên được đề cập một cách chính thức: “tự do nghiên cứu”. Bush cho rằng công việc nghiên cứu phải được đảm bảo sao cho nhà khoa học có thể tự do theo đuổi sự thật theo cách của riêng họ; xuất phát từ sự tò mò của họ để khám phá ra những điều chưa biết. Và một khi có được điều này “những dòng tri thức mới sẽ được sinh ra, qua đó có thể áp dụng để giải quyết các vấn đề thực tiễn của Chính phủ, của công việc và của bất kỳ lĩnh vực nào khác”. Nhưng để đảm bảo tính trung thực và khách quan, thì các nghiên cứu này phải được kiểm định thông qua các phản biện khoa học. Các nhà khoa học có thể đề xuất các ý tưởng mà họ cho là có giá trị và một nhóm các nhà khoa học hàng đầu trong cả nước sẽ phản biện để xem nên hay không nên tài trợ cho đề xuất này.
SỰ QUAN TRỌNG CỦA NGHIÊN CỨU CƠ BẢN Không thể dùng phương pháp thực tiễn thông thường để đánh giá khoa học cơ bản. Kết quả của nó (khoa học cơ bản) là việc đưa đến kiến thức tổng quát và sự giải thích về bản chất tự nhiên cũng như các quy luật của nó. Kiến thức tổng quát lại cho ta lời giải cho nhiều vấn đề thực tiễn, nhưng không phải là tất cả. Nghiên cứu ứng dụng đảm nhiệm vai trò hoàn thiện những lời giải này. Nhà khoa học làm nghiên cứu cơ bản có thể không cần quá chú tâm vào ứng dụng kết quả nghiên cứu của anh ta; trong khi đó, ngành công nghiệp có thể sẽ bị ngừng trệ nếu khoa học cơ bản bị lãng quên. Khoa học cơ bản đem lại kiến thức mới. Đó là tư bản khoa học. Nó cung cấp đầu vào cho các ứng dụng thực tiễn. Sản phẩm mới và quy trình mới không tự nhiên sinh ra. Nó được tạo ra từ những nguyên lý và khái niệm mới; mà đó lại là lĩnh vực được khoa học cơ bản nghiên cứu và phát triển. … Một quốc gia phụ thuộc vào kiến thức nghiên cứu cơ bản của nước khác sẽ dẫn đến tụt hậu về công nghiệp, yếu thế trong cạnh tranh thương mại và trình độ kỹ thuật cơ học thì đã không còn là yếu tố quyết định. Trích Khoa học − Biên giới vô tận |
Một đề xuất vô cùng quan trọng khác của Báo cáo Khoa học – Biên giới vô tận chính là ý tưởng thành lập một cơ quan mới nhằm tài trợ cho nghiên cứu cơ bản: “Cơ quan đó sẽ tài trợ cho các nghiên cứu thông qua các hợp đồng với các đơn vị nằm ngoài sự quản lý của Chính phủ. Cơ quan này cũng không được trực tiếp vận hành bất kỳ một phòng thí nghiệm nào của riêng mình”. Thật may mắn cho Hoa Kỳ (đúng hơn là cho cả nền khoa học nói chung) là Truman đã tiếp tục tin tưởng V. Bush đồng thời chấp nhận thực hiện các đề xuất của ông. Và vào năm 1947, kỳ họp thứ 80 của Quốc hội Hoa Kỳ đã chính thức phê chuẩn sự ra đời của Quỹ Khoa học Quốc gia NSF (National Science Foundation; hơi khác với tên gọi ban đầu do Bush đề xuất Quỹ Nghiên cứu Quốc gia – National Research Foundation), cơ quan đứng ra thực hiện tất cả các đề xuất mà V. Bush đã đề ra từ cách đó 2 năm.
“Một vị thuyền trưởng có biệt tài lèo lái con thuyền qua mọi trở ngại dù cho đó là vấn đề kỹ thuật, chính trị khó khăn nhất.”
Trích Điếu văn tưởng nhớ V. Bush của Thời báo New York
Ngay lập tức, những chính sách của V. Bush đã phát huy tác dụng. Quãng thời gian từ những năm 50-70 của thế kỷ XX là quãng thời gian đánh dấu sự “nở hoa” của nền khoa học và đại học Hoa Kỳ. Trong vòng 26 năm từ 1950 đến 1975, cả 26 giải Nobel Vật lý đều có sự góp mặt của các nhà khoa học Hoa Kỳ; giải Nobel Y – Sinh cũng là giải thưởng mà các nhà khoa học Hoa Kỳ chiếm ưu thế tuyệt đối (cũng 26 giải); còn đối với ngành Hóa học, trong quãng thời gian này, Hoa Kỳ cũng có mặt trong 18/26 giải. Giải Nobel Kinh tế được sáng lập năm 1969, và trong 8 năm đầu, Hoa Kỳ cũng giành tới 6 giải. Tổng cộng 78 giải Nobel trong vòng 26 năm, gấp đúng 6 lần số giải (13 giải) mà các nhà khoa học Hoa Kỳ đạt được trong vòng 40 năm trước đó từ 1900 đến 1940. Đạt được thành công này, nguyên nhân đáng kể nhất chính là việc ra đời Quỹ NSF, mà qua đó, tổng đầu tư cho các trường đại học Hoa Kỳ đã tăng nhanh đáng kể (nếu vào năm 1953, tổng đầu tư cho nghiên cứu phát triển tại các trường đại học trên tổng mức đầu tư tương ứng ở quy mô toàn quốc là 5,3%; thì đến năm 1965 là 7,9%; năm 1975 là 10%; năm 2004 là 13,6%).
Đó là trong lĩnh vực nghiên cứu, còn trong lĩnh vực đào tạo, Hoa Kỳ cũng liên tiếp đạt được những tín hiệu khả quan. Là nước đầu tiên thực hiện chính sách cởi mở khi chấp nhận sinh viên tốt nghiệp đại học nước ngoài có thể sang Hoa Kỳ học tiếp sau đại học, Hoa Kỳ ngay lập tức đã thu hút được rất nhiều “tinh hoa” trẻ đến từ các châu lục khác, đặc biệt là từ châu Á, rất nhiều trong số họ sau khi tốt nghiệp đã quyết định ở lại và trở thành lực lượng khoa học chủ yếu trong các đại học Hoa Kỳ ngày nay.
Ngày nay, khi đọc lại “Khoa học: Biên giới của vô tận” của V. Bush, chúng ta có thể thấy những khái niệm, những ý tưởng, những đề xuất tưởng chừng như trở nên rất phổ biến như: đại học nghiên cứu, Chính phủ tài phải tài trợ cho khoa học cơ bản, học bổng dành cho sinh viên, đồng nghiệp phản biện…. Nhưng, chúng ta cũng cần phải nhớ rằng, V. Bush đã viết ra tất cả những điều đó từ cách đây hơn 60 năm, tại thời điểm mà tri thức và sự phát triển của khoa học thua xa hiện nay rất nhiều lần; và quan trọng hơn nữa là ông đã biến những ý tưởng đó thành hiện thực. Cũng có thể, nhiều ý tưởng của V. Bush tại thời đó, hiện nay cũng không còn thật đúng nữa; hay cũng có khi, có người lại phê phán V. Bush đã lãng quên hoàn toàn vai trò của các ngành khoa học xã hội và nhân văn trong các đề xuất của ông. Lại có trường hợp, người ta kết tội V. Bush là người phải chịu trách nhiệm chính trong việc chế tạo ra bom nguyên tử gây nên thảm họa tại Nhật Bản năm 1945; nhưng rõ ràng, với những gì đã làm được cho Hoa Kỳ và cho sự phát triển của khoa học, V. Bush đáng lẽ ra phải được biết đến nhiều và cần được lịch sử nói nhiều đến hơn là thực tế. Còn một chi tiết nữa cũng vô cùng quan trọng trong cuộc đời của V. Bush, vào năm 1930, chính ông là người đầu tiên đề xuất ra ý tưởng Memex mà về sau đã được phát triển thành hệ thống Internet mà chúng ta vẫn sử dụng ngày nay. Không còn nghi ngờ gì nữa, V. Bush xứng đáng được tôn vinh như nhà cải cách giáo dục và khoa học vĩ đại nhất thế kỷ XX.
Tài liệu tham khảo
[1] Atkinson and Blanpied, “Research Universities: Core of the U.S Science and Technology System”, Research & Occasional Paper Series: CSHE, University of California, Berkeley, 2007.
[2] Atkinson, “The role of Research in the University of the future”, report in The United Nations University Tokyo, Japan, November, 1997.
[3] Vannevar Bush, wikipedia
Vannevar Bush, “Science − The Endless Frontier”, A report to the President, July, 1945.