“Suy nghĩ trong đêm khuya” (Park Chung Hee)

by , under Uncategorized

“SUY NGHĨ TRONG ĐÊM KHUYA”

PARK CHUNG HEE

Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu

Chúng ta phải ghi nhớ [bài học] vào trái tim và khối óc của chúng ta rằng cộng đồng quốc tế từ nay sẽ không dành cảm thông hoặc sự hỗ trợ cho bất kỳ quốc gia nào không có tinh thần chaju (độc lập) và charip (tự lực kinh tế) mạnh mẽ. . . Và chúng ta cũng phải đổi mới quyết tâm và ý chí của mình để giữ vững tinh thần bảo vệ tổ quốc một cách tự lực bằng cách đoàn kết chính phủ và nhân dân.

Park Chung Hee, 1971

Park Chung Hee (1917-1979)

Dẫn nhập

Ngày 16 tháng 5, 1961, cách đây đúng 60 năm rưỡi, Tướng Park Chung Hee đã lãnh đạo một nhóm sĩ quan đồng đội của ông vượt sông Hàn tiến chiếm Nhà Xanh, phủ tổng thống Hàn Quốc, giành chính quyền và lãnh đạo cuộc phát triển kinh tế. Park Chung Hee viết:

Vào tháng Năm năm 1961, khi tôi lên nắm quyền với tư cách lãnh đạo của nhóm cách mạng, tôi thực sự cảm thấy như thể mình đã được giao cho một hộ gia đình bị chôm chỉa, hoặc một công ty phá sản để quản lý. Xung quanh tôi, tôi có thể tìm thấy một chút hy vọng động viên. Triển vọng thật ảm đạm. Nhưng tôi phải vượt lên trên sự bi quan này để cải tạo lại hộ gia đình. Tôi đã phải phá hủy, một lần và mãi mãi, cái vòng luẩn quẩn quái ác của nghèo đói và trì trệ kinh tế. Chỉ bằng cách cải cách cơ cấu kinh tế, chúng ta mới đặt được một nền tảng cho các tiêu chuẩn sống đàng hoàng.

Nền kinh tế đã tăng trưởng ngoạn mục 18 năm sau đó đưa Hàn Quốc từ quốc gia nghèo nàn lạc hậu lên quỹ đạo một quốc gia công nghiệp hóa phát triển. Dưới đây là bài viết của ông Tháng 2, 1962, có tính chất tự sự, đăng trong quyển sách Con đường của Quốc gia chúng taOur Nation’s Path, 1962. Cuộc “Cách mạng” này diễn ra vô cùng phức tạp hơn mọi người trong và ngoài nước tưởng bởi những diễn tiến bấp bênh trên chính trường thế giới và trong khu vực châu Á. Những thuận lợi cũng như bất lợi liên tiếp xuất hiện và đan xen nhau trong giai đoạn từ thập niên 1960 sang 1970 lúc Park đang tiến hành cải cách kinh tế. Dòng thác dân chủ của các phong trào dân chủ bắt nguồn từ cuộc chống Nhật Bản để giành độc lập kéo dài từ năm 1919 sang thời chống tham nhũng độc tài dưới thời Tổng thống Lý Thừa Vãn, và mặt khác chương trình công nghiệp hóa với các biện pháp cứng rắn, kiên quyết của Park Chung Hee để bảo vệ và phát triển các ngành công nghiệp nặng và hóa chất (HCI) từ năm 1973 trở đi cho bằng được, đã đụng độ nhau dữ dội giữa gọng kềm sức ép của sự xuống thang cam kết của Mỹ ở châu Á và Hàn Quốc sau học thuyết Guam năm 1969 của Nixon trước thất bại ở Việt Nam, chính sách détente, hòa hoãn, trong chiến tranh lạnh (với Trung Quốc) và áp lực quân sự của Bắc Triều Tiên. Park nhận thức, lá chắn của Hoa Kỳ cũng trở nên mong manh. Mọi thứ đều diễn ra ngoài dự kiến và sức tưởng tượng của ông. Park đã phải “tùy cơ ứng biến” để bảo vệ mục tiêu ban đầu “dân giàu, quân mạnh” cho bằng được và chấp nhận trả giá. Nhân sinh quan mà ông học được tại các trường quân sự Nhật Bản là, hãy biết hy sinh “cái tôi nhỏ bé” để phục vụ cho sự nghiệp lớn, và thực tế ông đã chiến đấu như một chiến binh bản lĩnh. Ông gọi công nhân là các “chiến binh công nghiệp” (“saneop jeonsadeul”) để muốn nói, công nghiệp hóa là cuộc chiến đấu thiêng liêng và cam go cho tổ quốc. Người Hàn Quốc chỉ có thể phục hồi niềm tự hào để trở thành một quốc gia vĩ đại bằng công nghiệp hóa. “Trong đời sống con người, kinh tế đi trước chính trị hay văn hóa”, như Park tuyên bố, nhất là trong tình hình “thôi thúc và giông bão” này.

Các chaebol nổi lên như một dấu ấn đặc biệt của quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc, thống trị nền kinh tế của quốc gia. Park Chung Hee đã chế ngự họ ngay từ đầu những ngày nắm quyền lực, biến họ từ những công ty trục lợi với giới chính trị hư hỏng cũ, thành những cổ máy sản xuất sáng tạo cho những mục tiêu kinh tế chiến lược được Park đề ra thông qua chính sách “củ cà rốt và cây gậy” hết sức nghiêm ngặt của ông. Các chaebol trở thành những nhà “vô địch mục tiêu” xuất khẩu của nhà nước đối với sự phát triển HCI trong thập niên 1970. Thời ông, không có “chủ nghĩa thân hữu”, mà chỉ có chủ nghĩa yêu nước, và dám hy sinh.

Nhưng Park thực tế đã tỏ ra là nhà chính trị tài ba trên vũ đại chính trị để phục vụ chiến lược công nghiệp hóa của ông, bất chấp những trở ngại khó khăn từ trong và ngoài nước. Mặc cho những đánh giá tiêu cực của Hoa Kỳ, của Ngân hàng thế giới, các tổ chức tài chính, các công ty đa quốc gia, và giới chuyên gia, kỹ trị trong và ngoài nước, ông vẫn không xa rời mục tiêu chiến lược của ông cho đến khi nó được thực hiện. Điển hình nhất là việc xây dựng Công ty liên hợp gang thép POSCO tại Pohang từ năm 1970, một tượng đài của công nghiệp hóa của Park và cái xương sống của nó, khai thông tất cả mọi thứ cho các ngành công nghiệp nặng phát triển và toàn bộ nền kinh tế tiến lên với xung lực chưa từng có, khai thông thế bế tắc của Hàn Quốc với cộng đồng kinh tế tài chính thế giới, đặc biệt với Nhật Bản. Tất cả những người “đặt cược” cuối cùng đều phải chào thua ông. “Thép là sức mạnh quốc gia”, như Park nói. Có thép là có ô tô, đóng tàu và chế tạo máy vân vân. Công nghiệp hóa các ngành công nghiệp nặng và hóa chất (HCI) của Park, ngoài mục tiêu kinh tế, còn có ý nghĩa quân sự rất lớn, nhằm mục đích xây dựng thế trận an ninh quốc gia. Cần nhớ rằng vào lúc xây dựng POSCO năm 1970, xuất khẩu của Hàn Quốc chỉ đạt $119 triệu thì tiền đầu tư cho POSCO là $800 triệu, một con số khổng lồ. Dân còn đang đói khổ lấy đâu ra số tín dụng đó? Nhưng đó là tài lãnh đạo chính trị của Park. Park thực tế là một entrepreneur – doanh nhân – tầm vóc quốc gia –  CEO của “Korea Inc.”.

Bên cạnh POSCO, ông còn “kêu gọi nhân dân cả nước hãy bắt đầu một chiến dịch cho chương trình khoa học hóa quốc gia (national scientization). Tôi kêu gọi mọi người học hỏi các kỹ năng công nghệ, làm chủ và phát triển chúng. . .”. Viện Khoa học Công nghệ KIST là định chế đầu tiên thực hiện nhiệm vụ “khoa học hóa quốc gia” như một quốc sách, tiếp theo sau là KAIST cao hơn một bậc. Đó là cái lô gic. KIST định hướng tinh thần theo những định chế nghiên cứu thế giới trong đó có Max Planck Gesellschaft (Đức), Viện Nghiên cứu Vật lý và Hóa học (Nhật Bản), Viện Battelle Memorial Institute (Hoa Kỳ), National Research Council (Canada). Không thể tiến lên công nghiệp hóa bằng tay không, giống như samurai không thể chiến đấu mà không có lưỡi kiếm.

NHÌN KHUÔN MẶT RÁM CỦA CÁC BẠN, trái tim tôi tan nát. Tất cả các bạn đang liều mạng mỗi ngày khi đi xuống hàng nghìn mét dưới lòng đất để kiếm sống. Thật tội nghiệp! Các bạn trải qua những khoảng thời gian khó khăn này chỉ vì Hàn Quốc quá nghèo khó.

Mặc dù chúng ta đang trải qua thời gian thử thách này, nhưng chúng ta không được phép để lại nghèo đói cho thế hệ con cháu của mình. Chúng ta phải làm phần việc của mình để xóa đói nghèo ở Hàn Quốc để thế hệ sau không phải trải qua những gì chúng ta đang trải qua.

Khoảng 150 năm trước, cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra sôi nổi ở Đức, trong khi người Hàn Quốc không biết thế giới bên ngoài đang thay đổi như thế nào. Người Hàn Quốc mắc kẹt trong lối sống truyền thống của họ mà không biết điều gì đang diễn ra bên ngoài. Chúng ta giống như ếch ngồi đáy giếng.

Làm thế nào một đất nước như Hàn Quốc, vốn không được chuẩn bị đầy đủ cho kỷ nguyên sắp tới, lại có thể giàu có như Đức bây giờ?

Phát biểu của Park Chung Hee trước một nhóm thợ mỏ và nữ điều dưỡng Hàn Quốc tại Duisburg tháng 12, 1964 nhân chuyến thăm của ông tại CHLB Đức với mục đích vay tín dụng cho cuộc canh tân đất nước.

 

Kỷ nguyên Park Chung Hee là chương lịch sử có lẽ bi hùng nhất của Hàn Quốc giữa gánh nặng của lịch sử và ý chí vươn lên muốn chấm dứt cảnh “thoái hóa, thô bạo và trì trệ” kéo dài mấy ngàn năm, như Park nhận định. Thành tích Hàn Quốc đều làm ngỡ ngàng những quan sát viên quốc tế. Trong các quốc gia phát triển, Hàn Quốc đã nhanh chóng vượt lên một cách ngoạn mục nhất. Philippines có những điều kiện phát triển, và đầy đủ dân chủ, nhưng cuối cùng bị bỏ lại phía sau. Nền dân chủ ở đó đã bị Marcos và các nhóm thân hữu lũng đoạn.

Southeast Asia Treaty Organization (SEATO) | Facts & Members | Britannica

Họp thượng đỉnh Manila tháng 10, 1966, gồm có Nguyễn Cao Kỳ, Thủ tướng Úc Harold Holt, Park Chung Hee, Ferdinand Marcos, Thủ tướng Keith Holyoake (New Zealand), Nguyễn Văn Thiệu, Thủ tướng Thanom Kittikachorn (Thái Lan) và Tổng thống Lyndon B. Johnson. Ai là người nghĩ lớn và làm lớn cho tổ quốc họ?

Cuộc đời của Park Chung Hee gây nhiều tranh cãi nhất, giữa vai trò nhà độc tài và người hiện đại hóa đất nước có tầm nhìn, với chương trình hiện đại hóa mà chưa chắc các nhà lãnh đạo nào của phong trào dân chủ có thể đưa ra và thực hiện thành công như ông, nhưng cuối cùng sự thành công đã đưa Hàn Quốc ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đói nghèo của lịch sử. Ông đã thay đổi lịch sử năm nghìn năm của Hàn Quốc như ông mong muốn. Park không hề bác bỏ dân chủ, nhưng cho rằng cần giới hạn nó trong những giai đoạn khó khăn, để cuối cùng cả quốc gia có dân chủ vững chắc. “Sự phát triển lành mạnh của nền dân chủ và sự chăm lo phát triển sức mạnh quốc gia của chúng ta để chiến thắng kẻ thù chủ nghĩa của chúng ta, tất cả những thứ đó phụ thuộc vào sự thành công hay thất bại trong các công trình xây dựng kinh tế của chúng ta.” Đối với ông, nền dân chủ tự do trong giai đoạn này không chỉ không hiệu quả như đã từng thấy trước đó trong việc đạt được sự phát triển kinh tế mà còn làm cho quốc gia dễ trở thành miếng mồi ngon của các lực lượng lợi ích từ trong lẫn ngoài nước khuynh đảo. “Chỉ khi sự sống còn của 35 triệu người dân và an ninh của Cộng hòa Hàn quốc được đảm bảo, quyền tự do của mọi công dân mới có thể được thúc đẩy và nền dân chủ được phát triển. Thật là vô nghĩa khi nói về tự do và dân chủ mà không có sự bảo đảm như vậy.” Park là người hành động thực dụng, có những ưu tiên trong từng giai đoạn, tất cả để bảo đảm quyền sống còn bất khả xâm phạm của dân tộc, khác với tư duy của phong trào dân chủ cho rằng hễ có dân chủ là tự động có tiến bộ xã hội và phồn vinh. Sự thật cho thấy, chưa có một mối quan hệ logic nào rõ ràng và nhất quán giữa dân chủ và phát triển kinh tế. Nói như thế không có nghĩa đánh giá thấp phong trào dân chủ, mà nhờ đó Hàn Quốc mới có nền dân chủ sinh động. Chỉ tiếc rằng, dân chủ và phát triển đã phải trả một giá đắt.

Cuộc lật đổ chế độ dân sự sau Lý Thừa Vãn bằng quân sự năm 1961 có khác gì cuộc lật đổ chế độ Mạc Phủ năm 1868 không? Cơ bản là không. Chỉ khác nhau: Ở Nhật Bản có sự đồng thuận lớn trong giới tinh hoa muốn cải cách, cho nên cải cách tiến hành hầu như trơn tru, và sự thành công của Cách mạng Minh Trị là sự biện minh hùng hồn nhất. Trong khi đó ở Hàn Quốc thì không. Ở đây, quân sự bị xem đơn giản như cái gai và biểu hiệu của độc tài. Dân chủ theo thủ tục chống lại một sự “đi tắt”. Chỉ cần một cuộc bắt tay của Park Chung Hee với Nhật Bản để bình thường hóa hai quốc gia, có lợi cho việc xây dựng, đã đẩy hàng vạn người biểu tình xuống đường. Nhưng không “đi tắt”, hay đột phá, đất nước chưa chắc tiến lên khỏi di sản lạc hậu như hôm nay. Ở Nhật Bản, sau một khúc quanh thay thế Mạc Phủ, cuộc cách mạng diễn ra theo đường thẳng, trong khi ở Hàn Quốc nó diễn ra theo “đường cong” thông qua một chính quyền quân-dân sự và gặp rất nhiều lực cản ngày càng lớn. Nhưng rồi đường cong ấy lại tỏ ra là đường ngắn nhất! Đó là con đường đột phá (big push) gây tốc độ tăng trưởng hàm mũ. Trong khi ở Philippines, đường thẳng lại là đường dài nhất! Cuộc sinh nở nào cũng đau đớn, nhất là khi đó là sinh nở của một quốc gia mới. Một dân tộc không dám nghĩ lớn, làm lớn, thể hiện qua giới lãnh đạo và tinh hoa, thì không thể lớn, con đường thẳng cứ thẳng hoài có thể kéo dài mãi mà chẳng biết đến đâu.

Nếu nhìn từ những cuộc đàn áp biểu tình đẫm máu, Park Chung Hee là một “tội đồ”. Nhưng nhìn ở các chương trình công nghiệp hóa thành công một cách bức phá, thì ông là là người “cứu rỗi”. Không có ông, chưa chắc có một Hàn Quốc như hôm nay. Lịch sử 18 năm dưới thời Park Chung Hee là giai đoạn bị dồn nén dữ dội, và những nỗ lực của Park và chính phủ ông là để thực hiện cuộc lột xác cả một dân tộc trong chớp mắt. Giá trị nhân bản không chỉ nằm ở những đòi hỏi dân chủ, mà còn ở những công trình xây dựng cấp quốc gia. Hàn Quốc lộng lẫy hôm nay có thể xem là một tượng đài của Park Chung Hy và các đồng sự, và các “chiến binh công nghiệp” của Hàn Quốc, và hàng loạt những người xây dựng khác. Park Chung Hee không cô độc, bởi nếu cô độc, ông không thể tồn tại 18 năm và xây dựng được một đất nước mới. Ông có cả một thiên hà các “chiến binh” ủng hộ. Ngày đoàn xe tang đưa linh cửu ông về Nghĩa trang quốc gia Seoul, hai triệu người ra đường để tiễn đưa ông.

Moon Jae-in, the presidential candidate of the liberal Democratic Party of Korea, burns incense in front of the tomb of late President Park Chung-hee, the father of ousted leader Park Geun-hye, during a visit to a national cemetery in Seoul on April 4, 2017. (Yonhap)

Moon Jae-in, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Tự do của Hàn Quốc, thắp hương trước lăng mộ của cố Tổng thống Park Chung-hee trong một chuyến thăm một nghĩa trang quốc gia ở Seoul vào ngày 4 tháng 4 năm 2017. (Yonhap)

May mắn cho dân tộc Hàn làm sao. Cuộc cách mạng công nghiệp của Park Chung Hee đã vượt qua được những cửa ải hiểm trở, phát triển thắng lợi, và dù không còn ông vẫn được các tổng thống sau ông tiếp tục vun xới như di sản quốc gia cần phải được vun xới. Xuất khẩu của Hàn Quốc đạt $100 triệu vào năm 1964, lúc Park đưa ra chương trình công nghiệp hóa lấy xuất khẩu làm định hướng, đã tăng lên lên $10 tỷ vào năm 1978, một năm trước khi Park bị ám sát, trong khi GNP đầu người tăng từ $80 lên tới $1.000 trong cùng thời gian, một sự tăng trưởng ngoạn mục chưa từng thấy, đến sớm hơn Park dự kiến. Đến năm 2008, Hàn Quốc ước tính đạt $432 tỷ trong xuất khẩu. Năm 1996, tức 17 năm sau khi Park Chung Hee mất, quốc gia này thậm chí còn gia nhập OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) – câu lạc bộ của các quốc gia giàu có – và tuyên bố mình đã ‘đến nơi’ như họ đã mong muốn. Tất cả dựa trên nền tảng vững chắc của thời Park đã được xây dựng. Cùng với những thành tựu đó, mười năm sau khi Park Chung Hee qua đời, phong trào dân chủ cũng đã thắng lợi hoàn toàn. Hàn Quốc thực hiện được trọn vẹn hai cuộc cách mạng: công nghiệp hóadân chủ hóa.  Cuộc công nghiệp hóa đã đem lại phép màu sông Hàn (Hangang ŭi kyŏk) được thế giới ngưỡng mộ.

Late mother to Rep. Park Geun-hye and former first lady Yuk Young-soo is seen with her late husband, former President Park Chung-hee, in this file photo. (The Korea Herald DB)

Park Chung Hee và vợ Yuk Young-soo (The Korea Herald DB).Tại buổi lễ Ngày Giải phóng 15 tháng 8, 1974, một điệp viên Bắc Hàn định ám sát Park, nhưng những viên đạn của y đã không trúng ông mà trúng vợ ông, khiến bà thiệt mạng. Họ đã cảm nhận sự thành công kinh tế của Park là nguy hiểm đối với họ. Vợ chồng Park Chung Hee được cho là có một cuộc sống thanh đạm. Vào một ngày mùa đông, một đứa con gái nghe lời tài xế sử dụng xe công để đến trường đã bị ông quở mắng nghiêm khắc.

Khác với thần kỳ Nhật Bản và thần kỳ sông Rhine của Đức, ở đó hai quốc quốc gia đều từng có bề dày công nghiệp hóa cả trăm năm, thần kỳ sông Hàn “khởi nghiệp” trên cánh đồng trống, từ con số không, nếu không muốn nói số âm. Nếu không phát triển nhanh, Hàn Quốc có nguy cơ trở thành phần phụ thuộc của Nhật Bản, một sự “nô lệ” thứ hai. Đó là điều lo sợ của người Hàn Quốc những năm 1960, khi Nhật Bản trở nên cường thịnh. Nhưng Park nhìn thấy ở Nhật Bản cơ hội. Thực tế Park là kiến trúc sư của giai đoạn hợp tác mới giữa hai quốc gia vô cùng có lợi cho Hàn Quốc, trước sự chống đối quyết liệt của phong trào dân chủ có tinh dân tộc chủ nghĩa.

Park Chung Hee tham vọng cho cá nhân hay cho quốc gia? Hàng tỷ đô la thường xuyên đi qua tay ông trong suốt 18 năm, nhưng người ta không thấy vết tích của một tài sản nào để lại cho gia đình ông, trong khi năm đời tổng thống tiếp tiếp theo sau đều dính đến tham nhũng. Ông và các chính sách kinh tế của ông có thể xem là “dị giáo”, vì quá đặc biệt và khác thường, nhưng không phải “tà giáo”. Ông không nhân danh những quyền sống và những giá trị thiêng liêng của dân tộc để rồi trục lợi cho bản thân và phe nhóm mà kéo dài con đường lạc hậu.

Hàn Quốc là thông điệp đầy cảm hứng cho tất cả các dân tộc khát vọng muốn vươn lên sống đúng với tiềm năng, bản lĩnh của mình, và hơn thế nữa, bằng cách này hay cách khác. Lịch sử của dân tộc này đem lại những nhận thức hết sức quý báu về sự lột xác của một quốc gia từng bị chê là “impossible country”, quốc gia không thể ngoi lên được, hoặc “cái thùng không đáy” đầy ắp tham nhũng và bất lực như cơ quan USAID từng nhận định. Park Chung Hee không những thay đổi cấu trúc nền tảng của kinh tế, mà còn cả mentality – tâm tính – của dân tộc ông, từ mặc cảm thấp kém tiến lên tâm lý “Can do” – Có thể làm. Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Park Chung Hee dân tộc Hàn Quốc từ “lười biếng” đã chịu khó học hỏi và vô cùng sáng tạo, tiếp thu nhanh nhất, hoành thành những mục tiêu kinh tế nhanh nhất một cách đáng kinh ngạc, xứng đáng là những “chiến binh công nghiệp” tinh nhuệ như ông muốn. Sức sống của cả dân tộc như ngọn lửa âm ỉ bừng dậy khi được khơi lên. Văn hóa lao động đó vẫn còn tiếp tục ngự trị đến ngày nay. Tất cả điều đó diễn ra trong vòng 18 năm dưới thời của ông.

Cuộc cách mạng do Park Chung Hee lãnh đạo đã diễn ra thế nào? Vai trò của ông ở đâu? Và Park Chung Hee là ai? Cái gì đã rèn đúc ông? Hiểu Park Chung Hee như thế nào? Quốc gia nào đã góp phần then chốt nhất vào kỳ tích sông Hàn? Park Chung Hee hành động theo những nguyên lý kinh tế học nào, tân-cổ điển hay kiến tạo phát triển? Xin mời xem bài nghiên cứu: Park Chung Hee và Con đường Hàn Quốc chung trong tập sách với các bài nghiên cứu Thung lũng Silicon như một trung tâm văn hóa, Tân Trúc và Cuộc Hóa rồng của Đài Loan của tác giả sắp tới. Cũng xin quý độc giả đón xem Bí mật Thung lũng Silicon sắp ra mắt nay mai tại NXB Tổng hợp Thành phố.

Nguyễn Xuân Xanh 25. 11. 2021

The two faces of Park Chung Hee

Park Chung Hee

 

MỆT LÃ TRONG ĐÊM KHUYA, tôi nhắm mắt và hình dung lại chặng đường khó khăn của lịch sử dân tộc chúng ta. Các di sản lịch sử của chúng ta, theo tôi, đang đè nặng lên vai chúng ta và dường như chỉ cản trở sự tiến bộ của chúng ta. Đặc biệt đau đớn là nỗi thống khổ của dân tộc ta kể từ sau ngày Giải phóng năm 1945; trong vòng 17 năm qua, hai chế độ tham nhũng và đút lót đã tạo ra nền tảng của cuộc khủng hoảng hôm nay, đặc trưng bởi một vòng luẩn quẩn của thiếu thốn và khốn khổ.

Nhưng, tôi lại suy nghĩ, không có cách nào để làm một cuộc hồi sinh quốc gia hay sao? Không có cách nào để sửa đổi tính cách dân tộc đang suy sụp của chúng ta và xây dựng một nhà nước phúc lợi dân chủ và lành mạnh hay sao? Phải chăng không có một cách nào đó để thực hiện một cuộc “cách mạng con người”, để nhân dân ta ngừng nói dối, bỏ thói nịnh hót và biếng nhác, làm một cuộc bắt đầu mới như những người lao động cần cù, thực hiện cải cách xã hội, và xây dựng một đất nước không có người nghèo, một đất nước thịnh vượng và giàu có hay sao?

Phải có một cách nào đó. Phía trước nhân dân của chúng ta, đang bị bao vây bởi lo âu, đau khổ, và túng quẫn, nhất định phải có một con đường để phục hồi. “Hãy gõ cửa, và nhìn kia, nó mở ra”.

Một bệnh nhân không thể được chữa khỏi chỉ bằng một cuộc phẫu thuật mang tên cuộc cách mạng. Tôi nhận ra, sức khỏe không được hồi phục đơn thuần bằng cách loại bỏ bệnh tật. Cần phải giữ vệ sinh thường xuyên và khôi phục thể trạng tốt để ngăn ngừa tái phát.

Nhưng ở đâu chúng ta có thể tìm con đường? Phải có một cách, một cách nào đó. Những ghi chép tình cờ và lộn xộn được viết ra vào đêm khuya khi tôi không thể ngủ và khi nghĩ về quá khứ, tương lai của dân tộc này, đã trở thành cuốn sách này. Các lời tường thuật vụng về và những mô tả thường quá chắp vá; nhưng nhìn tổng thể, nó thể hiện khá trung thực những suy nghĩ của tôi.

Thứ nhất, chúng ta phải suy ngẫm về những di sản xấu xa trong lịch sử quá khứ của chúng ta, xóa bỏ sự tranh chấp bè phái được thừa hưởng từ Triều đại nhà Yi[1], và tâm lý nô lệ từ chế độ thực dân Nhật Bản, và thiết lập vững chắc một nền tảng đạo đức quốc gia lành mạnh. Không có một cuộc cách mạng con người, thì việc tái thiết xã hội là không thể có được.

Thứ hai, chúng ta phải giải phóng mình khỏi nghèo đói. Về mặt thực tiễn, chúng ta phải chấm dứt tình trạng nghèo đói triền miên của người dân nông nghiệp của chúng ta và dành nguồn lực quốc gia của chúng ta để tạo ra các cộng đồng nông nghiệp thịnh vượng theo mô hình của Đan Mạch.

Năm nay, chúng ta đã đưa ra Kế hoạch 5 năm đầu tiên về phát triển kinh tế nhằm xóa bỏ những lời nguyền lâu đời về nghèo đói từ thế hệ này sang thế hệ khác, và chuẩn bị cơ sở cho một Nhà nước hiện đại công nghiệp hóa. Một cộng đồng tự do không thể tồn tại nếu không có khả năng tự cung tự cấp về kinh tế để đảm bảo quyền sống còn của người dân. Thực hiện các kế hoạch kinh tế của mình với “tự do tối đa và kế hoạch hóa tối thiểu” để hiện thực hóa “Thần kỳ sông Hàn” là cách duy nhất để đạt được ưu thế trước chủ nghĩa toàn trị.

[…]

Thứ ba, lấy bài học từ sự thất bại của nền dân chủ du nhập, chúng ta phải xây dựng lại một nền dân chủ lành mạnh bén rễ trong thực tại Hàn Quốc, chúng ta phải cố gắng xây dựng nền tảng của một hình thức được Triều tiên hóa của nền dân chủ phúc lợi. Một phong trào toàn quốc phải được bắt đầu để đào tạo người dân trong các đạo đức lành mạnh theo yêu cầu của các công dân dân chủ. Tinh thần tự chủ cần được khắc sâu nếu nhân dân được trao cho quyền bầu cử đại biểu của họ và thực hành dân chủ ở đất nước này một cách đúng đắn. “Chính phủ do dân” là viển vông nếu không có tinh thần tự chủ. Một phóng viên nước ngoài nói về Triều Tiên dưới chế độ Tự do: “Người ta cũng có thể mong đợi một bông hồng nở hoa từ một thùng rác như mong đợi nền dân chủ thành công ở Hàn Quốc”. Bây giờ nhiệm vụ của chúng ta là tận dụng thùng rác đầy những thất bại trong quá khứ làm phân bón để chúng ta nuôi dưỡng một bông hồng dân chủ tươi đẹp.

Chính phủ Cách mạng đã hứa hẹn sự trở lại của một chế độ dân sự. Trong lòng tôi chỉ có một suy nghĩ về những người lính Cách mạng đã giương cao ngọn đuốc cách mạng vì nhân dân và với tâm nguyện nhiệt thành giải cứu Tổ quốc khỏi cuộc khủng hoảng sắp xảy ra – với ý nghĩ duy nhất là đem lại sự thịnh vượng cho đất nước. Do đó, họ không muốn nhìn thấy Tổ quốc, một khi chế độ dân sự được khôi phục, lại trở lại dưới quyền của một nhóm các chính trị gia cũ bị hư hỏng bởi tham nhũng và bất công. Chúng ta không có hy vọng nào cao hơn là được chứng kiến một lứa chính trị gia trẻ tuổi và có lương tâm đến hiện trường để nắm quyền điều hành quốc gia với một bàn tay chắc nịch và có trách nhiệm.

Cách mạng đồng thời là một cuộc cải cách và một sự tiến bộ. Chúng ta sợ hãi khi nghĩ đến những vi trùng cũ một lần nữa lại xâm nhập vào vết thương của cuộc phẫu thuật, trước khi nó được chữa lành hoàn toàn. Chúng ta hy vọng vào sự xuất hiện của một tầng lớp tinh hoa mới có năng lực và thẩm quyền lấy từ thế hệ trẻ hơn để cung cấp một loại hình chính phủ và hành chính mới. Xét cho cùng, “cuộc cách mạng con người” đồng nghĩa với một sự thay đổi trong giới ưu tú lãnh đạo của quốc gia.

Thập kỷ hiện tại của lịch sử thế giới là thời đại “thức tỉnh các quốc gia lạc hậu”, thời đại “cạnh tranh kinh tế” xung quanh các khu vực này. Đối với dân tộc chúng ta, thời đại hiện nay tạo cơ hội tuyệt vời để thực hiện một thời kỳ phục hưng quốc gia.

Một sự lựa chọn khó khăn đang chờ đợi chúng ta – liệu có nên tận dụng cơ hội này để làm lợi tốt nhất cho mình, hay để bị kéo trở lại vòng xoáy của thảm họa quốc gia. Một bên là sự tái thiết, và bên kia là sự hủy hoại. Lựa chọn đúng vào thời điểm này là phép thử quan trọng nhất đối với vận mệnh quốc gia của chúng ta.

Nhất định phải có một con đường cho quốc gia của chúng ta – một con đường cao tốc mở ra và trải rộng.

– Park Chung Hee, tháng 2, 1962

 

[1] Triều đại được thành lập bởi Yi Seong-gye vào năm 1392, kéo dài 5 thế kỷ, và được thay thế bởi Đế chế Triều Tiên vào tháng 10 năm 1897.