Tạ Văn Tài: Người phụ nữ qua luật pháp và tập quán Việt Nam

by , under Uncategorized

TÍNH LIÊN TỤC VÀ SỰ THAY ĐỔI TRONG VAI TRÒ

CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ

TẠ VĂN TÀI

Harvard Law School & Luật sư tại Massachusetts

ĐỖ THỊ THU TRÀ chuyển ngữ từ tiếng Anh

Lời giới thiệu. Bài nghiên cứu dưới đây của GS Tạ Văn Tài, chuyên gia luật pháp, cho thấy bức tranh được tu chỉnh so với thành kiến truyền tụng về quyền và vai trò người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ phong kiến cho tới hiện đại. Đó cũng là một cách vinh danh người phụ nữ Việt Nam. Xin giới thiệu. NXX

Phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống gia đình và xã hội, vì “phụ nữ nắm một nửa bầu trời”, như Mao Trạch Đông từng nói, và ở Hoa Kỳ, phụ nữ quyết định chiến thắng chính trị cho các ứng cử viên vào thời điểm hiện tại. Sự thay đổi vai trò của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử là một nghiên cứu về sự hòa nhập của nhiều nền văn hóa: văn hóa bản địa Việt Nam, văn minh Trung Hoa, ảnh hưởng của văn hóa Pháp và các nước phương Tây khác. Những ảnh hưởng này vẫn còn để lại dấu vết cho đến thời điểm hiện tại, dù ở trong nước hay trong cộng đồng người Việt hải ngoại bên ngoài Việt Nam. Vì vậy, một khảo sát về vai trò của phụ nữ Việt Nam trong gia đình và xã hội trong suốt chiều dài lịch sử sẽ cho phép chúng ta thấy được vai trò đó có tính liên tục và sự thay đổi như thế nào.

Chúng ta sẽ không kể lại những công lao to lớn của các nữ anh hùng trong lịch sử Việt Nam, như Hai Bà Trưng đánh đuổi các lãnh chúa thực dân Trung Hoa, giành độc lập cho Việt Nam năm 40-43 sau Công Nguyên, hay Bà Triệu (249 sau Công Nguyên) người cũng từng chiến đấu chống người Trung Hoa, hoặc các nhà cách mạng Cô Giang và Cô Bắc, những người hoạt động chống Pháp, mặc dù những nữ anh hùng này có thể giúp  chúng ta nhận biết về vai trò của phụ nữ Việt Nam trong đời sống xã hội, vai trò đã có trong thời kỳ trước phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ trong thế giới hiện đại. Đúng hơn, ở đây chúng ta quan tâm đến vai trò kinh tế, xã hội và địa vị pháp lý của những người phụ nữ Việt Nam “bình thường” trong suốt chiều dài lịch sử, ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài.

Chúng ta nhận thấy rằng có một CHỦ ĐỀ XUYÊN SUỐT trong hành trình của phụ nữ Việt Nam: các quy tắc đạo đức chính thức có thể đã được ủng hộ cũng như luật pháp nhà nước có thể đã được ban hành để áp đặt sự bất bình đẳng đối với phụ nữ, nhưng NHỮNG TẬP QUÁN DÂN GIAN THỰC SỰ, được nuôi dưỡng bởi các chức năng được thực tế đặt ra của phụ nữ, ĐÃ LUÔN ỦNG HỘ VAI TRÒ BÌNH ĐẲNG CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM, VÌ VẬY ĐÁNH BẠI NHỮNG ĐỊNH KIẾN DO NAM GIỚI TẠO RA, VÀ LUẬT PHÁP  CUỐI CÙNG CŨNG THÍCH ỨNG VỚI XU THẾ  BÌNH ĐẴNG NÀY VÀ TRAO ĐỊA VỊ BÌNH ĐẲNG CHO PHỤ NỮ.

 

I. PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG NƯỚC VIỆT NAM TRUYỀN THỐNG:

NHỮNG GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH BẢN ĐỊA VÀ ẢNH HƯỞNG THEO TRUNG HOA

Nước Việt Nam truyền thống bị chi phối bởi văn hóa Trung Hoa, với các quy tắc đạo đức Nho giáo về ba mối quan hệ ràng buộc (tam cương) và ba sự phụ thuộc (tam tòng): tam cương là (i) lòng trung thành của thần dân đối với hoàng đế, (ii) lòng hiếu nghĩa của con cái đối với cha mẹ, (iii) sự vâng lời của vợ đối với chồng; và ba phụ thuộc là bổn phận của người phụ nữ: “tại gia tòng phụ” (theo cha khi còn trẻ), “xuất giá tòng phu” (theo chồng khi lấy chồng) và “phu tử tòng tử” (theo các con trai khi góa chồng). Sự đối xử bất bình đẳng đối với phụ nữ về mặt đạo đức đã được được phản ảnh vào địa vị thấp hơn dành cho người vợ trong pháp luật. Nhiều tội lỗi của người vợ đối với chồng bị trừng phạt với mức độ nghiêm trọng như tội lỗi của con cháu đối với cha mẹ, ông bà. Một số hành động chỉ bị xem là phạm tội khi do người vợ thực hiện, mà nếu do người chồng làm thì không bị xem là phạm tội (ví dụ: đánh vợ không thương tích). Người chồng có thể đơn phương bỏ vợ vì một trong bảy lý do (thất xuất) như không có con hoặc ghen tuông.

Nhưng những lý tưởng đạo đức hoặc luật pháp nêu trên – chắc chắn được truyền cảm hứng bởi một chính phủ do nam giới thống trị – đã phải nhượng bộ trước tầm quan trọng của vai trò của phụ nữ Việt Nam trên thực tế. Họ tham gia lao động sản xuất và có lẽ làm giỏi hơn nam giới trong vai trò này, vì các đấng mày râu mãi lo chinh chiến qua bao nhiêu cuộc chiến tranh trong lịch sử nước ta hay bận học thi để bước vào quan trường. Trong thơ ca gian dân, chúng ta thấy vai trò tích cực của phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và tài chính.

Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.

 

Lấy chồng gánh vác giang san nhà chồng.

 

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

 

Em thời canh cửi trong nhà

Nuôi anh đi học chiếm khoa bảng vàng

Trước là vinh hiển tổ đường

Bõ công đèn sách lưu gương đời đời.

Anh ơi! phải lính thì đi

Cửa nhà đơn chiếc đã thì có tôi

Tháng chạp là tiết trồng khoai

Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà

Tháng ba cày bở ruộng ra

Tháng tư gieo mạ, thuận hòa mọi nơi

Tháng năm gặt hái vừa rồi

Trời đổ mưa xuống, nước trôi đầy đồng
Anh ơi, giữ lấy việc công
Để em cày cấy, mặc lòng em đây.

Vai trò của người phụ nữ Việt quan trọng đến mức họ được mệnh danh là “Bộ trưởng Bộ Nội vụ” (Nội tướng). Một du khách phương Tây, John Barrow, đã viết vào những năm l790: “Một người Trung Hoa sẽ thấy đáng hổ thẹn khi giao bất kỳ việc quan trọng nào cho một người phụ nữ. Theo đánh giá của người Việt Nam, phụ nữ phù hợp nhất và do đó được giao phó những việc quan trọng nhất của gia đình.” (Chuyến du hành đến Nam Kỳ năm 1792 và 1793, Luân Đôn, 1806, tr.302). Luro nhận xét vào năm 1875: “Theo phong tục Việt Nam, người vợ đóng một vai trò tự do và xứng đáng như trong lý tưởng Cơ đốc của chúng ta”. (Cours d’Administration Annamite , Sài Gòn, 1875, tr.177).

Do vai trò thực tế của phụ nữ Việt Nam trong nền kinh tế, ngay cả luật pháp của các hoàng đế cũng phải cho họ bình đẳng về quyền công dân.

Về quyền nhân thân, pháp luật nhà Lê quy định vợ và chồng phải yêu thương, tôn trọng nhau và sẽ giáng chức người chồng bỏ bê hoặc từ bỏ vợ. Người vợ cũng có thể chủ động yêu cầu ly hôn với một số lý do không được biết đến ở Trung Hoa (ví dụ, người chồng đã bỏ bê không thăm viếng, ngủ vói vợ trong vòng năm tháng). Họ có thể đề nghị chồng ly hôn đồng thuận như trong bài thơ dân gian này:

Công tôi gánh gánh gồng gồng,

Giờ ra theo chồng bảy bị còn ba.

Xưa tôi ở cùng mẹ cha,

Mẹ cha yêu dấu như hoa trên cành.

Bây giờ tôi về cùng anh,

Anh tham nhan sắc anh tình phụ tôi.

Đất rắn chẳng nặn nên nồi.

Anh đi lấy vợ, cho tôi lấy chồng.

Anh đi lấy vợ cách sông,

Để tôi lấy chồng giữa ngõ anh ra.

Điều quan trọng hơn là phụ nữ Việt Nam có quyền sở hữu tài sản, điều mà phụ nữ Trung Hoa không có. Các bộ luật truyền thống Trung Hoa không hề đề cập đến quyền thừa kế của con gái, trong khi luật nhà Lê quy định cụ thể rằng anh chị em phải bình đẳng trong việc kế thừa di sản của cha mẹ. Bình đẳng trong thừa kế , theo logic, dẫn đến bình đẳng trong quản lý và thanh lý khối hôn sån. Trong thời kỳ còn chung sống, người vợ tham gia mọi giao dịch về tài sản liên quan đến tài sản chung có được trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ góp vào. Khi một người vợ trở thành góa phụ có con, bà ta sẽ tiếp tục quản lý gia sản, với tư cách là chủ gia đình, ngay cả sau khi tái hôn, và thậm chí có thể tước đoạt tài sản thừa kế của những đứa con hư. Trong trường hợp không có con, góa phụ sẽ được hưởng các quyền bình đẳng như người góa vợ: rút lại tài sản mà dòng tộc của mình đã đóng góp cho cuộc hôn nhân và một nửa tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân; và được hưởng quyền sử dụng một phần tài sản của người chồng quá cố cho đến khi tái hôn. Truyền thống này của triều Lê đã trở thành một luật tục mạnh mẽ đến mức luật pháp của triều Nguyễn sau này không được người dân tuân theo vì nó kết hợp với quy định của Trung Hoa rằng một góa phụ tái hôn mất hết quyền đối với tài sản của gia đình. Quy tắc này của Việt Nam cũng tiến bộ hơn quy tắc thông luật Anh-Mỹ vào thế kỷ 19 về tài sản của người vợ: “Người chồng khi kết hôn được quyền sở hữu tuyệt đối đối với tất cả tài sản riêng của người vợ. Những tài sản này trở thành tài sản của anh ta.” (The Law of Baron and Femme, New Haven,1816)

Quyền hạn của người vợ Việt Nam đôi khi còn trở nên vượt trội hơn hẳn, như được thể hiện qua những câu tục ngữ sau:

Lệnh ông không bằng cồng bà

 

Nhứt vợ nhì trời

 

Làm trai rửa bát quét nhà

Vợ gọi thì dạ, “Bẩm bà tôi đây!”

Tuy nhiên, người vợ Việt Nam điển hình không quá độc đoán cho dù vai trò kinh tế có vượt trội, do niềm tin phổ biến là:

 

Thuận vợ thuận chồng,

Tát biển Đông cũng cạn.

 

và do đó

 

Chồng giận thì vợ làm lành

Miệng cười hớn hở, rằng: “Anh giận gì?”

 

II. PHỤ NỮ VIỆT NAM TẠI VIỆT NAM THỜI HIỆN ĐẠI:

ẢNH HƯỞNG CỦA NƯỚC PHÁP VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

  1. TỪ THỜI PHÁP THUỘC ĐẾN NĂM 1959.

Sau khi người Pháp đến đô hộ Việt Nam vào cuối thế kỷ 19, trước tiên, họ áp dụng luật của triều Nguyễn tức triều đại cuối cùng và sau đó ban hành các bộ luật mới, theo bộ luật Napoléon. Một lần nữa, chúng ta thấy có sự xung đột giữa những hạn chế mà luật pháp chính phủ áp đặt lên địa vị và vai trò của phụ nữ và động lực xã hội tiếp tục hướng tới bình đẳng cho họ trên thực tế.

 Tòa án Pháp áp dụng Bộ luật triều Nguyễn là một bản sao của Bộ luật Thanh triều ở Trung Quốc. Vì vậy, địa vị của phụ nữ Việt Nam phải chịu sự thụt lùi vì các tòa án vẫn công nhận quyền từ bỏ vợ của người chồng cho đến năm 1926, và quyền của người vợ đối với tài sản riêng và phần của họ trong khối tài sản cộng đồng cũng chỉ được công nhận không liên tục, và thường bị phủ nhận. Vào những năm 1930, khi bộ luật dân sự mới được ban hành ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam, người vợ có một số vai trò quản lý khối tài sản cộng đồng, nhưng khi chết hoặc tái hôn, họ có ít quyền hơn so với luật lệ hoặc tập quán truyền thống của nhà Lê: nếu họ chết, chồng họ trở thành chủ sở hữu duy nhất đối với tất cả tài sản kể cả phần tài sản riêng do vợ đóng góp; nếu trở thành góa phụ và tái hôn, họ mất hết quyền đối với tài sản riêng của chồng và chỉ có thể lấy một nửa tài sản chung nếu không có con.

Hơn nữa, theo luật pháp thuộc địa, khái niệm về tình trạng không có năng lực pháp lý của người phụ nữ đã kết hôn là một bước lùi: họ phải tuân theo quyền hành của chồng, sống tại bất cứ nơi nào do người chồng chọn, để người chồng đại diện cho họ trong tất cả mọi công việc, và phải xin phép chồng để làm một nghề, một việc buôn bán hoặc một công việc kinh doanh riêng; họ chỉ có thể khởi kiện khi có sự ủy quyền của chồng và chỉ có thể cho, bán, thế chấp và nhận tài sản khi có sự tham gia của chồng.

Tuy nhiên, phong tục bình đẳng cho phụ nữ vẫn là xu hướng không thể chối bỏ trong xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc. Ngay cả các bộ luật thuộc địa cũng nói rằng họ có đủ năng lực pháp lý để cam kết ràng buộc chồng về công việc gia đình: đây là một tác động trực tiếp của vai trò “Nội tướng” của họ. Trên thực tế, phong tục vẫn tuân theo truyền thống thời Lê là yêu cầu phải có chữ ký của người vợ trong việc xử lý tài sản và cho phép vợ lấy lại tài sản riêng khi ly hôn hoặc khi chồng qua đời. Điều này có được do vai trò kinh tế quan trọng của phụ nữ trong nông nghiệp, thương mại và các ngành nghề khác. Ở khu vực thành thị, đặc biệt là từ những năm 1930, đã có phong trào nữ quyền yêu cầu giải phóng phụ nữ khỏi ách thống trị của đại gia đình, đặc biệt là mẹ chồng, quyền tự do kết hôn (thay vì đám cưới sắp đặt), việc học hành và theo đuổi những nghề nghiệp mới bình đẳng với nam giới – trong kinh doanh, luật, y, dược, báo chí, văn học, nghệ thuật. Một trường phái tư tưởng văn học mới (Tự lực văn đoàn) đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

  1. QUYỀN BÌNH ĐẲNG MỚI CHO PHỤ NỮ Ở VIỆT NAM TỪ NĂM 1959 TRỞ VỀ SAU.

Năm 1954, Việt Nam được chia thành hai miền Nam Bắc.

Ở miền Nam, nỗ lực hướng tới bình đẳng của phụ nữ nổi lên như “sự báo thù” với sự khởi xướng của người được gọi là Bà Rồng, Bà Ngô Đình Nhu, người có công trong việc Quốc hội thông qua Luật Gia đình mới. Theo luật này, vợ và chồng cùng sở hữu và quản lý tài sản; luật pháp thậm chí cho phép người vợ sai áp tiền lương của người chồng trong tay bên thứ ba; thậm chí đáng chú ý hơn, quyền cá nhân của người phụ nữ đã được đẩy xa: cấm ly hôn (trừ khi được Tổng thống cho phép!), trừng phạt ngoại tình như một tội hình, và thậm chí phạt hình sự. mối quan hệ thân thiết đơn thuần với người khác giới (giao du thân mật). Cả vợ và chồng đều chọn được chọn nơi cư trú sau khi kết hôn. Quan trọng nhất là người vợ có đầy đủ năng lực pháp lý và có thể có sự nghiệp riêng. Chế độ đa thê bị bãi bỏ.

Luật Gia đình này đã bị bãi bỏ sau cuộc đảo chính năm 1963, nhưng Luật Gia đình năm 1964 và Bộ luật Dân sự năm 1972 vẫn tiếp tục xu hướng đã được thiết lập theo hướng bình đẳng, mặc dù họ đã bãi bỏ một số biện pháp cực đoan của Luật 1959 (như cấm ly hôn, hình sự hóa quan hệ “giao du thân mật” giữa người khác giới)

Ở miền Bắc Việt Nam, một Luật Gia đình năm 1959 khác cũng xác nhận quyền bình đẳng giữa nam giới và vợ: chế độ một vợ một chồng, quyền sở hữu chung tài sản, quyền lựa chọn nghề nghiệp và hoạt động chính trị của người vợ. Khi ly hôn, tài sản sẽ được chia tương ứng với công sức đóng góp. Một số người vẫn coi nam giới giỏi hơn phụ nữ và có nhiều nam giới hơn phụ nữ trong những vị trí hàng đầu của chính phủ và Đảng. Tuy nhiên, tập quán và luật pháp thừa nhận vai trò kinh tế và xã hội quan trọng của phụ nữ trong nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục và thậm chí trong các hoạt động liên quan đến chiến tranh (như xây dựng đường bộ và giao thông). Phụ nữ cũng tham gia bầu cử, tham gia bộ máy hành chính và các công việc của Đảng Cộng sản. Các nguyên tắc bình đẳng nêu trên không thay đổi theo Luật Gia đình mới năm 1986 của nước Việt Nam thống nhất.

Điều đáng chú ý là ngay cả Luật Gia đình năm 1986 của Việt Nam xã hội chủ nghĩa cũng quy định cụ thể việc tiếp nối các giá trị phong tục Trung Hoa / Nho giáo và Việt Nam, như quy định vợ chồng phải tôn trọng và yêu thương nhau, con cháu có bổn phận tôn trọng và cấp dưỡng ông bà cha mẹ, những điều cũng là yêu cầu của quy tắc đạo đức, pháp luật thời Lê, chẳng hạn.

III. PHỤ NỮ VIỆT NAM Ở HOA KỲ VÀ CÁC NƯỚC PHƯƠNG TÂY KHÁC

Một khi phụ nữ Việt Nam di cư ra nước ngoài với tư cách là người tị nạn hoặc người nhập cư và sống ở các nước phương Tây, những vai trò mới sẽ được đặt ra cho họ do hoàn cảnh bắt buộc, và một lần nữa, có một số xung đột giữa những kỳ vọng của tư tưởng Nho giáo bảo thủ và thực trạng về vai trò ngày càng mở rộng của phụ nữ.

Trong một số gia đình, phụ nữ Việt Nam thậm chí còn trở thành trụ cột quan trọng của gia đình hơn so với lúc trước, khi họ còn ở Việt Nam. Trong khi nhiều người đàn ông mất đi sự nghiệp và địa vị, có thể mất tự tin và trở nên bất ổn, thất thường về cảm xúc, thì những người phụ nữ vẫn đóng vai trò được xác định rõ ràng là “Nội tướng”, vai trò này củng cố chân dung (self-image, hình ảnh tự thân) và bản sắc (identity) của họ: cung cấp cơm ngon, quần áo đẹp, nhà sạch cho gia đình; nuôi dưỡng, giáo dục và dạy dỗ các con; truyền lại ngôn ngữ và văn hóa cho lớp trẻ; tổ chức thành công các cuộc họp mặt gia đình truyền thống vào những dịp năm mới và các buổi lễ kỷ niệm, đám cưới và ngày giỗ khác. Nhiều phụ nữ nhập cư tị nạn Việt Nam cũng tham gia lực lượng lao động toàn thời gian với tư cách là lao động chính nuôi cả gia đình nhờ những cơ hội gia tăng ở miền đất mới hoặc buộc phåi di kiếm tiền để đạt tới chi thu thăng bằng. Một số tham gia vào các hoạt động xã hội trong các tổ chức cộng đồng. Nhiều phụ nữ Việt Nam ở hải ngoại đã thực sự trở thành những Bà mẹ siêu việt (Supermoms) trên trường quốc tế, ở nước ngoài. Sức lực của họ được kéo căng đến những giới hạn cao nhất. Chưa hết, họ có lẽ không có được sự hỗ trợ mà họ từng có ở Việt Nam, chẳng hạn như người giúp việc, sự giúp đỡ của ông bà trong việc trông cháu, hoặc sự hỗ trợ từ những người hàng xóm tốt bụng. Họ xứng đáng nhận được sự cảm thông và ủng hộ tinh thần trọn vẹn từ tất cả chúng ta./.

Tạ Văn Tài

Nhân tháng 3, tháng quốc tế phụ nữ, tác giả đóng góp bài viết này như một lời tri ân đến những người phụ nữ Việt Nam.