Huyền thoại tự do của Giai cấp trung lưu

by , under Uncategorized

HUYỀN THOẠI VỀ CHỦ NGHĨA TỰ DO

CỦA GIAI CẤP TRUNG LƯU

DAVID MOTADEL

Phó giáo sư về Lịch sử Quốc tế tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE), Anh quốc.

NGUYỄN XUÂN XANH Chuyển ngữ

Lời nói đầu. Gia cấp tư sản, hay trung lưu, từ nhiều thế kỷ qua hình thành và nổi lên như lực lượng xã hội quan trọng bên cạnh các giai cấp quý tộc, địa chủ, tăng lữ và quan lại của xã hội phong kiến. Nó bao gồm các doanh nhân, hoạt động ngân hàng, sản xuất, nhà công nghệ, trí thức, rất đa dạng. Giai cấp này tỏ ra tiến bộ về mặt chính trị, ủng hộ các nguyên tắc của chính phủ lập hiến, pháp quyền, và quyền tự nhiên con người, chủ nghĩa tự do, tự do ngôn luận, báo chí, tự do thương mại và quyền sở hữu tài sản, chống lại các đặc quyền.

Nhưng đầu thế kỷ 20 ở Đức, chính sự ủng hộ của giai cấp trung lưu, trong đó có giới doanh nhân, sản xuất lớn, và dĩ nhiên giai cấp thượng lưu có ảnh hưởng, đã giúp cho Hitler và Đảng Lao động Đức Quốc Xã NSDAP lên nắm quyền một cách chính thức.[1] Đó có lẽ là sự khởi đầu xét lại toàn bộ vị trí chính trị của giới trung lưu nói chung.

Tác giả David Motadel đưa ra những nhận định: Bây giờ, chủ nghĩa tự do của giai cấp tư sản chỉ còn là “huyền thoại”. Quyền lợi trần trụi đã quyết định thái độ chính trị của họ. Những ý tưởng của tác giả rất đáng tham khảo và suy nghĩ.

Tại Đông Á, một số quốc gia đã phát triển theo một con đường khác, có lẽ cần xét riêng. Sự phồn vinh từ rách rưới của Hàn Quốc và Đài Loan đồng hành từng bước với dân chủ mà không trải qua sự đối kháng giai cấp đáng kể, để rồi sau hàng nghìn năm chuyên chính, dân các quốc gia này nhìn thấy ánh sáng của thế giới tự do. Xã hội của họ có nét “văn minh – khai sáng” Nhật Bản đã theo đuổi. Đến một mức độ phát triển kinh tế vững mạnh, dân chủ chính trị tỏ ra phục vụ lợi ích quốc gia tốt hơn, và phù hợp hơn so với độc quyền. Xã hội họ tỏ ra “hài hòa” hơn mà không mất đi tính cạnh tranh, hài hòa một cách hữu cơ, không phải dưới một mệnh lệnh chính trị giả tạo. Một cách tương đối, các dân tộc đó đã mündig, trưởng thành, và ra khỏi sự “không trưởng thành tự chuốc lấy” (selbstverschuldete Unmündigkeit, Kant). Điều này không đương nhiên như quy luật, nhất là trên phần đất châu Á, “cái nôi của chuyên chính” (Montesquieu), và có thể xem như thần kỳ châu Á.

Bài nghiên cứu của Motadel đầu tiên được đăng trên báo The New York Times tháng 1 năm 2020 dưới tiêu đề: The Myth of Middle-Class Liberalism: https://www.nytimes.com/2020/01/22/opinion/middle-class-liberalism-populism.html

tháng 2 sau đó được dịch và đăng lại trên tạp chí Đức Internationale Politik und Gesellschaft (IPG) dưới tên Der Mythos des liberalen Bürgertums:

https://www.ipg-journal.de/regionen/global/artikel/der-mythos-des-liberalen-buergertums-4040/

Xin chân thành cám ơn tác giả David Motadel và hai tờ báo NYT và IPG.

 

✩ ✩ ✩

“Không có giai cấp tư sản, không có tự do? Với giai cấp tư sản, cũng không

chắc có tự do”. Ảnh minh họa và chú thích của báo Đức IPG.

 

GIAI CẤP TƯ SẢN được cho là sự đảm bảo cho các xã hội dân chủ, cởi mở. Thực tế, trong lịch sử họ hiếm khi làm như thế.

Chúng ta từ lâu đã tôn vinh sự đi lên của tầng lớp trung lưu – từ Trung Quốc đến thế giới Ả Rập – như một phần quan trọng trong sự xuất hiện của các xã hội mở và một trật tự thế giới tự do. Các học giả và chuyên gia đã trấn an chúng ta rằng, tự do hóa kinh tế sẽ tạo ra các tầng lớp trung lưu hùng mạnh, và những tầng lớp này cuối cùng sẽ mang lại các hình thức chính trị dân chủ. Đằng sau lập luận này là sự giả định rằng tầng lớp trung lưu quyết đoán là yếu tố quyết định cho chiến thắng của tự do chính trị.

Nhưng trong thập kỷ qua, những hy vọng này đã bị tan vỡ. Sự lan rộng toàn cầu của xã hội và văn hóa trung lưu đã không dẫn đến tự do hóa chính trị. Hoàn toàn điều ngược lại: Các tầng lớp trung lưu đang phát triển trên khắp Châu Phi, Châu Á và Trung Đông dường như không thúc đẩy cải cách dân chủ, trong khi các phân khúc của tầng lớp trung lưu châu Âu và Mỹ, bị đe dọa bởi sự biến đổi kinh tế xã hội nhanh chóng của thời đại chúng ta, đã chứng tỏ khá mở cửa đón tiếp các lời kêu gọi của sự mị dân phản dân chủ. Vậy tại sao các nhà khoa học chính trị lại đặt niềm tin rất lớn vào nhóm xã hội này?

Thứ nhất, hồ sơ lịch sử dường như rõ ràng – tầng lớp trung lưu đã thường đứng tuyến đầu trong cuộc đấu tranh cho tự do chính trị. Trong thời kỳ hiện đại, khi tầng lớp trung lưu ở nông thôn và thành thị nổi lên như một nhóm xã hội ngày càng hùng mạnh giữa tầng lớp quý tộc và nông dân, công nhân, họ bắt đầu thách thức quyền lực và đặc quyền của giới tinh hoa độc đoán cũ đã bám rễ sâu. Họ đấu tranh cho sự bảo vệ quyền tư hữu, tự do ngôn luận, quyền lập hiến và sự tham gia dân chủ, và thể chế pháp quyền. Hãy xem xét vai trò trung tâm của tầng lớp trung lưu trong các cuộc cách mạng tư sản lớn vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 (chủ yếu ở thế giới Đại Tây Dương), giữa thế kỷ 19 (chủ yếu ở châu Âu) và đầu thế kỷ 20 (chủ yếu ở châu Á), tất cả đều tìm cách hạn chế quyền lực của các quân vương.

Phá ngục ngục Bastille ngày 14. 7. 1789.

Photos.com/Thinkstock

 

Giai cấp trung lưu ấp ủ chủ nghĩa phi-tự do

Với những kinh nghiệm này trong tâm trí, các học giả thế kỷ XX đã đưa ra một lý thuyết mạnh mẽ kết nối các cấu trúc kinh tế-xã hội và các hình thức trật tự chính trị. “Không có con người tư sản, không có dân chủ”, nhà xã hội học Barrington Moore đã khẳng định một cách đáng ghi nhớ trong tác phẩm kinh điển năm 1966 Nguồn gốc xã hội của chế độ độc tài và dân chủ (Social Origins of Dictatorship and Democracy). Những ý tưởng tương tự được thể diễn tả bởi những người ủng hộ lý thuyết hiện đại hóa, nổi tiếng nhất là Seymour Martin Lipset trong cuốn sách có ảnh hưởng của ông Con người chính trị: Các cơ sở xã hội của chính trị học (Political Man: The Social Bases of Politics) năm 1959.

Tuy nhiên, tất cả họ đã bị ảnh hưởng bởi một cách đọc lịch sử có chọn lọc. Một cái nhìn cẩn thận hơn về quá khứ cho thấy rằng giới trung lưu thường đứng về phía các hình thức chính phủ phi-tự do khi họ lo sợ cho các đặc quyền và sự ổn định xã hội của họ.

Các tầng lớp trung lưu thế kỷ 19 cũng tỏ ra không mấy quan tâm đến việc loại trừ xã hội và chính trị của các bộ phận lớn của xã hội – dân tộc thiểu số, phụ nữ, công nhân.

Trong suốt thế kỷ 19, thời kỳ hoàng kim của giai cấp tư sản, tầng lớp trung lưu ở hầu hết các nơi trên thế giới sống trong chế độ chuyên chế – trong số ít trường hợp ngoại lệ là Anh quốc và Hoa Kỳ – và không luôn luôn đấu tranh cho nhiều tự do chính trị hơn. Lo lắng về sức mạnh ngày càng tăng của các tầng lớp lao động, các thành phần của tầng lớp trung lưu thậm chí còn hoan nghênh các giới hạn về tự do chính trị. Ngay từ năm 1842, nhà thơ cách mạng Đức Heinrich Heine, sau đó bị lưu đày ở Paris, đã nhận thấy rằng chính trị của tầng lớp trung lưu bị “thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi”, vì tất cả họ đều sẵn sàng từ bỏ lý tưởng tự do của mình để bảo vệ vị thế xã hội-kinh tế của họ khỏi các tầng lớp thấp hơn. Điều này trở nên rõ nhất trong các cuộc cách mạng thất bại năm 1848. Cách mạng ở nhiều nơi đã sớm mất đi sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu bị hoảng loạn, khiếp đãm bởi nỗi sợ hãi của cơn thịnh nộ của người dân thường, và sự tham gia chính trị của những người vô sản.

Ủng hộ công khai chủ nghĩa phát-xít

Chủ nghĩa thực dân, cũng như thế, làm lộ ra những mâu thuẫn cố hữu của tầng lớp trung lưu tư sản, bởi vì chủ nghĩa phân biệt chủng tộc thực dân đứng trái ngược hoàn toàn với yêu sách về sự bình đẳng phổ quát của con người. “Các căng thẳng giữa những hành động thực tiễn kỳ thị và các tuyên bố phổ quát của văn hóa tư sản là cốt yếu cho thời đại của đế chế”, các nhà sử học Frederick Cooper và Ann Laura Stoler đã quan sát.

Tầng lớp trung lưu thế kỷ 19 cũng tỏ ra ít quan tâm đến việc loại trừ xã hội và chính trị đối với các bộ phận lớn của xã hội – các dân tộc thiểu số, phụ nữ, công nhân. Bất bình đẳng – dân tộc, giới tính, xã hội – là một phần của thế giới trung lưu, trái ngược hoàn toàn với các giá trị phổ quát của tự do, bình đẳng và văn minh. Trước thềm Thế chiến I, giai cấp tư sản châu Âu đã bị cuốn vào một cơn sốt của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quân phiệt và phân biệt chủng tộc.

Ví dụ lịch sử cực đoan nhất, tuy nhiên, chắc hẳn là sự hỗ trợ công khai đáng kể cho các chế độ phát-xít trong những năm giữa hai cuộc chiến tranh – không chỉ đến từ tầng lớp trung lưu thấp hơn mà còn từ các bộ phận quan trọng của giai cấp tư sản thượng lưu. Kinh hoàng trước bóng ma của chủ nghĩa cộng sản, tầng lớp trung lưu trên khắp châu Âu đổ xô đến những người hùng cánh hữu, cho thấy ít sự cam kết của họ đối với những lý tưởng của nền dân chủ tự do và chủ nghĩa nghị viện. Những kẻ chuyên quyền như Mussolini, Franco và Hitler dường như cung cấp sự bảo vệ cho tài sản của họ. Carl Schmitt, nhà lý luận pháp lý khét tiếng của Hitler, tuyên bố rằng chỉ có một nhà nước độc đoán mạnh mẽ mới có thể đảm bảo sự bảo tồn của tầng lớp trung lưu tư hữu. Edvard Benes, chính trị gia tự do Tiệp Khắc, đã quan sát vào năm 1940 từ lúc lưu vong ở Luân Đôn: “Các tầng lớp trung lưu nhận ra rằng nền dân chủ chính trị, thực hiện đến tận cùng logic, có thể dẫn đến chế độ dân chủ xã hội và kinh tế, và do đó bắt đầu nhận thấy trong những chế độ độc tài sự cứu rỗi của họ khỏi một cuộc cách mạng xã hội của giai cấp công nhân và nông dân.”

Tầng lớp trung lưu đối lập tự do hóa chính trị?

Nói cho chắc chắn, không phải tất cả các bộ phận của tầng lớp trung lưu đều rất háo hức như thế. Nhà sử học George Mosse đã từng chỉ ra rằng Đức Quốc xã đã sử dụng “một tiêu chuẩn kép” trong các chính sách của họ đối với các tầng lớp trung lưu, “phân biệt giữa tư sản bản địa và tư sản Do Thái”, và “và chống-tư sản trong chừng mực điều đó chống lại người Do Thái”. Trong cuốn sách năm 1951 của mình Nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị, Hannah Arendt đã lưu ý rằng “giai cấp tư sản Đức”, giai cấp đã đặt cược mọi thứ vào phong trào Hitler và kỳ vọng “cai trị với sự giúp đỡ của đám đông”, cuối cùng chỉ “giành được chiến thắng Pyrros” (thiệt hại quá nặng nề cho kẻ chiến thắng, ND) bởi vì “đám đông nhanh chóng tỏ ra khá có khả năng tự cai trị, và ‘thanh lý’ giai cấp tư sản cùng với tất cả các giai cấp và các định chế nhà nước.”

Trong cuộc đấu tranh để bảo tồn vị thế kinh tế-xã hội của họ, các bộ phận của tầng lớp trung lưu đang chuyển sang chính trị phản kháng (protest politics), tin rằng những người hùng dân túy sẽ bảo vệ lợi ích của họ.

Các tầng lớp trung lưu thời Chiến tranh lạnh trên toàn thế giới trở nên tự do hơn – nhưng họ vẫn ủng hộ các biện pháp nhà nước độc đoán nếu chúng xem ra phù hợp với lợi ích của họ. Trên khắp các xã hội của phương Tây, một bàn tay cứng rắn – với những hạn chế về tự do ngôn luận và lập hội – chống lại những người theo họ nghĩ là cộng sản và những người ủng hộ họ – đã được chấp nhận, thậm chí hoan nghênh. Ở nhiều vùng của miền Nam toàn cầu sau chiến tranh, từ Trung Đông đến Mỹ Latinh, tầng lớp trung lưu đã thịnh vượng trong các chế độ độc tài và, sợ mất ổn định xã hội, thường ủng hộ các đàn áp chính trị.

Đó không phải là những ngoại lệ cho một nguyên quy luật về chính sách của tầng lớp trung lưu. Các tầng lớp trung lưu và sự tự do hóa chính trị ít kết nối chặt chẽ với nhau hơn chúng ta đã tưởng. Trong thực tế, suốt thời gian chúng ta đã hiểu lầm lời hứa của họ.

Sự phi-tự do hóa của các tầng lớp trung lưu

Các tầng lớp trung lưu không phải là một động lực tiên thiên của tự do hóa chính trị. Họ có thể dễ dàng trở thành những người ủng hộ chủ nghĩa chuyên chính áp bức nếu họ sợ mất ảnh hưởng và tài sản. Lịch sử của sự chống đối của tầng lớp trung lưu đối với các nguyên tắc của tự do, bình đẳng và văn minh phổ quát có thể được hiểu là một phần của mặt tối của thời hiện đại, như được mô tả bởi Max Horkheimer và Theodor Adorno, hai nhân vật chính của Trường phái Frankfurt, trong tác phẩm kinh điển năm 1947 của họ “Phép biện chứng của Khai sáng”. Tầng lớp trung lưu luôn là cái đầu Janus hai mặt. Họ có chấp nhận các mô hình tự do của hiện đại hay không, điều đó phụ thuộc vào các hoàn cảnh xã hội, kinh tế và chính trị.

Các năm qua đã chứng kiến ​​một loạt các ấn phẩm phê phán cuộc khủng hoảng của các tầng lớp trung lưu ở phương Tây. Hãy xem cuốn sách của Ganesh Sitaraman năm 2017 Cuộc khủng hoảng của Thể trạng Trung lưu (The Crisis of the Middle-Class Constitution) cảnh báo về sự sụp đổ của một tầng lớp trung lưu mạnh mẽ, và sự sụp đổ này là “mối đe dọa số một đối với chính phủ hiến pháp Mỹ tại Hoa Kỳ”. Hoặc cuốn sách của Barshe Guilluy Không có xã hội: Sự kết thúc của tầng lớp trung lưu phương Tây (No Society: The End of the Western Middle Class) từ năm 2018, quan sát giới trung lưu đang tan vỡ ở Pháp (và hơn thế nữa). Và quyển sách của Daniel Daniel Goffart, Sự chấm hết của tầng lớp trung lưu (The End of the Middle Class) từ năm ngoái, đưa ra cùng cái nhìn cho nước Đức.

Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia này hoạt động theo giả định rằng tầng lớp trung lưu là pháo đài của các xã hội tự do, cởi mở, và chỉ có sự suy tàn của họ mới có thể đe dọa nền dân chủ. Chắc chắn, sự xói mòn của tầng lớp trung lưu là một vấn đề. Nhưng có một mối nguy hiểm khác mà chúng ta chưa thảo luận đủ – đó là sự phi-tự do hóa chính trị của họ.

Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi ngay bây giờ, các thành phần của tầng lớp trung lưu trên khắp thế giới một lần nữa chuyển sang chính trị phi-tự do. Thập kỷ vừa qua đã chứng kiến ​​một loạt các cú sốc: Cuộc suy thoái lớn và những chính sách tân-tự do quá đà của “Thời đại mạ vàng” (Gilded Age) mới của chúng ta, dẫn đến sự bất bình đẳng gia tăng, đã thu hẹp các tầng lớp trung lưu ở khắp mọi nơi. Đồng thời, một số thành phần của trung tâm xã hội cũ cảm thấy bị đe dọa bởi các yêu cầu xã hội, kinh tế và chính trị của các nhóm bị gạt ra lề trước đây – dân tộc thiểu số, người di cư và người nghèo.

Trong cuộc đấu tranh để bảo vệ vị trí kinh tế-xã hội của họ, một số bộ phận của tầng lớp trung lưu đang quay sang chính trị phản kháng, tin rằng những người hùng dân túy sẽ bảo vệ lợi ích của họ. Bộ máy quyền lực (Establisment) và các đảng phái tiến bộ cần ngưng giả định rằng tầng lớp trung lưu sẽ luôn hỗ trợ họ. Lịch sử nói khác, và cho thấy sự ngạo mạn dẫn đến thảm họa. Tầng lớp trung lưu không bị mất đi, nhưng các nhà lãnh đạo chính trị phải làm việc nặng nhọc hơn để lấy lại niềm tin của họ. Bỏ qua họ sẽ là nguy cơ cho họ và cho chính xã hội của chúng ta.

– HẾT –

[1] Xem Bürger für Hitler. Nicht nur die alten Eliten, auch das Bürgertum unterstützte Hitler: https://www.rosalux.de/publikation/id/41555