Gởi người sinh sau
(An die Nachgeborenen)
(1934-1938)
Bertold Brecht
I
Thật vậy, tôi sống trong thời kỳ tối tăm!
Lời chân thật lại là khờ dại. Vầng trán nhẵn
Là̀ dấu hiệu của cảm xúc chai lì. Người cười
Chỉ vì chưa nhận được
Tin tức kinh hoàng.
Thời kỳ gì đâu mà
Bàn luận về cây cối gần như là trọng tội
Vì cũng hàm ý dửng dưng trước lắm bạo tàn!
Người kia bình lặng đi qua phố
Hẳn rằng chẳng còn liên lạc được với bạn hữu
Đang trong tình trạng túng cùng?
Đúng vậy: tôi còn lo thu nhập mưu sinh
Nhưng hãy tin tôi: đó chỉ là tình cờ. Chẳng có điều nào
Tôi làm, là cho tôi có quyền được ăn no đủ.
Tôi được miễn trừ chỉ ngẫu nhiên. (Khi may mắn không còn, tôi kể như thua.)
Người ta bảo tôi: ăn và uống đi! Hãy vui là bạn có!
Nhưng làm sao tôi có thể ăn uống, khi
Mỗi miếng tôi ăn là cướp từ người đói, và
Cốc nước tôi là thiếu hụt cho người chết khát?
Thế mà tôi vẫn uống, vẫn ăn.
Tôi cũng muốn được là khôn ngoan.
Sách xưa có ghi, khôn ngoan là gì:
Đứng ngoài cuộc tranh cãi trên thế gian và trong quỹ thời gian ngắn ngủi
Sống không lo sợ.
Cũng sống mà không cần bạo lực
Lấy điều thiện đáp trả điều ác
Không thỏa nguyện những ước vọng, mà quên đi
Khôn ngoan là thế đấy.
Tất cả việc này tôi không thể thực hiện:
Thật vậy, tôi đang sống trong thời kỳ tối tăm!
II
Tôi đến các thành phố trong thời hỗn loạn
Vào lúc nạn đói lan tràn.
Tôi hòa vào đám đông trong thời kỳ bạo động
Và tôi nổi giận cùng họ.
Như thế qua đi khoảng thời gian
Dành cho tôi sống trên trần thế.
Tôi dùng bữa giữa các trận chiến
Tôi nằm ngủ giữa đám giết người
Tôi chăm sóc tình yêu phiên phiến
Và chẳng kiên trì mà nhìn thiên nhiên.
Như thế qua đi khoảng thời gian
Dành cho tôi sống trên trần thế.
Những con đường thời tôi sống dẫn đến đầm lầy,
Giọng nói tiết lộ tôi cho tên đồ tể.
Khả năng tôi hạn hẹp. Nhưng bọn thống trị
Thiếu tôi, sẽ ngồi vững vàng hơn, mong là thế.
Như thế qua đi khoảng thời gian
Dành cho tôi sống trên trần thế.
Sức lực có hạn. Mục đích
Còn ở mãi đàng xa tít.
Nó vẫn được nhận chân, nhưng ngay cả cho tôi
Cũng khó mà đạt nổi.
Như thế qua đi khoảng thời gian
Dành cho tôi sống trên trần thế.
III
Các bạn, những người sẽ ngoi lên từ nước lũ
Nơi chúng tôi đã bị đắm chìm.
Hãy hồi tưởng lại
Khi các bạn nói về nhược điểm của chúng tôi
Cũng như về thời kỳ tăm tối
Mà các bạn đã thoát qua.
Chúng tôi đã đi – đổi qua nhiều nước hơn là đổi giày,
Qua các cuộc chiến tranh giai cấp, thất vọng
Khi không thấy sự phẫn nộ ở nơi chỉ có bất công.
Nhưng chúng ta đều biết:
Ngay cả căm ghét sự đê tiện
Cũng làm biến dạng nét mặt người.
Cả sự giận dữ trước bất công
Làm ta khản tiếng. Ôi! Chúng tôi,
Những người muốn vỡ đất gieo sự thân tình
Mà chẳng thể thân thiện cùng nhau.
Nhưng các bạn, khi thời cơ sẽ đến
Khi con người là kẻ giúp đỡ con người
Thì hãy nghĩ đến chúng tôi
Với lòng khoan dung.
Phan Kim Hổ dịch
05.01.2022
Truyền thuyết về sự hình thành Đạo Đức kinh trên đường Lão Tử đi ở ẩn
(1938)
Khi tuổi đã 70 và dần yếu sức
nhà hiền triết cũng muốn ngơi tay
vì trong nước đã suy đồi đạo đức
và cái ác hoành hành ngày ngày.
Và ông thắt dây giày.
Và ông gói ghém những gì cần tới:
Ít thôi. Mà thành đủ thứ nọ thứ này.
Như tẩu thuốc ông luôn hút vào buổi tối
và quyển sách nhỏ ông đọc hàng ngày.
Bánh mì trắng mắt ước chừng vừa phải.
Khi rẽ vào đường leo lên núi
ông vui ngắm thung lũng thoảng qua.
Và con bò vẫn ung dung cắm cúi
vừa gặm cỏ non vừa chở cụ già.
Vì theo ý ông bò cứ nhẩn nha.
Nhưng qua ngày thứ tư trong núi đá
viên quan trấn ải chặn đường họ:
“Có gì đắt tiền cần khai thuế?” – “Không gì cả.”
Và chú bé dắt bò nói, “Ông ấy đã dạy học trò.”
Và sự việc giải thích như thế là rõ.
Chợt người đàn ông vui mừng luống cuống
hỏi tiếp: “Ông có khám phá điều gì chăng?”
Chú bé nói: “Nước dù mềm khi chảy xuống
chiến thắng viên đá cứng với thời gian.
Bác hiểu chứ, cứng rắn thua khi thi gan.
Để tận dụng ánh sáng ban ngày cuối buổi
chú bé thúc con bò đi không ngừng
và cả ba khuất bóng sau cây thông đen đủi
rồi gã đàn ông chợt cao hứng
và anh ta la to, “Ê, nhóc! Hãy dừng!
Lão già, còn nước thì ra sao vậy?”
Ông lão dừng chân: “Thế anh quan tâm ư?”
Gã đàn ông nói: “Tôi chỉ là viên quan trấn ải
nhưng ai thắng ai tôi cũng quan tâm chứ.
Ông mà biết thì nói ngay bây giờ!
Viết ra cho tôi! Hãy đọc cho thằng bé ghi lại!
Thứ mà chẳng ai có sẵn trong tay.
Nơi kia chúng tôi có mực và giấy
và cũng có một bữa ăn đêm: tôi ngụ ở đấy.
Nào, đó có là lời gợi ý hay?“
Ông lão nhìn qua vai
hướng về gã đàn ông: Không giày. Áo vá.
Và trên trán chỉ một nếp nhăn dài.
Hừ, người chiến thắng chẳng giống anh ta.
Và cụ lẩm bẩm: “Anh cũng vậy à?”
Để từ chối một lời cầu xin lễ độ
thì ông lão có vẻ như đã quá già.
Vì ông nói to: “Ai mà hỏi điều gì đó
đều đáng nhận câu trả lời.” Cậu bé nói: “Trời bắt đầu lạnh giá.”
“Tốt, một chặng nghỉ ngắn hạn cho ta.”
Và từ lưng bò nhà hiền triết bước xuống
Hai người viết suốt trong bảy ngày
và quan trấn ải cung cấp thức ăn (anh ta chỉ sẽ sàng chửi mắng
đám buôn lậu suốt thời gian này)
Và rồi mọi việc cũng an bài.
Rồi chú bé trao viên quan trấn ải đó
vào một buổi sáng 81 bài châm ngôn.
Và sau lời cảm ơn vì món quà đi đường nhỏ
họ hướng về núi đá và rẽ quanh cây thông.
Giờ hãy nói xem: ai có thể lễ độ hơn không?
Nhưng ta không chỉ ca tụng nhà thông thái
có tên nêu bật trên bộ sách kinh!
Vì ta phải giành được sự thông tuệ từ ông ấy.
Bởi thế ta nên tri ân quan trấn ải thật tình:
Anh ta đã đòi từ ông lão một giá rất đỉnh.
01.04.2023