Tiếc nuối lớn nhất của Darwin

by , under Uncategorized

TIẾC NUỐI LỚN NHẤT CỦA DARWIN

và Suy ngẫm của ông vào cuối đời

về những gì khiến cho cuộc đời trở nên đáng sống

“Nếu được sống lại cuộc đời mình một lần nữa, tôi sẽ đặt ra

quy định là phải đọc một vài bài thơ và nghe một

vài bản nhạc ít nhất một lần mỗi tuần”.

Charles Darwin

Bài viết của Maria Popova

(Courtesy themarginalian.org)

Charles Darwin (1809–1882) trong những năm cao tuổi.

Ảnh của Bettmann/Corbis.

 

Lời nói đầu. Đây là một hiện tượng đặc biệt. Darwin, từ một người thời trẻ hết sức ngưỡng mộ và rung cảm mạnh mẽ trước thi ca và âm nhạc, hay những cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ, lúc tuổi về chiều đã trở thành một người không còn cảm xúc gì nữa đối với những thứ đó, “bị mù, điếc, và đã chết trong đời sống của cảm xúc mà cái đẹp truyền cảm hứng cho chúng ta”. Tại sao, ông tự hỏi. Nhưng dường như ông không có câu trả lời. Có lẽ ông chưa tự quan sát như ông từng quan sát thế giới động và thực vật. Nietzsche từng nói, cuộc đời thiếu âm nhạc là một sai lầm. Nhưng Darwin, hay Einstein, và tôi tin đối với nhiều nhà khoa học khác, thuộc phạm trù khác. Trong cả cuộc đời, ông không rời mối quan tâm đến thế giới các loài với vô số bài toán đặt ra, để tìm cách giải thích tại sao chúng như thế này hay như thế kia, có những đặc tính như thế kia mà không phải khác. Mỗi chi tiết nhỏ nhặt không qua khỏi sự chú ý của ông. Và ông nghĩ tới nghĩ lui cho đến khi ông tìm được một lời giải thích thích đáng. Tác phẩm của ông không phải được hoàn hảo một sớm một chiều, mà luôn luôn cần tu chỉnh và bổ sung, một công việc cần cả đời ông. Ông sống với thế giới khoa học của mình từ sáng đến chiều, đến tận đêm khuya, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, cả cuộc đời như thế. Thế giới này ngày càng mở rộng thành một vương quốc tự nó. Rung cảm của ông không còn dành cho thi ca, âm nhạc và những cái đẹp thế gian, mà cho sự hiểu biết khoa học về các loài, vượt lên cái nhìn của đời thường. Thực tế ông đã chuyển từ thế giới thế tục sang thế giới khoa học thuần túy, cùng với những cảm xúc của ông trước những cái “vẻ đẹp hùng vĩ” khác mà chỉ mình ông nhìn thấy. Tại sao con người của Xứ sở buổi chiều lại có những rung cảm mạnh mẽ với thế giới tinh thần như thế? Tại sao trong một thế giới rất mộ đạo mà họ lại yêu khoa học còn hơn cả yêu tôn giáo? Chỉ có tình yêu mạnh mẽ như thế mới tạo ra khoa học, như Einstein từng nói. Có lẽ vì đó là “khí chất” của người phương Tây. Một nhà nghiên cứu khoa học có lẽ khó “già” đối với khoa học hơn là “già” đối với thế giới thế tục. Cảm xúc của họ dần dần chuyển sang thế giới tinh thần của các định luật khoa học với tất cả vẻ đẹp của nó. Albert Einstein là một trường hợp tương tự, nhưng có lẽ không triệt để như Darwin. Mà ông cũng không còn thì giờ để suy nghĩ. Vào những năm cuối đời, ông cũng cất đi cây vĩ cầm mà ông từng yêu thích từ thời trẻ. Lúc nằm trên giường bệnh ông còn xin cô thư ký mang cho ông giấy bút để ông tính toán tiếp về bản đồ của Chúa. Các định luật khoa học mang lại những rung cảm lớn nhất đối với các nhà khoa học khi họ khám phá ra. Họ sống với thế giới thế tục chỉ còn bằng thân thể, nhưng đầu óc họ đã sống ở thế giới khác, nơi các định luật là nền tảng của sự vận hành vũ trụ.

Darwin có suy nghĩ, rằng nếu sống lại một cuộc đời nữa, ông sẽ “kỷ luật” hơn: dành thời gian mỗi tuần đọc vài bài thơ, và nghe vài bản nhạc hay, để giữ thói quen đó, để làm cho phần não chịu trách nhiệm về cảm xúc không bị teo lại. Nhưng liệu ông có thành công hay không? Có thể cũng không. Phần não kia của ông có thể không hề bị teo lại, mà lý do chính là ông đã chuyển sang sống hoàn toàn trong thế giới khác rồi, thế giới thu hút mọi tâm trí của ông, và có những vẻ đẹp huyền bí của những bức tranh lớn của nó. Ông không thể ngồi yên để thưởng thức thơ hay nghe nhạc mà rung cảm, bởi tâm trí ông lúc nào cũng lo săn đuổi các bài toán của thế giới bên kia. Einstein cũng không còn đủ kiên nhẫn để kéo đàn và thưởng thức. Đầu óc ông đang theo cuộc truy tìm bản đồ của Chúa. Những nhà khoa học giống như những “thợ săn”. Khi họ thấy dấu vết “con mồi”, họ không còn tâm trí cho những chuyện khác nữa. Họ phải truy tìm “con mồi” cho đến cùng. Họ có thể hiểu chúng ta, nhưng chúng ta không thể nào hiểu họ, bởi thiếu những trải nghiệm vĩ đại không phải dành cho đời thường mà họ đã đi qua.

Khoa học đã đem lại cho họ một vương quốc mới, cuộc chơi mới, niềm vui mới, và một “đức tin” mới, thay thế những thứ tương tự của đời thường. Hạnh phúc của họ là ở đó. Tâm tư họ là ở đó. Mặc dù Einstein vẫn còn dấn thân cho thế giới nhân loại, nhưng tâm tư ông ở nơi khác, “trên trời”. Bao lâu chúng ta còn thưởng thức được âm nhạc, thi ca, chúng ta vẫn còn ở dưới đất. Chỉ có những nhà khoa học có những khám phá lớn mới hiểu tại sao họ bị thu hút bởi thế giới bên kia, điều chúng ta không hiểu nổi, bởi chúng ta sống trong thế gian này. Những nhà soạn nhạc lớn thì cũng thường tìm cảm hứng của mình từ “trên trời” để viết ra những nốt nhạc cho thế gian. Sau khi đã giác ngộ trở về thăm nhà cũ, Đức Phật đã tặng cho đứa con trai của mình không phải vàng bạc hay châu báu, mà chiếc bình Bát, phương tiện để tìm đến giác ngộ với niềm vui vĩnh hằng. Ngài đã sống với thế giới bên kia. NXX

 

Xem Kỷ yếu 150 năm Thuyết tiến hóa & Charles Darwin năm 2009:

Kỷ yếu 150 Năm Thuyết tiến hóa & Charles Darwin

⭐⭐

Một thế kỷ trước khi cuốn bách khoa toàn thư Những kỳ quan thiên nhiên mà mọi trẻ em phải biết rơi vào tay của cậu bé Alan Turing và gieo mầm những ý tưởng sẽ nở rộ thành cuộc cách mạng máy tính, một bách khoa toàn thư có tựa đề Những kỳ quan của thế giới đã rơi vào tay Charles Darwin[1] bé nhỏ, gieo vào cậu niềm đam mê với những chuyến đi đến những vùng đất kỳ diệu xa xôi của thiên nhiên, điều đã đưa Darwin lên con tàu Beagle để thực hiện những quan sát mà cuối cùng đã đơm hoa kết trái trong cuộc cách mạng tiến hóa của ông.[2]

 Chân dung Charles Darwin 6 tuổi và em gái của ông Catherine năm 1816 của Ellen Sharples

Darwin lớn lên trong Thời kỳ Hoàng kim của những nhà thơ-thiên nhiên (nature-poets)[3] vĩ đại, những ngày tháng mà Wordsworth[4] tuyên bố rằng “thơ là hơi thở và tinh thần thanh tao hơn của toàn bộ tri thức… sự biểu hiện đầy cảm xúc trên khuôn mặt của mọi Khoa học” – và vì vậy, niềm đam mê của cậu bé Charles đối với khoa học về tự nhiên đã hòa quyện với niềm đam mê vẻ đẹp lộng lẫy của nó, được hướng vào sự mê hoặc đầy thi vị và thẩm mỹ của nghệ thuật nhân loại.

Giữa các giờ học về Euclid, cậu thiếu niên Charles ngồi hàng giờ đọc thơ Wordsworth, Coleridge, Shelley, Byron, Shakespeare, Milton. Sau đó, khi chỉ có thể mang theo một cuốn sách duy nhất trong chuyến hải hành của mình, Darwin đã mang theo cuốn Thiên đường đã mất (Paradise lost).[5]

Minh họa của William Blake cho một ấn bản hiếm năm 1808, cuốn “Thiên đường đã mất” của John Milton

Ở tuổi 20, sau khi dự một “buổi họp mặt âm nhạc” ở Birmingham, Darwin đã viết cho người anh em họ của mình: “[Đó] là điều tuyệt vời nhất mà tôi từng trải qua”. Tình yêu âm nhạc của ông trở nên mãnh liệt đến nỗi, khi bắt đầu xây dựng những ý tưởng của mình về nguồn gốc tiến hóa, ông đã sắp xếp những cuộc dạo bộ-để-tư duy (thinking-walks) sao cho có thể nghe được dàn hợp xướng tại Nhà nguyện Kings College. “Nó mang lại cho tôi cảm giác sung sướng tột độ, đến mức mà đôi khi tôi cảm thấy ớn lạnh xương sống”, – lúc về già ông hồi tưởng lại và cảm thấy khó hiểu về việc âm nhạc có thể khiến ông xúc động sâu sắc đến như vậy, dù ông có khả năng cảm âm rất kém. (Ở đây, Darwin trở thành nạn nhân của thời đại mình và của sự đào tạo; ông tìm kiếm một lời giải thích mang tính sinh lý học trước khi tâm lý học và khoa học thần kinh ra đời – khi chúng ta chưa hiểu được cách âm nhạc lay động chúng ta, không phải bằng cơ chế giác quan mà bằng đòn bẩy cảm xúc – nghệ thuật diễn giải tối thượng của ý thức cao hơn (của con người, ND), để cho “vật chất cảm thấy thú vui ở âm nhạc và trở thành Bach”[6].)

Cảm xúc này về cái đẹp, niềm vui thích này về thi ca bản địa và tính nhạc của sự sống, đã đồng hành cùng Darwin khi ông ngày càng đi sâu hơn vào khoa học, để rồi xuất hiện với không gì khác hơn là một trật tự thế giới mới của sự hiểu biết thế giới tự nhiên và vị trí của chúng ta trong đó. Trong những tháng cuối cùng hoàn tất cuốn Về nguồn gốc các loài, Darwin ở tuối bốn mươi chín đã viết trong một bức thư ngập tràn hạnh phúc gửi Emma, người vợ và tình yêu lớn của ông:

Anh dạo bộ xa hơn trảng cỏ một chút trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ… màu xanh lá cây đậm nhưng tươi mới của những cây linh sam Scotchland cổ thụ, màu nâu của những chùm hoa rủ xuống từ những thân cây bạch dương già, với các thân cây màu trắng của chúng và một đường viền xanh lá xa xa từ những tán thông, tạo nên một khung cảnh cực kỳ đẹp mắt… một dàn đồng ca tiếng chim bao quanh anh, những chú sóc nhảy nhót trên cành, và vài chú chim gõ kiến đang vui cười… đó là một khung cảnh êm đềm và thôn dã như anh đã từng thấy và không mảy may quan tâm đến việc muông thú hay chim chóc được hình thành ra sao.

Minh họa của Jackie Morris cho cuốn “Ngôn từ đã mất” (The Lost Words) của Robert Macfarlane –

một hành động phản kháng bằng thơ ca trong thế kỷ XXI để chống lại sự xóa bỏ thiên nhiên

khỏi danh mục trí tưởng tượng ngây ngất (ecstatic imagination) của con người.

 

Khi con tàu Beagle đưa Darwin đến Brazil ở độ tuổi hai mươi lăm, chứng kiến vẻ hùng vĩ của khu rừng nhiệt đới, ông đã sững sờ ghi trong nhật ký:

Không thể mô tả nổi những cảm xúc cao độ của sự kinh ngạc, ngưỡng mộ và sùng kính, những cảm xúc đang lấp đầy và nâng cao tâm trí tôi.

“Những cảm xúc cao độ” này đã định hình nên ý niệm của ông về tính thánh thần – ông nhận thấy rằng, trải nghiệm sùng kính mà mọi người xem như bằng chứng về Đức Chúa Trời của họ dựa trên cùng một “cảm giác thăng hoa” mà sự hùng vĩ của thiên nhiên khuấy động trong tinh thần họ“, những cảm xúc mạnh mẽ tương tự, dù mơ hồ, như khi được âm nhạc phấn khích gây nên”. (Hai thế kỷ sau, nhà thơ nữ và tự nhiên học Diane Ackerman sẽ lặp lại và dung hòa ý tưởng này trong ý niệm đáng yêu của bà về ”Người Ngây ngất Trái đất” (the Earth Ecstatic) [7] như một tôn giáo cá nhân).

Nhưng rồi, khi Darwin già đi, một điều gì đó đã xảy đến – điều mà bản thân ông cũng phải vật lộn để hiểu, điều đã khiến ông vô cùng buồn phiền: Niềm vui sống động rạng rỡ này thông qua trải nghiệm siêu việt về cái đẹp – hoặc qua bản giao hưởng mùa xuân của những tiếng chim hót, hay qua bản sonata của Bach, hay từ một bài thơ của Whitman, hoặc trong ánh nắng nghiêng nghiêng trên một cây sồi mấy trăm năm tuổi – đã trở nên mờ nhạt, và rồi tắt ngấm sau đó. Darwin thấy mình tỉnh táo về tinh thần và năng động, nhưng lại mù, điếc, và đã chết trong đời sống của cảm xúc mà cái đẹp truyền cảm hứng cho chúng ta.

Điều này mang đến cho ông nỗi tiếc nuối lớn nhất cũng như cái nhìn sâu sắc nhất của ông về mục đích của cuộc sống.

Trong những năm cuối đời, mỗi buổi chiều Darwin đều dành ra một giờ để suy ngẫm về cuộc đời mình và để truyền đạt ý nghĩa nguồn gốc tiến hóa của vũ trụ các loài mà ông đã khám phá được trong bảy thập kỷ cuộc đời mình. Trong một tập hợp các bản phác thảo tự truyện mà ông viết cho các con mình, với tiêu đề “Những hồi ức về sự phát triển của đầu óc và tính cách của cha”, ông đã xem xét điều gì khiến chúng ta là con người, điều gì làm cho chúng ta hạnh phúc và điều gì làm cho cuộc đời đáng sống. Sau khi ông qua đời, nhận thấy những ghi chép này chứa đựng nhận thức vô cùng sâu sắc và những giá trị phổ quát, các con ông đã biên tập và xuất bản chúng thành Tự truyện của Charles Darwin.

Despite the criticism, Darwin’s fame spread and his works were reprinted. This 1890 illustration depicts HMS Beagle carrying Charles Darwin’s expedition into the dangerous Straits of Magellan with Mt. Sarmiento in the background. Via: BETTMAN/CORBIS

Chiếc tàu HMS Beagle tại eo biển Magellan (1834) đã mang chàng thanh niên

Charles Darwin đi khám phá để rồi tìm ra quy luật tiến hóa của các loài

https://i0.wp.com/www.neh.gov/sites/default/files/styles/1000x1000_square/public/2018-12/2009_05-06_Darwin_Young_Adventurer_02.jpg?resize=655%2C655&ssl=1

Darwin lúc trẻ (Ảnh của George Richmond)

Tại một trong những hồi ức này, Darwin cao tuổi viết:

Trí óc tôi đã thay đổi trong hai mươi hay ba mươi năm qua… Thơ nhiều thể loại… đã mang lại cho tôi rất nhiều thích thú… Những bức tranh đã cho tôi niềm vui đáng kể, cũng như âm nhạc đem lại niềm hân hoan to lớn… Nhưng trong nhiều năm nay, tôi không thể nào đọc hết một câu thơ… Âm nhạc nói chung khiến tôi suy nghĩ quá nhiều về những gì tôi đang làm, thay vì mang lại cho tôi niềm vui. Tôi giữ lại được chút hứng thú đối với phong cảnh đẹp, nhưng nó không mang lại cho tôi niềm hân hoan tinh tế như trước đây tôi từng có.

Trong một tâm thái sáng suốt và khiêm tốn khác thường, và với tầm nhìn sâu rộng so với những gì chúng ta biết được về não bộ cho tới lúc đó, Darwin hướng tâm trí của mình vào việc xem xét hoạt động bên trong của chính nó, soi sáng bản chất cốt yếu nhất của ”động vật con người” (human animal) – một con thú của cảm giác, được tạo ra không phải vì sự tàn bạo mà vì vẻ đẹp:

Đầu óc tôi dường như đã trở thành một cỗ máy để nghiền rất nhiều bộ sưu tập lớn dữ liệu thực tế thu lượm được thành các định luật phổ quát, nhưng vì sao điều này lại gây ra sự teo lại của riêng phần não bộ, nơi mà các thú vui thanh tao hơn hoạt động, điều đó tôi không thể hiểu được. Tôi cho rằng một người mà đầu óc được tổ chức cao hơn hoặc cấu tạo tốt hơn đầu óc của tôi, sẽ không phải chịu đau khổ như vậy; và nếu tôi được sống lại cuộc đời của mình một lần nữa, tôi sẽ đặt ra một quy định: phải đọc một vài bài thơ và nghe một vài bản nhạc ít nhất một lần mỗi tuần; vì có lẽ, các phần não giờ đây đã bị teo của tôi đã có thể duy trì hoạt động nếu chúng được sử dụng. Mất đi những thú vui này là mất đi hạnh phúc, có thể gây tổn hại đến trí tuệ, và nhiều khả năng hơn, là gây tổn hại đến nhân cách đạo đức, qua việc làm suy yếu phần cảm xúc trong bản tính của chúng ta.

Hãy đọc thêm những gì Mary Shelley[8] đã viết trong kỷ nguyên của Darwin về một thế giới-thế kỷ-21 bị một đại dịch chết người tàn phá, về những gì khiến cuộc đời trở nên đáng sống; và hãy đọc những gì Walt Whitman đã viết không lâu sau khi trải qua một cơn đột quỵ gây liệt người, về sự khao khát vẻ đẹp thiên nhiên đã giúp ông khôi phục lại sức sống ra sao; rồi sau đó, đọc lại câu chuyện về sự mất mát lớn nhất của Darwin đã định hình quan điểm của ông về cuộc sống thế nào.

 

Đỗ Thị Thu TràLê Tùng Quân dịch

Nguyễn Xuân Xanh xem lại

Bản gốc: https://www.themarginalian.org/2021/11/28/darwin-life/

 

[1] Charles Darwin (12 tháng Hai năm 1809 – 19 tháng Tư năm 1882)

[2] Những quyển sách khoa học đại chúng cũng đã từng có ảnh hưởng lớn lên sự phát triển của Albert Einstein, như bộ sách khoa học đại chung của Aaron Bernstein đã trình bày từ đông vật, thảo mộc, núi non, hành tinh, thiên thạch, khí hậu, núi lửa và động đất,…. Đặc biệt cuốn sách “Lực và Chất” (Kraft und Stoff) của Ludwig Büchner đã trình bày hiện trạng của khám phá thiên nhiên lúc bấy giờ thành một loại thế giới quan có tính cách triết học duy vật hay duy tự nhiên. Khoa học, theo cách trình bày này, muốn và đang vén bức màn của tạo hoá trước mắt con người, muốn giải thích tất cả những hiện tượng trên trời và dưới đất một cách khoa học. Xem trong EINSTEIN (NXX).

[3] Nature-poets là những nhà thơ mà thiên nhiên là chủ đề chính trong sáng tác của họ.

[4] William Wordsworth (7 tháng 4 năm 1770 – 23 tháng 4 năm 1850) là một nhà thơ lãng mạn người Anh, cùng với Samuel Taylor Coleridge, ông đã giúp khởi xướng Thời kỳ Lãng mạn trong văn học Anh với ấn phẩm chung của họ là Lyrical Ballad (1798). Nguồn: Wikipedia

[5]Thiên đường đã mất (Paradise Lost) – là một thiên sử thi viết theo thể thơ không vần (blank verse) của John Milton kể về lịch sử của con người đầu tiên – Adam. Thiên đường đã mất được in lần đầu tiên năm 1667 gồm 10 quyển. Bản in năm 1674 gồm 12 quyển.

Cuốn Thiên đường đã mất được in lại rất nhiều lần trong nhiều thế kỷ và được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt.  Nguồn: https://mocmedia.com.vn/

[6] Câu nói “vật chất cảm thấy thú vui ở âm nhạc và trở thành Bach” là của nhà thơ-thiên nhiên Diane Ackerman muốn nói về sự tiến hóa của thế giới vật chất từ thời khởi thủy của trái đất nhiều tỷ năm lúc mới hình thành, và một phần thế giới vật chất ấy dần dà biết cảm xúc, tư duy, biết vui với âm nhạc, biết hát opera, và trở thành Bach hay Mozart.

[7] Xem thêm về Diane Ackerman: https://www.themarginalian.org/2020/12/23/diane-ackerman-earth-ecstatic/

[8] Mary Shelley (1797-1851) sống cùng thời với Charles Darwin. Bà là tác giả của quyển sách nổi tiếng Frankenstein.