Những chuyến thăm lịch sử mang lại những hệ quả khác nhau

by , under Uncategorized

NHỮNG CHUYẾN THĂM LỊCH SỬ MANG LẠI

NHỮNG HỆ QUẢ KHÁC NHAU

Khrushchev – de Gaulle – Đặng Tiểu Bình

Nguyễn Xuân Xanh

 

Không phải con đường ngắn nhất luôn luôn là con đường thẳng nhất

– Nhà khai sáng Đức G. E. Lessing

Anh chị và các bạn thân mến,

Hôm nay là 30.4, ngày kỷ niệm hòa bình và thống nhất trở lại đất nước. Nó đặt ra rất nhiều câu hỏi đến nay vẫn chưa đáp ứng, “có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn”, trong đó có những câu hỏi liên quan sự phát triển Việt Nam, thời cơ, vv, được đặt ra với nhiều luyến tiếc, hụt hẫng và buồn cho đất nước. Rõ ràng về nhiều mặt, sự phát triển sau 1975, tuy có những bước tích cực, nhưng nhìn chung chưa bù đắp được những mất mát trong chiến tranh, và trong nhiều thời gian sau đó, chưa có triển vọng bắt kịp các quốc gia phát triển hàng đầu. Tiềm lực kinh tế và công nghệ quốc gia còn thấp, rất dễ bị tổn thương, vận mệnh đất nước vẫn nằm dưới lưỡi gươm damocles lơ lửng.

Tôi xin được phép không đi vào quá khứ, vì có nhiều người đã nói, mà chỉ xin phép được kể về vài mẫu chuyện dưới đây liên quan đến sự phát triển quốc gia. Câu hỏi chung cuộc cho một quốc gia được đặt ra là: Việt Nam phải phát triển làm sao, để nhanh chóng thoát ra khỏi lạc hậu công nghiệp và công nghệ, và mạnh lên về quốc phòng để bảo toàn độc lập mà dân tộc đã phải trả giá bằng máu quá đắt. Làm sao Việt Nam biết “thích nghi” vào dòng thác phát triển vũ bảo của thế giới, vì lẽ sống còn của mình, theo luật tiến hóa của xã hội. Làm sao để có một bước phát triển đúng đắn mạnh mẽ để bù đắp những hụt hẫng trong quá khứ. Người Việt xứng đáng ngồi ở những hàng ghế phía trước lắm chứ.

Mùa Thu (tháng 9), 1959, Nikita Krutshchev thăm nước Mỹ trong vòng 12 ngày nhằm tan băng giữa hai siêu cường.  Ông gặp gỡ Tổng thống Eisenhower, Phó Tổng thống Nixon và Bà Eleanor Roosevelt, vợ của Tổng thống Roosevelt; thăm các định chế của Mỹ như một xưởng phim và siêu thị; và gặp gỡ với những công dân bình thường …. Ngày 21, Krutshchev đến thăm cơ sở quan trọng của IBM tại TP San Jose, California. Cty này, gốc từ New York, trong kết hoạch mở rộng sang phía Tây, đã xây dưng cơ sở tại San Jose từ những năm 1940 để nghiên cứu và sản xuất. Krutshchev được đón tiếp nồng nhiệt. Chủ tịch IBM Thomas J. Watson Jr. giải thích trong Hồi ký của ông:

Cuộc trình diễn máy tính mà chúng tôi đã lên kế hoạch cho Khrushchev khá kịch tính. Chúng tôi đã có RAMAC được lập trình để hoạt động như một cuốn sách lịch sử điện tử. Bạn có thể hỏi nó bằng bất kỳ ngôn ngữ nào trong mười ngôn ngữ về các sự kiện lớn của bất kỳ năm nào từ 4 B.C. đến hiện tại .[…] Và, đặc biệt, nếu bạn hỏi năm 1917, nó sẽ trả lời: Cách mạng Nga. 

Trong những nhận xét chung tại khuôn viên IBM, Watson đã ca ngợi những thành tựu kỹ thuật của Liên Xô, “ca ngợi khả năng chế tạo tên lửa, sputniks, bắn lên mặt trăng của ông”, và kêu gọi sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa hai siêu cường. Tuy nhiên, Khrushchev không có gì để nói về công nghệ Mỹ, từ IBM hay đến bất kỳ ai khác. Nhưng ông ấy đã liên tục khen ngợi cafetaria, và pha trò về bữa ăn.

Ông ăn trưa cùng đoàn tùy tùng tại Căn tin của IBM, và cái làm ông ấn tượng nhất là cách tổ chức ăn tự chọn của Mỹ. Ông “chọn súp hành tây, một rổ gà rán, salad trái cây, trà đá và một ly nước cam lớn”. Khi về ông chỉ thị các xí nghiệp tổ chức cách căn tin. Còn về computer, Krutshchev bảo, ông không hiểu lắm, nhưng nước ông cũng có phát triển computer rồi, những thứ như bom A hay bom H có thể chưa bao giờ được phát triển ở Liên Xô nếu nó không có máy tính rất phức tạp. Ngay trong Hồi ký, Krutshchev không nhắc chuyến đi thăm IBM này. Con trai ông,  Sergei, người đi cùng, thì lại rất ấn tượng về computer của IBM. Cũng có thể vì vấn đề “sĩ diện”.


Krutshchev tham quan IBM San Jose năm 1959 với Chủ tịch Thomas J. Watson Jr.
(vị tóc bạc bên trái của Krutshchev đang trò chuyện với ông). Photo: courtesy IBM

 


Nhân viên IBM trên dây chuyền lắp ráp RAMAC, máy tính đầu tiên có ổ
đĩa cứng, ngày 29, tháng 8, 1959, tại San Jose, California.
Photo: Couresy Getty Images/Bettmann/Contributor


Máy tính IBM RAMAC 305 những năm 1950 có kích cỡ căn phòng,
được thiết kế và sản xuất tại San Jose. Photo: Wikipedia

Mùa thu 1979, tức đúng 20 năm sau, Đặng Tiểu Bình, thăm nước Mỹ từ cuối tháng giêng đến đầu tháng 2, cũng được tiếp đón rất nồng nhiệt. Ông đi thăm nhiều cơ sở công nghiệp quan trọng, trong đó có đại bản doanh và dây chuyền lắp ráp Boeing, Apollo 11 mission, Trung tâm không gian L.B. Johnson. Nơi đâu ông “cúi mình” để mong được học hỏi, hỗ trợ, và làm tất cả để được Mỹ xem TQ là “đồng minh” tín cẩn để giúp chấn hưng đất nước, thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu và khỏi sự lệ thuộc vào Nga. Chuyến đi này là một cuộc thay đổi toàn diện TQ về công nghệ và ngành chế tạo. Mỹ hoàn toàn tin vào TQ là một đồng minh, và nỗ lực giúp TQ phát triển. (Xem The Hundred-Year-Marathon của Michael Pillsbury)

Hai chuyến đi ngày mang lại hai hệ quả rất khác nhau, có những lý do của nó. Hai thái độ rất khác nhau. Krutshchev có thể chưa nhìn thấy chiều sâu của ngành máy tính của Mỹ, và ông có tự hào là nước phát triển vũ khí hạt nhân mạnh và “cũng có computer”, nhất là tự hào đã phóng được vệ tinh Sputnik đầu tiên lên quỹ đạo trái đất chỉ 2 năm trước đó làm cho nước Mỹ rơi vào “hội chứng Sputnik”, và có thể sẽ còn tiếp tục đe dọa Mỹ ngay trên phần đất Cuba với những tên lửa đạn đạo vào năm 1962. Có lẽ vì thế ông thấy không cần học hỏi gì ở Mỹ, trừ công nghệ nông nghiệp và cái căn tin. Trong khi Đặng Tiểu Bình thì đã rõ: Muốn được “chuyển giao công nghệ” toàn diện để canh tân đất nước sau những cuộc phiêu lưu chính trị tàn phá đất nước khủng khiếp của những người tiền nhiệm. Họ muốn đi với phương Tây để thoát khỏi sự thống trị của Liên Xô trong thế giới CS mà họ không chịu khuất phục.

Thực tế lúc bấy giờ, Thung Lũng Silicon chỉ được biết với cái tên chính thức này vào đầu năm 1971, cững như ngành máy tính cá nhân, một trong những cột trụ của thời đại số, chỉ phát triển trong thập niên 1970. Nhưng dù thế, tiếng tăm của vùng vịnh San Francisco như một trung tâm công nghệ mới đã nổi lên như cồn. Và vùng này sẽ trở thành “điểm hành hương” không dứt cho những ai muốn học hỏi và muốn xây dựng mô hình phát triển kinh tế sáng tạo.

 


Tổng thống Pháp Charles de Gaulle thăm Palo Alto đầu năm 1960.
Photo: Courtesy Palo Alto Historical Association

Sau chuyến đi của Krutshchev, tháng 4 năm 1960, Charles de Gaulle, Tổng thống Pháp, cũng đi “hành hương” đến thăm vùng Bắc California. Ông tò mò đi thăm San Franciso, và các cơ sở nghiên cứu của ĐH Stanford, thăm Công viên công nghiệp Stanford, lò ấp trứng của TL Silicon, vùng Palo Alto. Điểm đến cuối cùng của chuyến tham quan là HP, công ty kinh doanh từ 1939 trong Công viên công nghiệp Stanford, ở đó Bill Hewlett thân chinh chỉ cho ông xem dây chuyền lắp ráp của công ty và một số mô hình thời đại không gian mới nhất của nó. De Gaulle gật đầu một cách thích thú, suy nghĩ  lúc về cách Pháp có thể xây dựng các nhà máy và phòng thí nghiệm California tương tự. Năm 1966, ông lập ra chương trình “Le Plan Calcul” nhằm phát triển ngành computer của Pháp. Ông đã cảm thấy sức mạnh áp đảo của ngành máy tính của Mỹ, và không muốn sau này bị lệ thuộc. Nhưng cuối cùng Pháp cũng không cản nổi ảnh hưởng ngành máy tính của Mỹ. (Năm 1984 tổng thống François Mitterrand còn thăm TL Silicon một chuyến nữa, vì theo ông, “tương lai nước Pháp gắn liền với công nghệ hiện đại”.)

Còn Việt Nam, TT Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ 2005, CT Nước Nguyễn Minh Triết năm 2007, và TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ năm 2015. Kết quả hai bên ký được “Hiệp định hợp tác toàn diện”. Nhưng mấy chuyến đi quan trọng đó chưa cho thấy có một sự nâng cấp công nghiệp và công nghiệp, hay học hỏi đáng kể nào từ Mỹ cả. Dĩ nhiên, mọi thứ tùy thuộc quyết định vào phía Việt Nam, có muốn học hỏi, khai thác được nguồn sức mạnh của công nghệ, công nghiệp và giáo dục của Hoa Kỳ hay không.

Không biết rồi đây tương lai học hỏi như thế nào. Theo một thống kê của Mỹ, trong khoảng 1985-2000, số người Việt Nam đến vùng San Francisco/ TL Silicon chỉ chiếm có 3% trong tổng số dân nhập cư từ các quốc gia khác. Mà trong 3% đó, số lao động low-skilled chiếm đa số. Trong khi Đài Loan (13%), TQ (37%, mới đến sau), và Ấn Độ (20%) từ lâu chiếm đa số. Người ta có câu: “TL Silicon được xây dựng trên IC”, IC là integrated circuits, vi mạch, chip, rất đúng, nhưng cũng đúng nếu người ta diễn giải IC = Indian & Chinese, vì họ chiếm rất đông và rất thành đạt ngay từ đầu, đóng góp rất nhiều vào sự phát triển. Họ chính là những người truyền công nghệ cao về Đài Loan, Ấn Độ, TQ. Con số 3% với phần đông low-skilled, là khá khiêm tốn. Hiện nay có trên 2, 2 triệu người Việt đang sống tại Mỹ, một con số không nhỏ.

Những điều trên rất đáng để suy ngẫm về sự phát triển của VN. Con đường phát triển vẫn còn nằm nguyên ở phía trước. Các thế hệ này làm được gì? Con đường hiện nay, theo chủ quan của tôi, xem ra còn “mờ mịt”, bởi chưa thấy rõ cái khung phát triển cho cuộc công nghiệp hóa mạnh mẽ và toàn diện do chính người Việt Nam thực hiện, chưa thấy VN có những phát triển bước vào thế giới công nghệ cao của các quốc gia đã phát triển. “Lối thoát” cho Việt Nam ngày càng cấp bách hơn bao giờ hết bởi chúng ta đang chịu áp lực quá mạnh không kham nổi. Và lối thoát đó đang nằm phía trước chúng ta. Thời chiến tranh, VN không thiếu lửa và thông minh. Nhưng thời bình thì lại thiếu. Chúng ta cần lửa và trí tuệ thời bình để khỏi phải đổ máu lại quá nhiều như trong quá khứ. Chúng ta có rất nhiều chiến tích trong quá khứ để tự hào, nhưng giờ đây hãy tạo ra những chiến tích xây dựng như niềm tự hào mới, để khỏi phải trả bằng máu nữa. Để làm điều đó, người Việt cần phải ra sức học hỏi nghiêm túc và xây dựng đất nước theo những con đường vinh quang mà các dân tộc khác vừa đi qua, với những kinh nghiệm của họ được thích nghi vào hoàn cảnh đất nước, và phải biết quên đi những gì không còn thích hợp trong giai đoạn mới. Công nghiệp hóa là con đường ngắn nhất để đưa đất nước lên vinh quang và phú cường, như con đường “trắc địa” tất yếu. Không có con đường nào khác ngắn hơn. (Xem thêm https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/tan-truc-hsinchu-silicon-va-cuoc-cong-nghiep-hoa-dai-loan/)

Xin được chia sẻ.

NXX, 30/4/2020