Vũ Trụ Huyền Diệu của GS Nguyễn Quang Riệu

by , under Uncategorized

ĐỌC “VŨ TRỤ HUYỀN DIỆU”

của GS Nguyễn Quang Riệu, Paris

 Nguyễn Xuân Xanh

Lời nói đầu. GS Thiên văn học Nguyễn Quang Riệu mất ngày 5/01/2021 tại Paris trong sự thương tiếc của đồng nghiệp và bè bạn quốc tế cũng như Việt Nam. Dưới đây tôi xin đăng lại bài giới thiệu của tôi năm 2008 về quyển sách Vũ Trụ Huyền Diệu của GS Riệu để tưởng nhớ anh. GS Riệu cũng đã cùng với các nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước từng tham gia các số Kỷ yếu khoa học và giáo dục, như với bài “Dấu ấn của Thuyết lượng tử trong nghiên cứu vũ trụ” trong Kỷ yếu Max Planck (2008), bài “Vũ trụ: Từ buổi bình minh đến thời đại nảy sinh sự sống” trong Kỷ yếu 400 Năm Thiên văn Học & Galilei (2009), và bài “Phát triển và giảng dạy ngành khoa học vũ trụ” trong Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 Năm (2010). Cám ơn Anh, chúc Anh yên nghỉ.

Ngoài ra chúng tôi xin đăng lại hồi ức của Bác sĩ Vũ Ngọc Quỳnh, Paris, một trong những người bạn cố tri của ông đã quen biết nhau từ ba phần tư thế kỷ trước. Bài này đã được đăng trên báo điện tử diendan.org. Chúng tôi rất cám ơn diendan và bác sĩ Vũ Ngọc Quỳnh.

 

VŨ TRỤ VÀO THỜI XA XƯA là nơi trú ngụ của nhiều loại thần linh huyền bí của con người. Nhưng với Kepler, Galilei đến Newton của thế kỷ 17-18 con người đã biết vũ trụ vận hành như thế nào. Các thần linh như phải “dời chỗ” đi xa hơn. Thuyết tương đối của Einstein thế kỷ 20, và những kỹ thuật quan trắc trong ngành thiên văn ngày càng tinh xảo và chính xác đã mở ra những viễn ảnh của một cuộc “chinh phục” thế giới ngày càng quy mô. Con người đã nhìn được cả chiều dài 13.7 tỷ năm lịch sử với big bang ban đầu, và hướng về những tiên đoán tương lai hàng trăm tỷ năm sắp đến, có lẽ cho đến ngày tận cùng của vũ trụ, trong nỗ lực muốn hiểu biết thấu đáo sự cấu tạo, vận hành, và tiến hóa của vũ trụ, để biết tương lai và vận mệnh của chính hành tinh mình.

Con người chinh phục thế giới phần lớn cũng để tìm một tương lai mở rộng, và cả một lối thoát cho chính mình trước những nguy cơ có thể bị diệt vong. Trên bậc thang vũ trụ, sự sống là vô cùng ngắn ngủi và mong manh, có thể bị xóa sổ một lúc nào không biết, do chính con người tạo ra, hay do tai nạn vũ trụ, như sự va chạm với một thiên thạch, sự lắc lư của trục quả đất khiến những cuộc thay đổi khí hậu toàn cầu đe dọa sự sống, hoặc do một supernova không xa lắm nhận chìm hành tinh chúng ta trong bể quang tuyến X, hủy diệt tất cả sinh loài. Định mệnh của nhân loại cuối cùng nằm ở các vì sao, không phải qua chiêm tinh bói toán, mà bằng khoa học. Và “thuộc địa hóa” không gian là mệnh lệnh, để tìm một mảnh đất khác giống trái đất để “di truyền”. Carl Sargan bảo rằng con người “quá quý giá” để chỉ giới hạn vào một hành tinh thôi.

 

Sách Vũ Trụ Huyền Diệu của GS Nguyễn Quang Riệu năm 2008.

Cuốn sách thiên văn “Vũ trụ huyền diệu” của tác giả Nguyễn Quang Riệu, Giáo sư kỳ cựu tại Đài Thiên văn Paris, và Giải thưởng Viện Hàn Lâm Pháp, chính là sự mô tả những cuộc hành trình khám phá kỳ thú này của con người vào vũ trụ, với tất cả những kỳ quan của nó ngày càng trải rộng ra trước mắt người đọc. Càng đọc càng thích thú, càng hồi hộp, nức lòng trước những thành tựu ngày càng to lớn. Thế kỷ 21 được xem là thế kỷ khám phá vũ trụ trên quy mô lớn.

Một trong những phát hiện gây phấn chấn nhất là sự phát hiện tình cờ bức xạ phông năm 1964 (của Arno Penzias và Robert Wilson). Bức xạ này có hệ quang phổ giống hệt như trường hợp của vật đen, đối tượng nghiên cứu đã từng dẫn Max Planck đến khám phá thuyết lượng tử năm 1900. Nó củng cố thêm thuyết big bang: vũ trụ ban đầu là một khối vật chất nổ và cháy đỏ để hình thành vũ trụ hôm nay! Người ta (bằng vệ tinh COBE) đã “chụp ảnh” được mặt mũi của vũ trụ tại thời điểm 380.000 năm, nghĩa là lúc vũ trụ còn trẻ con so với tuổi 13.7 tỷ năm bây giờ. Người ta ví đó là “bộ mặt ông trời” lúc còn sơ sinh.

Rồi đến khám phá tàn dư của những vụ nổ sao khủng khiếp. Con người chết đơn giản, nhưng một vì sao chết rất phức tạp, có thể gây kinh hoàng cho vũ trụ. Vào cuối đời, các ngôi sao hao mòn vật chất, không cưỡng lại được lực hấp dẫn của nó nên sụp xuống và ném cái vỏ đi vào vũ trụ dưới dạng một trận cuồng phong, với tốc độ hàng vạn cây số giờ, phần còn lại biến thành sao trắng lùn cô đặc. Nếu ở gần đó có một vì sao đồng hành, nó sẽ “xơi tái” anh kia luôn, và trở thành nặng hơn giới hạn cho phép (giới hạn Chandrasekhar), nên phải tiếp tục sập xuống để cuối cùng nổ tung để trở thành ‘sao siêu mới’ sáng chói! Vụ nổ để lại một cái lõi vật chất là nơtron, có đường kính rất nhỏ nhưng cực kỳ nặng, tuy chưa đủ cô đặc để trở thành lỗ đen. Đây là những “chú lùn độc hại” của vũ trụ. Nếu quả đất vô phước ở gần đó thì sẽ vĩnh viễn bị xóa sổ. Gần đây người ta khám phá ra một sao nơtron “nham hiểm” lang thang gần quả đất, sao Calvera, “chỉ” cách chúng ta từ 250-1000 năm ánh sáng, đủ gần để làm đối tượng quan sát tiếp tục, và đủ xa để vô hại cho chúng ta. Rùng mình, nhưng cũng rất may.

Được đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật, ngày 19.6.08

Một trong những cuộc truy lùng vô cùng hấp dẫn hiện nay diễn ra trong cộng đồng vật lý thế giới, đó là việc tìm kiếm năng lượng và vật chất tối tràn ngập vũ trụ. Nó là gì? Té ra vật chất “sáng” của vũ trụ mà chúng ta có thể quan sát được, và là một phần đã làm nên chúng ta, chỉ chiếm bằng 5% của vật chất vũ trụ thôi không hơn không kém; số 25% còn lại là vật chất tối và số 70% kia là năng lượng, cũng tối luôn. Vũ trụ là một căn nhà tối vô hình khổng lồ, mà con người như những vi sinh vật vô cùng nhỏ trong đó. Nhưng những thứ tối này lại dường như có hoạt động tích cực vào sự vận hành của vũ trụ mà chúng ta chưa biết đến. Và người ta tính toán, dường như nó có liên quan đến cái gọi là “hằng số vũ trụ” của Einstein, cái mà ông đã bỏ đi và cho là “sự ngu ngốc lớn nhất đời tôi” nhằm để giữ cho vũ trụ được cân bằng chống lại hấp lực. Nếu ví toàn bộ vũ trụ là một cái trứng, thì vật chất thấy được, nếu gom lại,  giống như cái tròng đỏ vô cùng nhỏ so với cái tròng trắng vĩ đại vô hình bao quanh. Quy luật tác động của nó là gì trong vũ trụ, điều đó đang được nghiên cứu sôi nổi.

Sao chổi Tempel 1 bị con người bắn từ trạm phi thuyền tự động để nghiên cứu và tập tự vệ.

Các sao chổi vừa là đối tượng nghiên cứu khoa học để hiểu sự hình thành hệ mặt trời, sự sống trên trái đất, nhưng vừa là một mối đe dọa cho hành tinh chúng ta. Tháng 7 năm 1994 hơn 20 mảnh sao chổi Shoemaker-Levy nối đuôi nhau như những toa tàu, bắn phá hành tinh Mộc trong suốt một tuần lễ liền, giải phóng một năng lượng tương đương với hàng trăm nghìn quả bom nguyên tử! May là không phải trái đất chúng ta. Loài khủng long được xem như bị diệt chủng bởi một sao chổi lớn đâm vào trái đất. Tháng 7, năm 2005 phi thuyền Deep Impact của NASA đã bắn một trạm tự động nặng 400kg lao thẳng vào sao chổi Tempel 1 để tìm hiểu cấu tạo vật chất của lõi nó, và cũng là để học cách tự vệ.

Xin xem thêm về GS Nguyễn Quang Riệu tại Wikipedia:

https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Quang_Ri%E1%BB%87u

Đó chỉ là vài đề tài điểm qua trong vô số số đề tài trong cuốn sách vô cùng thú vị của GS Nguyễn Quang Riệu, càng đọc càng thú vị, như cuộc săn tìm phân tử có liên quan đến sự sống, nghe lỏm tín hiệu của các nền văn minh trong dải Ngân hà, lang thang đi tìm những thế giới khác, những ngọn hải đăng trong vũ trụ, vũ trụ sơ sinh…. Cuối cùng tác giả bàn đến những vấn đề rất thời sự, như vấn đề năng lượng thế giới, hiệu ứng nhà kính, dự báo thời tiết trong thời băng tan, nước biển dâng lên, đạo lý trong khoa học, tôn giáo và khoa học, triển vọng, thiên văn học phương Đông, và Việt Nam.

Vũ trụ vẫn không mất đi vẽ huyền bí của nó, mà còn huyền bí hơn khi con người càng hiểu nó. Nhìn vào đó con người thấy mình quá nhỏ bé, và tự hỏi ai đã tạo vũ trụ kì bí này và bằng định luật nào. Cái huyền bí của thần linh được thay thế bởi cái huyền bí của các định luật vũ trụ. Einstein vì thế đã cho rằng ông không hề mất tính tín ngưỡng, mà lại càng có tính tín ngưỡng vũ trụ trước những trải nghiệm khoa học huyền bí. Suốt 30 năm ông đi tìm bản đồ bí mật của “Ông già” – nhưng không thành công, để rồi các thế hệ sau nối tiếp lên đường tìm kiếm.

Cuốn sách cũng mô tả cuộc hành trình thứ hai thú vị: hành trình khoa học của chàng trai từ Hải Phòng bên trời Tây, 50 năm liền “lang thang” không những trong vũ trụ mà còn ở những đài thiên văn nghiên cứu hiện đại nhất của thế giới: Pháp, Đức, Thụy Điển, Nhật, Mỹ, Chilê,…. Ông đã ghi chép các quan sát tinh tế, chính xác trong khoa học cũng như về xã hội, văn hóa, cảnh vật xung quanh của nơi ông đến làm việc, không kém phần thi vị văn chương, như muốn để kể lại cho các thế hệ sau biết để cùng chia sẻ và tiếp nối. Ông rời quê hương rất sớm, trước khi đỗ tú tại, vào năm 1950, nhưng ông luôn luôn trao dồi và tỏ ra am hiểu văn hóa đất nước, và văn hóa phương Đông. Tiếng Việt ông sành không thua người Việt Nam trong nước. Cố GS Nguyễn Văn Đạo đã có nhận xét về ông: “Có thể nói vắn tắt về ông như một nhà khoa học uyên bác, đồng thời là một con người rất nhân hậu, luôn luôn sống, nghĩ về mọi người, luôn luôn gần gũi với người dân, gắn bó với quê hương đất nước, luôn luôn giữ gìn được cốt cách phương Đông và ý thức dân tộc”.

Cuốn sách Vũ Trụ Huyền Diệu là một tài sản tinh thần quý giá cho thế hệ trẻ Việt Nam của một Việt kiều đã sống trên năm mươi năm ở nước ngoài nhưng vẫn còn trái tim đập mạnh cho đất nước. Nó cũng là một đóng góp vào giáo dục cho Việt Nam để khơi nguồn cảm hứng và tình yêu khoa học, yêu khám phá thiên nhiên, tinh thần học hỏi cái mới không mệt mỏi. Đây không phải là quyển sách thứ nhất. Ông đã cho xuất bản trước đó nhiều quyển về thiên văn bằng tiếng Việt: “Vũ trụ, phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại”, “Lang thang trên dải ngân hà”, “Bầu trời tuổi thơ”… và nhiều tư liệu giáo dục, bài báo khoa học phổ thông về thiên văn khác. Tất cả vì tình yêu đất nước và lòng yêu mến khoa học thiên văn. Từ năm 1990 nghĩa là rất sớm ông đã có những đóng góp quý báu vào việc xây dựng ngành thiên văn của Việt Nam.

Cuốn sách Vũ Trụ Huyền Diệu của GS Nguyễn Quang Riệu phải thuộc về Tủ sách của Tuổi Trẻ Việt Nam.

TP Hồ Chí Minh, tháng 6/08

 

ANH RIỆU

HỒI ỨC CỦA BÁC SĨ VŨ NGỌC QUỲNH

 

Nguyễn Quang Riệu

Sinh ở Hải Phòng ngày 5/01/1932

Mất tại Paris ngày 5/01/2021

 

Tôi không quên ngày chủ nhật từ Hà Nội máy bay Aigle d’Azur hạ cánh trường bay Le Bourget, một thanh niên trạc hai mươi tuổi cầm cái hình của tôi đón tôi khi ra khỏi khu hành lý tiến tới tôi nói:” Tôi là Riệu, con ÔB Phúc Lai, được hai bác Cự Hải nhờ đến đón Quỳnh”. Hôm đó là đầu tháng 12 năm 1952, trời rất rét. Chúng tôi rời phi trường lúc tối rồi, lấy tắc xi đến thẳng tiệm Lưu Đình khu Contrescarpe ăn cùng một anh bạn anh Riệu mà sau này tôi không nhớ tên.
Sau anh Riệu dẫn tôi về Hôtel des Mines (nay vẫn còn), boulevard Saint-Michel, quartier de l’Observatoire, Paris 5e ngủ đêm đó. Sáng hôm sau người anh họ tôi đến khách sạn chào anh Riệu rồi cùng tôi đi tìm một khách sạn bình dân trong Quartier latin trú ngụ vài tuần, sau đó tôi vào nội trú Collège Sainte-Barbe ở quận 5 Paris vào học niên học còn lại.

Từ ngày gặp gỡ lần đó, có thể nói là chúng tôi đã gần gũi nhau trọn đời trong những vui buồn.

Anh Riệu là con người khoa học, chuyên về ngành thiên văn vô tuyến, gắn bó cuộc đời với nghề nghiệp, với quê hương đất nước, với gia đình và bạn bè, tất cả đều liên hệ mật thiết với nhau.

Tôi xin ghi lại vài điều tôi biết về anh Riệu.

Quê hương và đất nước

Anh Riệu hay nhắc về làng Lai Xá, quê hương của tổ tiên, huyện Hoài Đức, cách Hà Nội khoảng 15km về phía tây.

Đây là nôi của nghề nhiếp ảnh, người làng Lai Xá đã mở tiệm ảnh từ thời đầu thế kỷ 20, tại Hải Phòng, Hà Nội sau ở miền Trung, trong Nam, sang cả Lào, Cam Pu Chia, Thái Lan, Trung Quốc.

Làng nổi tiếng với tiến sỹ Nguyễn Văn Huyên, họa sĩ Nam Sơn tức Nguyễn Văn Thọ, cụ bà người làng Lai Xá.

Anh Riệu thân tình với con cháu hai cụ.

Những chuyến về

Ra đi khỏi nước từ lúc thanh niên, anh Riệu luôn luôn mong ước là phục vụ đất nước về ngành thiên văn. Hoài bão của anh là cùng các nhà khoa học Việt Nam tạo ra một bộ môn thiên văn học hiện đại với những người trẻ.

Anh về nước hơn một chục lần (bắt đầu từ năm 1976) để thực hiện hoài bão này, lần nào cũng đem theo tài liệu khoa học, thiết bị, máy hình để làm việc và thuyết trình với các đồng nghiệp, đặc biệt chú trọng đến giới trẻ mà anh mong đợi sẽ đem lại cho Việt Nam ngành thiên văn hiện đại.

Vài chuyến đi để lại nhiều ấn tượng cho tôi khi nghe anh kể lại.

Chuyến đi Phan Thiết năm có nhật thực toàn phần ở Việt Nam ngày 24 tháng 10 năm 1995, một hiện tượng chỉ 360 năm mới có một lần(1). Anh Riệu đem theo thiết bị giao thoa cùng rất đông người có mặt quan sát trực tiếp nhật thực toàn phần. Báo chí trong nước đã thuật lại sự kiện này, anh Riệu cũng kể lại trong sách của anh và trong những phỏng vấn.

Cuốn năm 2006, anh Riệu đã tổ chức một khoá học về vật lý thiên văn văn và môi trường, hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Paris 6 và Đài Thiên văn Paris.

Cùng đi với anh Riệu là những giáo sư Pháp đầu ngành trong lĩnh vực vật lý thiên văn: các Giáo sư Pierre Encrenaz, Jean-Michel Lamarre, Thérèse Encrenaz, Danielle Alloin, Jean Jouzel.

Đó là khoá học lần thứ 6 được tổ chức ở Hà Nội, nối tiếp những khoá học trước, bắt đầu từ năm 1996, mỗi khoá kéo dài khoảng chừng năm sáu ngày.

Khoá thứ 6 cuối năm 2006 là khoá long trọng nhất, có khoảng 80 học viên tham dự, gồm các sinh viên năm cuối của ĐHQGHN và một số cán bộ của ngành thiên văn và vật lý. Trong khoá thứ 6 này có hai tiến sĩ khoa học, đã được anh Riệu hướng dẫn luận án tiến sĩ, anh Trần Thế Trung và anh Đinh Văn Trung, đã tích cực tham gia.

Đó là một mốc quan trọng của anh Riệu trong đóng góp cho ngành thiên văn ở Việt Nam.

Một dự tính mà anh Riệu bỏ rất nhiều công lao để thực hiện, đó xây dựng Nhà chiếu vũ trụ ở Hà Nội (Planétarium). Anh đã vận động được giúp đỡ của CNRS, đã sang xưởng Zeiss bên Đức để kiểm tra các kính chiếu, về Hà Nội gặp các nhà chức trách để trình bày dự án. Công việc không thành, để lại anh ít nhiều nuối tiếc.

Đam mê nghề nghiệp

Anh Riệu chọn nghề thiên văn rất sớm, và sau khi học xong cử nhân khoa học ở Université de la Sorbonne, anh bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học và anh dành suốt đời nghiên cứu thiên văn trong C.N.R.S. (Trung tâm Quốc gia Khảo cứu Khoa học Pháp).

Đài Thiên văn Paris (Observatoire de Paris) là cơ quan anh làm việc, gồm có ba trung tâm:

– Observatoire Port-Royal, 61 avenue de l’Observatoire, 75014 Paris.

Đây là nơi có phòng làm việc chính của anh .

– Observatoire de Meudon, 5 place Jules Janssen, 92190 Meudon, nơi anh đến làm thường xuyên trong những năm hành nghề.

– Observatoire de Nançay dành riêng cho thiên văn vô tuyến, cách Paris 180km về phía nam, nơi anh Riệu đã đến từ năm 1960 sử dụng kính thiên văn có kích thước 200m trên 35m.

Tôi nhớ mỗi ngày anh Riệu đi bộ từ Place de Catalogne, Paris 14e qua boulevard Montparnasse đến Observatoire de Port Royal rồi làm việc trong bàn giấy suốt ngày.

Đây cũng là nơi anh tiếp đồng nghiệp quốc tế, bạn bè Pháp, Việt đến thăm đài thiên văn cổ kính lịch sử của Pháp, đã được sáng lập năm 1667, nay còn những kính thiên văn lớn và những dụng cụ đo lường vẫn còn hoạt động.

Tôi nhớ những chuyến đi Nançay, anh Riệu sửa soạn chương trình nghiên cứu đưa trước cho người trách nhiệm điều khiển các kính thiên văn. Anh đến đó làm việc ban đêm để quan sát tinh tú. Trong quảng trường rộng lớn có những ăng ten parabol khổng lồ, một đêm anh Riệu vấp vào một chướng ngại vật, té ngửa; đau chân quá anh đành bỏ chuyến làm việc lần đó.

Những chuyến đi xa

Anh Riệu đã đi rất nhiều nước ngoài, đến các trung tâm thiên văn lớn của các nước Đức, núi Sierra miền nam nước Tây Ban Nha, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Nhật và còn nhiều nước khác.

Ở mỗi nơi, anh cống hiến những khám phá của anh với các đồng nghiệp và một số trở thành bạn thân, sau này họ sẽ đến thăm vợ chồng anh ở Place de Catalogne.

Sách về vũ trụ

Anh Riệu viết nhiều sách về vũ trụ, phần đông bằng tiếng Việt, để gợi chú ý của người Việt về ngành khoa học này.

Tôi chú trọng hai cuốn trong những cuốn này:

  • Vũ trụ phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại, NXBGD, năm 1995. Đó là cuốn sách cơ bản.
  • Sông Ngân khi tỏ khi mờ- Les reflets du Fleuve d’Argent, NXBVHTT, 1998, một cuốn sách song ngữ với hai ngôn ngữ vừa chính xác vừa thơ mộng với nhiều hình đẹp.

Vài nét về gia đình

Thân sinh anh Riệu là ông bà Phúc Lai, người làng Lai Xá, sống ở Hải Phòng sau ở Hà Nội.

Anh Riệu là con trưởng, sau đến anh Nguyễn Quang Quyền và anh Nguyễn Quý Đạo là con út.

Anh Riệu và anh Đạo sớm đi Pháp du học, anh Quyền sống ở Hà Nội và sau ở Sài Gòn.

Năm anh Riệu thành hôn với chị Vũ Minh Ngà, họ hàng và bạn bè có mặt tại Pavillon Honnorat, Cité Internatonale Universitaire de Paris mừng anh chị.

Họ dọn nhà nhiều nơi sau đó, từ rue de la Tombe-Issoire, Paris 14e, đến Rue Fallempin, Paris 14e, rồi đến nơi cư ngụ hiện nay, Place de la Catalogne, Paris 14e.

Tôi nhớ đã đến thăm anh chị ở rue Fallempin khi mẹ anh Riệu, bác Phúc Lai sang thăm con cháu. Lúc đó cháu Nguyễn Quang Tuấn, con trai duy nhất của anh chị Riệu, khoảng mười tuổi, ném máy bay giấy trong phòng khách dưới mắt trìu mến của bà nội. Bà cụ thật giản dị và kín đáo, mãi sau này tôi mới biết là xưa kia cụ dạy ở trường Đồng Khánh Hà Nội.

Chị Vũ Minh Ngà, người Hà Nội xuất thân trong một gia đình danh giá, một dược sĩ của Đại học Dược Paris, đã chọn lựa không hành nghề để chăm sóc chồng con. Những lúc anh Riệu đi công tác xa xôi hàng tháng có khi hàng năm, chị nhẫn nại cùng cháu Tuấn sống và chờ khi anh Riệu về và có khi anh về lại đến bàn giấy tiếp tục công việc dở dang.

Nguyễn Quang-Tuấn, người con trai quý của bố mẹ, sinh trưởng ở Pháp, nhưng sớm có nền văn hoá Việt Nam vững chắc.

Năm 1995, Quang Tuấn viết một bài tựa là

« S’il te plaît, dessine-moi un Viet Kieu »

Phỏng theo «  Le Petit Prince » của A. de Saint-Exupéry, đăng trong tạp chí Identité.

Với hành văn dí dỏm, Quang Tuấn nói về đa dạng của Việt Kiều, không có mô hình chuẩn nào cả.

Một nhận xét giá trị.

Quang-Tuấn lúc đó 16 tuổi.

Sau này Quang-Tuấn học H.E.C., trường Cao đẳng Thương Mại Paris, hành nghề về ngân hàng và thương mại.

Anh em

Hai người em anh Riệu đều là những nhà khoa học danh tiếng, anh Nguyễn Quang Quyền, giáo sư Y khoa trong ngành cơ thể học, anh Nguyễn Quý Đạo là giám đốc nghiên cứu tại C.N.R.S trong ngành hoá học.

Anh Quyền mất trong một tai nạn giao thông ở Sài Gòn để lại thương tiếc cho gia đình và bè bạn.

Bạn bè

Anh Riệu là người đôn hậu, niềm nở với người chung quanh, khiêm tốn trong phong cách, gần xa ai nấy đều quý mến.

Thời niên thiếu ở Hải Phòng, anh quen anh Nguyễn Đình Lan, anh Phạm Văn Biểu.

Khi tản cư về Sơn Tây, anh chơi thân với anh Ngô Mạnh Lân và quen các cô em.

Thời sinh viên ở La Sorbonne, cứ cuối tuần anh cùng anh Đạo đến Le Tabac de la Sorbonne gặp các anh Phạm Tư Mạnh, anh Nguyễn Tường Việt.

Năm 1950 anh đến Hôtel Lhomond, Paris 5e, ở cùng đông bạn Việt kiều, trong có anh Trương Hữu Lương, anh Đinh Trịnh Hiển, anh Nghiêm Xuân Loại. Và còn nhiều người Việt khác cũng ở đó.

Sau này, khi anh lập gia đình với chị Minh-Ngà, mở rộng vòng giao thiệp, gặp gỡ rất nhiều bạn bè, nay ở nhà người này người khác, mai ở nhà người khác, hoặc ở những tiệm ăn ở Paris.

Hai bữa tổ chức nhà anh chị ở Place de Catalogne để lại nhiều kỷ niệm, ngày 14 Juillet không nhớ năm nào, bạn bè ra ban công nửa đêm xem đốt pháo bông ở Tour Eiffel phía xa và năm 2000 để cùng bạn bè tiễn đưa năm chót của thế kỷ XX.

Tiệc Xuân Diễn Đàn Villa Saint-Cyr, Bourg-la-Reine

Cứ vào mùa Xuân, anh chị Riệu đến đón tôi bằng xe hơi ở trạm La Vache Noire thị xã Arcueil đi đến Villa Saint-Cyr ở Bourg-la-Reine, trên đường đi chuyện trò rôm rả. Đến nơi chúng tôi gặp lại những bộ mặt thân thiết đã cùng nhau thưởng tiệc Xuân trong nhiều năm. Những kỷ niệm vui.

Những ngày chót

Khi biết tin anh nhập viện, tôi gửi đến di động của anh một SMS ngắn hỏi thăm tin tức của anh, hy vọng anh có sức trả lời.

Mấy ngày sau gia đình báo tin anh mất rồi.

Bảy chục năm đã qua.

Anh Riệu là một đàn anh đáng kính, một người bạn thân quý.

Xin chia buồn cùng chị Minh-Ngà và cháu Quang-Tuấn

Vũ Ngọc Quỳnh

Paris ngày 15 tháng 1 năm 2021

(1) Đây là quãng thời gian trung bình giữa hai thời điểm có nhật thực toàn phần tại một điểm nhất định trên trái đất, còn thì năm nào cũng có ít nhất hai lần nhật thực trên trái đất, nhưng chỉ thấy được ở một nơi nào đó, và cũng không phải lần nào cũng là nhật thực toàn phần (Chú thích của Diễn Đàn)