Sinh nhật thứ 300 của Adam Smith

by , under Uncategorized

HÔM NAY SINH NHẬT THỨ 300 CỦA

ADAM SMITH: 5/6/2023

Tài sản mà mỗi người có được bằng sức lao động của chính mình, vì nó là cơ sở gốc của mọi tài sản khác, cho nên là tài sản thiêng liêng và bất khả xâm phạm nhất.

Adam Smith, Wealth of Nations

 

Adam Smith (5.6.1723 – 17.7.1790)

Anh chị thân mến,

Hôm nay ngày 5 tháng 6 kỷ niệm sinh nhật thứ 300 của Adam Smith. Đó là ngày ông được đặt tên thánh và rửa tội, còn ngày sinh thật thì không ai nhớ. Cũng có nơi lấy ngày 16/6, theo lịch mới.

Đây là sự kiện lớn của thế giới và không ngừng ảnh hưởng suốt ba thế kỷ qua, nhất là lên các quốc gia đi sau, nhằm giải phóng người dân khỏi trói buộc phong kiến, hay thành kiến của ý thức hệ. Hai tác phẩm chính của ông là Thuyết tình cảm đạo đức (Theory of Moral Sentiments, TMS), và quyển thứ hai là, viết tắt, Phồn vinh của các quốc gia (Wealth of Nations. WN) đã định hình kinh tế học thế giới, cũng như đề cao vai trò của sự thấu cảm, empathy, của con người trong đời sống kinh tế.

Phát biểu sau đây của nhà kinh tế học Thomas Malthus muốn làm sáng tỏ thêm tầm quan trọng của tình cảm đạo đức của Smith:

Đôi khi người ta nói về kinh tế chính trị, nghĩ rằng nó tiến gần đến khoa học nghiêm ngặt của toán học. Nhưng tôi e rằng cần phải được thừa nhận, đặc biệt vì gần đây đã có những sai lệch lớn xảy ra so với các định nghĩa và học thuyết của Adam Smith, rằng nó tiến gần hơn đến khoa học về đạo đức và chính trị.

Thomas Malthus (1827)

Năm 1776, khi WN ra đời, một thành viên của Hạ nghị viện Anh, Thomas Pownall, bình luận, trong một lá thư gửi cho Adam Smith:

Tôi thực sự nghĩ rằng cuốn sách của ông … có thể trở thành một học thuyết  chứa đựng các principia (nguyên lý) của những quy luật chuyển động, theo đó hệ thống của cộng đồng loài người được đóng khung và hành động, MỘT HỌC THUYẾT về kinh tế chính trị, như tôi có thể nồng nhiệt mong muốn . .. rằng một thành viên hiểu biết của triều đại Tudor trong các trường Đại học của chúng ta sẽ sử dụng, làm cơ sở cho các bài giảng về chủ đề này.

Thomas Pownall 1776

Hy vọng điều này cũng xảy ra ở VN, càng nhiều càng tốt.

Rõ ràng có “air” của Principia của Isaac Newton trong trích dẫn trên. Thật vậy trong TMS có đoạn:

Tự nhiên (Nature) … hành động … trong mọi … trường hợp, với tính kinh tế chặt chẽ nhất (nghĩa là optimal nhất) và tạo ra nhiều tác động từ một và cùng một nguyên nhân.

Đó là phương pháp Smith gọi là Newtonian (theo Newton):

Trong triết học tự nhiên hoặc bất kỳ khoa học nào thuộc loại đó … chúng ta có thể đặt ra một số nguyên lý nhất định đã biết hoặc đã được chứng minh ngay từ đầu làm nền tảng, từ đó chúng ta giải thích một số hiện tượng, kết nối tất cả lại với nhau theo cùng một Chuỗi. – Điều này … mà chúng ta có thể gọi là phương pháp Newton chắc chắn là phương pháp có tính triết học nhất, và trong mọi ngành khoa học, dù là triết học đạo đức hay tự nhiên, v.v., là vô cùng tài tình … Điều đó mang lại cho chúng ta niềm vui khi được chứng kiến những hiện tượng mà chúng ta thấy không cách nào giải thích được giờ đây được suy diễn từ một nguyên lý nào đó (thường là một nguyên lý ai cũng biết) và tất cả được thống nhất trong một chuỗi … (TMS)

Từ quan niệm nhân bản của ông, Smith tóm tắt định nghĩa về hạnh phúc sau đây:

“Phần chính yếu của hạnh phúc con người phát sinh từ ý thức được yêu thương”.

Adam Smith

Do đó, một xã hội có nhiều yêu thương sẽ tạo ra nhiều hạnh phúc. Yếu tố đạo đức là căn bản. Điều này làm tôi nhớ đến một vị doanh nhân Việt Nam của TP Hồ Chí Minh (PPNT) rất thành đạt có quan niệm sống rất tương tự:

Quan điểm sống của tôi là sống để yêu thương, nhưng nếu yêu thương không đến thì mình ứng xử theo kiểu Trịnh Công Sơn: Tôi ơi, đừng tuyệt vọng. Khi mình sống có niềm tin, sẽ thấy yêu cuộc sống hơn, dễ tha thứ và bao dung hơn với người khác.

Tuyệt vời quá. Việt Nam có một hậu duệ của Adam Smith đang sống. Xin gọi ông là “Người tốt của Thành phố Hồ Chí Minh”, để mượn cái tựa của vở kịch “Người tốt của Tứ Xuyên” của Berth Brecht.

Tác phẩm Wealth of Nations có làm rung động lòng người hay một học thuyết khô khan? Yen Fu (Nghiêm Phục), dịch giả đầu tiên của Wealth of Nations ra tiếng Trung, cũng là dịch giả nổi tiếng nhất góp phần khai minh của phong trào Ngũ Tứ, đã xúc động viết vào lời tựa của quyển sách:

Khi tôi đọc bản văn (text) của quyển sách, tại một số nơi nó đã làm cho tôi xúc động khiến tôi không thể cầm nước mắt. Trời ơi, những câu nói của Smith cảm động làm sao!

Yen Fu

Sự thật, người đọc có thể bất chợt cảm xúc như thế ở một số nơi, chẳng hạn như tôi khi đọc câu này của ông:

Tài sản mà mỗi người có được bằng sức lao động của chính mình, vì nó là cơ sở gốc của mọi tài sản khác, cho nên là tài sản thiêng liêng và bất khả xâm phạm nhất.

Adam Smith

Một số thành viên của diễn đàn edu-sci đang cố gắng kết nối với các nhà nghiên cứu kinh tế Việt Nam trong và ngoài nước để làm một số Kỷ yếu kỷ niệm sự kiện trên, và dịch một quyển tiểu sử về ông, cố gắng trong năm nay. Một số anh đã gửi bài. Rất mong các anh đã đăng ký còn lại sớm gửi bài và liên lạc với chúng tôi về lộ trình. Chúng ta cần phải cống hiến để có một tác phẩm hay về ông. Rất cảm ơn.

Xin xem thêm trên Diễn Đàn Khai Phóng vừa đăng, và những bài được nhắc đến trong đó, rất hữu ích:

300 NĂM ADAM SMITH: ĐẠO ĐỨC VÀ TƯ LỢI

Bài viết của nguyên giáo sư kinh tế Đức Heinz Welsch tại Đại học Oldenburg  trên báo Frankfurter Rundschau ngày 1/6/2023:

https://diendankhaiphong.org/300-nam-adam-smith-dao-duc-va-tu-loi/

 

Thay mặt các anh Trần Văn Thọ và Trần Quốc Hùng, xin cảm ơn anh chị.

Thân mến,

Nguyễn Xuân Xanh

Ngày 5/6 năm 2023