KIST – Choi Hyung Sup và Park Chung Hee

by , under Uncategorized

KIST – CHOI HYUNG SUP PARK CHUNG HEE

Và nhiều bài học còn tươi rói cho hôm nay

Nguyễn Xuân Xanh trình bày

 

Chúng ta phải thay thế phương thức giáo dục để biết khoa học bằng phương thức giáo dục để làm khoa học. Phương pháp giáo dục hiện thời, có thể là hữu ích khi giảng dạy các kỹ năng trả lời các câu hỏi Có và Không, song lại không giúp con người ta nâng cao được năng lực phân tích hiện tượng và ứng dụng các lý thuyết vào các mục tiêu thực tiễn.

Choi Hyung Sup

 

Choi Hyung Sup (1920-2004)

Mời xem tiếp về Choi Hyung Sup trong một vài bài tới.

Lời nói đầu. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết dưới đây của Choi Hyung Sup dạng tự thuật về công việc của ông trong những ngày đầu thành lập Viện Khoa học Công nghệ Hàn Quốc KIST. Ông là giám đốc điều hành đầu tiên và là người có đóng góp quan trọng vào việc xây dựng KIST như một cổng vào Khoa học Công nghệ (KHCN) mẫu mực cho Hàn Quốc trong những năm quốc gia này tiến hành công nghiệp hóa dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Park Chung Hee. Tự thuật này cho thấy tính cách của chủ tịch KIST Choi Hyung Sup, và nhà lãnh đạo Park Chung Hee đối với KHCN. Park Chung Hee hiểu sâu xa vai trò của KHCN đối với sự sống còn của Hàn Quốc, về kinh tế cũng như an ninh, do đó không thể để KIST bị cản trở vì bất cứ lý do gì. Nó là hạt giống của sự phồn vinh và an ninh quốc gia. Nó là suối nguồn của công nghiệp hóa mà ông đang tiến hành. Park Chung Hee, vốn được đào tạo trong trường quân sự Nhật để trở thành một sĩ quan samurai, nên hiểu biết sức mạnh của lưỡi gươm và kỹ luật. Ông cần bánh mì, cần KIST, cần lưỡi gươm, cần POSCO, và cần KHCN để tạo ra những thứ đó. Định mệnh của một dân tộc được định đoạt ở khâu trọng yếu này: chúng ta chỉ học khoa học để biết, hay học để làm khoa học, làm cho nó thấm vào tấm thảm xã hội không chỉ bằng những lời đẹp, mà còn bằng hành động sáng tạo. Cần nhớ rằng, xã hội Hàn Quốc cũng từng bị giới yangban thống trị cả nghìn năm, giống như giới nho học của Việt Nam, rất có học, trao chuốt lời hay ý đẹp, để móng tay dài, nhưng khinh thị cái học thực dụng (Sil Hak).

Bài này cho thấy hành động của nhà lãnh đạo Hàn Quốc đối với những vấn đề KHCN ở cấp vi mô là rất quyết liệt. Không phải nói chính trị, nghị quyết rồi “đánh trống bỏ dùi”, mà Park Chung Hee thật sự chăm lo thực hiện việc “truyền máu”, “cấy ghép” những hạt giống mới của KHCN vào cơ thể đang suy yếu của Hàn Quốc, như vấn đề sống còn của quốc gia. Park Chung Hee nói là làm, thể hiện trách nhiệm ở toàn bộ công việc đổi mới, từ vĩ mô đến vi mô, đi xuống tận cơ sở để đảm bảo công việc thông suốt không bị cản trở bởi hành chánh hay luật lệ không phù hợp. Ông giám sát từng khâu, và dẹp bỏ những chướng ngại vật bất cứ từ đâu. Thực tế, Park Chung Hee là  thần hộ mạng cho KIST.

Tại sao trong giai đoạn Hàn Quốc nhiễu nhương với tham nhũng mà lại có những con người lãnh đạo kỹ trị trong sáng như Choi Hyung Sup? Ông không phải là người duy nhất. Vẫn còn nhiều người trong sáng và tâm huyết với đất nước. Còn có rất nhiều người khác như thế, như Park Tae-joon, chủ tịch của tập đoàn gang thép khổng lồ POSCO, nhiều nhà lập chính sách phát triển công nghiệp hóa như Kim Chongnyom và O Wonch’ol, Chang Kiyong và Pak Ch’unghun, Kim Hang’yol, Kim Yonghwan và Nam Togu. Họ là những nhà kỹ trị, kinh tế, tài chánh, phần lớn hưởng nền giáo dục tốt từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, và một lòng sát cánh với Park Chung Hee vì lý tưởng một Hàn Quốc phát triển và hùng cường.

Cuối cùng, Choi Hyung Sup còn là người muốn chia sẻ những kinh nghiệm của Hàn Quốc với các quốc gia đang phát triển, đã trình bày trên nhiều diễn đàn, và có nhiều bài viết. Đó là những hành động nhân ái – bằng những đóng góp tri thức của ông. Cảm ơn ông.

Tôi cũng rất ngạc nhiên khi biết rằng bài viết của Choi Hyung Sup được dịch và đăng trong cuốn “Một góc nhìn của trí thức” do Tạp chí Tia Sáng và Nhà xuất bản Trẻ thực hiện, không biết năm nào, nhưng nó được đăng lại trên trang mạng của Viện Chính sách và Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn ngày 06/09/2007. Những tác giả chắc hẳn là những người có dụng ý khi đăng bài đó, và mong cho đất nước cũng có sự chuyển biến thuận lợi như thế. Xin cảm ơn những người đã nâng niu nó như một common good để mọi người có thể đọc. Xin cảm ơn.

Nguyễn Xuân Xanh

 

CÂU CHUYỆN KỂ CỦA CHOI HYUNG SUP 

 

Năm 1963, với cương vị Viện trưởng viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử tôi tới thăm một số trường đại học của Canada để nghiên cứu một dự án hợp tác về sản xuất vật liệu mới. Khi trở về hàn Quốc, đầu năm 1964, tôi viết bài báo cáo trình bày về sự hỗ trợ của chính phủ Canada đối với hội đồng nghiên cứu quốc gia – một tổ chức nghiên cứu độc lập và tự chủ với các nhân viên không phải là người trong biên chế nhà nước.

Sau đó ít lâu, một thư ký về công tác kinh tế của văn phòng Tổng thống tới gặp tôi và nói: “Tổng thống Park đã đọc bài báo cáo của ông và muốn trực tiến nghe ý kiến ông tại cuộc họp nội các do Tổng thống chủ trì”.

 

TẠO MÔI TRƯỜNG ĐỂ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ BÉN RỄ

 

Trước hết phải thay đổi mục tiêu giáo dục. Chúng ta cần một nền giáo dục để trang bị cho nhân dân khả năng giải quyết vấn đề chứ không phải giúp họ lấy được bằng cấp và những cái khác…

Choi Hyung Sup

 

Tiến sĩ Choi, chúng ta nên làm gì để phát triển khoa học và công nghệ ở nước ta? Tổng thống Park hỏi tôi trong cuộc họp nội các. Do chưa chuẩn bị để trả lời một câu hỏi như vậy, tôi chỉ nêu ra một số vấn đề theo trình tự chúng xuất hiện trong đầu. Tôi nói: “ Bên cạnh nhiều việc khác, chúng ta cần thay đổi hệ thống giáo dục khoa học để đảm bảo phát triển một cách vững chắc khoa học và công nghệ. Chúng ta phải thay thế phương thức giáo dục để biết khoa học bằng phương thức giáo dục để làm khoa học. Phương pháp giáo dục hiện thời, có thể là hữu ích khi giảng dạy các kỹ năng trả lời các câu hỏi Có và Không, song lại không giúp con người ta nâng cao được năng lực phân tích hiện tượng và ứng dụng các lý thuyết vào các mục tiêu thực tiễn. Thấy Tổng thống Park gật đầu biểu lộ đồng tình, tôi tiếp tục giải thích: “Trước hết phải thay đổi mục tiêu giáo dục. Chúng ta cần một nền giáo dục để trang bị cho nhân dân khả năng giải quyết vấn đề chứ không phải giúp họ lấy được bằng cấp và những cái khác…” Sau đó, tôi nói những suy nghĩ về phát triển nền khoa học và công nghệ. “Chỉ có một số ít người hiểu được rằng công nghệ cần thiết cho công nghiệp hóa, và biết được có thể kiếm được công nghệ từ đâu. Trong tình hình như vậy, tất cả những gì chúng ta cần hiện nay, đó là một cái gì trung gian nối liền với kinh doanh và giới hàn lâm để lựa chọn, giới thiệu, tiếp thị và ứng dụng công nghệ”.

Cuối cùng, tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo mới môi trường xã hội trong đó tất cả mọi người đều phải hiểu khoa học và tôn trọng công nghệ. Để tới được cái đích đó, chính bản thân Tổng thống cần phải đi đầu trong những nỗ lực theo hướng này.

 

CHỌN VIỆN KẾT NGHĨA

Vào khoảng tháng 4, 1964. Tổng thống Park mời các Viện trưởng của các Viện Quốc gia đến dự một bữa tiệc chiêu đãi. Tổng thống vui mừng khoe với mọi người về kỷ lục xuất khẩu áo len đạt tới 20 triệu USD. Tôi trả lời: “Kỷ lục này thật đáng biểu dương. Nhưng chúng ta còn phải bám vào những mặt hàng như thế này bao lâu nữa? Nhật Bản đã xuất khẩu đến 1 tỷ USD các sản phẩm điện tử. Sức mạnh này từ đâu ra? Câu trả lời là phát triển công nghệ”. Đột nhiên Tổng thống trở nên trầm tư. Có vẻ như suy nghĩ về một điều gì đó, mặt ông cau lại.

Cuộc viếng thăm nước Mỹ của Tổng thống Park vào tháng 6 năm 1964 có tính chất quyết định đối với việc thành lập viện công nghệ đầu tiên của Hàn Quốc – Viện KIST. Điều cuối cùng trong bảng thông cáo chung nói rằng: “Tổng thống Park hoan nghênh đề xuất của Tổng thống Johnson về việc gửi cố vấn khoa học của ông tới Hàn Quốc để cùng các đối tác Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp, khoa học và giáo dục xem xét tính khả thi của việc thành lập viện KIST”.

 

Chúng tôi cần một viện có thể nghiên cứu những công nghệ mà các doanh nghiệp tư nhân đòi hỏi.

Choi Hyung Sup

 

Để thực hiện thỏa thuận giữa hai Tổng thống, tiến sĩ Homing, cố vấn khoa học của Tổng thống Mỹ đến thăm Hàn Quốc để nghiên cứu tính khả thi của việc thành Viện KIST. Cùng đi với ông có James B. First, Viện trưởng Viện Bartell. Đoàn đã thăm giới kinh doanh và giới hàn lâm, Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử và viện Nhiên liệu Kim loại Tổng hợp. Sau đó TS Homing hỏi tôi: “Tôi hy vọng rằng một trong các viện của Mỹ sẽ xây dựng mối quan hệ kết nghĩa với viện KIST. Ông chọn viện nào? Rồi ông cho biết chính phủ Mỹ có vẻ muốn chọn Viện Bell, cơ sở nghiên cứu hàng đầu thế giới. Nhưng tôi trả lời: “Tình hình hiện tại chưa cho phép chúng tôi thành lập một nghiên cứu bao quát cả khoa học cơ bản lẫn các khoa học ứng dụng. Một viện như vậy đòi hỏi những đầu tư tài chính rất lớn. Chúng tôi cần một viện có thể nghiên cứu những công nghệ mà các doanh nghiệp tư nhân đòi hỏi”. Và tôi yêu cầu được kết nghĩa với viện Bartell bởi đó là một viện nghiên cứu theo hợp đồng, các kết quả nghiên cứu có thể ngay lập tức ứng dụng vào khu vực kinh doanh. TS Homing hơi bất ngờ khi nghe câu trả lời như vậy của tôi. Song đó là ý kiến chân thành của tôi: để tồn tại, không thể làm khác được.

KIST campus chính (Wikipedia)

 

TRƯỚC HẾT HÃY TÌM KHÁCH HÀNG

Tôi được bổ nhiệm làm viện trưởng đầu tiên của viện KIST vào ngày 3.2.1966, sau khi đoàn của Viện Bartell hoàn thành xong nghiên cứu khả thi đề án thành lập Viện KIST. Nhưng Uỷ ban Kế hoạch Kinh tế không hề nói gì về chuyện khi nào thì họ sẽ cấp ngân sách cho Viện. Do vậy công việc đầu tiên của cương vị mới của tôi là làm việc với cán bộ từ uỷ ban Kế hoạch Kinh tế.

 

Ngay sau khi thành lập viện KIST, chúng tôi đã đứng trước yêu cầu bắt buộc là phải tìm ra những con đường kết nối các nhà nghiên cứu viện KIST với giới kinh doanh.

Choi Hyung Sup

 

Vì không có văn phòng, chúng tôi bắt tay vào làm việc tại một phòng bệnh nhân ở bệnh viện, nơi mẹ tôi đang điều trị. Một hôm giám đốc chi nhánh của Ngân hàng Hanil cho tôi mượn một trong số các văn phòng của ông ta không lấy tiền. Vậy là chúng tôi chuyển đến tầng hai của một ngôi nhà đầy ruồi vì nằm cạnh chợ cá. Cần nói thêm rằng vị Giám đốc Ngân hàng nọ cho chúng tôi mượn văn phòng không phải vì hào phóng. Ông ta đủ khôn ngoan để hiểu rằng sớm hay muộn chính phủ cũng sẽ tài trợ cho hoạt động của chúng tôi. Hai tháng sau đó Uỷ ban Kế hoạch Kinh tế bắt đầu chuyển tiền vào chi nhánh của ông ta. Mặc dù ông ta van nài chúng tôi hãy ở lại lâu hơn, song ít lâu sau chúng tôi chuyển văn phòng sang một trong trụ sở của YMCA (Young Men’s Christian Association) trên phố Chongro, vì chúng tôi không thể tiếp khách nước ngoài trong một văn phòng đầy ruồi nhặng.

Ngay sau khi thành lập viện KIST, chúng tôi đã đứng trước yêu cầu bắt buộc là phải tìm ra những con đường kết nối các nhà nghiên cứu viện KIST với giới kinh doanh. Tôi hiểu nếu cứ hình thành các dự án nghiên cứu rồi mới đi tìm khách hàng để ứng dụng các kết quả nghiên cứu thì không hiệu quả bởi các nhà kinh doanh có suy nghĩ hoàn toàn tự nhiên rằng việc chấp nhận những công nghệ mới chưa được thử nghiệm bao giờ cũng là quá mạo hiểm. Nhưng một công ty đã tài trợ cho dự án nghiên cứu thì bắt buộc phải ứng dụng công nghệ mới bất chấp rủi ro. Đó là lý do vì sao tôi quyết định cơ chế hoạt động của viện là đưa vào thực hiện hệ thống nghiên cứu dựa trên cơ sở hợp đồng, cùng với khách hàng lựa chọn mặt hàng để nghiên cứu, sau đó bắt tay vào cùng nghiên cứu với khách hàng khi nào nhận được tiền hợp đồng.

 

TẠO VÀ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC

Một nhiệm vụ quan trọng khác là phải làm thế nào huy động được những những nghiên cứu có năng lực để thực hiện các nghiên cứu theo hợp đồng. Nhưng không thể lôi kéo các giáo sư đại học được, vì vậy sẽ gây ảnh hưởng xấu tới việc giáo dục của các trường. Tôi quyết định mời các nhà khoa học người Hàn Quốc ở nước ngoài về. Vấn đề là họ với điều kiện như thế nào. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tôi đặt ra một nguyên tắc để đảm bảo cho các nhà khoa học này quyền tự chủ trong nghiên cứu; những điều kiện sống ổn định, một môi trường nghiên cứu tuyệt diệu. Và điều quan trọng hơn là phải nâng cao uy tín xã hội của họ. Nhằm mục đích này, chúng tôi cung cấp cho họ nhà ở và bảo hiểm y tế, loại hình bảo hiểm thời đó Hàn Quốc còn chưa có; tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục con cái của họ, tôi trả lương cho họ bằng ¼ mực lương họ có thể nhận được ở Mỹ (vì rằng hầu hết các nhà khoa học đều từ Mỹ trở về). Mức lương này cao gấp 3 lần lương giáo sư đại học trong nước nhận được, do vậy Hiệu trưởng các trường đại học phản đối gay gắt, cho rằng đó là điêu không hợp lý, thậm chí có thể gây nên vấn đề xã hội. Tôi đã giải thích với họ đây là mức tối thiểu cần thiết để đảm bảo sao cho họ có thể chỉ chú tâm vào học tập và nghiên cứu mà không bị sao nhãng vào những vấn đề khác. Đây không phải số tiền đủ để dẫn họ đi vào cuộc sống xa hoa.

 

Một hôm, tôi được triệu tập lên Văn phòng tổng thống. Sau khi xem xét xong bảng lương của các nhà nghiên cứu Viện KIST, Tổng thống Park mỉm cười và nói: “Lương của hầu hết các nghiên cứu ở viện KIST còn cao hơn cả lương tôi”. Tôi nói với ông: “Nếu ngài cho rằng mức lương này là bất hợp lý thì ngài có thể giảm lương của tôi, nhưng không thể làm thế với những người khác được”.

Choi Hyung Sup

 

Vấn đề tiền lương không phải kết thúc ở đó. Có rất nhiều kiến nghị trực tiếp được gửi tới Văn phòng Tổng thống, trong đó có cả báo cáo của Bộ Khoa học và công nghệ gửi lên Tổng thống Park phản đối mức lương của viện KIST. Một hôm, tôi được triệu tập lên Văn phòng tổng thống. Sau khi xem xét xong bảng lương của các nhà nghiên cứu Viện KIST, Tổng thống Park mỉm cười và nói: “Lương của hầu hết các nghiên cứu ở viện KIST còn cao hơn cả lương tôi”. Tôi nói với ông: “Nếu ngài cho rằng mức lương này là bất hợp lý thì ngài có thể giảm lương của tôi, nhưng không thể làm thế với những người khác được”. Sau một thoáng, ông ta nói: “Cứ giữ nguyên thế”, và đứng dậy ra đi.

Để có sự đảm bảo pháp lý đối với hoạt động tự chủ của viện KIST, tối đề xuất một bản dự thảo luật đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho viện KIST. Bản dự thảo này tôi tự viết. Trước hết, tôi nói rõ rằng sự hỗ trợ tài chính của chính phủ cần được cung cấp dưới dạng “tiền quyên góp”. Và tôi đưa vào một điều khoản nói rằng viện KIST cần được miễn kiểm toán và kế hoạch hoạt động hàng năm của viện KIST không cần chính phủ phê duyệt, những điều khoản này nhằm ngăn chặn việc chính phủ can thiệp vào các hoạt động nghiên cứu.

Tại cuộc họp nội các, nhiều ý kiến quyết chống lại dự thảo luật. Chẳng hạn họ nói rằng: “sẽ mâu thuẫn với Luật tài sản Quốc gia nếu như tài sản Quốc gia có thể chuyển giao cho viện KIST, một pháp nhân độc lập và viện KIST không thể chi tiêu ngân sách nhà nước mà không có kiểm toán”. Cuối cùng, nhờ có Tổng thống Park khăng khăng đòi hỏi, sự thảo luật được trình lên Quốc hội.

Việc lựa chọn địa điểm đặt Viện KIST cũng rất khó khăn. Tổng thống Park khuyên tôi lên liên hệ với Viện thực nghiệm Lâm nghiệp để tìm địa điểm, song Bộ trưởng Bộ Nông lâm từ chối thẳng thừng, dù chỉ là chuyển giao một khoản đất nhỏ. Do vậy, tôi phải quyết định lấy một địa điểm ở khu vực ngoại ô thành phố Seoul. Khi Tổng thống Park nghe được về quyết định này, ông liền đến Viện thực nghiệm Lâm nghiệp, có Bộ trưởng Bộ Nông lâm, thị trưởng thành phố Seoul và tôi tháp tùng. Và ông ra lệnh chuyển giao toàn bộ diện tích 1.256km2 của Viện Thực nghiệm Lâm nghiệp cho viện KIST. Ông nói: “Viện Thực nghiệm Lâm nghiệp quan trọng, nhưng Viện KIST quan trọng hơn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế. Về sau, tôi đã thỏa hiệp bằng cách chỉ lấy 500km2 để giữ thể diện cho ngài Bộ trưởng Nông lâm.

Sau những chặng đường quanh co khúc khuỷu, chúng tôi đã tổ chức buổi lễ động thổ xây dựng viện KIST vào tháng 10 năm 1996.

 

TUYỂN CHỌN VÀ SỬ DỤNG NGHIÊN CỨU VIÊN

Tôi soạn thảo cuốn giới thiệu viện KIST để tuyển dụng các nhà nghiên cứu sau khi tham khảo ý kiến của viện Bartell và thăm tất cả các viện nghiên cứu và các trường đại học lớn ở châu Mỹ và châu âu. Sau đó, hơn 500 đơn xin việc đổ tới, trong đó số người có bằng kỹ thuật công nghệ chỉ có 10, còn lại là số có bằng khoa học cơ bản (các sinh viên Hàn Quốc hầu hết bị ép phải đi vào các khoa học cơ bản để nhận được học bổng của Mỹ, nơi mà vật lý lý thuyết và vật lý nguyên tử đang là trào lưu chính vào thời kỳ đó).

Tôi tới Mỹ để phỏng vấn 78 ứng cử viên được lựa chọn từ tất cả số người có đơn xin việc. Một hôm, một ứng viên, vốn là sinh viên cũ của tôi, phàn nàn: “Giáo sư, thầy biết em rất rõ, sao thầy không tin em?”. Tôi trả lời: “Khó có thể tin chỉ nghiên cứu những gì em thích thú. Cần cấp tốc tập trung vào những nghiên cứu có ích cho các hoạt động kinh doanh ngay cả khi chúng không thú vị đối với các nhà khoa học. Nếu em quyết định sai lầm do không hiểu biết hết được sứ mệnh của em và rồi đây sẽ bỏ cuộc thì điều đó sẽ gây nên những rắc rối nghiêm trọng. Tôi chỉ muốn chắc chắn rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào em cũng sẽ diễn đúng vai cần phải diễn của mình ở Hàn Quốc”. Bước đầu tôi lựa chọn 18 nghiên cứu viên, là những người đã có hơn 5 năm kinh nghiệm kể từ khi nhận bằng tiến sĩ.

 

Vào thời điểm viện KIST được thành lập, ở Hàn Quốc không có công nghệ nào đáng để gọi công nghệ theo đúng nghĩa của nó, và đối với các công ty, những cuốn chỉ dẫn kỹ thuật là nhu cầu cấp thiết hơn các nghiên cứu.

Choi Hyung Sup

 

Sau khi đọc tin này trên báo hàng ngày Dong-Ah, Tổng thống Park rất hài lòng gọi tôi đến văn phòng Tổng thống để biết chi tiết, và hỏi: “Trong số họ có ai là chuyên gia về lĩnh vực chế tác sắt?”. Tổng thống Park gạch dưới hai cái tên TS Kim chul – Woo và TS Kim Jae – Kwan, những người tham gia vào viện KIST với tư cách là những nhà nghiên cứu về sắt. Điều này cho thấy ông hết sức quan tâm đến sự nghiệp phát triển công nghiệp sắt.

Về sau, tôi lựa chọn thêm 35 nhà nghiên cứu nữa và gửi tất cả họ tới viện Bartell. Một nhà nghiên cứu, người đã từng làm việc tại viện Bell, phản đối lệnh này: “Vì sao ông lại cố gửi tới viện Bartell, một viện dưới tầm viện Bell?”. Tôi thuyết phục anh ta: “anh được gửi tới viện Bartell không phải để tăng kiến thức về lĩnh vực của mình mà để học cách kinh doanh. Trên tất cả, anh phải học cách làm thế nào xây dựng được những kế hoạch nghiên cứu có khả năng thu hút các nhà doanh nghiệp để nhận được đặt hàng nghiên cứu từ họ”. Vào thời điểm viện KIST được thành lập, ở Hàn Quốc không có công nghệ nào đáng để gọi công nghệ theo đúng nghĩa của nó, và đối với các công ty, những cuốn chỉ dẫn kỹ thuật là nhu cầu cấp thiết hơn các nghiên cứu. Do vậy, chủ trương của viện KIST là phải hài hoà nhu cầu của xã hội với sở thích của các nhà nghiên cứu.

Thời gian đó, các hoạt động sử dụng nhiều lao động, trong đó công nghiệp dệt trình độ sơ đẳng đang là nòng cốt của các ngành công nghiệp chiến lược. Cái mà các công ty dệt muốn có không phải là công nghệ về sản phẩm tổng mới, mà là kỹ thuật nhuộm hàng dệt. Sau khi thảo luận tôi chọn TS. Yoon Han – Shik tốt nghiệp khoa dệt trường Đại học kỹ thuật thuộc Đại học Tổng hợp Seoul, đã từng làm việc cho một công ty chế tạo phẩm nhuộm chủ trì đề tài này. Việc tôi lựa chọn TS Yoon chứ không phải các nhà nghiên cứu khác đầy kiêu hãnh với những học vị nước ngoài chủ trì đề tài là vì tôi hiểu rất rõ con người này luôn cố gắng tột đỉnh trong nghiên cứu. Và quả thật việc đặt lòng tin vào ông ta đã hoàn toàn đúng. TS.Yoon đã xây dựng nên một phương pháp sản xuất “hàng dệt Aramid”, được biết đến như là sợi tổng hợp thế hệ thứ ba. Lý thuyết mới trong lĩnh vực hình thái học của cao phân tử mà tôi đề xuất đã được đăng trên tạp chí “The Nature”, và đã thu hút sự quan tâm của cả thế giới.

 

THÔNG QUA LUẬT ĐẶC BIỆT

 

Rất đáng tiếc và rất không may là các nhà khoa học thường hay gặp rắc rối vì những thủ tục hành chính hơn là vì các công việc nghiên cứu. Dự thảo Luật đặc biệt nhằm bảo đảm cho các nhà nghiên cứu tránh khỏi những rắc rối không cần thiết.

Choi Hyung Sup

 

Sau khi kết thúc việc lựa chọn tất cả các nhà nghiên cứu, chúng tôi lại gặp phải một vấn đề lớn khác. Những phần cơ bản của Luật đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Viện KIST đã bị thay đổi hoàn toàn trong quá trình thảo luận và phê chuẩn của Quốc hội. Ví dụ, có một điều khoản nói rằng kế hoạch hàng năm và các tài khoản của viện KIST phải được chính phủ phê duyệt và kiểm toán. Tôi viết báo cáo gửi lên Tổng thống Park, ông nổi cáu và ngay lập tức ra lệnh cho phó Thủ tướng Chang Ki-Young sửa lại ngay luật này như đề xuất ban đầu. Khi dự thảo Luật sửa đổi được trình ra trong một phiên họp đặc biệt của Quốc hội vào tháng 3/1967, các đại biểu khăng khăng phản đối. khi được gọi tới để trình bày luận chứng của dự thảo luật sửa đổi tại Quốc hội, tôi nói: “Rất đáng tiếc và rất không may là các nhà khoa học thường hay gặp rắc rối vì những thủ tục hành chính hơn là vì các công việc nghiên cứu. Dự thảo Luật đặc biệt nhằm bảo đảm cho các nhà nghiên cứu tránh khỏi những rắc rối không cần thiết. Lẽ đương nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta khuyến khích các nhà nghiên cứu tiêu tiền theo kiểu hoang phí, ý tưởng ở đây là đảm bảo “một chế độ kỷ luật tự chủ cho chính các nhà nghiên cứu tự quản bắt nguồn từ nhu cầu của nghiên cứu – triển khai”. Và tôi nói thêm “nếu các vị nghĩ vậy, thì xin hãy tin tôi và thông qua dự thảo luật”. Sau nhiều tranh luận dài của các đại biểu có mặt, rốt cục, dự thảo phải được thông qua với số phiếu sít sao sau khi một đại biểu có ý kiến: “Không có đại biểu nào ở đây hiểu được khoa học và công nghệ một cách đầy đủ. Vậy thì hãy để mọi việc cho TS Choi, Viện trưởng của viện KIST. Hãy đợi và xem kết quả ra sao”.

 

NHỮNG NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ

Việc thành lập và quản lý Viện KIST được triển khai thực tế theo những ý tưởng riêng của chúng tôi chứ không phải của Mỹ như quan niệm của một số người. Sự hỗ trợ của phía Mỹ chủ yếu bao gồm các nghiên cứu khả thi, mà thực ra chỉ mang tính hình thức. Ngay cả việc những kinh nghiệm chúng tôi học được từ Viện Bartell đã thành lập một viện nghiên cứu theo hợp đồng cũng không ảnh hưởng gì đến việc điều hành độc lập và tự chủ của chúng tôi.

Ví dụ, hợp đồng dịch vụ tư vấn với viện Bartell được thực hiện theo yêu cầu của chính chúng tôi chứ không phải theo đề xuất từ phía Mỹ. Việc lựa chọn các chuyên gia nước ngoài cũng do phía chúng tôi quyết định (thông thường, phía tài trợ quyết định việc lựa chọn các chuyên gia để gửi tới các nước đang phát triển nhận viện trợ. Và thường là những chuyên gia không đủ năng lực chuyên môn, những người tương đối rỗi rãi, thì được gửi tới các nước đang phát triển).

Viện KIST với tư cách là một viện nghiên cứu làm việc theo hợp đồng có một số đặc trưng độc đáo. Mỗi phòng của Viện KIST đều có thể độc lập lãnh đạo một hệ thống nghiên cứu và phải chịu trách nhiệm về tất cả các chi phí cần thiết để thực hiện các nghiên cứu, bao gồm cả chi tiêu cho cán bộ, tiền thuê các phòng thí nghiệm và thiết bị. Ban đầu, các nghiên cứu vội vàng chiếm thật nhiều diện tích phòng thí nghiệm và sử dụng nhiều thiết bị, nhưng khi đã nhận thức được hệ thống này, họ tự giác thi đua với nhau theo hướng quan tâm đến hiệu quả của chi phí.

 

Về lĩnh vực quản lý, Viện KIST dựa trên nguyên tắc cấm ngặt hoạt động can thiệp trực tiếp của các cán bộ hành chính vào công tác nghiên cứu, hệ thống hành chính phải hỗ trợ mọi mặt cho nghiên cứu, các cán bộ hành chính không bao giờ được phép phê bình và cãi cọ với nghiên cứu viên.

Choi Hyung Sup

 

Viện KIST là một dự án khổng lồ với tổng giá trị 20 triệu đô la Mỹ do hai nước cùng tài trợ với tỷ lệ ngang nhau (tài trợ của phía Mỹ) chủ yếu dùng để mua thiết bị và trả chi phí tư vấn cho Viện Bartell. Trong việc lựa chọn thiết bị tôi đẩy đề ra quy định mua từng bộ phận để lắp đặt thành một hệ thống thiết bị hoàn hảo chứ không mua toàn bộ thiết bị. Tôi cho rằng việc mua những thiết bị không cần thiết chỉ vì còn dư tiền sẽ chỉ làm hỏng bầu không khí nghiên cứu. Bằng cách này chúng tôi đã tiết kiệm được 1,35 triệu USD trong số 10 triệu. Vậy nên tôi quyết định đem trả số còn lại cho cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Mỹ (USAID). Dự án có uy tín này được thực hiện theo sang kiến của cả hai Tổng thống, nên không thể để USAID có gì phải suy nghĩ, dù nhỏ. Ông Tổng giám đốc của USAID, quá ngạc nhiên khi nghe được đề xuất của tôi, đã bay sang Hàn Quốc để gặp tôi. Tôi quả quyết với ông ta rằng viện KIST đã được trang bị những thiết bị cơ bản cần thiết và chúng tôi có thể xoay sở để thỏa mãn những nhu cầu trong tương lai bằng cách giành lấy các hợp đồng nghiên cứu.

Về lĩnh vực quản lý, Viện KIST dựa trên nguyên tắc cấm ngặt hoạt động can thiệp trực tiếp của các cán bộ hành chính vào công tác nghiên cứu, hệ thống hành chính phải hỗ trợ mọi mặt cho nghiên cứu, các cán bộ hành chính không bao giờ được phép phê bình và cãi cọ với nghiên cứu viên. Những yêu cầu bất hợp lý của các nghiên cứu viên phải được báo cáo lên Viện trưởng hoặc phó viện trưởng để khuyến khích các giải pháp hoà giải giữa các nhà nghiên cứu. Một số người khác có thể quan điểm khác, riêng tôi hoàn toàn tin rằng sự trung thành triệt để đối với nguyên tắc này của các thành viên ban đầu của Viện KIST đã đóng góp rất lớn cho các hoạt động nghiên cứu đạt hiệu quả và hiệu ích cao.

 

SỰ HỖ TRỢ TOÀN DIỆN CỦA CHÍNH PHỦ

 

“Các nước đang phát triển không thể phát triển được khoa học và công nghệ nếu như người đứng đầu đất nước không nhận lấy vai trò lãnh đạo trên tuyến đầu.”

Stevan Dedijer, được Choi Hyung Sup dẫn lại

 

Tổng thống Park hết sức quan tâm đến việc nâng cao vị thế xã hội của Viện KIST. Trong suốt ba năm qua sau khi thành lập Viện KIST, mỗi tháng ông đến thăm viện hai lầm để trò chuyện với các nhà nghiên cứu. Bất cứ khi nào chúng tôi gặp phải sự chống đối của các Bộ trưởng, ông cũng đều bảo vệ quan điểm của chúng tôi. Chính vì thế các quan chức chính phủ phụ trách việc hỗ trợ viện KIST đã thay đổi cách nghĩ và thái độ của họ đối với Viện KIST. Như TS Stevan Dedijer khẳng định trong luận án của ông, nhan đề Sự kém phát triển của khoa học rằng “các nước đang phát triển không thể phát triển được khoa học và công nghệ nếu như người đứng đầu đất nước không nhận lấy vai trò lãnh đạo trên tuyến đầu”.

Tổng thống Park đề nghị tôi ghi nhớ lại hai điểm khi ông bổ nhiệm tôi làm viện trưởng viện KIST. Thứ nhất, tôi không phải lo lắng gì từ phía Uỷ ban Kế hoạch Kinh tế để đảm bảo ngân sách của viện KIST. Thứ hai, tôi không chấp nhận bất cứ yêu cầu cá nhân nào trong việc lựa chọn các nghiên cứu viên từ phía các quan chức và đại biểu quốc hội. Vì thế có vô số những yêu cầu cá nhân liên tục trút lên bàn tôi ngay khi tôi được bổ nhiệm làm viện trưởng viện KIST, tôi từ chối tất cả các yêu cầu đó.

Tôi xin kể một tình tiết liên quan đến ngân sách của viện KIST. Một hôm, ngay sau khi có thông báo về ngân sách năm tới để xây dựng toà nhà của viện KIST, tôi nhận được điện thoại của ông Kim Hak –Ryul, Thứ trưởng của Uỷ ban Kế hoạch Kinh tế đề nghị tôi thông cảm vì có tình huống không thể làm khác khiến ông phải chuyển 200 triệu won trong số 1 tỷ won Hàn Quốc mà chúng tôi yêu cầu sang cho một dự án khẩn cấp khác. Tôi trả lời: “Trong vấn đề ngân sách ông có toàn quyền. Vậy nên tôi hoàn toàn không có ý định can thiệp và công việc của ông. Nhưng tôi chỉ muốn ông nhớ cho rằng khối lượng công việc sẽ bị cắt giảm một cách tương ứng”.

Khi thứ trưởng của Uỷ ban Kế hoạch Kinh tế trình bày và các thành viên nội các thảo luận về ngân sách năm tới, Tổng thống Park đột nhiên hỏi: “Ngân sách của Viện KIST là bao nhiêu?”. Thứ trưởng Uỷ ban Kế hoạch Kinh tế trả lời: 800 triệu won, thưa ngài:. Tổng thống Park hỏi lại: “Thế ngân sách ban đầu mà viện KIST yêu cầu là bao nhiêu?”, Thứ trưởng lắp bắp” “Với sự thông cảm của Viện trưởng viện KIST, chúng tôi cắt giảm 200 triệu won trong số 1 tỷ won”. Tổng thống ra lệnh: “Hãy chuyển 1 tỷ won như yêu cầu ban đầu”. Tổng thống Park đã giữ lời hứa của ông với tôi cho đến cùng. Từ sau lần đó, Uỷ ban Kế hoạch Kinh tế không bao giờ cắt giảm ngân sách của viện KIST.

 

“Viện KIST, nơi ánh sáng không bao giờ tắt”

 

Trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của Viện ngày càng được xã hội thừa nhận, đánh giá cao, trước hết là sự ủng hộ toàn diện của Tổng thống Park và sự cố gắng quên mình của các nhà nghiên cứu chủ chốt, những người tận tụỵ hết lòng cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của đất nước. Vì thế, người ta gọi “Viện, nơi ánh sáng không bao giờ tắt”.

Choi Hyung Sup