Dẫn nhập sách: Tinh thần Tự lực của Samuel Smiles

by , under Dẫn nhập sách

Tiểu luận dẫn nhập

Đại tác phẩm TINH THẦN TỰ LỰC
và sự Tự cường của Nhật Bản Minh Trị

 Nguyễn Xuân Xanh

 

Mỗi người tự chủ, độc lập thì đất nước sẽ tự chủ, độc lập.

Fukuzawa Yukichi

 

Chúng tôi rất hoan nghênh Ban tu thư trường Đại học Hoa Sen xuất bản cuốn sách Tinh thần tự lực (Self-Help) của Samuel Smiles bằng tiếng Việt. Quyển sách có ý nghĩa lịch sử này xuất hiện hơn 150 năm trước tại Anh, Mỹ, và trở thành best-seller. Năm năm sau đó, khi xuất hiện tại Nhật Bản, cuốn sách đã gây ra một cơn chấn động trên khắp đất nước này. Vì sao vậy? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần hiểu bối cảnh của cuộc Duy tân thời Minh Trị (Meiji) trong buổi chuyển mình từ quốc gia phong kiến để trở thành cường quốc công nghiệp đầu tiên tại châu Á. Nhưng xin phép được nói ngay, quyển sách Tinh thần tự lực của Smiles như một “cẩm nang” đã góp phần quan trọng làm thay đổi tinh thần người Nhật trong đêm trước của cuộc công nghiệp hóa đang được thai nghén nhằm thay đổi nhanh chóng đất nước, thông qua vô số tấm gương phấn đấu sáng tạo của cá nhân trong cuộc cách mạng công nghiệp ở phương Tây được ghi lại cụ thể, giúp người đọc hình dung ra con đường mà mỗi cá nhân phải kinh qua để đi đến thành công. Không có những con người lao động trì chí, quyết tâm, sáng tạo và mang tinh thần độc lập, tự lực cao độ này, không thể có một nước Nhật hùng mạnh được. Tinh thần tự lực cũng giúp rèn luyện tính cách và đức hạnh cao quý của con người trong thời đại mới.

Hơn một thế kỷ rưỡi trước, người Nhật đã đối mặt với nguy cơ mất nước sau khi bốn chiếc tàu đen, kurofune, của Phó đề đốc Perry bắn phá tại cửa biển Edo (Tokyo) năm 1853, đòi Nhật Bản mở cửa, gây nên nỗi bàng hoàng trong dân tộc vốn được ghi lại trong mấy câu thơ dân gian sau đây:

Tàu đâu tỉnh giấc thanh bình

Chỉ có bốn chiếc, giật mình không yên[1]

Người Nhật ý thức được sự lạc hậu thâm niên của mình trước sức mạnh ưu việt của phương Tây, và nguy cơ có thể mất nước bất cứ lúc nào. Giới lãnh đạo Nhật đã theo dõi các diễn biến khác xung quanh khu vực, trong đó có Trung Hoa và Việt Nam. Mạc Phủ đã bắt buộc phải mở cửa, ký thương ước với Mỹ và các cường quốc khác trong những điều kiện bất bình đẳng để hoãn binh và bảo toàn ngắn hạn độc lập. Nhưng làm gì để thật sự thoát khỏi cơn sóng lớn đang dâng cao này? Bức tranh Kanagawa-oki nami ura (Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa) nổi tiếng của họa sĩ Hokusai vào những năm 1830 như đã báo trước nguy cơ hiện thực.

C:\Users\HP\AppData\Local\Microsoft\Windows\INetCacheContent.Word\Anh Tinh than Tu luc.jpg

Dĩ nhiên, có rất nhiều samurai yêu nước tức khắc đứng lên cầm gươm, súng chiến đấu anh dũng, với khẩu hiệu “Tôn vinh hoàng đế, đánh đuổi bọn man di”. Nhưng hoài công. Năm 1860, phong trào bài ngoại bằng bạo lực đạt đến đỉnh cao. Khi chiếc tàu ngoại giao Kanrin Maru của đặc sứ của shogun (tướng quân) đi Mỹ để phê chuẩn hiệp ước thương mại năm 1858 trở về, viên thuyền trưởng được khuyến cáo không nên mang lên bờ một cây dù mà ông ta đã mua tại San Francisco, trừ khi ông ta muốn bị các samurai cuồng tín chặt đầu. Trên chiếc tàu đó có Fukuzawa, người sau này sẽ là nhà khai sáng lỗi lạc của nước Nhật, và các sinh viên học ngoại ngữ Tây phương – tất cả đều bị những phần tử yêu nước quá khích xem là kẻ phản bội.

Nhưng giới lãnh đạo samurai của các tỉnh đã nhanh chóng thống nhất tầm nhìn: phải hiểu những nguồn gốc sâu xa và toàn diện của sức mạnh Tây phương, chứ không được phiến diện và cực đoan. Sau khi nghiên cứu họ thống nhất đi đến kết luận: chỉ có học văn minh Tây phương và tổ chức lại mọi mặt xã hội thì mới có đủ sức mạnh bảo vệ chủ quyền đất nước và để được công nhận và kính nể như một quốc gia bình đẳng. Một phong trào học hỏi bắt đầu. Điều ngạc nhiên là ở Nhật, cái học Trung Hoa từ chương lại không giết chết óc tò mò và sự háo hức muốn học hỏi cái mới. Nhật Bản cuối thời Tokugawa có văn hóa đọc phát triển không thua kém nước Anh. Có khoảng 17.000 trường học các loại, từ trung ương đến các tỉnh, trường tư shijuku, trường gōgaku dành cho cả con em samurai lẫn thường dân, và các trường cho dân thường (terakoya). Đầu thời Meiji, có khoảng 40-50% con trai, và 15% con gái biết đọc biết viết. Riêng Edo có dân số khoảng hơn một triệu, tỷ lệ biết chữ lên đến 70%. Một người nước ngoài nhận xét, không có làng nào không có trường học, và hầu như không ai không biết đọc. Những quyển sách hay xuất bản có thể lên đến 10.000 quyển.[2]

Giờ đây người Nhật muốn biết những quyển sách nào có thể truyền đạt những thông tin về cuộc sống ở các nước Tây phương, mô tả được tính cách của người Tây phương, tiết lộ các bí mật về sự thành công của họ.

Một phong trào học theo phương Tây diễn ra mạnh mẽ, bắt đầu ngay từ trước khi chính quyền Mạc Phủ sụp đổ. Họ gửi nhiều đoàn quan sát sang phương Tây để “bắt mạch” tại sao phương Tây lại có sức mạnh ưu việt về quân sự và thương mại như thế. Cao điểm là chuyến đi của đoàn thành viên cao cấp chính phủ có tên “Sứ mệnh Iwakura” năm 1871 – 1873 đi thăm Mỹ và những quốc gia tiên tiến của châu Âu, như Anh, Pháp, Đức, và Áo. Mục đích của họ là hiểu các loại khai sáng khác nhau để tìm một loại khai sáng phù hợp cho Nhật Bản. Họ cho rằng đằng sau sức mạnh ưu việt về quân sự, thương mại, hàng hóa là các thể chế chính trị, là “tinh thần văn minh”, “tinh thần tự do”, là sự cởi trói con người, cho con người đầy đủ đôi cánh tự do và trách nhiệm, là lòng yêu lao động sáng tạo, yêu khoa học. Không thể du nhập thuần túy kỹ thuật, máy móc, và vũ khí là đủ mà phải thay đổi cả thể chế, tạo ra các định chế, giáo dục toàn diện, giải phóng con người khỏi các rào cản truyền thống của xã hội phong kiến, và trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng hiện đại, phải làm cho họ biết tự lo, tự lực, như những chủ thể tự ý thức, thì mới mong có được “phú quốc cường binh” (fukoku-kyōhei). Có tự lo, tự lực, mới có tự chủ, cho cá nhân và quốc gia. Xa hơn nữa: toàn dân phải biết có “tham vọng”. Câu nói nổi tiếng của William S. Clark (1826 – 1886), người giúp Nhật Bản xây dựng trường nông nghiệp đầu tiên năm 1876, ngày nay là Đại học Hokkaidō, được ghi vào sử sách nước này như mệnh lệnh cho các sinh viên trong diễn văn chia tay của ông: “Các chàng trai, hãy có tham vọng” (“Boys, be ambitious”). Câu nói này được người Nhật khắc ghi trong tim, và ngày nay trở thành khẩu hiệu của Đại học Hokkaidō, được khắc dưới tượng của Clark.

Phong trào khai sáng nhanh chóng truyền lan. Nhà khai sáng Tsuda Mamichi viết: “Khi sự học phương Tây (Tây học) bước vào đất nước chúng ta, nó bị trấn áp, nhưng khi những chiếc tàu đen (của Perry) đến Uraga, định hướng của đất nước thay đổi, và Tây học truyền đi với vận tốc ánh sáng.” Tinh thần khai sáng này, tuy lúc đầu chỉ tập trung trong một nhóm nhỏ của một dân tộc 30 triệu người, nhưng sức mạnh của nó là mãnh liệt. Giới tinh hoa Nhật Bản thống nhất trong nhận thức. Nhóm keimo (khai sáng) nhanh chóng kéo theo cả số đông như kéo một đoàn tàu người “vẫn còn bám víu những lề lối suy nghĩ cũ, và… bị đánh lừa bởi những ý tưởng địa ngục, thiên đường, nhân quả định mệnh, thưởng phạt, ngũ hành, bói đất” (tsuda) để lao vào ‘cuộn sóng thần’ của thực học và cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa để bắt kịp phương Tây.

Nhà lãnh đạo hàng đầu, Itō Hirobumi, thủ tướng đầu tiên, và cha đẻ của hiến pháp đầu tiên của Nhật Bản 1871, là thuyền trưởng của con tàu khai sáng từ bên trong bộ máy, mạnh mẽ và hiệu quả, một yếu tố quan trọng cho sự thành công của cuộc Cách mạng Duy Tân, trong một bài diễn văn năm 1899, đã viết:

Chính sách quốc gia của Nhật Bản “mở cửa đất nước” không chỉ là một hành động mở cửa đất nước để có quan hệ với nước ngoài. Nhiều quốc gia trên thế giới mở rộng cửa nhưng vẫn tiếp tục thực hành các tập quán man di, và bất lực trong cải cách, cũng như tu chỉnh các tập quán đó để có thể tiến lên trình độ văn minh.

Trong một diễn văn trước đó cũng vào năm 1899, Itō tập trung vào việc thúc đẩy sự học như nền tảng của mọi sự phát triển trong xã hội:

[Từ lúc Duy tân Meiji] đến nay, Nhật Bản đã lấy văn minh làm mục tiêu của mình và chấp nhận sự học của châu Âu. Tuy nhiên, vì chúng ta có ít thời gian, và vì sự học của Nhật Bản trước Duy tân Meiji rất khác, nên sự tiến bộ của chúng ta chưa làm cho chúng ta ngang bằng các quốc gia của châu Âu và Mỹ. Do đó, chúng ta phải đặt kế hoạch cho một sự tiến bộ lớn hơn, và thúc đẩy học thuật cần được áp dụng vào những vấn đề thực tế của xã hội chúng ta. Nếu nhìn vào điều kiện các quốc gia văn minh của thế giới, chúng ta thấy những tiến bộ gần đây của họ là thật sự đáng kể, và rằng tất cả các doanh nghiệp và tổ chức khác nhau phát triển trong xã hội đều có nền tảng trong sự học.

Mặt khác, để giải phóng sức sáng tạo con người, các nhà lãnh đạo thời Meiji nhận ra nhu cầu phải nhấn mạnh hơn nữa vai trò của cá nhân, và trao cho họ đầy đủ quyền để hành động như chủ thể, điều mà xã hội phong kiến, hay chuyên chính, đã ngăn cấm. Xã hội cũ, tuy đã có thời kỳ phát triển rực rỡ với văn hóa Edo, nhưng bản chất vẫn còn là một xã hội với sức ỳ ghê gớm, trong khi xã hội Tây phương đã thức tỉnh, và các tầng lớp nhân dân đều tham gia vào sản xuất với sức mạnh cuồn cuộn. Giới lãnh đạo đã nhanh chóng dẹp bỏ những rào cản giai cấp của chế độ phong kiến để mọi người dân có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ trong đời sống kinh tế và dân sự để góp phần hữu hiệu cho cuộc canh tân đất nước.

Nhật Bản không phải chỉ thoát khỏi văn hóa Trung Hoa thôi, như nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi vạch ra, mà còn phải thoát khỏi cả cái quá khứ trì trệ đã tích tụ bao đời. Cần phải kích thích con người biết tự hành động, tự có động lực lo cho bản thân trong một định hướng mới. Cần phải vượt qua khỏi ngọn đèo quá khứ để thấy một chân trời mới tươi sáng. Sự chờ mong giúp đỡ từ thần linh, như các câu chuyện Tàu thường thấy, là trái với tinh thần tự lực. Tinh thần tự lực giống như đạo đức Tin Lành, muốn xây dựng hạnh phúc có thật trên Trái Đất bằng chính bàn tay siêng năng, cần cù của mình.

Điều mà người Nhật muốn đi tìm gấp rút là những quyển sách cung cấp thông tin về cuộc sống ở các nước Tây phương, nói lên tính cách mạnh mẽ của họ và tiết lộ các bí mật thành công của họ. Người Nhật không đọc sách để giải trí, mà trước nhất đi tìm sự chỉ dẫn một văn hóa sống mới hướng đến một lối sống mới, nhân sinh quan mới phù hợp với thế giới mới để “hóa thân”. Họ đói những quyển sách như thế. Sách giống như những gia sư của họ.

Vì thế người ta hiểu tại sao hai quyển sách On Liberty (Bàn về tự do) của J. S. Mill và Self-help (Tinh thần tự lực) của Samuel Smiles sớm được ra đời lần lượt năm 1870 và 1871, mà người dịch là Nakamura Masanao, hay Nakamura Keiu, và được đón nhận vô cùng nồng nhiệt, có thể “thách thức” với các tác phẩm của Fukuzawa. Người Nhật muốn được truyền cảm hứng để bước vào nền văn minh Tây phương, muốn thành công, và hiện đại như họ, với cả nỗi đam mê và ám ảnh.

Thực tế, Tinh thần tự lực thuộc về “Ba tác phẩm vĩ đại”, hay “Kinh thánh thời Minh Trị” (Meiji no seisho) cho đại chúng, cùng với Tây dương sự tình của Fukuzawa và Yochi Shiryaku (Tổng quan về Địa lý) bản dịch của Uchida Masao.

Nakamura sinh năm 1832 trong một gia đình samurai hạng thấp, nhưng do thành tích học thuật nên được nhận vào trường trung ương Shōheikō của Mạc Phủ. Ông được chính quyền Mạc Phủ gửi sang Anh làm giám sát viên của một nhóm sinh viên của Mạc Phủ. Chỉ sau một năm rưỡi ông trở về, mang theo hai quyển Self-help (quà tặng của một người bạn) và On Liberty. Self-help được dịch thành Saigoku Risshihen (Một tập hợp những câu chuyện thành công ở phương Tây), còn On Liberty được dịch thành Jiyū no ri (Nguyên lý của tự do). Nakamura cũng mang theo nhiều tác phẩm Anh, Mỹ, trong đó có Hiến pháp Mỹ, các bài tiểu luận của R.W. Emerson. Ông cũng thành lập một hội để truyền bá những ý tưởng của Anh về giáo dục thanh niên, tức là cùng hướng với Fukuzawa. Ông là người nổi tiếng thứ hai sau Fukuzawa, với tư cách là một đại biểu cho tư tưởng khai sáng, một nửa nhờ dịch phẩm Saigoku Risshihen, một nửa nhờ Jiyū no ri. Quyển Self-help là best-seller ở Anh, Ý, và Mỹ. Cho đến năm 1904 khi Smiles mất, có 250.000 người Anh mua Self-help, trong đó có Charles Darwin. Nhưng kết quả đó không sánh được với cơn khát đang dâng cao của thanh niên Nhật Bản: bản dịch được biết đã bán ra đến một triệu bản, với dân số khoảng 30 triệu, và được tái bản cho tới những năm 1920. Tinh thần tự lực là cẩm nang cho con người của xã hội công nghiệp mới.

Cuốn Tinh thần tự lực thể hiện tinh thần độc lập tự chủ của các cá nhân, và từ đó làm cho quốc gia độc lập và tự chủ. Cuốn sách trích lời của J. S. Mill ngay trang đầu: “Giá trị của một quốc gia, về lâu dài, chính là giá trị của những cá nhân tạo nên quốc gia đó.” Đó là tín hiệu mà quyển sách muốn truyền đạt: Muốn có một đất nước mạnh, độc lập, phải có những cá nhân mạnh và độc lập, thông qua tự rèn luyện, tự lo. Đó là điều kiện tiên quyết.

Trong Tinh thần tự lực, Smiles kể về những người “sáng tạo ra những phát minh mới” trong hàng ngũ những anh hùng của ông. Ông dành nhiều trang cho giai thoại về Richard Arkwright sáng kiến ra ống cuộn bông vải. Một trong những người ngưỡng mộ giai thoại này là Toyoda Sakichi, người sáng chế thành công ra máy dệt tự động năm 1897. Các hậu duệ của ông tiếp công việc của ông với xe hơi Toyota ngày nay. Bản dịch Saigoku Risshihen được trưng bày trong viện bảo tàng tại nơi sinh của ông.

Cuộc sống đối với Smiles là cuộc chiến đấu sinh tồn, như trong On the Origin of Species (Nguồn gốc các loài) của Charles Darwin. Đức hạnh của lòng kiên cường và niềm tin chắc tương lai là những giá trị dẫn đến thành công. Người làm đồ gốm Josiah Wedgwood và người kỹ sư George Stephenson là hai nhân vật ưa thích của Smiles, tượng trưng cho những giá trị đức hạnh đó. Con người phải tự khẳng định mình, bằng cách tự cải thiện mình, để không phụ thuộc vào quyền lực. Những công dân như thế không những làm cho nền kinh tế mạnh lên, mà còn có thể giới hạn những thiệt hại do những nhà lãnh đạo tồi gây ra nhất thời. “Ở đâu con người chịu bao biện và cai quản quá đáng, thì khuynh hướng không tránh khỏi là làm cho con người khờ đi.” Smiles căm ghét những người sinh ra trong giàu có và ưu đãi (thời Victoria của ông). Ông xem giai cấp quý tộc là một đám vô công rồi nghề. Đạo đức và cần cù, trì chí, sẽ giúp thành công, và đem lại giá trị đích thực cho con người. Nỗ lực vươn lên là nền tảng của xã hội, cũng như chìa khóa của thành công. Đối với người Nhật, risshin, hay vươn lên trong thế giới, đồng nghĩa với ý tưởng mới của độc lập, và tự quyết của các nhân, gắn liền hài hòa với độc lập và tự quyết của quốc gia.

Thời gian ra đời của quyển sách nằm giữa cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất và thứ hai mà các anh hùng không thuộc giai cấp quý tộc, mà là những thợ thủ công, những người từ giai cấp thấp đến trung lưu, bằng lao động cật lực và sáng tạo để vươn lên trong thế giới. Tinh thần tự lực viết về những con người đó. Quyển sách quá hay, một kho tàng vô giá gồm các túi khôn của những con người sáng tạo ra thế giới, không thể không đọc đối với những dân tộc nào muốn đi trên con đường thay đổi số mệnh và chinh phục hạnh phúc, góp phần vào sự phồn vinh chung của xã hội.

Sau Robinson Crusoe, và Self-help, hàng loạt dịch phẩm nối nhau ra đời tại Nhật Bản, từ tiểu sử của các vĩ nhân như Hómēros, Bacon, Shakespeare, Voltaire và Napoléon, truyện ngụ ngôn Aisōpos (đã được xuất bản bởi các cha Dòng Tên từ 1593), đến Kinh Thánh, The Pilgrim’s Progress của John Bunyan, De l’esprit des lois của Montesquieu (1876), một phần của Tân Ước (1877), và Du contrat social của J.-J. Rousseau (1877). Người Nhật bước vào giai đoạn nhìn về phía trước một cách quyết liệt, không ngoái nhìn quá khứ của chính mình hay của phương Đông, đặc biệt đối với “cái nôi Trung Hoa”. Trước mắt, họ muốn thoát cả cái quá khứ quá yên tĩnh, không sinh động, tự mãn kia. Họ hiểu Nhật Bản hiện đại không thể bay lên cao bằng đôi cánh Trung Hoa cũ kỹ, mà bằng đôi cánh của văn minh Tây phương.

Nhật Bản dịch vô số sách của phương Tây, cũng như thuê rất nhiều giáo viên nước ngoài làm tác nhân để thực hiện cuộc chuyển đổi lịch sử. Khoảng ba ngàn thầy giáo và kỹ thuật gia đã được mời đến Nhật trong khoảng thời gian 1868 – 1890, trong đó có David Murray (Mỹ) của Đại học Rutgers, New Jersey, người đã giúp xây dựng hệ thống trường tiểu học, và Ludwig Riess (Đức) thiết lập khoa nghiên cứu lịch sử tại Đại học Tōkyō.

Thú vị làm sao nếu chúng ta biết rằng sau Tinh thần tự lực, năm 1878, hoàng hậu Shōken dịch bài “Mười ba đức hạnh” mà Benjamin Franklin soạn năm 1726 để tu thân sang thể thơ truyền thống Nhật để phổ biến. Bà đã học các đức hạnh này như một phần giáo dục của bà từ gia sư Khổng giáo Motoda Eifu rất ảnh hưởng của hoàng cung. Bà hoàng hậu thi sĩ nhìn các đức hạnh của Franklin như một đạo đức mới của xã hội công dân. Đông Tây gặp nhau. Thật ra những đức hạnh như chuyên cần và tiết kiệm đã có trên miếng đất Nhật Bản, cũng như trên các quốc gia chịu ảnh hưởng Nho giáo. Người Nhật có hơn một túi khôn đức hạnh cần thiết. Nay họ tiếp nhận thêm luồng gió mới và tiếp nhận một cách dễ dàng. Nhưng trong xã hội phong kiến và lạc hậu, chúng không dẫn đến những thay đổi lớn. Các đức hạnh chỉ đưa đến thay đổi khi con người bắt đầu sử dụng khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo. Anh hay châu Âu không có nền tảng này thì cũng không thể làm nên những thần kỳ. Người Nhật nhìn thấy qua Tinh thần tự lực sự vươn lên của những con người “bình thường nhưng lại khác thường” nhờ ở nền tảng khoa học công nghệ đó. Cho nên họ ra sức học.

Người Nhật yêu độc lập dân tộc bằng hành động cụ thể của từng người để hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Họ chăm chút thay đổi từng con người như tế bào của một cơ thể. Họ muốn làm một người Nhật có đầy đủ phẩm chất sáng tạo của một công dân ở các quốc gia công nghiệp. Họ muốn là người Tây phương ở phương Đông. Họ say đắm với văn minh Tây phương, với khoa học, công nghệ, thương mại, văn hóa, và nghệ thuật Tây phương, những lãnh vực như những dòng sông lớn của sự sáng tạo Tây phương. Nền văn minh Tây phương có sức bật, giải phóng sức sáng tạo vô hạn trong con người. Người Nhật muốn học làm chủ các bí quyết của sức mạnh kinh tế và quân sự thần kỳ của phương Tây. Họ không muốn cam chịu làm dân tộc hạng ba, hạng hai, mà phải là hạng nhất, từ học đường cho đến nhà máy. Thay đổi của họ xuất phát từ cả trái tim rực lửa. “Chúng ta không thể đem lại những thay đổi mà không có trái tim của chính chúng ta” như nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi nói. Họ thay đổi bằng trái tim. Họ tiếp thu văn minh Tây phương bằng trái tim, bằng hành động sáng tạo, để nhanh chóng ngang bằng với phương Tây. Các nhà khai sáng Nhật Bản xem trọng sự phát triển cá nhân, không phải dành riêng cho hạnh phúc cá nhân, mà để đóng góp hữu hiệu vào tiến bộ và sức mạnh quốc gia. Cá nhân èo uột thì quốc gia sẽ suy vong. Cá nhân không tiến bộ thì quốc gia lạc hậu. Cá nhân nghèo khó, quốc gia sẽ yếu đuối. Ngược lại, cá nhân có độc lập thì quốc gia mới có độc lập. Cá nhân giàu có thì đất nước mới phồn vinh.

***

Ban Tu thư Đại học Hoa Sen cho ra đời quyển Tinh thần tự lực bằng tiếng Việt là rất đúng lúc, vì chỉ còn ba năm nữa Nhật Bản sẽ kỷ niệm sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử của họ: 150 Năm Duy tân Meiji.

Cuộc đấu tranh để tồn tại, để giang sơn vững bền mà người Nhật đã chiến đấu 150 năm trước bằng tất cả sức lực của một đất nước lạc hậu, phong kiến, đấu tranh trước nhất bằng “nhận thức làm gì?”, đối với Việt Nam vẫn chưa đi qua. Cuộc chiến đấu và nhận thức ấy vẫn còn nằm ở phía trước. Sự loay hoay từ mấy thập niên qua, sự chậm chạp của cả trăm năm lịch sử từ khi tiếp xúc với phương Tây, cho thấy giới tinh hoa chưa thấy con đường ra một cách dứt khoát như giới keimo Nhật Bản đã làm. Lực lượng tinh hoa chưa tập trung trí tuệ để trả lời câu hỏi lịch sử: Làm gì để đất nước vĩnh viễn khỏi bị bắt nạt, đe dọa, và được đối xử bình đẳng, đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên tiến? Chúng ta không thể để mãi thời gian phí hoài. Thế giới không chờ đợi ta.

Chúng ta hy vọng Tinh thần tự lực sẽ trở thành best-seller ở Việt Nam. Mời độc giả mở quyển sách ra để thấy kho báu tinh thần của một thế giới mới ẩn mình trong đó.

NXX

Cuối năm 2016


Chú giải:

[1] Nguyên tác: 泰平の/ 眠りを覚ます/ 上喜撰/ たった四杯で/ 夜も眠れず;Taihei no/ nemuri o samasu/ jōkisen/ Tatta shihai de/ yoru mo nemurezu. (Bản dịch của Vĩnh Sính)

[2] Xin xem thêm “Tại sao người Nhật mê đọc sách?