HEGEL NÓI VỀ TRUNG HOA,
KHOA HỌC VÀ TINH THẦN PHƯƠNG ĐÔNG
Nguyễn Xuân Xanh chọn lọc và chuyển ngữ
W. F. Hegel (1770-1831)
Lời nói đầu. Bài này tôi đã thực hiện khoảng năm 2010 và được đăng trong số Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm, tr. 461-467. Nó có phần abstract tiếng Anh và phần tóm tắt tiếng Việt. Tôi vẫn giữ nguyên. Tôi đăng lại và vẫn giữ nguyên nội dung, trước nhu cầu hiện nay muốn hiểu về Trung Quốc.
Mô hình hiện tại của Trung Quốc vẫn dựa trên mệnh lệnh của một người mà quyền lực tương đương với hoàng đế thuở trước. Ông khôn ngoan hơn, biết phát triển kinh tế thị trường (theo Adam Smith) đồng thời ra sức kích thích nghiên cứu khoa học công nghệ bằng nhiều chính sách đầu tư có định hướng, một loại bàn tay hữu hình, để phục vụ cho kinh tế và làm cho nó có tính ưu việt, biết nghiên cứu và áp dụng những kinh nghiệm và thành tựu của các quốc gia phương Tây đi trước rồi làm cho tốt hơn một cách tham vọng. Trong khi đó, truyền thống của phương Tây là dựa vào sự sáng tạo cá nhân của dân chúng là chính, nguồn sáng tạo muôn đời đã tạo ra nhiều cuộc cách mạng, như cách mạng khoa học, cách mạng công nghiệp, và những cuộc cách mạng như thế trong thế kỷ 20 – vì lợi ích chính của cá nhân, self-interest, trước tiên, nhưng thông qua bàn tay vô hình của Adam Smith, lại phục vụ lợi ích chung rất lớn. Bàn tay hữu hình của họ cũng có, như sự đầu tư có tính entrepreneurial, của các quốc gia phát triển vào công nghệ lõi đi trước thời cuộc như Hoa Kỳ thời Thung lũng Silicon, hay các quốc gia phát triển khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan sau đó, được xem như một phần của nhà nước kiến tạo phát triển của các quốc gia đi đầu của Đông Á, nhưng không phải có tính chất “chỉ huy chủ nghĩa” như ở Trung Quốc. Và cũng không phải để đổi lấy tự do dân chủ của người dân. Mà ngược lại. Chỉ có trong tự do khoa học đích thực mới phát triển được. Hy lạp cổ đại thời Khai sáng Ionia sáu thế kỷ trước Công nguyên là nền tảng và mẫu mực, cái nôi của khoa học phương Tây. Người dân phương Tây tự chủ, tự-hành động, tự-ý thức, và có lòng yêu thích khoa học, sáng tạo, như Hegel nói, và là cái bễ sáng tạo muôn đời. Khoa học đã từng tắt đi cả ngàn năm rồi cũng tự động sáng lại cùng với các đại học Trung cổ, không phải chỉ chờ sự kích thích từ minh quân. Kant viết trong cuộc Tranh cãi của các khoa: “Chỉ có một yêu cầu khiêm tốn là được tự do, và chỉ tự do thôi, để tìm ra chân lý, điều có lợi cho khoa học và cho các phân khoa khác (ứng dụng), và chân lý đó đối với chính quyền không có gì phải nghi ngờ và cũng không thể thiếu được.” Tìm hiểu Trung Quốc vẫn còn là đề tải ở phía trước.
Nguyễn Xuân Xanh 6/8/2023
Abstract. In his “Lectures on Philosophy of History” (1822-1830) Hegel examined Chinese society’s social-political structure and mentality of Chinese people developed under the despotism and argued among other things why Chinese scientific spirit couldn’t develop as in western Europe. There is in China absolute egality, but not freedom. The emperor is like the sun, which people have to turn around. He is chief both in religious affairs and in science. Hegel also examined the ‘oriental spirit’ in his historical-political studies at Frankfurter time. The lack of freedom is the key to understanding the oriental society. “World history is the record of the spirit’s efforts to attain knowledge of what it is in itself. The Orientals do not know that the spirit or man as such are free in themselves. And because they do not know that, they are not themselves free. They only know that One is free…. The consciousness of freedom first awoke among the Greeks, and they were accordingly free; but, like the Romans, they only knew that Some, and not all men as such, are free…. The Germanic nations, with the rise of Christianity, were the first to realize that All men are by nature free, and that freedom of spirit is his very essence”. We translate some extracts.
Tóm tắt. Hegel đã có một số bài viết về Trung Hoa để tìm hiểu và lý giải nhiều đặc tính của dân tộc đông dân nhất này, cũng như ông đã viết về Tinh thần của phương Đông. Sự thiếu vắng tự do là chìa khóa để hiểu xã hội phương Đông. “Lịch sử thế giới là sự ghi lại các nỗ lực của tinh thần để đạt đến tri thức cái gì là nội dung trong đó. Người phương Đông không biết rằng tinh thần hay con người tự nó là tự do. Và bởi vì họ không biết điều đó, họ không tự do. Họ chỉ biết rằng Một người tự do…Ý thức tự do lần đầu tiên được đánh thức bởi người Hy Lạp, và cho nên họ tự do; nhưng, cũng như người La Mã, họ chỉ biết Vài người, và không phải tất cả mọi người tự do. Các quốc gia german, với sự xuất hiện của Kitô giáo, là những người đầu tiên nhận thức rằng Tất cả mọi người là tự do tự bản chất, và tự do của tinh thần là nội dung chủ yếu của nó.” Những suy nghĩ của Hegel vẫn còn đáng để suy ngẫm cho hôm nay. Quá khứ giúp hiểu thêm hiện tại, nhưng cũng không phải tất cả. Mỗi dân tộc có thể tự mình vượt lên những rào cản lịch sử để đổi mới. Chúng tôi xin lược dịch một số đọan liên quan để tìm hiểu tinh thần xã hội và khoa học của người Trung Hoa (phần đầu), và về tinh thần của người phương Đông (phần 2) nhân có các bài viết về Trung Quốc trên đường đổi mới hiện nay trong số kỷ yếu.
Nguyễn Xuân Xanh
Về Trung Hoa
Đế chế này đã sớm thu hút sự chú ý của những người châu Âu, dù chỉ qua các truyện kể. Người ta luôn luôn ngưỡng mộ một xứ sở tự tổ chức và dường như không có quan hệ gì với thế giới. […]
Các triều đại ở Trung Hoa thường thay đổi, và hiện tại là triều đại thứ hai mươi hai. Cùng với sự hưng thịnh suy vong của các triều đại, các thủ đô cũng thay đổi theo. Một thời gian dài, Nanking là thủ đô; bây giờ là Peking, trong khi trước đó có những thủ đô khác. Trung Hoa phải chiến đấu nhiều phen với những người Tartar thâm nhập sâu vào lãnh thổ. Vạn lý trường thành, luôn luôn là một kỳ quan, được Tần Thủy Hoàng xây dựng để ngăn chặn các cuộc xâm lấn của những dân tộc du mục. Ông Hoàng này đã chia đế chế thành ba mươi sáu tỉnh, đã làm cho mình trở thành đặc biệt bằng sự tiêu diệt văn học cổ, đặc biệt những tác phẩm lịch sử, và các công trình nghiên cứu lịch sử nói chung. Ông làm điều đó với chủ đích củng cố triều đại mới của mình bằng cách thủ tiêu ký ức của các triều đại trước. Sau khi sách sử được thu gom lại và đốt đi, hàng trăm học giả phải chạy nạn lên núi để cứu lấy những gì còn sót lại. Ai trong số họ nếu không thoát khỏi bàn tay của ông sẽ chịu chung số phận với những quyển sách. Cuộc đốt sách này là một sự kiện rất quan trọng, bởi vì mặc dù thế các sách kinh điển vẫn còn tồn tại như điều có thể thấy khắp nơi. […]
Nền tảng gia đình này cũng là nền tảng của hiến pháp (Constitution), nếu chúng ta có thể nói điều đó. Bởi vì mặc dù hoàng đế có quyền như một ông vua đứng đầu tòa nhà quyền lực, nhưng ông hành xử như một người cha đối với những đứa con. Ông là gia trưởng, và tất cả những gì trong nhà nước đòi hỏi sự kính trọng đều gắn liền với ông. Vì hoàng đế cũng là thủ lãnh của tôn giáo và khoa học, điều này sẽ được đề cập chi tiết sau. Sự chăm sóc gia trưởng này của vị hoàng đế, và tinh thần của các thần dân, như những đứa con không được phép bước khỏi vòng lễ giáo gia đình, cũng như không được hưởng quyền tự do dân sự và tự chủ, điều đó biến tất cả thành một đế chế, một nền hành chánh, và phép tắc xã hội, điều đồng thời có tính chất đạo đức nhưng nói chung vô vị, nghĩa là hiểu được nhưng không có lý tính tự do hay óc tưởng tượng.
Một điều đáng xem xét nữa là nền hành chánh của hoàng đế. Ở đây chúng ta không thể nói đến một hiến pháp, vì dưới hiến pháp người ta hiểu rằng cá nhân và đoàn thể sẽ có các quyền tự chủ, một phần đối với các quyền lợi đặc biệt của họ, một phần đối với cả hệ thống nhà nước. Nhân tố này thiếu vắng ở đây, cho nên chúng ta chỉ có thể nói đến một nền hành chánh của đế chế. Trung Hoa là đế chế của sự bình đẳng tuyệt đối, và tất cả những sự khác biệt khả dĩ đều có liên quan đến nền hành chánh, và đến chức vị con người đạt được trong bộ máy. Bởi vì ở Trung Hoa chỉ có bình đẳng ngự trị, chứ không có tự do, cho nên chuyên chính là hình thức tất yếu của chính quyền. Với chúng ta, con người chỉ được bình đẳng trước pháp luật và trong sự tôn trọng tư hữu của người khác; ngoài ra họ còn có nhiều quyền lợi cá nhân và nhiều sở thích cá biệt khác, những thứ đó cần được bảo đảm nếu tự do phải có cho chúng ta. Ở đế chế Trung Hoa những quyền lợi đặc biệt này tự nó không là chính đáng, và quyền hành chỉ xuất phát từ hoàng đế, được thực hiện bởi một hệ thống thứ bậc của công chức và quan lại. Giới này có hai loại, quan lại có học thức, và quan lại quốc phòng, loại sau chính là các sĩ quan của chúng ta. Quan lại có học thức có vị trí cao hơn, vì ở Trung Hoa việc dân sự quan trọng hơn việc quốc phòng. Các công chức được đào tạo ở trường học. Các trường sơ cấp được thành lập để cung cấp các kiến thức căn bản. Các cơ sở giáo dục cao, như đại học ở chúng ta, không có. Ai muốn có các chức vụ nhà nước cao thì phải qua nhiều kỳ thi, theo nguyên tắc ba kỳ. Ở kỳ thi thứ ba và là cuối cùng hoàng đế hiện diện, và kỳ thi này chỉ dành cho những ai đã qua hai kỳ thi trước, và phần thưởng, nếu hạnh phúc đậu được, là được kết nạp vào Hội đồng nhà nước cao nhất. Các môn khoa học, mà kiến thức chúng được đòi hỏi đặc biệt, là lịch sử đế chế, khoa học luật và kiến thức về đạo đức và phong tục, cũng như về tổ chức và hành chánh. Ngoài ra các quan lại cần có tài thơ phú đặc biệt.
Vào những ngày lễ lớn, hoàng đế xuất hiện với một đoàn tùy tùng gồm hai nghìn tiến sĩ, nghĩa là các quan lại dân sự, và cũng ngần ấy quan lại quốc phòng. (Trong cả nhà nước Trung Hoa có khoảng 15.000 quan lại dân sự và quốc phòng). […]
Những điều nói trên làm sáng tỏ, hoàng đế là trung tâm điểm mà tất cả phải xoay quanh và tất cả sẽ trở về đó. Hạnh phúc của đất nước và nhân dân cũng tùy thuộc vào hoàng đế. Cả cái hệ thống cấp bậc của nền hành chánh hoạt động ít nhiều theo quán tính, và trở thành một thói quen dễ chịu trong tình trạng yên bình. Đơn điệu và đều đặn như sự vận động của tự nhiên bộ máy đó đi theo con đường của nó một ngày như mọi ngày; chỉ có hoàng đế là linh hồn tích cực, tỉnh táo và tự-hành động. Nếu nhân cách của hoàng đế không có phẩm chất vừa nói, nghĩa là đạo đức, cần cù và tích cực với một phẩm giá, thì tất cả sẽ suy yếu đi, và tình trạng chính phủ từ trên xuống dưới sẽ bị tê liệt, nhường chỗ cho sự tắc trách và chuyên quyền. Bởi vì không có một quyền lực, trật tự nào khác hơn là quyền lực được buộc chặt và giám sát của hoàng đế. Không phải lương tâm cá nhân hay danh dự là động cơ của công chức khiến họ trách nhiệm, mà là mệnh lệnh áp đặt và sự bảo vệ nghiêm ngặt mệnh lệnh đó. […]
Vì vinh dự không có, và không ai có quyền đặc biệt nào trước bất cứ ai, ý thức của sự bị làm nhục là phổ biến, điều dễ dàng biến thành một thứ tiềm thức của sự thấp hèn. Sự thấp hèn này có liên quan đến tính phi-đạo-đức của người Trung Hoa. Họ có tiếng sẵn sàng lừa dối ở đâu họ có thể: một người bạn lừa dối người bạn, và không ai thấy người khác xấu nếu sự lừa dối bất thành hay đến tai người đó.
Người Trung Hoa rơi vào một sự mê tín vô cùng tận; sự mê tín này dựa trên sự không trưởng thành của nội tâm, và giả định điều ngược lại của tự do tinh thần. Ở mỗi việc làm, chẳng hạn như xem vị trí một căn nhà hay một nơi chôn cất, hay những cái tương tự khác, các thầy bói được hỏi ý kiến. […] Những gì xuất hiện có tính chất ngẫu nhiên đối với chúng ta, như một hiện tượng tự nhiên, thì người Trung Hoa đi tìm một sự diễn giải bằng ma thuật, và điều đó nói lên tính “phi- tinh-thần” (Geistlosigkeit) của họ.
Sự giáo dục Khoa học Trung Hoa có liên quan đến sự thiếu hụt tính nội tâm đặc thù này. Khi chúng ta nói về khoa học Trung Hoa, một tiếng tăm lớn hiện ra trên phương diện đào tạo và những thành quả của thời cổ đại của khoa học. Nếu đến gần hơn, chúng ta sẽ thấy rằng khoa học được tôn vinh nhiều, được ngưỡng mộ và khuếch trương công khai từ chính quyền. Chính hoàng đế đứng đầu lãnh vực văn học. Một Hội đồng nhà nước riêng có nhiệm vụ biên tập các đạo luật của hoàng đế, để chúng được thảo ra với văn phong hay nhất, bởi vì đó là một công việc quan trọng của nhà nước. Sự hoàn mỹ của văn phong này phải được các quan lại kiểm tra trước khi được công bố, bởi vì hình thức phải tương xứng với tính ưu việt của nội dung. Một trong những cơ quan nhà nước cao nhất là hàn lâm viện khoa học. Các thành viên được chính hoàng đế sát hạch; họ sống trong cung điện, một phần là thư ký, một phần là các nhà viết sử của đế chế, vật lý gia, địa lý gia. …
Nếu một mặt khoa học tỏ ra được kính trọng và vun bồi, thì mặt khác nó thiếu đi mọi mảnh đất của tính nội tâm (tính chủ thể), và thiếu đi sở thích khoa học đích thực, điều mà có thể đưa đến việc nghiên cứu có tính chất lý thuyết. Vương quốc tinh thần tự do và lý tưởng không có chỗ đứng ở đây, và cái được gọi là khoa học chỉ có tính chất thực nghiệm, nhằm phục vụ cho lợi ích thiết thực cho nhà nước và cho các nhu cầu của nó, và của cá nhân. […]
Người Trung Hoa bị tụt hậu xa trong toán học, vật lý và thiên văn học, dù trước đây họ đã từng nổi tiếng trong các ngành đó. Họ đã biết rất nhiều khi những người châu Âu chưa khám phá, nhưng họ không biết ứng dụng những khám phá của họ, chẳng hạn như la bàn, nghệ thuật in sách. Thực vậy, liên quan đến kỹ thuật in, họ dừng lại ở việc khắc chữ trên bản gỗ rồi in ra; họ không hề biết kỹ thuật in chữ di động. Thuốc súng chắc họ cũng đã khám phá trước người châu Âu, nhưng các cha dòng Tên phải đúc những cây súng cà-nông đầu tiên cho họ. Về toán học, họ tuy biết tính toán, nhưng mặt cao hơn của khoa học thì họ không biết. [….]
Họ đem các chiếc viễn vọng kính mà người châu Âu tặng làm quà trưng bày làm vật trang trí, chứ không biết sử dụng chúng. Y khoa cũng được họ thực hành, nhưng chỉ là thực nghiệm, pha lẫn với sự mê tín lớn nhất. Nói chung dân tộc này có một khả năng bắt chước vô cùng to lớn, được thể hiện không những trong đời sống thường ngày mà còn cả trong nghệ thuật. [….]
Dân tộc này có một kỹ năng bắt chước đặc biệt, được thể hiện không những trong đời sống thường ngày mà còn cả trong nghệ thuật. Họ vẫn chưa thành công để diễn tả cái đẹp như cái đẹp, bởi vì ngành hội họa của họ thiếu viễn cảnh và bóng. Mặc dù một họa sĩ Trung Hoa có thể sao chép các bức họa châu Âu chính xác như mọi thứ khác nếu anh ta biết chính xác có bao nhiêu vảy trên con cá chép, bao nhiêu khía trên lá cây, hình dáng của nhiều loại cây và độ cong của các cành cây, thì cái cao quý, cái lý tưởng và cái đẹp vẫn không phải nền tảng của nghệ thuật và kỹ xảo của anh ta. Người Trung Hoa mặt khác quá tự hào để học cái gì của người châu Âu, mặc dù họ thường phải thừa nhận những cái ưu việt của châu Âu. Cho nên khi một nhà buôn ở Kanton đặt đóng một chiếc tàu kiểu châu Âu, thì theo lệnh của vị cầm quyền, tức khắc chiếc tàu đó bị phá hủy. Người châu Âu được xem như những người khất thực, bởi vì họ phải từ bỏ quê hương để đi tha hương kiếm sống. [….]
Đó là tính cách của dân tộc Trung Hoa xét về mọi mặt. Tính đặc trưng của dân tộc đó là, tất cả những gì thuộc về tinh thần (Geist), như tính luân lý, đạo đức trong sự tự do, tâm thức, tôn giáo nội tâm, khoa học, và nghệ thuật đích thực, đều xa lạ với nó. Hoàng đế luôn nói với dân với vẻ oai nghiêm, với đức độ và sự dịu dàng như người cha, trong khi dân tộc thì mang trong mình sự tự-ý-thức tồi tệ nhất, và tin rằng mình sinh ra là chỉ để kéo lê cỗ xe quyền lực của sự oai nghiêm hoàng đế chúa. Cái gánh nặng kéo họ xuống đất dường như chỉ là một định mệnh không tránh khỏi, và họ không cảm thấy kinh hoàng khi phải tự bán mình làm nô lệ, và phải ăn “cơm thiu” của cảnh đời nô lệ. Tự sát, như hậu quả của sự trả thù, và sự vứt con ra đường như chuyện thường ngày, là minh chứng cho sự tôn trọng ít ỏi mà người ta dành cho nhân loại và bản thân. Và mặc dù không có sự khác biệt từ nguồn gốc, và tất cả mọi người đều có thể đạt tới đỉnh cao danh giá (hay địa vị), thì chính sự bình đẳng này không phải là giá trị đã giành được của một con người nội tâm, mà là tự-ý thức nô lệ chưa trưởng thành để có thể công nhận các sắc thái riêng.
(Trong [1] Các bài giảng về triết học của lịch sử)
Tinh thần phương Đông
Người phương Đông có những tính cách (character) cố định. Một khi đã hình thành, chúng không bao giờ thay đổi nữa. Họ không bao giờ từ bỏ định hướng của con đường nữa một khi họ đã chọn. Tất cả những gì nằm ngoài con đường đó đều được xem như không tồn tại đối với họ. Còn cái gì trên con đường quấy rầy họ đều trở thành thù địch. Tính cách của họ, một khi đã hình thành cố định, không thể đi chệch ra khỏi nó, không thể tiếp thu cái gì đi ngược lại nó để sống chung hòa bình với nó. Một cái sẽ thống trị, cái kia sẽ bị trị. Quyền lực là ý niệm trong đó tất cả bản thể đều giống nhau. […] Một tính cách cố định không tiếp nhận ngoài nó ra cái gì khác hơn là cái mà nó có thể khuất phục được, hay cái mà nó chịu sự khuất phục. Vì có những rào cản và hiện thực tồn tại bên trong nó không thể xóa bỏ được, những cái tồn tại bên cạnh những thực tế mâu thuẫn khác, bên cạnh những cái thù địch, và nó không thể sống chung trong mối quan hệ khác được. […] Cho nên trong tính cách phương Đông có hai thái cực dường như mâu thuẫn nhau: sự thèm khát thống trị, và sự sẵn lòng phục tùng mọi sự nô lệ, cả hai liên hệ mật thiết với nhau. Cả hai cực đó được chi phối bởi định luật của sự tất yếu. Thống trị và Nô lệ, hai trạng thái ở đây đều chính đáng, bởi vì trong cả hai có cùng một định luật của bạo lực ngự trị. Ở phương Đông người hạnh phúc là người có can đảm khuất phục (nô dịch) được những cái gì yếu kém hơn anh ta, và có sự khôn ngoan nếu biết không tấn công và phục tùng ngay cái mạnh mẽ hơn anh ta. Ở đây người được gọi là hiền (wise) khi biết rút lui khỏi các thực tế và chỉ hành động bằng lời nói hay câu chữ. […] Con người với tính cách cố định không dung nạp tất cả những gì không giống anh ta. Anh ta đẩy sang lề phần lớn những gì gây khó chịu cho anh ta. Anh ta chống lại cái gì khác hơn anh ta, chế ngự nó hay chịu nó khuất phục bằng bạo lực; nhưng các đòi hỏi của anh ta vẫn không thay đổi. Tính bất di bất dịch này, sự bất lực thay đổi một cách đa dạng qua sự đa dạng của sự vật đã đem lại sự yên tĩnh cho người phương Đông. […]
(Trong [2] Các bài nghiên cứu chính trị-lịch sử từ thời Frankfurt)
Nguyễn Xuân Xanh
chọn lọc và chuyển ngữ 2010
Thảm khảo:
[1] G.W.F. Hegel, Vorlesungen über die Philosophie der Geschichte. NXB Suhrkamp 1970.
[2] G.W.F. Hegel, Historisch-politische Studien aus der Frankfurter Zeit. NXB Suhrkamp, 1966.