Klaus Krickeberg: Một đời gắn bó

by , under Uncategorized

 

KLAUS KRICKEBERG

MỘT ĐỜI GẮN BÓ VỚI VIỆT NAM

Nguyễn Xuân Xanh

(2017)

[1]

Klaus Krickeberg (1929-) thuộc thế hệ tinh hoa của CHLB Đức thời hậu chiến. Ông sinh năm 1929 tại Ludwigslust, thành phố lâu đài trung tâm của bang Mecklenburg-Vorpommern, Bắc Đức. Ngoài dòng máu Đức, ông còn mang dòng máu của những người Hugenot Pháp định cư lâu đời ở Đức để tránh đàn áp tôn giáo. Ở tuổi 29, và là một trong những người trẻ nhất, ông được phong hàm giáo sư thực thụ (full professor) tại Đại học Heidelberg (1958). Đại học Heidelberg là một đại học rất cổ xưa và nổi tiếng châu Âu, với rất nhiều alumni tên tuổi, như Max Weber, Hermann von Helmholtz, Karl Jaspers, Wilhelm Wundt, Hannah Arendt, Fritz Haber, Max Born, và những người nước ngoài như Dmitri Mendeleev, Sofia Kovalevskaya. Ông là nhà toán học làm về xác suất đầu tiên thời hậu chiến, cùng giúp xây dựng ngành xác suất từ con số không sau khi Quốc xã phá tan nền khoa học đỉnh cao của nước Đức. Ông là người nổi tiếng đầu tiên ở nước ngoài và được mời đi diễn thuyết, ở Mỹ, Đan Mạch, Pháp, Liên Xô… Năm 1968, ông đã được bầu làm “Fellow” của “Institute of Mathematical Statistics” của Hoa Kỳ, một vinh dự rất lớn. Sự công nhận lớn nhất dành cho ông là từ 1977-1979, ông được bầu làm Chủ tịch của “Bernoulli Society for Mathematical Statistics and Probability”, tổ chức quốc tế trong lãnh vực này. Ngoài ra, 1983, ông được bầu làm viện sĩ của “Hàn lâm viện Khoa học Đức Leopoldina”, viện hàn lâm hoạt động lâu đời nhất thế giới, nơi mà Albert Einstein và David Hilbert cũng từng là thành viên. Còn rất nhiều vinh dự khác dành cho ông.

Năm 1965 một cử chỉ đã đưa ông vào một cuộc dấn thân có tính “định mệnh” mà có lẽ ông cũng chưa hình dung hết, là góp tiền cho Vietnam Hilfsaktion, một tổ chức nhân đạo ở Cộng Hòa Liên Bang Đức quyên góp giúp Việt Nam. Đó là một việc làm nhân đạo trước nhất, nhưng cũng hàm chứa tính chất chính trị nhất định. Mối liên hệ với Việt Nam hình thành từ đó, và ngày càng sâu sắc.

Năm 1966, ông đã ký tên vào Tuyên cáo chống lại cuộc chiến tranh Việt Nam của các nhà toán học tham dự Hội nghị toán học quốc tế lần thứ 15 tại Moscou, do sáng kiến của nhà toán học Pháp Laurent Schwartz (giải Fields 1950). Rất nhiều nhà toán học Nhật Bản ký tuyên cáo này. Năm 1966 được đánh dấu bằng việc Mỹ bắt đầu oanh tạc miền Bắc, đồng thời bằng sự hình thành của phong trào phản chiến Mỹ ở UC Berkeley, với sự tham gia của nhà toán học Mỹ Stephen Smale (giải Fields 1966). Phải nói đó là hành động rất can đảm của Krickeberg nếu biết rằng CHLB Đức là đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh lạnh. Từ năm đó, phong trào chống chiến tranh trên thế giới phát triển mạnh mẽ cùng với sự gia tăng chiến tranh.

Từ 1965 đến nay, ông ngày càng dấn thân hoạt động nhiều hơn, và gần gũi hơn với Việt Nam. Đến thời điểm 2016, tức hơn nửa thế kỷ, tổng cộng ông đã thăm và làm việc với Việt Nam cả thảy 31 lần. Trong các nhà khoa học nước ngoài đã từng ủng hộ cuộc đấu tranh chống chiến tranh, có lẽ Klaus Krickeberg là một trong rất ít người, hay duy nhất, vẫn miệt mài công việc hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc xây dựng hòa bình đất nước, mặc cho những thăng trầm của xứ sở.

Krickeberg hoạt động với cả uy tín khoa học của ông, chấp nhận những rủi ro cá nhân, không những ủng hộ chính trị cho hòa bình và độc lập dân tộc, giúp phá thế cô lập của Việt Nam về khoa học, mà còn giúp xây dựng nền toán học ứng dụng cho thời bình từ sau 1975, đặc biệt trong lãnh vực y tế công cộng. Phát triển Việt Nam thành một quốc gia có nền khoa học tiên tiến, là điều ông mong muốn. Muốn giữ vững độc lập, không thể không có nền tảng khoa học vững mạnh. Ông đóng góp cho Việt Nam không những với tư cách một nhà toán học có uy tín, mà còn với tư cách một nhà khoa học đa dạng. Thực tế, mối quan tâm của thế hệ toán học, khoa học, của Việt Nam thời chiến, đến những vấn đề của toán học ứng dụng là rất sâu sắc, các nhà khoa học hàng đầu thời ấy đã nhận thức rõ khoa học ứng dụng là khâu huyết mạch nhưng còn yếu kém của Việt Nam. Krickeberg được đặt nhiều câu hỏi rất thú vị liên quan đến ứng dụng. Nếu tương tác tích cực ấy vẫn còn tiếp tục diễn ra trong thời bình, thì các đóng góp của Krickeberg có thể sẽ còn nhiều hơn.

[2]

Mùa hè năm 1974, ông bước lên chuyến xe lửa “định mệnh” từ thành phố Bielefeld (ông đã về Đại học Bielefeld từ 1971) để đi thăm Việt Nam, theo lời mời của Viện Toán Việt Nam ở Hà Nội. Chuyến đi xuyên quốc gia bằng đường bộ này kéo dài hơn 10 ngày, qua Siberia, Mông Cổ, Trung Quốc đến Hà Nội. Một hành trình táo bạo và gây tiếng vang trong dư luận Đức. Tuy có lẽ chỉ sau hai nhà toán học Pháp Laurent Schwartz và Grothendieck, nhưng chưa ai thực hiện một chuyến đi ‘mạo hiểm’ như thế đến Việt Nam. Để chuẩn bị, ông tự học tiếng Việt, và ông tiếp tục tự học tiếng Việt trên xe lửa bằng cách… đọc bài giảng bằng tiếng Việt tại Hà Nội. Sau đó tại ĐH Paris 7, ông học tiếp về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam đến khi lấy được bằng cử nhân năm 1988. Điều đó cho thấy tình yêu Việt Nam của ông đang “cháy bỏng”, và ông đã nghĩ đến một cuộc dấn thân lâu dài. Có một duyên nợ tiền kiếp nào đó với nhau chăng? Klaus Krickeberg là người có năng khiếu đặc biệt về ngôn ngữ. Ông thạo tiếng Pháp, Anh, Nga, Đan Mạch, Tây Ban Nha và tiếng Hy Lạp hiện đại.

Klaus Krickeberg, ảnh Đại học Heidelberg, nơi ông được bổ nhiệm làm giáo sư thực thụ năm 1958

Trong chuyến thăm tại Hà Nội trong sáu tuần, ông đọc nhiều bài giảng tại Viện toán, và gặp gỡ các nhà toán học và khoa học lớn như GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy, GS Tôn Thất Tùng, Tạ Quang Bửu. Họ đều bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến ứng dụng toán xác suất thống kê trong y tế, chẩn đoán được hỗ trợ bằng máy tính. Xác suất thống kê là một ngành toán có rất nhiều ứng dụng quan trọng, và rất thiếu tại Việt Nam. Không khí làm việc rất sôi nổi, và sự quan tâm nồng nhiệt của các nhà khoa học Việt Nam bấy giờ được ông ghi lại sống động như sau trong một bài nói chuyện tại một hội nghị toán học quốc tế năm 2013:

Tại thời điểm đó tình hình tại Hà Nội vẫn rất khó khăn. Người ta bị cô lập nhưng rất tò mò về sự phát triển khoa học của bên ngoài. Trong sáu tuần tôi ở Hà Nội, nhiều nhà khoa học từ các ngành khác nhau đã đến gặp tôi và mong muốn được biết thêm điều gì đó về các phương pháp toán học trong lĩnh vực làm việc của họ. Trước tiên là bộ trưởng Bộ đại học, Tạ Quang Bửu, một nhà toán học đã từng nghiên cứu tại Pháp trước chiến tranh thế giới thứ hai và từng tham gia vào nhóm Bourbaki. Ông quan tâm đến tất cả mọi thứ. Tôi vẫn còn nhớ cuộc thảo luận với ông ấy về các cơ sở thống kê để phát triển việc sử dụng năng lượng gió.

Tiếp theo, mọi người đến từ Đại học Lâm nghiệp đã hỏi về các phương pháp hiện đại để ước lượng sản lượng rừng. Vì vậy, tôi đã quan tâm đến các công trình của Bertil Matérn về thống kê không gian với các ứng dụng trong dự báo, từ đó tôi đã tổ chức buổi nói chuyện về chủ đề này tại Đại học Lâm nghiệp. Sau đó, những người nghiên cứu nông nghiệp đến và đưa ra các câu hỏi về thử nghiệm giống. Đó là chủ đề của thống kê cổ điển, phân tích phương sai, v.v. Một lần nữa lại dẫn đến một bài thuyết trình khác của tôi kèm theo các ý kiến trao đổi.

Cuối cùng, một cô học sinh cấp 3 đã được giới thiệu với tôi. Cô vừa giành được giải nhì tại Olympic toán học quốc tế. Điểm đáng lưu ý hơn cả là cô đã từng học cấp 2 trong điều kiện khó khăn của chiến tranh, Hà Nội còn bị ném bom đến cuối năm 1972.

Tôi thuyết trình trước các nhà toán học Việt Nam một dịp nữa vào đầu năm 1978, lần này về chủ đề phân tích thống kê quá trình điểm, chủ yếu liên quan đến quá trình không gian, song cũng đề cập tới cách tiếp cận của Aalen đối với quá trình trên đường thẳng. Tổng cục Thống kê, đối tác Việt Nam của ngành thống kê Thụy Điển, đã đến gặp tôi. Họ muốn có một khóa học về điều tra chọn mẫu, tôi đã hứa thực hiện việc đó vào thời gian sau. Tuy nhiên, nhu cầu cấp bách nhất đến từ lĩnh vực y tế. Từ mùa hè 1974, nhà lãnh đạo y học Việt Nam, Tôn Thất Tùng, đã xuất hiện trong thời gian giải lao giữa khóa học của tôi. Ông cũng đã từng nghiên cứu ở Pháp và trước cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất (trước 1945) đã là một bác sĩ phẫu thuật gan nổi tiếng. Ông đã tổ chức các dịch vụ y tế của quân đội Việt Nam tại Điện Biên Phủ. Sau chiến tranh, ông trở thành giám đốc Bệnh viện Phẫu thuật trung ương tại Hà Nội. Ông muốn biết về kỹ thuật chẩn đoán với sự hỗ trợ của máy tính. Việc này vẫn còn rất mới mẻ vào năm 1974 và tất nhiên liên quan đến thống kê hơn là đến khoa học máy tính, ông đã hiểu được chính xác điều đó. Mặc dù là một bác sĩ phẫu thuật, ông Tùng đã có một cảm quan tuyệt vời về Dịch tễ học và phương pháp thống kê tương ứng. Năm 1978 ông lại đến gặp tôi và hỏi về thử nghiệm lâm sàng cho điều trị ung thư gan. Đây là Dịch tễ học lâm sàng, liên quan đến phân tích thống kê thời gian sống sót, mô hình Cox và những kiến thức tương tự. Trên hết, ông đã tiến hành các nghiên cứu dịch tễ học đầu tiên về hậu quả của chất độc da cam đối với con cái các đối tượng tiếp xúc chất độc. Ông cho tôi xem bản thảo bài báo công bố kết quả nghiên cứu trước khi xuất bản và tôi đã có vinh dự sửa chữa một lỗi nhỏ trong tính toán.

Rồi một đề tài rất quan trọng chợt đến với ông như một tia sáng:

Cũng vào đầu năm 1978, một lãnh đạo khác của ngành y tế Việt Nam đã tiếp xúc với tôi. Đó là nhà vi trùng học Hoàng Thủy Nguyên, người đã nghiên cứu ở Đông Đức và sau đó là giám đốc của”Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương”, gọi tắt là “Viện Vệ sinh Dịch tễ”, nguyên là Viện Pasteur Hà Nội, có chức năng phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm. Ông Nguyên hỏi về các phương pháp toán học trong Dịch tễ học. Đó chính là chủ đề của buổi nói chuyện giới hạn nội dung về các bệnh truyền nhiễm. Câu hỏi có vẻ vô tình của ông đã trở thành nguồn gốc của sự hợp tác được tiếp diễn tích cực suốt 35 năm sau đó. Nó đã làm thay đổi hoàn toàn các mối quan tâm khoa học của tôi.

Sáu năm sau, cô học sinh giải nhì Olympic sau khi tốt nghiệp ngành Toán xác suất tại trường Đại học quốc gia Moscou đã trở thành người lãnh đạo của “Nhóm toán” mà Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương lập ra để làm việc với GS Krickeberg. Những trích đoạn trên cho thấy tinh thần khoa học của thế hệ đang sống trong điều kiện chiến tranh vô cùng khó khăn lại vô cùng mạnh mẽ, óc tò mò rất cao. Đây là tinh thần của lớp tinh hoa chịu gian khổ sẵn sàng đưa đất nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để bắt kịp thế giới. Đó là tinh thần độc lập, và tình yêu nước cao độ, như nền tảng tinh thần và đạo đức cần thiết để các quốc gia chậm tiến vươn lên bắt kịp thế giới.

Chuyến đi này, cũng như những chuyến đi sau thuyết phục ông cần phải tiếp tục dấn thân cho Việt Nam. Viện Vệ sinh Dịch tễ (NIHE) nằm trong “tầm ngắm” của ông, vì qua đó, ông hy vọng ảnh hưởng của hoạt động của ông sẽ lan tỏa lên cả Việt Nam.

Do chuyến đi Hà Nội này, ông đã phải từ chối lời mời đọc bài tham luận toàn thể trước Hội nghị toán học thế giới (IMC) được tổ chức tại Vancouver, một vinh dự rất lớn dành cho ông. Nhưng Việt Nam mới là mục tiêu ưu tiên của ông, xứ sở mà ông muốn “khám phá”.

Trở lại Bielefeld, ông triển khai một loạt hoạt động ủng hộ Việt Nam, như tổ chức “Tuần lễ Việt Nam” cùng Hội sinh viên ở đó, tổ chức gửi sách khoa học từ Đức về Việt Nam, thuyết trình về ngành toán học Việt Nam tại các diễn đàn Đức và Pháp.

[3]

Các chuyến đi thăm Việt Nam trong những năm 1970 có ý nghĩa của một khúc quanh trọng đại trong đời ông. “Dần dần diễn ra một điều đã đem lại đời tôi một định hướng hoàn toàn khác” như ông nói. Hoạt động khoa học của ông được hướng đến phục vụ xã hội một cách cụ thể.

Sau chuyến đi Việt Nam đầu tiên 1974, ông chuyển sang làm giáo sư của Đại học Paris V, ở đây không khí chính trị và môi trường hoạt động cho Việt Nam có lẽ thuận lợi hơn. Ông là thành viên của Phòng thống kê y tế của Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) gắn liền với Đại học. Từ 1980 trở đi, với tư cách là Giáo sư cấp ngoại hạng (Professeur de Classe exceptionnelle), ông đã dạy 12 năm liền những ý tưởng về Y tế công cộng. Ông tự nhủ: “Trước tiên, phải tự học thêm những thứ mà chính mình đang trăn trở”, và không gì tốt hơn là bằng giảng dạy. Ông đã dành cho sinh viên Toán ứng dụng của ông ở Đại học Paris V một khóa học về “Dịch tễ học” theo nghĩa rộng, bao gồm cả Dịch tễ học lâm sàng và các thử nghiệm lâm sàng cụ thể. “Chương trình bao gồm 6 giờ lý thuyết và thực hành hàng tuần suốt toàn năm học. Trong đó có nhiều kiến thức Thống kê, nhưng cũng chứa các nội dung khác như Phương pháp mô hình hóa rời rạc trong di truyền học dân số và mô hình hóa phát triển dịch bệnh bằng phương trình vi phân, theo cả hai cách tiếp cận tất định và ngẫu nhiên. … Ông đã dạy giáo trình đó hơn chục lần cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1998. Kết quả là những sinh viên theo đuổi thành công chương trình đó đã rất “đắt hàng” trong hệ thống y tế Pháp. Họ dễ dàng tìm được các vị trí trong các bệnh viện lớn, trong bộ máy quản lý y tế và trong các viện nghiên cứu y tế và “y tế công cộng” như ông thuật lại trong một bài diễn thuyết về trải nghiệm Việt Nam “Toán học có cần cho Y tế công cộng?”

Đó là chương trình mà ông sẽ thực hiện ở Việt Nam bằng giảng dạy và thực hành 35 năm liền. Năm 1998, ông nghỉ hưu tại ĐH Paris, nhưng còn lâu mới nghỉ hưu đối với Việt Nam.

[4]

Năm 1978, sau khi chuẩn bị quy mô, ông trở lại Việt Nam ba lần liên tiếp trong năm để giảng bài và làm hội thảo tại nhiều nơi, trong đó có TP.HCM, làm việc với nhiều đại học, viện nghiên cứu và Bộ Nông lâm, Tổng cục Thống kê, đề nghị cách dạy toán có thực nghiệm hơn cho trường học… Các nhà y học Việt Nam đến với ông ngày càng nhiều hơn. Ông viết biên bản ghi nhớ về các phương pháp toán và thống kê học trong y tế, đặc biệt trong ngành dịch tễ học. Qua các xêmina về phương pháp lấy mẫu của ông, phương pháp lấy mẫu lần đầu tiên được đưa vào Việt Nam, và chẳng bao lâu đã trở thành công việc “cơm bữa” của những người làm thống kê khắp nơi ở Việt Nam. Một vài học trò của ông từ xêmina này sau đó xây dựng Viện khoa học về kế hoạch gia đình, viện có vai trò lớn ở Việt Nam. Trong những năm đầu, ông đào tạo tiếp những người đã có chức vụ cao trong hệ thống y tế. Bên cạnh đó, ông đào tạo Nhóm toán học bốn người trong Viện Vệ sinh Dịch tễ. Những người này đều thành công với những công việc mới ở những vị trí cao hơn.

Ông tiếp tục giảng dạy, làm xêmina, chăm sóc sinh viên, ứng viên tiến sĩ, gửi các nhà nghiên cứu ra nước ngoài để nâng cao chất lượng. Ông đi đến nhiều làng quê để biết về hệ thống y tế Việt Nam. Ông viết những bản ghi nhớ, gửi Bộ Y tế các đề nghị. Ông nhận được sự hỗ trợ của một số tổ chức nước ngoài.

Năm 1981 Bộ ngoại giao Pháp đã chấp thuận cho ông một chương trình phát triển 10 năm nhằm đào tạo tiếp nhân sự cao cấp của Bộ y tế về những đề tài như Dịch tễ học tổng quát, Dịch tễ học của những chứng bệnh kinh niên, của những bệnh truyền nhiễm, Thử nghiệm lâm sàng, tính hiệu quả và tiêm thử của các các tiêm phòng, Thống kê y tế, và hệ thống thông tin y tế, vân vân.

Năm 1984, UNICEF bảy lần yêu cầu ông tư vấn về những vấn đề như CDD (Kiểm soát các bệnh tiêu chảy), EPI (Chương trình mở rộng của chủng ngừa), MCH (Sức khỏe của mẹ và con), Bệnh sốt rét, Lao, Dịch tễ học tại các hệ thống y tế làng xã.

Năm 1994, “Tổ chức Đức Hợp tác kỹ thuật” (GTZ) hỗ trợ ông thực hiện một nghiên cứu thử nghiệm về kế hoạch hóa gia đình, cũng như thực hiện bằng phương pháp lấy mẫu tại các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Không thể kể hết những việc làm của ông cho Việt Nam trong nước và ở nước ngoài nhằm tranh thủ sự hỗ trợ và nâng cao trình độ khoa học của các tổ chức và nhà khoa học Việt Nam trong ngành. Các phương pháp toán học trước đây trên bục giảng đã trở thành phương pháp hiệu quả trong ngành y.

Những năm 1980, ông mở rộng hoạt động sang Vientiane (1983 và 1984 với Trung tâm thống kê, và Viện Vệ sinh, Dịch tễ và Vi sinh), và Phnom Penh (1987 với Phân khoa Y).

[5]

Đáng lẽ câu chuyện của ông với Việt Nam có thể kết thúc khi ông nhận quyết định nghỉ hưu của Đại học Paris V năm 1998, và kết thúc nhiệm vụ trong Chương trình Châu Âu – Việt Nam vào năm 2004. Tuy nhiên, như ông kể, “năm 2005 tôi đã đến Việt Nam một lần nữa, lần đầu tiên như một du khách, và tôi đã đến thăm người bạn cũ Hoàng Thủy Nguyên, khi đó đã thôi chức giám đốc Viện Vệ sinh Dịch tễ và nghỉ hưu. Ông nói với tôi rằng một trường đại học y tế nhỏ của khu vực Đông Bắc Việt Nam muốn được giúp đỡ về giảng dạy y tế công cộng cho sinh viên của mình. Đó là khởi đầu cho một chương khác trong câu chuyện của tôi.” Đó là Đại học Thái Bình là nơi rất cần giúp đỡ, và đề tài tập trung: Một chương trình cải tổ và nâng cấp ngành Y tế công cộng mở rộng trên quy mô lớn đến các tỉnh khác. Lần này ông kết hợp với ĐH Bielefeld, và một viện y tế của Lào. Lúc đó ông đã ở tuổi 76. Ông muốn giúp các đại học còn gặp nhiều khó khăn và cần được nâng cao chất lượng. Về chương trình 10 năm này, ông nói:

Tôi bắt đầu một chương trình, mà theo dòng thời gian đã trải rộng tới tất cả khoa y hoặc các trường đại học y của Việt Nam, ngoại trừ hai trung tâm lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình được Quỹ “Else Kröner-Fresenius-Stiftung” của Đức tài trợ. Trong giai đoạn đầu Chương trình tập trung vào việc giảng dạy Y tế công cộng cho sinh viên y khoa bình thường trong thời gian 6 năm học cơ bản.

Ở Việt Nam, chương trình đào tạo y tế cơ bản này thực tế bao gồm hầu hết các khóa học về các chủ đề của Y tế cộng đồng, điều đó rất hợp lý vì các bác sĩ ở nông thôn hoặc ở các thành phố nhỏ cũng phải làm rất nhiều việc của Y tế công cộng, chẳng hạn như quản lý một trạm y tế thôn bản, thúc đẩy giáo dục sức khoẻ, các hoạt động phòng bệnh bao gồm hoạt động vệ sinh thông thường, cùng các nhiệm vụ khác nữa.

Điều đó thật tuyệt vời, song nội dung của các khóa học này chất lượng rất kém, trình độ giáo viên của các trường còn kém hơn. Các giảng viên áp dụng cách đọc thành lời các tài liệu viết sẵn mà không bao giờ suy nghĩ về nó. Điều đó có nhiều lý do: truyền thống Nho giáo, làm việc quá sức, nhưng cũng là do ảnh hưởng tai hại của các tổ chức quốc tế, bất kể là tổ chức phi chính phủ (NGO) hay không, là những gốc rễ của thói quen làm việc hời hợt của nhân viên.

Nhiều giảng viên thậm chí không biết về hệ thống y tế Việt Nam ngoài phạm vi làm việc nhỏ hẹp của riêng mình. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng sự thiếu tư duy chặt chẽ và thiếu nhận thức rõ ràng về vai trò của toán học đã ngăn cản bất kỳ sự cải thiện tình hình đáng kể nào. Gần như không có nhà toán học nào làm việc trong hệ thống y tế. Vì thế, trong giai đoạn đầu của Chương trình, chúng tôi cố gắng mở rộng tầm nhìn của các giảng viên, đồng thời giúp họ có thể làm việc độc lập hơn và tư duy chặt chẽ hơn.

Nhằm nâng cấp ngành Y tế công cộng, Krickeberg đưa ra hai nội dung chính:

  • Cải thiện việc giảng dạy ngành Y tế công cộng, và nâng cao mặt bằng khoa học của giảng viên.
  • Biên soạn và xuất bản Tủ sách “Giáo khoa cơ bản về Y tế công cộng” để làm những tài liệu quan trọng cho giảng viên. Dưới đây là những quyển sách đã được xuất bản của Tủ sách.

Klaus Krickeberg - người thầy, người bạn

GS Klaus Krickeberg với chương trình Dịch tễ học cho Việt Nam, 2009

Để thực hiện, ông tổ chức hội thảo hàng năm về những vấn đề của Việt Nam với các báo cáo khoa học, và các phiên thảo luận về nhiều khía cạnh trong Y tế công cộng, và thăm thực địa, thảo luận về một số chủ đề, như về cấu trúc của một bài giảng, phân tích đánh giá các giáo trình sẵn có và cùng với các giảng viên Việt Nam viết bài mới về nhiều chủ đề. Trong giáo trình mới, các ví dụ, ứng dụng và nghiên cứu tình huống chủ yếu được lấy từ hệ thống y tế Việt Nam; các tình huống của nước ngoài đều được so sánh với những tình huống tương tự của Việt Nam. Tất cả các cuốn sách đều được viết dạng song ngữ riêng rẽ thành hai bản tiếng Việt và tiếng Anh, được in trong cùng một quyển, nếu có thể. Để tạo một kênh cho tất cả các cuốn sách này và để cho thấy rõ ràng chúng tạo thành một khối tài liệu thống nhất, ông đã lập một bộ sách trong Nhà xuất bản Y học Hà Nội, được gọi là “Tài liệu (Tủ sách) giáo khoa cơ bản trong y tế cộng đồng”, do ông và hai đồng nghiệp Phan Vũ Diễm Hằng và Nguyễn Văn Sơn làm chủ biên. Quyển đầu tiên của ông và hai các cộng tác viên Phạm Thị Mỹ Hạnh và Phạm Văn Trọng được xuất bản riêng thành hai bản tiếng Việt, là Dịch tễ học – Chìa khóa của dự phòng, và bản tiếng Anh “Epidemiology- Key to Prevention”, được xuất bản tại NXB Springer, New York, trong bộ “Thống kê trong Sinh học và Y tế” mà ông đã lập ra từ nhiều thập kỷ trước. Đến nay, Tủ sách về Y tế công cộng này đã có tất cả sáu quyển: Dịch tễ học – Chìa khóa của dự phòng, Giáo dục sức khỏe, Khoa học dân số và y tế công cộng, Toán học và thống kê trong khoa học y tế, Sức khỏe môi trường – Các nguyên lý cơ bản. Chuẩn bị: Dinh dưỡng – Cái nhìn từ Dịch tễ học. Đây sẽ là một tủ sách giáo khoa quan trọng, được viết rất khoa học, hiện đại, vừa có tính hàn lâm, vừa có tính ứng dụng, để phục vụ cho giáo dục, nghiên cứu và thực hành trong tương lai. Không thể có ngành y tế công cộng hiện đại, nếu không có một tủ sách giáo khoa hiện đại như thế.

Trong các hoạt động này, ông luôn luôn nhấn mạnh vai trò của toán học và tư duy chặt chẽ của nó:

  • Toán học có vai trò thiết yếu trong hầu hết các thành phần của Y tế công cộng, bắt đầu từ các yếu tố cơ bản nhất và không thể thiếu của Y tế công cộng như được giảng dạy cho sinh viên y khoa bình thường.
  • Tư duy chặt chẽ và sáng sủa theo phương pháp toán học là không thể thiếu để cải thiện hiệu quả giảng dạy và thực hành Y tế cộng đồng.
  • Các nhà toán học cần phải được tuyển dụng vào nhiều vị trí trong Hệ thống y tế.
  • Các nhà quản lý y tế, giảng viên đại học y, cán bộ ngành y tế và nghiên cứu y học nói chung nhất thiết phải nhận thức rõ ràng về vai trò của toán học trong Y tế cộng đồng. Điều đó đã trở thành phổ biến ở nhiều nước nhưng chưa được quán triệt tại Việt Nam.

“Tham vọng” của GS Krickeberg là đưa ngành Y tế công cộng Việt Nam, về nhân sự, cấu trúc, trình độ khoa học trong nghiên cứu và giảng dạy, tính chuyên nghiệp, năng lực ứng dụng toán học, óc tổ chức, sự vận hành bộ máy, lên mặt bằng thế giới, hay tương đương, và nâng vị thế của y tế công cộng trong ý thức của cộng đồng khoa học và dân chúng, cũng như cải thiện vị thế và điều kiện làm việc của các giảng viên.

Image result for klaus krickeberg

K. Dietz (trái), N.X. Xanh, H. Zessin (phải) mừng sinh nhật thứ 80 của K. Krickeberg tại Đà Lạt 2009.

Ông và cả nhóm vẫn còn “chinh phục” đỉnh Langbiang.

Có thể tóm lại: Về Hệ thống y tế, công việc của ông bao gồm hai phần. Phần đầu là xây dựng một hệ thống thông tin y tế. Sau khi nghiên cứu các hệ thống cũ nhưng không hữu hiệu mấy, ông đề xuất một phương pháp mới của ông, một phương pháp rất được hoan nghênh ở Úc. Quan trọng hơn là phần thứ hai, đào tạo. Đào tạo luôn luôn kết hợp lý thuyết và thực hành. Từ 2006-2016 ông đào tạo các giảng viên nam và nữ trong ngành Y tế công cộng trong các khoa y và các đại học. Đề án có hai phần chính: Nội dung của giáo trình (Tủ sách), các hội nghị làm việc với những đề tài đa dạng, và công việc cụ thể, thường xuyên trao đổi qua email với các giảng viên. Đến nay có khoảng 600 nhà khoa học tham gia vào các workshop về Y tế công cộng do ông tổ chức. Chắc chắn rằng công việc âm thầm của ông đã có tác dụng lớn lên việc ngừa bệnh và cải thiện sức khỏe của dân chúng, và còn tiếp tục trong tương lai.

[6]

Những người Việt công tác với ông đều rất trân quý ông, xem ông còn hơn là một người bạn của Việt Nam. Trong những năm 1980, lúc ông làm việc tại Viện Vệ sinh và Dịch tễ ở Hà Nội, một trợ lý của giám đốc, khi cùng gởi xe đạp với ông trong Viện vào một buổi sáng, đã buột miệng thốt lên với ông: “Ki-kơ-rơ-béc là người Việt Nam”. Câu nói này bộc lộ đúng tình cảm mà các cộng tác viên đã dành cho ông, rằng từ trái tim ông giúp đỡ tận tụy cho Việt Nam, và sống đơn giản như một người Việt Nam, xứng đáng là một công dân Việt Nam.

Năm 2009, một học trò cũ của ông năm xưa tại ĐH Heidelberg (NXX) đã tổ chức mừng sinh nhật thứ 80 của ông tại Đà Lạt. Có hai học trò và đồng nghiệp ông đến từ Đức, và hơn chục đồng nghiệp, học trò từ Việt Nam. Lễ mừng sinh nhật kéo dài một tuần, với nhiều kỷ niệm khó quên. Lần đó, ở tuổi 80, ông cũng “thi gan với núi”: leo lên đỉnh Langbiang cùng với một số đồng nghiệp, một thói quen của ông, nói chung của người Đức, nhất là trong giới khoa học. Max Planck, cha đẻ của thuyết lượng tử vẫn còn leo núi cao ở tuổi 79. Cuộc sống ồn ào, hay đầy khách du lịch đối với ông là buồn tẻ và xa lạ.

GS Klaus Krickeberg rất yêu đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Căn hộ của ông tại Paris được trang trí với bàn ghế bằng mây tre mang từ Việt Nam. Ông thích một cuộc sống đơn giản, thích lịch sử phong phú của Việt Nam; hay tìm đến những nơi vắng vẻ trong những ngày nghỉ ở Việt Nam. Ông luôn luôn có sự thông cảm và kiên nhẫn với Việt Nam. Xét ở một số khía cạnh nào đó, có thể nói “Ông còn Việt Nam hơn cả nhiều người Việt Nam trong chúng ta”.

Tháng 2-2009, Bộ Y tế Việt Nam đã quyết định tặng ông kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển y tế Việt Nam. Năm 2014 Đại học Quốc gia TP HCM trao tặng ông bằng tiến sĩ danh dự, “trong sự công nhận những đóng góp vào sự nghiệp xây dựng của Việt Nam trong 50 năm qua, đặc biệt cho nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các khoa học thống kê, và cho việc củng cố ngành Y tế công cộng Việt Nam, và cho sự phát triển các quan hệ hữu nghị giữa nhân dân các nước Đức – Pháp – Việt Nam.” Tiếp theo đó là Đại học Đà Nẵng năm 2015.

Klaus Krickeberg - người thầy, người bạn

GS Klaus Krickeberg cũng thích “ăn bụi” như người Việt Nam, 2009

Nửa thế kỷ qua, ông đã đến Việt Nam cả thảy 31 lần. Đáng lẽ ông hưởng tuổi già ở một xứ sở phồn vinh như Đức. Nhưng không hiểu sao ông vẫn lặn lội hoạt động cho Việt Nam? Hiện ông vẫn còn tiếp tục biên soạn bộ sách “Y tế công cộng” cho Việt Nam. Chưa biết tìm đâu ra chi phí cho lần này. Tôi không tưởng tượng nổi vì sao ông đã “yêu” một đất nước như Việt Nam như thế, khi mà sự khác biệt văn hóa và đời sống rất lớn khiến một người châu Âu khó hội nhập được. Tôi rất ngạc nhiên khi được nghe ông trả lời: “Tôi có ý kiến hoàn toàn khác, ít nhất đối với tôi và phần lớn những người trong vòng quen biết của tôi. Những khác biệt trong văn hóa giữa Việt Nam và nước Đức thật sự không lớn lắm, trong mọi trường hợp nhỏ hơn sự khác biệt giữa nước Đức và Hoa Kỳ; có nhiều cái giống nhau giữa hai nước. Điều tôi không thích ở Việt Nam hôm nay chính là những cái “không−Việt Nam” (un-vietnamese) đang lan tràn khắp nơi, sự thắng thế của tâm lý buôn bán, sự phá hỏng cảnh quan, sự phô trương giàu có, sự bắt chước những cái kiểu Mỹ gớm ghiếc, cách ăn uống không lành mạnh, quá nhiều tivi…”. Thực tế, ông cảm thấy lo lắng cho sự phát triển của Việt Nam.

ts danh du_4.jpg

Các đại biểu và sinh viên tham dự buổi lễ vinh danh chụp hình lưu niệm cùng GS

Klaus Krickeberg và người bạn đời Helga Zeile tại lễ trao bằng tiến sĩ danh dự tại ĐHQG HCM 2014

Image result for GS Klaus Krickeberg

Hội thảo lần thứ mười về Giảng dạy Y tế công cộng tại trường ĐH Tây Nguyên

Image result for GS Klaus Krickeberg

Một cảnh hội thảo quốc tế tại ĐH Tây Nguyên

[7]

Nhật Bản Minh Trị cuối thế kỷ 19 đã thuê rất nhiều (trên 3.000) nhà khoa học phương Tây sang góp sức xây dựng đất nước họ. Một số được trả lương rất hậu, đôi khi cao hơn lương của Thủ tướng họ. Chẳng hạn như kỹ sư trẻ Henri Dyer từ Scotland, người được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Công nghệ hoàng gia Tokyo để xây dựng trường này. Hay Bác sĩ Đức Erwin Bälz, người xây dựng ngành Y của Nhật Bản hai mươi lăm năm tại ĐH Tokyo. Hay William S. Clark của Mỹ, nhà khoa học và giáo dục nông nghiệp hàng đầu của Mỹ, người xây dựng Trường nông nghiệp Sapporo, sau này là ĐH Hokkaido. Những vị này khi từ giã sau khi làm xong nhiệm vụ, được Hoàng Đế Meiji trân trọng trao tặng “Huân chương Mặt trời mọc” (Kyokujitsushō), một huy chương rất cao quý của Nhật Bản. Có người được nhập quốc tịch Nhật, như trường hợp của Lafcadio Hearn (1850-1904) một trí thức có quốc tịch Anh, người có công lớn giới thiệu văn hóa Nhật Bản ra nước ngoài. Khi Hearn mất, quan tài ông được phủ với hoa cúc, và olive thơm, được tô điểm bằng một vòng quyệt quế. Bốn mươi giáo sư và 100 sinh viên Nhật từ hai đại học mà ông từng giảng dạy, Đại học Hoàng gia Tokyo, và Waseda, cũng có mặt. Bảy vị sư Phật giáo đọc kinh. Những điều đó cho thấy người Nhật vô cùng trân quý sự đóng góp của các chuyên gia nước ngoài, để xây dựng nền tảng một xã hội hiện đại theo mô hình phương Tây, để mong nhanh chóng đuổi kịp thế giới.

Một thí dụ khác sau Thế chiến thứ hai. Một kỹ sư, thống kê học, chuyên gia về kiểm tra chất lượng (quality control), của Mỹ, William E. Deming (1900 –1993), được gửi tới Nhật để tham gia điều tra dân số. Do tên tuổi ông, ông được Hiệp hội các nhà khoa học và kỹ sư Nhật Bản (JUSE) mời. Trong năm 1950, Deming huấn luyện hàng trăm kỹ sư, nhà quản lý, và học giả, về điều khiển quá trình thống kê (statistical process control) và khái niệm chất lượng. Ông cũng dành một khóa đặc biệt cho các nhà lãnh đạo cấp cao (trong đó có những nhà công nghiệp Nhật Bản hàng đầu như Akio Morita, nhà sáng lập Sony).

Thông điệp của Deming đến các nhà lãnh đạo chóp bu là: cải thiện chất lượng sẽ giảm chi phí, đồng thời tăng năng suất, uy tín sản phẩm, và thị phần thế giới. Thực tế, Deming đã trở thành “Ông Tổ” của ngành kiểm tra chất lượng của Nhật Bản. Người Nhật hiểu ngay tầm quan trọng của các phương pháp toán học này cho sự phát triển kinh tế sống còn của họ. Các nhà công nghiệp Nhật Bản đã áp dụng rộng rãi các kỹ thuật toán thống kê của Deming, và đã rất thành công trong việc nâng cao uy tín của sản phẩm công nghiệp của Nhật Bản, làm cho “Made in Japan” trở thành thương hiệu ngày càng chinh phục thế giới. Năm 1960, Deming được Thủ tướng Nhật Bản Nobusuke Kishi thay mặt cho Hoàng đế Hirohito trao tặng Huân chương “Thụy bảo chương” (Zuihōshō), huân chương sau Huân chương Mặt trời mọc. Các nhà công nghệ muốn trả ông tiền tác quyền từ lợi nhuận do phương pháp ông làm ra, nhưng ông từ chối. Họ liền lấy tiền đó để lập Giải thưởng Deming dành cho các ngành kiểm tra chất lượng và quản lý chất lượng, nói lên lòng biết ơn mãi mãi của họ đối với Deming. Toyota Motor Corporation là một trong những công ty Nhật đoạt giải Deming này năm 1965.

[8]

GS Klaus Krickeberg, năm nay đã 88 tuổi, là người dấn thân toàn diện cho sự nghiệp xây dựng Việt Nam trong những giai đoạn rất khó khăn. Ông đưa luồng gió mới của toán học ứng dụng khá sớm vào Việt Nam, làm phấn chấn các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam. Họ hiểu, và tìm thấy ở ông một người khai phá và gieo trồng những hạt giống mới trên mảnh đất khoa học còn mới. Những năm sau, ông xây dựng ngành Dịch tễ học và Y tế công cộng hiện đại theo những chuẩn mực thế giới, những ngành mà không một quốc gia nào phát triển lại dám làm ngơ từ thế kỷ 19, nhằm ngăn ngừa những thảm họa dịch bệnh như từng đã diễn ra trong lịch sử nhân loại. Phòng bệnh, tránh bệnh hơn chữa bệnh.

Ông đã truyền cảm hứng, chuyển giao công cụ, phương pháp, tư duy toán học, cách tổ chức, tinh thần khoa học, sự tận tụy, tính chính xác, óc khách quan, và kinh nghiệm thế giới cho người Việt Nam. Thay vì Việt Nam gửi người đi du học, thì ông đem tri thức và bầu nhiệt huyết đến cho Việt Nam. Thành công nhiều hay ít cuối cùng là do mảnh đất, con người, cơ chế, sự nhạy bén, quyết tâm của Việt Nam. Thực tế, Klaus Krickeberg là người thầy, người nâng cấp ngành Y tế công cộng Việt Nam một bước đáng kể về nền tảng, đủ để phía Việt Nam tiếp tục sự nghiệp và hoàn thiện. Làm sao để Việt Nam tự có được một nhà khoa học tầm cỡ thế giới như thế tận tụy hoạt động liên tiếp nửa thế kỷ liền cho Việt Nam?

Ông là một tấm gương sáng của tinh thần phụng sự, của lao động khoa học không mệt mỏi, và lòng vị tha. Ông hoạt động vì một đất nước Việt Nam phát triển, với tâm huyết và một sự dấn thân bền bỉ trong mọi thời kỳ của đất nước, và với những mục tiêu cụ thể.

Vài khẩu hiệu của ông, thiết tưởng không thừa, nếu được lặp lại ở đây:

Học một biết mười

Hãy học một cách thông minh, không nên chỉ bằng lòng với cách học thuộc lòng.

Học đi đôi với hành

Như một cách học mới không từ chương, vì sự hữu ích cho xã hội.

Tinh thần của cả hai khẩu hiệu này tương tự tinh thần thực học của nhà khai sáng Nhật Bản Fukuzawa Yukichi chủ trương cho Nhật Bản Minh Trị. Chúng ta cũng nhớ lại khẩu hiệu của William S. Clark, người xây dựng nền tảng cho ĐH Hokkaido, trước khi chia tay đã nhắn nhủ sinh viên Nhật Bản: Các bạn trẻ, hãy có tham vọng!, câu nói mà sau đó người Nhật đã ghi tâm khắc cốt.

Người Nhật đã làm thế nào để phát triển khoa học trong quá khứ? Họ được những người thầy từ phương Tây nhắc nhở rằng, không nên xem khoa học như trái cây có sẵn để mua, và các thầy cũng không muốn mình là những người đi bán trái cây, mà phải quan niệm rằng khoa học là cái cây mà thầy và trò phải vun xới mảnh đất theo đúng các tiêu chuẩn để nó ra trái ngọt. Những năm qua, sự đơm hoa kết trái ngày càng hiện rõ hơn bao giờ hết khi hầu như năm nào người Nhật cũng đều có giải Nobel, giống như người Đức đầu thế kỷ 20. Đó là trái mà cây khoa học đã đơm ở tầng cao nhất. Khu vườn khoa học của họ chính là mảnh đất văn hóa khoa học không ngừng được vun xới và chăm bón. Không có mảnh đất văn hóa đó, người ta phải chịu tốn kém đi mua trái của khoa học suốt đời. Các tiêu chuẩn chăm sóc mảnh vườn, và của khoa học, là phổ quát − universal. Trật đi, cây không bao giờ có trái.

Những gì Klaus Krickeberg thực hiện hơn 50 năm ở Việt Nam, ngoài những đóng góp chuyên môn cho ngành y tế, còn có ý nghĩa chính, là xây dựng và vun bồi văn hóa khoa học trong nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng. Ông không đến để “bán trái cây”, mà tự nguyện làm “người làm vườn” để chăm sóc khu vườn văn hóa đó, đúng theo tinh thần khoa học, cho nó tự đơm hoa kết trái. Tinh thần khoa học cũng không phải là cái gì có thể mua được, lại càng không phải tự dưng mà có như hôm nay, mà đã phải do bao thế hệ đấu tranh qua bao thế kỷ với sự trả giá đắt mới dành được, để khoa học mới được công nhận là khoa học, và nhà khoa học được quyền làm nhà khoa học. Khoa học có văn hóa riêng của nó cần được dăm bồi theo những tiêu chuẩn phổ quát của nó. Không phải tự nhiên mà có.

Krickeberg làm việc hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ tình cảm đặc biệt dành cho dân tộc Việt Nam. Thật khó mà hình dung có một nhà khoa học nước ngoài thứ hai nào tận tụy và gắn bó cả một đời với Việt Nam như ông. Ông rất xứng đáng được người lãnh đạo cao nhất của đất nước trao cho một danh hiệu cao quý cấp nhà nước. Đó cũng sẽ là sự công nhận tiền lệ cho tất cả những người bạn nước ngoài có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nền tảng cho một đất nước Việt Nam hiện đại theo chuẩn mực khoa học thế giới. Điều đó sẽ khích lệ thêm sự đóng góp của người bạn nước ngoài. Việt Nam có rất nhiều cảm tình viên từ thời chiến tranh, cần tiếp tục kêu gọi sự giúp sức của các chuyên gia, các nhà giáo dục, khoa học, công nghệ, nhà kinh tế nước ngoài tham gia mạnh mẽ vào cuộc chấn hưng đất nước. Đây nên là một việc làm có hệ thống và lâu dài để chứng tỏ Việt Nam biết ơn và trân quý họ. Chúng ta rất cần những người giàu kinh nghiệm và năng lực tham gia góp phần xây dựng nền tảng phát triển cho đất nước.

Chúng tôi mong rằng Việt Nam sẽ dành cho GS Klaus Krickeberg những điều cao quý và trân trọng mà người Nhật đã dành cho vô số những người nước ngoài đã có công đóng góp cho sự phát triển và phồn vinh của đất nước họ, như trao tặng ông một danh hiệu như Công dân danh dự của Việt Nam, và hỗ trợ ông tiếp tục hoạt động. Ông vẫn tiếp tục là thành viên của “Hội Y tế công cộng Việt Nam”.

Nguyễn Xuân Xanh

Tháng 7, 2017

TB. Tháng 2, 2019, Klaus Krickeberg chính thức được Bà Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến trao Huân chương Hữu nghị tại Hà Nội, Huân chương cao nhất của Nhà nước Việt Nam cho người nước ngoài có những đóng góp to lớn của họ cho Việt Nam.

Xem ở đây:

Thầy tôi: Klaus Krickeberg – Người yêu mến đất Việt