Lá thư cuối cùng của W. A. Mozart gửi cha

by , under Uncategorized

LÁ THƯ CUỐI CÙNG CỦA W. A. MOZART

GỬI CHA: SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT

Nguyễn Xuân Xanh

 

Một hiện tượng như Mozart luôn luôn vẫn là một kỳ quan, điều không thể cắt nghĩa được.

Johann Wolfgang von Goethe

Các chế độ âm nhạc không bao giờ bị xáo trộn mà không gây xáo trộn các quy ước chính trị và xã hội cơ bản nhất.

Socrates

Bất cứ ai nghe Mozart trong những giờ phút như vậy mới biết được chiều sâu, toàn bộ tầm vóc thiên tài âm nhạc của ông: Tự do và độc lập, tâm trí ông được phép bay bổng táo bạo vào những vùng cao nhất của nghệ thuật.

Franz Xaver Niemetschek 1808[1]

 

Lời nói đầu. Gần đây lá thư ngày 4.4.1787 của W. A. Mozart gửi cha ông Leopold Mozart cuối cùng đã trở về Salzburg, thành phố nơi ông sinh trưởng. Nó trở nên thời sự, vì nội dung cảm động của nó. Mozart đã nói trong đó về cái chếtsự sống, chứa đựng phần triết lý cuộc sống, và định mệnh của ông. Cám ơn sự đồng hành của báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, nhất là đúng dịp kỷ niệm ngày mất thứ 229 của Mozart, 5.12.1791 – 5.12. 2020:

TTCT số 47, ngày 4. 12. 2020

Bản online: https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/20201205/la-thu-cuoi-cung-cua-wa-mozart-gui-cha-su-song-cai-chet-va-tinh-yeu/1572031.html

Nếu Einstein cho rằng lịch sử vật lý là một drama của những ý tưởng, không tách rời khỏi drama của cảm xúc, thì có lẽ cũng như thế đối với lịch sử của âm nhạc cổ điển phương Tây. Điều này cũng rất đúng đối với Mozart. Âm nhạc cổ điển là một dòng hợp thành văn minh của phương Tây bên cạnh nghệ thuật và khoa học. Trong khi khoa học khám phá những điều chưa biết của vũ trụ thì âm nhạc khám phá những điều chưa biết của tâm hồn, hai cái bổ sung nhau. Ở khoa học, cần có thêm trí tuệ, intellect. Nhưng cả hai đều bắt nguồn từ cảm xúc – emotion của con người. Friedrich Nietzsche từng nói, cuộc đời mà không có âm nhạc là một sự sai lầm. Một cái gì khô khan không có cảm xúc.

Nếu chúng ta quan tâm đến lịch sử của khoa học hay nghệ thuật, không phải vì tro tàn, mà vì lửa của nó, nói như Jean Jaurès, những rung động, cảm xúc.

Âm nhạc cổ điển là một hiện tượng lạ lùng, cũng như hội họa. Nếu ở Ý thời “High Renaissance” của khoảng 30 năm, từ 1497-1527, có chòm sao ba danh họa nổi tiếng nhất, Raphael, Michelangelo và Leonardo da Vinci chiếm ngự lãnh vực hội họa, thì các quốc gia nói tiếng Đức cũng có hiện tượng tương tự kéo dài cũng khoảng thời gian đó vào cuối thế kỷ 18 với chòm sao Haydn, Mozart và Beethoven.

Dưới đây là bản gốc của bài viết, được tu chỉnh đôi chút và đó đây bổ sung thêm, nhất là ở phần hình ảnh cho thêm sinh động. Cuộc đời của Mozart là tấm gương cao cả, vĩ đại, và gây xúc động. Giữa muôn nghìn chi tiết, tôi mong mấy dòng thô thiển và ngắn ngủi được chọn lọc này có thể gợi lên được chút gì về cuộc đời ông để gọi là kỷ niệm và tưởng nhớ ông. Mozart mất không cần mồ, nhưng hàng triệu triệu người tiếp tục xây đài tưởng niệm cho ông trong trái tim họ.

Xin giới thiệu với bạn đọc.

Nguyễn Xuân Xanh

Xem thêm:

Ludwig van Beethoven sắp 250 tuổi

 

❀❀❀

Khoảng những tuần đầu tháng 11, 2020, truyền thông thế giới đưa tin về một bức của Mozart gửi cha đề ngày 4.4.1787 được đưa về Quỹ Mozarteum, Salzburg, Áo trung tâm dữ liệu Mozart lớn nhất, với một nội dung đáng chú ý.

Đầu năm 2020, một bưu kiện phát chuyển nhanh từ Hoa Kỳ đã đến Quỹ Mozarteum chứa đựng 3 lá thư của ông. Một lá thư gửi cho vợ Constanze, gửi lúc ông trên đường từ Praha đến Berlin, Dresden và Leipzig năm 1789. Lá thư bắt đầu bằng “Người vợ nhỏ bé yêu quý nhất”.

Bức thư thứ hai được viết tại Bologna vào ngày 28 tháng 7 năm 1770 – lúc đó Amadeus mới 14 tuổi – trong chuyến thăm đầu tiên của hai cha con Leopold và Wolfgang Mozart tại Ý. Nội dung chính của bức thư này được Leopold viết cho vợ là Anna Maria, người ở lại Salzburg, bao gồm một đoạn tái bút ngắn của Wolfgang Amadé Mozart, viết bằng tiếng Ý và gửi đến “carissima sorella” (người chị gái thân yêu nhất), Maria Anna (còn gọi là “Nannerl”). Amadé là tên ông viết theo tiếng Pháp, còn Amadeus theo tiếng Đức, được sử dụng rộng rãi về sau, có nghĩa là người được Chúa yêu thương, giống như Gottlieb.

Nhưng bức thư mà Mozart đã viết cho cha mình là cảm động và quan trọng nhất, được viết vào ngày 4 tháng 4 năm 1787 sau khi ông được tin rằng Leopold đang bị ốm nặng. Bức thư đã được truyền thông thế giới đặc biệt chú ý.

Cả ba bức thư thuộc di sản của Maurice Sendak, họa sĩ minh họa sách trẻ em và tác giả rất nổi tiếng của Mỹ, và được Quỹ Mozarteum mua lại với giá 100.000 €. Trong vài thập kỷ qua, các bức thư thuộc sở hữu tư nhân và không thể tiếp cập được. Để đánh dấu sự khai mạc của mùa hòa nhạc mùa đông, bức thư sẽ được trưng bày ở tiền sảnh của Mozarteum. Quỹ Mozarteum có bộ sưu tập lớn nhất thế giới các bức thư của gia đình Mozart.

Trong lá thư gửi cha, Mozart không chỉ ký vào bức thư với tên của mình và chữ viết tắt “manu propria” (ký với tay mình), mà còn thêm dấu Hội Tam điểm (Freemasonry), đây là điều mới mẻ, Ulrich Leisinger, giám đốc khoa học của Quỹ giải thích.

Wolfgang Amadeus Mozart (27. 2. 1756 – 5.12. 1791).

Tranh của Barbara Krafft vẻ năm 1819 sau khi Mozart mất

 

Ảnh chụp lá thư Mozart gửi cha ngày 4.4.1787

 

Cha rất yêu quý của con!

Lúc này nghe tin khiến con cảm thấy chán nãn. Nhưng giờ con nghe nói rằng Cha thực sự lâm bệnh! Con đang mong chờ một tin an ủi nào đó từ Cha, chắc Cha biết con khỏi cần nói; và con chắc chắn cũng hy vọng như vậy – mặc dù con đã có thói quen luôn tưởng tượng ra điều tồi tệ nhất trong mọi thứ – bởi vì cái chết (hiểu đúng nghĩa) là mục tiêu cuối cùng đích thực của cuộc đời chúng ta, cho nên trong vài năm qua con đã làm với người bạn đích thực, tốt nhất của con người đến độ hình ảnh của nó không những không có gì đáng sợ đối với con, mà còn là sự an ủi và làm an lòng hơn rất nhiều! Và con tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho con sự may mắn tìm được cơ hội, Cha hiểu ý con, nhận ra rằng cái chết là chìa khóa cho hạnh phúc thực sự của chúng ta. Con không bao giờ đi ngủ mà không có ý nghĩ rằng con có lẽ sẽ không nhìn thấy ngày mới hôm sau. Không ai trong số những người biết con có thể nói rằng con là loại người ủ rũ và buồn bã trong giao tiếp. Con hằng ngày cảm ơn Tạo hóa của con về phước lành này. [2]

Chưa đầy hai tháng sau, ngày 28 tháng 5, 1787, Leopold Mozart mất trong vòng tay của con gái ông, và Amadeus không bao giờ gặp lại ông. Mozart viết cho người bạn của mình, Nam tước Gottfried von Jacquin, “Tôi thông báo với ngài rằng khi trở về nhà hôm nay, tôi nhận được tin buồn về cái chết của người cha yêu quý nhất của tôi. Ông có thể hình dung tình trạng của tôi như thế nào.” Đó là sự mất mát đau buồn nhất đối với Mozart. Cha ông ra đi mang theo những bất đồng ý kiến với ông về cuộc sống và gia đình ông không mong gì hàn gắn lại được.

Wolfgang Amadeus lúc viết bức thư cuối cùng cho cha mới 31 tuổi. Ông đã quan tâm sâu xa về cái chết, phải chăng ông đã linh cảm ông cũng chỉ tồn tại vài năm nữa trên cuộc đời? Chỉ hơn 4 năm sau, Mozart cũng mất, ngày 5 tháng 12, năm 1791, hưởng thọ chỉ 35 tuổi, hai tuổi trẻ hơn Vincent van Gogh (37t).

Tại sao Mozart lại có suy nghĩ sớm có tính triết lý về cái chết như thế? Ông được biết là người thích hưởng đời, joie de vivre. Ông đã trốn khỏi sự kiểm soát của cha, một người có tính gia trưởng và áp đặt. Ông không ở lại Salzburg như cha ông kỳ vọng, mà đến thủ đô Vienne cách Salzburg khoảng 200 dặm, để được độc lập, tự do, sống vui với thế giới rộng lớn và tự lập gia đình với Constanze Weber theo ý mình, người mà cha ông cũng không chấp thuận. Cho nên quan hệ giữa Amadeus và Leopold không mấy tốt đẹp. Khi Leopold mất, ông trao quyền thừa kế toàn bộ tài sản cho chị gái ông, Marianne, kể cả những món tiền lớn mà Leopold đã thu được từ những chuyến trình diễn với Amadeus thời niên thiếu, trong khi Amadeus sống trong túng thiếu. Nhưng Amadeus cảm thấy thật sự buồn khi được tin cha mình bị ốm nặng.

Thật sự Mozart đã có những suy nghĩ về cái chết và hạnh phúc ở đời sau trước đó rồi. Chỉ chưa đầy một thập kỷ trước bức thư nói trên, Mozart đã tin vào triển vọng một cuộc đoàn tụ đẹp đẽ với người mẹ đã qua đời của mình, tin “rằng bà sẽ không mất đi đối với chúng ta mãi mãi – rằng chúng ta sẽ gặp lại bà – rằng chúng ta sẽ sống với nhau hạnh phúc và hạnh phúc hơn bao giờ hết trên thế giới này. Chúng ta vẫn chưa biết khi nào sẽ xảy ra – nhưng điều đó không làm phiền con; Khi Chúa muốn, con đã sẵn sàng. ” ([5], thư ngày 9. 7. 1778 gửi cho cha từ Paris) Lúc đó Mozart mới 22 tuổi. Trong suy nghĩ của Mozart, cái đẹp và cái chết được kết hợp nhau một cách có ý thức. ([1], 379)

 

Wolfgang Amadeus Mozart ở tuổi 14 tại Verona, Ý, 1770. Tranh được cho của Giambettino Cignaroli. Mozart là “thần đồng của các thần đồng”, “một tài năng gần như siêu phàm”. Ông chơi được đàn piano forte ở tuổi 3, hoàn tất làm chủ vĩ cầm và cả phong cầm ở tuổi 7; có những sáng tác ngắn ở tuổi 5. Ở tuổi teen, bố ông đưa ông và chị ông Nannerl đi tour khắp châu Âu với những buổi trình diễn thành công vang dội. Ở tuổi 12, ông viết vở opera đầu tiên, La finta semplice. Ông thành thạo nhiều ngoại ngữ, Pháp, Anh, Ý, ngoài tiếng Đức, và cũng biết tiếng La tinh.

Ý tưởng chết là điều kiện cho một sự tái sinh cao hơn đã bàn bạc trong văn hóa phương Tây. Socrates, Cicero, Herder, Goethe, Schiller, hay Spinoza, Einstein từng có những suy nghĩ tương tự, cách này hay cách khác. Họ không sợ cái chết. Họ xem cái chết là một phần của sự sống mà họ yêu quý.

Người ta cho rằng Mozart chịu ảnh hưởng trực tiếp của Hội Tam điểm (Freemasonry/ Freimaurerei), và do đó về quan niệm cái chết của Hội này. Hội Tam điểm cố gắng làm cho các hội viên thấm nhuần rằng chết là một phần của cuộc sống. Ngay khi được kết nạp, một biểu tượng của sự vô thường cho thấy rằng tất cả chúng ta sẽ phải chết. Họ không sợ chết, và sẵn sàng chấp nhận sự đau buồn. Chết là sự ra đi theo tiếng gọi của Đấng toàn năng cho một “công việc cao hơn”.

Thực tế, Mozart được kết nạp làm thành viên của chi hội “Nhân ái” ngày 26. 3. 1785, và ngày 22 tháng 4 cùng năm, tiến lê thành “Master” một cách nhanh chóng. Ông cũng đã tranh thủ được cha mình và cả Haydn vào Hội. Áo là xứ Hội Tam điểm phát triển nhiều hơn cả các nước khác. Họ vào Tam điểm, nhưng vẫn là người Công giáo. Trong giới tinh hoa, có thể tìm thấy thành viên của Hội Tam điểm khắp nơi. Beethoven sau này cũng là một thành viên. Trong giới văn học Đức có Lessing, Schiller, Goethe. Tam điểm là nơi quy tụ giới giới khai sáng bao gồm cả công chức nhà nước, cả giới quý tộc. Các lý tưởng của Tam Điểm mở rộng khai sáng và tình yêu, nhân ái, hòa hợp, ngay cả giữa các dân tộc.

Các nguyên lý cơ bản của niềm tin Tam điểm – tự do, chủ nghĩa lý tưởng, bình đẳng, tình huynh đệ, lòng khoan dung, lòng nhân từ, được thực hành hằng ngày trong cuộc sống – đã tạo cho nó tính cách của một gia đình lý tưởng, được nới rộng, và bù đắp cho sự rạn nứt mối quan hệ của Mozart với cha mình. Ông đã cố gắng đưa cha vào Hội như một biểu tượng của sự đoàn tụ mong muốn trong “đại gia đình” rộng lớn hơn, của một tình yêu rộng lớn hơn.

Mozart thực tế đã chịu ảnh hưởng của Hội Tam điểm từ những năm 1770 ở tuổi teen. Năm 1772, lúc mới 16 tuổi, Mozart đã viết aria (một bài hát dài cho giọng solo) về một bài thánh ca Tam điểm. Ông có đến cả chục sáng tác trong tinh thần Tam điểm. Nhưng vở opera Cây sáo thần (Magic flute, Zauberflöte, 1791) cuối đời ông mới là sự ca ngợi những lý tưởng của Tam điểm. Ông thực hiện opera này chung với Emanuel Schikaneder, vừa diễn viên và giám đốc nhà hát tại Vienna. Schikaneder cũng là một hội viên của Tam điểm. Nghĩa là Cây sáo thần được hai “huynh đệ” của Tam điểm thực hiện. Phần nhạc do Mozart lo, phần lời do Schikaneder. Tác giả Swafford viết về ý nghĩa của Cây sáo thần:

Mozart là một hội viên Tam điểm đầy nhiệt huyết, và Cây sáo thần là một câu chuyện ngụ ngôn sáng sủa về Hội Tam điểm, một tập hợp các chi hội (lodges) quốc tế chính là lực lượng tiến bộ ngầm trong thời kỳ Khai sáng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chủ đề sâu xa hơn của vở opera này là chủ đề tình yêu của Mozart: tình yêu thiêng liêng của Papageno và Papagena, tình yêu cao cả của Tamino và Pamina, tình yêu thiêng liêng của Sarastro dành cho toàn thể nhân loại. Cuối cùng, với sự hứa hôn của Tamino và Pamina, Sarastro ca ngợi cặp đôi và sự chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối. Đối với Mozart, tình yêu là ánh sáng, là minh triết cao nhất mà chúng ta biết được. (Swafford, 89)

❀❀❀

“Cậu bé Mozart”, tượng đồng  của Barrias Louis-Ernest, 1883, tại Viện bảo tàng Orsay, Paris

Tuy Mozart không phải là người có tư tưởng cách mạng như của cuộc Cách mạng Pháp, nhưng Đám cưới của Figaro (1786) theo một nghĩa nào đó là một “giấc mơ” về Cách mạng Pháp: những gì cuộc cách mạng cố gắng đạt được bằng vũ lực, thì tình yêu ở Mozart ra sức làm: xóa bỏ ranh giới giai cấp. Vở này dựa trên vở kịch của Beaumarchais mà Napoleon đặt cho cái tên nổi tiếng: “cách mạng trong hành động”. Vở Figaro vẽ nên bức tranh về một xã hội quý tộc với những cái quá đáng suy đồi, khiêu gợi và đồi trụy. Nó phản ảnh một giai cấp đang trên đường sụp đổ. Nó quảng bá tự do, bình đẳng và chống lại các đặc quyền của giới quý tộc, droit du seigneur. Figaro của Mozart ra đời 11 năm sau Cách mạng Mỹ, và 2 năm trước Cách mạng Pháp, những cái mốc cách mạng đáng nhớ.

Ý tưởng cách mạng tình yêu thực ra đã có trong vở opera Vụ bắt cóc từ Serail (Entführung aus dem Serail, 1782). Một cái gì đó giống như một cuộc cách mạng tình yêu đã diễn ra ở đây. Bài thánh ca về tình yêu (“Tình yêu muôn năm!”) có thể nói, là “cuộc phá ngục Bastille”, thành trì của quan niệm tình yêu của quý tộc-cung đình, thứ mà nó phục vụ để phục vụ lợi ích của một tầng lớp quý tộc. Với Mozart, tình yêu chiến thắng tất cả mọi thứ –Amor vincit omnia – kể cả hệ thống phân cấp xã hội. Tình yêu, và bình đẳng, không phải kết quả của bạo lực, mà của tình yêu. (Dieter Borchmeyer) Nếu Rousseau kêu gọi: Hãy trở về thiên nhiên, thì Mozart muốn kêu gọi: Hãy trở về tình yêu. Tuy Mozart sớm nói về cái chết, nhưng ông lại là người ca ngợi tình yêu và cuộc sống.

Qua vở Don Giovanni, một năm sau Figaro, nhà thơ Đức Eduard Mörike, trong tiểu phẩm Mozart trên đường tới Praha (1855), nhìn thấy “tiếng ì ầm của cuộc cách mạng Pháp” hai năm sau đó. Nhưng Mozart không phải là nhà cách mạng. Cách mạng bằng bạo lực không có ý nghĩa gì đối với ông. Nhưng Mozart làm cuộc cách mạng âm nhạc, giải phóng âm nhạc khỏi khẩu vị và sự phục vụ giới quý tộc và cung đình.

 

Tôi nói với ông trước mặt Chúa, với tư cách người trung thực, rằng con trai ông là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất mà tôi biết được bằng xương bằng thịt và bằng tiếng tăm.

Joseph Haydn

Giá như tôi có thể gây ấn tượng được lên tâm hồn của mỗi người bạn âm nhạc và đặc biệt những người nổi tiếng, rằng những tác phẩm của Mozart không thể bắt chước được như thế nào, sâu sắc đến mức nào, thông minh về âm nhạc và nhạy cảm phi thường làm sao!

Joseph Haydn

 

Tài năng vĩ đại và tính cách không phù hợp với tiêu chuẩn cung đình là những yếu tố ngăn cản Mozart thu xếp với thế giới vua quan. Người bảo trợ của ông là Nam tước Grimm, trong một lá thư gửi Leopold, nhận xét  “Anh ta quá thành thật, không tích cực, quá dễ bị lừa dối, quá không biết về những phương tiện có thể dẫn đến thành công. Để vượt qua được, bạn phải khôn ngoan, hăng hái và dám làm.”  Grimm biết rằng chính tài năng tuyệt vời của Mozart đã ngăn cản anh đến với thế giới của quý tộc. “Tôi mong ước, để thành công cho số phận, anh ta chỉ cần một nửa tài năng, nhưng gấp đôi tài khôn léo.”

Điều đó không lạ đối với bố ông. Tháng 8 năm 1782, Leopold Mozart đã viết về con trai của mình rằng “Không có gì có thể cản đường anh ta, nhưng, tiếc thay, các thiên tài đặc biệt lại gặp phải các chướng ngại vật cản đường.” Và tiếp: “Có hai diều trái ngược nhau – quá nhiều và quá ít, không có cái trung dung.” Mozart không bao giờ thành công giành được một vị trí triều đình xứng đáng với năng lực nghệ thuật của anh ta. Cả ở Pháp.

Đó là bi kịch của Mozart. Như nhạc sĩ Áo Manfred Klein nhận định về tính hoàn vũ của âm nhạc Mozart: “Mozart đã kết hợp vẻ đẹp trang trọng, tính chất duyên dáng và thần thánh trong âm nhạc của mình. Về bản chất, nó không phụ thuộc vào không gian, thời gian và môi trường xung quanh”. Giống như sự độc lập của thuyết tương đối đối với các hệ quy chiếu. Có lẽ vì thế nó rất được Einstein ưa thích.

Âm nhạc của Mozart tuôn trào không nghỉ. Không có một lô gic đời thường nào cản được dòng chảy đó. Từ tuyệt tác Entführung đầu tiên đến Zauberflöte sau cùng, một thời gian chỉ 9 năm, Mozart sống trong sự “thôi thúc và giông bảo” của nội tâm phải sáng tác và sáng tác theo tiếng gọi bên trong. Giống như Vincent van Gogh phải vẽ, phải vẽ liên tục mặc cho đau ốm, thiếu thốn, cho đến phút cuối cùng. Mozart không có thì giờ để “luồn cúi” (“Con không thích điều đó”, Mozart viết cho cha), hay thỏa hiệp, để bẻ cong thiên chức của mình. “Tính thích vui nhộn của Mozart là sự tự phân tâm dữ dội khỏi những cơn bão tinh thần, sự bồn chồn tinh thần và khỏi những ý tưởng đang lên men của ông, đằng sau đó là cái chết luôn rình rập, tiến gần người bệnh hơn”, như Ernst Lert nghệ sĩ và sử gia âm nhạc người Áo nhận xét ([12], 448). Mozart có biệt tài sáng tác ngay trong lúc bận rộn đời thường. Ông có thể nghe thấy âm thanh vũ trụ trong những cái nhảm nhí của cuộc đời.

❀❀❀

Cha thân yêu nhất của con, — Con không thể viết một cách thi vị, bởi vì con không phải là nhà thơ. Con không thể tạo ra những cụm từ mỹ thuật tinh tế để tạo nên ánh sáng và bóng tối, bởi vì con không phải là họa sỹ; con cũng không thể diễn tả suy nghĩ và cảm xúc của con bằng cử chỉ hay dấu hiệu, bởi vì con không phải là vũ công; nhưng con có thể làm những điều đó bằng âm điệu, vì con là một nhạc sĩ.

W. A. Mozart

(Thư gửi cha ngày 8 tháng 11, 1777 từ Mannheim, [5])

Thường người ta nói, thiên tài hay có cái tính lạ (strangeness). Francis Bacon có lẽ là người đầu tiên nhận xét rằng “Cái đẹp như trái mùa hạ, dễ hư hỏng, không để được lâu.” ([1], 373) Hay nói như nhà thơ Pháp Baudelaire: “Cái đẹp là cái lạ”. Lạ đối với đời thường. Có lẽ như thế. Âm nhạc Mozart đã đạt tới quy chế hoàn vũ, universality. Con người không thể cắt nghĩa được về ông bằng suy nghĩ đời thường, như Goethe nhận xét. Ông đã vượt ra khỏi phạm trù thế gian và thuộc về vũ trụ. Einstein từng nói, ông “xem nhạc của Mozart như vẻ đẹp nội tâm của chính vũ trụ vậy”. Nam tước F. M. Grimm, một trong những đại biểu của Khai sáng, và cộng tác viên của Encyclopédie, cho rằng những nguyên lý của chủ nghĩa duy lý là quá chật hẹp để cắt nghĩa một hiện tượng như Mozart, và sự vĩ đại sáng tạo của ông. Grimm nói về hiện tượng thần đồng của Mozart: “Thật khó giữ cho mình khỏi bị điên khi nhìn thấy một kỳ quan như thế.” ([2],77) Những năm 1919 và sau đó, bao người cũng muốn điên lên vì Albert Einstein với thuyết tương đối. Công chúng kéo tới không phải để hiểu lý thuyết khoa học của ông, họ chắc không thể hiểu được lúc đó, mà để chiêm ngưỡng con người ông là chính, và nhìn thấy khoảng không gian xung quanh ông bị cong. Đối với họ, đó là những thiên sứ có thật không dễ thấy trong một đời người.

Trong những ngày cuối đời, ông sống trong túng thiếu và nợ nần. Nhưng đó là những ngày tháng ông lao động miệt mài và sống hết mình cho nghệ thuật mặc dù sức khỏe đã kém. Cuối tháng 8, Mozart lên đường đi Praha dự lễ đăng quang của Leopold II và lưu lại ở đó cả tháng. Những buổi lễ đầy ấp nhạc của Mozart như Don Giovanni, La Clemenza di Tito. Nhưng ông đã đổ bệnh ở đó. Mozart xanh xao và nét mặt buồn bã, mặc dù vẫn hài hước với bạn bè. Nhưng ông không thể để bị ốm. Trước mắt, Mozart hoàn thiện Cây sáo thần. Ông đã làm điều đó vào ngày 28 tháng 9 và chứng kiến buổi ra mắt của nó tại Freihaustheater (Theater auf der Wieden), Vienna, vào ngày 30 tháng 9. Mozart tự chỉ huy dàn nhạc từ đàn piano. Ngay lập tức vở opera trở thành hit lớn. Hàng trăm buổi biểu diễn được thực hiện trong suốt những năm 1790.

Một cảnh sân khấu (lúc Nữ hoàng đêm xuất hiện) của Karl Friedrich Schinkel

dàn dựng cho Cây sáo thần, Berlin, 1815 (Pinterest)

Mozart bận rộn tất bật, không chỉ với công việc sáng tác và ca hát, mà còn chăm sóc gia đình của mình và của mẹ vợ chu đáo, sống vui với các buổi trình diễn âm nhạc cùng bạn bè và người thân. Liebe und Arbeit – Tình yêu và lao động – luôn luôn lao động vì tình yêu thương, muốn chu cấp ổn định cho gia đình, qua đó ông xua tan những đám mây u sầu, và đạt được “tâm trí bình an”. Ông cảm thấy hơn bao giờ hết được tự do để sáng tác những gì mình cảm hứng mà không phải để phục vụ cho các nhu cầu mua vui của giới quý tộc.

Trong vòng 4 tháng cuối đời, khi Mozart đã không còn khỏe nữa và đang đi du lịch, ông đã viết 6 tác phẩm, trong đó có Cây sáo thần, La Clemenza di Tito,  “Những bạn tôn vinh người sáng tạo vũ trụ vô biên”, một bản concerto cho kèn clarinet cho H. Stadler, một cantata cho cả dàn hợp xướng và Requiem. Một nỗ lực phi thường chắc đã phải làm cho sức ông cạn kiệt. ([13]) Năng lượng của con người nhỏ bé của ông là hữu hạn, nhưng ông không thể dừng dòng chảy sáng tạo đang tuôn trào vô hạn trong ông, cho đến khi ông kiệt sức. Mozart, hay van Gogh, những người mang trong người sứ mệnh, không thể không sinh ra thế giới đang thai nghén bao lâu vẫn còn chút năng lượng lao động trong người.

Từ mùa xuân 1790 ông đã cảm thấy một “nỗi buồn không dứt” trong lòng, và dần dần rơi vào bệnh u sầu (Solomon, 459). Ngày 15 tháng 12 năm đó, để chia tay trước khi Haydn (1732-1908) lên đường đi Anh, Mozart ở suốt ngày với ông, và dùng chung cơm tối. Vào lúc chia tay, Mozart nói: “Có lẽ chúng ta nói lời chia tay cuối cùng trong cuộc đời này.” Nước mắt của cả hai trào ra. Haydn vô cùng xúc động, vì ông nghĩ những lời của Mozart cũng áp dụng cho chính ông.

Thực tế, sau Cây sáo thần sức ông đã cạn, và nỗi buồn trở lại xâm chiếm người ông trước sự bất lực chống đỡ của ông. Mozart bắt đầu nói đến cái chết, và cho rằng ông viết bản Requiem do một quý tộc bí mật đặt hàng là cho chính ông. Ông không sợ chết, nhưng chết lúc này sẽ không làm cho ông chu toàn trách nhiệm đối với gia đình. Nước mắt ông chảy: “Anh cảm thấy dứt khóa không còn sống được bao lâu nữa; anh chắc chắn đã bị đầu độc. Anh không thể thoát khỏi ý tưởng này” Mozart nói với vợ. (Solomon, 489) Mozart tiếp tục viết Requiem, nhưng dang dở. Vài ngày trước khi mất, một nhà quý tộc Hungary và một người khác từ Amsterdam hứa hẹn ông một sự cung cấp tài chính đầy đủ có thể chấm dứt cảnh thiếu thốn của ông. Nhưng đã quá muộn. Ông mất ngày 5 tháng 12, 1791, tại Vienna, hưởng thọ 35 tuổi, 9 tháng 7 ngày. Số phận nghiệt ngã cũng đã khiến ông không có được nấm mộ riêng – một vấn đề người đời sau thường chất vấn – tuy rằng xương cốt của Mozart chắc cũng không thêm một dấu phẩy nào cho hào quang vĩnh cửu của ông. Einstein cũng là người không muốn để lại xương cốt hay di tích chi cả. Nhưng sự chôn cất buồn bã của ông đã trở thành một trong những sự khó hiểu thống thiết nhất trong lịch sử nghệ thuật. Khi J. S. Bach mất, tiền quyên góp của gia đình và bạn bè cũng không đủ để mua một tấm bia đá dựng cho ông, khiến cho mộ của ông cũng bị thất lạc cho đến 50 năm sau mới tìm lại được.

 

Căn hộ duy nhất còn lại của Mozart tại Vienna. Địa chỉ: Domgasse 5, tầng 1. Căn hộ cuối đời ông ở và sáng tác Cây sáo thần bị san bằng để xây Siêu thị “Steffl”, địa chỉ Kärntner Str. 19, còn một tấm bảng để ghi nhớ.

Căn hộ trên là lớn nhất, sang trọng nhất, và đắt nhất mà Mozart đã có. Ông có tiếng xài sang. Căn hộ ông gồm có bốn phòng, hai cabinet và một nhà bếp. Mozart đã sống ở đây với vợ Constanze từ cuối tháng 9, 1784 đến cuối tháng 4, 1787. Ba năm ở đây được coi là cao điểm trong công việc của ông. Ông sáng tác vở opera Đám cưới của Figaro, viết bản serenade Eine kleine Nachtmusik và tổ chức nhiều buổi hòa nhạc trong các ngôi nhà quý tộc của Vienna. Mozart một lần nữa trở thành một siêu sao nổi tiếng và là khách mời của những bữa tiệc sang trọng trong các cung điện quý tộc.

Nhiều vị khách nổi tiếng đã đến đây, trong đó có Joseph Haydn. Ông chơi nhạc với Mozart, uống rượu và chơi bida suốt đêm. Hay Ludwig van Beethoven, 16 tuổi, đến Vienna để học nhạc với Mozart, nhưng chỉ được khoảng 2 tuần thì phải quay về Bonn vì mẹ ông sắp mất.

Nhà thờ St. Michael, nơi Emanuel Schikaneder lần đầu tiên trình diễn Requiem cho lễ tưởng nhớ Mozart. Đây là một trong những nhà thờ cỗ kính nhất của Vienna, cũng là nơi có 4.000 nhà giàu có và quý tộc được mai táng.

Burgtheater, Vienna, nơi các vở opera của Mozart Vụ bắt cóc từ Serail, Đám cưới của FigaroCosì fan tutte đã được công diễn lần đầu tiên. Cả ba vở đều do Hoàng đế Joseph II khai mạc.

Freihaustheater hay Theater auf der Wieden, Vienna, khoảng năm 1800, chứa đến 1.000 người. Nơi đây vở Cây sáu thần được trình diễn đầu tiên ngày 30.9.1791, và tiếp tục 35 lần cho đến đầu tháng 12, làm cho nhà hát có tên tuổi. Tổng cộng, vở được diễn 223 lần trong nhà hát này. (Wiki)

Nhà thờ St. Stephen, nơi chứa đựng niềm vui và nỗi buồn của Mozart. Ông kết hôn với Constanze Weber tại đây ngày 4 tháng 8 năm 1782 trong vòng bạn bè thân thiết. Chín năm sau, ngày 6 tháng 12 năm 1791, thi hài của Mozart được đặt trong nhà nguyện. Bạn bè và gia đình vĩnh biệt Mozart tại đây, trước khi một cỗ xe ngựa đưa ông cô đơn đến nghĩa trang St. Marxer cách đó 10km để mai táng chung với nhiều người dân khác trong một hố. Đó là đêm 6 hoặc 7 tháng 12. Theo thông lệ, người thân không được phép đi cùng. Đến nơi, người chôn mở nắp quan tài để xác ông rơi xuống hố, còn quan tài được giữ lại cho tái sử dụng. Không có một tấm bia hay vật gì để làm dấu. Mười bảy năm sau, vợ ông mới đến tìm thì chỉ còn trông chờ vào thông tin của những người quản nghĩa trang.

 

Bia tưởng niệm đơn giản tại nghĩa trang St. Marxer ở vị trí được cho là nơi an nghỉ của Mozart, với một cây cột đứt ngang tượng trưng cho cuộc đời giữa chừng xuân của Mozart, và một thiên thần đứng khóc ông. Tại Nghĩa trang trung tâm của Vienna, một bia tượng tưởng niệm lớn hơn, chỉ có tính tượng trưng, mang số 55, được dựng lên. Trong nghĩa trang này nhiều vị soạn nhạc tài năng khác được mai táng, như Beethoven, Brahms, Schubert, Schönberg. Nơi đó cũng có mộ nhà vật lý học Ludwig Boltzmann.

Vienna và Praha khóc Mozart. Khi ông ngã xuống, bao nhiêu người đứng lên đưa tay giúp đỡ. Nhiều cuộc trình diễn xuất hiện để giúp gia đình Mozart. Các giám đốc nhà hát Freihaustheater trình diễn tác phẩm Requiem tại Nhà thờ St. Michael, và vài hôm sau Schikaneder, đồng nghiệp và huynh đệ của Mozart, trình diễn Cây sáo thần để lấy tiền giúp gia đình Mozart. Nam tước Gottfried van Swieten cam kết sẽ lo chăm sóc và dạy dỗ các con của Mozart. Constanze xin hoàng đế một lương hưu và phép được tổ chức một buổi hòa nhạc với mục đích lấy tiền trả nợ. Các nhà hảo tâm, công dân cao cả của Vienne ra tay tiếp sức. Ở Praha, buổi lễ tưởng nhớ ấn tượng nhất được tổ chức ngày 15.12 tại nhà thờ Nicolai bằng nhiều hồi chuông báo, những người tham dự đông đến nỗi nhà thờ và khu Quảng trường Ý cảnh đó không thể chứa hết. Các huynh đệ của Hội Tam điểm tổ chức truy điệu Mozart. “Ai không biết anh ấy? Ai không quý trọng anh ấy? Ai không yêu anh ấy – người anh em Mozart xứng đáng của chúng tôi?” Constanze tổ chức các buổi trình diễn tại những thành phố lớn Áo, Đức Graz, Linz, Dresden, Leipzig và Berlin để lạc quyên. (Solomon, 498, 499)

Gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó, nhưng Mozart thì mãi mãi ra đi, để lại muôn vàn tình thương yêu cho nhân loại giữa một thế giới đầy cái ác và bất công, nung nấu mầm mống cách mạng khắp châu Âu. “Mozart đã trở thành một kỳ quan trong nghệ thuật của ông, đứa con cưng của thời đại ông! Cuộc đời nghệ sĩ ngắn ngủi nhưng rực rỡ của ông đánh dấu một kỷ nguyên mới trong lịch sử âm nhạc” như Franz Xaver Niemetschek, một trong những tác giả đầu tiên hết viết về Mozart. ([13])

Khi được tin Mozart đột ngột qua đời, Haydn, lúc đó đang ở Anh, người đã có một tình bạn cao quý với Mozart, được Mozart ngưỡng mộ xem là thầy, là cha, đã viết cho một người bạn: “Tôi đã bàng hoàng một thời gian sau cái chết của anh ấy. Tôi không thể tin được rằng Thiên Ý đã nhanh chóng gọi một con người không thể thay thế được về bên kia thế giới.” Và: “Hậu thế sẽ không gặp lại một tài năng như vậy trong 100 năm nữa.”

NXX, Mùa Giáng Sinh 2020

 

Chú thích

[1] Franz Xaver Niemetschek (1766 – 1849) là một nhà triết học, thầy giáo và nhà phê bình âm nhạc người Séc. Ông đã viết cuốn tiểu sử đầu tiên về Wolfgang Amadeus Mozart, đây vẫn là một nguồn thông tin gốc quan trọng về nhà soạn nhạc thiên tài.

[2] Người viết không tìm thấy nơi đâu nội dung đầy đủ của bức thư của Mozart ngày 4.4.1787. Mỗi tác giả trích đoạn cần thiết cho mình. Trích đoạn ở trên là nội dung chính của nhiều tác giả, chẳng hạn như của Benz, 251-252. Câu cuối Con hằng ngày cảm ơn Tạo hóa của con về phước lành này được lấy thêm từ Paul Johnson, ([14]), Chương 5, trang đầu tiên.

 

Tham khảo

[1] Maynard Solomon, Mozart. A Life. HarperPerennial, 1995.

[2] Klaus Matthias, Wolfgang Amadeus Mozart, tr. 74-99 trong Die Grossen, Band VII/1. Kindler, 1977.

[3] Jan Swafford, Language of the Spirit. An Introduction to Classical Music. Basic Books, 2017.

[4] Richard Benz, Wolfgang Amadeus Mozart. Trong Die Grossen Deutschen, Band II. Propyläen Verlag, 1956. Trang 240-254.

[5] Mozarts letzter Brief an seinen Vater: https://www.br-klassik.de/themen/klassik-entdecken/mozarts-letzter-brief-an-vater-leopold-was-heute-geschah-1787-100.html

[5] Những lá thư của Wolfgang Amadeus Mozart 1769-1791:

https://www.gutenberg.org/files/5307/5307-h/5307-h.htm

[7] Mozart’s Key to Happiness: https://www.theosophy-nw.org/theosnw/death/de-idap.htm

[8] Beschäftigen sich Freimaurer mit dem Tod?: https://friedrich-zur-bruderkette.de/100-fragen/beschaeftigen-sich-freimaurer-mit-dem-tod/

[9] Freimaurerei tiếng Đức: https://de.m.wikipedia.org/wiki/Freimaurerei, hoặc Freemasonry tiếng Anh:: https://en.wikipedia.org/wiki/Freemasonry

[10] Wolfgang Amadeus Mozart: https://en.wikipedia.org/wiki/Wolfgang_Amadeus_Mozart

[11] Dieter Borchmeyer: Mozart – Zeitgenosse der Französischen Revolution: http://www.sine-causa.com/er/arte/musique/mozart/mozart_d.htm

[12] B. G. Kuznecov, Einstein. Leben-Tod-Unsterblichkeit. Akademie-Verlag. Berlin, 1979.

[13] Franz Xaver Niemetschek, Lebensbeschreibung des K. K. Kapellmeisters Wolfgang Amadeus Mozart aus Originalquellen: https://musik.cc/lebensbeschreibung-des-k-k-kapellmeisters-wolfgang-amadeus-mozart/

Thêm sau ngày 5.12.2020:

[14] Paul Johnson, Mozart. A Life. Penguin Books 2014.