Ludwig van Beethoven sắp 250 tuổi

by , under Uncategorized

LUDWIG VAN BEETHOVEN

SẮP 250 TUỔI

Nguyễn Xuân Xanh

(Viết ngày 16/12/2019)

Chỉ có nghệ thuật và khoa học mới nâng con người lên tầm của Chúa

 Ludwig van Beethoven.

Tôi đã từng nguyền rủa Đấng sáng thế (Creator) và sự tồn tại của tôi. […] Nếu thật sự có thể, tôi sẽ làm một sự thách thức với số phận, mặc dù tôi cảm thấy rằng bao lâu tôi còn sống, sẽ có những lúc tôi là sinh linh bất hạnh nhất của Chúa […] Chịu đựng và nhẫn nhục, cả một nguồn lực bất hạnh! Nhưng đó là tất cả những gì đã dành cho tôi.

Ludwig van Beethoven

Ngày 16/12/2019, ngày Việt Nam, nhạc sĩ tài danh Đức Ludwig van Beethoven tròn 249 tuổi. Ông được rửa tội chính thức ngày 17/12, và theo qui định nhà thờ, trẻ em sinh ra phải được rửa tội nội trong 24 giờ, nghĩa là ông phải sinh ra ngày 16, hay 15 nếu bị trễ.

Vậy là năm sau, ngày này, 16/12/2020, thế giới sẽ kỷ niệm 250 năm sinh nhật của ông, chắc chắn sẽ là một lễ kỷ niệm “hoành tráng” và trang trọng.  VN dường như chưa có quyển sách xứng đáng nào về “người soạn nhạc hoàn vũ” – universal composer – này.

Ludwig van Beethoen là cháu nội của một giám đốc âm nhạc (Kapellmeister) cùng tên, Ludwig van Beethoven, người sinh ra cha ông là Johann van Beethoven. Trong khi Ludwig ông nội là một tên tuổi ở thành phố Bonn, giàu có và sang trọng, rất được kính nể và là niềm hãnh diện của người cháu trẻ Ludwig, thì Johann là một ca sĩ giọng tenor hạng thường, nhưng là một người nghiện rượu và túng thiếu nợ nần, và thường hành hạ gia đình.

Người ta kể rằng, nhà soạn kịch nữ người Anh Enid Bagnold hỏi một phụ nữ tranh đấu nữ quyền nên có lời khuyên thế nào cho một phụ nữ 23 tuổi sinh 4 người con và tất cả đều chêt, nay lại có mang thai với một người đàng ông nghiện rựơu và hành hạ….

“Tôi sẽ thúc giục cô ta kết liễu cái thai của cô”.

“Vậy thì”, nhà soạn kịch kia nói, “bà sẽ bỏ vứt bỏ Beethoven rồi”.

Chưa đúng lắm về số liệu. Nhưng đứa con đầu lòng mà mẹ Beethoen sinh ra có tên Ludwig Maria chết sau 7 ngày. Beethoven được bố dạy nhạc rất gắt gao,và bị hành hạ, đánh đập. Ông đã bị chứng đau tai từ nhỏ nhưng không ai để ý để điêu trị, khiến ông sau này có lẽ bị điếc, khiến có lúc ông đã viết di chúc định tự tử.

Beethoven sinh ra vào thời khai minh, và chịu ảnh hưởng lớn suốt đời. Ông ngưỡng mộ tự do, bình đẳng, huynh đệ của Cách mạng Pháp. Beethoven sống trong thời đại châu Âu đang chuyển mình toàn diện mà cuộc cách mạng công nghiệp Anh và Cách mạng Pháp, những cuộc chiến tranh Napoleon, Phổ bị thua trận là những sự kiện then chốt. Khai sáng, Cách mạng Pháp và Napoleon là những thứ định hình cuộc đời và tác phẩm ông cho đến cuối. Ông là đứa con của thời đại cách mạng, và muốn dùng âm nhạc để giải phóng nhân loại. Thành phố Bonn là cái nôi của Khai sáng mà ông đã hấp thu từ tuổi trẻ, nơi những ý tưởng khai sáng được thảo luận sôi nổi trong các quán cà phê hay đại học. Trong khi đó, Vienna, nơi ông chuyển đên để học Haydn lúc ông 21 tuổi, là thủ phủ của đế chế Hapsburg, là nơi bảo thủ, sẵn sàng trừng phạt những sự bày tỏ ý kiến chính trị cấp tiến công khai. Nhưng Vienna lại là kinh đô của nhạc cổ điển, với những thần tượng vĩ đại Haydn và Mozart từng ngự trị ở đây. Lớn lên trong không khí khai sáng và cách mạng, nhưng rồi phải đối diện với thế giới ngày càng áp bức sau khi các thế lực bảo thủ chiến thắng Napoleon.

Ông có lý tưởng phụng sự nhân loại rất sớm:

Từ thuở bé rất sớm, lòng hăng say của tôi phụng sự cho nhân loại nghèo khó và đau khổ của chúng ta một cách nào đó thông qua nghệ thuật của tôi đã không biết đến sự thỏa hiệp nào với những động cơ thấp kém.

Từ khi tôi là một đứa trẻ, hạnh phúc và niềm vui lớn nhất của tôi là có thể làm cái gì đó cho người khác.

Bản giao hưởng số 3 có tên Eroica (Anh hùng ca) được ông sáng tác trong giai đoạn Napoleon xuất hiện như vị anh hùng thế giới, và đầu tiên được ông đặt tên là Buonaparte để tỏ lòng ngưỡng mộ. Nhưng sau đó ông thất vọng, và đổi tên bản giao hưởng lại thành Sinfonia Eroica. Cả giới tinh hoa Đức, từ Kant, Herder, Goethe, Hegel đến Fichte, Schelling, Hölderlin, Wieland, Klopstock đều như thế cả. Eroica và vở opera Fidelio mang dấu ấn của cách mạng Pháp và Napoleon.

Năm 1804, chỉ vài tuần sau khi Napoleon lên ngôi Hoàng đế nước Pháp (35t), Beethoven, lúc đó 34t, cho trình diễn Eroica của minh (Nguyễn Du lúc đó bắt đầu sáng tác Kiều).

Beethoven là một huyền thoại, một thiên tài “duy tâm” và có năng lực “xuất quỷ nhập thần”. Âm nhạc của ông là “không thể vượt qua của âm nhạc cổ điển”. Cuộc đời ông là một tấm gương ấn tượng về con đường của một người “xuyên màn đêm đến ánh sáng” (Malte Korff). Ông sáng tác nhạc cho một thời đại mới. Âm nhạc của ông đã thoát khỏi khuôn mẫu của Haydn và Mozart. Ông chịu nhiều đau khổ, sống cô đơn về tình cảm, nhưng cuối cùng đạt tới đỉnh cao vinh quang và sự bất tử. Ông luôn luôn sống trong lo lắng túng thiếu, phải chạy theo các mạnh thường quân để lo có tiền, bất hạnh vô tận trong sự theo đuổi phụ nữ, đau khổ vô ngần với bệnh điếc khiến ông đã có lần viết chúc thư để tự tử lúc 32 tuổi; khó khăn thường xuyên với các nhà xuất bản, và đọc bản thảo. Ông có tình yêu thiên nhiên và vùng quê, tạo niềm cảm hứng và ảnh hưởng lên cá tính của ông.

Beethoven là “một nhà cách mạng (cô đơn) không chỉ trong âm nhạc mà còn, và không kém phần quan trọng , trong tư duy chính trị xã hội của mình” mặc dù phải đối mặt với các chế độ áp bức trong thời hậu-Napoleon, như nhà viết tiểu sử John Clubbe viết.

Bản giao hưởng số 9, bản cuối cùng, có tên Ode an die Freude của bài thơ của Schiller, được Beethoven sáng tác năm 1820 lúc ông gần như hoàn toàn điếc. Bài giao hưởng minh họa bài thơ, nói lên niêm vui và tình bạn trong một xã hội bình đẵng giữa con người, diễn tả cảm xúc của ông cho sự giải phóng và tinh huynh đệ. Trong các tác phẩm của mình Beethoven kêu gọi đấu tranh cho những lý tưởng cao cả: cái Thiện, cái Mỹ, cho Tự do và cho một loài người cao thượng. Ông mất năm 1827 (lúc đó Chopin và Schumann 17 tuổi, Liszt 16, Wagner và Verdi 14 tuổi). Hơn hai mươi ngàn người đưa ông đến nơi an nghĩ cuối cùng. Ông được tôn vinh là “Nghệ sĩ và Con người, theo nghĩa cao cả nhất của nó” (Grillparzer, nhà văn Áo, người đọc điếu văn).

Khi bức tường Berlin sụp đổ mùa thu năm 1989, nhạc trưởng Mỹ Leonard Bernstein đã thành lập một dàn nhạc gồm các cư dân của cả hai bên của thành phố Berlin từ lâu bị chia cắt để trình diễn giao hưởng số 9. Thay vì tiếng kêu của “Freude!” (Niềm vui!), Bernstein đã yêu cầu dàn hợp xướng thét lên Freiheit! (Tự do!). Chắc hẳn Beethoven đã vui mừng chấp thuận.

Có một phim rất hay, và rất cảm động: Copying Beethoven. [Xem phần hay nhất của phim ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=Xkj0TeZeZuo]

Âm nhạc đối với Beethoven là một “sự thiên khải còn cao hơn tất cả minh triết và triết học”. Kinh qua một cuộc đời đau khổ, ông nói: “Chúng ta là những con người hữu hạn với tinh thần vô hạn”, chỉ sinh ra cho những nỗi vui, buồn, và hầu như “những người được nổi bật nhất nhận được niềm vui của họ thông qua đau khổ.”

Ludwig van Beethoven (1770-1827)

Chữ ký của ông

Ông mất tại Vienne, Áo, hưởng thọ 56t:

 

Đám tang Beethoven được minh họa bởi Franz Xavier Stöber

 

Âm nhạc sự thật là trung gian giữa đời sống tinh thần và cảm thụ.

(Musik ist in der Tat der Mittler zwischen dem spirituellen und dem sinnlichen Leben)
Ludwig van Beethoven

 

Tại thành phố Bonn có một bức tượng của ông tại quãng trường Münsterplatz:

 

Tôi lúc mới qua sống một năm ở Bonn, lúc đó là thủ đô của Tây Đức, thỉnh thoảng tôi có ra đây. Chỗ này rất nổi tiếng cho những cuộc biểu tình (trong đó có biểu tình của người VN trong những năm chiến tranh), hay tranh cử. Nhà kinh tế thời hậu chiến Ludwig Erhard, “cha đẻ” của nền kinh tế thị trường, từng diễn thuyết ở đây.

 

Tượng Beethoven tại Vienna

Về tiểu sử, xin xem thêm wikipedia tiếng Việt: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ludwig_van_Beethoven#Gia_%C4%91%C3%ACnh

Chúng ta đã quen thuộc với nhiều bản nhạc nổi tiếng của Beethoven như Für Elise, Moonlight sonata… Còn đây là bản Pathéthique, sonata số 8, Op. 13 của ông:

https://www.youtube.com/watch?v=SrcOcKYQX3c

Và đây là một trong những bài “thôi thúc giông bảo” nhất của Beethoven, Appassionata (=Passionate, sôi nổi, thiết tha) Piano Sonata No 23 in F minor Op 57 Phần 1 và 2 do nữ nghệ sỹ Áo sinh trưởng tại Nga Anastasia Huppmann trình bày:

https://www.youtube.com/watch?v=U2f_mNh8Olk

Nghe bản nhạc này không thể không liên tưởng đến tiếng đàn của nàng Kiều của Nguyễn Du qua mấy câu thơ:

Trong như tiếng hạc bay qua

Đục như nước suối mới sa nửa vời

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa

Làm sao để 2020 có tác phẩm lớn tiểu sử về ông để người Việt Nam kỷ niệm, sẽ rất có ý nghĩa. Đó là “mệnh lệnh” của chúng ta.

(Hẹn lần tới sẽ chi tiết hơn về đời ông)

Xem thêm:

Lá thư cuối cùng của W. A. Mozart gửi cha

 

Nguyễn Xuân Xanh

 ngày 16/12/2019, và có bổ sung sau đó