DONALD KEENE
VÀ NHẬT BẢN
NGUYỄN XUÂN XANH giới thiệu
Tôi không thể không nghĩ rằng mình có mối liên hệ duyên nghiệp đặc biệt nào với đất nước và người dân Nhật Bản.
Donald Keene
Niềm vui chưa trọn vẹn, tác giả Donald Keene chưa nhìn thấy được bản tiếng Việt của sách ông thì ông đã qua đời lúc 6:21 giờ sáng ngày 24 tháng 2, năm 2019 tại bệnh viện Tokyo, hưởng thọ 96 tuổi. Ông là một học giả và dịch giả văn chương Nhật Bản nổi tiếng thế giới.
Donald Keene (1922-2019), sinh ở Thành phố New York, mất ở Tokyo
Donald Lawrence Keene sinh ngày 18 tháng 6, năm 1922, tại Brooklyn, New York. Ông theo học trường công ở đó và vào Đại học Columbia năm 1938 ở tuổi 16. Ông nổi tiếng là một thần đồng. Ông theo học văn chương Hy Lạp và Pháp, và nghe bài giảng của những giáo sư nổi tiếng như Mark Van Doren, Lionel Trilling, và Moses Hadas. Một bạn học người Trung Quốc dạy ông đọc và viết tiếng Hoa. Nhưng năm 1940 một sự kiện thay đổi đời ông, khi ông khám phá Truyện Genji tại một nhà sách cũ mà ông mua với giá 60 xu. Genji là tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng nhất của Nhật Bản do một phụ nữ cung đình viết vào thế kỷ 11, và có lẽ là quyển tiểu thuyết đầu tiên của thế giới[1], được dịch bởi một nhà ngôn ngữ học phương Đông tên tuổi là Arthur Waley của Đại học Cambridge. Nó cho ông thấy người Nhật có một di sản văn hóa to lớn và đẹp đẽ hơn là chủ nghĩa quân phiệt đang hoành hành tại Trung Quốc. Thế giới “đẹp và xa” của Nhật Bản hiện qua Genji đã cung cấp cho Donald Keene một chỗ nương tựa tinh thần để ông lánh xa cuộc chiến mà Keene chán ghét. “Nó làm cho tôi rất xúc động, không phải chỉ vì câu chuyện thú vị và các nhân vật trong đó, mà bởi vì nó dường như có độ văn minh có thể so sánh với thế giới mà tôi đang sống”, Keene thổ lộ. Đó là cuộc gặp gỡ định mệnh với Nhật Bản. “Đôi khi tôi nghĩ rằng nếu như một sự cố tình cờ làm tôi mất hết kiến thức tiếng Nhật, thì đời tôi sẽ chẳng còn lại gì nhiều. Tiếng Nhật, trước nhất không có liên quan gì đến tổ tiên tôi, khẩu vị văn chương tôi, hay ý thức về bản thân tôi như một con người, vậy mà đã trở thành nhân tố trung tâm của đời tôi”, như ông tâm sự.
Trong Thế chiến thứ hai, Keene phục vụ như một thông dịch viên cho hải quân Mỹ tại Okinawa và vài vị trí khác. Ông tìm cách thuyết phục các tù nhân chiến tranh Nhật, những người chỉ muốn tự sát vì xấu hổ đã bị bắt, hãy can đảm sống tiếp: “Các anh phải sống để xây dựng lại Nhật Bản.”
Ông tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Columbia năm 1949, và dạy ở đó hơn năm thập niên. Keene là nhà Nhật Bản học vĩ đại. Ông để lại nhiều di sản đồ sộ về văn chương Nhật Bản, lịch sử và văn hóa, trong đó có bộ Lịch sử văn học Nhật Bản gồm 18 tập, một công trình cần một phần tư thế kỷ để hoàn thành; và một quyển tiểu sử đồ sộ của Hoàng đế Minh Trị xuất bản bằng tiếng Nhật năm 2001 và tiếng Anh năm 2002. Ông chuyển ngữ và diễn giải văn hóa Nhật Bản xuất sắc cho cộng đồng tiếng Anh. Các công trình dịch thuật và nghiên cứu đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sinh viên muốn hiểu biết Nhật Bản. “Giáo sư Keene đóng vai trò then chốt trong việc thiết lập môn nghiên cứu văn chương Nhật Bản ở Hoa Kỳ và xa hơn nữa”, Trung tâm Văn hóa Nhật Bản Donald Keene tại Đại học Columbia viết trong trang web của họ. Các quan sát sắc xảo của Keene về văn hóa, lịch sử và xã hội cung cấp cho người đọc phương Tây, và cả Nhật Bản những nhận thức có tính khai sáng.
Trung tâm Văn hóa Nhật Bản Donald Keene tại Đại học Columbia được thành lập năm 1986 để vinh danh ông với mục đích khuếch trương sự hiểu biết Nhật Bản và văn hóa của quốc gia này tại Hoa Kỳ thông qua giảng dạy, nghiên cứu và giáo dục công; khuyến khích nghiên cứu các mối liên hệ hỗ tương giữa các nền văn hóa của Nhật Bản, các quốc gia châu Á khác, châu Âu và Hoa Kỳ.
Donald Keene là gương mặt quen thuộc đối với giới học giả và người hâm mộ văn chương Nhật Bản trong thế giới nói tiếng Anh. Nhưng từ những năm 1970 trở đi, ông là khuôn mặt quan trọng trong giới truyền thông Nhật Bản. Tình bạn của ông với nhiều tác giả Nhật Bản nổi tiếng, các nhà báo và nhà xuất bản chắc chắn đóng góp vào tên tuổi ông, nhưng nhân tố khác cũng không kém quan trọng là ông viết và giảng dạy bằng tiếng Nhật trong nhiều thập niên liền. Đặc biệt trong những thập kỷ 1970 và 1980 phương Tây có một mối quan tâm lớn về vấn đề người ngoại quốc hiểu gì Nhật Bản, và với tư cách một người nói thành thạo tiếng Nhật và một người có uy tín về văn chương truyền thống lẫn hiện đại, ông rất được săn lùng. Thực tế, tất cả những công bố của ông bằng tiếng Anh cũng xuất hiện song song bằng tiếng Nhật, và rất nhiều tác phẩm của ông được viết dưới dạng đăng nhiều kỳ trên các tạp chí và nhật báo Nhật Bản. Nhưng phần lớn các công trình ông được viết cho người đọc Nhật Bản: chẳng hạn như các essays về những chuyến đi của ông ở châu Âu, châu Á, và châu Phi, hay những khía cạnh văn hóa Mỹ và châu Âu. Nhiều năm ông cũng viết các cột báo bình luận các buổi trình diễn nhạc cổ điển hay opera. Gần đây, nhà xuất bản chính của ông, Shinchōsha, đã chuẩn bị xong một bộ sưu tập các bài viết ông bằng tiếng Nhật: Bộ sưu tập đã lên đến 15 tập, và còn thêm phần bổ sung nữa. Donald Keene được New York Times Book Review ca ngợi là “chuyên gia hàng đầu thế kỷ về văn chương Nhật Bản”.
Keene nhận được nhiều huân chương của Nhật Bản, bao gồm Huân chương Mặt trời mọc Hạng 3 năm 1975, Huân chương Mặt trời mọc Hạng 2 năm 1993, và Huân chương Văn hóa (Bunka Kunsho) năn 2008 với tư cách người nước ngoài đầu tiên. Ông được chọn là Nhân vật Giá trị Văn hóa năm 2002; được trao Huân chương Văn hóa (Bunka kunshō) năm 2008 là người nước ngoài đầu tiên. Ông được bầu làm thành viên của Hàn lâm viện Nghệ thuật và Khoa học Hoa Kỳ năm 1976, thành viên của Hàn lâm viện Nghệ thuật và Văn chương Hoa Kỳ năm 1986, và thành viên danh dự của Hàn lâm viện Nhật Bản năm 1990. Trong số các đại học trao ông bằng danh dự có Đại học Cambridge, St. Andrew’s College, Middlebury College, Đại học Columbia, Đại học Tohoku, Đại học Waseda, Đại học Ngoại ngữ Tokyo, và Đại học Keiwa.
Ông còn nhận Giải thưởng Kikuchi Kan năm 1962, nhận cả hai Giải Yamagata và Giải Quỹ Nhật Bản năm 1980. Các tác phẩm về văn hóa nhật ký Nhật Bản, Những người du hành của trăm thời đại (Travelers of a Hundred Ages) giành được Giải Yomiuri, và Giải Văn chương Nhật Bản năm 1985. Ông giành được Giải Thủ đô Tokyo năm 1987, Giải thưởng Ivan Sandorf năm 1991, Giải Văn hóa Truyền thanh và Truyền hình năm 1993, Giải Inoue Yasushi năm 1994, Giải Asashi năm 1998, và Giải Văn hóa Mainichi năm 2002 cho tác phẩm Hoàng đế Minh Trị. Một viện bảo tàng dành cho cuộc đời và tác phẩm ông được khai trương ở Kashiwazaki, Tỉnh Niigata.
Có thể nói, Donald Keene là một học giả khổng lồ về văn hóa Nhật Bản, dịch giả và diễn giả xuất sắc văn hóa Nhật Bản cổ điển và hiện đại, góp phần làm cho văn hóa Nhật Bản được giới thiệu mạnh mẽ ra thế giới, đồng thời cũng trở nên sống động hơn trong ý thức người Nhật. Một trong những tác phẩm cuối cùng của ông, sau Hoàng đế Minh Trị, có tên Yoshimasa and the Silver Pavilion, nói về vị Shogun Yoshimasa thế kỷ 15 (1436-90, cầm quyền 1449-73). Ông không xuất sắc trong vai lãnh đạo quân sự và trị vì thiên hạ, vì thế sớm rút khỏi chính trường để lui về xây dựng văn hóa, chăm lo “rèn đúc khẩu vị văn hóa Nhật Bản” mà thế giới hôm nay ngưỡng mộ − từ trong lửa đỏ chiến tranh và đói khổ! Ông xây đền Ginkaku (Silver Pavilion), thiết kế những vườn hoa lộng lẫy, phát triển kiểu kiến trúc shoin-zukuri, bảo trợ các nhà thơ, trà đạo, nghệ sĩ no, nhà hội họa, những người mà tên tuổi vẫn còn được ngưỡng mộ hôm nay. Từ lâu đài ẩn dật của ông trong khu phố Higashiyama giữa một thủ đô bị chiến tranh tàn phá, ông đã dẫn dắt và định hình nền nghệ thuật mà ngày nay thế giới ca tụng là “đặc trưng của Nhật Bản đẹp đẽ và độc nhất vô nhị”. “Chúng ta có thể bị cám dỗ để kết luận rằng”, Keene viết, “không người nào trong lịch sử Nhật Bản có một ảnh hưởng lớn hơn lên việc tạo dựng nền tảng khẩu vị Nhật Bản như ông”.
Silver Pavillon của Yoshimasa ngày nay
Shogun Ashikaga Yoshimasa (1436 –1490)
Vua Trần Nhân Tông của Việt Nam thế kỷ 13 cũng có hành động tương tự, sớm nhường ngôi cho con để lên nuối ở ẩn tu thiền, truyền bá cái “Đạo”, xây dựng đạo đức cho dân sống biết “kết hợp lý tưởng Bồ-tát của Phật pháp với lý tưởng trượng phu của thế gian”. Hai tấm gương, hai mục đích. Một bên xây dựng “tâm hồn Nhật” bằng khẩu vị văn hóa, nghệ thuật, thi ca, kiến trúc và mỹ thuật, một bên xây dựng đức hạnh theo gương Bồ-tát trong trái tim con người.
Từ nhiều năm Donald Keene chia thời gian sống của ông giữa Manahattan và Tokyo, nơi ông giữ một căn hộ tại Phường Kita nhìn ra khu vườn rộng đẹp Kyu-Furukawa. Nhưng ngay sau trận động đất Tōhoku, sóng thần và thảm họa hạt nhân tháng 3, năm 2011, Keene quyết định định rời Mỹ và định cư tại Nhật Bản để tỏ tình đoàn kết với người Nhật đang phải chứng kiến cảnh di cư của người nước ngoài ra khỏi Nhật Bản. Hành động này đã gây tiếng vang lớn. Năm sau ông trở thành công dân Nhật.
Khi trở lại Nhật Bản năm 2011, ông đến thăm ngay đền Chusonji tại tỉnh Iwate, ở đó ông có một bài nói chuyện cảm động. Ông bảo rằng từ khi ông thăm đền này lần đầu tiên năm 1955, có lẽ không ngày nào trôi qua mà ông không nghĩ đến Nhật Bản. Và ông nói thêm: “Tôi không thể không nghĩ rằng mình có mối liên hệ duyên nghiệp đặc biệt với đất nước và người dân Nhật Bản.” Trong một bài trả lời phỏng vấn năm 2015 ông phát biểu “Tôi dần dần nghĩ về Nhật Bản là nơi tôi sẽ muốn sống, và cũng là nơi tôi muốn chết.”
Donald Keene không lập gia đình. Năm 2012 ông nhận Uehara Seiki (s. 1950), một nhạc sĩ shamisen (đàn tam) truyền thống, và là người kể chuyện trong hát tuồng bunraku, làm con nuôi và là người thừa kế. Những năm cuối cùng của ông ở Tokyo là thời gian hạnh phúc, trong vòng tay bè bạn và những người chúc tụng ông. Seiki chăm sóc ông tận tình.
Ngày 10. 4 lễ tưởng niệm ông được tổ chức trọng thể tại Tokyo. Có đến 1500 người đển để nói lời giả từ Donald Keene. Seiki con ông cho biết, cho đến cuối đời, ông có hai quê hương: Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Nguyễn Xuân Xanh
Tháng 4, 2019
[1] Tác phẩm Genji sắp ra mắt bản tiếng Việt tại Việt Nam.