Dẫn nhập sách Hoàng đế Minh Trị của Donald Keene

by , under Uncategorized

HOÀNG ĐẾ MINH TRỊ

và  THẾ GIỚI CỦA ÔNG

Tác giả Donald Keene

Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu

 

“Có quốc gia nào trung quân, ái quốc hơn (Nhật Bản) không?”

   -“Không có” 

(Trong Võ Sĩ Đạo)

 

Hởi các thần dân, hãy hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương đối với anh chị, hãy hoà thuận giữa vợ chồng, và chân thành với bè bạn; hãy sống khiêm tốn và điều độ, và vị tha đối với mọi người; theo đuổi sự học và vun xới nghệ thuật và khoa học, và qua đó phát triển các năng lực trí thức, hoàn thiện năng lực đạo đức.

 “Pháp lệnh Đế chế về Giáo dục” năm 1890

 

 

Bản dịch tiếng Việt, do Cty Đông A xuất bản tháng 11, 2019.

Có bản bìa mềm, bìa cứng và đặc biệt bìa da.

Năm 2018 kỷ niệm đúng 150 năm Minh Trị Duy Tân 1868-2018, một sự kiện rất đáng để người Việt Nam tìm hiểu lại công cuộc hiện đại hóa kinh điển của Nhật Bản thành công đầu tiên ở châu Á. Mô hình Nhật Bản vẫn là cái gì lôi cuốn như một thần kỳ châu Á. Tác phẩm Hoàng đế Minh Trị và Thế giới của ông, tác giả Donald Keene, ra mắt đúng lúc, để đọc giả Việt Nam hiểu thêm vị Hoàng đế và các nhà lãnh đạo của họ hơn trong thời khủng hoảng quốc gia 150 năm trước, các tính cách của họ, và tư tưởng làm sao để đưa Nhật Bản tiến lên thành một cường quốc công nghiệp đầu tiên ở châu Á một cách bền vững.

[1]

Tác phẩm Hoàng đế Minh Trị là một bức tranh toàn diện nhất cho đến nay về vị Hoàng đế quan trọng nhất lãnh đạo đất nước từ 1868-1912 xây dựng một nước Nhật hiện đại công nghiệp hóa. Donald Keene là học giả về Nhật Bản nổi tiếng thế giới. Ông nguyên là giáo sư ở Đại học Columbia giảng dạy về văn chương Nhật Bản, và đã có trên dưới 30 tác phẩm về chuyên đề này. Triều đại Minh Trị là giai đoạn khai sinh ra nước nhật mới, chuyển từ một đất nước phong kiến sang công nghiệp hóa, và tác phẩm Hoàng đế Minh Trị mô tả từ bên trong cuộc khai sinh này với những nhân vật lịch sử liên can.

Quyển sách kể cho đọc giả biết về tâm thức, nhân cách và văn hóa, việc trị nước của ông cũng như đời sống cá nhân; về sự hiến dâng cho những mục tiêu thiêng liêng của tổ quốc, bản chất hòa bình của ông, những nét Khổng giáo, sống đơn giản, tiết kiệm, lao động cần cù, ý thức trách nhiệm cao và tính chính trực của ông; đại diện quốc gia ra bên ngoài; 100.000 bài thơ của ông, sự vinh quang và ra đi của ông. Vị nguyên thủ không đứng xa đất nước, như nhiều vua khác, không cai trị từ cung điện diễm lệ, mà bằng những chuyến công du giám sát khắp các nẻo đường đất nước thể hiện trách nhiệm của mình. Hoàng đế Minh Trị thích ăn mặc các bộ quân phục châu Âu sang trọng, có lẽ phù hợp với tinh thần võ sĩ đạo của quốc gia đã được đổi mới, nhưng ông lại là người của hòa bình, từ chối việc tuyên chiến với Trung Hoa năm 1894, và không lấy gì làm vui trước tin chiến thắng Nga năm 1905. Minh Trị đạt tới độ ngưỡng mộ chưa từng thấy trong nhân dân. Khi ông mất, Nogi Maresuke, vị tướng chiến trường năm xưa trong hai cuộc chiến tranh Trung-Nhật và Nga-Nhật và được xem là một vị anh hùng của Nhật Bản, vốn chịu ơn Minh Trị nhiều lần, đã cùng với vợ tự tay thực hiện junshi là nghi thức chết theo chúa sau khi ông để lại một bài thơ vĩnh biệt.

Và hơn cả cá nhân Minh Trị, Donald Keene đã làm hiện ra lịch sử của khu vực thời bấy giờ, các quan hệ phức tạp của Nhật Bản với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc, kể cả Nga. Quyển sách sẽ làm giàu cho đọc giả rất nhiều phương diện.

Quyển sách Hoàng đế Minh Trị đã thành công ngoài dự kiến của Donald Keene. Nó đã bán được trên 60.000 bản sau đó (giờ đây chắc chắn nhiều hơn). Và ông đặc biệt sung sướng khi nó được dịch sang tiếng Hàn và tiếng Nga.

 [2]

Để hiểu thêm quyển sách, có lẽ sẽ có ích nếu chúng ta biết thêm một số nét của cuộc chuyển đổi mang tính thời đại này, cũng như tính cách của người Nhật, để “giải mã” thần kỳ Nhật Bản. Nhật Bản thực tế đã tạo ra những ‘quy luật’ mới cho con đường hiện đại hóa đất nước, có tính phổ quát nhưng cũng rất Nhật Bản mà các quốc gia khác có thể tham khảo. Các quốc gia Đông Á đi sau trong thế kỷ 20 cũng diễn ra xung quanh quỹ đạo Nhật Bản. Park Chung Hee của Hàn Quốc đã học sát những bài học của Nhật Bản.

Thời đại Minh Trị kéo dài từ 1868-1912 có lẽ là thời kỳ quan trọng nhất trong lịch sử dựng nước của Nhật Bản, có lý tưởng đẹp đẽ nhất, có tính ‘lãng mạn’, mọi người đang ngất ngây với ý tưởng một Nhật Bản mới với những định chế của văn minh phương Tây, với khoa học, giáo dục mới, công nghiệp hóa, để khép lại một lịch sử lỗi thời và mở ra một triển vọng mới hứa hẹn cho đất nước. Nhật Bản rủ sạch các cấu trúc phong kiến thời Tokugawa, (vẫn tiếp thu những di sản tích cực của họ trong một số mặt như giáo dục), tiến hành cải cách toàn diện thể chế và tinh thần, xóa bỏ đặc quyền của giai cấp võ sĩ, mở rộng chân trời tiến thân và đóng góp cho mọi giai cấp, nhất là giai cấp nông dân và người nghèo.

Họ gửi hàng loạt sinh viên đi du học tại châu Âu và Hoa Kỳ. Giữa 1868 – 1902, nghĩa là 34 năm, Nhật Bản đã cấp 11.248 hộ chiếu du học nước ngoài, cho thấy đợt du học lớn nhất đầu tiên thời hiện đại. Hoa Kỳ thu hút hơn nửa sinh viên du học, do vị trí địa lý gần hơn châu Âu và giá cả thuận lợi hơn, và có sự giúp đỡ của các nhà truyền giáo Mỹ. Nhưng trong thập kỷ 1870, số thống kê cho thấy gần như tất cả du học sinh được nhà nước tài trợ được gửi đi Đức về khoa học, luật, và tổ chức quân sự. Mặc dù số sinh viên đi Mỹ đông hơn, nhưng họ có vai trò lại khiêm tốn hơn.

Tất cả các nhà cải cách Nhật Bản đều muốn “thoát Á”, kể cả thoát khỏi Nga. Họ đã chứng kiến sự tụt hậu và bệ rạc của ngay các ‘anh cả’ châu Á mà họ từng thán phục. Sự kính trọng đối với nền văn minh Trung Hoa cũng không còn nữa. Các ý tưởng lôi cuốn của phương Tây tràn vào xâm chiếm đầu óc giới tinh hoa. Sách dịch, hay sách viết về phương Tây bán ra hàng vài trăm nghìn đến cả triệu bản trong một dân số khoảng 30 triệu.

Hai thập kỷ đầu, nhóm cải cách ‘lãng mạn’ muốn phá bỏ hết những cái gì cũ kỹ để xây dựng một nước Nhật hoàn toàn mới theo mô hình phương Tây. Họ ngất ngây với văn minh châu Âu, thấy như được giải phóng khỏi khung xã hội truyền thống chật hẹp của phương Đông. Họ tiến hành một cuộc đi tìm khai minh một cách bài bản và rất khoa học để thực hiện việc tiếp thu ngọn gió “văn minh và khai sáng”. Chuyến công du Iwakura đã mang phần lớn những nhà lãnh đạo mới, trẻ, đầy nhiệt huyết đến 20 quốc gia Mỹ và châu Âu để họ chứng kiến tận mắt văn minh phương Tây và rút ra những bài học tất yếu cho Nhật Bản.[1]

Chuyến đi đã đưa họ đến những nhận định có ảnh hưởng sâu rộng. Họ quan sát từ đời sống, sinh hoạt xã hội, tôn giáo, khoa học, công nghệ, quân sự, đến thể chế chính trị, giáo dục, học thuật.  Thứ nhất, họ nhận định, các quốc gia châu Âu chỉ mới phát triển mạnh mẽ khoảng từ những thập niên đầu của thế kỷ 19, nghĩa là đi trước họ chỉ khoảng 50 năm thôi, cho nên họ có thể đuổi kịp và qua mặt được. Thứ hai, Kitô giáo, gồm Công giáo và Tin lành, đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong văn minh của dân chúng phương Tây. Họ ngạc nhiên khi thấy người dân ở đó sao quá sùng đạo, có hiểu biết tổng quát về Kinh thánh, đi nhà thờ đều đặn ngày chủ Nhật, khắp làng xã đều có nhà thờ, khác với Phật giáo và Khổng giáo ở Đông Á.[2]

Sự hồ hởi khiến cho bộ trưởng ngoại giao Inoue Kaoru diễn tả rất say sưa: “Chúng ta hãy thay đổi đế chế chúng ta thành một đế chế phong cách-châu Âu (European-style). Chúng ta hãy thay đổi dân tộc chúng ta thành một dân tộc phong thái-châu Âu. Chúng ta hãy xây dựng một đế chế phong thái-châu Âu trên biển Đông.” Mutsu Munemitsu, trở về từ châu Âu năm 1886, nói cần thiết thay đổi mọi thứ, từ những thứ không sờ mó được như giáo dục và đạo đức đến những vật thể của đời sống hàng ngày như quần áo, thực phẩm, và nhà ở. Dĩ nhiên, những ý kiến thái quá của ông sẽ bị “thổi còi” để xã hội đạt tới một sự phát triển hòa hợp, và không mất bản sắc.

[3]

Tại sao các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã chọn Nhật hoàng (Tennō) làm biểu tượng thiêng liêng để đoàn kết nhân dân? Trong suốt thời Tokugawa hơn 250 năm, vị thế của Nhật hoàng khác hơn là tỏa sáng. Itō Hirobumi, vị thủ tướng đầu tiên của thời đổi  mới, nói rõ trong trong các buổi thảo luận năm 1888, trong sự hiện diện của Nhật hoàng, để tìm ra hình thức thích hợp nhất cho Hiến pháp. Ông bảo các nước phương Tây có gốc rễ đã nghìn năm, đó là Kitô giáo, làm trục đoàn kết trái tim của nhân dân, trong khi ở phương Đông không có cái tương tự. Ông nói tiếp:

Cho nên chúng ta trước khi biên soạn Hiến pháp phải tìm một cái trục của đất nước, và xác định hình thức nó là gì. Nếu người ta nhường chính trị lại cho sự tranh luận tuỳ tiện của nhân dân thì sự cai trị sẽ mất đi trật tự, và hệ quả là nhà nước sẽ tiêu vong. […] Trong hơn một ngàn năm từ những giai đoạn khởi đầu của hình thức chính quyền đại nghị ở châu Âu không những nhân dân được rèn luyện trong hệ thống này, mà còn có tôn giáo, cái tạo thành trục của hệ thống này, một tôn giáo đã thâm nhập sâu vào trái tim của con người, và trục đó đã hướng tất cả họ về một mối. Ngược lại trong đất nước chúng ta, sức mạnh của các tôn giáo đều yếu cả, và không có tôn giáo nào có thể phục vụ như trục của nhà nước. Phật giáo trong những giai đoạn thăng hoa nhất có khả năng thu hút trái tim con người của mọi tầng lớp, nhưng ngày nay đang đi vào suy thoái. Đạo Shintō tuy dựa lên những giáo huấn ông cha ta để lại và tiếp tục làm điều đó, nhưng với tính chất là tôn giáo nó có ít sức mạnh để thu hút trái tim của mọi người.

Khổng giáo đối với Itō không phải là một tôn giáo, và nó cũng không còn làm một thế giới quan thống nhất, và chỉ còn là một danh mục các đức hạnh được thực hành trong đời sống hàng ngày, điều mà Motoda, người giáo huấn cho Minh Trị, cũng thừa nhận. Cho nên, Itō đi đến kết luận: “Cái duy nhất có thể làm trục trong đất nước chúng ta là Hoàng đế”. Quyền lực quân chủ trở thành một thứ tôn giáo và là cái trục bất khả xâm phạm, thay thế cho vị trí Kitô giáo ở châu Âu (Masao Maruyama).

[4]

Động lực nào làm thay đổi nước Nhật? Nhà sử học Anh C. Townsend đã cho rằng suối nguồn của hành động đem lại sự đổi mới to lớn cho Nhật Bản hoàn toàn nằm bên trong nội tâm họ. Ông viết, được trích lại trong tác phẩm Bushido – Linh hồn của Nhật Bản:

Chúng ta được kể mỗi ngày rằng châu Âu đã ảnh hưởng lên Nhật Bản, và quên rằng sự thay đổi tại các hòn đảo kia là hoàn toàn được tự-tạo, rằng người châu Âu không dạy Nhật Bản, nhưng Nhật Bản tự chọn con đường học hỏi các phương pháp và tổ chức từ châu Âu. Nhật Bản nhập khẩu khoa học cơ khí của châu Âu, như người Turk nhập khẩu súng pháo từ châu Âu. Đó chính xác không phải là ảnh hưởng, trừ khi chúng ta cho rằng Anh quốc bị ảnh hưởng từ những cuộc mua hàng của Trung Hoa. Ai là tông đồ châu Âu, hay nhà triết học hay chính khách, hay người kích động để làm lại Nhật Bản?

Tác giả Inazō Nitobe của Bushido cho rằng suối nguồn đó không gì khác hơn là tinh thần võ sĩ đạo của dân tộc Nhật. Lòng tự trọngdanh dự không muốn để bị nhìn là kẻ thấp kém, đó chính là động cơ mạnh mẽ nhất của cuộc canh tân. Trong Moral Code (shushin yoryo) như di chúc của tinh thần Nhật Bản, nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi nhấn mạnh hai tính chất kết tinh của đạo đức ông quan niệm cho Nhật Bản: Tự trọng và Độc lập tinh thần:

  1. Nhiệm vụ phổ quát của Con người là nâng cao nhân phẩm anh ta lên, và phát triển những năng lực đạo đức, trí tuệ lên mức cao nhất, không bao giờ bằng lòng với mức độ phát triển đã đạt được, mà luôn luôn phải thúc đẩy đến những thành tựu cao hơn. Cho nên chúng tôi thúc giục, như là bổn phận đối vối tất cả những ai có cùng niềm tin với chúng ta, rằng hãy nỗ lực trong mọi công việc để hoàn thành nhiệm vụ trọn vẹn như con người, và đặt vào trái tim mình những nguyên lý của Độc lập và Tự trọng như những kim chỉ nam của đời sống đạo đức.
  2. Ai gìn giữ được các nguyên lý của độc lập về Tinh thần lẫn Thân thể, biết quý trọng con người, giữ gìn nhân phẩm không bị oen ố, chúng ta gọi anh ta là con người của độc lập và tự trọng.

Fukuzawa Yukichi, Điều 1 và 2

trong Moral Code (“Tu thân yếu lĩnh”)

 

Các nhà cải cách Nhật Bản, đứng đầu là Hoàng đế Minh Trị, đều sống theo tinh thần Võ sĩ đạo của Nhật Bản. Họ đã làm hết mình để hoàn tất nhiệm vụ lịch sử biến đảo quốc Nhật Bản nhanh chóng thành cường quốc phương Đông.

[5]

Hai chương lịch sử rất quan trọng để hiểu tính cách người Nhật, đó là tinh thần trung quân, và đạo đức mang tính chất Khổng giáo.

Tinh thần trung quân, trung với chủ, của giai cấp samurai là mạnh mẽ và sâu đậm trong xã hội Nhật Bản. Từ thời Trung cổ, giới samurai đã có Luật đạo đức (Moral Code). Câu chuyện nổi tiếng của 47 Rōnin − những samurai mất chủ − minh họa sống động nhất lòng trung thành tuyệt đối với chủ, và đã trở thành một thiên anh hùng ca trong lịch sử võ sĩ đạo Nhật Bản. Câu chuyện là, khoảng 1700, Asano Naganori, một daimyō (chủ soái) của một lãnh địa hạng trung, trong khi thực tập nghi thức một buổi lễ nhà nước ở lâu đài của Shogun tại Yedo (tên xưa của Tokyo), bị một quan chức cao của chính quyền Bakufu tên Kira Yoshinaka xúc phạm, dường như, như tương truyền, chỉ vì ông này không nhận được quà cáp đầy đủ của người quản gia của Asano. Asano rút gươm định giết Kira, nhưng chỉ làm cho Kira bị thương. Hành động rút gươm ra trong cung điện Shogun là một tội đáng chết. Do đó, Asano bị ra lệnh tự sát, và ông đã thực hiện seppuku cùng ngày hôm đó một cách đường hoàng sau khi để lại một bài thơ do ông vừa sáng tác. Lãnh địa của ông bị tịch thu, và 47 samurai trở thành vô chủ, mất quy chế xã hội, thành rōnin. Họ bèn quyết tâm báo thù cho chủ.

Sau hai năm trời quan sát và theo dõi, vào một ngày của tháng 2, 1703, họ mở đường máu vào dinh thự của Kira và đã lấy mạng Kira như họ mong muốn. Hoàn thành xong nhiệm vụ, họ tự nộp mình cho nhà chức trách, tuân thủ luật pháp của Mạc phủ, và chờ đợi cái chết. Dư luận tranh cãi giữa trung quân và luật pháp. Cuối cùng, luật pháp thắng, 47 rōnin phải chết, và họ đã thực hiện cái chết tự tay mình. Nhưng hành động trung quân dám chết để báo thù cho chủ đã làm cho họ mãi mãi là những anh hùng bất tử. Câu chuyện đã trở thành truyền thuyết Chūshingura, làm đề tài cho nghệ thuật kịch như kabuki hay múa rối bunraku có thể làm cho khán giả rơi lệ.  Ngày nay, cứ mỗi tháng 12, ngày 14, người dân lại đến đền thờ Sengakuji, nơi Asano Naganori và các rōnin được an táng, làm lễ tưởng nhớ họ.

Câu chuyện 47 rōnin minh họa tinh thần trung quân mạnh mẽ thế nào từ tinh thần võ sĩ đạo. Chính các samurai cải cách cũng sẽ dựa vào ý tưởng trung quân này, trung thành với Hoàng đế, mà lật đổ Mạc phủ, khi nguy cơ mất nước gần kề, và trước sự bất lực của Mạc phủ bảo vệ và phát triển đất nước.

Trung thành ngày nay còn là nét phổ biến xuyên suốt các giai tầng trong đời sống Nhật Bản: trung thành với nhóm, trường học, tổ chức kinh doanh vv. Nhưng sự trung thành giờ đây không còn thuần túy là mệnh lệnh, mà một sự cam kết tận tụy tự nguyện của cá nhân. Nhật Hoàng, Thủ tướng, Bộ trưởng, thầy giáo không thể và không ra lệnh người Nhật phải trung thành. Việc bắt ép đã qua. Xã hội Nhật ngày nay vận hành chủ yếu dựa trên sự cam kết tận tụy của cá nhân với nhóm. Nhóm và cá nhân hài hòa với nhau. Cá nhân tham gia tích cực vào quá trình lấy quyết định chung thông qua bàn bạc tham khảo. Cho nên hành động nhóm, thái độ nhóm được dựa trên sự đồng thuật của nhóm. Người lãnh đạo có nhiệm vụ làm hài hòa sự đồng thuận của nhóm. Sự phát đạt hay thất bại của tổ chức cũng là sự phát đạt hay thất bại của cá nhân. Đó là nét đặc biệt của xã hội Nhật. Nhà lãnh đạo của Nhật Bản thời cổ đại, Hoàng tử Shōtoki Taishi (574−622), đã từng có một thông điệp khôn ngoan cho người Nhật: “Nhưng khi người trên sống hài hòa với kẻ dưới một cách tử tế, và có sự hòa thuận trong thảo luận công việc, những quan điểm đúng đắn sẽ tìm được sự chấp nhận. Thì lúc đó còn gì điều gì mà không thể làm được?” (Duke, 193-94).

[6]

Chương tiếp đến là đạo đức. Để Nhật Bản trở thành văn minh như các quốc gia phương Tây, giới lãnh đạo quan niệm cần phải có đạo đức của văn minh (ethics of civilization). Họ nhìn nhận họ là dân tộc Nhật chỉ mới “bán-văn minh” (half-civilized). Nước Nhật của quá khứ là “kho chứa” không ít của những “thói quen hành xử man di” từ các đám đông ‘điên khùng’ (foolish masses), như các thói quen tiểu công cộng, nam nữ tắm chung, hoặc mê tín và nhiều thứ khác. Các nhà đạo đức học kêu gọi cần có luật pháp để làm cho những hành xử như thế trở thành “phi pháp” (illegal), và cần giáo dục dân chúng tốt hơn. Có như thế, Nhật Bản mới có một trình độ văn minh cao hơn như các quốc gia văn minh của phương Tây. Đó là đề tài được bàn cãi vào thập niên 1880.

Các bậc thang văn minh được minh họa bởi Kawanabe Kyōsai 1870

(Nguồn: Viện bảo tàng Kawanabe Kyōsai, tỉnh Saitama; trong Richard M. Reitan, 8)

Vào những năm 1890 đến cuối thế kỷ 19, đề tài đạo đức có thêm nội dung quan trọng và bao trùm hơn. Đạo đức của văn minh chuyển sang thành đạo đức của tinh thần (ethics of spirit), thể hiện cả một tính cách quốc gia (national character), hay Volksgeist, một khái niệm thoát thai từ phong trào lãng mạn Đức nhưng có tác động mạnh vào giới trí thức Nhật Bản. Nhiều học giả đạo đức học đòi hỏi những phẩm chất cao hơn, như hy sinh và trung thành với nhà nước. Trong khi đạo đức của văn minh là phổ quát, thì đạo đức của tinh thần là đặc thù cho người Nhật. Đạo đức này nhằm củng cố uy quyền của nhà nước (Richard M. Reitan). Chiếc ghế đạo đức học (rinrigaku) được thiết lập lần đầu tiên năm 1893 tại Đại học Tokyo, nhưng cả thập niên trước đã có những nghiên cứu về chủ đề này, đặc biệt quyển sách Một lý thuyết mới về đạo đức (Rinri shinetsu, 1883) của giáo sư triết học Inoue Tetsujirō. Nhiệm vụ của nền giáo dục là phải truyền bá cả hai, đạo đức văn minh và đạo đức tinh thần, làm cho các lớp người chưa được khai sáng thành văn minh.

[7]

Vấn đề đạo đức có liên quan mật thiết đến sự suy giảm đạo đức trong thanh niên vào thập niên thứ hai của thời đại Minh Trị, điều được cho là có nguyên nhân ở sự học phương Tây (rangaku) khi đất nước mở cửa. Người kiên quyết và có ảnh hưởng nhất lên việc thiết lập một nền đạo đức cho Nhật Bản hiện đại là nhà khổng học Motada Nagazane (Eifu), được cử làm gia sư và tư vấn cho hoàng đế Minh Trị năm 1871. Ông được biết chính là người đã thảo “Ý chí Đế chế về Giáo dục” (Imperial Will on Education) năm 1879 với sự đề cao các lý tưởng đạo đức Khổng giáo, nguyên lý trung quân và tình yêu đối với đất nước (chūkun aikoku). Trong khi đó, Inoue Kowashi, một modernist, và là người thân tín của thủ tướng Itō Hirobumi, đã thảo ra “Huấn lệnh Đế chế về Giáo dục” (Imperial Rescript on Education) năm 1890 như một sự thỏa hiệp với Motada.

Inoue cũng là người phát thảo bản hiến pháp đầu tiên của Nhật Bản năm 1889, đại diện cho phái đổi mới hiện đại. Trong cả hai văn bản, Huấn lệnhHiến pháp, ông sử dụng ý thức hệ hoàng đế (imperial ideology) như nền tảng của quy tắc đạo đức Nhật Bản với mục tiêu ổn định và duy trì nhà nước Minh Trị, giống như mô hình của Phổ. Nếu Kitô giáo là nền tảng đạo đức của các xã hội phương Tây, thì Inoue quay về truyền thống hoàng đế để lấy đó làm trung tâm của đạo đức cho dân chúng (kokumin dōtoku). Điều này gặp gỡ quan điểm của Motoda.

Huấn lệnh 1890 có đoạn viết:

Hởi các thần dân,

Các Tổ tiên Đế chế của chúng ta đã sáng lập ra Đế chế chúng ta trên cơ sở rộng lớn và vững bền, và có đức hạnh bám rễ sâu xa và vững chắc. Các thần dân chúng ta từ thế hệ này đến thế hệ khác đoàn kết lại trong lòng trung thành và hiếu thảo đã minh hoạ cái đẹp của Đế chế. Đó là sự vẻ vang của tư chất căn bản của Đế chế chúng ta, và đó là nguồn cội của nền Giáo dục chúng ta.

Hởi các thần dân, hãy hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương đối với anh chị, hãy hoà thuận giữa vợ chồng, và chân thành với bè bạn; hãy sống khiêm tốn và điều độ, và vị tha đối với mọi người; theo đuổi sự học và vun xới nghệ thuật và khoa học, và qua đó phát triển các năng lực trí thức, hoàn thiện năng lực đạo đức; hơn nữa, phát triển cái tốt công, khuếch trương các quyền lợi chung; luôn luôn tôn trọng Hiến pháp và tuân thủ pháp luật; nếu tình hình khẩn cấp xuất hiện, hãy hiến thân một cách can trường cho Nhà nước; và do đó gìn giữ và bảo vệ sự phồn vinh của Ngai vàng Đế chế chúng ta từ thuở tạo thiên lập địa. Và do đó, hãy không những là những thần dân tốt và trung thành của ta, mà còn làm cho những truyền thống tốt đẹp nhất của cha ông chúng ta trở nên rạng rỡ.

Bản thân Inoue kết luận rằng Nhật Bản không những cần có một thể thức chính quyền lập hiến phù hợp với một nhà nước hiện đại, mà còn, giữa những khó khăn bất ổn về chính trị, cần phải có một nền tảng đạo đức vững chắc. Con người không những là một sinh vật pháp lý, mà còn sinh vật đạo đức nữa. Quốc gia căn bản phải được xây dựng trên một nền tảng đạo đức thì mới bền vững. Cũng như thấy Kitô giáo là nền tảng đạo đức của các xã hội phương Tây, Inoue quay về truyền thống đế chế như trung tâm của đạo đức quốc gia (kokumin dōtoku) cho Nhật Bản. Từ cách nhìn đó, ông gặp gỡ quan điểm của Motada. Trong khi đó, Fukuzawa tuy cũng chủ trương để có tiến bộ văn minh Nhật Bản cần cả hai, tri thức và đạo đức, nhưng ông nhấn mạnh vai trò tri thức nhiều hơn, giống như tác giả Anh Thomas Buckle mà ông từng tham khảo trong tác phẩm Lịch sử Văn minh Anh quốc, bởi vì như theo Buckle, sự ưu tú đạo đức ít tạo ra lợi ích cho xã hội hơn sự ưu tú tri thức. Còn Itō thì cho rằng, sự suy giảm đạo đức là do sự thay đổi quá nhanh trong giai đoạn trước mắt hơn là do nền giáo dục, nhưng cũng đồng ý phải đề cao vai trò của đạo đức nhiều hơn.  Bởi vì trong thời gian đó “lừa đảo được ca ngợi, lợi nhuận được theo đuổi một cách trơ trẽn, nhân ái bị bỏ quên, sự kình địch và tranh giành lan tràn. Cách cư xử lành mạnh bị sụp đỗ, và đạo lý suy thoái” (Reitan).

Cảnh của một lớp học. Thầy giáo đứng giữa hai chữ trung thành (trái) và hiếu thảo (phải).

(Nguồn: Marius B. Jansen, The Making of Modern Japan, ảnh số 29)

Huấn lệnh Đế chế đã tạo ra “tính chất căn bản của quốc gia chúng ta (kokutai)”, và là “nguồn gốc của giáo dục chúng ta”, kết hợp truyền thống tổ tiên và sự tiếp thu văn minh phương Tây. Hiến pháp năm 1889 và Pháp lệnh Đế chế đã trở thành khuôn mẫu của một nhà nước dân tộc (nation-state) như một gia đình mà hoàng đế đóng vai người cha với đạo đức khổng giáo. Điều này là một sự chuyển hướng, rời bỏ quan điểm ưa chuộng mô hình Anh-Mỹ nhấn mạnh vai trò tính cá nhân, tính phóng khoáng, và các quyền căn bản con người trong một xã hội hiện đại được một số nhà khai sáng ủng hộ trong hai thập niên đầu, trong đó có Fukuzawa Yukichi, và Phong trào Nhân dân đòi Tự do. Bộ trưởng giáo dục đầu tiên Mori Arinori, người bị ám sát một năm trước khi Huấn lệnh Đế chế ra đời, lúc đầu có quan điểm giáo dục phóng khoáng như Anh-Mỹ theo những điều ông đã trải nghiệm trong thời gian làm đại sứ ở Mỹ, nhưng cuối cùng cũng chủ trương đặt nặng giáo dục đạo đức, nhưng không phải từ ảnh hưởng của tôn giáo, kể cả của Khổng giáo và Kitô giáo, mặc dù ông là người chịu ảnh hưởng của Kitô giáo, mà phải làm sao cho học sinh biết phân biệt cái thiện và cái ác. Ông không muốn nhấn mạnh đạo đức khổng giáo, ngược với chủ trương của Motada và Inoue. Mô hình hiến pháp Nhật Bản thực chất đi theo mô hình hiến pháp Phổ nhấn mạnh vai trò của Vua mà tác giả của sự du nhập mô hình này chính là Itō Hirobumi và người thân cận ông Inoue Kowashi. Cuộc tranh cãi về giáo dục đã gây căng thẳng giữa một số các học giả cải cách hàng đầu với nhau. Fukuzawa diễn tả sự khác biệt giữa hai quan điểm khi cho rằng “Nhật Bản của hôm nay đang trở thành không phải Nhật Bản của người Nhật Bản, mà một Nhật Bản của chính quyền Nhật Bản” (Teruhisa Horio). Người ta nói, đây là cuộc “khai minh từ trên”, khác với cuộc “khai minh từ dưới”, giống như tình hình ở Đức trong thế kỷ 19 trước đó. Có những quan ngại căn bản cho rằng “Không thể có tinh thần của độc lập nơi đâu không có tinh thần tự do, và khi dân chúng tin tưởng mọi thứ vào chính quyền họ, thì họ sẽ đâm ra sợ nó, và phủ phục một cách nô lệ” (Ueki Emori).

[8]

Với Pháp lệnh Đế chế 1890, hệ thống trường học hiện đại ở Nhật Bản được xác lập cho những thập kỷ tới, và tinh thần này kéo dài cho đến sau Thế chiến thứ hai mới có sự thay đổi. Nội dung chương trình giảng dạy có định hướng khoa học phương Tây và toán học, trong khi nền tảng đạo đức của trường học dựa trên Ý chí Đế chế về Giáo dục năm 1879. Sự hỗn hợp của sự học khoa học phương Tây và đức hạnh phương Đông trở thành tiêu chuẩn của giáo dục Nhật Bản khi quốc gia này bước lên con đường hiện đại hóa. Điều này phù hợp với khẩu hiệu “Đạo đức phương Đông và Khoa học phương Tây” trước đây, nhằm hài hòa Đông Tây. Đạo đức khổng giáo trở thành trung tâm của giáo trình, cũng như đạo đức sonnō aikoku, sùng kính hoàng đế và chủ nghĩa ái quốc thay thế cho giáo dục phóng khoáng của hai thập niên đầu.

Tuy là biểu tượng của đạo đức khổng giáo, nhưng hoàn toàn khác với người cha cực kỳ bảo thủ của mình là Hoàng đế Kōmei, người đã từ chối tất cả mọi thứ từ văn minh phương Tây, Hoàng đế Minh Trị tượng trưng một nhà lãnh đạo của Nhật Bản hiện đại, “biết lấy tất cả từ phương Tây những gì có thể giúp để Nhật Bản trở thành một nhà nước hiện đại”, trung thành với điều thứ năm của Năm điều ước “đi tìm tri thức khắp thế giới để mở rộng và tăng cường quyền lực của đế chế”. Văn minh khai sáng thực hành của Nhật Bản là văn minh khai sáng từ nguồn cảm hứng phương Tây nhưng được giới hạn trong chiếc áo đạo đức phương Đông mà đa số lãnh đạo, nhưng không phải tất cả, đã chọn lựa.

[9]

Với tinh thần trên, thầy giáo tất cả đều là những ‘thần dân’, subject, phục vụ cho Vua, cho nhà nước, vô điều kiện. Pháp lệnh Đế chế Đại học năm 1886 (Imperial University Ordinance), được Mori Arinori ban hành ngay một năm sau khi ông nhậm chức bộ trưởng giáo dục, xem học giả là các quan chức, ‘đầy tớ quốc gia’. Giáo dục đại học và nghiên cứu là ưu tiên hàng đầu và cần được thiết lập sớm nhất. Theo chỉ thị ông, Đại học Đế chế Tokyo được thành lập năm 1886. Nghiên cứu trở thành một mệnh lệnh và phải được theo đuổi bởi các nhà khoa học. Họ phải có nhiệm vụ tiến lên ngang bằng với các đồng nghiệp của họ ở các ‘quốc gia hạng nhất’. Khoa học và nghệ thuật được phát triển theo nhu cầu của nhà nước, không theo nhu cầu của cá nhân, và cũng không phải phát triển khoa học vì khoa học. “Mục đích của đại học đế chế là cung cấp giảng dạy về nghệ thuật và khoa học, và để nghiên cứu các điều huyền bí của sự học phù hợp với các nhu cầu của nhà nước” như điều một của Pháp lệnh. Đại học là “đại học của nhà nước”, có khác hơn đại học của nhiều quốc gia phương Tây. Đại học và nhà khoa học có tự do, nhưng là tự do có giới hạn, nhà nước có kênh can thiệp riêng khi cần. Cả hệ thống giáo dục nhà nước “đượm tinh thần của sự tiến bộ quốc gia và được giữ vững bởi ý thức sự khủng hoảng quốc gia” (Nagai).[3]

Xét về đạo đức thì phải nói: Chính người Nhật mới là những người bảo vệ kiên quyết nhất di sản Đạo đức Khống giáo mà họ đã học được từ Trung Hoa. Họ không vứt bỏ di sản đó như những người chủ của nó là Trung Hoa đã làm, để lấy một thứ chủ nghĩa xa lạ từ phương Tây thay thế. Người Nhật đã sớm học văn hoá phương Tây một cách quy mô, như họ đã từng học văn hoá Trung Hoa một ngàn năm trước, khi họ ý thức lịch sử đã sang trang. Họ học phương Tây nhiều hơn, sớm hơn tất cả các dân tộc châu Á khác, nhưng họ không mất gốc như Trung Hoa.

[10]

Tôi bàn về những phương diện trên để hiểu những đặc tính của người Nhật Bản, sự chọn lựa các giải pháp tích hợp của họ làm thành những nhân tố đã đưa cuộc canh tân đầu tiên trên vùng đất châu Á phong kiến đến thành công rực rỡ. Thái độ của người Nhật là đặc biệt. Họ xem hoàng đế thiêng liêng, mảnh đất cha ông thiêng liêng đã đành, mà họ xem cả cuộc duy tân đổi mới đất nước cũng là nhiệm vụ thiêng liêng, những điều ước, pháp lệnh giáo dục, đạo đức sống và sự hiến dâng cũng là những thứ thiêng liêng. Không có nền tảng đạo đức, không có lòng yêu nước nồng nàn, lòng trung thành với tổ quốc, lòng tự-trọng võ sĩ đạo, ý chí bất khuất, tinh thần học hỏi phương Tây nghiêm túc trong tinh thần ganh đua mà không hề mặc cảm, và sự khôn ngoan, bản lĩnh, chưa chắc có một nước Nhật như hôm nay, và dĩ nhiên chưa biết cục diện của châu Á sẽ thế nào.

Những đặc tính đó cũng chính là tấm gương để Việt Nam hiện nay tự soi. Chúng ta đang bị suy thoái về lòng ái quốc, lòng trung thành với tổ quốc, vi phạm quyền lợi tổ quốc nghiêm trọng, suy thoái về đạo đức, thiếu một nền đạo đức quốc gia được nhà nước và giai tầng lãnh đạo làm gương; thiếu ý chí và lý tưởng vươn lên, thiếu sự “đi tìm tri thức khắp thế giới” một cách hăm hở, trung thực, và thiếu sự lãnh đạo được khai sáng, bản lĩnh như người Nhật.

Việt Nam cũng có nhiều vua, nhưng còn lại gì hôm nay? Năm 2017 Hoàng đế Akihito đã dành cho cố đô Huế một chuyến thăm lịch sử. Đồng văn, đồng chủng, và cũng đồng có vua, nhưng sao không đồng phát triển? Hoàng đế Akihito chỉ chấy còn lại tro tàn của nền quân chủ của Việt Nam đã chết trước những đợt sóng phương Tây. Di sản đó chứa đựng nhiều bài học đắng cay cho hậu thế. Đọc Hoàng đế Minh Trị và Thế giới của ông sẽ gợi ra nhiều câu hỏi cho những người Việt Nam xưa và cả nay.

[11]

Cuối cùng, một điều rất vui mừng và bất ngờ là, theo lời mời, tác giả Donald Keene, tuy đã ở tuổi 96, đã dành thì giờ quý báu để viết đôi dòng cho đọc giả Việt Nam. Ông kể chuyện đã làm quen với văn hóa Việt Nam ở Paris năm 1931, rồi tại Sài gòn năm 1961, và giờ đây, ông lại có quan hệ với người Việt Nam thông qua quyển sách. Ông viết, sự ra mắt quyển sách của ông bằng tiếng Việt sẽ là “niềm vinh dự cao nhất trong các niềm vinh dự, và làm cho trái tim tôi đầy ấp nỗi vui”. Thật là dễ thương. Sau khi về hưu ở Đại học Columbia, ông chọn sống ở Nhật Bản đến suốt đời, ngay sau trận động đất Tōhoku và sóng thần năm 2011, và đã có quốc tịch Nhật, theo như ý nguyện của ông. Ông là người Mỹ có trái tim Nhật, và là cầu nối văn hóa của hai dân tộc. Và chắc chắn, quyển sách Thiên Hoàng Minh Trị và Thế giới của ông sẽ giúp tạo thêm cầu nối hiểu biết văn hóa và lịch sử giữa Việt Nam và Nhật Bản. Xin cám ơn ông.

 

Tháng 11, năm 2018

 

Tài liệu tham khảo

  1. Masao Maruyama, Studies in the Intellectual History of Tokugawa Japan. Translated by Mikiso Hane. Princeton University Press 1974.
  2. The Cambridge History of Japan, Volumẹ 5, The Nineteenth Century, edited by Marius B. Jansen. Cambridge University Press, 1989.
  3. A companion to Japanese History, ed. By William M. Tsutsui. Wiley-Blackwell, 2009.
  4. Hugh Borton, Japan’s Modern Century. Second edition. Ronal Press company, 1970.
  5. B. Sansom (1), The Western World and Japan. Alfred A. Knopf, Inc., 1950.
  6. B. Sansom (2), Japan. A short cultural history. Stanford university press,1978.
  7. Marius B. Jansen, Japan and Its World. Two centuries of change. Princeton University Press, 1980.
  8. Marius B. Jansen, The Making of Modern Japan. The Belknap Press of Harvard University Press, 2000.
  9. David J. Lu, A documentary History. The Late Tokugawa Period to the Present. An East Gate Book, 1997.
  10. Inazō Nitobe, The soul of Japan. Kodansha International, 2002.
  11. Fukuzawa Yukichi, The Moral Code: http://www.kf.keio.ac.jp/english/moral.html

Hay bản tiếng Việt do Lam Anh chuyển ngữ: Tu thân yếu lĩnh của Fukuzawa Yukichi:

Tu thân yếu lĩnh của Fukuzawa Yukichi

  1. Edwin O. Reischauer, The Story of a Nation. Fourth edition. McGraw-Hill Publishing Company. 1976.
  2. John Whitney Hall, From prehistory to modern times. Delta Book, 1970.
  3. Thomas R. H. Havens, Nishi Amane and modern Japanese thought. Princeton University Press, 1970.
  4. Richard M. Reitan, Making a Moral Society. Ethics and the State in Meiji Japan. University of Hawai’i Press, 2010.
  5. Nagai Michio, Higher Education in Japan: Its Take-off and Crash. Trans. By Jerry Dusenbury. University of Tokyo Press, 1971.
  6. Tesuhisa Horio, Educational Thought and Ideology in Modern Japan. State Authority and Intellectual Freedom. Trans. by Steven Platzer. University of Tokyo Press, 1988.
  7. Benjamin Duke, The Japanese School. Lessons for Industrial America. Praeger,1986.

 

Các chú thích:

[1] Xem Chuyến đi sứ mệnh Iwakura của Cty Phương Nam 2019 (ra mắt tháng 7, 2023: https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/su-doan-iwakura-di-tim-khai-sang/)

[2] Jansen, 69-70

[3] Xem thêm bài “Trung Hoa và Nhật Bản: Sự du nhập Đại học Đức” trong sách ĐẠI HỌC của tác giả tại nxb Tổng hợp TP HCM, tháng 2, 2019. Sự nhấn mạnh lâu quá vai trò của nhà nước, nhu cầu của nó, và giảm nhẹ tự do cá nhân sẽ dẫn đến sự kềm hãm phát triển khoa học và học thuật.