Bài viết được đăng trên báo TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN ngày 1.12.2019
100 NĂM ÁNH SÁNG LỆCH TRÊN TRỜI
1919-2019
Nguyễn Xuân Xanh
Với thuyết tương đối Einstein, tư duy của nhân loại về vũ trụ đã bước lên tới một bậc thang mới. Tình huống này giống như một bức tường từng ngăn cách chúng ta với chân lý thình lình bị sụp đổ.
Hermann Weyl
Báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 46-2019 với câu chuyện:
100 năm ánh sáng bị lệch trên trời
[1]
Năm 1919, tháng 11 – đúng 100 năm trước – đi vào lịch sử vật lý thế giới như một mốc thời gian không thể nào quên. Nó chứng kiến sự xác nhận độ lệch của ánh sáng khi đi qua mặt trời theo đúng góc lệch mà thuyết tương đối Einstein đã tiên đoán, khác với tiên đoán cổ điển bằng phương pháp của Newton. Sự xác nhận này tự nó cũng đầy kịch tính, bởi nó xuất phát từ Anh, nơi lòng thù nghịch với nước Đức sau Thế chiến I vẫn chưa thể nào nguôi và cũng là quê hương của Newton, giờ đây xác nhận cho thuyết của Einstein là người Đức, để thay thế cho thuyết Newton đã ngự trị 250 năm qua. Sự xác nhận đó giống như một tiếng nổ rền vang trên trời, bầu trời khoa học, bầu trời vũ trụ và cả bầu trời cảm xúc, tâm linh. Nó có ý nghĩa như một cuộc thay ca lịch sử vĩnh viễn, chuyển từ vai Newton sang vai Einstein. Đó là một cuộc cách mạng nhận thức vĩ đại. Và độ lệch ánh sáng năm 1919 là một sư kiện rất có ý nghĩa khai phóng cho giáo dục. (Xem thêm bài Giá trị khai phóng của Khoa học của tác giả)
Năm 1915, tức 4 năm trước đó, đánh dấu một khúc quanh trong ngành vật lý và nhận thức của con người đối với vũ trụ: thuyết tương đối rộng của Einstein ra đời, mở ra một thế giới mới với nhiều hệ quả sâu rộng và lâu dài. Tháng 11 năm đó, Einstein trình bày trước Hàn lâm viện Phổ các Phương trình trường của Hấp dẫn và kết thúc với câu nói: “Như thế, cuối cùng Thuyết tương đối rộng kết thúc như một tòa nhà logic”. Khái niệm không-thời gian cong bốn chiều, giờ đây mới là không gian thật chúng ta đang sống, thay thế cho lực hấp dẫn của Netwon, là một trong những nhận thức hoàn toàn mới lạ và gây ngỡ ngàng. Hình học (geometry) của không gian được quyết định bởi các khối lượng chứa đựng trong đó. Chính các khối lượng làm cong không gian và độ cong sẽ quyết định cho mọi sự chuyển động của các đối tượng trong đó. Giống như một sân golf có nhiều đồi nhô lên, tạo ra những độ cong quyết định cho đường đi của trái banh. Hơn nữa, không gian và thời gian không còn là những đại lượng tuyệt đối nữa, như trong thuyết Newton, mà là tương đối. Không-thời gian và các khối lượng trong đó giờ đây cũng gắn chặt với nhau về mặt tồn tại, như Einstein diễn tả một cách ấn tượng cho đại chúng:
Trước đây người ta nghĩ, nếu lấy hết các vật thể ra khỏi căn phòng giáng sinh, thì sẽ còn lại một căn phòng rỗng. Giờ đây chúng ta biết, nếu chúng ta lấy hết các khối lượng ra, không gian rỗng kia cũng sẽ biến mất luôn.
Điều này cũng đi ngược lại quan niệm của Newton, theo đó không gian và thời gian làm thành một sân khấu bất biến để cho vạn vật diễn kịch sự tồn tại của mình.
Một trong nhiều hệ quả của nó là ánh sáng sẽ bị lệch khi đi ngang qua mặt trời, bởi không-thời gian vùng đó bị mặt trời làm cong và mọi vật đi qua đó phải tuân thủ độ cong đó. Độ lệch của ánh sáng được ước tính theo thuyết Einstein sẽ lớn gấp đôi độ lệch được tiên đoán bởi thuyết Newton. Điều này cho phép một sự kiểm tra để quyết định sinh mệnh của mỗi lý thuyết.
Để làm điều này, từ tháng 3 năm 1919, hai đoàn thám hiểm Anh đã đi đến Sobral và Principe để đo đạc và kiểm tra. Một đoàn do Eddington chủ trì ở đảo Principe nằm trong vùng vịnh Guinea, châu Phi, một đoàn khác do Cottingham và Crommelin ở Sobral của Brazil, là những nơi sẽ có nhật thực toàn phần sẽ diễn ra vào ngày 29 tháng 5. Kết quả tại Sobral cho thấy độ lệch ánh sáng đáp ứng tiên đoán của Einstein, trong khi độ lệch tại Principe lại nhỏ hơn nhiều. Lý do: hình ảnh các vì sao ở đó quá mờ do tấm kính có nhiệm vụ đưa ánh sáng vào viễn vọng kính đã không hoạt động tốt. Nói chung, sự đánh giá các kết quả là vất vả.
Khi chọn ra kết quả, đoàn thám hiểm đã lấy kết quả của Sobral và đã công bố chính thức trong một buổi họp chung rất long trọng giữa Hàn lâm viện Anh và Hội Thiên văn học hoàng gia vào ngày 6 tháng 11 năm 1919. Độ lệch đo được là 1.64” (giây cung), so với độ tiên đoán của Einstein là 1.70”, với sai số chấp nhận được. Tuyên bố này đã làm “nổ tung” bầu không khí khoa học và dư luận xã hội ở phương Tây. (Xem EINSTEIN của tác giả, tr. 95)
Viễn vọng kính tại Sobral dùng cho quan sát nhật thực ngày 29.05.1919
Tất cả những nhân tố của nhật thực năm 1919 được chứa trong
bức ảnh này của báo Illustrated London News
Nhìn kỹ: Đây là một trong những tấm ảnh chụp được với những ngôi sao (được khoanh tròn) trong cuộc nhật thực 1919. Khi mặt trời bị che toàn phần, ánh sáng của nó không còn chói chang, giúp ta có thể nhìn thấy những ngôi sao gần đó và có thể chụp ảnh chúng được. Đoàn thám hiểm Anh sau đó cũng đã chụp những ngôi sau ngày, lúc không còn mặt trời, để từ đó làm một cuộc so sánh độ lệch gây ra.
Sir Frank Watson Dyson (1868-1939) và Sir Arthur Stanley Eddington (1882-1944)
Có một số tiếng nói phê phán. Họ cho rằng Eddington là người có thể “thiên vị” Einstein, bởi ông là người Quaker chống chiến tranh, từ chối nghĩa vụ quân sự vì lương tâm, nếu không có sự can thiệp của Dyson thì chắc đã vào tù, và Einstein cũng cùng quan điểm chống chiến tranh như thế. Hơn nữa, Eddington là một trong ít “tông đồ” lúc đó hiểu được thuyết tương đối của Einstein và người ta ngờ rằng ông có thể muốn giúp Einstein thắng lợi.
“Nếu con bọ bò dọc trên một cành cây cong, nó không biết rằng cành cây đó bị cong. Bố có diễm phúc nhận ra điều mà con bọ đã không thấy.”
Einstein 1919
Nhưng người đánh giá và chọn kết quả của Sobral không phải là Eddington (ông thuộc nhóm ở Principe), mà chính là Dyson, theo Daniel Kennefick trong quyển sách mới nhất. Dyson chọn như thế vì ông thấy kết quả ở Principe có vấn đề kỹ thuật. Dyson là người tổ chức các đoàn thám hiểm, theo gợi ý của Eddington, để kiểm tra, nói rằng nhằm phục vụ Tồ quốc và Vua, mặc dù ông không nói là để kiểm tra thuyết của Einstein, người quốc tịch Đức, nước kẻ thù của nước Anh trong Thế chiến I. Dù thế, Dyson, như phần lớn các nhà thiên văn học lúc đó, là người vẫn hoài nghi thuyết tương đối. [Dyson không có liên hệ gì đến Freeman Dyson sau này]1
Tại buổi họp long trọng ngày 6, tháng 11, để công bố chính thức kết quả đo đạc, Dyson là người được phát biểu đầu tiên. Ông nói:
Sau khi nghiên cứu cẩn thận các tấm ảnh, tôi sẵn sàng nói rằng không có nghi ngờ rằng chúng xác nhận tiên đoán của Einstein là đúng. Một kết quả rất dứt khoát đã được thu hoạch, chứng minh rằng ánh sáng đã bị lệch, phù hợp với định luật hấp dẫn của Einstein.2
Nhà vật lý J. J. Thomson, người khám phá ra điện tử và được giải Nobel 1906, chủ trì buổi lễ tuyên bố. Mặc dù ông nói rằng: “Đây là kết quả quan trọng nhất thu lượm được trong khuôn khổ thuyết hấp dẫn từ thời Newton. […] Đó là kết quả của một trong những thành tựu vĩ đại nhất của tư duy con người”, nhưng ông cũng lấy làm tiếc rằng đó cũng là một trong những lý thuyết khó hiểu nhất, bởi vì “không ai có thể hiểu định luật hấp dẫn mới mà không có một kiến thức xuyên suốt về lý thuyết các bất biến (theory of invariants) và phép tính biến phân”. Khi Eddington được một người (nhà vật lý học Ludwig Silberstein) chúc mừng về sự thành công và rằng ông chắc là một trong ba người hiểu thuyết tương đối, thì ông im lặng. “Đừng khiêm tốn, Eddington”, người kia nói. “Không phải. Tôi đang tự hỏi ai là người thứ ba kia.”
Tuy thế, sau năm 1919 tiên đoán độ lệch ánh sáng của Einstein vẫn tiếp tục là đề tài tranh cãi của một thập kỷ tới, chủ yếu là ở Mỹ, mặc dù có thêm những kết quả phù hợp với thuyết Einstein, chẳng hạn như cuộc đo đạc tháng 9 năm 1922 tại Úc của các nhà thiên văn học tại đài thiên văn Lick ở California. Sau sự kiện này, bản thân Dyson đã tuyên bố, “Tôi không tin rằng còn ‘một bóng dáng khả dĩ nào nữa của sự nghi ngờ’ tính đúng đắn của tiên đoán độ lệch ánh sáng của Einstein, dù có khó khăn nào có thể được tìm thấy trong phần còn lại của thuyết tương đối của ông.” Trong khi đó, cuộc tranh luận tại Mỹ sẽ tiếp tục kéo dài mãi cho đến năm 1929 mới vĩnh viễn chấm dứt.
Độ lệch ánh sáng là thắng lợi thứ hai của Einstein. Thắng lợi đầu tiên là sự cắt nghĩa được trọn vẹn hiện tượng bất bình thường của quỹ đạo Sao Thủy (Mercury), hành tinh gần mặt trời nhất mà thuyết Newton không giải thích được trong một nửa thế kỷ. Quỹ đạo của Sao Thuỷ hình elip không khép kín như theo định luận Kepler, mà nó quay với một độ rất nhỏ xung quanh mặt trời. (Xem Thuyết tương đối hẹp và rộng). Thắng lợi thứ ba sẽ đến, và khó khăn hơn, là độ lệch đỏ (redshift) trong quang phổ do ảnh hưởng của hấp dẫn. Chung cuộc, cho đến hôm nay, thuyết tương đối Einstein đã vượt qua mọi phép thử ngày càng gắt gao với các công cụ đo đạc phát triển ngày càng tinh vi hơn. Đương thời ông đã rất tự tin. Năm 1919, khi được hỏi ông sẽ nghĩ gì nếu những kết quả đo đạc đi ngược lại lý thuyết của ông, Einstein đã trả lời dí dỏm: “Thì tôi lấy làm tiếc cho Chúa, nhưng lý thuyết thì vẫn đúng.”
Năm nay, 2019, Daniel Kennefick, một cây bút lịch sử khoa học có uy tín của Mỹ, đã cho xuất bản một quyển sách gom góp tất cả tư liệu về đề tài trên, có tên “No Shadow of a Doubt. The Eclipse That Confirmed Einstein’s Theory of Relativity”, Princeton University Press 2019. Một lần nữa, ông lần theo tất cả các tư liệu để đi đến kết luận “Không có một bóng dáng của nghi ngờ nào” cho cuộc đo đạc 1919.
Về độ lệch của ánh sáng, xem Thuyết tương đối hẹp và rộng các trang 130-131-132 Einstein có giải thích. Chính độ cong của không gian đã cộng thêm phân nửa trị số độ lệch tính theo trường hấp dẫn của Newton.
[2]
Lịch sử không gian-cong. Khoảng giữa thế kỷ 19, nhà toán học thần đồng của Đức C. F. Gauß là người đầu tiên ngờ rằng “hình học của thế giới chúng ta có liên quan đến vật lý.” Tháng 6 năm 1854, Riemann, học trò xuất sắc của ông, trình luận đề Habilitation của ông tại Đại học Göttingen có tựa đề “Về những giả thuyết làm nền tảng cho hình học” (Über die Hypothesen, welche der Geometrie zugrunde liegen), đã đưa ra những gợi ý tiên tri về mối quan hệ hai chiều giữa vật lý và hình học. Hai người đã tạo ra hình học phi Euclid: Gauß trong không gian 2 chiều, Riemann trong không gian nhiều chiều. Năm 1870, nhà toán học Anh William K. Clifford dịch luận đề của Riemann sang tiếng Anh với cái tên “On the spatial structure of matter” (Về cấu trúc không gian của vật chất), và tóm tắt lại quan niệm về thế giới mà Gauß và Riemann đã phác họa cho dễ hiểu. Clifford nhận ra rằng, chuyển động của vật chất là biểu hiện của độ cong thay đổi theo thời gian của hình học không gian. Ông viết nguyên văn: (1) rằng các phần nhỏ của không gian có tính chất tương tự như những ngọn đồi nhỏ trên một mặt phẳng. Điều đó có nghĩa là các định luật thông thường của hình học (Euclid) trong đó không còn đúng nữa. Tôi khẳng định rằng, (2) tính chất bị cong hay méo mó truyền đi liên tục từ một phần không gian này đến một phần không gian khác theo dạng sóng. Tôi khẳng định rằng, (3) sự thay đổi này của độ cong là sự diễn biến đích thực nằm trong một hiện tượng mà chúng ta gọi là chuyển động, cho dù vật chất này có trọng lượng hay ở dạng ether. Tôi khẳng định rằng, (4) trong thế giới vật lý không có gì diễn ra khác hơn là sự biến đổi này, điều bị chi phối bởi định luật của tính liên tục.” Phải chờ hơn nửa thế kỷ sau, khái niệm cong của không-thời gian dưới bàn tay tài tình của Einstein mới thành hiện thực, một cách độc lập với những tư biện triết học của Riemann, thay thế cho khái niệm lực của Newton.
C. F. Gauß (1777-1855) và Bernhard Riemann (1826-1866)
***
Thứ sáu, ngày 7 tháng 11, một ngày sau khi có công bố kết quả nhật thực, tờ báo The London Times của dư luận Anh đã châm ngòi pháo cho cuộc động đất từ châu Âu với tít lớn trang nhất: “CUỘC CÁCH MẠNG TRONG KHOA HỌC/LÝ THUYẾT MỚI CỦA VŨ TRỤ/CÁC Ý TƯỞNG CỦA NEWTON BỊ LẬT ĐỔ”. “Không gian bị cong” (Space warped). Bị xúc động dữ dội, các nhà viết xã luận lên tiếng mạnh mẽ:
Từ Euclid đến Kepler, từ Kepler đến Sir Isaac Newton, chúng ta đã được dẫn dắt để tin vào tính chắc chắn của một số định luật nền tảng của vũ trụ….Nhưng những chuyên gia hàng đầu đã tin chắc rằng người ta đã làm đủ để lật đổ tính chắc chắn của các thời đại, và đòi hỏi một triết học mới cho vũ trụ, một triết học sẽ quét sạch hầu hết những điều đã được chấp nhận cho đến nay như nền tảng tiên đề của tư tưởng vật lý.
Hai ngày tiếp theo, báo The New York Times của Mỹ, số chủ nhật, 9 tháng 11, gây cuộc “động đất” bên kia Đại tây dương:
Ánh sáng tất cả đều lệch trên trời/ Các nhà khoa học xôn xao về các kết quả quan sát của nhật thực/ Thuyết Einstein chiến thắng/ Các vì sao không phải nằm ở nơi chúng ta thấy hay nơi chúng ta tính toán, nhưng chúng ta không phải lo âu. [Một lý thuyết mà không có hơn 12 người trên cả thế giới hiểu.]
Đây là lần đầu tiên tên tuổi của Einstein xuất hiện trên tờ báo này của Mỹ. Từ đó cho đến khi ông mất, không năm nào trôi qua mà không có tên ông trên các cột báo của tờ báo đó.
Dân chúng đủ các tầng lớp đều đau đầu về thuyết tương đối.
Không-thời gian cong mới là thực tại. Tranh của Rea Irvin trên The New Yorker, 1929
Ở Đức, ngày 14 tháng 12, 1919, tờ Berliner Illustrirte Zeitung của thủ đô Berlin viết dưới tấm ảnh to của một Einstein trầm ngâm: “Một vĩ nhân mới của lịch sử thế giới: Albert Einstein cùng những công trình nghiên cứu của ông đã cách mạng hoá triệt để sự hiểu biết về tự nhiên của chúng ta và có giá trị ngang bằng với những khám phá của Copernic, Kepler và Newton.” (Trong EINSTEIN, tr.97) Einstein trở thành ngôi sao mới của thời đại. Mỗi lời nói từ miệng của ông được giới báo chí nghe ngấu nghiến, bất kể về đề tài nào.
Ảnh Albert Einstein trên báo Berliner Illustrirte Zeitung, 1919
Độ lệch của ánh sáng của Einstein một cách tương đối là rất rất nhỏ. Hãy hình dung con số 1.7” của giây cung trên vòng tròn 360 độ được chia ra 60 phút cho mỗi độ, rồi 60 giây cho mỗi phút. Điều vô cùng ngạc nhiên là, ngồi dưới đất, mà Einstein có thể tính toán độ lệch bé xíu kia ở xa tít trên trời cách mặt đất 150 triệu cây số, độ lệch có lẽ đối với người thường là không đáng kể và chẳng đáng quan tâm gì. Nhưng đó lại là điều vô cùng quan trọng đối với giới khoa học và dư luận xã hội. Vì sao? Như tôi có trình bày trong Lời dẫn nhập của quyển Albert Einstein – Mặt nhân bản, lịch sử khoa học và tôn giáo – Kitô giáo – của châu Âu gắn liền với bầu trời, từ thời Hy lạp cổ đại đến thời Kitô giáo, và xuyên suốt như thế. Theo Kinh thánh, Thiên chúa đã tạo ra thế giới trong 7 ngày. Nhà thờ muốn chứng minh Vũ trụ vận hành đúng theo Kinh thánh. Cho nên bầu trời, sự vận hành của nó trở thành nơi chốn thiêng liêng. Thuyết địa tâm, theo đó mặt trời quay xung quanh trái đất như trung tâm, là nền tảng. Mọi sự thay đổi quan điểm về sự vận hành của bầu trời vì thế sẽ nhất thiết đụng chạm tới nhà thờ. Từ đó nảy sinh ra sự đụng chạm với các nhà vật lý thiên văn học thế kỷ 17, như chúng ta đã biết.
Đầu thế kỷ 20, giới khoa học tưởng chừng thế giới của Newton là hoàn hảo và bất di bất dịch. Thì đùng một cái, thuyết tương đối ra đời, chứng minh rằng khái niệm lực hấp dẫn của Newton chưa phải chính xác lắm, và cần được thay thế bởi một khái niệm mới chính xác hơn, là độ cong của không-thời gian. Do đó thuyết tương đố gây ra những chấn động hết sức to lớn trong dư luận khoa học cũng như đời thường. Khác với phương Đông, nơi Trời không có vị trí đặc biệt nào trong tư duy của con người, khoa học và cả tôn giáo.
Sau công bố của các nhà thiên văn học Anh, con người nhìn lên bầu trời với một tâm thức khác. Einstein, cho đến thời điềm đó chỉ nổi tiếng trong giới chuyên môn, giờ qua đêm trở thành “sao thế giới”. Thế giới bước vào thời kỳ hậu-Newton và chuyển sang thời kỳ Einstein. Lịch sử sang trang.
Nhà sử học Mỹ gốc Đức, Do Thái Fritz Stern (1926-2016) mô tả một cách sâu sắc như sau sự xáo trộn tinh thần sau sự nổi lên của Einstein và thuyết tương đối của ông, trong bối cảnh cuộc thế chiến thứ nhất vừa kết thúc:
Vị anh hùng mới xuất hiện, như từ một bản thiết kế thần thánh, đúng vào lúc những người hùng cũ bị chôn vùi trong đống gạch vụn của chiến tranh. Chiến sĩ, vua chúa, chính trị gia, tu sĩ, lãnh đạo của giới công nghiệp – tất cả đều thất bại. Giai cấp thượng đẳng cũ bị tụt xuống thành hạ đẳng, Disenchantment (Sự giải mê) là tên thích đáng của một trong những quyển sách tinh tế nhất được viết về chiến tranh. Trước chiến tranh, giới trí thức có giá trị rất ít, nhưng sau chiến tranh, theo chân của Einstein, họ có giá trị nhiều hơn. Einstein giờ đây trở thành một lực, hay ít nhất một nhân vật nổi danh trên thế giới.
Fritz Stern
Năm 2005, kỷ niệm 100 năm thần kỳ của Einstein, nhiều nhà khoa học tên tuổi ở Mỹ đã nói lên nhận định và trải nghiệm của mình. Giáo sư Marcelo Gleiser về triết học tự nhiên ở ĐH Dartmouth nhận định về khoa học của Einstein như sau:
Khoa học của Einstein là một ‘sự đập phá thánh tượng’ mãnh liệt, sự đánh đổ các khái niệm quan trọng của Newton về không gian và thời gian tuyệt đối, những khái niệm rất dễ chịu và không gây sợ hãi. Khoa học của ông mở ra cánh cửa đến một thế giới chưa biết, một thế giới vượt qua khỏi quan niệm của giác quan – một thế giới vô hình với những tính chất huyền bí và hiệu ứng kỳ lạ. Một khi ai bước vào thế quan mới này, người đó không thể trở lại. Giống như một vị anh hùng huyền thoại trở về từ cuộc phiêu lưu tìm kiếm, bạn sẽ xuất hiện như một con người đã được biến đổi, với một quan niệm mới về thực tại. Đó là khoa học như một nghi thức truyền tâm ấn, khoa học như một sự thỏa mãn tâm linh. Các ý tưởng của Newton có lẽ cũng có một tác dụng tương tự lên các bộ óc triết học của đầu thế kỷ mười tám, bởi vì chúng cũng mở ra những mối liên kết giữa trời và đất, hấp dẫn được xem như một lực vô hình huyền bí, có nguồn gốc nằm trong vật chất bởi những cơ chế ẩn mình và truyền đi tức thì xuyên qua không gian không thể giải thích được. Khoa học Newton nghiên cứu thực tại sờ mó được trong khi khoa học của Einstein vượt xa hơn. Một tượng thánh khác cho một thời đại khác.
Marcelos Gleiser (tr. XVIII, Albert Einstein – Mặt nhân bản)
Einstein được vinh danh đặc biệt nồng nhiệt tại quê hương của Newton, cũng như tại Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhà văn Anh giải Nobel Văn học Bernard Shaw có những lời tôn vinh trân trọng sau đây trong một buổi tiệc mừng Einstein:
Napoleon và những con người vĩ đại khác là thuộc týp này: họ là những người tạo ra các đế chế. Nhưng có một cấp bậc khác của những người vĩ đại vượt xa hơn. Họ không phải là những người tạo ra đế chế, mà tạo ra các vũ trụ…Ptolemy đã làm một vũ trụ kéo dài 1.500 năm. Newton, cũng thế, làm một vũ trụ kéo dài 300 năm. Còn Einstein đã làm môt vũ trụ mà tôi không thể kể cho quý vị biết nó sẽ kéo dài đến bao giờ.
Bernard Shaw (tr. liv trong Thuyết tương đối hẹp và rộng)
Thuyết tương đối rộng của Einstein đã để lại rất nhiều hệ quả sâu rộng cho đời sau nghiên cứu và khám phá, như nền tảng của lỗ đen, vũ trụ giãn nở, sóng hấp dẫn và nhiều thứ khác mà chúng ta đã và đang cảm nhận ở thế kỷ 21.
Tại VN, cụm từ Thuyết tương đối, hay Albert Einstein đã trở thành những catchwords, “khẩu lệnh”, đối với một giới thanh niên, tạo ra một niềm đam mê nhất định. Ông là nguồn cảm hứng và động cơ phấn đấu học tập khoa học và sống noi theo nhân cách của ông.
Bé Khoa Minh (năm nay 9t), TP HCM, say mê Einstein, đã biết khá nhiều về ông, và bắt đầu tập viết những dòng tiểu sử đầu tiên về Einstein bằng tiếng Anh, vì bé muốn đọc Einstein trực tiếp bằng tiếng Anh để mong được truyền cảm hứng nhiều hơn.
Bầu trời cũng trở thành nơi các bạn trẻ hướng mắt về để chiêm ngưỡng vẻ đẹp, hay nghiên cứu. Đây là một tấm ảnh của người Việt Nam chụp vào nhật thực toàn phần ở Texas, ngày 2.1.2019 tại Houston, một công trình kéo dài 4 tiếng đồng hồ liền:
Tác giả: Nguyễn Thị Kim Ngân, Houston, Texas, 2019
Tôi xin kết thúc ở đây và giới thiệu các bạn đọc quan tâm có thể tham khảo nhiều chi tiết hơn trong các quyển sách:
[1] Albert Einstein – Mặt nhân bản của Helen Dukas và Banesh Hoffmann, do Đỗ Thị Thu Trà và Nguyễn Xuân Xanh chuyển ngữ: Albert Einstein – Mặt Nhân Bản
[2] EINSTEIN (Nguyễn Xuân Xanh biên soạn), Sách Einstein và
[3] Einstein, Thuyết tương đối hẹp và rộng (do NXX chuyển ngữ): Einstein, Thuyết tương đối hẹp và rộng
Tất cả được xuất bản tại NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyễn Xuân Xanh 20/11/2019
======
1 Xem sự trình bày mới nhất ngày 6/11/2019 của tác giả Ulf von Rauchhaupt trong báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung. Một trong những phiên bản khác là, các độ lệch được quan sát từ hai nơi là 1,6“ và 1,98“, nghĩa là, với một ít sai số, trùng khớp với kết quả của Einstein 1,7“. Xem Konrad Kleinknecht, Einstein und Heisenberg. Begründer der mondern Physik. Nxb Kohlhammer, 2017. Tr. 78. Có nhiều phiên bản khác được trình bày trong các sách dễ gây rối rắm cho đọc giả.
2 Thibault Damour, Once Upon Einstein. A K Peters Ltd. tr. 59.