SỨC Ỳ CỦA Ý THỨC KHOA HỌC VIỆT NAM
Nguyễn Lê Tiến & Nguyễn Xuân Xanh
Bài dưới đây thoát thai từ một cuộc đối thoại tự phát trên mạng Tủ sách Nhất nghệ tinh ngày 2 tháng 7 năm 2019 và những ngày sau đó (sau đó được các giả biên tập lại và bổ sung). Đề tài: Tại sao Việt Nam không có ý thức khoa học mạnh mẽ? Tại sao các bậc đàn anh uyên bác như Phạm Quỳnh hay ngay cả Hoàng Xuân Hãn có đủ điều kiện hiểu biết Đông Tây mà lại không xem khoa học đáng quan tâm mấy trong sự học quốc gia so với các ngành nhân văn khác? Đa số giới tinh hoa như thế chứ không riêng hai ông. Trong khi đó ở Nhật Bản và tiếp đến là Trung Quốc, ý thức về sự đổi đời quốc gia bằng khoa học, công nghệ chiếm vị trí hàng đầu trong nhận thức của giới tinh hoa trên đường xây dựng quốc gia mới, để cứu đất nước khỏi sự lạc hậu nghìn năm, và bắt kịp văn minh phương Tây. Nhật Bản và lần lược các quốc gia xung quanh đã thay đổi hẳn lịch sử của họ bằng con đường công nghiệp hóa và ứng dụng khoa học phương Tây. Vì sao tại Việt Nam, ý thức khoa học hôm nay trong toàn xã hội vẫn là “ngọn đèn trước gió”, trong khi vận mệnh đất nước lại đang gắn chặt với nó? C.P. Snow nói về cái hố chia rẽ giữa hai nền văn minh ở toàn xã hội phương Tây: văn minh các môn khoa học tự nhiên và văn minh nhân văn (văn chương, triết học, lich sử vv). Nhưng ở VN chúng ta hầu như chưa có nền văn minh thứ nhất phát triển. Chúng tôi muốn tìm hiểu tại sao có sự hụt hẫng đó. Khoa học hay không khoa học, đó là to be or not to be đối với chúng ta. Xin mạn phép.
[1]
Nguyễn Xuân Xanh
Nhóm Tự lực Văn đoàn được thành lập tháng 3 năm 1934, tức 85 năm trước. Lúc đó Việt Nam (VN) đã có một giới Tây học khá lắm, muốn truyền bá văn chương phương Tây (chủ yếu là Pháp) vào VN và làm cho chữ quốc ngữ phong phú. Hay lắm! Đó là một sự thức tỉnh của giới Tây học VN trong lãnh vực văn học. Tương tự như thế, phong trào văn hóa mới của Trung Quốc (TQ) cũng diễn ra khoảng trước phong trào Ngũ Tứ một chút, cũng là một dạng gần gần như thế, được gọi là “thời kỳ Phục hưng của TQ”. Phong trào Phục hưng diễn ra sau Cách mạng Tân Hợi 1911 của Tôn Dật Tiên. Sau cuộc chiến tranh nha phiến (1842) và sự đại bại trước Nhật Bản – quốc gia mới nổi trong cuộc chiến Nhật-Thanh 1894-1895 – TQ rơi vào tan rã. Năm 1905, TQ mới chính thức bỏ thi cử theo nền giáo dục cũ và nhập cảng ồ ạt sách giáo khoa Nhật Bản về dạy chương trình mới. Cơn tỉnh ngủ đã bắt đầu. Di chúc của Ngũ Tứ được gói gọn trong mấy từ: Chỉ có Khoa học và Dân chủ mới đổi đời đất nước nghìn năm đang mục nát. Họ đã hiểu thâm sâu vai trò của khoa học, kỹ thuật, như giới tinh hoa Nhật Bản hơn nửa thế kỷ trước đó đã từng hiểu. Họ tung hô Einstein sau khi ông nổi tiếng cao ngất ở phương Tây năm 1919. Họ dịch ngay sách Thuyết tương đối hẹp và rộng của Einstein viết cho đại chúng. Họ xem Einstein là thần tượng, là nhà cách mạng, cái cách mạng khoa học họ đang mơ ước để chấn hưng đất nước.
Nhưng ở VN dường như vắng bóng một phong trào nhận thức mạnh mẽ về khoa học như thế hồ hởi như “giác ngộ”. Lấy quyển sách Thuyết tương đối hẹp và rộng của Einstein làm thí dụ. Quyến sách được xuất bản ở Đức năm 1917, và khi Einstein nổi tiếng như cồn năm 1919 khi độ lệch ánh sáng đi qua mặt trời được các đoàn thám hiểm Anh xác nhận, nó được dịch sang tiếng Anh rồi tiếng Nhật (1921) và tiếng Hoa (1922), cũng như nhiều thứ tiếng khác trên thế giới. Nhưng vì sao từ đó mãi cho đến năm 2014, nghĩa là gần ngót trăm năm, quyển sách mới được dịch sang tiếng Việt? Vì thế trong bản dịch quyển sách, tôi có viết lời tựa với cái tên “Cuộc lệch giờ trăm năm”. Khó thể nào hiểu khác hơn là, giới trí thức VN chưa có tình yêu mạnh mẽ đối với khoa học, để từ đó có ý muốn truyền bá khoa học cho đại chúng như một nhu cầu bức thiết của cuộc duy tân.
Trước khi mất năm 1855, Cao Bá Quát có đi một chuyến thăm Tân Gia Ba, tức Singapore. Chuyến đi diễn ra hơn 150 năm trước, trước cả Cách mạng Minh Trị ở Nhật Bản (1868). Vậy mà những điều ông thấy ở đó đã khiến ông giật mình nên ông đã có bài thơ này:
Tân Gia từ vượt con tầu,
Mới hay vũ trụ một bầu bao la.
Giật mình khi ở xó nhà,
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi.
Không đi khắp bốn phương trời,
Vùi đầu án sách uổng đời làm trai.
Ông đã tỉnh giấc với cái văn hóa Nho giáo lỗi thời rồi, cần phải thay đổi. Vậy mà nhìn chung vẫn chưa có những thay đổi sâu xa, đột phá trong tâm thức và văn hóa của tầng lớp có học… Ngày nay, nói rằng khoa học, công nghệ có vai trò then chốt trong cuộc canh tân, bạn có thể thấy mình là kẻ xa lạ. Phải đụng vào những chỗ then chốt, mới thấy văn hóa Việt Nam chưa thay đổi về cơ bản. Trong nhiều cuộc cách mạng công nghiệp thế giới đã và đang đi qua, VN chưa có cuộc cách mạng nào. Là đất nước chịu hệ quả nặng nề của sức mạnh khoa học công nghệ phương Tây kéo dài cả trăm năm, nhưng VN vẫn chưa ý thức mạnh mẽ về nguyên nhân đất nước rơi vào chế độ thực dân để mà thay đổi, thích nghi như quy luật sinh tồn, trong khi các quốc gia trong vùng đã lần lược làm điều đó từ 150 năm qua. Thật lạ lùng. Dân tộc này có thừa thông minh và dũng cảm.
Lý do đơn giản có thể là: người Việt ít có óc tò mò để theo đuổi hiểu biết và khám phá, chưa có tình yêu mạnh mẽ với cái tư duy lý tính tìm chân lý của tư duy phương Tây như người Nhật từng làm. “Tinh thần tiểu thương”, “tính hám lợi vị kỷ”, “tính dễ thỏa mãn, an phận thủ thường”, “chủ nghĩa thực dụng, lợi ích cục bộ”, “thiếu tầm nhìn cho quốc gia”, “thừa dũng cảm trên chiến trường nhưng thiếu dũng cảm khoa học và kinh tế trong xây dựng”, “chủ nghĩa định mệnh”, “mê tín dị đoan”, là những đám mây che không để ánh sáng khoa học lọt vào tâm trí con người. Thêm vào đó là một cơ chế không phù hợp cho sự phát triển khoa học. Mà nói cho cùng, đó cũng chính vì thiếu ý thức về vai trò khoa học. Hệ quả là, nghiên cứu khoa học, học thuật còn rất ít, chúng ta sống nhiều với những giá trị hời hợt của đời thường. Nó phản ảnh vào kinh tế: nặng xuất khẩu thô, sơ chế, và gia công, với những sản phẩm giá trị thấp. Nó cũng phản ảnh vào giáo dục đại học, và cả văn hóa: lạc hậu về khoa học và học thuật, tách rời khỏi sự phát triển thế giới. Trong khi đó, chỉ có những khám phá khoa học thâm sâu, và một cuộc cách mạng công nghiệp mới có năng lực thay đổi con người và xã hội triệt để. Khoa học không bao giờ xuất phát từ common sense hời hợt mà ngược lại, nó phản-trực giác là khác, và đòi hỏi nghiên cứu thâm sâu để có nhận thức đúng.
Đó là lý do VN vẫn tiếp tục “loay hoay trong cái bẫy thu nhập trung bình thấp” trong cuộc canh tân hiện nay. Cần phải có một cuộc “thức tỉnh” đích thực sâu rộng trong xã hội về vai trò của khoa học, công nghệ, với những chính sách khôn ngoan của nhà nước làm đòn bẩy, mới mong xã hội có năng lượng thực hiện những bước phát triển nhảy vọt và cất cánh. Cho rằng VN sẽ trở thành một “con cọp châu Á” là còn quá sớm, trừ khi có sự thức tỉnh rộng lớn diễn ra.
***
Câu chuyện Phạm Quỳnh (1892-1945). Ông là học giả nhìn cao thấy rộng có lẽ bậc nhất ở Việt Nam mà tôi rất ngưỡng mộ. Ông sinh năm 1892, mất năm 1945, giai đoạn đầy biến động lịch sử về chính trị cũng như về khoa học ở châu Âu và thế giới. Tôi ví ông như con chim đại bàng học thuật của VN, khó ai bì kịp. Ông là đại diện của nhóm Nam Phong tạp chí (1917-1934), phát ngôn của giới tinh hoa VN lúc bấy giờ. Thượng chi văn tập là tập hợp các bài viết trong Nam Phong do tự tay ông tuyển chọn và biên tập lại vào năm 1943. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan viết trong Nhà văn hiện đại: “Phạm Quỳnh là một nhà văn có thể bàn luận một cách vững vàng và sáng suốt bất cứ về một vấn đề gì, từ thơ văn cho đến triết lý, đạo giáo, cho đến chính trị, xã hội, không một vấn đề nào là ông không tham khảo tường tận trước khi đem bàn trên mặt giấy”. Đúng như thế.
Tôi thấy có hai bài ông bàn về Descartes và Marcelin Berthelot (1827-1907), một nhà hóa học nổi tiếng của Pháp, cũng là nhà chính trị, tôi mừng. Té ra ông cũng có quan tâm về khoa học đấy chứ, tôi mừng thầm. Và trong bài về Berthelot dài 24 trang ông cũng có nhắc tới Pasteur. Ngay câu đầu của bài, ông đã viết: “Khoa học ngày một tấn tới, từ một trăm năm trở lại đây đã biến cải hẳn mặt địa cầu.” Đúng quá! Nhưng rồi dường như ông dừng tại đấy, và không nói thêm về chủ đề khoa học, và những đóng góp cốt lõi của nó trong tiến trình hình thành văn minh phương Tây.
Phạm Quỳnh không thể nào đã một lần không nghe đến cuộc cách mạng khoa học đầu thế kỷ 20 đang làm rung chuyển thế giới mà khởi điểm là từ châu Âu, và cái tên Albert Einstein tiêu biểu đang sống cùng thời với ông. Einstein và Phạm Quỳnh sống gần như cùng một giai đoạn lịch sử. Phạm Quỳnh nhỏ hơn Einstein 13 tuổi, và mất trước Einstein 10 năm. Einstein từng qua Paris diễn thuyết tại Collège de France ngày 31.03.1922 như một sứ giả để hòa giải giới khoa học giữa hai nước Pháp-Đức đang bị chia rẻ nặng nề vì chiến tranh. Cuộc thảo luận về đề tài thời gian với Henri Bergson, nhà triết học số một của Pháp lúc bấy giờ, là một sự kiện nổi tiếng trong giới trí thức Pháp và cả Đức. Nó như một cuộc chạm trán nảy lửa giữ khái niệm thời gian tuyệt đối của Newton mà Bergson đại diện và thời gian tương đối của Einstein. Cũng năm đó, Phạm Quỳnh đi Pháp dự hội chợ triển lãm Marseille (tháng 11 của các nước thuộc địa; Vua Khải Định, lần đầu tiên đối với một vị vua Việt Nam, có tham dự triển lãm này; so sánh: Phái đoàn của Tokugawa Akitake Nhật Bản lần đầu tiên tham gia hội chợ Paris năm 1867, tức 55 năm trước) rồi diễn thuyết ở Ban Chính trị và Ban Luân lý Viện Hàn lâm Pháp về dân tộc giáo dục. Đó là thời gian Einstein vừa nổi tiếng như một siêu sao thế giới khi độ lệch ánh sáng trên trời của Einstein được xác nhận năm 1919. Lúc đó Phạm Quỳnh 30 tuổi, còn rất trẻ, nhưng đã cầm bút, và là người rất am hiểu văn hóa nước Pháp. Ông ở Paris ba tháng. Phạm Quỳnh thừa sức để hiểu những gì đã được báo chí đại chúng hóa, hay cả trong thời gian sau đó, nhưng không thấy ông ghi lại những sự kiện làm thế giới rúng động đang “biến cải” sâu xa thế giới về nhận thức vũ trụ. Trong Thượng chi văn tập nói trên dài hơn 1.100 trang, dường như không có bài nào dành riêng cho cuộc cách mạng vật lý đang diễn ra sôi nổi ở châu Âu và lan tỏa sang cả các quốc gia phương Đông như Nhật và TQ.
Lịch sử khoa học tự nhiên, các tên tuổi như Newton, Galilei, Kepler dường như không thấy xuất hiện. Xã hội hiện đại phương Tây đã hình thành xong trong giai đoạn 1776-1914 bao gồm cuộc cách mạng công nghiệp lần 1 ở Anh từ khoảng giữa thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19, đến cuộc cách mạng công nghiệp lần 2 diễn ra tập trung tại Đức và Hoa Kỳ từ 1870-1914. Ở phương Đông, Nhật Bản đã tiến hành xong cuộc công nghiệp hóa ngoài-phương-Tây, và vừa đánh thắng quân đội nhà Thanh và Nga hoàng.Triển lãm Paris năm 1867, tức nửa thế kỷ trước, đã gây ảnh hưởng lớn lên đoàn Mạc phủ với sự có mặt của nhà cải cách tương lai Shibusawa Eiichi, và sẽ có tác động lớn tới cuộc công nghiệp hóa Nhật Bản qua nhân vật này. (Xem Shibusawa Eiichi: Doanh Nhân Lập Quốc Vĩ Đại của Nhật Bản)
Ảnh một bản Nam phong tạp chí năm 1934 (wikipedia)
Bìa một số tạp chí có ghi “Khoa học” là một trong những mục tiêu, và trong Wikipedia có ghi về phần mục đích chính: “Khảo cứu và viết bài về triết học, khoa học, văn chương, lịch sử của Á Đông và Âu Tây”. Trong bài Nhận diện lại Nam Phong tạp chí của tác giả Phạm Phú Phong của tạp chí Sông Hương ngày 19/07/2017 có ghi đoạn sau đây: “Về khoa học, tạp chí giới thiệu những phát minh/ kiến thức mới mẻ của phương Tây, như bài viết về kỹ thuật đóng tàu ngầm của kỹ sư người Pháp Laubeuf, bài Tâm lý học-định lệ của cảm giác (Nguyễn Triệu Luật dịch), hoặc các bài viết về khoa học thường thức như Mấy lời về phép vệ sinh (Phan Khôi dịch), Bệnh lao có chữa được không của Phạm Quỳnh, Cái hại thuốc lá của Mã Nhân…” Ở đây hé lộ đôi chút, nhưng có lẽ đó chỉ là những việc làm tản mạn, không phải cả một chính sách lớn có ý thức như những chủ đề khác để truyền bá vai trò của khoa học, tạo ra ý thức khoa học cho người Việt Nam. Mặt khác, người Nhật đã tự học qua lan học khoa học, Newton, kỹ thuật đóng tàu, đúc súng, y học cả trăm năm trước thời mở cửa Minh Trị. Họ học từ óc tò mò, và ý thức sự ưu việt của khoa học phương Tây. Chính y khoa đã góp phần rất lớn giúp họ nhận ra sự ưu việt của khoa học phương Tây so với khoa học truyền thống của TQ, và chuẩn bị tinh thần của họ cho cuộc đổi mới 1868. (Xem Tại sao người Nhật mê đọc sách?) Giới khai sáng Nhật Bản Minh Trị phần lớn đã tiếp cận với khoa học phương Tây như Fukuzawa chứ không phải chỉ biết nhân văn, tuy họ cũng được đào tạo Khổng giáo và Tứ thư ngũ kinh, Bắc sử còn nhiều hơn giới nho học VN.
Trong danh sách 13 cộng tác viên có lẽ nồng cốt của Nam phong được liệt kê trong wikipedia, từ Đông hồ Lâm Tấn Phác, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Hữu Tiến đến Trần Trọng Kim, Tương phố, Tản Đà, Dương Quảng Hàm, Nam Trân, Đạm Phương, dường như không thấy có cây bút khoa học nào. Nếu bây giờ có ai chịu khó trích ra hết các bài viết liên quan đến khoa học, và cả giáo dục từ báo Nam phong, để xem trọng lượng của các mục này thế nào, thì chúng ta sẽ có bức tranh rõ hơn. Các nhà bình luận về Nam phong và Phạm Quỳnh đều là những nhà văn, sử học, nghĩa là các nhà nhân văn, chưa có ai là nhà khoa học để nhìn dưới góc độ khác để có một đánh giá khác. Về phần Phạm Quỳnh, chúng ta chỉ có thể căn cứ trên Thượng chi văn tập mà bàn luận. Trong một quyển sách nhỏ gồm các bài viết bằng tiếng Pháp của Phạm Quỳnh do nhà văn Nguyên Ngọc dịch sang tiếng Việt có lần tôi đọc được, cũng không thấy chủ đề khoa học.
***
Bài tường thuật chuyến đi Paris của ông trong Thượng chi văn tập dài đến 44 trang, nói về đủ thứ chuyện văn hóa, tỏ ra ông là người có mắt quan sát tinh tường, nhưng không có chút phản ảnh nào về cuộc cách mạng khoa học đầu thế kỷ 20. Đoạn cuối của bài ông tự nó cũng thú vị, cho thấy cái văn hóa người Việt bấy giờ xung quanh hai ông, có lẽ cũng là của giới “tinh hoa” chứ không phải chỉ dân thường. Xin trích:
Bài diễn thuyết nay đã dài lắm rồi. Kể nói chuyện đi Tây của tôi thì nói đến suốt đêm cũng chửa hết. Nay hẵng xin dừng lại đây và nhân tiện tóm tắt mấy câu về sự du lịch này có ảnh hưởng gì cho phần tư tưởng riêng của tôi.
Mấy bữa sắp dời Paris, các anh em về Marseille cả, còn ở lại có ông Nguyễn Văn Vĩnh với tôi. Hai người cùng ở một nhà trọ, đêm khuya ngồi buồn, thường bày ra pha nước, uống nước trà, bàn chuyện nước. Nói đến cái nông nổi, cái thói quen cùng cái tính chất của người mình, nhiều khi không thể không thở dài mà hốt nhiên nóng lòng sốt ruột. Chợt hai người cùng nói, thật là tư tưởng không hẹn mà gặp nhau: “Lạ quá! Chúng mình sang đây, hồi tưởng đến công việc ở nhà, sao mà nó xa lắc xa lơ như thế! Nhiều việc mình thường lấy làm quan hệ, ngồi đây mà xét, sao mà nó bần tiện nhỏ nhen quá thế! Người mình chỉ nhọc nhằn trì trục những sự chẳng đâu, nào là tranh ăn, tranh nói, tranh đứng, tranh ngồi, tranh vị, tranh lấy cái tiếng cái miếng hão huyền. Không biết rằng đồng thị là một giống yếu hèn, dẫu hơn nhau được một thước một bước, đã lấy gì mà đủ tự khoái tự cao? Người Tây họ nói phải thật: Ở Paris này, hình như cái óc mình nó rộng thêm ra, tư tưởng mình cao hơn lên; có thế thật. Nhưng mà biết đến khi về nhà có còn giữ được như thế không? Chửa dám chắc!” – Nói đến đây hai anh em đều bật cười.
Và ông kết thúc:
Từ khi tôi về đến nay, các ngài quen biết nhiều ông có bụng yêu ân cần hỏi: “Chuyến đi Tây về, có được gì không?” Tôi hỏi: “Được gì?” – “Được bội tinh, được thăng thưởng chớ gì!” Nghe câu hỏi mà tôi riêng lấy làm thẹn, xét mình có công cán gì mà được những sự vinh dự đặc biệt như thế. Không! Chuyến này đi Tây tôi cũng có cái sở đắc, nhưng không phải sở đắc như thế, (mà) sở đắc một điều: là được sáng mắt thêm ra, biết cái chân tình thế trong thiên hạ, biết cái chân giá trị của người ta, biết cái gì là cao, biết cái gì là sang, cái gì là trọng, cái gì là quí, và những cái gì mình thường lấy làm quí, chưa chắc đã là quí, cái gì mình thường lấy làm trọng, có lẽ chửa đáng trọng, cái gì mình thường cho là sang, vị tất đã là sang, cái mà mình thường thấy làm cao, chưa ắt hẳn là cao. Không, chuyến này đi Tây tôi cũng có cái sở đắc, nhưng sở đắc là được sáng mắt ra như thế, chớ không phải sở đắc cái hư vinh để huyễn diệu bà con. Vì không được cái gì nữa, mà chỉ được cái thế thôi tưởng cũng bõ công mấy buổi lư đừ say sóng ở trên bể Ấn Độ Dương nọ…
Hà Nội, tháng 12 năm 1922
Những lời trên cũng nói lên phần nào hình ảnh của giới tinh hoa VN lúc đó, cho thấy họ sống với những giá trị thấp kém và hư ảo.
Phạm Quỳnh (1892-1945)
Xin nói tiếp về Phạm Quỳnh. Bài Văn minh luận của ông, trang 838-852, là bài tôi đọc với một sự thích thú đặc biệt, vì nó giống cái tiêu đề Văn minh luận của quyển sách của nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi trước ông khá lâu, bản tiếng Việt vừa được phát hành năm nay. Bài được viết vào năm 1920, lúc ông mới 28 tuổi, còn rất trẻ, nghĩa là 2 năm trước chuyến đi Paris. Nhưng ở đây, Phạm Quỳnh tỏ ra am hiểu rất sáng sủa nguyên cớ làm cho văn minh nhân loại tiến hóa: tri thức, khoa học, khám phá. Một vài trích dẫn minh họa cách hiểu của ông:
Vì rằng những rường mối lớn của luân lí tự cổ chí kim có thay đổi tí nào đâu: phải thương yêu kẻ đồng loại mình, phải dung thứ cho kẻ thù mình, phải làm điều lành, phải cầm bụng dục, ái nhân khắc kỉ, v.v…; cổ lai chỉ có mấy điều đó, không thấy khác chút nào, đến như về đường trí thức thời mỗi ngày một phát minh ra những chân lí mới: khoa học đời nay tấn tới hơn khoa học đời xưa biết bao nhiêu, các phương pháp để nghiên cứu, để thí nghiệm hay hơn tốt hơn biết bao nhiêu. Vậy thời văn minh đã là kết quả của những nguyên nhân thuộc về tinh thần, về tri thức, và kết quả ấy mỗi ngày một thay đổi luôn, thời không thể lấy đạo đức là một sự thiên niên bất dịch mà chi phối được, trí tuệ mới thật là cái đệ nhất động cơ của văn minh vậy. (Viết nghiêng được thêm vào.)
Nói tóm lại thời kẻ ác làm hại chỉ được một lúc; người thiện làm lành cũng chẳng bao lâu; cái gì mà lưu tồn được mãi mãi, di truyền đến vô cùng, ấy là những sự phát minh của các trang đại trí; nước dù đổ, đạo dù tan, những sự phát minh ấy vẫn còn mãi, cái sau kế tiếp cái trước không hề gián đoạn bao giờ; mọi sự đều khi chìm, khi nổi, khi đổi, khi thay, duy có trí tuệ người ta là đời đời rạng tỏ, làm đuốc sáng đưa nhân loại trên con đường tiến hóa văn minh vậy.
Hoặc có người nói rằng sự học vấn không phải là cái động cơ thứ nhất của văn minh, và văn minh tiến hóa phần nhiều là nhờ tôn giáo, ở văn chương, ở chính trị. Ý kiến đó thiết tưởng không được đúng, xin biện giải như sau này. [Và ông lý giải …]
Nói tóm lại thời tôn giáo, chính trị, văn chương, tuy cũng có biến hóa được người ta mà lại bị người ta biến hóa nhiều hơn; cũng là những động lực của văn minh, nhưng mà sức mạnh không có mấy, và cũng tùy tình trạng các xã hội mà sự lợi ích cho đường tiến hóa không nhất định vậy.
Văn minh tiến hóa chỉ là bởi trí thức khai thông và tiến hóa ít hay nhiều lại là bởi cái số những chân lí mà trí tuệ người ta phát minh ra được nhiều hay ít và cái phạm vi ban bố ra ngoài rộng hay hẹp vậy. Đại để thời tổng số những sự trí thức của người ta, nghĩa là người ta có biết nhiều mới làm được nhiều. Văn minh chẳng qua là trữ tích lấy nhiều trí thức, rồi ban bố cho rộng, phải gồm cả hai mới được hoàn toàn; vậy thời dân nào còn khuyết một điều trong hai điều ấy, chưa gọi được là văn minh mô phạm vậy.
Trở lên là cái giải nghĩa văn minh và xét văn minh tiến hóa ra làm sao. Các độc giả nhận kỹ thời biết phàm văn minh là bởi tài trí người ta gây dựng ra. Người ta khôn lắm, biết nhiều tự khắc tìm cách tô điểm cho sự sinh hoạt của mình được văn vẻ tốt đẹp, thế gọi là văn minh. Nhưng sự văn vẻ tốt đẹp ấy là bề ngoài, là cái áo mặc xán lạn của văn minh mà thôi, không phải thật là văn minh. Văn minh là ở tự trong trí não người ta, trí não có mở mang sáng suốt mới thật là văn minh. Nếu trong còn mờ tối bí tắc mà ngoài đã rực rỡ vẻ vang, thời đó là văn minh giả vậy.
Đương lúc quốc dân mơ màng sự văn minh, nhiều người hiểu lầm hai chữ văn minh, lấy văn minh giả làm văn minh thật, lấy hình thức làm tinh thần, lấy cái áo sặc sỡ ở ngoài thay cho cái não tinh túy ở trong; ngộ nhận như thế thật là hại cho sự văn minh tiến hóa trong nước. Phàm người thượng lưu trong xã hội có trách nhiệm hướng đạo cho đồng nhân, không nên hiểu lầm như thế. Phải biết rằng văn minh cốt ở trí thức như trên đã giải rõ. Nếu trí thức chửa khai thông thì dẫu đạo đức rất cao thâm cũng không đủ làm cho quốc dân tiến hóa được. Muốn cho trí thức được khai thông thời phải làm thế nào? Phải học cho rộng, biết cho nhiều, có học có biết mới làm nên. Không những đời này là đời sự đua tranh bằng trí khôn kịch liệt hơn cổ kim, mà từ xưa đến nay phàm văn minh tiến hoá cũng là nhờ ở trí khôn, nhờ ở học thức cả. Không học, không khôn, không theo kịp thời thế, thời dẫu đạo đức như thánh hiền đời xưa cũng đến bị đào thải trên trường cạnh tranh và xua đuổi vào hàng liệt bại mà thôi; huống chi nữa là người thường?
Vậy muốn cho xứng đáng huy hiệu văn minh, anh em ta nên ra công học tập, học để cho mở mang trí thức, không phải chỉ để huyễn diệu người mình vậy…
Rõ ràng, Phạm Quỳnh đã nhận ra sáng sủa rằng, động cơ chính yếu (prime cause) thúc đẩy sự tiến hóa, phát triển của văn minh nằm ở tri thức, khoa học, khám phá, phương pháp, thí nghiệm v.v… Chúng là những “biến số” thay đổi và phát triển luôn, “khiến cho người ta thắng đoạt được vạn vật làm chủ được địa cầu”, trong khi rường mối đạo lý trong xã hội hầu như là những “hằng số”, khi thịnh, khi suy, mặc dù không thể thiếu. Không có tiến bộ văn minh thì đạo đức thánh hiền cũng có nguy cơ trở thành “hàng liệt bại”. Tôi nghĩ Phạm Quỳnh đã nói rõ nội hàm của sự tiến bộ cho xã hội, hơn cả cụ Phan Châu Trinh với khái niệm văn hóa của cụ. Không những vậy, Văn minh luận của Phạm Quỳnh cũng có nhiều nhận thức xác đáng và rõ nét hơn Văn minh luận của Fukuzawa về sự tiến bộ của văn minh phương Tây, điều mà Fukuzawa muốn lấy làm gương cho dân tộc Nhật. Nói như thế không có nghĩa là Fukuzawa không nhận ra giá trị then chốt của khoa học công nghệ trong việc xây dựng nước Nhật Bản mới. Ông nhận ra rõ lắm chứ và đã quảng bá nó. Không biết cụ Phạm Quỳnh có đọc Văn minh luận của Fukuzawa không. Có lẽ không. Nhưng Phạm Quỳnh cũng đọc những quyển sách tham khảo như Fukuzawa từng đọc của François Guizot và Henry Thomas Buckle. Nhưng những nhận thức về nội hàm của sự tiến hóa văn minh thế giới của ông sáng sủa và dễ hiểu hơn. Phạm Quỳnh viết bài này lúc 28 tuổi, Fukuzawa xuất bản quyển sách ông lúc 40 tuổi (1875), và cách nhau khoảng thời 47 năm. Nếu Phạm Quỳnh tiếp trục triển khai triệt để nhận thức của ông về động cơ chính yếu thúc đẩy sự tiến hóa, ông tất yếu sẽ đi đến đề tài khoa học, và cả đại học là định chế để phát triển nó. Phạm Quỳnh đã bỏ lửng câu hỏi rất đáng được đặt ra tiếp: Việt Nam muốn tiến lên văn minh như các dân tộc phương Tây thì phải làm gì, giáo dục cái gì, xây dựng cái gì? Người Nhật đã trả lời câu hỏi này hơn nửa thế kỷ trước ông.
Một nhà thông thái, có nhận xét sắc bén, uy tín như Phạm Quỳnh, nếu dành một phần nhỏ công việc của ông để đánh thức tình yêu và ý thức khoa học cho người Việt Nam thì sẽ có tác động có thể mạnh hơn cả một đạo quân. Cây bút có thể mạnh hơn lưỡi kiếm. Ông sẽ tạo nên một tiền lệ tốt cho các nhà tư tưởng đi sau. Chúng ta cần những lãnh đạo tinh thần, những “prophet” có tầm nhìn, định hướng hay dẫn dắt dân tộc đi về “miền đất hứa”. Các nhà khoa học và công nghệ, nếu được đầu tư và phát triển, giống như những “chiến binh” hiện đại và tinh nhuệ, có thể giúp quốc gia chiến thắng trên các mặt trận kinh tế và quốc phòng. Nhưng tiếc thay. Một trong những cái khác biệt cơ bản giữa hai giới tinh hoa Việt Nam và Nhật Bản là, một bên con nhà văn, bên kia con nhà võ. Văn thích tĩnh tại, an toàn, vâng cả mơ màng, không thích bị xáo trộn, không phải týp người thích hành động để thay đổi, trong khi Võ thì thích phiêu lưu, mạo hiểm, sáng tạo, có đầu óc thực tế, muốn đi chinh phục những vùng đất mới, và không chịu lùi bước trước khó khăn, thách thức.
***
Như đã nói, Nhật Bản và TQ đã có sự cộng hưởng mạnh mẽ với vật lý hiện đại châu Âu. Thế giới đầu thế kỷ 20 đang đứng trước những biến đổi sâu sắc chưa từng có trong lịch sử về khoa học, khiến cho giới trí thức khắp nơi đều hướng mắt về đó. Trong khi đó, Descartes mất năm 1650, tức hơn 350 năm trước, và thuyết của ông “xưa lắm rồi”, bị cho là kềm hãm phần nào sự phát triển khoa học, khoa học ứng dụng và công nghiệp hóa của Pháp, thì lại được Phạm Quỳnh để ý đến. Nói chung, chưa thấy những con mắt của giới tinh hoa VN để ý vào sự phát triển mới đang sôi nổi để tạo ra mầm phát triển mới cho đất nước. Cái học cũ vẫn lập đi lập lại. Thông minh hàm chứa trách nhiệm đạo đức đối với xã hội, như một học giả Mỹ phát biểu, bao gồm nhận thức sâu sắc về thời cuộc, những vấn đề sống còn mà quốc gia đang phải đối mặt, để tập trung sự chú ý và nguồn lực của quốc gia mà giải quyết. Việt Nam đang yếu kém cái gì? Sâu xa, VN đang thiếu một cuộc công nghiệp hóa toàn diện mà một nền khoa học, công nghệ và giáo dục hiện đại, tiên tiến, phát triển, làm nền tảng của nó. Và thực tế, VN chưa có một sự tập trung tinh thần và trách nhiệm đạo đức như thế.
Giới tinh hoa VN, bao gồm cả giới lãnh đạo, đã hụt hẫng về nhận thức nên đã không có một di chúc về khoa học để lại cho các thế hệ sau. Không có văn hóa yêu khoa học, học thuật, óc tò mò và thói quen nhìn xa, là biểu hiện của sự nhận thức hời hợt về Zeitgeist. Hệ quả của nó là làm cho quốc gia suy yếu về tiềm lực – và dễ bị tổn thương.
Max Weber từng viết trong Khoa học như nghề nghiệp: Nếu những nhà nhân văn, humanist, của thời kì Phục hưng thắng thế và có ảnh hưởng lâu dài thì châu Âu có nguy cơ trở thành một Trung Hoa thứ hai. Vì sao? Vì những cái học của TQ chính là những cái gọi là nhân văn, cái hay cái đẹp về con người, văn chương, thơ phú… Cái học không có khám phá khoa học và phát triển kinh tế xã hội. VN đi theo con đường đó. Cả châu Á là như thế. Đối với họ, khoa học, kỹ thuật là không đủ tính chất nhân văn lôi cuốn, mặc dù chúng có thể tạo ra nhận thức sáng sủa về thế giới mang tính khai minh, làm ra của cải, cải thiện cuộc sống cho ấm no, giảm bớt khổ đau, và xây dựng xã hội ngày càng văn minh.Trong khi ở châu Âu, khoa học đã đem lại ánh sáng khai minh, với cái giá mà các nhà khoa học phải trả không ít bằng máu, và công nghệ đã đem lại sự thịnh vượng cho xã hội. Họ “quyết tử” cho chân lý “quyết sinh”, chân lý khoa học là cái gì thiêng liêng, thiên khải của Chúa, hơn cả những giá trị nhân văn mà họ đang thừa hưởng, hay cả một số tín điều chưa đúng trong tôn giáo mà họ được dạy dỗ. Nhờ khai sáng khoa học mà phương Tây mới có thêm tự do và khoan dung. (Xem Giá trị khai phóng của Khoa học)
Trần Trọng Kim nhận định trong Triều đình nước Nam dưới triều vua Tự Đức về thái đọc của giới tinh hoa trách nhiệm vận nước như sau:
“Từ thập cửu thế kỷ trở đi, văn minh và học thuật của thiên hạ đã tiến bộ nhiều, mà sự cạnh tranh của các nước cũng kịch liệt hơn trước. Thế mà những người giữ cái trách nhiệm chính trị nước mình chỉ chăm việc văn chương, khéo nghề nghiên bút, bàn đến quốc sự thì phi Nghiêu Thuấn lại Hạ, Thương, Chu, việc mấy nghìn năm trước cứ đem làm gương cho thời hiện tại, rồi cứ nghễu nghện tự xưng mình là hơn người, cho thiên hạ là dã man. Ấy là triều đình nước Nam ta lúc bấy giờ phần nhiều là những người như thế cả. Tuy có vài người đã đi ra ngoài, trông thấy cảnh tượng thiên hạ, về nói lại, thì các cụ ở nhà cho là nói bậy, làm hủy hại kỷ cương!
(Xem thêm Phan Châu Trinh – Việt Nam và Nhật Bản)
Chúng ta hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu, một cách giả thuyết, Phạm Quỳnh là người đầu tiên đứng ra quảng bá cho khoa học hiện đại trong số muôn vàn bài viết của ông? Ông sống đúng vào thời khắc hiếm hoi khi vật lý hiện đại được khai sinh làm thay đổi thế giới quan nhân loại, thuận tiện nhất để làm điều đó. Chắc chắn ông sẽ trở thành “ông thánh đỡ đầu khoa học” cho VN, giống như một số thánh của nhà thờ công giáo Robert Grosseteste, Roger Bacon, Albertus Magnus, Thomas Aquinas từng đỡ đầu cho khoa học phát triển thời Trung cổ, ngược lại luồng dư luận chống đối khác.
Trong khi đó, nước Đức tuy được ca ngợi là “đất nước của những nhà tư tưởng và nhà thơ” lại có cả một thiên hà các nhà khoa học và công nghiệp: Liebig, Koch, Hertz, Siemens, Krupp, Benz, Daimler, v.v… Maxim Gorki từng nhận xét rất súc tích: Đức có Kant mà cũng có Krupp! Triết học duy tâm là nơi quy tụ nhiều lý tính nhất thời của Schelling, Hegel, nhưng nó cuối cùng đã nhường chỗ cho khoa học tự nhiên đang lên mạnh mẽ như một khuynh hướng không thể đảo ngược mà Alexander von Humboldt là người đại diện (xem trong sách Đại Học của tác giả). Đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe rất khác với Nguyễn Du tuy hai người sống cùng một thời đại. Ông là người có tinh thần universal về thế giới và muốn hiểu thế giới bằng khoa học, thể hiện qua nhân vật Faust trong trường thi Faust nổi tiếng của ông. Goethe nghiên cứu lý thuyết màu, nghiên cứu quang học của Newton, nghiên cứu thực vật và khoáng sản. Có những loại hoa được đặt theo tên ông. Trên bàn ông có một mô hình xe lửa đầu tiên của nhà công nghiệp Anh George Stephenson. Ông đã phản ảnh thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ nhất sắp qua và cách mạng công nghiệp lần thứ hai đang tới tại Đức, quốc gia đang muốn giành lại sự tự quyết và danh dự của chính mình bằng sức mạnh tổng hợp của khoa học, giáo dục và kinh tế tri thức – không như thân phận trôi nổi thương tâm của nàng Kiều giữa vòng xoáy của những thế lực xã hội đen tối.
Chúng ta chỉ muốn mong mỏi cái vế khoa học công nghệ (KHCN) phải được nâng lên và phát triển mạnh mẽ để phục vụ cho cuộc chấn hưng. Fukuzawa từng tấn công những cái học Nhật Bản, học Trung Hoa như những thứ vô bổ và thậm chí có hại trong giai đoạn cấp bách. Chúng ta không còn thì giờ để tiêu pha rong chơi nữa và cái học xưa thì thiếu tính khoa học và độc lập để đào tạo con người cho xã hội mới. Tình hình đã nghiêm trọng lắm rồi. Chính vì thế ông khuyến khích học Tây học, vừa có khoa học vừa có tự do, tính độc lập, những cái thiếu ở phương Đông, nếu muốn xây dựng một nước Nhật mới mạnh mẽ như phương Tây và và quyết tâm vươn lên bằng họ. Thực tế sinh viên Nhật Bản đã lần lược đi theo hướng của Fukuzawa. Họ không thể xây dựng công nghiệp hóa bằng những thứ khác hơn là KHCN hiện đại. Nhà vật lý học Yukawa Hideki, người đem lại giải Nobel đầu tiên cho Nhật Bản thời hậu chiến, có lẽ là người sinh viên cuối cùng còn nấn ná với cái học cũ. Ông nói tất cả sinh viên khác đều đã “lên đường”. Đó là sự khác biệt.
Xem thêm ngọn gió khai sáng của châu Âu đầu thế kỷ 17, sang đến Nhật nửa sau thế kỷ 19,
đến Trung Quốc đầu thế kỷ 20, và dừng tại đó, không vào được Việt nam:
Francis Bacon – Fukuzawa Yukichi – Trung Quốc và Việt Nam
và cập nhật thêm:
[2]
Nguyễn Lê Tiến
Mỗi người trong chúng ta, dẫu muốn hay không, dẫu có… biết chữ Hán hay không, đều mang nặng một… ông đồ nho trong lòng! Một ông đồ gàn, một ông “lão Trang” an phận thủ thường, một anh hai lúa mơ mộng quay về với… con trâu, tát đìa. Thế hệ nào cũng thế, nó đè nén, cột chặt chúng ta vào… cái quá khứ u tối, mà tưởng là cao đạo! Khốn khổ, nghèo nàn nhưng tưởng là an cư, an nhàn! An bần lạc đạo!
Không chỉ cụ Phạm Quỳnh. Hãy xem những nhà khoa học mà ta kính trọng và muốn theo gương.
Cụ Hoàng Xuân Hãn là một điển hình. Rõ ràng là cụ là người tiên phong đi đầu trong mong muốn “khoa học hóa” dân tộc. Những công trình của cụ như “danh từ khoa học”, chương trình giáo dục, v.v… là những mốc lớn và đột phá. Thế nhưng cụ trong sâu xa vẫn là một… “ông đồ”! Cụ không đả động gì đến “Einstein” như bác Xanh ngạc nhiên với cụ Phạm Quỳnh. Cụ làm nghề khoa học trong đời sống, nhưng đó là “nghề”. Còn cái “nghiệp” của cụ, những “đam mê”, những gì cụ theo đuổi suốt đời là sử học, văn học, là những tác phẩm như “Lý Thường Kiệt”, “La Sơn phu tử”, “Kiều”, “Hồ Xuân Hương”, v.v…
Hoàng Xuân Hãn (1908-1996)
Khi viết về khoa học, cụ thường viết về những thứ “cổ điển” như thiên văn. Không những thế, cụ hướng về những thứ “Đông phương” như công trình về “lịch pháp”. Cụ vẫn nghĩ về cơ sở khoa học của lịch đông phương, “nông lịch”, và mong muốn các nước đông phương cùng có “chuẩn” cho loại lịch đó. Rõ ràng ở đây có sự khác biệt so với sự quyết liệt, triệt để của sĩ phu Nhật Bản. Khi Nhật “thức tỉnh”, sĩ phu họ dứt khoát theo chủ trương “thoát Á”! Về lịch thì họ bỏ triệt để! Dứt khoát theo lịch “tây”, tuy phong tục vẫn giữ. Cái thứ lịch cực kỳ phức tạp, rối rắm, tại sao phải giữ? Thế là bỏ! Bỏ là bỏ triệt để! Không tý sửu dần mão, không giáp ất bính đinh! Những tinh thần như thế, Việt Nam không có. Ngay bây giờ, chả ai biết chữ Hán, chả ai hiểu thực sự “âm lịch” tính toán như thế nào. Nhưng động tới, muốn bỏ “tết ta” theo “tết tây” thì tất cả… óe lên phản đối. Nhật ăn tết tây theo tục lệ Nhật! Ta cứ “nệ” theo cái cách tính của người tàu thủa xưa (bất cần có hiểu nó hay không!)
Thứ tinh thần đó có trong bất cứ một người Việt Nam nào, có học hay không, có trong… chúng ta! Trong mỗi chúng ta!
Tôi lấy một ví dụ: Khi nghe chuyện “Hai Lúa không cần học mà chế… xe tăng”! Tôi ngờ rằng, thoạt nghe, ai nấy đều… xúc động, “tự hào”! Nếu anh Hai Lúa nghĩ thế thì chả sao. Cớ nào ở những người “học đông học tây” vẫn có cái… xúc cảm… kỳ dị như thế. Lý trí, học vấn của chúng ta bảo ta rằng… phi lý. Tình cảm của chúng ta lại mách ta rằng… có lý. Có thể! Lạ thế? Trong mỗi chúng ta! Cơ hồ như ta sống theo “tình”, cái “tình” nó át cái “lý”?
Tôi còn nhớ, mỗi năm tết về, ba tôi, dẫu là “tây học” vẫn “bày mực tàu giấy đỏ”, mài mực viết khai bút. Xong ba ngày tết, ba mang đốt và bảo: “Chữ nghĩa thánh hiền, chỉ được đốt, không nên vất bậy bạ” (chữ “tây” vất không sao!). Rõ ràng, “lễ nghĩa” đó dạy cho ta biết quý “chữ nghĩa” (một điều không tệ!) nhưng đồng thời là sự tôn sùng “thánh hiền”, “nệ cổ”, “cổ nhân đã nói thế!”
Thứ tinh thần ấy khác hẳn thứ tinh thần tò mò, tranh cãi, phản biện của tây phương (ít ra từ thời Phục hưng). Thứ tinh thần ấy làm cản trở khoa học. Người xưa đã biết rồi, cứ thế mà theo! Thắc mắc làm gì? Không ít thì nhiều, nó nhiễm trong ta. Ngay ở các nhà khoa học Trung Hoa nổi tiếng cũng thế. Thí dụ như Chen Ning Yang (Dương Chấn Ninh), Nobel Vật Lý (ở Mỹ), khi khám phá tính “đối xứng” có thể bị vi phạm, ông có nhắc là được mình gợi ý bởi thuyết “âm/dương”. Ở Dương Chấn Ninh, có thể đó chỉ là “gợi ý” nhưng rất nhiều người sau này… sung sướng cho là… cổ nhân… biết tuốt!
Sau này chính Dương Chấn Ninh có phân tích rất sâu sắc về lý do tại sao “Trung quốc không có khoa học”! Nhưng người “Đông phương” không cần biết! Chỉ cần “biết” là kinh Dịch có chứa sẵn mọi sự trên trời dưới đất, tự hào về cái “Đạo” của đất trời, có sẵn trong “tâm”, chỉ cần “ngộ”, và cái “ngộ” thì “cổ nhân”, “thánh hiền” đã biết thừa!
Tinh thần đó, ít thấy ở tây phương, họ sẵn sàng bảo “cổ nhân” sai bét! Tinh thần ngỗ ngược ấy làm cho khoa học tây phương phát triển, trong khi phương Đông đắm chìm với “cổ nhân”. Khó ai thoát được chính ta. Văn hóa “ta” phần nào cũng là do mặc cảm.
Hồi bé có lần tôi đọc được trong báo Khoa học thời 1940, trong tủ sách gia đình, một bài dùng thuyết âm dương, các quẻ bát quái để giải thích sư tương đồng đông/tây qua hiện tượng “vụ nổ siêu tân tinh” (supernovae!) Ta có thể thấy “sướng” khi ông cha ta cũng… “biết”, cũng “cao siêu”. Rằng những cái “biết” Tây phương chỉ là “ngọn”, sự “thâm trầm” Đông phương là… đi đến bản thể. “Tây y chữa ngọn, Đông y trị gốc”! “Vương vấn lượng tử” ư? Thì cổ nhân đã nói “ngũ hành tương sinh tương khắc” rồi, có gì mới?
Thấy chưa? Bọn tây nó bây giờ… trở lại phương Đông đấy! Sướng! Cái tự hào của chú A.Q.
Đông phương, tư tưởng Ấn độ có thể bay bổng còn Trung Hoa thì đặc thực dụng. Khoa học của Trung Hoa trong truyền thống luôn thực dụng. Nhắm “để làm cái gì”? Nó “vị nhân sinh”, chứ không để thỏa mãn “trí tuệ”. Tất tần tật! Từ toán học, thiên văn học, v.v… là để giải quyết những cái cụ thể. Tây phương như một đứa trẻ, luôn hỏi “tại sao”? Hết tại sao này, nó nảy ra cái tại sao khác, không ngừng. Tinh thần học đó, thấm đẫm trong mỗi người chúng ta. Thế hệ qua thế hệ.
Nay ta muốn “thoát Trung” ấy là vì tình cảm dân tộc! Thực ra cần “nhập Âu”!
Kể cả Trung Hoa, muốn tiến lên, từ khoa học đến xã hộ cũng cần “nhập Tây” để “nhân văn”, “khai phóng” hơn. Có mải mê với “tiền nhân” thế nào thì cũng cần thừa nhận rằng, thành quả mà nhân loại đạt được ngày nay chủ yếu đến từ phương Tây! Người Nhật thấy rất rõ từ thế kỷ 19 với chủ trương “thoát Á”! Các cụ VN, thời đầu thế kỷ 20, sau khi thua ê chề, đành phải bỏ “Thà đui mà giữ đạo nhà” (Nguyễn Đình Chiểu) mà cùng thúc nhau:
Húi hề húi hê này!
Bỏ cái ngu này!
Bỏ cái dại này!
(Bài vè “húi tóc”, khi các cụ đi cắt cái búi tó của nhau)
Bắc sử 1909
Khi tính thời gian thì cũng thấy VN chậm kinh khủng. Ông nội tôi sinh 1885, một năm sau ngày “kinh đô thất thủ” năm 1884, còn cụ Phan Chu Trinh sinh năm 1872, tức là năm đó cụ được 12 tuổi, thế mà khoa cử vẫn tồn tại và ‘hành’ các cụ ở tuổi ‘sinh viên’! Các cụ vẫn phải tiếp tục “cựu học” thêm 20-30 năm sau ngày VN hoàn toàn thua Pháp (kỳ thi hương cuối cùng là năm 1919!)
Năm 1922, ba năm sau kì thi hương cuối cùng của VN, Einstein sang Nhật Bản. Dân Nhật đón ông như một siêu sao. 7 năm trước đó, ông tôi và sĩ tử Việt phải còng lưng “lều chõng” vào trường thi. Làm sao giới trí thức VN có thể biết Einstein là ai, huống hồ có thể hiểu cho dù ở mức phổ thông nhất về ông!
Từ năm 1907, với phong trào Đông kinh nghĩa thục với các cụ như Lương Văn Can, Hoàng Tăng Bí, các cụ cũng biết “sai” rồi. Vì thế đã có các trường “tân học”. Ông tôi cũng “cắt búi tó”, mở trường “tân”. Nhưng sức ỳ của toàn xã hội vô cùng lớn. Một mặt vẫn “tân” nhưng vẫn đành theo đuổi khoa cử! Trong bài bác Xanh có nhắc:
“Giới tinh hoa Việt Nam học Tứ thư, Ngũ kinh và Bắc sử (sử Trung Hoa). Bắc sử có thời được xem còn nặng hơn sử Việt Nam. Tầm chương trích cú, và làm ra những vần thơ bát cú hay, đó là tất cả những thứ cần để đậu đạt và tiến thân.”
Thì nó đây! Đây là quyển “Bắc sử ” in năm Duy Tân (1909). Ông tôi phải “dùi mài” quyển này để đi thi! Chả còn cách nào khác!
– Bắc sử tân san toàn biên.
Duy Tân kỷ dậu trọng xuân tân biên
(Bản mới soạn, giữa mùa xuân, năm Duy Tân kỷ dậu 1909)
Nguyễn Lê Tiến & Nguyễn Xuân Xanh, 23/11/2019