Albert Einstein có mặt trên tạp chí Nam Phong

by , under Uncategorized

ALBERT EINSTEIN CÓ MẶT

TRÊN TẠP CHÍ NAM PHONG

ĐI TÌM DẤU CHÂN NGƯỜI XƯA ĐỂ

HIỂU THÊM CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI NAY

Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu

Lời nói đầu. Cuối tháng 10, 2022, qua sự giới thiệu của một “nữ sĩ” kính mến, chị Phan Thanh Lệ Hằng, tôi rất hân hạnh quen biết TS Bùi Khởi Giang, người từng học ngành Khoa học nghệ thuật (Kunstwissenschaft) tại Berlin Đông rồi nghiên cứu ở Berlin Tây, Freie Universität, và sau đó Đại học Gutenberg/Mainz, ba chúng tôi có trao đổi nhau về nhiều chủ đề, trong đó có chủ đề người Việt có “mê khoa học” hay không? Khi đến câu chuyện Einstein và Tạp chí Nam Phong của cụ Phạm Quỳnh, câu hỏi tôi thường đặt ra là, có hay không những bài viết về Einstein trên tạp chí này vào những năm 1920-30, cũng như về cuộc cách mạng vật lý đang diễn rầm rộ ra tại châu Âu, và vai trò của khoa học đối với sự phát triển quốc gia. Năm 1921, 1922 và 1925 Einstein đi chu du thiên hạ để truyền bá khoa học, từ Mỹ đến Nhật Bản, sau đó đến châu Mỹ La tinh.

Giới tinh hoa trẻ của Nhật Bản Minh Trị từng quan niệm rằng, làm khoa học, nghiên cứu khoa học, là yêu nước, là mệnh lệnh, trong giai đoạn cấp bách dựng nước không còn là chuyện cá nhân nữa, để góp phần nhanh chóng xây dựng nền khoa học quốc gia và nâng nó lên tầm của khoa học phương Tây. Giới tinh hoa Trung Quốc trong phong trào Ngũ Tứ những năm trước và sau 1919 cũng có lý tưởng và nhận thức đó. Giới tinh hoa của Ấn độ trước đó cũng y như thế. Đó là một phong trào quốc gia của sự thức tỉnh. (1) Còn giới tinh hoa Việt Nam thì sao, đó là câu hỏi. Cụ Phạm Quỳnh, đại diện cho giới tinh hoa tân học của Việt Nam lúc bấy giờ, thì chỉ nói về văn hóa, nói rất uyên thâm, nhưng không nói về vai trò của khoa học, như tôi đã trình bày trong bài viết

SỨC Ỳ CỦA Ý THỨC KHOA HỌC VIỆT NAM

TS Giang lấy làm thích thú trước câu hỏi được đặt ra, và bảo rằng Anh có Toàn tập Nam Phong, và có thể truy cứu. Tối hôm đó (28/10/2022) anh báo ngay tin vui cho tôi: Có một bài về Einstein và Thuyết tương đối dài 10 trang trên Nam Phong, số 76, tháng 10, năm 1923, trang 316-326, tác giả: Trương Trúc Đình và Nguyễn Đông-Hà. Wow, quả là tin “hot”! Chúng tôi hết sức vui mừng trước khám phá này. Đọc được bài viết của các bậc tiền bối hết sức thú vị. Nhưng TS Giang cũng cho biết thêm: Đây là bài duy nhất về Einstein hay Thuyết tương đối trong toàn bộ tạp chí Nam Phong. Sự tồn tại của bài viết, cũng như tính duy nhất của nó trên toàn tập Nam Phong, tạp chí của giới tinh hoa, hoạt động từ 1917-1934, phản ảnh chính xác hơn bức tranh văn hóa khoa học không mấy sáng sủa lắm của người Việt Nam lúc bấy giờ. Quyển sách Thuyết tương đối hẹp và rộng của Einstein viết cho đại chúng chỉ khoảng 160 trang, từng truyền cảm hứng cho bao nhiêu nhà khoa học trên thế giới, trong đó có cả Werner Heisenberg, được dịch sang nhiều thứ tiếng sau năm 1919 khi ánh sáng lệch trên trời được xác nhận, trong đó có tiếng Nhật, tiếng Trung, nhưng mãi đến năm 2017 mới được dịch sang tiếng Việt, nghĩa là phải đợi ngót trăm năm. So sánh thêm bài viết:

FRANCIS BACON – FUKUZAWA YUKICHI – (TRUNG QUỐC) VÀ VIỆT NAM

Dưới đây, với sự cho phép của TS Giang, tôi xin đăng lại bài báo này của Nam Phong. Ngôn ngữ lúc bấy giờ có nhiều chỗ hơi khác so với ngày nay, nhưng hiểu được. Từ “đối-đích” có nghĩa là tương đối. Nội dung bài viết thì rất tốt. Hai tác giả sử dụng nguồn tiếng Pháp, trong đó có quyển nổi tiếng của Charles Nordman, Einstein và Vũ trụ, xuất bản năm 1922. Các tác giả viết dưới khía cạnh nhận thức luận. (2)

Khám phá này càng có ý nghĩa giữa lúc Việt Nam đang bắt đầu nói nhiều về Khoa học và Công nghệ như những công cụ đắc lực trong việc xây dựng kinh tế cho hiệu quả. Người Việt còn khá chật vật với văn hóa khoa học. Nhưng đó lại là văn hóa của tăng trưởng mà ít người để ý đến. Chính trị không có khoa học là yếu ớt, cường điệu hoặc lạc lối. Khoa học không có chính trị hỗ trợ là bế tắc và mòn mỏi. Sự thâm thụt về nhận thức tầm quan trọng của Khoa học, Công nghệ ở Việt Nam là rất lớn mà một sự lắp bằng phải đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của giới tinh hoa, công việc sẽ kéo dài hàng chục năm, chứ không thể đạt ngay được. Thay đổi thói quen con người để tạo một thói quen mới là không dễ, nhưng không phải không làm được. Người ta có thể thấy khoa học “buồn tẻ”, thiếu tính chất “human”, lãng mạn, không “bay bổng”. Nhưng người ta sẽ xây dựng đất nước phồn vinh và an ninh giữa một thế giới đang cạnh tranh bằng gì? Bằng tay không chăng? Đem lại cơm áo, ấm no và an bình cho một dân tộc, để dân tộc không còn sống trong thung lũng nước mắt nữa không phải là “human”, không “lãng mạn”, “bay bổng” hay sao? Dân tộc Việt đã sống quá lâu trong lạc hậu, nghèo đói, và thường xuyên bị bắt nạt. Đã đến lúc phải chấm dứt hiện trạng đen tối đó. Bằng gì nếu không phải bằng khoa học và công nghệ?

Một lần nữa, tôi rất cảm ơn buổi nói chuyện rất hữu ích với chị Phan Thanh Lệ Hằng và TS Bùi Khởi Giang giúp dẫn đến sự khám phá thú vị dưới đây. Chúng ta có thêm ánh sáng, để hiểu thêm bóng tối của chúng ta còn cần phải được đẩy lùi để có ánh sáng trọn vẹn của bình minh trên đất nước, để Einstein không phải xuất hiện chỉ một lần trong một trăm năm, mà xuất hiện thường hơn trong văn hóa, đời sống tinh thần, của người Việt.

Nguyễn Xuân Xanh

(1) Giải Nobel vật lý đầu tiên cho châu Á về tay người Ấn độ năm1930: C. V. Raman (1888-1970)

(2) Thêm 30.10: Bài viết của hai tác giả có tính học thuật cao, hiếm thấy thời nay, có lẽ do tính ‘tầm chương trích cú’ nghiêm túc của nho giáo. Một bài về Einstein như thế cũng chưa có trong hai thập kỷ qua của thế kỷ XIX, giai đoạn đầy ắp những sự kiện kỷ niệm Einstein. Tính học thuật của nho giáo tự nó không phải là dở. Phần nào nó cũng giống tính học thuật của phương Tây. Chỉ khác một điều: học thuật phương Tây hướng về khoa học và tính khoa học, với nội dung luôn luôn thay đổi, tiến hóa, trong khi học thuật nho giáo bì kềm hãm và dẫm chân trong bốn bức tường của Nho giáo. Các samurai Nhật Bản của tầng lớp lãnh đạo cũng là những người được đào tạo nho học nghiêm ngặt, nhưng họ có đầu óc quan sát và phân tích sắc bén. Họ học không phải để làm quan mà để làm người có văn hóa và biết tư duy, giống như giáo dục khai phóng của các đại học châu Âu thời Trung cổ. Có lẽ vì thế mà họ có năng lực ‘sao chép’ phương Tây chính xác và thoát ra khỏi cái học cũ. Dĩ nhiên họ cũng có sự chọn lọc phù hợp với văn hóa họ. Mặt khác, trong khi họ có động cơ thay đổi đất nước triệt để, vì sự tự trọng và vinh dự, thì giới nho học Việt Nam lại không. Giới này có lẽ đã mất đi nhuệ khí. Có lẽ đầu óc họ đã quá quen lệ thuộc vào chế độ học để làm quan chứ không phải học để sống tự lập.

 

See the source image

Albert Einstein (1879-1955)