Luật Đại chúng hóa Khoa học Công nghệ của Trung Quốc 2002

by , under Uncategorized

LUẬT ĐẠI CHÚNG HÓA KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

CỦA TRUNG QUỐC 2002

Nguyễn Xuân Xanh trình bày và chuyển ngữ

 

Giáo dục công chúng về khoa học đã bị suy yếu trong những năm gần đây. Đồng thời, các hoạt động mê tín, sự ngu dốt ngày càng phát triển, các loại phản khoa học và giả khoa học trở nên thường xuyên. Vì vậy, các biện pháp hữu hiệu phải được áp dụng càng sớm càng tốt để tăng cường giáo dục công chúng về khoa học. Trình độ giáo dục công về khoa học và công nghệ là một dấu hiệu quan trọng của thành tựu khoa học quốc gia. Đó là một vấn đề có tầm quan trọng tổng thể trong phát triển kinh tế, tiến bộ khoa học và tiến bộ của xã hội. Chúng ta phải quan tâm và thực hiện giáo dục công dân như một bộ phận của chiến lược hiện đại hóa đất nước xã hội chủ nghĩa và đưa dân tộc ta lên giàu mạnh. Dốt nát không bao giờ là xã hội chủ nghĩa, nghèo đói cũng như thế.

Tuyên bố của Chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 5 tháng 12 năm 1994 (Trong sách Carl Sagan, The Demon-Haunted World, 18)

⁕⁕⁕

Lời nói đầu

Trong thế kỷ 21, nếu một quốc gia nào đó thất bại đứng vào hàng đầu của Công Nghệ & Khoa Học, quốc gia đó sẽ khó khăn giữ vững các hoạt động kinh tế và vị thế quốc tế. Đó là một cuộc chiến tranh tri thức, và thế kỷ 21 sẽ là kỷ nguyên của loại chiến tranh này.

TIỀN HỌC SÂM

(Cha đẻ chương trình hoả tiễn của TQ, cũng từng là một thành viên của nhóm cha đẻ của Phòng Thí nghiệm Lực đẩy Phản lực (JPL) của NASA)

Tôi mong rằng tất cả những người Việt Nam cần biết những điều dưới đây của Luật Đại chúng hóa Khoa học Công nghệ (viết tắt ĐKHCN cho gọn) của Trung Quốc để hình dung sự phát triển toàn diện KHCN của quốc gia này, và hình dung tại sao chỉ trong trong hơn 3 thập niên, từ những năm 1980 trở đi, họ đã đã nhanh chóng trở thành cường quốc KHCN, và trong một vài lãnh vực, có thể thành siêu cường. Luật trên được công bố năm 2002, nghĩa là sau hai thập niên phát triển đầu tiên. Với kinh nghiệm của mô hình phát triển mới, họ đã có đủ chứng cứ rằng KHCN đã trở thành cột sống của nền kinh tế hiện đại. Cho nên, với Luật này, họ tìm cách đưa KHCN vào toàn thể các mạch máu, thớ thịt của quốc gia rộng lớn, để xốc sự phát triển kinh tế lên với tốc độ cao hơn và triệt để hơn, toàn diện và bền vững hơn.

Trở lại một chút thời gian khi ông Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền. Đó là một sự khởi đầu hoàn toàn mới, đoạn tuyệt với quá khứ về nhiều mặt. Chúng ta có thể dị ứng, nhưng không thể không tham khảo các kinh nghiệm của họ. Từ “Đồng chủng, đồng văn” giữa ta và Nhật Bản thế kỷ 19 đến “Đồng thể chế, đồng ý thức hệ” một trăm năm sau giữa ta và Trung Quốc, nhưng không hề đồng phát triển, không đồng tầm nhìn, sự khôn ngoan, không đồng văn hóa phát triển và sáng tạo, không đồng nhận thức các định luật phát triển, người Việt không thể mơ “cất cánh”. Lịch sử lặp lại.

Tháng Năm, năm 1977 ông Đặng lý luận: “Chúng ta phải tạo ra trong Đảng một không khí của tri thức và của sự tôn trọng đối với nhân sự được đào tạo. Cần phải chống lại thái độ sai lầm là không tôn trọng trí thức.” Tháng Sáu, 1986, Phó thủ tướng Wan Li (Vạn Lý), nhấn mạnh thêm ý đó: “Đây là một mệnh lệnh cho những người lãnh đạo (chính trị) là cần đẩy mạnh thường xuyên việc trao đổi ý kiến, thông tin và thảo luận các vấn đề trên cơ sở bình đẳng và dân chủ với những nhà nghiên cứu và những ai có tri thức rộng rãi và kinh nghiệm thực tiễn. Mỗi cơ quan lãnh đạo phải có nhóm nghiên cứu riêng để dựa vào đó lấy các quyết định.” Các nhà lãnh đạo ý thức ngày càng rõ ra, rằng các quyết định từ bộ máy hành chánh là không đủ cơ sở khoa học và thiếu chính xác. “Scientific decision making”, lấy quyết định dựa trên khoa học, trở thành một trong những mục tiêu quan trọng của cuộc cải cách. Ông Đặng đã đảo ngược được nhiều cách làm của thời cách mạng văn hoá, như quyết sách duy ý chí, các cuộc tấn công vào trí thức và chuyên gia, sự nhấn mạnh thái quá vai trò chính trị, và sự tập trung quá nhiều quyền hành vào một số ít người. Trọng tâm của khẩu hiệu “Vừa hồng vừa chuyên” được chuyển hướng về chuyên, về tri thức, tính chuyên nghiệp hơn là về ‘hồng’. Để tăng cường vai trò khoa học trong bộ máy nhà nước và đối với công cuộc hiện đại hoá, “Nhóm lãnh đạo khoa học & công nghệ”, STLG, được thành lập trực tiếp dưới chính phủ để tạo chất lượng cho chính trị. Nhiệm vụ của STLG là lập kế hoạch KHCN dài hạn, và nhắm những khu vực KHCN then chốt trong phát triển quốc gia, cũng như cắt bỏ những lợi ích cục bộ của các khu vực, và đặc biệt phải hài hoà khu vực KHCN dân sự và quân sự với nhau.

Năm 1987 Đặng TB trong bài diễn văn quan trọng về phát triển KHCN đã phát biểu: “Trung Quốc qua các thời kỳ đã có nhiều đóng góp cho thế giới, nhưng một giai đoạn dài các điều kiện phát triển đã bị dẫm chân, và sự phát triển đã bị chậm lại. Bây giờ đã đến lúc chúng ta học hỏi từ các nước tiên tiến…Trong một giai đoạn nhất định, việc học KHCN tiên tiến từ các nước phát triển đã bị phê phán là ‘sùng bái mù quáng những thứ ngoại quốc’. Chúng ta giờ đây đã hiểu lý luận này là ngu xuẩn thế nào. Vì thế chúng ta đã gửi rất nhiều người ra hải ngoại để làm quen với thế giới bên ngoài. Trung Quốc không thể phát triển bằng cách đóng cửa, bám theo lối mòn đã đi, và tự mãn…. Cho nên, để thực hiện bốn hiện đại hoá, chúng ta phải tinh thông trong việc học ở các quốc gia khác, và chúng ta cần phải nhận được một sự hỗ trợ lớn của nước ngoài. Như một điểm bắt đầu cuộc phát triển, chúng ta phải đưa vào sử dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến từ phần thế giới còn lại…. Chúng ta sẽ đưa vào công nghệ tiến bộ vì mục tiêu phát triển các lực lượng sản xuất của chúng ta và cải thiện các tiêu chuẩn sống của dân chúng”.

Từ Đại hội đảng thứ XIII năm 1987, một tầng lớp tinh hoa được vốn được đào tạo tốt hơn, và có khuynh hướng công nghệ nhiều hơn đã xuất hiện. Đặng TB đã làm một cuộc cải tổ bộ máy hành chánhthay đổi cách tuyển mộ nhân sự từ dưới. Các nỗ lực này nhằm tăng cường quyền lực cho nhóm cải cách đối với bộ máy hành chánh và bảo đảm việc thực hiện các chính sách mới của Đặng TB. Việc đặt các chuyên gia vào vị trí tư vấn trong chính quyền đã làm thay đổi các cân quyền lực ở chóp bu. Các quyết định về chính sách từ đây không còn thuần tuý thuộc thẩm quyền của chính trị, mà còn được một giai tầng trí thức, chuyên viên độc lập với Đảng, dựa trên sự chuyên nghiệp, tri thức, hơn là ý thức hệ, để nghiên cứu, thẩm tra, hoặc phản biện. Chế độ chọn nhân tài không còn dựa thuần tuý trên quan hệ, gia đình, bạn hữu, mà dựa trên tài năng, năng lực, phẩm chất. Trung Hoa trở lại chế độ chọn người tài phục vụ công của nhà Hán hai thế kỷ trước Công nguyên. Họ kết hợp hai chế độ chọn lọc và bầu cử (selection và election). Chế độ chính trị mới này của TQ được thể chế hoá cao độ vượt khỏi cái bóng của quan hệ gia đình, bạn hữu, huyết tộc. Và tính trách nhiệm giải trình trong bộ máy nhân sự được nâng cao, có chế độ “kiểm soát và cân bằng” (checks and balances).

Từ 1980 trở đi, nhiều cơ quan, tổ chức chuyên gia được thành lập, như ERC, Trung tâm nghiên cứu kinh tế; TERC, Trung tâm nghiên cứu kinh tế kỹ thuật; Trung tâm nghiên cứu giá cả; NRCSTD, Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học và công nghệ; ETSRC, Trung tâm nghiên cứu kinh tế, công nghệ và xã hội; CAS, Hàn lâm viện khoa học, và CAST, Hiệp hội TQ về khoa học & công nghệ được làm sống lại. Các tổ cơ quan tư vấn chính phủ mọc lên “như nấm”.

Năm 1983, Chủ tịch Giang Trạch Dân yêu cầu TERC làm một chương trình nghiên cứu dài hơi với đề tài ‘TQ đến năm 2000’. Hơn 400 chuyên gia từ nhiều tổ chức chuyên viên tư vấn khác nhau đã làm việc hai năm liền và sản xuất được 13 quyển báo cáo, chứa đựng những đề nghị cụ thể, một số đã được đưa vào kế hoạch năm năm lần thứ bảy. CAST với hơn một trăm chi nhánh đã tham gia phần mình vào những vấn đề công nghệ, như điện tử, chế tạo, dệt may. Rồi năm 2000, đến phiên Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc cũng đưa ra tầm nhìn thế kỷ 21 của họ được xuất bản tại nhà xuất bản Springer. (Trong lúc Việt Nam thì không)

Cuộc cải tổ Đảng là toàn diện, về tinh thần, đường lối phát triển đến nhân sự, các luật chơi trong tuyển chọn. Trung Quốc chuyển từ chủ nghĩa Mao-ít sang chế độ trọng đãi trí thức, nhân tài (meritocracy). Các nhà khoa học được tuyển vào đảng nhiều để phục vụ cho đường lối phát triển, lập chính sách và phản biện loại chính trị ‘duy tâm’, không cơ sở khoa học. Họ được lắng nghe như những tiếng nói có uy tín, trung thực, độc lập chứ không phải bị các nhà chính trị xem thường.

Daniel Bell, nhà xã hội học tên tuổi Mỹ, người đã từng dạy mười năm ở Đại học Thanh Hoa, tương ứng với MIT, nhận thấy rằng 28 phần trăm sinh viên bậc cử nhân, 43 phần trăm những người tốt nghiệp cao cấp, và 55 phần trăm của những người tốt nghiệp là đảng viên trong năm 2010.

Rồi Trung Quốc tiến lên từ nhà máy đến đại học, cũng giống như con đường đi lên của Hàn Quốc trước đây. Đại học sẽ là đầu tàu phát triển kinh tế và văn hóa. Họ đầu tư tiền của vô cùng lớn để nâng cấp 9 đại học tinh hoa lên thành một Liên đoàn đại học đẳng cấp thế giới kiểu Ivy League của Mỹ, và không ngừng học hỏi Mỹ để đạt đến tiêu chuẩn này.

Tháng 9 năm 2018, tại một Hội nghị Thế giới về Năng lực hiểu biết Khoa học (Science Literacy) diễn ra tại Bắc Kinh do Hiệp hội Trung Quốc về Khoa học và Công nghệ CAST tổ chức, chủ tịch Tập Cận Bình trong một lá thư chào mừng Hội nghị nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ hợp tác với các quốc gia khác để khuếch trương giáo dục và năng lực hiểu biết khoa học để có nhiều đổi mới sáng tạo hơn, làm lợi cho sự phát triển quốc gia và xã hội bền vững. Năng lực hiểu biết khoa học bao gồm năng lực hiểu, đánh giá và sử dụng khoa học trong công việc hàng ngày của đời sống, ông nói. Đổi mới sáng tạo khoa học và đại chúng hóa khoa học đều quan trọng như nhau, và Trung Quốc xem nặng cả hai. Chủ tịch của CAST, Wan Gang, nói rằng cải thiện năng lực hiểu biết khoa học là chìa khóa để giải quyết những thách thức chung và đáp ứng Nghị trình 2030 của Liên Hiệp Quốc về sự phát triển bền vững.

Việt Nam hãy còn có quá ít tri thức và năng lực hiểu biết khoa học. Nhà máy lẫn đại học chất lượng cao hãy còn quá ít, bởi vì nhà nước chưa có những chính sách để phát triển lực lượng khoa học công nghệ và sử dụng họ một cách hữu hiệu, từ bộ máy đảng cho đến nền kinh tế. Việt Nam cần có một cuộc cải cách triệt để để đưa khoa học thành tư duy phổ biến trong các giai tầng xã hội, và xem KHCN là quốc sách đích thực. Hiện khái niệm KHCN là then chốt cho sự phát triển quốc gia là còn gần như mờ nhạt trong các tổ chức lãnh đạo đất nước, từ trên xuống đến các chính quyền địa phương của các tỉnh, thành. Các cán bộ lãnh đạo còn “xa lạ” với thế giới KHCN. Họ thích nói chính trị hơn là đến KHCN và giáo dục, làm sao để nâng cao sáng tạo và làm ra kinh tế. Đó là điều đáng lo ngại. Hãy đọc lời của Tiền Học Sâm trích dẫn ở trên, hay lời phát biểu của Bộ trưởng giáo dục đầu tiên của Nhật Bản Minh Trị Mori Arinori: Giáo dục nào cho tương lai?. Cuộc chiến tranh trên thương trường là cuộc chiến tranh ở các thư viện, trường học, đại học, phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, ở chất lượng giáo dục từ tiểu học đến các trường bậc cao, và ở độ phổ biến KHCN vào dân chúng, và độ dân chúng nắm vững KHCN ở nhiều mức độ khác nhau tùy theo nhu cầu công việc họ. Chưa nói làm thế nào để ứng dụng KHCN vào đời sống kinh tế.

Trước nhất Việt Nam cần có một luật đại chúng hóa khoa học quy mô cho mình và cần được thực hiện nghiêm túc, một cách khoa học, không phải theo cách đánh trống bỏ dùi như đã từng xảy ra. Trung Quốc rất nghiêm túc với KHCN, cho nên sớm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Họ rất quyết tâm đưa đất nước nhanh chóng đi lên hàng cường quốc bằng KHCN. Họ nói và làm. Rõ ràng, không ai có thể khai thác sức mạnh của KHCN mà không có thái độ nghiêm túc, khoa học. Sách vở, báo đài, các cơ quan trung ương đến địa phương, các trường học, đại học, đoàn thể chính trị, các đoàn thanh niên, các tổ chức đảng, các tổ chức Mặt trận tổ quốc, và kể cả các hội khoa học độc lập tư nhân cần quảng bá cho KHCN và học tập KHCN nghiêm chỉnh. Mời các chuyên gia Việt Nam nước ngoài về thuyết trình về các đề tài KHCN và các ứng dụng. Khuyến khích dịch hàng loạt quyển sách KHCN đại chúng từ nước ngoài và phổ biến đến các tỉnh thành và vùng xa xôi. Có các chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích đầu tư vào lãnh vực giáo dục KHCN.

Làm sao KHCN “chiếm diễn đàn”, là đề tài thường xuyên trên các phương tiện truyền thông,  ngay trong hàng vạn các quán cà phê, chứ không phải là bàn những chuyện thường nhật như hiện nay. Chúng ta nhớ rằng, các quán cà phê phát đạt nhất ở châu Âu là thời thế kỷ khai minh 18, cũng là thế kỷ của cách mạng công nghiệp, và người ta uống cà phê nhiều nhất vào thời gian đó. Cà phê và khai minh đã gắn liền với nhau. Không phải vào đó chỉ để tán gẫu, mà để bàn luận về khoa học, công nghệ, thương mại, tình hình thế giới và về những vấn đề khai minh, từ quý tộc cho đến thị dân. Đó là thế kỷ đang lên.

Cần tuyển chọn các nhà khoa học, chuyên gia vào các tổ chức lập chính sách, vào quốc hội, các bộ, ban ngành. Hãy để cho những tổ chức nghiên cứu độc lập phát triển, như Trung Quốc làm. Chúng ta phải huy động toàn lực lượng cho việc giáo dục KHCN cho dân chúng thì mới mong có sức bật. Có 1001 việc để làm. Nếu không, lạc hậu và chậm tiến vẫn là cái nghiệp kéo dài, ngay trong thế kỷ 21. Mê tín, khẩn cầu không cứu vãn được đất nước và cá nhân cho bằng những tri thức KHCN. Sự phồn vinh hôm nay là kết quả của các cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đã kéo dài từ bốn thế kỷ qua. Chúng ta đã phung phí quá nhiều thời gian vào những công việc vô bổ và có hại trong mấy thập niên qua. Hãy để cho ánh sáng khoa học xuất hiện, mọi chuyện sẽ sáng tỏ.

Các tỉnh thành có thể xung phong đi trước trong nhiệm vụ ĐKHCN làm thí điểm. Các thành phố nên có tham vọng mang tên những “thành phố khoa học”, nhữ những hạt giống.

Tôi mong rằng các trí thức Việt Nam tiếp tục suy nghĩ về những vấn đề này và có những ý kiến xác đáng giúp cho cuộc đổi mới KHCN vì tiền đồ tổ quốc. Chúng ta không thể chậm hơn nữa. Không ai tha cho lời khẩn cầu của chúng ta. Chỉ có chúng ta phải biết tự trọng và học hỏi mới bảo vệ được độc lập quốc gia. NXX

⁕⁕⁕

 

NỘI DUNG LUẬT ĐẠI CHÚNG HÓA KHCN CỦA TRUNG QUỐC

NĂM 2002

(“Được thông qua tại cuộc Họp lần thứ 28 của Đại hội Nhân dân Toàn quốc lần thứ IX của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 29 tháng 6 năm 2002 và được ban hành theo Pháp lệnh số 71 của Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 29 tháng 6 năm 2002”, nguyên văn)

Chương I Những quy định chung

Chương II Tổ chức và quản trị

Chương III Trách nhiệm của xã hội

Chương IV Các điều khoản bảo đảm thực hiện

Chương V Trách nhiệm pháp lý

Chương VI Điều khoản bổ sung

 

CHƯƠNG I: Những quy định chung

Điều 1 Luật này được ban hành phù hợp với Hiến pháp và các luật liên quan khác nhằm thực hiện chiến lược tiếp thêm sinh lực cho đất nước thông qua khoa học, giáo dục và chiến lược phát triển bền vững, tăng cường gấp đôi những nỗ lực đại chúng hóa khoa học và công nghệ, nâng cao trình độ khoa học và văn hóa của công dân, và thúc đẩy tiến bộ kinh tế và xã hội.

Điều 2 Luật này áp dụng đối với các hoạt động do Nhà nước và cộng đồng thực hiện để đại chúng hóa kiến thức khoa học và công nghệ, thúc đẩy các phương pháp tiếp cận khoa học, khuếch trương các ý tưởng khoa học và thúc đẩy tinh thần khoa học phát triển.

Để đại chúng hóa khoa học và công nghệ (sau đây gọi tắt là ĐKHCN), những cách thức có thể làm cho công chúng dễ dàng hiểu, chấp nhận và tham gia sẽ được thông qua.

Điều 3 Các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức công, các doanh nghiệp, định chế, tổ chức cơ sở nông thôn và các tổ chức khác sẽ hoạt động cho ĐKHCN.

Công dân có quyền tham gia vào các hoạt động ĐKHCN.

Điều 4 ĐKHCN là một hoạt động phúc lợi công cộng và là một bộ phận thiết yếu của nền văn minh vật chất và tinh thần xã hội chủ nghĩa. Đó là nhiệm vụ lâu dài của Nhà nước để phát triển việc thực hiện ĐKHCN.

Nhà nước hỗ trợ các nỗ lực cho ĐKHCN được thực hiện bởi dân cư ở các vùng tộc dân tộc thiểu số và ở các vùng xa xôi và nghèo đói.

Điều 5 Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức ĐKHCN và người làm việc, khuyến khích họ thực hiện các hoạt động ĐKHCN một cách độc lập, nghĩ ra các hoạt động ĐKHCN theo quy định của pháp luật.

Điều 6 Nhà nước hỗ trợ tất cả các khu vực của xã hội để khởi xướng các hoạt động ĐKHCN. Các hoạt động như thế có thể được vận hành theo cơ chế thị trường.

Điều 7 Hoạt động cho ĐKHCN được đặc trưng bởi sự tham gia rộng rãi, xã hội hóa và đều đặn và được lồng ghép với thực hành và được thực hiện trong điều kiện địa phương, và có nhiều hình thức khác nhau.

Điều 8 Trong ĐKHCN, tinh thần khoa học được giương cao, và những thứ giả khoa học sẽ bị chống đối và ngăn cản. Không có đơn vị hoặc cá nhân nào được phép, dưới danh nghĩa của ĐKHCN, tham gia vào các hoạt động làm phương hại đến các lợi ích công.

Điều 9 Nhà nước hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác và trao đổi với nước ngoài trong lĩnh vực ĐKHCN.

 

CHƯƠNG II: Tổ chức và quản trị

Điều 10 Để thực hành chức năng lãnh đạo về ĐKHCN, chính quyền nhân dân các cấp sẽ đưa nó vào các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của họ, để tạo một môi trường tốt và những điều kiện thuận lợi cho ĐKHCN.

Chính quyền nhân dân ở hoặc trên cấp quận huyện sẽ thiết lập một hệ thống điều phối cho ĐKHCN.

Điều 11 Phòng ban hành chính về khoa học và công nghệ thuộc Hội đồng Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm xây dựng các kế hoạch quốc gia về ĐKHCN, cung cấp định hướng về chính sách và thực hiện giám sát, kiểm tra, để thúc đẩy công việc trong lĩnh vực này.

Các cơ quan hành chính khác thuộc Hội đồng Nhà nước, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, phụ trách công việc liên quan đến ĐKHCN.

Các cơ quan hành chính về khoa học và công nghệ của chính quyền nhân dân địa phương ở cấp trên hoặc cấp quận huyện và các phòng hành chính khác, dưới sự lãnh đạo của chính quyền nhân dân cùng cấp và trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, chịu trách nhiệm công việc liên quan đến ĐKHCN ở khu vực của họ.

Điều 12 Các hiệp hội khoa học và công nghệ tạo thành các khu vực chính của xã hội hoạt động cho ĐKHCN. Các hiệp hội sẽ thực hiện các hoạt động cho ĐKHCN được đặc trưng bởi sự tham gia của đại chúng, xã hội hóa và hoạt động định kỳ, hỗ trợ các tổ chức công liên đới, các doanh nghiệp và các định chế trong các nỗ lực của họ để thực hiện các hoạt động cho ĐKHCN, giúp chính phủ xây dựng kế hoạch ĐKHCN, đưa ra các gợi ý cho các chính quyền khi chính quyền đưa ra quyết định chính sách về ĐKHCN.

 

CHƯƠNG III: Trách nhiệm của xã hội

Điều 13 ĐKHCN là nhiệm vụ chung của xã hội xét về tổng thể. Nhân dân hình thành tất cả các vòng kết nối của xã hội, những cái sẽ được tổ chức để tham gia vào các loại hoạt động ĐKHCN khác nhau.

Điều 14 Các loại trường học và tổ chức giáo dục khác nhau sẽ làm cho giáo dục đại chúng trong khoa học và công nghệ thành một thành tố thiết yếu của giáo dục định hướng chất lượng và sắp xếp cho sinh viên thực hiện các dạng hoạt động khác nhau cho ĐKHCN.

Các hội trường khoa học và công nghệ (trạm), các trung tâm khoa học và công nghệ và các cơ sở giáo dục khác cho ĐKHCN sẽ bố trí các hoạt động ngoại khóa cho giáo dục khoa học và công nghệ trong giới trẻ.

Điều 15 Các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các tổ chức giáo dục cao và tổ chức công trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhận được cán bộ, giáo viên khoa học và công nghệ được bố trí lại và hỗ trợ họ thực hiện các hoạt động cho ĐKHCN và sẽ khuyến khích họ công bố tầm quan trọng của ĐKHCN trong sự kết hợp với việc làm của mình. Ở đâu điều kiện cho phép, phòng thí nghiệm, phòng triển lãm và các địa điểm, cơ sở vật chất khác sẽ được mở ra cho công chúng, cho việc tổ chức thuyết trình và tư vấn tại nơi đó.

Người lao động và giáo viên khoa học và công nghệ sẽ phát huy đầy đủ lợi thế và chuyên môn của họ và tham gia tích cực vào và hỗ trợ các hoạt động hỗ trợ cho ĐKHCN.

Điều 16 Các định chế và tổ chức của báo chí, phát thanh, phim ảnh, truyền hình và văn hóa sẽ phát huy hết lợi thế của riêng mình để tạo nên một sự thành công của ĐKHCN.

Trong các nhật báo và các tạp chí định kỳ sẽ có một cột hoặc trang đặc biệt dành cho ĐKHCN; các đài phát thanh, truyền hình sẽ có chương trình ĐKHCN hoặc tiếp vận các chương trình đó; các tổ chức sản xuất, phân phối và trưng bày phim và chương trình truyền hình sẽ tăng gấp đôi nỗ lực của họ trong sản xuất, phân phối và chiếu các bộ phim và chương trình truyền hình về ĐKHCN; các tổ chức xuất bản và phát hành sách và tạp chí định kỳ sẽ hỗ trợ xuất bản và phát hành sách và tạp chí định kỳ về ĐKHCN; các trang mạng internet toàn diện sẽ có các trang về ĐKHCN; các hội trường khoa học và công nghệ (trạm), thư viện, viện bảo tàng, trung tâm văn hoá và các nơi khác dành cho hoạt động văn hoá sẽ đóng vai trò giáo dục về khoa học và công nghệ đại chúng.

Điều 17 Các cơ quan, tổ chức nhà nước có nhiệm vụ chăm sóc y tế, sức khoẻ, kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ môi trường, tài nguyên đất đai, thể thao, khí tượng, động đất, di tích văn hóa, du lịch … sẽ thực hiện các hoạt động cho ĐKHCN kết hợp với chức năng của mình.

Điều 18 Các tổ chức công đoàn, tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản, liên đoàn phụ nữ và các tổ chức công khác sẽ bố trí các hoạt động cho ĐKHCN kết hợp với đặc điểm của các nhóm người khác nhau mà họ cùng làm việc.

Điều 19 Các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động cho ĐKHCN kết hợp với cập nhật kỹ thuật và đào tạo kỹ năng của người lao động và có thể, nơi đâu có điều kiện, mở cửa các hội trường và cơ sở vật chất cho công chúng tham gia ĐKHCN.

Điều 20 Nhà nước tăng cường công tác cho ĐKHCN ở các vùng nông thôn. Các tổ chức cơ sở nông thôn, căn cứ theo nhu cầu địa phương về phát triển kinh tế và xã hội và tập trung vào sản xuất khoa học và đời sống văn hóa, sẽ đóng vai trò của các tổ chức thành phố hoặc thị trấn ĐKHCN hoặc các trường học nông thôn trong nỗ lực cho ĐKHCN.

Các hình thức tổ chức kinh tế nông thôn, tổ chức kinh tế nông thôn, định chế truyền bá công nghệ nông nghiệp và công nghệ chuyên nghiệp ở nông thôn, trong khi truyền bá việc sử dụng các công nghệ tiên tiến và ứng dụng, sẽ phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ cho nông dân.

Điều 21 Các tổ chức, cộng đồng dân cư đô thị, bằng cách sử dụng các nguồn lực địa phương về khoa học và công nghệ, giáo dục, văn hoá, y tế công cộng, du lịch …, sẽ thực hiện các hoạt động ĐKHCN kết hợp với nhu cầu của người dân trong cuộc sống hàng ngày, việc nghiên cứu, chăm sóc sức khỏe, giải trí, v.v.

Điều 22 Các đơn vị phụ trách hoạt động và quản lý công viên, cửa hàng bách hóa, sân bay, nhà ga, bến cảng và các nơi công cộng khác, trong phạm vi quyền hạn của mình, sẽ tăng cường sự quảng bá về nhu cầu của ĐKHCN.

 

CHƯƠNG IV: Các điều khoản bảo đảm thực hiện

Điều 23 Chính quyền nhân dân các cấp sẽ đưa chi phí ĐKHCN vào ngân sách của họ ở cùng cấp và từng bước tăng dần đầu vào cho ĐKHCN, để đảm bảo công việc trong lĩnh vực này sẽ diễn ra suôn sẻ.

Các phòng ban liên quan của chính quyền nhân dân các cấp sẽ thu xếp một khoảng tiền nhất định cho các hoạt động ĐKHCN.

Điều 24 Các chính quyền nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương và chính quyền địa phương khác nơi có điều kiện sẽ đưa việc xây dựng phòng sinh hoạt, và cơ sở hạ tầng cho ĐKHCN vào các kế hoạch xây dựng dựng đô thị và nông thôn của họ, và các kế hoạch của những công trình xây dựng chính; họ nên sử dụng tốt hơn, duy trì hoặc tân trang lại các phòng sinh hoạt và cơ sở hiện có cho ĐKHCN.

Các khu vực dành cho ĐKHCN được xây dựng với đầu tư của chính phủ sẽ nhận được đội ngũ nhân viên toàn thời gian cần thiết và mở cửa cho công chúng quanh năm, những người tuổi vị thành niên được hưởng các ưu đãi và các phòng không được sử dụng cho các mục đích khác. Trường hợp họ thiếu vốn, chính phủ cùng cấp sẽ cung cấp cho họ các khoản trợ cấp để cho phép họ hoạt động bình thường.

Trường hợp thiếu điều kiện để xây dựng hội trường cho các hoạt động ĐKHCN, các cơ sở hiện có cho khoa học và công nghệ, giáo dục, văn hóa, vv có thể được sử dụng cho các hoạt động và phòng trưng bày và các cửa sổ hiễn thị cho ĐKHCN.

Điều 25 Nhà nước hỗ trợ công việc cho ĐKHCN và, phù hợp với quy định của pháp luật, áp dụng chính sách thuế ưu đãi đối với các hoạt động trong lĩnh vực này.

Để thực hiện các hoạt động ĐKHCN và có sáng kiến cho ĐKHCN, các tổ chức ĐKHCN có thể, theo quy định của pháp luật, nhận được trợ cấp và hiến tặng.

Điều 26 Nhà nước khuyến khích các tổ chức công và cá nhân trong và ngoài nước thành lập các quỹ ĐKHCN hỗ trợ các hoạt động của ĐKHCN.

Điều 27 Nhà nước khuyến khích các tổ chức công, cá nhân trong và ngoài nước hiến tặng tài sản để hỗ trợ các hoạt động của ĐKHCN. Trường hợp tài sản đó được sử dụng cho các hoạt động ĐKHCN hoặc được đầu tư xây dựng các phòng hoặc các cơ sở ĐKHCN thì sẽ nhận được các ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Điều 28 Các quỹ dành cho ĐKHCN và tài sản do các tổ chức công và cá nhân hiến tặng cho các hoạt động của ĐKHCN sẽ được sử dụng cho các hoạt động đó, và không có đơn vị hoặc cá nhân nào được phép đút túi, chiếm giữ hoặc biển thủ chúng.

Điều 29 Các chính quyền nhân dân và các hội khoa học và công nghệ các cấp và các đơn vị có liên quan sẽ hỗ trợ những người làm việc cho PST trong công việc của họ, và khen thưởng các tổ chức, cá nhân có đóng góp quan trọng vào ĐKHCN.

 

CHƯƠNG V: Trách nhiệm pháp lý

Điều 30 Bất cứ ai, nhân danh ĐKHCN, tham gia vào các hoạt làm hại các lợi ích công cộng, làm xáo trộn trật tự xã hội, hoặc kiếm tiền hoặc những thứ có giá trị bằng cách gian lận sẽ bị một cơ quan có thẩm quyền phê phán và giáo dục; nếu anh ta vi phạm các quy định về quản lý an ninh, thì cơ quan an ninh sẽ áp dụng hình phạt hành chính về an ninh theo quy định của pháp luật; nếu gây ra tội phạm anh ta sẽ bị điều tra về trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 31 Bất cứ ai vi phạm các quy định của Luật này, đút túi, chiếm giữ hoặc biển thủ các quỹ của chính phủ dành cho ĐKHCN, hoặc tham ô hay biển thủ tiền hoặc vật phẩm quyên góp sẽ được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu trả lại trong một thời gian có hạn; những người có nhiệm vụ trực tiếp hay những người chịu trách nhiệm trực tiếp khác thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; nếu gây ra tội phạm, anh ta và những người sẽ bị điều tra trách nhiệm hình sự.

Điều 32 Bất cứ ai, nếu không có thẩm quyền, sử dụng các hội trường ĐKHCN được xây dựng với đầu tư của chính phủ sẽ được một bộ phận có thẩm quyền xử lý ngay trong một thời hạn. Trong trường hợp nghiêm trọng, người trực tiếp phụ trách và những người chịu trách nhiệm trực tiếp khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Bất cứ ai quấy rầy trật tự trong hội trường ĐKHCN hoặc gây thiệt hại hội trường hoặc cơ sở của ĐKHCN được lệnh phải chấm dứt việc làm sai trái, đặt các hội trường hoặc các cơ sở trở lại trạng thái cũ của chúng, hoặc bồi thường cho những thiệt hại. Nếu có một tội phạm xảy ra, anh ta sẽ bị điều tra trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 33 Bất kỳ công chức nhà nước nào lạm dụng quyền lực của mình trong ĐKHCN, bỏ bê nhiệm vụ của mình hoặc tham gia vào việc bất chính vì lợi ích cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Nếu có tội phạm xảy, anh ta sẽ bị điều tra trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 

CHƯƠNG VI: Điều khoản bổ sung

Điều 34 Luật này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.