MỘT PHÁT BIỂU VỀ PHẬT GIÁO ĐƯỢC CHO LÀ CỦA ALBERT EINSTEIN
Nguyễn Xuân Xanh
Lời nói đầu. Bài viết này đã đăng năm 2017 chung trong bài
Vài ngộ nhận về Albert Einstein
Sự đính chính ngộ nhận về câu nói được cho là của Einstein trong bài trên đã được một vài blog cũng như thư viện hoa sen đăng lại lúc đó. Nhưng tôi thấy cần thiết phải tách riêng ra, và đăng lại, do rải rác trên mạng xã hội ngộ nhận này vẫn còn lưu truyền. Dĩ nhiên chúng ta không thể chờ đợi nó chấm dứt. Ngay cả ngộ nhận nói rằng Hilbert là người có thể đã thành công trước, hay cùng lúc với Einstein trong việc tìm ra phương trình trường của thuyết tương đối rộng, cũng còn được lưu truyền, ngay cả trong sách của học giả phương Tây. Dễ hiểu: Họ chưa đọc bài nghiên cứu của Viện Max Planck Berlin nghiên cứu lịch sử khoa học đã giải tỏa hoàn toàn “nghi vấn” trên. Trong lần đăng lại này của phần liên quan đến phát biểu được cho là của Einstein, tôi có bổ sung đôi chút. Còn về sự ngộ nhận ai là người đến trước Thuyết tương đối rộng, xin đọc giả xem link nói trên.
Nguyễn Xuân Xanh
Ngộ nhận trên xoay quanh một phát biểu liên quan đến Phật giáo được lưu truyền rất lâu trên mạng, được xem như là phát biểu chính thức của Einstein mà không có nguồn gốc rõ ràng, chỉ thấy trích qua trích lại. Một phiên bản của phát biểu này là:
Phật giáo có những tính chất đặc trưng của một học thuyết được chờ đợi trong (khuôn khổ) một tôn giáo vũ trụ cho tương lai: nó vượt lên một đấng Thiên Chúa có hình người, tránh được các giáo điều và thần học; nó bao trùm cả hai phần, tự nhiên và tâm linh; nó được xây dựng trên ý thức tôn giáo với niềm khao khát muốn trải nghiệm tất cả mọi thứ, tự nhiên và tâm linh, như một sự thống nhất đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng các tính chất này. Nếu có một tôn giáo đáp ứng những nhu cầu khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo.
Đó là phiên bản gần đây nhất mà vào một ngày nọ, tháng 3 năm 2014, GS Cao Huy Thuần ở Paris “báo động” cho tôi biết rằng nó nằm trong quyển sách Perry Garfinkel, Buddha or Bust, nxb Harmony, 2007, trang 15. Nguyên văn tiếng Anh ở đó như sau:
Tác giả Garfinkel đã đưa ra nguồn trích dẫn Einstein quá rõ ràng, không thể rõ ràng hơn, nhưng đoạn trích dẫn trên hoàn toàn không có trong quyển sách Albert Einstein, The Human Side mà tôi đã đọc từ lâu. Quyển The Human Side gần đây cũng đã được dịch sang tiếng Việt, dưới tên Albert Einstein, Mặt Nhân Bản, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, mọi người có thể tham khảo ở đây:
Làm sao lại có một chuyện “bịa ra” như thế được? Perry Garfinkel là một nhà báo không phải vô danh, ông viết cho nhiều tờ báo lớn, trong đó có New York Times. Quyển Buddha or Bust được giới thiệu trên trang bìa là một “National Bestseller”, và bên trong có trích lời khen của Đức Dalai Lama, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, của tờ The Boston Globe, và vài nhân vật khác. Đoạn trích dẫn trên thực ra không liên quan gì đến nội dung chính của quyển sách mà các lời khen có lẽ đã dành tặng. Nhưng ai đọc câu trích dẫn của Einstein cũng sẽ có ấn tượng mạnh. Sự không đúng thật này sẽ tiếp tục lan tỏa, và người đọc sẽ không biết rằng đoạn trích dẫn nói trên là không có thật.
CẬP NHẬT 31/3/2023
Trong quyển sách Die Zweite Quantenrevolution (Cuộc cách mạng lượng tử thứ hai) của Nxb Springer, năm 2018, tại Chương 17, tác giả rất tên tuổi Đức Lars Jaeger trích dẫn câu phát biểu sau đây bằng tiếng Đức được cho rằng của Einstein:
Die Religion der Zukunft […] sollte auf einem religiösen Sinn beruhen, der aus der Erfahrung aller natürlichen und spirituellen Dinge als tiefer Einsicht erwächst. Der Buddhismus entspricht diesen Maβstäben. Wenn es irgendeine Religion gibt, die den Ansprüchen moderner Wissenschaft gewachsen ist, heiβt sie Buddhismus.
Tôn giáo của tương lai […] nên dựa trên tinh thần tôn giáo được phát triển từ trải nghiệm về mọi thứ tự nhiên và tâm linh như nhận thức sâu sắc. Đạo Phật đáp ứng được những tiêu chuẩn này. Nếu có tôn giáo nào đáp ứng được đòi hỏi của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo.
Phát biểu này tuy không hoàn toàn giống như phát biểu được trích dẫn ở trên trong Buddha or Bust của Garfinkel, nhưng tác giả Jaeger, ý thức sự không rõ ràng về nguồn gốc, ghi chú rằng nó “thường được quy về quyển sách Albert Einstein: The Human Side của H. Dukas và B. Hoffman”, và “Tuy nhiên người ta không tìm thấy số trang được đưa ra”, Jaeger nói tiếp. Ông bảo, ông lấy trích dẫn từ F. Watts, K. Dutton, Why the Science and Religion Dialogue Matters: Voices from the International Society for Science and Religion, West Conshohocken 2006.
Câu hỏi: Tại sao Lars Jaeger không trực tiếp tìm kiếm trong Albert Einstein: The Human Side? Nó cho thấy ở điểm này, các tác giả tên tuổi đều vấp ngã một cách thô thiển. Ở đây học thuật thất bại. Ở đây người ta dường như muốn nhắm mắt không đi tìm sự thật để khỏi phá hủy một câu nói phù hợp với ý muốn chủ quan của họ mà họ muốn gán vào hai tên tuổi lớn là Đức Phật và Einstein.
(Cập nhật thêm 10/8/2023): Tôi đã mua được quyển sách Why the Science and Religion Dialogue Matters, thì thấy trong bài Science and Buddhism của GS Trịnh Xuân Thuận, có viết như thế này: “
The religion of the future will be a cosmic religion. It will have to transcend a personal God and avoid dogma and theology. Encompassing both the natural and the spiritual, it will have to be based on a religious sense arising from the experience of all things, natural and spiritual, considered as a meaningful unity … Buddhism answers this description … If there is any religion that could respond to the needs of modern science, it would be Buddhism.”
(Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Nó sẽ phải vượt lên một Thiên Chúa hình hài con người và tránh giáo điều và thần học. Bao gồm cả tự nhiên và tâm linh, nó sẽ phải dựa trên một ý nghĩa tôn giáo phát sinh từ trải nghiệm về vạn vật, tự nhiên và tâm linh, được coi như một thể thống nhất có ý nghĩa… Phật giáo đáp ứng những đòi hỏi này… Nếu có bất kỳ một tôn giáo có thể đáp ứng các nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó sẽ là Phật giáo.) (trang118).
Câu này rõ ràng là một biến thể của câu trên trong Buddha or Bust. GS Trịnh Xuân Thuận trích dẫn từ nguồn Thinley Norbu (Rinpoche): “Welcoming Flowers” in Across the Cleansed Threshold of Hope: An Answer to the Pope’s Criticism of Buddhism (New York: Jewel Publication House, 1997). Có dịp tôi sẽ tìm mua quyển này. Đã có nhiều ý kiến trái chiều trên mạng về tính trung thực của quote. Bạn đọc có thể tham khảo thêm critique ở đây: https://en.wikipedia.org/wiki/Talk%3ABuddhism_and_science
Nhưng những biến thể có phần khác nhau của cùng một câu trích dẫn cũng nói lên phần nào sự nghi ngờ về tính trung thực của một bản gốc của Einstein. Như tôi đã nói ở trên, cả thế giới học thuật thế giới nhất là phương Tây ngưỡng mộ Einstein đều không “dám” làm điều đó. Nếu có thật câu nói đó của Einstein, thì chắc chắn họ là những người đầu tiên đưa tin và bình luận. Giới đó không thiếu những người ngưỡng mộ Phật giáo.
Hết cập nhật
Tôi cũng đã từng lùng sục nhiều sách vở viết về Einstein, đặc biệt những quyển sách viết chuyên về quan điểm tôn giáo của ông, như quyển Max Jammer, Einstein and Religion, để tìm dấu vết ý tưởng trên, nhưng tuyệt nhiên không thấy câu nói nào của Einstein có nội dung giống hay tương tự như thế. Tôi cũng liên lạc với Kho lưu trữ Albert Einstein của Đại học Hebrew ở Jerusalem là nguồn thông tin phong phú nhất. Nhưng họ cũng cho biết không có phát biểu nào như thế của Einstein. Quyển Einstein and Buddha: The Parallel Sayings của hai tác giả Thomas J. McFarlane và Wes Nisker là tương đối chi tiết và phong phú nhất với các trích dẫn của Einstein và Phật giáo, cũng không có trích dẫn nào như thế. Quyển The New Quotable Einstein của bà Alice Calaprice với lời nói đầu của GS Freeman Dyson, được xem là “encyclopedia” của những phát biểu của Einstein, cả về tôn giáo, cũng không chứa đựng phát biểu trên của Einstein.
Einstein ngưỡng mộ Phật giáo, điều đó chắc chắn. Ông có một phát biểu trong quyển sách Thế giới như tôi thấy của ông như sau, và có lẽ đây là “cảm hứng” cho ý tưởng trên của Garfinkel:
Mạnh mẽ hơn nhiều là các yếu tố mang tính tôn giáo vũ trụ trong Phật giáo, những điều mà các tác phẩm tuyệt vời của Schopenhauer đã dạy cho chúng ta. Các thiên tài tôn giáo của mọi thời đại đều được đặc trưng bởi tính tín ngưỡng vũ trụ (cosmic religiosity), tính chất không hề để ý đến các giáo điều hay một Thiên Chúa được tạc theo hình ảnh của con người.
(Bài Tôn giáo và Khoa học)
Hoặc trong Mặt Nhân Bản, tr. 73:
Thời đại chúng ta được làm cho khác biệt bởi những thành tựu tuyệt vời trong những lĩnh vực hiểu biết khoa học và ứng dụng kỹ thuật của những nhận thức sâu sắc đó. Ai mà không vui sướng bởi điều này? Nhưng đừng quên rằng, chỉ tri thức và kỹ năng thôi không thể dẫn dắt loài người đến một cuộc sống hạnh phúc và có phẩm giá được. Những người khai sinh ra các chuẩn mực và giá trị đạo đức cao quý luôn xứng đáng được nhân loại đề cao hơn những người khám phá ra chân lý khác quan…. Những gì nhân loại chịu ơn những nhân cách như Đức Phật, Moses và Jesu đối với tôi còn cao hơn tất cả thành tựu của những bộ óc khám phá và phát minh.
Chúng ta phải bằng hết sức mình bảo vệ và giữ cho sống mãi những gì mà những con người thiêng liêng này đã trao tặng chúng ta, nếu nhân loại không muốn đánh mất phẩm giá, sự tồn tại yên bình và niềm vui trong cuộc sống. (1937)
Vì thế, chúng ta vẫn nên hiểu rằng trích dẫn trên, hay những trích dẫn có nội dung tương tự, rất tiếc, là chưa đúng sự thật. Chúng ta không muốn làm gì hơn là tìm về sự thật.
Trước khi kết thúc, tôi xin kể thêm ý tưởng sau đây của một người khác nói về Phật giáo và khoa học. Vị viện trưởng người Anh, Greg Whitefield, của Viện Phật học Rangjung Yeshe Institute ở Nepal, được thành lập từ 2002 bởi vị lama Tây Tạng Tulku Chokyi Nyima Rinpoche. Ông viết: “Tôn giáo tương lai của nhân loại sẽ được dựa lên các định luật khoa học. Phật giáo là rất khoa học vì nó dựa lên các định luật nhân quả.”
Chưa biết tương lai như thế nào, nhưng ở đây tôi chỉ muốn nói vế thứ hai. Đức Phật dạy thuyết nhân-quả đã mấy ngàn năm. Nhưng trong lãnh vực y học, thuyết này thực sự mới thắng lợi trọn vẹn trong cuộc cách mạng vĩ đại do Louis Pasteur và Robert Koch dẫn đầu trong thập niên 1880, nghĩa là mới khoảng 150 năm trước thôi, khi hai người khổng lồ này chứng minh bằng khoa học rằng các bệnh đều do các vi sinh vật nhỏ bé gây ra mắt thường không nhìn thấy. Có mầm bệnh mới sinh ra bệnh (Koch), cũng như có vi sinh vật mới có những quá trình như lên men, hay thối rữa (Pasteur). Hàng loạt mầm bệnh được phát hiện, như bệnh than, bệnh lao, dịch tả, dại, bạch hầu v.v. cùng với các liệu pháp điều trị. Điều đó ngày nay được xem là hiển nhiên, nhưng hàng ngàn năm nhân loại đã không thể chứng minh được. Có lẽ đó là sự khẳng định cuối cùng của thuyết nhân quả trong thế giới khoa học, chấm dứt mọi tư biện thần bí. Xin xem chi tiết về cuộc cách mạng y học này trong quyển sách có tên Cuộc đọ sức Louis Pasteur – Robert Koch của NXB Tổng hợp Thành phố.
Nguyễn Xuân Xanh
Tháng 5, 2017
-Bài ngộ nhận về phát biểu của Einstein đã được đăng lại nhiều nơi, tôi rất mừng, chẳng hạn như tại:
http://hoangnamgiao.blogspot.com/2017/06/vai-ngo-nhan-ve-albert-einstein-nguyen.html
https://thuvienhoasen.org/a27911/vai-ngo-nhan-ve-albert-einstein
https://www.dieungu.org/p13341a38407/vai-ngo-nhan-ve-albert-einstein