Nghiên cứu khoa học ở Việt Nam (GS Nguyễn Minh Thọ)

by , under Uncategorized

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở VIỆT NAM

Nguyễn Minh Thọ

GS TS Hóa Đại học Leuven, Bỉ

 

Đối với các giáo sư, chuyên gia nổi tiếng, các trường Đại Học Trung Quốc đã và đang phải bỏ hàng triệu đôla để thu hút họ đến Trung Quốc, giúp xây dựng một ngành khoa học. Họ hiểu rằng xây dựng được một phòng thí nghiệm hiện đại có tên tuổi, được hướng dẫn bởi một con chim đầu đàn, và nhất là việc dần dần xây dựng môi trường, cách tổ chức và tinh thần Nghiên cứu khoa học như ở Âu-Mỹ, thì mô hình này là cách đầu tư rẻ cho chất xám, và như ta hay nói là một cách “đi tắt đón đầu”… Tùy bản lĩnh học hỏi tiếp thu, phía Trung Quốc đào tạo được tại chỗ nhiều hơn những con người có tri thức và biết cách làm Nghiên cứu khoa học!

Nguyễn Minh Thọ

Nguyễn Minh Thọ (1953-)

Lời nói đầu. Bài viết dưới đây của GS Nguyễn Minh Thọ có tên Mô hình hợp tác nào cho nghiên cứu khoa học, được đăng trên diễn đàn Niềm tin tương lai vào tháng 3, năm 2007. Một vài tờ báo trong nước, trong đó có báo Tuổi Trẻ, trích đăng lại. Bài viết chỉ ra những bất cập của cơ chế đối với nghiên cứu khoa học, làm cho nó khó phát triển. Sau cùng ông đưa ra một số mô hình tích cực. Vấn đề còn lại là việc áp dụng chúng. Nhận thấy sau 16 năm từ thời điểm bài viết này đến nay, tình hình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam cũng vẫn còn nhiều bất cập khiến nghiên cứu khoa học chưa thật sự khởi sắc, và phát triển mạnh mẽ, nên tôi xin phép đăng lại toàn văn bài viết này để bạn đọc tham khảo. Hệ thống chỉ đi chứ chưa chạy, mà đi cũng còn nhiều khó khăn, bất cập, trong đó rào cản phần lớn xuất phát từ những quy định hành chánh của bộ máy gây ra những cản trở không đáng. Muốn chạy, cần phải có tư duy lợi ích quốc gia là tối thượng và những gì đi ngược lại, hay cản trở lợi ích đó cần phải bị loại bỏ sớm như có thể, và cần tăng tốc đầu tư thích đáng. Việt Nam hay nói “đi tắt đón đầu” nhưng thực tế đang cản trở quá trình đó một cách nghiêm trọng, gây thiệt hại to lớn. VN cần có “luật đặc biệt” để vô hiệu hóa những quy định pháp luật đang gây cản trở bước tiến quốc gia. Chính “Bộ máy quan liêu đang làm cho tất cả chúng ta bệnh” (“Die Bürokratie ist es, an der wir alle kranken”) như cựu Thủ tướng Đức Otto von Bismarck nói. Mà đúng là như thế. Chúng ta đang bệnh, đang mất quá nhiều thời gian, tiền của và sức lực vì nó. Chẳng phải nguyên thủ tướng Phan Văn Khải đã từng nói “Hành là chính” hay sao? Bismarck còn nói thêm về bộ máy các quan chức một cách sâu sắc: 

“Người ta vẫn còn có thể cai trị bằng luật pháp tồi và quan chức tốt. Nhưng với những quan chức tồi thì ngay cả những luật lệ tốt nhất cũng không giúp ích gì cho chúng ta.” 

“Mit schlechten Gesetzen und guten Beamten lässt sich immer noch regieren. Bei schlechten Beamten aber helfen uns die besten Gesetze nichts.”

Chẳng phải chúng ta đang chứng kiến điều đó hay sao? Xin xem kinh nghiệm của Hàn Quốc thời Park Chung Hee rất đáng tham khảo:

KIST – Choi Hyung Sup và Park Chung Hee 

Nguyễn Xuân Xanh

 

MÔ HÌNH HỢP TÁC NÀO CHO NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Nguyễn Minh Thọ

Nói cho cùng, Nghiên cứu khoa học cũng khó có thể vượt qua hoàn cảnh và trình độ phát triển chung của đất nước. Đây là kết quả của một giai đoạn lịch sử vừa qua, và còn là của những chính sách giáo dục và đào tạo liên tục không phù hợp với phát triển kinh tế và văn hóa.

Để thật sự vươn lên đạt được sự phát triển trong Nghiên cứu khoa học, thiết nghĩ cần thực hiện ngay những giải pháp đột phá, vượt khuôn khổ (non-conventional).

Các nhà giáo dục đều nhận rõ rằng để nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học, một trong những việc phải làm ngay là nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học. Làm thế nào để nghiên cứu khoa học tại VN có chất lượng, được đồng nghiệp trên thế giới biết đến?

Ông Đào Văn Lượng, nguyên giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM, cũng là một giáo sư khoa công nghệ hóa học Trường đại học Bách khoa TP.HCM, trong một tổng kết về hoạt động nghiên cứu khoa học, trước khi mãn nhiệm kỳ đã viết: “Một trong những trăn trở chính là khả năng và cơ chế tập hợp lực lượng khoa học, khơi nguồn chất xám… loay hoay mãi mà chưa làm được tốt hơn.

Tôi cũng nhiều lần tự hỏi vì sao nhà khoa học của ta được “ném” vào guồng máy của các nước tiên tiến thì chạy khá tốt, nhưng cũng với những con người ấy, làm việc trong guồng máy của ta thì lại có những hạn chế” (Tuổi Trẻ , 25-06-2006). Có dịp cùng hướng dẫn vài nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ tại Trường ĐH Bách khoa trong mấy năm qua, tôi hoàn toàn chia sẻ trăn trở này của ông.

Cũng như mọi ngành khác, hoạt động nghiên cứu khoa học cần hội đủ vài điều kiện: phương tiện thiết bị, ngân sách, nhân lực, cơ chế tổ chức… Hãy xét nhanh về các điều kiện này :

PHƯƠNG TIỆN – THIẾT BỊ

Hiện nay rất nhiều phòng thí nghiệm ở các viện nghiên cứu hay đại học quốc gia… được trang bị nhiều máy móc, thiết bị khá hiện đại. Chẳng hạn, cùng với phát triển nhanh của ngành công nghệ thông tin, nhiều nhóm hiện có những giàn máy tính điện tử không thua kém gì các nhóm tương tự ở Đông Nam Á hay châu Âu (Đông Âu).

Trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, có được thiết bị tốt không phải là việc khó. Có tiền, có ngân sách là mua được ngay (trừ khi bị cấm vận). Việc còn lại là các thiết bị tối tân này được sử dụng ra sao cho việc nghiên cứu khoa học, điều này tùy thuộc vào bản lĩnh, kiến thức và việc tổ chức, quản lý.

NGÂN SÁCH

Hiện nay ngân sách nhà nước VN được Chính phủ dành cho ngành giáo dục nói chung, và nghiên cứu khoa học nói riêng, là không nhỏ so với tổng thu nhập quốc dân (GDP). Một chương trình nghiên cứu cấp nhà nước nhận được nhiều tỉ đồng trong một vài năm, con số mà nhiều nhóm nghiên cứu ở Tây Âu mong ước! Vấn đề là ngân sách này đã và đang được sử dụng như thế nào cho mục đích nghiên cứu khoa học .

Tôi biết một đồng nghiệp xin được 3 tỉ đồng VN để xây dựng một giàn máy tính điện tử rất mạnh, song cơ quan không có nguồn kinh phí trả lương cho nghiên cứu sinh nên ít có người sử dụng, cuối cùng giàn máy hầu như bỏ không và một vài năm sau xuống cấp… Nhiều lãng phí như thế có thể được kể ra.

Một điều bất cập là các chương trình nghiên cứu ở VN không có khoản ngân sách dùng để trả học bổng (lương) cho sinh viên, nghiên cứu sinh và cộng tác viên. Học viên thạc sĩ ít khi nhận được thù lao, Nghiên Cứu Sinh phải làm một việc gì khác để sống. Trong khi đó những chương trình nghiên cứu liên bang của Bỉ dành ít nhất 60% ngân sách để trả lương cho cộng tác viên, học bổng cho SV.

Việc Sinh Viên – Nghiên Cứu Sinh không có đồng lương đầy đủ, ổn định bằng ngân sách của trường, hay của giáo sư hướng dẫn, làm họ không toàn tâm, toàn ý hoạt động khoa học. Nghiên cứu khoa học là một hoạt động tư duy sáng tạo, đòi hỏi một sự tập trung cao nhất để có được khám phá dẫn đến những công trình khoa học. Theo tôi, cần có qui định rõ ràng về việc trả thù lao cho Sinh Viên – Nghiên Cứu Sinh chứ không phải tùy vào sự tử tế (và tùy tiện) của các chủ nhiệm đề tài.

NHÂN LỰC

Như trong một đội quân ra trận, có tướng và có quân, việc một Sinh Viên hay nghiên cứu sinh người Việt làm được việc trong một phòng thí nghiệm ở nước ngoài song lại không được việc ở trong nước, cho thấy rằng cái loay hoay nói trên không phải vì Sinh Viên – Nghiên Cứu Sinh VN, tức là quân trong nghiên cứu khoa học, thiếu khả năng. Do đào tạo thiếu cập nhật ở bậc đại học, bị khá nhiều lỗ hổng trong kiến thức cơ bản, Sinh Viên VN thường gặp nhiều khó khăn trong thời kỳ đầu khi ra học ở nước ngoài. Song đa số đều có thể tiếp thu kiến thức mới, lấp lỗ hổng và sau khi được hướng dẫn, bắt đầu nghiên cứu độc lập sau một thời gian ngắn. Tóm lại, có thể nói trong nghiên cứu khoa học ở VN, quân không tệ song tướng không giỏi!

Về điểm này, ông Đào Văn Lượng có viết: “… Chúng ta chưa có những thủ lĩnh tầm cỡ… Tôi nghĩ ở VN hay TP.HCM, để tìm kiếm những thủ lĩnh này rất khó khăn” (Tuổi Trẻ, 25-06-2006). Có lẽ nghiên cứu khoa học VN hiện nay đang thiếu trầm trọng những con chim đầu đàn đủ sức bay cao, bay xa, và nhất là biết dẫn đàn bay về hướng nào!

CƠ CHẾ TỔ CHỨC

Trong hoàn cảnh nhân lực trên, một giải pháp được đưa ra (từ lâu) là đưa Sinh Viên – Nghiên Cứu Sinh đi học tập ở các nước khoa học tiên tiến. Chẳng hạn, Chính phủ đề ra “chương trình 322” dài hạn nhằm đưa nhiều Sinh Viên – Nghiên Cứu Sinh ra nước ngoài học tập bằng ngân sách nhà nước. Trong quan hệ hợp tác quốc tế, nhiều chương trình học bổng của các nước tiên tiến được lập ra dành cho Sinh Viên – Nghiên Cứu Sinh VN. Song như đã nói ở trên, không ít người thành công xuất sắc luận án tiến sĩ ở nước ngoài, khi về VN vào lại guồng máy cũ vẫn không, hay chưa, mang lại hiệu quả mong muốn.

Sau mười năm, hàng loạt tiến sĩ được đào tạo và về nước song vẫn thiếu vắng những con chim đầu đàn trong nghiên cứu khoa học! Các chương trình hợp tác khoa học, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh với các đại học Tây Âu (co-tuteur, co-promoter, sandwich doctoral programs) được đưa ra rất hợp lý trên lý thuyết, song trên thực tế việc hợp tác vẫn còn tiến triển theo một chiều.

Trong thời gian ở VN của chương trình học tập, các Sinh Viên – Nghiên Cứu Sinh thường không thực hiện được nhiều vì thường phải lo chạy hàng trăm việc có tên và không tên cho cơ quan; họ ít có thì giờ tập trung cho việc nghiên cứu. Các giáo sư hướng dẫn VN thường đóng vai trò khá khiêm tốn trước đồng nghiệp của mình.

Các đề tài nghiên cứu thường do các đồng nghiệp nước ngoài đề nghị. Tôi sợ rằng trên thực tế mục tiêu của “chương trình 322” nhằm đào tạo tiến sĩ theo nhu cầu đất nước theo hướng này khó mà thực hiện được. Trong năm 2006, với nguồn nhân lực và đầu tư không nhỏ của Nhà nước, ngành hóa học của cả nước chỉ công bố được không quá vài mươi công trình trên các tạp chí quốc tế. Con số khiêm tốn này chỉ bằng kết quả của một nhóm trung bình ở Âu, Mỹ. Đó là số lượng, còn chất lượng của các bài báo này lại là một vấn đề khác.

MÔ HÌNH HỢP TÁC

Trong năm qua, ở trường đại học này, viện nghiên cứu kia, đã thấy bắt đầu có vài giáo sư, chuyên gia VN ở nước ngoài được mời về giữ những trách nhiệm như chủ nhiệm bộ môn, trưởng nhóm nghiên cứu… Dù những người này vẫn phải hoạt động trong một khuôn khổ có sẵn, đây là một bước phát triển đáng khích lệ, kết quả cần được để ý.

Gần đây, Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM đã tiến thêm một bước mới khi đề nghị lãnh đạo thành phố thực hiện một cách tổ chức khác: thành lập một viện nghiên cứu hoàn toàn mới, do một nhóm giáo sư, chuyên gia người VN ở nước ngoài, thật sự là những con chim đầu đàn trên thế giới, thiết kế sơ đồ tổ chức, đề nghị nội dung nghiên cứu và tổ chức thực hiện. Người viện trưởng, viện phó, người hướng dẫn… cũng như đa số thành viên hội đồng khoa học, có thể là người nước ngoài.

Thành phố cung cấp phương tiện và ngân sách, song cho phép viện này có được quyền tổ chức nhân sự và quản lý ngân sách theo quan điểm của mình (trong khuôn khổ pháp luật hiện hành). Ví dụ như để có thể thu hút được nhiều nhân tài trong ngành, viện có thể đưa ra một chế độ tiền lương và khen thưởng riêng, đảm bảo đời sống cho các nhà nghiên cứu để họ không phải lo tìm cách kiếm ăn bên ngoài.

Viện mới này không thay thế các cơ quan đang tồn tại, song điều quan trọng là khi triển khai Nghiên cứu khoa học, viện có thể tập hợp các nhóm nghiên cứu hiện có ở thành phố (trong cùng một ngành song thường chẳng thể hợp tác với nhau) để cùng hoạt động, với mục đích giúp đào tạo nhân lực, hỗ trợ kiến thức, và hướng đề tài Nghiên cứu khoa học theo chiều hướng quốc tế.

Các nhóm ở các cơ quan khác nhau đều có thể tham gia và sử dụng trang thiết bị của viện. Họ sẽ thực hiện những đề tài chung, có ngân sách chung để thường xuyên gặp gỡ, giới thiệu kết quả và thảo luận. Và các cơ quan chủ quản có cơ chế để dành cho họ thời gian nhiều nhất cho việc nghiên cứu. Viện này có thể tìm được nguồn ngân sách trong nước như các chương trình nghiên cứu, các đề tài Nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, thành phố, bộ, nhà nước… hoặc cũng có thể nhận những đề tài nghiên cứu quốc tế hay từ các công ty.

Viện sẽ là nơi dành cho những ai có khả năng và đam mê hoạt động khoa học, tạo điều kiện thật sự cho họ làm Nghiên cứu khoa học mà không phải lo việc cơm áo. Điều đáng mừng là sau nhiều cân nhắc, chính quyền thành phố đã chấp nhận mô hình tổ chức này. Hi vọng mô hình này sớm được triển khai và thành công.

Song một mô hình khác, có thể xem là “thoáng” hơn, đang được triển khai thí điểm ở Trung Quốc. Tôi nghĩ đây cũng là một mô hình rất thực tiễn và khả thi.

Giống như những công ty quốc tế lớn mở chi nhánh ở các nước đang phát triển, các phòng thí nghiệm của Đại Học Mỹ cũng bắt đầu mở những chi nhánh của họ ở các trường đại học Trung Quốc. Tức là họ đến mở một phòng thí nghiệm tại một đại học Trung Quốc và coi đó là một vệ tinh, một bộ phận của phòng thí nghiệm chính ở Mỹ.

Người giáo sư Mỹ là người đứng đầu phòng thí nghiệm ở Trung Quốc , điều hành thực hiện chương trình nghiên cứu của họ, song các trường Đại Học Trung Quốc đầu tư cơ sở hạ tầng, ngân sách cho thiết bị và nhân sự. Người chủ nhiệm có toàn quyền triển khai chương trình nghiên cứu của mình, song phải chọn nhân viên, nghiên cứu sinh từ Đại Học Trung Quốc .

Các công trình nghiên cứu được công bố với tên của hai trường. Theo tôi biết, các đồng nghiệp người Mỹ không đòi hỏi gì nhiều, họ làm việc ở Mỹ và Trung Quốc song chủ yếu hưởng lương ở Mỹ; và đại học Trung Quốc chịu toàn bộ chi phí cho họ như đi lại, ăn ở, bảo hiểm sức khỏe… trong thời gian họ làm việc ở Trung Quốc .

Đối với các giáo sư, chuyên gia nổi tiếng, các trường Đại Học Trung Quốc đã và đang phải bỏ hàng triệu đôla để thu hút họ đến Trung Quốc, giúp xây dựng một ngành khoa học. Họ hiểu rằng xây dựng được một phòng thí nghiệm hiện đại có tên tuổi, được hướng dẫn bởi một con chim đầu đàn, và nhất là việc dần dần xây dựng môi trường, cách tổ chức và tinh thần Nghiên cứu khoa học như ở Âu-Mỹ, thì mô hình này là cách đầu tư rẻ cho chất xám, và như ta hay nói là một cách “đi tắt đón đầu”… Tùy bản lĩnh học hỏi tiếp thu, phía Trung Quốc đào tạo được tại chỗ nhiều hơn những con người có tri thức và biết cách làm Nghiên cứu khoa học!

Như vậy, trong mô hình này thông số chính là có được nguồn đầu tư ban đầu, và tìm được những chuyên gia “chim đầu đàn” sẵn sàng về và đến làm việc ở VN, dù họ là người Việt sống ở nước ngoài hay người nước ngoài. Câu hỏi đặt ra là liệu mô hình này có thể áp dụng được ở VN chưa? Lại một vấn đề tổ chức và cơ chế!

GS Nguyễn Minh Thọ

Đại học Leuven, Bỉ

Nguồn: http://niemtin.free.fr/nghiencuu.htm