KINH TẾ NHẬT BẢN
Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973
Trần Văn Thọ
Lời nói đầu
Anh Trần Văn Thọ, Giáo sư emeritus kinh tế tại Đại học Waseda, vừa cho ra mắt quyển sách mới của anh trong tháng Tư, với tiêu đề như trên, về sự phát triển thần kỳ kinh tế Nhật Bản thời hậu chiến. Nhìn thấy ảnh bìa với Núi Phú Sĩ và xe Shinkansen, hai biểu tượng của Nhật Bản, một về Tinh thần bất khuất của Nhật Bản luôn luôn bất khuất và muốn vươn lên đỉnh cao, một về Công nghệ thể hiện tầm cao trí tuệ của quốc gia này, mà lòng không khỏi tự hỏi, chừng nào Việt Nam được diễm phúc bằng một phần có thể so sánh được với Nhật Bản? Nhật đã đi trước chúng ta trên 150 năm, tuy nhiên về mặt tinh thần, đầu óc, sự thức tỉnh, về văn hóa đọc, và quý trọng tri thức, đi tìm trí thức, như được ghi trong Năm lời thề ước 1868 của chính phủ Minh Trị, năng lực phán xét, tiếp cận thế giới và tiếp thu, Việt Nam vẫn còn thua rất xa nếu không muốn nói là hầu như nguyên vẹn.
Tsukioka Yoshitoshi (1839-1892), nghệ sĩ bậc thầy của Nhật Bản về nghệ thuật hội họa theo trường phái Ukiyo-e, với tác phẩm độc đáo rất nổi tiếng “Một trăm khía cạnh của mặt trăng” (Tsuki no Hyakushi), có bức tranh ấn tượng dưới đây mô tả lại sự đối diện giữa tàu chiến hơi nước của Matthew Perry và mấy chiếc thuyền con của Nhật Bản năm 1853 tại Vịnh Edo. Bức tranh khắc họa sự tương phản đầy kịch tính của hai lực lượng, giữa con tàu to của phương Tây và những chiếc thuyền con của Nhật Bản, biểu tượng của hai loại thể chế và trình độ công nghiệp hóa khác nhau một trời một vực. Sự tương phản ghê gớm ấy, như giữa núi cao và vực sâu, đã làm cho cả dân tộc Nhật Bản bàng hoàng và thức tỉnh. Ai không biết sợ, người đó không hiểu chiều cao của sự phát triển của phương Tây và chiều sâu của sự lạc hậu của mình, người đó không nhìn thấy bản đồ thế giới, hay quyển sách thế giới được viết bằng hai “ngôn ngữ” khác nhau.
Những chiếc thuyền con ấy đã anh dũng dám dấn thân vào một cuộc đổi mới chiến lược trước ngọn sóng thần của thời đại, và lớn lên, tránh được thảm họa cho mình, và trở thành cường quốc đầu tiên ở phương Đông. Họ đã thành công, có bộ mặt quốc gia công nghiệp hóa y hệt như phương Tây, điều họ khao khát cháy bỏng, mà không mất đi bản sắc của mình. Đó là điều kỳ diệu đầu tiên tại một quốc gia ngoài thế giới phương Tây. Nhật Bản cuối cùng cũng có tàu to, bỏ hết thuyền con, dám thi thố sức mình với thiên hạ. Rồi lần lược các dân tộc khác cũng đi theo bước chân của Nhật Bản. Và họ đều có “tàu to”. Riêng Việt Nam thì vẫn loay hoay với mấy chiếc tàu nhỏ, không biết lúc nào mới có được tàu to, bao giờ mới có con đường thẳng tiến tới ngày vinh quang như các dân tộc xung quanh đã từng làm.
Chắc chắn tác giả Trần Văn Thọ có gói ghém hoài bão của mình trong quyển sách công phu này, và mong mỏi Việt Nam rồi cũng cất cánh, cũng có tàu to một ngày. Nhưng đến bao giờ? Chưa ai thấy bản thiết kế và lộ trình phát triển thuyết phục.
Bức tranh mô tả tàu hơi nước Mỹ dưới sự chỉ huy của Matthew Perry xuất hiện tại Vịnh Tokyo vào ngày 8 tháng 7 năm 1853 nhằm phá vỡ sự cô lập kéo dài hàng thế kỷ của Nhật Bản và thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại với chính phủ Nhật Bản. Sự kiện này là bước ngoặc lịch sử cho mối quan hệ của Nhật Bản với các cường quốc phương Tây. Nhật Bản nhận thức được sự khủng hoảng và lạc hậu của mình. Cuộc lội ngược dòng bắt đầu.
Tranh của Tsukioka Yoshitoshi, Kōkoku isshin kenbunshi [Biên niên sử khôi phục hoàng cung]. Bảo tàng Metropolitan Nghệ thuật TP New York.
Nguyễn Xuân Xanh
KINH TẾ NHẬT BẢN
Lời bình:
Cuốn sách trình bày rất sáng tỏ về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển của Nhật Bản và những yếu tố bảo đảm sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản trong giai đoạn 1955-1973. Do có nhiều điểm tương đồng về văn hoá Đông Bắc Á, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển có nhiều khả năng sẽ phù hợp cho Việt Nam. Cải cách thể chế kinh tế theo mô hình này nên là định hướng chúng ta cần theo đuổi.
-TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Quả là một tập sách rất xứng đáng cho hầu hết cán bộ lãnh đạo các cấp từ địa phương đến trung ương tại Việt Nam cần đọc để có một nhận thức đầy đủ về một “nhà nước kiến tạo phát triển”. Từ đó soi lại tình hình chính trị kinh tế xã hội của ta hiện nay sẽ thấy cẩn phải sửa đổi những gì để có thể xây dựng nên một chiến lược phát triển cho Việt Nam trong 25-35 năm tới. Chí ít Chương Tổng luận của cuốn sách phải được đọc và hiểu để ứng dụng như bản cửu chương.
–Phan Chánh Dưỡng, nguyên thành viên Tư vấn kinh tê của Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Đây là một cuốn sách cực kỳ quan trọng, được biên soạn rất công phu, phản ảnh kiến thức sâu và rộng của tác giả về cả lý thuyết lẫn thực hành của ngành kinh tế phát triển. Sách được đúc kết dựa trên các phân tích số lượng chặt chẽ và đem lại những kiến thức mới để hiểu quá trình Nhật Bản trở thành một cường quốc kinh tế. Những bài học được tác giả rút ra từ Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam trên đường công nghiệp hóa và phát triển. Đặc biệt ấn tượng là kinh nghiệm Nhật Bản được tổng kết bằng hai từ khóa nhà nước kiến tạo phát triển và năng lực xã hội.
-TS Đình Trường Hinh, nguyên chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới
Để hiểu Thần kỳ Nhật Bản thời hậu chiến, phải đọc Nhật Bản: Kỳ tích phát triển giai đoạn 1955-1973 của GS Trần Văn Thọ được biên soạn rất công phu. Quốc gia này đã sáng tạo ra hình mẫu phát triển dựa trên nhà nước kiến tạo phát triển, và năng lực xã hội – “tâm thế” của một dân tộc – mô hình mà các quốc gia đi sau như Hàn Quốc, Đài Loan đã mô phỏng lại. Đọc Nhật Bản, lòng người ta sẽ se lại: Bao giờ Thần kỳ kinh tế mới đến gõ cửa Việt Nam?
-Nguyễn Xuân Xanh, tác giả
MỤC LỤC SÁCH
Lời nói đầu
Danh mục bảng biểu
Phương châm biểu thị một số tiếng Nhật và ký hiệu
Bảng chữ viết tắt và bảng chữ tiếng Nhật
Chương tổng luận
Nhật Bản theo kịp Tây phương:
Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển và năng lực xã hội
Phần I Thành quả hậu chiến Nhật Bản
Chương 1 Chính trị, kinh tế Nhật Bản những ngày sau Thế chiến II
Chương 2 Đêm trước của một thời đại: Nhật Bản giữa thập niên 1950
Chương 3 Mở cửa, hội nhập và chính sách công nghiệp
Chương 4 Tích lũy tư bản và năng lực chuyển hoán
Chương 5 6000 ngày làm thay đổi nước Nhật
Phần II Năng lực xã hội và Nhật Bản
Chương 6 Năng lực xã hội và lãnh đạo chính trị
Chương 7 Quan chức nhà nước: anh hùng trong thời đại phát triển
Chương 8 Tinh thần doanh nghiệp và thời đại phát triển thần kỳ
Chương 9 Giáo dục, đào tạo và chất lượng lao động
Chương 10 Du nhập, cải tiến công nghệ và năng lực xã hội
Phần III Phụ chương: Kinh tế Nhật Bản sau giai đoạn phát triển thần kỳ: 1974-2010
Phụ chương 1 Giai đoạn củng cố vị trí cường quốc: 1974-1989
Phụ chương 2 Tại sao kinh tế Nhật Bản suy thoái từ thập niên 1990?
Sách, tư liệu tham khảo
Mục tra chữ
Dưới đây tôi xin đăng lại bài giới thiệu của nguyên chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng của Nhóm Thứ Sáu, vừa được in trong Thời Báo Kinh Tế Sài gòn tuần này:
Bài điểm sách của Phan Chánh Dưỡng:
(KTSG) – Cuối năm 2021, tôi được đọc bản thảo cuốn sách của GS. Trần Văn Thọ “Kinh tế Nhật Bản, giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973”; một giai đoạn khó khăn nhất của Nhật Bản sau Thế chiến thứ 2.
Theo tôi, đây là một cuốn sách bổ ích cho hầu hết cán bộ lãnh đạo các cấp từ tỉnh thành, các bộ ngành từ cấp vụ trưởng trở lên và những người xây dựng chính sách ở nước ta, để có nhận thức đầy đủ về “một nhà nước kiến tạo phát triển” là như thế nào.
Theo tôi, đây là một cuốn sách bổ ích cho hầu hết cán bộ lãnh đạo các cấp từ tỉnh thành, các bộ ngành từ cấp vụ trưởng trở lên và những người xây dựng chính sách ở nước ta, để có nhận thức đầy đủ về “một nhà nước kiến tạo phát triển” là như thế nào. Từ đó nhìn lại tình hình chính trị – kinh tế – xã hội của chúng ta để có thể xây dựng một chiến lược phát triển trong vài ba chục năm tới.
Ngay phần tổng luận của tác phẩm nghiên cứu công phu này, GS. Trần Văn Thọ lưu ý chúng ta rằng: Trong bối cảnh một thế giới mà trật tự đã được các nước tiên tiến xác lập và bất lợi đối với các nước chưa phát triển, lãnh đạo các nước đi sau phải đủ trí tuệ và bản lĩnh tìm ra chiến lược phù hợp với lợi ích của đất nước mình. Vào giữa thế kỷ 19, trật tự thế giới lúc đó do Anh quốc đóng vai trò chủ đạo với lý thuyết tự do mậu dịch đã ép các nước đi sau. Thế nhưng, nhờ các vị lãnh đạo Nhật khôn khéo thương lượng nên hiệp ước bất lợi ấy chấm dứt vào năm 1911. Và chính lợi thế của nước đi sau đã đưa Nhật vượt lên thành nước công nghiệp hóa – hiện đại hóa ngang tầm các nước Âu – Mỹ vào đầu thế kỷ 20.
Trong phần I, “Kỳ tích Phát triển Hậu chiến Nhật Bản” đã cho thấy cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 gần như hủy diệt nền kinh tế Nhật. Từ năm 1955-1973, thời đại “Kỳ tích Phát triển Hậu chiến Nhật Bản” với những chính sách cải cách chính trị, cải cách kinh tế, giải quyết hậu quả khó khăn sau cuộc chiến. Đóng góp vào cuộc cải tổ rộng lớn này có biết bao lãnh đạo tài năng của Nhật Bản đã xây dựng nên nhà nước “Sáng tạo và Phát triển Nhật Bản”, chẳng hạn như Thủ tướng Yosida Shigeru, Thủ tướng Kishi Nobusuke (những người hình thành thể chế kinh tế hậu chiến Nhật). Kể cả những giáo sư học giả Marxist như Arisawa Hiromi, Tsuru Shigeto cũng tham gia vào các đề án phát triển chiến lược như kế hoạch ưu tiên sản xuất than thép, đề ra chính sách mở cửa hội nhập và chính sách công nghiệp, chính sách tích lũy tư bản và năng lực chuyển hoán tạo ra sự thần kỳ cho giai đoạn phát triển kinh tế của Nhật. Đặc biệt là nội dung chương 5 đã nêu (6.000 ngày làm thay đổi nước Nhật, GDP đầu người của Nhật đã tăng vọt từ khoảng 2.500 đô la Mỹ lên đến 20.000 đô la).
Trong phần II, bàn về năng lực xã hội và kỳ tích phát triển, tác giả đã chỉ ra rằng: “Một nước đi sau, để có thể theo kịp các nước đi trước trong một xã hội phát triển của thế giới thì yếu tố tổng hợp phải gồm “Nhà nước kiến tạo và phát triển” và “Năng lực xã hội”.
Năng lực xã hội được xem là những nhân tố cấu thành xã hội, cụ thể là chính trị gia, quan chức, lãnh đạo kinh doanh, trí thức và tầng lớp lao động. Mỗi nhân tố phải có tố chất để thúc đẩy kinh tế phát triển. Tác giả đã nêu những điển hình của các thành phần đó để độc giả tham khảo, nhất là các gương sáng của lớp doanh nhân Nhật với tinh thần doanh nghiệp trong thời đại phát triển thần kỳ của Nhật vừa qua. Đây chính là bài học tham khảo giúp chúng ta đối chiếu tình hình nước nhà hiện nay.
Phần cuối của quyển sách (phần III, phần phụ) nội dung nói về kinh tế Nhật Bản sau giai đoạn phát triển thần kỳ. Chúng ta từng nghe qua, Nhật Bản bị trì trệ từ đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước đến nay. Điều này cho thấy một vấn đề lớn nảy sinh là sự biến động của thế giới trong 30 năm qua là không lường hết được.
Cuốn sách đã kịp thời đến với chúng ta với nội dung sự kiện bắt đầu từ sự vươn lên của thời Minh Trị Thiên Hoàng, sang vấn nạn của Thế chiến thứ 2, đến thời kỳ phục hưng của Nhật Bản một cách thần kỳ, tiếp theo là sự trì trệ trong suốt 30 năm qua. Nội dung của sách không những cho chúng ta rất nhiều thông tin, mà còn gợi lên nhiều suy tư đối với thời cuộc.
Trong tình hình hiện nay, Việt Nam lại đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 và cuộc chiến bất thường của Nga và Ukraine. Với kinh nghiệm của một nước (Việt Nam) từng kinh qua hai cuộc chiến tranh lâu dài mới dành được độc lập thống nhất, cái giá phải trả của người dân là vô cùng to lớn, khi vừa phải giải quyết hậu quả cuộc chiến kéo dài nhiều năm vừa phải tìm một mô hình phát triển kinh tế bền vững. Hy vọng những nhà lãnh đạo của nước ta cũng sẽ tìm được chính sách cải cách phát triển kinh tế bền vững trong một thế giới đầy biến động hiện nay.
Mong rằng với nội dung cuốn sách này, từ kinh nghiệm quý giá của nước Nhật, Việt Nam có thể tìm được một mô hình phát triển thích hợp cho đất nước như giai đoạn phát triển thần kỳ của Nhật trong giai đoạn 1955-1973. Đó cũng là một trong những nội dung mà tác giả đặt kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước ta.
Phan Chánh Dưỡng
Các bài điểm sách khác:
Ngoại ra, tác giả sẽ có hai buổi nói chuyện và giới thiệu sách:
-Tại Saigon sáng ngày 23/5/2022 (tại Thời Báo Kinh Tế Sài gòn, TPHCM, 35 Nam kỳ khởi nghĩa, đăng ký với cô Trang, điện thoại 0918-546330, email: [email protected], và
-Tại Đà Nẵng sáng ngày 27/5/2022 (34 Trần Phú, đăng ký với TS Mai Đức Lộc, điện thoại 0903-584237, email: [email protected]) .
Tại hai buổi này, phần giới thiệu sách sẽ thực hiện sau phần thuyết trình của tác giả về đề tài “Suy nghĩ về kinh tế VN trước trào lưu mới của thế giới”.
Xin nồng nhiệt giới thiệu.
Nguyễn Xuân Xanh