NHỮNG LỜI TIÊN TRI CỦA TOCQUEVILLE
VỀ NƯỚC MỸ VÀ NGA
(1835)
Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu
Alexis de Tocqueville
(1805-1859)
Vào thời điểm hiện tại, có hai quốc gia lớn trên thế giới dường như đang hướng đến cùng một mục tiêu, mặc dù họ xuất phát từ những điểm khác nhau: tôi muốn ám chỉ người Nga và người Mỹ. Cả hai dân tộc này đều đã phát triển lên mà không ai để ý; và trong khi nhân loại hướng sự chú ý của mình vào nơi khác, thì họ đột nhiên chiếm lấy vị trí nổi bật nhất trong cộng đồng các quốc gia; và thế giới đã cảm nhận được sự tồn tại cũng như sự vĩ đại của họ gần như cùng một lúc. Trong khi tất cả các quốc gia khác dường như đã gần đạt đến những giới hạn tự nhiên của họ, và chỉ còn duy trì quyền lực đã có của mình, thì hai dân tộc này vẫn cứ tăng trưởng mãi; tất cả các quốc gia khác đều bị chững lại, hoặc tiếp tục tiến lên một cách ì ạch, thì hai quốc gia này tiến lên một cách dễ dàng và nhanh chóng theo một con đường mà mắt người thường không thể có một khái niệm nào thích hợp. Người Mỹ đấu tranh chống lại những trở ngại tự nhiên cản trở họ; còn kẻ thù của người Nga là con người; người Mỹ chống lại cuộc sống hoang dã và man rợ; người Nga chống lại nền văn minh với tất cả vũ khí và kỹ thuật của họ: các cuộc chinh phục của một bên do đó đạt được bằng lưỡi cày; của bên kia bằng thanh kiếm. Những người Anglo-Saxon dựa vào lợi ích cá nhân để đạt được mục đích của mình, xem lý trí và hoạt động không được hướng dẫn của công dân thuộc về phạm trù của tự do; người Nga tập trung tất cả quyền lực của xã hội vào một cánh tay duy nhất; công cụ chính của Mỹ là tự do, của Nga là nô lệ. Điểm xuất phát của họ khác nhau, và đường đi của họ cũng không giống nhau; tuy nhiên, mỗi dân tộc trong số họ dường như được ý muốn của Thượng đế lựa chọn để thống trị số phận của một nửa địa cầu. Xem bản tiếng Anh ở đây There are at the present time two great nations in the world, which started from different points, but seem to tend towards the same end. I allude to the Russians and the Americans. Both of them have grown up unnoticed; and whilst the attention of mankind was directed elsewhere, they have suddenly placed themselves in the front rank among the nations, and the world learned their existence and their greatness at almost the same time. All other nations seem to have nearly reached their natural limits, and they have only to maintain their power; but these are still in the act of growth. All the others have stopped, or continue to advance with extreme difficulty; these alone are proceeding with ease and celerity along a path to which no limit can be perceived. The American struggles against the obstacles which nature opposes to him; the adversaries of the Russian are men. The former combats the wilderness and savage life; the latter, civilization with all its arms. The conquests of the American are therefore gained with the ploughshare; those of the Russian by the sword. The Anglo-American relies upon personal interest to accomplish his ends, and gives free scope to the unguided strength and common sense of the people; the Russian centres all the authority of society in a single arm. The principal instrument of the former is freedom; of the latter, servitude. Their starting-point is different, and their courses are not the same; yet each of them seems marked out by the will of Heaven to sway the destinies of half the globe.
click để thu gọn phần tiếng Anh ở trên Alexis de Tocqueville Democracy in America (1835)
|
Nhân cuộc chiến tranh phi nghĩa và tàn bạo mà Putin đã tiến hành hơn một tháng qua ở Ukraine, thiết tưởng những lời nói trên rất đáng suy ngẫm về bản chất của các Sa hoàng, và của dân tộc này. Đoạn trên nằm ở trang cuối của Tập I (Volume I) của tác phẩm nổi tiếng Democracy in America của Alexis de Tocqueville, một nhà quý tộc Pháp, nhà ngoại giao, nhà khoa học chính trị, nhà triết học chính trị và nhà sử học. Một phần của quyển sách được xuất bản năm 1835, phần tiếp năm 1840. Đọc giả có thể tìm thấy bản dịch tiếng Việt của nhà giáo Phạm Toàn, dưới tên Nền dân trị Mỹ, Nxb Tri Thức, 2006. Bản dịch ở trên có khác đôi chút, nhưng không khác nghĩa.
Sau khi bức tường Berlin sụp đỗ năm 1989, các quốc gia Đông Âu đi tìm định hướng dân chủ cho mình, lần lược viết lại hiến pháp của mình, và thường tiếp thu các nguyên lý được thể hiện trong bản Hiến pháp Hoa Kỳ. Họ nhìn sang Hoa Kỳ cũng như các quốc gia láng giềng Tây Âu. Trong quá trình này, họ tìm thấy các bài viết của Tocqueville. Họ đối thoại với người Mỹ, cũng như người Pháp về tinh thần của hai cuộc cách mạng. Tocqueville được xem là ‘lý thuyết gia’ của xã hội dân sự. Ngoài ra, các nhà tư tưởng lớn như Locke, Hume cũng sống lại trong ngôn ngữ Đông Âu.
Tác phẩm Nền dân trị Mỹ được dịch sang các ngôn ngữ Đông Âu trong những năm 1990, lúc đầu từng đoạn, sau đó cả tác phẩm. Một học giả Bulgaria đã cung cấp một bản dịch của Democracy in America năm 1989. Cuối năm đó, phó tổng thống của Cộng hòa Bulgaria đứng ra chủ trì một Symposium về Tocqueville. Các trí thức Bulgaria đã đưa Tocqueville vào curriculum tại các đại học. Các trí thức Ba Lan trích dẫn Tocqueville về sự khó khăn trong học việc tự do (apprenticeship of liberty) và về những hoạt động phức tạp để thực hành các quyền đã giành được.
Một trong những điều các trí thức Đông Âu đề cao là các hội đoàn tự nguyện (voluntary associations), đặc trưng của xã hội Mỹ, như một hình thức sinh hoạt xã hội phong phú của dân chủ khác với xã hội bị tập trung quyền lực.
Tại Đức, năm 1918, năm cuối Thế chiến I, Max Weber trong một lá thư viết cho đồng nghiệp, cũng đề nghị “Đức hãy mượn ‘mô hình câu lạc bộ’ (club pattern, là voluntary associations) như một phương tiện để ‘giáo dục lại’ nước Đức”. Ông viết, ‘chủ nghĩa chuyên quyền giờ đây hoàn toàn thất bại, trừ ở dạng nhà thờ’. Weber đã thấy một mối liên hệ “giữa các hội đoàn tự nguyện và cấu trúc nhân cách (personality structure) của một con người tự do. Sự nghiên cứu giáo phái tin lành của ông đã xác nhận điều đó. Ông được thuyết phục rằng sự lựa chọn các con người (ở các thể chế dân chủ), với áp lực luôn luôn đặt nặng lên cá nhân để thử thách anh ta, là một phương thức vô cùng sâu sắc để ‘tôi luyện’ con người, hơn là kỹ thuật ra lệnh và cấm đoán của các định chế chuyên quyền. Bởi vì một thể chế chuyên quyền như thế không thể với tới đáy lòng thâm sâu của những ai bị ràng buộc từ ngoại cảnh, và nó làm cho họ bất lực tự định hướng một khi cái võ chuyên quyền bị vỡ bởi bạo lực chống lại”.
Weber cũng nhìn từ góc độ trải nghiệm phương Tây, thấy ở phương Đông, do các định chế chuyên quyền, của nhà nước hay gia đình, như tại các quốc gia nho giáo, con người mất đi sự tự-định hướng (self-direction) cho mình, và sự thiếu vắng cá nhân tự chủ: non-personality.
Học việc tự do là khó khăn và phức tạp. Phải tạo mới hay nâng cấp hàng loạt định chế xã hội, để hỗ trợ một sự phát triển mới. Một ngạn ngữ nói: “Bạn có thể dẫn ngựa đến chỗ có nước, nhưng chưa chắc đã khiến nó uống”.
Về Tự do, Tocqueville viết:
Lập đi lập lại hoài cũng không thừa, rằng không có gì làm cho miếng đất trong các thiên tài màu mỡ bằng cuộc sống tự do; nhưng chẳng có gì gian nan hơn là học việc tự do. Với nền chuyên chế thì không như thế: chuyên chế hay hứa hẹn những sự cải thiện cho nghìn căn bệnh cũ; nó ủng hộ điều tốt, bảo vệ người bị áp bức và gìn giữ trật tự xã hội. Dân tộc sống vùi mình trong sự phồn vinh nhất thời do mình đã tạo ra, cho đến khi tỉnh dậy nhận ra sự khốn cùng của họ. Tự do, ngược lại, thường được kiến tạo khó khăn giữa các cơn bảo tố; nó được hoàn thiện bằng những mâu thuẫn dân sự, và chỉ khi nó đã già rồi người ta mới thấy hết lợi ích của nó.
Tập 1, chương XIV
Nguyễn Xuân Xanh, 26. 3. 2022