Ý NGHĨA CỘI NGUỒN CỦA LỄ LÀ GÌ?
Matsushita Kônosuke (*)
Nhà sáng lập Panasonic
Người dịch : Nguyễn Sơn Hùng
Không được quên lễ trong ứng xử hàng ngày. Người không biết lễ
là khiếm nhã, hạ cấp.
Matsushita Kônosuke
Matsushita Kônosuke
(1894-1989)
Lời nói đầu
Tiếp theo bài Bàn về lễ (I), chúng tôi xin giới thiệu quan niệm về lễ của nhà công nghiệp lớn Matsushita Kônosuke của Nhật Bản trong lãnh vực hàng tiêu dùng, nhà sáng lập tập đoàn Panasonic. Ông bắt đầu lao động rất sớm, ở tuổi 9 khi bố mẹ qua đời, sau đó ở tuổi 16 ông bắt đầu làm việc cho Công ty Đèn điện Ōsaka, và bỏ công việc thanh tra ở đó năm 23 tuổi để thành lập một công ty bán các phụ kiện cắm điện do chính ông thiết kế. Con đường xây dựng sự nghiệp bắt đầu từ đó.
Matsushita nổi tiếng là nhà quản lý có tài, vâng, “God of management”, và có tinh thần trách nhiệm với công nhân, xã hội quốc gia, và thế giới. Bên ngoài văn phòng của công ty Matsushita là một tấm bản được khắc trên đá, gồm tín điều và mục tiêu quản lý cơ bản của ông:
Nhận thức rõ trách nhiệm của mình với tư cách là những nhà công nghiệp, chúng tôi sẽ cống hiến hết mình cho sự tiến bộ và phát triển của xã hội cũng như hạnh phúc của con người thông qua các hoạt động kinh doanh của chúng tôi, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống trên toàn thế giới.
Một trong những câu nói có ảnh hưởng lâu dài nhất trong kinh doanh của Matsushita thể hiện triết lý kinh doanh của ông là:
Nếu chúng ta không thể tạo ra lợi nhuận, điều đó có nghĩa là chúng ta đang phạm một loại tội ác chống lại xã hội. Chúng ta lấy vốn của xã hội, chúng ta lấy người của nó, chúng ta lấy nguyên liệu của nó, nhưng không có lợi nhuận, chúng ta đang sử dụng các tài nguyên quý giá có thể được sử dụng tốt hơn ở những nơi khác.
Tinh thần của Matsushita là học hỏi và sống chánh niệm, mindful, trong mọi hành động đời sống, để nhận thức đúng mọi diễn biến của xã hội, thế giới và tự nhiên. “Tinh thần học là bước đầu tiên tiến tới phồn vinh” là một trong những câu châm ngôn của ông để thành công.
Ông giàu có, nhưng quan niệm “Sở hữu những tiện nghi vật chất không cách nào đảm bảo được hạnh phúc. Chỉ có sự giàu có về tinh thần mới có thể mang lại hạnh phúc thật là đích thực”.
Tại Đại học Stanford, ông có tài trợ chiếc ghế giáo sư về International Strategy and Management, Chiến lược quốc tế và Quản lý.
Chúng tôi cảm ơn anh Nguyễn Sơn Hùng, Tokyo, đã có bài giới thiệu rất bổ ích dưới đây của ông về quan niệm lễ của Matsushita. Nó cho thấy, ông không những là công dân đầy trách nhiệm với xã hội, con người, mà còn là công dân hoàn vũ phù hợp với văn hóa hành tinh hiện nay.
Câu hỏi dĩ nhiên, giới doanh nhân Việt Nam có quan niệm gì về Lễ và thể hiện thế nào? Lễ có thể trở thành một nhân tố đạo đức xã hội để góp phần nâng cao giá trị con người hay không?
Xem thêm Thế giới kinh doanh hôm nay và triết lý của Shibusawa Eiichi:
Thế giới kinh doanh hôm nay và triết lý của Shibusawa Eiichi
và Bàn về Lễ (I):
và Thư gửi Quý nhà giàu Việt Nam:
Nguyễn Xuân Xanh
15. 2. 2022
Lời giới thiệu của dịch giả Nguyễn Sơn Hùng
Từ trước đến nay tôi thường thắc mắc tại sao Nho học xếp lễ vào hàng thứ 2 sau nhân trong 5 đức tính quan trọng: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Đọc xong bài này tôi rất thấm thía tầm quan trọng của lễ. Quan điểm về lễ của tác giả rất khoa học, giúp chúng ta hiểu tại sao vai trò shitsuke, tu thân quan trọng trong việc xây dựng xã hội hạnh phúc, hòa bình và phồn vinh. Đó là động cơ dịch giả dịch bài này để giới thiệu đến quý độc giả.
Sơ lược về tác giả Matsushita Kônosuke
Bởi vì quý bạn đọc có thể xem chi tiết tiểu sử của tác giả Matsushita Kônosuke trên Wikipedia tiếng Việt hoặc tiếng Anh nên ở đây người viết chỉ xin được giới thiệu vài ấn tượng của người viết dành cho tác giả.
Ông sinh năm 1894 mất năm 1989, thọ 86 tuổi. Do cha ông thất bại trong việc đầu tư chứng khoáng và mất gần hết tài sản nên ông chỉ học đến lớp 4 bậc tiểu học và từ 9 tuổi phải rời quê hương lên thành phố Osaka vừa làm mướn vừa học nghề. Ngoài ra, cơ thể ông yếu đuối không khỏe mạnh như người bình thường. Thế mà ông đã sáng lập và xây dựng lên tập đoàn Matsushita, tiền thân của Panasonic ngày nay, và cũng là người có thu nhập cao nhất nước Nhật 10 lần trong các năm 1955~1959, 1961~1963, 1968 và 1984. Ngày nay người Nhật vẫn còn xem ông là thánh nhân kinh doanh của Nhật Bản.
Ngoài ra, ông còn sáng lập viện nghiên cứu PHP để nghiên cứu và xuất bản sách vở với mục đích giáo dục về đạo đức và luân lý con người và xã hội để truy tìm Hạnh phúc, Hòa bình và Phồn vinh cho nhân loại. Hơn nữa, ông còn quan niệm việc đào tạo các nhà chính trị và các nhà kinh doanh có tài cùng đức là rất quan trọng để duy trì, phát triển quốc gia nên ông cũng đã sáng lập trường Chính Kinh Matsushita và tự mình làm hiệu trưởng trong 8 năm đầu tiên.
Một đặc điểm khác của ông là mặc dù ông chỉ học ở trường đến lớp 4 tiểu học nhưng lại trước tác rất nhiều sách. Sách ông đã giải đáp nhiều gút mắt không hiểu của người viết về Nho học và Phật học. Người viết tin chắc rằng đó là do ông tự học và đã áp dụng vào thực tế nên những gì ông viết rất cụ thể và dễ hiểu. Đó cũng là một trong những động cơ mà người viết biên dịch để giới thiệu đến quý bạn đọc.
Nguyễn Sơn Hùng
⭐⭐⭐
- Lễ là bước thứ nhất để con người gia nhập vào sinh hoạt vốn tự nhiên đã sắp đặt sẵn cho con người. Nhờ biết lễ, giữ gìn lễ mà trật tự sinh hoạt con người được duy trì và con đường hòa bình được mở ra.
- Lễ có 3 loại. Lễ thứ nhất là lễ đối với vũ trụ căn nguyên lực. Lễ thứ hai là lễ đối với người. Lễ thứ ba là lễ đối với vật.
- Lễ thứ nhất hiện hữu trong tín ngưỡng. Lấy lễ thứ nhất làm căn bản thì lễ thứ hai, thứ ba trở nên rõ ràng minh bạch. Sẽ phồn vinh, khi nền tảng sinh hoạt con người đặt trên 3 loại lễ này.
***
Lễ có 3 loại: tín ngưỡng, đạo đức và kinh tế
Trong xã hội loài người có nhiều điều cần phải suy nghĩ, tôi nghĩ điều cơ bản đầu tiên cần phải bàn là chữ lễ.
Chỉ có con người mới biết giữ lễ. Ngoài con người, các sinh vật khác đều không có lễ. Người đời thường nói “Bồ câu có lễ tam chi” (1) nhưng tôi nghĩ đó chỉ là thói quen không phải ý thức lễ phép. Đây là điểm khác nhau giữa con người và động vật. Do đó, tôi nghĩ rằng để sống đúng nghĩa làm người, chúng ta phải đối xử lễ độ với nhau.
Tôi nghĩ rằng từ xưa, con người đã nghiên cứu nhiều về lễ, truyền miệng các kết quả và cũng như bắt phải tập luyện, thực hành qua nhiều hình thức. Có thể nói rằng lễ nghi giao thiệp, xã giao, lễ phép, phép lịch sự, các điều cần lưu tâm để ý trong cuộc sống hàng ngày của Nhật Bản (2) ngày nay tất cả đều được xây dựng từ các kết quả nói trên. Trong khi ở Nhật Bản lễ cũng đã được xem trọng tại sao Nhật Bản lại đột nhiên tham gia vào chiến tranh để phải nhận tình trạng đau thương của thua trận? Do đó, có thể có quan điểm cho rằng phải chăng Nhật Bản đã chưa thật sự tìm hiểu đến nơi đến chốn ý nghĩa cội nguồn của lễ, hoặc đã tìm hiểu đến cội nguồn nhưng trong quá trình truyền đạt cho đời sau đã truyền đạt sai trật, để rồi bị trói buộc gói chặt trong một khuôn khổ cố định, rốt cuộc ý nghĩa chân thật của lễ không được hiểu đúng và đã trở thành quan niệm chung, tập quán, thường thức của ngày nay? Với ý nghĩa này, ở đây tôi xin được lấy lễ làm đề tài và xem xét thử.
Lễ là gì? Đơn giản mà nói, tôi nghĩ lễ là thái độ tỏ lòng biết ơn và lòng thương yêu kính trọng (kính ái) với tâm tự nhiên (3) (hoặc tâm bẩm sinh) của mình đối với đối tượng. Nếu nói chính xác hơn thì lễ là thái độ sống thuận theo trật tự (hoặc chân lý) của vũ trụ (4).
Trật tự của vũ trụ, cái mà tôi gọi là trật tự thứ nhất, là lý (5) của trời đất tự nhiên, là đạo mà lực của vũ trụ căn nguyên (tôi nghĩ có thể xem là thần) (6) đã chỉ thị cho con người và vạn vật. Thái độ sống thuận theo lý của tự nhiên hoặc đạo của vũ trụ căn nguyên lực là lễ. Tôi nghĩ rằng từ trật tự vũ trụ mà trật tự của xã hội con người được cấu trúc và trật tự này được gọi là trật tự thứ 2, so với trật tự thứ nhất nói trên. Trật tự thứ 2 là trật tự xuất hiện cụ thể trong xã hội hiện thực của con người. Tóm lại, thái độ sống thuận theo lý của trời đất tự nhiên (5) là lễ, và lễ này là căn nguyên (gốc ban đầu, cội nguồn) trật tự của xã hội con người. Tôi nghĩ rằng nếu theo lễ này mà hành động thì con đường hòa bình sẽ mở rộng.
Hình trên chỉ các loại quan hệ giữa vũ trụ căn nguyên lực (6) và con người. Gồm có 3 loại quan hệ: đường (quan hệ với) sinh mệnh lực, đường (quan hệ với) quy luật tự nhiên mặt tinh thần, đường (quan hệ với) quy luật tự nhiên mặt vật chất. Như vậy, thái độ sống thuận theo trật tự của vũ trụ (5) gồm có 3 loại, và 3 loại lễ tương ứng như sau:
- Quan hệ với sinh mệnh lực. Nghĩa là, lòng biết ơn đối với vũ trụ căn nguyên lực (6).
- Quan hệ với quy luật tự nhiên mặt tinh thần. Nghĩa là, niềm vui, thương yêu kính trọng (kính ái) đối với việc hiểu biết, cảm thông giữa người và người.
- Quan hệ với quy luật tự nhiên mặt vật chất. Nghĩa là, lòng tôn trọng đối với mọi vật (vạn vật ngoài con người).
Loại lễ thứ nhất là với tâm tự nhiên (3) của mình, biểu hiện lòng biết ơn và kính trọng đối với vũ trụ căn nguyên lực (6); cảm tạ và cầu nguyện đối với lực căn bản đã sáng tạo ra con người, vạn vật và vận hành tất cả mọi thứ. Loại lễ này là tín ngưỡng, là tôn giáo.
Loại lễ thứ hai là đối với con người, yêu thương và kính trọng lẫn nhau với tâm tự nhiên (3) của mình. Loại lễ này là nhân luân (7), là đạo đức.
Loại lễ thứ ba là lòng tôn trọng mọi vật với tâm tự nhiên (3) của mình đồng thời phát huy đầy đủ tính chất của mọi vật và sử dụng một cách trân trọng. Loại lễ này là kinh tế.
Vũ trụ căn nguyên lực (6) là cố hương của con người
Để sản xuất ra phồn vinh chân thật con người cần phải biết rõ bản chất của mình đồng thời cần có thái độ sống thích hợp để cụ thể hóa, phát huy bản chất này. Điều này vẫn đúng như tôi đã nhiều lần đề cập. Nhưng thật ra căn bản của thái độ sống chính là lễ. Và tôi nghĩ rằng bước đầu tiên để dẫn tới phồn vinh bắt đầu từ lễ.Trong ý nghĩa này, tôi nghĩ rằng việc nhận thức đúng bản chất của con người là điều quan trọng để nghiên cứu đến nơi đến chốn về việc lễ cần phải có như thế nào mới đúng và thích hợp.
Nếu như nghĩ rằng con người cũng giống như chó, như khỉ, thì đương nhiên cách sống xứng đáng làm người sẽ không phát sinh ra. Không đến mức tồi tệ như vậy nhưng nếu có nhận thức hoặc hiểu sai lầm về bản chất con người, tôi nghĩ là thái độ sống cũng tự nhiên tiến theo con đường lầm lỡ.
Để biết đúng bản chất con người như thế nào trước hết cần phải xem xét tìm hiểu con người được sinh ra từ đâu, hoặc cố hương, gốc gác của con người ở đâu? Hiển nhiên là mọi người đều do cha mẹ sinh ra. Cha mẹ này do cha mẹ đời trước sinh ra. Cứ tiếp tục tra cứu tới sẽ tìm đến thủy tổ (8) của con người.
Nhưng nếu hỏi thủy tổ của con người do ai tạo ra đây thì tôi nghĩ phải nói là lực của vũ trụ căn nguyên (6), (9). Như vậy thì thủy tổ con người liên quan với vũ trụ căn nguyên lực. Nói liên quan là có nghĩa rằng vũ trụ căn nguyên lực là cố hương của con người, và đã sinh thành ra con người. Tôi nghĩ rằng mọi người chúng ta cần phải hiểu rõ hình ảnh này. Hình ảnh mà mọi con người chúng ta cùng nhau liên quan với vũ trụ căn nguyên lực thông qua cha mẹ và tổ tiên của chúng ta.
Thuyết tiến hóa cho rằng hàng vạn năm về trước con người là loài khỉ và từ đó tiến hóa dần thành loài người. Thuyết tiến hóa có thể xem như là một cách nhìn, một quan điểm của học thuật nhưng bản thân tôi, tôi không muốn có một tư duy nghèo nàn cho rằng loài khỉ là tổ tiên của chúng ta. Con người từ đầu là con người, ngựa từ đầu là ngựa, và không phải đột nhiên được sinh ra mà được hình thành bởi lực của vũ trụ căn nguyên, đồng thời hoàn toàn có quan hệ, nối kết liên quan lẫn nhau thông qua tổ tiên từ đời này sang đời khác. Và cố hương của con người chúng ta là vũ trụ căn nguyên lực. Tôi nghĩ rằng đây là bước đầu tiên để biết bản chất của con người.
Đặng Tiểu Bình bắt tay Konosuke Matsushita tại xưởng chế tạo máy truyền hình Panasonic ở Osaka, năm1978. “Tôi sẽ làm tốt nhất để giúp ngài”, Matsushita nói với Đặng. Courtesy of Panasonic Corporation
Lễ thứ nhất – Tín ngưỡng
Như vậy vấn đề kế tiếp là con người có khả năng gì, và nội dung khả năng đó như thế nào? Điều giải thích ở trên không giới hạn cho con người mà cả bò cả ngựa đều phát sinh ra từ lực của vũ trụ căn nguyên. Như vậy con người và động vật khác nhau ở chỗ nào? Con người được vũ trụ căn nguyên lực ban phú cho sinh mệnh để làm người. Nói là sứ mệnh sống làm người là bởi vì trong tất cả sinh vật được vũ trụ căn nguyên lực ban phú cho sinh mệnh, sứ mệnh sống làm người là sinh mệnh vĩ đại nhất, và điều này cũng có nghĩa là con người được ban phú cho một sức lực, một khả năng của người đại lý, người thay mặt cho vũ trụ căn nguyên lực.
Nếu gọi vũ trụ căn nguyên lực bằng tên khác là thần, tôi nghĩ rằng con người được tạo ra để tượng trưng cho thần, nghĩa là con người được thần ban phú một loại sinh mệnh để thay mặt thần xử lý chính mình và vạn vật. Cách suy nghĩ này là quan niệm của tôi về con người. Do đó tôi nghĩ rằng con người vốn dĩ không thể có việc phiền não, khốn khổ, lúc sinh ra là đã được thần ban phú cho phồn vinh, hòa bình và hạnh phúc, đây chính là hình ảnh sinh mệnh lực của con người, là bản chất của con người.
Nói một cách khác con người vốn dĩ được ban phú cho một loại sinh mệnh lực có thể vận doanh cuộc sống hạnh phúc, hòa bình và phồn vinh, và đây mới là hình dạng chân thật của con người. Tuy nhiên, trong hiện thực phải nói là không dễ dàng như vậy, tôi nghĩ đó là bởi vì mỗi con người đều đã quên mất hoặc không có nhận thức bản chất con người như đã nói ở trên. Tôi nghĩ cũng vì lý do này nên còn nhiều chuyện bất hạnh sẽ xảy ra cho con người.
Bản chất con người được sinh ra với hình dạng hạnh phúc, hòa bình và phồn vinh. Để cho điều này có được trong cuộc sống, con người trước hết tự nhận thức bản chất này, và cụ thể hóa nó trong thái độ sống, và lễ bắt đầu từ căn bản này. Nghĩa là, lễ là nguyên động lực dẫn đến hạnh phúc, hòa bình và phồn vinh.
Từ đó tôi nghĩ rằng trước hết biết lực của vũ trụ căn nguyên và dâng lên lòng cảm ơn và cầu nguyện đối với lực là chủ yếu nhất và đây là loại lễ thứ nhất. Có nghĩa là biết liên quan, kết nối giữa con người và vũ trụ căn nguyên lực và nhận thức bản chất con người ở đó và dâng lên lòng cầu nguyện, biết ơn đối với việc vũ trụ căn nguyên lực ban phú cho con người hạnh phúc, hòa bình và phồn vinh như sinh mệnh lực. Việc làm này là loại lễ thứ nhất.
Và tôi nghĩ rằng loại lễ thứ nhất này là lòng tín ngưỡng tự nhiên (bẩm sinh), từ đó tinh thần an tâm lập mệnh được bồi dưỡng, niềm vui trong cuộc sống dâng trào lên.
Tôi nghĩ tín ngưỡng không thể có gì khác hơn điều nói trên. Nếu có nội dung khác thì đó chỉ là do lòng mê tín tạo ra. Tôi nghĩ tín ngưỡng của Phật giáo, Kitô giáo kết cuộc cũng đặt tiêu điểm vào nội dung nói trên.
“Con đường”, một trong hơn bốn chục quyển sách của Matsushita Kônosuke, đã bán trên 4 triệu bản (có bản tiếng Việt)
Lễ thứ hai – Đạo đức
Loại lễ thứ hai là lễ của người đối với người, là giao tiếp, ứng xử lẫn nhau bằng yêu thương và tôn kính. Bởi vì như đã trình bày ở phần trên, bản chất con người, nghĩa là ở mỗi con người, sinh mệnh lực được ban phú từ vũ trụ căn nguyên lực với những hình thức riêng biệt khác nhau nhưng có cùng chung một sứ mệnh là thực hiện hạnh phúc, hòa bình và phồn vinh. Do đó, con người cần phải chấp nhận nhân cách lẫn nhau, của mình và của người, hiệp lực và giúp đỡ lẫn nhau để sống.
Chủ nghĩa dân chủ thật ra xuất phát từ đây. Chính do việc con người hiểu biết, tôn kính và giữ lễ lẫn nhau mà thái độ của dân chủ chủ nghĩa tự nhiên xuất hiện.
Tuy nhiên, loại lễ thứ hai nói ở đây là nhân luân (7) được phát sinh dựa trên tín ngưỡng, nghĩa là quan hệ giữa người và người lập trên nền tảng của tín ngưỡng, tôi nghĩ đạo đức bắt nguồn từ tín ngưỡng này là bất biến, không thay đổi theo thời gian. Nói đạo đức không thay đổi theo thời đại, đương nhiên sẽ có ý kiến phản đối “Không phải vậy. Đạo đức thay đổi theo tình thế xã hội”. Thuyết này nhất thời cũng hợp lý.
Thí dụ thuở xưa tuẫn tiết, đâm bụng chết theo chủ được xem là mỹ đức và được tán dương là hành vi tỏ bày lòng trung tiết. Tuy nhiên ngày nay không còn ai phục tùng theo. Ngược lại được xem là ác đức, là xem thường sinh mệnh. Tình trạng này dễ đưa đến ý tưởng là tiêu chuẩn đạo đức thay đổi theo thời đại. Tuy nhiên điều này không phải là tiêu chuẩn thay đổi, ngược lại chính việc tán tụng tuẫn tiết là sai lạc; chẳng qua là thái độ cần phải thay đổi đã phải đổi thay thôi. Tôi nghĩ rằng nguyên nhân là bởi vì bản chất của con người không được nắm rõ nên đưa đến sai lạc ở cơ sở lý luận của đạo đức.
Nếu loại lễ thứ hai được phát sinh hoặc hình thành từ loại lễ thứ nhất thì trở thành đạo đức, và đạo đức này được xem là bất biến. Tuy nhiên, thái độ biểu hiện loại lễ thứ hai sẽ tiến bộ theo thời đại và có thể có trường hợp càng ngày càng tốt đẹp hơn. Ngoài ra, theo tiến hóa của văn hóa, thí dụ máy bay trở thành phương tiện đi lại hàng ngày thì có lẽ sẽ có hình thức mới của lễ. Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, nếu lĩnh hội đúng quan niệm về con người và dựa vào cơ sở lý luận đã lấy loại lễ thứ nhất làm căn bản thì dù thái độ, hình thức của loại lễ thứ hai có thay đổi nhưng tiêu chuẩn của đạo đức tuyệt đối không thay đổi.
Loại lễ thứ hai là lễ đối với xã hội con người. Do đó, loại lễ này không những đối với người đang còn sống mà còn bao gồm cả lễ đối với những người đã mất. Tôi nghĩ rằng việc sùng bái đối với tổ tiên, tiền nhân hoặc lễ bái đối với phật Thích Ca, chúa Giêsu, tạ ơn đối với các nhà phát minh vĩ đại như Thomas Alva Edison được xem như điều phải làm,và được bao gồm trong loại lễ thứ hai.
Trong trường hợp này, tôi nghĩ vấn đề là lễ phép, lễ nghĩa, lễ bái, nghĩa là vấn đề hình thức. Bản thân tôi không muốn cố chấp, cưỡng chế vào khuôn khổ, hình thức. Nghĩa là tôi không nghĩ đến việc nếu không gò bó theo một hình thức nhất định nào đó thì không phải là hành vi tạ ơn. Có người cho rằng chấp 2 bàn tay là biểu hiện tôn kính, cũng có người nói là phải quỳ gối mới đúng. Có nhiều hình thức khác nhau nhưng bất kỳ hình thức nào nếu không phải là lòng chí thành biết ơn và lòng tín ngưỡng không nảy mầm từ đó thì ý nghĩa của lễ, nghĩa là tinh thần của lễ không sống dậy. Bất kỳ hình thức gì nếu có lòng tín ngưỡng nảy mầm trong đó thì đủ là căn bản cho loại lễ thứ hai. Tôi nghĩ rằng không phải chỉ đơn thuần thực hiện cho được hình thức của lễ mà tâm căn (10) lúc thực hiện lễ mới thật sự là quan trọng nhất.
Matsushita Kônosuke đi xe đạp tại xưởng điện Matsushita.
Courtesy of Panasonic Corporation
Lễ thứ ba – Kinh tế
Loại lễ thứ ba là lễ đối với vật (11), lễ đối với tự nhiên. Nhưng chắc sẽ có người nói “Đối với vật thì cần gì phải bày tỏ cảm giác tinh thần”. Nhưng tôi nghĩ chúng ta ai cũng có ý niệm biết ơn đối với không khí, nước, mặt trời, và cũng có lòng yêu mến động vật, lòng trân trọng sử dụng dụng cụ, máy móc. Điều này chính là lễ nói ở đây. Loại lễ này cũng phát sinh ra từ gốc rễ, cơ bản của loại lễ thứ nhất. Nghĩa là vật cũng được vũ trụ căn nguyên lực hình thành và vận hành. Cây cỏ, thực vật sinh trưởng nhanh chóng là tác dụng của vũ trụ căn nguyên lực nuôi dưỡng vạn vật. Việc biết ơn sự tồn tại của vật không khác gì với việc kết nối với vũ trụ căn nguyên lực. Trong ý nghĩa này, mọi con người cần phải cùng nhau biết ơn đối với vật được ban phú, và cần phải biết giá trị của vật tức là sứ mệnh mà vũ trụ căn nguyên lực đã giao phó cho vật để phát huy đầy đủ khi sử dụng hay tiêu thụ chúng. Dù là một cái tách để đựng trà nhưng thái độ, phong cách sử dụng rất khác nhau tùy theo có tấm lòng nói trên hay không. Nếu không có tấm lòng tôn trọng đồ vật tự nhiên sẽ sử dụng cẩu thả và chắc sẽ nhanh chóng làm bể vỡ. Đó là hành vi không phát huy được sứ mệnh của vật thể mà trở thành cái gọi là sát sinh.
Trong quý vị tôi nghĩ chắc có người đã đọc qua, trong tiểu thuyết “Shinsho Taikôki” (Tân thư Thái Cáp Ký) của Yoshikawa Eiji (Cát Xuyên Anh Trị) có viết chuyện sau đây. Trước giờ phút lâm chung tuẫn tiết ở thành Sakamoto, Akichi Samanosuke Mitsuharu (12) đã trao lại cho võ tướng địch tấn công thành là Hori Kenmotsu (Quật Giám Vật) các đồ vật có thể nói là gia bảo của Akichi Mitsuhide (Minh Trí Quang Tú) gồm có mặc tích (13), ấm đun nước của Hư Đường (14), chén trà (15) đặc sản, thanh kiếm dài và một số đồ vật khác và nói rằng “Nếu đã thua cuộc, cả thiên hạ còn phải vào tay người thắng thời kế tiếp huống hồ gì một số dụng cụ uống trà, danh kiếm thì có nghĩa lý gì. Nhưng tôi nghĩ là bảo vật quý giá có sinh mệnh của chúng, nên chúng cần phải là đồ vật của người nên có, nhất định không phải là đồ vật sở hữu của riêng tôi. Tôi tin chúng là đồ chung của thiên hạ, là bảo vật đời này sang đời khác. Đời người ngắn ngủi nhưng tôi cầu mong sinh mệnh của dụng cụ, bảo vật có danh tiếng kế tục lâu dài đời đời. Để chúng bị cháy trong lửa là tổn thất của quốc gia, và sẽ bị hậu thế than trách cho là vô tâm của kẻ võ biền. Đó là lý do tôi phó thác chúng lại cho ngài”.
Đoạn văn này thật sự biểu hiện rất rõ thái độ giữ lễ đối với đồ vật của Mitsuharu, tràn đầy nhân cách trân trọng đồ vật của ông.
Phần trên là nội dung tôi cần phải nói (16) về cách suy nghĩ cơ bản của lễ. Cho đến nay, nếu nói đến lễ có thể nói người ta chỉ nghĩ đến quan hệ giữa người và người. Do đó, có thể nói tinh thần của lễ hay nói khác đi là cơ sở lý luận để suy nghĩ xem xét về lễ có khuynh hướng bị quên lãng và bị ràng buộc, gò bó vào phần hình thức. Đây là lý do mà tôi đã đào sâu ý nghĩa cội nguồn của lễ.
Nguyễn Sơn Hùng
8/1/2021
(*) Nguồn: “Ý nghĩa cội nguồn của Lễ” trong sách “Triết học của Matsushita Kônosuke”, cơ quan phát hành: Viện nghiên cứu PHP, năm 2002, trang 136~147. Bài thứ 29 được đăng vào tháng 5 năm 1950 trong nguyệt san của Viện nghiên cứu PHP trong 40 bài “Lời ngỏ của PHP” sau được tổng hợp thành sách với tựa “Lời ngỏ của PHP” xuất bản năm 1953, cải biên năm 1975, vào năm 2002 được biên soạn lại và xuất bản với tựa mới là “Triết học của Matsushita Kônosuke”. Sau đó sách này được tái bản vào năm 2009. Phiên bản dùng để dịch là phiên bản năm 2002.
Ghi chú
(1) Bồ câu con thường đậu phía dưới cha mẹ chúng cách 3 nhánh cây nên người Nhật thường giải thích ngay cả bồ câu còn biết giữ lễ phép đối với đấng sinh thành.
(2) Nguyên văn là “chúng ta” nhưng ở đây dịch là Nhật Bản để dễ đọc.
(3) Tâm tự nhiên (nguyên văn là sunao na kokoro) là một khái niệm triết học quan trọng của Matsushita Kônosuke, nghĩa gốc gần giống như “chân tâm”, “tâm bẩm sinh”, “tâm vô nhiễm” nhưng hàm chứa nhiều ý tưởng khác nên ở đây tạm dịch là “tâm tự nhiên” để phân biệt. Tâm tự nhiên tương tự như “phật tánh” của Phật học, “tâm bất sinh” của thiền sư Bankei Eitaku (Bàn Khuê Vĩnh Trác, 1622~1693), “lương tri” của Vương Dương Minh (1472-1528). Mười đức tính của tâm tự nhiên là không vị kỷ, biết lắng nghe ý kiến người khác, khoan dung, nhìn thấy thật tướng của sự vật, hiểu biết đạo lý của sự việc, hiếu học, thung dung tự tại, điềm tĩnh, biết giá trị sự vật, bác ái (Theo “Để có được tâm tự nhiên”, Matsushita Kônosuke (2004, 2006), Viện nghiên cứu PHP).
(4) Từ ngữ “vũ trụ” có thể làm chúng ta cảm thấy không hợp với loại lễ giữa con người với nhau hoặc lễ của con người đối với đồ vật nhưng nếu chúng ta nghĩ “sống thuận hợp theo quy luật tự nhiên hoặc quy luật của tạo hóa” thì sẽ không còn cảm thấy không hợp lý nữa bởi vì quy luật tự nhiên có tính khoa học và khách quan, và con người không thể đối kháng lại mà không thất bại.
(5) Dịch giả cho rằng có thể hiểu là “quy luật tự nhiên”. Nghĩa là “lễ là sống thuận theo quy luật tự nhiên”, rất khoa học. Vấn đề khó là biết được chính xác cái gì là quy luật của tự nhiên.
(6) Dịch giả nghĩ có thể xem là “hóa công” hoặc “đấng tạo hóa”.
(7) Nhân luân: luân lý con người; quan hệ và trật tự giữa người và người.
(8) Thủy tổ: ông tổ đầu tiên.
(9) Dịch giả nghĩ rằng nếu nói chính xác “lực” là sức thì không thể sinh ra, nên nói là vũ trụ căn nguyên sinh ra là hợp lý hơn. Tuy nhiên, ở đây có lẽ tác giả muốn nói nhờ sức mạnh, nhờ lực lượng của vũ trụ căn nguyên mà con người được sinh thành. Có căn nguyên nhưng không có sức, không có khả năng thì không làm được việc này.
(10) Tâm căn: đáy lòng, chân tình, bản tính.
(11) Vật: ở đây chỉ mọi vật ngoài con người gồm đồ vật, sinh vật, vật chất.
(12) Akichi Samanosuke Mitsuharu (Minh Trí Tả Mả Chi Trợ Quang Xuân, 1536 ?~1582). Tên này ghép lại 2 tên đã dùng. Ngoài còn có tên là Mitsuhide (Quang Mãn). Là trọng thần của Akichi Hidemitsu.
(13) Mặc tích: bút tích viết bằng mực đen và bút lông của các cao tăng thiền tông.
(14) Hư Đường là Hư Đường Trí Ngu (1185~1269): cao tăng của thiền tông Lâm Tế đời Nam Tống. Có nhiều thiền tăng theo học trong đó có Nampo Shômyo (Nam Phổ Thiệu Minh, 1235~1309 ) kế thừa pháp này đem về Nhật. Sau đó do 2 tông phái Đại Đức Tự và Diệu Tâm Tự truyền lại cho đến nay. Trà đạo có quan hệ mật thiết với thiền của môn phái Đại Đức Tự và mặc tích của thiền sư Hư Đường được trân trọng trong giới trà đạo.
(15) Chén trà dùng trong trà đạo.
(16) Theo cách nói này có lẽ đây là nội dung của bài nói chuyện của tác giả nên trong có vài đoạn có khuynh hướng nhắc đi nhắc lại.