Khoa học và Phát triển (Tọa đàm Đại học Fulbright)

by , under Uncategorized

KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN

Nguyễn Xuân Xanh

 

Trong chuỗi sự kiện “Thế giới bên ngoài trang sách” do chương trình Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức, ngày 15.1.2022, có buổi sinh hoạt Hội thảo trực tuyến và giới thiệu quyển sách

VIỆT NAM – HÔM NAY VÀ NGÀY MAI

Dành cho học viên Đại học này; Người chủ trì buổi hội thảo: GS Nguyễn Nam, ĐH Fulbright

Thời gian: Sáng ngày thứ Bảy, 15. 1. 2022

Tham dự buổi đó, trong sự giới hạn thời gian, còn có GS Trần Văn Thọ, Nhà nghiên cứu Phạm Chi Lan, Luật sư Trương Trọng Nghĩa, GS Huỳnh Thế Du, và Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến được mời phát biểu. Số tham dự viên tại cao điểm: 88.

Dưới đây là bài phát biểu của tôi.

Chân lý là đứa con của Thời đại, không phải của quyền uy. Và sẽ là điều sĩ nhục cho nhân loại nếu các lãnh vực của thế giới vật chất, các quốc gia, biển cả, tinh tú trong thời đại chúng ta đều được mở rộng vô biên và được soi sáng, nhưng biên giới của thế giới trí thức thì lại bị bó hẹp trong cái góc chật hẹp của thời Trung cổ.

Francis Bacon

 

Những giáo điều của quá khứ yên ả không thích hợp với hiện tại đầy giông bão. Cơ hội bị chồng chất với những khó khăn, và chúng ta phải vươn lên.

Abraham Lincoln

 

Xin có một số nhận xét về vai trò của Khoa học và Công nghệ (KH & CN) trong lịch sử phát triển thế giới: Cái gì đã

  • Khai sáng nhân loại khỏi tư duy Trung cổ?
  • Làm cho cuộc sống con người phong phú, tiện nghi, và văn minh như hôm nay?
  • Tăng trưởng nhanh chiếc bánh kinh tế?
  • Làm cho phương Tây giàu có và quyền lực ở thế kỷ 19?
  • Còn là công cụ cần thiết cho các quốc gia đi sau mau chóng tiến lên phồn vinh và bắt kịp các nước đi trước?

Xin trả lời: Khoa học và Công nghệ.

  • Trong 7 môn khai phóng của các đại học trung cổ thì có 4 môn là khoa học: logic, số học, hình học, thiên văn học (những môn còn lại là văn phạm, hùng biện, và âm nhạc).

Không phải để “kể công” cho KHCN. Để xã hội phát triển thành công cần sự đồng hành của các ngành khác, như tư tưởng, thể chế, văn hóa, ý thức lịch sử, y tế, giáo dục, kinh tế, kinh doanh, là các lãnh vực mà quyển sách VIỆT NAM HÔM QUA VÀ NGÀY MAI đều bao phủ. Ngay cả tôn giáo cũng có thể có vai trò tích cực.

Nhìn sang các quốc gia Đông Á, người ta thấy vai trò của KHCN và nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state) là hai nhân tố nổi cộm trong cuộc hóa rồng. Nhà nước dẫn dắt thị trường nhưng không can thiệp, không cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân, ngược lại giúp phát triển mạnh hơn các ngành công nghệ mũi nhọn cần đầu tư khoa học, và vốn liếng, v.v. Người ta còn gọi một nhà nước đầu tư để phát triển những ngành công nghệ mũi nhọn tương lai là Nhà nước khởi tạo (Entrepreneurial State[1]).

Hiện trạng: Việt Nam đang ở trong bẫy thu nhập trung bình thấp, dự kiến đạt thu nhập trung bình cao năm 2030 và trở thành nước phát triển năm 2045, có cơ may ra khỏi bẫy thu nhập trung bình hay không? Muốn thế, nên xem xét: Việt Nam đã có được KHCN phát triển và nhà nước kiến tạo phát triển hay chưa? Xin nhường lại cho thính giả nhận xét. Riêng tôi nghĩ là chưa. Thực tế, đàng sau bẫy thu nhập trung bình là bẫy nhận thức chưa đúng mức, và chưa có một nhà nước kiến tạo phát triển để đẩy mạnh công nghiệp hóa.

Trung bình mỗi quốc gia phát triển để hóa rồng cần 30-40 năm. Việt Nam đã đổi mới 35 năm với thu nhập bình quân đầu người hiện tại chưa đầy $3.000. Hàn Quốc đổi mới trong 39 năm để trở thành quốc gia có thu nhập đầu người từ $80 năm 1961, lúc Park Chung Hee lên nắm quyền tiến hành công nghiệp hóa, đến $13.000 năm 2000.

Câu hỏi: Vì sao phát triển KHCN bị chậm ở VN? Bài viết có đề tài FRANCIS BACON – FUKUZAWA YUKICHI – (TRUNG QUỐC) và VIỆT NAM trong sách VIỆT NAM – HÔM NAY VÀ NGÀY MAI xem xét vấn đề này.

 

FRANCIS BACON (1561-1626)

Khoa học hiện như chúng ta có ngày hôm nay mới hình thành 400 năm trước và như một làn gió thổi qua trái đất, bắt đầu từ cái nôi Xứ sở buổi chiều, tác động có tính đột phá lên toàn thế giới. Đầu thế kỷ 17, người gióng lên tiếng chuông thức tỉnh chống lại cái học chỉ nhìn về các tượng đài của Hy Lạp cổ đại, đặc biệt Aristote, trụ cột khoa học của Giáo hội La Mã, và đã chỉ ra cách phát triển Khoa học hiện đại, là Francis Bacon.

Somer Francis Bacon.jpg

Francis Bacon (1561-1626)

Khoa học mới được tạo ra từ sự quan sát, thí nghiệm, đánh giá bằng toán học, dùng phép quy nạp (induction) để suy đoán ra định luật thiên nhiên. Mục đích của khoa học mới là tạo ra tri thức hữu dụng (useful knowledge) và phục vụ nhân loại. Bởi vì chúng ta không thể điều khiển tự nhiên, trừ khi chúng ta tuân thủ nó, như Bacon nói. Do đó phải hiểu quy luật chi phối tự nhiên. Tri thức là sức mạnh. Đối với Bacon, anh hùng không phải là vua chúa, hay người đi chinh phục các nước khác, mà là các nhà khoa học, công nghệ, vì bằng những phát minh của mình, họ phục vụ cho nhân loại để cải thiện đời sống.

Galilei, người đương thời của Bacon, làm y chang như thế, nhưng hoàn toàn độc lập với ông, để có nhiều khám phá vật lý thú vị, đặc biệt định luật rơi tự do, sau này là cơ sở của lực hấp dẫn của Newton. Ông được Einstein gọi là nhà vật lý hiện đại đầu tiên của thế giới.

Ảnh hưởng Bacon là rất lớn trên lục địa châu Âu: Sự thành lập của Royal Society, cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 18 ở Anh, khoa học của Charles Darwin, Thuyết tiến hóa; Nhóm Encyclopeadists xung quanh Diderot ở Pháp; nhà triết học Immanuel Kant, v.v. Bacon có ảnh hưởng lên cả Hoa Kỳ, đất nước này phát triển khoa học ứng dụng là chính, trước khi tiếp xúc với khoa học lý thuyết châu Âu đầu thế kỷ XX.

 

FUKUZAWA YUKICHI (1835-1901)

Thế kỷ 19, ngọn gió KHCN của phương Tây thổi đến phương Đông qua những chiếc tàu chiến của phương Tây.

Đường giao thông trên thế giới là phương tiện để làn gió của văn minh phương Tây thổi vào phương Đông. Khắp mọi nơi, không có cỏ cây nào có thể ngăn được làn gió văn minh này.

Người viết lên câu đó là Fukuzawa Yukichi trong Thoát Á luận, nhà khai sáng hàng đầu của Nhật Bản Minh Trị. Cũng như Francis Bacon, ông cũng nhận thức sâu sắc sự lạc hậu của lối học không tạo ra khoa học của Nhật Bản để giúp ích cho cuộc canh tân đang đòi hỏi trước mắt.  Ông kêu gọi thực học, từ bỏ lối học Nho giáo, cái học vô bổ, vùi mình trong thi ca, lý luận rỗng, tranh luận trà dư tửu hậu. Phải giải phóng con người khỏi các nhà giam của văn hóa cũ, để hướng năng lượng được giải phóng của họ vào nhiệm vụ mới: xây dựng con người mới có thực học, có tri thức phương Tây, có trách nhiệm đầy đủ với bản thân, gia đình và xã hội, gấp rút chuẩn bị cuộc chuyển đổi kinh tế quốc gia, nhanh chóng làm cho quốc phòng mạnh lên để bảo vệ tổ quốc an toàn.

Yukichi Fukuzawa 1891.jpg

Fukuzawa Yukichi (1835-1901)

 

TRUNG QUỐC ĐẦU THẾ KỶ XX

Tại sao thời gian qua Trung Quốc có cuộc phát triển nhanh chóng như vậy? Điểm nổi bật của họ vẫn là KHCN, mẫu số chung với các quốc gia hóa rồng, như mọi người thấy. TQ vốn là đất nước có nhiều phát minh như thuốc súng, la bàn, in block, tiếp xúc rất lâu với phương Tây nhưng không chịu học, vì họ quá tự hào về nền văn minh của họ, về “cách vật trí tri” của họ mà họ nghĩ rằng ưu việt hơn khoa học phương Tây, nên tỏ ra khinh khi. Họ chỉ xây dựng một số công xưởng đóng tàu và chế tạo súng, nghĩ là đủ.

Cho đến khi họ bại trận đau đớn trong cuộc chiến Thanh-Nhật năm 1894-95 trước Nhật Bản, người học trò nhỏ bé của mình, họ mới bừng tỉnh và mới nhìn thấy sức mạnh của Khoa học, thấy Nhật Bản là hiện thân đích thực của cái học hữu dụng phương Tây. Từ đó, giới tinh hoa đã lao vào KH và nghiên cứu, truyền bá KH, thành lập các tổ chức khoa học, có khi ở Mỹ, ở Nhật, ở TQ. Một cuộc dấn thân mới bắt đầu.

Hồ Thích, một trong những học giả cải cách, nhận xét về sự khác biệt giữa Đông và Tây trong sự phát triển:

Phương Tây trong suốt hai trăm năm qua đã vượt xa phương Đông chỉ vì một số quốc gia phương Tây đã có thể tạo ra những công cụ mới để chinh phục thiên nhiên và để nhân rộng sức mạnh. Phương Đông … bị bỏ lại phía sau trong tình trạng lao động chân tay trong khi thế giới phương Tây từ lâu đã bước vào thời đại hơi nước và điện.

Cao điểm của phong trào thức tỉnh này được thể hiện ở những cuộc biểu tình lớn cả nước ngày 4 tháng 5, 1919, gọi là Ngũ Tứ, chống lại Hòa ước Versailles không trao trả tỉnh Sơn Đông vốn thuộc địa của Đức lại cho TQ mà lại trao cho Nhật Bản. Di chúc của phong trào ngũ tứ để lại là: Chỉ có Khoa học và Dân chủ mới cứu rỗi được đế chế Trung Hoa. Sau đó các đảng phái như Quốc dân Đảng và Đảng CSTQ ra đời.

 

VIỆT NAM

Chúng ta không có Francis Bacon, Fukuzawa Yukichi hay một di chúc kiểu phong trào Ngũ Tứ. Làn gió khai sáng khoa học dừng lại tại biên giới Việt Nam, vì nhiều lý do, ngoại tại, cũng như nội tại. Các nhà cải cách như Phan Châu Trinh đọc Tân thư của Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi và rất phấn khởi, cảm nhận nó như một cứu rỗi. Nhưng như học giả Vĩnh Sính nhận định, số người đổi mới thì ít, trong khi số người muốn giữ nguyên hiện trạng là đông đảo. Di sản của Nho giáo rất nặng nề.

Khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” nổi tiếng của cụ Phan Châu Trinh, nhưng đó không phải là khẩu hiệu được giới tinh hoa VN chia sẻ rộng rãi, và nội hàm cũng không được giải thích nhiều hơn. Cụ Phan Châu Trinh còn biết trước ông sẽ thất bại, vì nó không hợp với “khẩu vị” của người Việt, và Phan Bội Châu với “văn chương tám vế” sẽ “tất thắng”, vì sẽ được nhiều người theo hơn.

Một nhà phê bình văn học nổi tiếng Việt Nam (Hoài Thanh), có lẽ tuyệt vọng với cái học không nghiên cứu và thiếu tính khoa học của VN nên đã viết ra những lời sau đây năm 1936 trên báo Sông Hương:

Nếu dân tộc này không bao giờ tự dựng lên được một nền học thuật thì chẳng nói hai mươi triệu, có đông đến hai trăm triệu cũng là một dân tộc bỏ đi, một dân tộc không có trên pho lịch sử văn minh loài người.

Thực tế, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có nền học thuật, khoa học (Wissenschaft, để dùng từ của Wilhelm von Humboldt) phát triển và nhà nước kiến tạo phát triển, để giúp thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

 

KẾT LUẬN

Tôi không muốn “bi thảm hóa”, và luôn luôn chờ đợi những tia hy vọng mới sáng sủa hơn, như chứng cứ của những bước phát triển đặt nền tảng cho sự hóa rồng. Chúng ta đã có thay đổi, nhưng chúng ta cần thay đổi thông minh hơn, như nhà văn Mỹ Lionel Trilling nói. Muốn thế chúng ta cần có nhiều trí tuệ hơn. Sự tập hợp của 22 trí thức trong quyển sách VIỆT NAM là một nỗ lực góp ý trong hướng đó.

Cuối cùng, tôi xin có vài lời gửi đến các bạn học viên Fulbright.

OKUMA Shigenobu.jpg

Ōkuma Shigenobu (1838-1922)

Ngày 10, tháng 1, 2022 – cách đây đúng 5 ngày – đánh dấu 100 năm ngày mất của Ōkuma Shigenobu, một trong những chính khách lập quốc lỗi lạc thời Nhật Bản Minh Trị (hai lần làm thủ tướng), người rất yêu dân chủ và khoa học phương Tây, và là người sáng lập Đại học Waseda năm 1882[2]. Ông đã để lại một thông điệp có tầm nhìn thế giới cho thanh niên Nhật Bản khi ông nói: Hãy là “công dân mẫu” của quốc gia, và “công dân toàn cầu” của thế giới, như một trách nhiệm cao cả, xin trích:

Nhật Bản hôm nay đứng giữa hai nền văn hoá Đông và Tây. Lý tưởng lớn của chúng ta nằm ở chỗ tạo dựng sự hài hoà của hai nền văn hoá này, và ở sự nâng nền văn minh phương Đông lên ngang tầm của nền văn hoá phương Tây, để cho hai nền văn hoá cùng tồn tại trong sự hài hoà…Để đạt được điều đó, chúng ta trước nhất phải biến độc lập của sự học và sự áp dụng của nó thành mục tiêu chính yếu của chúng ta; chúng ta phải nỗ lực theo đuổi nghiên cứu độc đáo và sau đó áp dụng kết quả của các nghiên cứu một cách thực tiễn.

Để có thể trở thành công dân mẫu, tri thức thôi không đủ; sự xây dựng một nhân cách đạo đức là cần thiết… Do đó, nguyên lý cơ bản của giáo dục phải là sự rèn luyện tính cách. Người ta trở thành ích kỷ nếu chỉ nỗ lực thu thập tri thức chuyên môn và quên đi những điều tôi nói ở trên. Hơn nữa, tinh thần tự hy sinh của con người cho quốc gia họ và cho thế giới sẽ từ từ suy sụp đi…

Tôi hy vọng các bạn học viên của trường Fulbright cũng sẽ đi trên con đường đổi mới sáng tạo đó, đủ tri thức khoa học, và đức độ để góp phần thích đáng của mình vào cuộc chấn hưng quốc gia đang chờ bàn tay các bạn.

Nguyễn Xuân Xanh

  1. 1. 2022

 

Xem thêm:

  • Francis Bacon – Fukuzawa Yukichi – (Trung Quốc ) và Việt Nam:

Francis Bacon – Fukuzawa Yukichi và Việt Nam

  • Giới thiệu sách Việt Nam – Hôm nay và Ngày mai:

Giới thiệu sách VIỆT NAM – HÔM NAY và NGÀY MAI

 

[1] Xem sách The Entrepreneurial State của Mariana Mazzucato, có bản tiếng Việt Nhà nước khởi tạo của Cty Khải Minh Book, 2020.

[2] Ōkuma Shigenobu cũng là người từng gặp gỡ cụ Phan Bội Châu, và trao đổi về sự giúp đỡ Nhật Bản cho Việt Nam để giải phóng đất nước khỏi Pháp, nhưng mọi sự bất thành.