LEONARDO DA VINCI 500 NĂM
Vài ghi chép
Nguyễn Xuân Xanh
Những món quà vĩ đại nhất thường rơi xuống như mưa lên thân thể con người thông qua các ảnh hưởng vũ trụ như một quá trình của tự nhiên, và đôi khi, bằng một cách siêu nhiên, thân thể duy nhất của một con người được cung cấp cái đẹp, ân huệ, và năng lực một cách hào phóng đến nỗi, ở đâu cá nhân đó xuất hiện, mỗi hành động anh ta thánh thiện đến nỗi bỏ lại xa tất cả những người khác và làm cho anh ta nổi lên như một thiên tài được Trời phú, hơn là một sản phẩm nhân tạo.
Giorgio Vasari
Nhà hội họa và kiến trúc thế kỷ 16 viết về Leonardo da Vinci
Leonardo da Vinci (1452-1519), tự-họa, có lẽ hình thành từ năm 1510 đến 1515
Tượng của Leonardo ở thành phố Florence
Ngày 2 tháng 5 vừa qua Thế giới kỷ niệm 500 năm ngày mất của Leonardo da Vinci, đặc biệt tại Ý nơi ông sinh, và và Pháp, nơi ông mất. Thế giới kêu gọi năm 2019 là “Năm Leonardo”. Ông sinh ngày 15/4/ 1452 tại thành phố Vinci vùng Tuscany, Ý, và mất ngày 2/5/1519 tại Château d’Amboise, Pháp. Sở dĩ như thế là vì năm 1516, lúc đó Leonardo 64 tuổi, ông được Vua Francis I của Pháp, một mạnh thường quân của nghệ thuật, mời ông sang Pháp sống và tặng ông danh hiệu “Họa sĩ và kỹ sư và kiến trúc sư trưởng của Vua”. Cả đời, Leonardo phải tìm các mạnh thường quân đỡ đầu. Vào thời điểm đó, mối quan hệ với gia đình Medici không được tốt lắm, và nhận thấy vua Francis I là người thật sự cầu thị và tốt bụng, một con người văn hóa và lịch thiệp, nên ông đã nhận lời mời, và mang theo các tác phẩm Mona Lisa, The Virgin and Child with St. Anna, và St. John the Baptist để tiếp tục làm cho chúng hoàn hảo hơn với những nét chấm phá cuối cùng. Francis I thật sự ngưỡng mộ tài năng, tri thức ông, và muốn học hỏi ở ông hơn là đòi hỏi sản phẩm gì ở ông. Francis I có tầm nhìn xa, muốn du nhập Phục Hưng về Pháp. Nhưng Leonardo chỉ sống được ba năm thì mất. Mộ của ông hiện nay nằm tại nhà nguyện St. Hubert của Château d’Amboise.
Một nhân chứng về sự trọng thị của Francis đối với Leonardo kể lại rằng:
Vua Francis, say mê cao độ những phẩm chất ưu việt của Leonardo, lấy làm vui sướng nghe danh họa thuyết giảng đến độ ông chỉ có thể rời Leonardo vài ngày trong một năm … Francis nói, ông không thể tin được rằng có một người sinh ra trên thế giới này lại biết nhiều như Leonardo, không chỉ về điêu khắc, hội họa và kiến trúc, mà ông còn là một nhà triết học lớn.
Mối quan hệ thắm thiết giữa Francis và Leonardo đã truyền cảm hứng cho nhiều họa sĩ vẻ những bức tranh mô tả cảnh Leonardo trút hơi thờ cuối cùng trong vòng tay của Francis, dù đây chỉ điều không bao giờ được kiểm chứng:
Tranh của Ingres, 1818
⁕⁕⁕
Leonardo là một thiên tài đa dạng. Ông là họa sĩ, nhà tạc tượng, kiến trúc sư, nhà giải phẫu, nhà phát minh, kỹ sư quân sự, triết gia. Tất cả hợp nhất trong một con người. Leonardo là nguồn cảm hứng to lớn cho nhân loại trong năm thế kỷ qua. Tác giả Walter Isaacson viết: “Con đường tốt nhất tiếp cận đời ông là con đường ông tiếp cận thế giới: tràn ngập óc tò mò và lòng sự ngưỡng mộ các kỳ quan vô tận của nó.” Óc tò mò, tò mò vô hạn, tò mò mãi mãi, mở lòng với cái huyền bí của tự nhiên là đặc tính nổi bật của ông với tư cách người khám phá, phát minh. Đó cũng chính là đặc tính của Albert Einstein. Trong quyển sách mình, tác giả Isaacson đưa ra nhiều bài học mà chúng ta có thể học được từ Leonardo (Chương 33).
Có lẽ hai câu thơ của Goethe sau đây đặc trưng được tinh thần của Leonardo:
Willst du ins Unendliche schreiten,
Geh nur im Endlichen nach allen Seiten.
Tiến về vô hạn, nếu bạn muốn,
Hãy đi trong hữu hạn về mọi hướng.
Leonardo đi trước thời đại, phát triển những ý tưởng mà không ai trước đó làm, nghĩ những điều như không tưởng. Tại Ý thế kỷ 15, được xem là trung tâm và xuất phát điểm của thời Phục Hưng ở châu Âu, người ta tìm thấy một xã hội có độ văn hóa và học thuật cao, kỹ năng khéo tay, kỹ thuật cơ học, phát minh khoa học và nghệ thuật được ngưỡng mộ và phát triển cao, tạo ra những sản phẩm văn hóa độc đáo bậc thầy. Người đại biểu hội đủ các tính chất này trong một con người là Leonardo. Ông là bậc thầy vĩ đại nhất của phát minh kỹ thuật, và là nhà tư tưởng độc đáo nhất thời đại ông. Mặc dù thế, ông lại không hưởng nền giáo dục nào ngoài sự học việc 7 năm tại studio của họa sỹ Andrea del Verrocchio. Ông tỏ thái độ đánh giá thấp giới học giả là những người không biết sử dụng mắt mình để quan sát mà chỉ biết quanh quẩn nghiên cứu những người cổ đại. Theo ông, tri thức đích thực chỉ có thể tìm thấy ở việc nghiên cứu tự nhiên, và “trong các khoa học toán, những thứ chứa đựng chân lý và tri thức đích thực của sử vật”. Trong phương diện này, Leonardo là người tiên phong trước Francis Bacon (1561-1626), nhà triết học truyền giáo cho loại triết lý mới của khoa học là từ bỏ khoa học cổ đại để quay về khám phá ra khoa học mới trên nền tảng của thực nghiệm, tương tác với tự nhiên, và sử dụng toán chính xác để khám phá những định luật mới hầu phục vụ con người; và trước cả Galilei (1564-1642) người thực hành ứng dụng toán học vào các thí nghiệm để khám phá ra những định luật mới. Tri thức này được Leonardo áp dụng vào mọi ngành: hội họa, điêu khắc, kiến trúc và quy hoạc thành phố, công nghệ và súng pháo. Có thể nói, Leonardo là mẩu người tiên phong của các nhà khoa học và khám phá hiện đại của các thế kỷ 17, 18 và tiếp theo, mãi đến hôm nay, từ các đại học nghiên cứu thế giới cho đến Thung lũng Silicon.
Nếu Hủy diệt, hay Lật đổ – Disruption – là khái niệm phổ biến hôm nay dành cho những công nghệ đột phá tại Thung Lũng Silicon, có tính lật đổ thế giới cũ, thì Leonardo da Vinci là người đã có những ý tưởng “lật đổ” thế giới trước Thung Lũng Silicon mấy trăm năm (Der Spiegel). Ông là, nếu muốn so sánh, Mark Zuckerberg, Jeff Bezos, Elon Musk và Larry Page kết hợp lại trong một con người. Không phải, tác giả nói, đúng hơn, những người này muốn được như Leonardo (Spiegel).
Nhưng có một người ít nhiều giống Leonardo: Steve Jobs. Là một trong những người ngưỡng mộ Leonardo, Jobs phát biểu:
Những người thật sự tạo ra những đồ vật làm thay đổi kỹ nghệ này là những người vừa là nhà tư tưởng (thinker) và vừa là người làm (doer), hai thứ trong một nhân vật. Những người làm là những nhà tư tưởng quan trọng. Leonardo có một anh chàng nào đó đứng bên cạnh để nghĩ trước năm năm về tương lai không? Nghĩ về thứ gì ông ta phải vẻ, hay kỹ thuật nào mà ông nên áp dụng để vẽ chăng? Dĩ nhiên là không. Leonardo là một nghệ nhân (artist) – nhưng ông cũng hòa lẫn tất cả những bức tranh của ông. Ông là một nhà hóa học khá giỏi. Ông hiểu biết những chất màu, biết về giải phẫu học con người. Và kết hợp tất cả những kỹ năng đó lại – nghệ thuật và khoa học, nghĩ và làm – đã làm nên kết quả ngoại hạng.
Steve Jobs
Thực tế, Steve Jobs cũng có một số tính chất đó: là người kết hợp nghệ thuật và khoa học (công nghệ), nghĩ và làm. Có lẽ vì thế nên Jobs thấy gần gũi với Leonardo. Hai người đều phát triển những tài năng đa dạng. Ngoài ra, Leonardo và Jobs còn đều là những người ăn chay trường. Bữa ăn tối đầu tiên mà Jobs mời người vợ tương lai Laurene Powell diễn ra ở đâu? − Tại một nhà hàng chay!
Nhà công nghệ thứ hai ngưỡng mộ Leonardo là Bill Gates. Năm 1994, Gates đã bỏ ra một số tiền hơn 30 triệu đô la để mua lại một nhật ký của Leonardo có tên Codex Leicester, chỉ vỏn vẹn 72 trang, viết trong những năm 1506-1510, và được xem là một trong những nhật ký nổi tiếng nhất của Leonardo. Nhật ký này thể hiện sự minh họa ngoại hạng mối liên lạc giữa nghệ thuật và khoa học. Gates nói, Leonardo là một trong những vị anh hùng của ông từ thời thơ ấu, và Codex Leicester là một nhật ký với những ý tưởng đi “trước thời đại cả trăm năm”, như ý tưởng tàu ngầm, trực thăng, cả các bản vẻ và lý thuyết máu chảy qua tim thế nào, vân vân. Gates viết trên blog mình: “Nếu bạn nhìn hết các năng lực của Leonardo và một ít thất bải của ông, thì thuộc tính trội bật tất cả mọi thứ là óc tò mò và khả năng ngạc nhiên”. Và ông nói, cách suy nghĩ của Leonardo là một “nghệ thuật đã mất” ngày nay. “Ngay cả trong thời đại Wikipedia và video YouTube không tốn tiền, giúp thỏa mãn dễ dàng óc tò mò của chúng ta, điều mỉa mai là chúng ta lại có thể được nhắc nhở về những kỳ quan của đời sống hiện đại bởi một người sống cách đây 500 năm”, Bill Gates viết. Như một phần trong năm kỷ niệm Leonardo, Codex Leicester được trưng bày tại một số viện bảo tàng châu Âu (từ 2018 đến 20, tháng 1, 2019) cho công chúng.
Bill Gates
Sergey Brin, người đồng sáng lập Google, cũng có ít nhiều ngưỡng mộ Leonardo, môt cách gián tiếp. Ông rất thích đọc sách, và trong những cuốn sách truyền cảm hứng cho ông, có sách của Richard Feynman (1918-1988), nhà vật lý lượng tử Mỹ, giải Nobel 1965 về động điện học lượng tử (QED). Brin nhớ lại trong một memoirs của Feynman (“Surely You’re Joking, Mr. Feynman!”), ông đề cao sức mạnh bắt nguồn từ sự giao thoa giữa khoa học và nghệ thuật theo cách Leonardo đã làm. “Tôi nhớ lại ông có một đoạn tự thuật mà ở đó ông giải thích muốn là một Leonardo làm sao, một nghệ sỹ và nhà khoa học”, Brin viết. “Tôi thấy rất truyền cảm. Tôi nghĩ, điều đó sẽ đưa đến có một cuộc sống mãn nguyện hơn.” Thực tế Feynman có vẽ vài bức tranh, và phát thảo.
Thung lũng Silicon thực tế, xét về tính sáng tạo công nghệ đi trước thời đại và tầm nhìn tương lai ngút ngàn của nó, có thể gọi là Thung lũng Leonardo, rất đúng với tinh thần sáng tạo khoa học không ngừng của Leonardo.
Việt Nam nên ra một bộ tem đặc biệt để kỷ niệm ông.
⁕⁕⁕
Phương Tây không chỉ có tôn giáo, lòng mộ đạo, đại học, khoa học, mà còn có cả âm nhạc, hội họa, kiến trúc và thi ca. Tất cả đều vĩ đại, và hài hòa nhau làm thành một nền văn minh vô cùng độc đáo. Thời Phục Hưng sản sinh ra những bậc kỳ tài. Leonardo da Vinci, cũng như Michelangelo 20 năm sau ông, hay Galilei sau đó, là những con người mang những nét hoàn vũ của thời Phục Hưng: tài năng rất đa dạng, uyên bác, và có tính nhân văn cao. Chủ nghĩa nhân văn thời Phục Hưng đặt con người và tác phẩm của nó, chủ nghĩa cá nhân, cái tôi, nhân cách, vào trung tâm của mối quan tâm. Nền văn hóa không thể khám phá ra cái vĩ đại của thế giới nếu nó không khám phá ra chính cái vĩ đại của con người, và đưa cái vĩ đại đó ra ánh sáng (Jacob Burckhardt). Con người bước vào giai đoạn tự khám phá con người, và tự hiểu sự vĩ đại của chính mình. Tất cả những vấn đề liên quan đến con người đều có lý do chính đáng để được nghiên cứu: nghệ thuật, triết học, văn học, chính trị và khoa học. Các hàn lâm viện tư dần dần hình thành để đáp ứng nhu cầu của sự phát triển này, độc lập với nhà thờ. Hoạt động trí thức vượt ra khỏi khuôn khổ đại học, và được các mạnh thường quân là giới quyền lực thế tục, giới quý tộc, thương gia hỗ trợ mạnh mẽ. Đặc biệt dòng họ Medici của Florence là nhà mạnh thường quân lớn nhất.
Hệ quả của sự chuyển biến tinh thần đó là vị trí độc tôn thần học và triết học trong đầu của giới văn hóa đã bị lung lay. Chủ nghĩa nhân văn đã thu hút ngày càng mạnh mẽ trí tuệ của các tài năng giỏi nhất, tuy không nhằm làm suy yếu trực tiếp các thể chế tôn giáo, nhưng hệ quả của nó là làm xói mòn quyền lực quá tuyệt đối của các thể chế này (Stillman Drake). Nghệ thuật và Khoa học thăng hoa trong thời kỳ thế kỷ 15 và 16 khắp châu Âu ở mức độ chưa từng có.
Hội họa và khoa học chính xác có mối liên hệ gì với nhau không? Leonardo da Vinci có nhận xét tinh tế sau đây về mối tương quan giữa hai lãnh vực này, rọi thêm ánh sáng lên sinh hoạt văn hóa của các dân tộc:
Ai coi khinh hội họa, thì làm sao có tình yêu cho triết học tự nhiên (khoa học) được:
Nếu bạn coi khinh hội họa, là người sao chép duy nhất tất cả những tác phẩm mắt thấy được của tự nhiên, thì chắc chắn bạn sẽ coi khinh một sự phát minh tinh tế mà, với những tư biện triết học và khéo léo, lấy làm đề tài của nó tất cả các loại hình dạng, không khí và quang cảnh, thực vật, động vật, cỏ và hoa, những thứ được bao quanh bởi ánh sáng và bóng. Và đây đích thực là khoa học, và đứa con gái đích thực của tự nhiên, bởi hội họa là con cháu của tự nhiên. Nhưng để nói đúng hơn, chúng ta có thể gọi nó là đứa cháu của tự nhiên; bởi tất cả sự vật nhìn thấy đều có sự tồn tại bắt nguồn từ tự nhiên, và chính từ những thứ này mà hội họa đã ra đời. Cho nên chúng ta có thể gọi chính xác nó như đứa cháu của tự nhiên, cũng như nó có quan hệ với Chúa. (xem Kenneth R. Bartlett)
Leonardo nói đúng bản chất của sự việc. Nhà khoa học và tác giả Jacob Bronowski trong một bài tiểu luận về Leonardo da Vinci nói thêm về tính chất của họa sĩ đối với khoa học: “Bởi vì ông có con một mắt chính xác, bởi vì ông là một họa sĩ (painter) mà đối với ông tự nhiên không sống trong những quy định chung chung, mà trong những hình thái quan trọng (như) của một bông hoa, hay một suối nước, ông là đối cực của những nhà khoa học thời ông. Leonardo do đó không mất đi sự quan tâm đến khoa học: ông biến đổi nó. Chỉ có một họa sĩ mới bắt khoa học thay đổi cách nhìn của nó, và trở thành hiến dâng, cũng như nghệ thuật của ông, cho sự khám phá trật tự tự nhiên trong những chi tiết chi li của cấu trúc của nó. Leonardo là họa sĩ đó, ông là người tiên phong của khoa học như chúng ta thực hành nó” (trong Plumb). Hay nói một cách khác, nhà khoa học và họa sĩ có cùng một đặc điểm: con mắt quan sát tự nhiên chính xác.
Hệ quả của nó là, không phải ngẫu nhiên phương Tây đã có cả hai, hội họa lẫn khoa học, bởi họ có con mắt quan sát chính xác và khoa học. Và cũng ngạc nhiên, chắc không phải ngẫu nhiên, khi Việt Nam đều thiếu vắng cả hai trong lịch sử. Người Nhật có nền hội họa dựa trên quan sát chính xác rất phát triển khiến cho phương Tây ngưỡng mộ đặc biệt qua cuộc triển lãm quốc tế tại Paris năm 1867, và có lẽ là dân tộc có óc tò mò mãnh liệt nhất trong các dân tộc Á châu, để quan sát và “bắt chước” một cách chính xác như sự vật, không lẫn lộn hay để chủ quan, định kiến lấn át sự thật trước mắt mình, cho nên họ đã nhanh chóng trở thành quốc gia công nghiệp giàu mạnh đầu tiên ở châu Á. Họ “sao lại” chính xác mô hình phát triển rút tỉa từ phương Tây, pha lẫn những khẩu vị riêng của họ, nhưng không đánh mất phần cốt lõi. Họ thấy một bức tranh phương Tây nguyên vẹn và trung thực như chính nó, không phải một bức tranh bị méo mó. Óc quan sát và nhận định chính xác của họ đặc biệt được thể hiện một cách tài tình qua chuyến công du lịch sử có tên Sứ mệnh Iwakura trong hai năm 1871-73 của 50 vị lãnh đạo cao cấp của Nhật Bản Minh Trị đi thăm 20 quốc gia Mỹ và châu Âu để quan sát cận cảnh và toàn diện và từ đó tìm ra mô hình phát triển cho Nhật Bản, mở đường cho cuộc canh tân ồ ạt sau đó (Xem một quyển sách sắp tới). Cái tò mò thánh thiện và óc quan sát chính xác ấy dường như còn thiếu ở Việt Nam, và đó là “lỗ hổng văn hóa” đến bây giờ vẫn chưa lấp được.
Cơn mưa bất chợt trên cầu (Shin-Ōhashi và Atake) (1857), tranh khắc gỗ của danh họa
Utagawa (Andō) Hiroshige (1797-1858), với những quan sát chính xác
và tinh tế bậc thầy, là một trong những kiệt tác Vincent van Gogh
mê nhất đến đỗi ông vẽ lại một bản sao dưới đây
Cơn mưa bất chợt trên cầu, tranh sơn dầu, của van Gogh (1887) sao lại từ Hiroshige
Vài bức tranh nổi tiếng của Leonardo:
Mona Lisa của Leonardo, bức tranh nổi tiếng nhất thế giới của ông. Ông bắt đầu vẽ nó năm 1503, và mang theo qua Pháp để tiếp tục hoàn thiện vào những năm cuối đời, tức kéo dài cả khoảng thời gian 16 năm.
Mona Lisa bản sao, được trưng bày tại Viện bảo tàng Prado ở Madrid, sau khi được trùng tu lại năm 2012. Bức tranh này được thực hiện ngay tại xưởng vẽ của Leonardo lúc ông còn sống, do các học trò ông thực hiện. Đây là một bản sao được xem có giá trị nhất trong nhiều bản sao. (Xem Walter Isaacson)
Madonna trong hang đá. Leonardo diễn tả hang động thiên nhiên xuất sắc.
The Vitruvian Man (Con người theo Vitruvius) của Leonardo 1485, dựa trên nguồn cảm hứng xuất phát từ Marcus Vitruvius Pollio, sinh năm 80 Trước Công Nguyên, phục vụ trong quân đội La Mã dưới sự lãnh đạo của Caesar, chuyên môn về thiết kế và chế tạo các máy pháo. Vitruvius tin rằng các tỷ lệ kích thước của con người là tương tự với tỷ lệ của thế giới vi mô của thế giới. Điều đó đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho Leonardo cũng như vài họa sĩ khác. Tác giả Isaacson viết: “Vitruvian Man tượng trưng cho thời khắc mà nghệ thuật và khoa học kết hợp lại cho phép con người tìm hiểu những vấn đề phi thời gian chúng ta là ai, và chúng ta phù hợp vào trật tự lớn của vũ trụ thế nào. Nó tượng trưng cho lý tưởng của chủ nghĩa nhân văn đang vinh danh nhân phẩm, giá trị, và đại biểu duy lý của con người như những cá nhân (individuals). Bên trong hình vuông và hình tròn chúng ta có thể thấy điều cốt lõi của Leonardo, và của chính chúng ta, đứng trần trụi tại giao diện của trái đất và vũ trụ.” (Isaacson, tr.157)
Salvator Mundi, Người cứu rỗi thế giới, của Leonardo da Vinci, c.1500.
Bức tranh đã được bán với giá thật cao, 450 triệu đô la Mỹ, về tay của một hoàng tử Ả Rập. Hiện có nhiều đồn đoán về ý đồ mua bức tranh này.
Nguyễn Xuân Xanh 04/05/2019
Tham khảo
[1] The Civilization of the Italian Renaissance. A Sourcebook. Second edition. Kenneth R. Bartlett (ed.). University of Toronto Press, 2011.
[2] Walter Isaacson, Leonardo da Vinci. Simon & Schuster, 2017. Có bản dịch tiếng Việt, nxb Alphabook, 2018.
[3] Adam Fisher, Valley of Genius. The Uncensored History of Silicon Valley. Twelve, 2018.
[4] Plumb, J. H. (ed.), Renaissance Profiles. American Heritage Publishing, 1961.
[5] Giorgio Vasari, The Lives of the Artists. Oxford World’s Classics, 2008.
[6] Christopher Dawson, The Crisis of Western Education. The Catholic University of America Press, 2010.
[7] Tuần báo Đức Der Spiegel, số 18 / 27.4.2019, với chuyên đề Leonardo da Vinci.