NGÀY SÁCH THẾ GIỚI & IMMANUEL KANT
NGUYỄN XUÂN XANH
Hôm nay ngày 23/4 kỷ niệm Ngày Sách Thế Giới (& Bản Quyền), còn gọi là Ngày Quốc Tế Sách (International Book Day), được UNESCO ban hành năm 1995, đúng 25 năm trước. Việt Nam cũng có Ngày Sách Việt Nam, ngày 21/4, được ban hành ngày 24.2. 2014.
Nhân dịp này xin chia sẻ lại bài viết về đọc sách thế giới và Việt Nam để thấy ý nghĩa của việc đọc sách thế nào
Tác phẩm điêu khắc “Kỹ thuật in sách hiện đại” cao 12,2 mét được xây dựng vào ngày 21 tháng 4 năm 2006 trên Đại lộ Unter den Linden tại quãng trường Bebelplatz đối diện Đại học Humboldt, Berlin, để kỷ niệm Kỹ thuật in sách hiện đại của Johannes Gutenberg khoảng năm 1450. Bestseller đầu tiên là quyển Gutenberg Bibel (xem trong bài trên)
Ngoài ra, hôm qua, 22/4 là ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 300-4 của nhà triết học Immanuel Kant. Triết học nhận thức luận (Epistemology, Erkenntnistheorie) là cái mà các nhà triết học, khoa học luôn luôn hướng tới trên con đường khám phá khoa học. Khoa học chắc không thể nào cứ mày mò mà không có phương pháp có tính triết học. Chúng ta biết những phép diễn dịch và quy nạp. Nhưng không phải chỉ có thế. Quá trình khám phá phức tạp hơn nhiều, và người ta muốn biết khám phá thế giới bằng con đường, phương pháp nào? Và đó là đối tượng nghiên cứu của các nhà triết học.
Mỗi loại triết học nhận thức luận của một thời kỳ chịu ảnh hưởng chủ yếu từ những khám phá khoa học của thời kỳ đó hay ngay trước đó. Triết học nhận thức luận của Kant (thế kỷ 18) ra đời sau những khám phá của Newton (thế kỷ 17), trong khi đó, sau thuyết tương đối, và lượng tử của đầu thế kỷ 20, triết học nhận thức luận phát triển mạnh mẽ dựa trên những khám phá mới. Ở đây, các nhà khoa học trở thành chính các nhà triết học, chưa có thời nào khoa học và triết học nhận thức luận hòa huyện lại trong các vai diễn khoa học trên sân khấu. “Các nhà triết học bây giờ ngồi ở phân khoa vật ký, là Max Planck, là Albert Einstein” như chủ tịch Hàn lâm viện Phổ, Adolf Harnack, trả lời khi được hỏi tại sao không thấy các nhà triết học nữa.
Đại biểu triết học lớn nhất của giới vật lý kiêm triết học thời bấy giờ có lẽ là Einstein, người có nhiều phát biểu nhất về chủ đề nhận thức luận, để thấu hiểu và gợi ra những quy luật khám phá khoa học có tính phổ quát. Ông cho rằng, các vấn đề triết học của khoa học giờ đây quá khó để nhường lại cho các nhà triết học thuần túy. Chỉ có những nhà khoa học mới biết rõ những vấn đề nằm ở đâu. Một trong những câu hỏi là: Triết học nhận thức luận của Kant và Einstein có tương thích với nhau không? Trong chừng mực nào có, và chừng mực nào thì (có thể) không? Hiểu Kant thế nào trong bối cảnh mới của đầu thế kỷ 20 dưới ánh sáng của những khám phá mới như thuyết tương đối? Kant có bước qua khỏi cái bóng của thời đại của ông để nhận thức luận của ông trở thành universal, hay theo ngôn ngữ của ông, “transcendental”, hay không? Siêu hình học, hình thành từ thời cổ đại, là môn triết học mà Kant hằng rất yêu mến và muốn cho nó phải có nền tản khoa học vững chắc như nền tảng của thuyết Newton, có lột xác được, và còn có lý do tồn tại nữa hay không để giúp ích, dẫn dắt khám phá khoa học? Einstein nhìn siêu hình học thế nào so với một số đồng nghiệp đương thời của ông? Có thể nào đưa tất cả các loại nhận thức luận khám phá khoa học vào một gói, hay một công thức duy nhất, cho mọi hoàn cảnh hay không? Đó là vài trong nhiều câu hỏi rất ư thú vị.
Immanuel Kant (1724-1804)
Albert Einstein (1879-1955)
Cám ơn.
NXXanh