NHÂN NGÀY NƯỚC ĐỨC BẦU CỬ
(26. 9. 2021)
Nguyễn Xuân Xanh
Nước Đức ngày nay trở thành một trong những nước có chế độ dân chủ và thuộc cộng đồng phương Tây. Nhưng nhìn lại lịch sử, Dân chủ đó không phải tự tay người Đức dành lấy được. Nước Đức đã phải được Đồng minh giải phóng năm 1945, từ đó tự do dân chủ mới dần dần hình thành. Cuộc bầu cử ngày 20 tháng 10 năm 1946 là cuộc bầu cử tự do đầu tiên cho thành phố Berlin, lúc đó chưa chia cắt Đông-Tây. Có 4 đảng chính: SPD (dân chủ xã hội), CDU (dân chủ thiên chúa giáo), Dân chủ tự do (FDP) và SED (Đảng thống nhất xã hội chủ nghĩa, sau này là Đảng của Cộng Hòa Dân Chủ Đức). Kết quả:
– SPD đạt được 48,7 phần trăm và 63 trong số 130 ghế. Ứng cử viên hàng đầu của họ Otto Ostrowski đã trở thành thị trưởng, nhưng bị thay thế bởi Edzard Reuter (con của Ernst Reuter, nhà chính trị dân chủ xã hội) sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng 4 năm 1947. Ostrowski đã hợp tác với SED mà không để ý gì đến đảng của ông. SED chỉ là lực lượng mạnh thứ ba với 19,8%. CDU đạt 22,2%, đảng Dân chủ Tự do (FDP) vẫn là 9,3%. Số cử tri đi bỏ phiếu là 92,3 phần trăm đã được “đăng ký”. Do đó, người ta nói rằng chính ở “Berlin mà nền dân chủ hậu chiến của Đức được sinh ra, không phải ở Bonn (thủ đô của Cộng hòa liên bang Đức)”.
Chỉ 5 năm trước đó, ngày 18 tháng 10, 1941, việc chuyên chở người Do Thái xuất khỏi Berlin về trại tập trung bắt đầu. “Trong số 186.000 người Do Thái cư trú ở Berlin năm 1939, 7.350 người vẫn còn sống cho đến ngày nay,” báo Tagesspiegel viết vào năm 1946. Trại tập trung Sachsenhausen đã được xây dựng, cách thủ đô vài km về phía bắc. Mười năm trước đó, Đức Quốc xã đã dàn dựng một nước Đức thân thiện với thế giới bằng Thế vận hội ở Berlin. 12 năm cầm quyền, Hitler đã hủy diệt cả nền văn hóa, khoa học, âm nhạc và thi ca Đức. (Tagesspiegel)
Người Đức phải làm lại và học lại tự do dân chủ từ đầu dưới sự bảo trợ của các cường quốc phương Tây Anh, Pháp, Hoa Kỳ. Vào lúc thống nhất nước Đức sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, một nhà quan sát Mỹ (Arthur Miller) hơi “nghi ngờ” tính bền vững của nền dân chủ Đức, bởi “Cộng hòa liên bang Đức sinh ra mà không tốn một giọt máu”, trước đây và bây giờ. Ở Đức chưa từng có sự “nổi giận của người dân”, sau khi bức tường Berlin sụp đổ cũng như sau khi chế độ nazi chấm dứt, như cái nổi giận như ở Cuộc cách mạng Pháp 1789. Người Đức có thể hãnh diện về những thành tựu văn hóa tuyệt vời của mình, nhưng chưa bao giờ có sự hãnh diện về nền Dân chủ của mình, như nước Pháp.
Trong sự tức giận về quyển sách của Karl Jaspers có tên Die Schuldfrage, Vấn đề tội lỗi, Heinrich Blücher, nhà triết học, chồng của nhà triết học Hannah Arendt, đã viết cho bà, rằng phải là Schandefrage, Vấn đề nhục nhã, mới đúng. Bản thân Arendt, sau khi trở về thăm nước Đức, có viết một Báo cáo từ nước Đức, Report from Germany, trong đó bà cũng tỏ ra không tin tưởng mấy vào sự bền vững của nền dân chủ Đức sau thế chiến. Chương trình xóa bỏ ảnh hưởng của chế độ nazi – Entnazifizierung – đã không thành công. Quyển này mãi đến 3 năm trước khi bức tường sụp đổ mới được dịch sang tiếng Đức. (Wolf Lepenies)
Nói như thế để thấy rằng nền dân chủ Đức hôm nay từ đâu mà có, để biết quý trọng nó hơn. Ngày 8 tháng 5, 2020, nhân kỷ niệm thứ 75 ngày Đồng minh giải phóng đất nước, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier từng viết trong bài diễn văn nổi tiếng
“Ngày 8 tháng 5 không phải là sự kết thúc của sự giải phóng – đúng hơn, duy trì Tự do và Dân chủ là nhiệm vụ không bao giờ dứt mà ngày đó đã truyền lại cho chúng ta!”
và
Sự giải phóng vào năm 1945 đã đến từ bên ngoài. Nó phải đến từ bên ngoài – bởi đất nước này đã dấn thân quá sâu vào thảm họa và tội lỗi chính mình gây ra. Tương tự như vậy, việc tái thiết kinh tế và sự bắt đầu mới dân chủ ở phía Tây nước Đức chỉ có thể được thực hiện bằng sự hào phóng, tầm nhìn xa và tâm thế sẵn sàng hòa giải của những kẻ thù cũ của chúng tôi trong cuộc chiến.
Nhưng chính chúng ta cũng đã góp phần vào sự giải phóng. Đó là sự giải phóng bên trong. Điều này đã không diễn ra vào ngày 8 tháng 5 năm 1945, cũng không phải trong một ngày. Mà đó là một quá trình dài lâu và đau đớn: Đánh giá lại và soi sáng sự nhắm mắt làm ngơ, sự đồng lõa, những câu hỏi dày vò trong gia đình và giữa các thế hệ, cuộc chiến chống lại sự im lặng và muốn lãng quên.
Một trong những cuốn sách được đọc nhiều nhất thời hậu chiến có tên Die deutsche Katastrophe, Thảm họa Đức, của Friedrich Meinecke, một nhà sử học, xuất bản cùng năm với Die Schuldfrage của Jaspers (1946). Đó là những lời tự vấn thay cho dân tộc Đức, và nỗ lực xây dựng lại nền văn hóa Đức huy hoàng đã bị hủy diệt.
26. 9. 2021