DIỄN TỪ CỦA TỔNG THỐNG ĐỨC
FRANK-WALTER STEINMEIER
NGÀY 8 THÁNG 5 NĂM 2020 KỶ NIỆM 75 NĂM
GIẢI PHÓNG ĐỨC KHỎI CHỦ NGHĨA QUỐC XÃ
Nguyễn Xuân Xanh trình bày
“Không có dấu chấm hết của sự tưởng nhớ. Không có sự thoát khỏi lịch sử của chúng ta. Bởi vì không có ký ức, chúng ta sẽ đánh mất tương lai.”
“Ngày 8 tháng 5 không phải là sự kết thúc của sự giải phóng – đúng hơn, duy trì Tự do và Dân chủ là nhiệm vụ không bao giờ dứt mà ngày đó đã truyền lại cho chúng ta!”
Frank-Walter Steinmeier
Lời nói đầu. Dân tộc Đức từ lâu là dân tộc yêu quý tự do nhưng phải sống dưới ách thống trị của quân chủ chuyên chế. Nhà triết học Hegel từng viết về tự do trong tác phẩm Triết học của Lịch sử: “Người phương Đông không biết rằng tinh thần hay con người tự nó là tự do. Và bởi vì họ không biết điều đó, họ không tự do. Họ chỉ biết rằng Một người tự do…Các quốc gia german, với sự xuất hiện của Kitô giáo, là những người đầu tiên nhận thức rằng Tất cả mọi người là tự do tự bản chất, và tự do của tinh thần là nội dung chủ yếu của nó.” Martin Luther cải cách tôn giáo chính là đem lại tự do cho tôn giáo. Immanuel Kant làm cuộc cách mạng triết học là để đem lại tự do cho tinh thần. Nhưng ở tầng trên vẫn ngự trị vương quyền như vòng kim cô. Lần cuối dưới hình thức chủ nghĩa quốc xã, đẩy cả dân tộc vào tội ác. Dân tộc Đức không tự mình giải phóng mình được, mà phải đợi đến ngày 8.5.1945, nhờ vào lực lượng Đồng Minh để được giải phóng, trong sự sụp đỗ và tan rã mọi mặt, về vật chất, tinh thần đến đạo lý. Đó cũng là ngày chấm dứt Thế chiến II đã gây biết bao tang tóc cho thế giới. Từ đó nước Đức bắt đầu hồi sinh với những giá trị tự do dân chủ mà những người con yêu quý của nó hằng mơ ước. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trong Diễn từ dưới đây nói lại ý nghĩa của ngày giải phóng đó cho nước Đức, và đòi hỏi người Đức hôm nay phải dấn thân, cam kết cho sự bảo vệ những giá trị tự do, dân chủ đã giành được và phát triển từ đống tro tàn 75 năm qua. Diễn từ của ông có tính nhân văn, nhận thức và giáo dục cao.
Nguyễn Xuân Xanh
19 Tháng Năm, 2020
***
Lãnh đạo của nước Đức cùng với Tổng thống Frank-Walter Steinmeier
(giữa) làm lễ tại Đài tưởng niệm Neue Wache, Berlin
Tổng thống Frank-Walter Steinmeier ngày 8 tháng 5, 2020
DIỄN TỪ
Frank-Walter Steinmeier
Hôm nay, bảy mươi lăm năm trước, Thế chiến Thứ hai đã kết thúc ở châu Âu.
Ngày 8 tháng 5 năm 1945 đánh dấu sự chấm dứt của sự thống trị bạo lực quốc xã, chấm dứt những cuộc ném bom đêm và những cuộc hành quân chết chóc, chấm dứt các tội ác chưa từng thấy của Đức, cũng như chấm dứt nạn tàn sát người Do Thái (Shoah). Ở đây, tại Berlin, nơi cuộc chiến tranh hủy diệt được thai nghén và tiến hành, và là nơi nó quay lại với tất cả sức mạnh hủy diệt – ở đây tại Berlin chúng tôi muốn cùng nhau làm cuộc tưởng niệm.
Chúng tôi muốn tưởng nhớ – cùng với các đại biểu của Quân đội Đồng Minh từ phương Tây và phương Đông, những người đã giải phóng lục địa này – với những hy sinh to lớn nhất. Cùng với những người bạn từ khắp các phần đất của châu Âu, những người đã chịu đau khổ dưới sự chiếm đóng của Đức và dù vậy vẫn sẵn sàng hòa giải. Cùng với những người sống sót sau các tội ác của Đức và với con cháu của các nạn nhân, mà rất nhiều người trong số họ đã chìa tay cho chúng tôi bắt. Cùng với tất cả những người trên thế giới đã cho đất nước này cơ hội để bắt đầu lại mới.
Chúng tôi muốn tưởng nhớ – ngay cả với những người lớn tuổi ở đất nước chúng tôi, những người đã từng trải qua giai đoạn đó. Đói khát, chạy trốn, bạo lực, xua đuổi – tất cả những thứ họ phải chịu đựng lúc còn là những đứa trẻ. Sau chiến tranh, họ đã xây dựng đất nước này, phía Đông và phía Tây.
Và chúng tôi muốn tưởng nhớ ngày này với những người trẻ tuổi hôm nay, những người mà ba thế hệ sau đang hỏi quá khứ có thể dạy cho họ thực sự những điều gì. Đối với họ, tôi hô to lên: “Tất cả tùy thuộc vào các bạn! Chính các bạn là những người phải mang những bài học về cuộc chiến khốc liệt này vào tương lai!” Vì lý do này, chúng tôi đã mời hàng ngàn thanh niên từ khắp nơi trên thế giới đến Berlin ngày hôm nay, những người trẻ tuổi mà ông bà họ từng là kẻ thù của nhau, nhưng bản thân họ hôm nay đã trở thành bạn của nhau.
Đó là cách chúng tôi đã muốn cùng nhau đánh dấu ngày 8 tháng 5 này. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã buộc chúng tôi phải kỷ niệm ngày này một mình – cách biệt khỏi những người có ý nghĩa rất lớn với chúng tôi, và khỏi những người mà chúng tôi mang nặng lòng biết ơn.
Nhưng có lẽ tình trạng đơn độc này đưa tâm trí chúng tôi trở lại ngày 8 tháng 5 năm 1945 kia trong một lúc. Bởi vì vào thời điểm đó người Đức thực sự đơn độc. Nước Đức đã bị đánh bại về quân sự, đã gục ngã về chính trị và kinh tế, và sụp đổ về đạo đức. Chúng tôi đã biến mình thành kẻ thù trên khắp thế giới.
Hôm nay, 75 năm sau, chúng tôi buộc phải tưởng niệm một mình – nhưng: Chúng tôi không đơn độc! Đó là thông điệp tốt lành của ngày hôm nay! Chúng tôi đang sống trong một nền dân chủ mạnh mẽ và vững chắc, trong năm thứ ba mươi của nước Đức đã được thống nhất lại, tại trung tâm của một châu Âu hòa bình và thống nhất. Chúng tôi tận hưởng lòng tin tưởng, và chúng tôi đã gặt hái các thành quả của sự hợp tác và đối tác trên toàn thế giới. Vâng, chúng tôi người Đức hôm nay được phép nói: Ngày giải phóng là một Ngày tạ ơn!
Phải mất ba thế hệ để chúng tôi mới thừa nhận nó với tất cả tấm lòng: Ngày 8 tháng 5 năm 1945 thực sự là một ngày giải phóng. Nhưng rất lâu nó chưa có chỗ đứng trong tâm trí và trái tim của mọi người.
Sự giải phóng vào năm 1945 đã đến từ bên ngoài. Nó phải đến từ bên ngoài – bởi đất nước này đã dấn thân quá sâu vào thảm họa và tội lỗi chính mình gây ra. Tương tự như vậy, việc tái thiết kinh tế và sự bắt đầu mới dân chủ ở phía Tây nước Đức chỉ có thể được thực hiện bằng sự hào phóng, tầm nhìn xa và tâm thế sẵn sàng hòa giải của những kẻ thù cũ của chúng tôi trong cuộc chiến.
Nhưng chính chúng ta cũng đã góp phần vào sự giải phóng. Đó là sự giải phóng bên trong. Điều này đã không diễn ra vào ngày 8 tháng 5 năm 1945, cũng không phải trong một ngày. Mà đó là một quá trình dài lâu và đau đớn: Đánh giá lại và soi sáng sự nhắm mắt làm ngơ, sự đồng lõa, những câu hỏi dày vò trong gia đình và giữa các thế hệ, cuộc chiến chống lại sự im lặng và muốn lãng quên.
Đó là những thập kỷ mà nhiều người Đức thuộc thế hệ của tôi dần dần làm hòa với đất nước này. Đó cũng là những thập kỷ mà các nước láng giềng của chúng tôi đã có được sự tin tưởng mới ngày càng tăng lên làm cho sự xích lại gần thận trọng trở nên khả dĩ, từ quá trình hiệp thương châu Âu đến các Hiệp ước với phía Đông.
Đó là những thập kỷ mà lòng dũng đảm và khao khát tự do ở phía Đông lục địa của chúng ta không thể để bị rào chắn lại trong các bức tường – cho đến thời khắc hạnh phúc nhất của sự giải phóng: Cuộc cách mạng hòa bình và sự tái thống nhất. Những thập kỷ này của sự đấu tranh với lịch sử của chúng ta là những thập kỷ trong đó nền dân chủ ở nước Đức đã vươn lên trưởng thành.
Và cuộc đấu tranh này vẫn còn tiếp tục cho đến ngày hôm nay. Không có dấu chấm hết của sự tưởng nhớ. Không có sự thoát khỏi lịch sử của chúng ta. Bởi vì không có ký ức, chúng ta sẽ đánh mất tương lai.
Chỉ vì người Đức chúng ta nhìn thẳng vào lịch sử của chúng ta, bởi vì chúng ta chấp nhận trách nhiệm lịch sử, nên đó là lý do tại sao các dân tộc trên thế giới đã mang lại cho đất nước chúng ta niềm tin mới. Và đó là lý do tại sao chúng ta được phép ký thác chính chúng ta cho nước Đức này. Đây là một tinh thần yêu nước giác ngộ, dân chủ. Không thể có lòng yêu nước của Đức mà không có những sự đứt gãy, không có cái nhìn vào ánh sáng và bóng tối, niềm vui và nỗi đau, lòng biết ơn và sự xấu hổ.
Rabbi Nachman nói: “Không có trái tim nào là rất trọn vẹn như một trái tim tan vỡ.” Lịch sử Đức là một câu chuyện tan vỡ – chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng triệu người và cho sự đau khổ của hàng triệu người. Những điều đó làm tan vỡ trái tim chúng ta cho đến hôm nay. Do đó: Các bạn chỉ có thể yêu đất nước này với một trái tim tan vỡ.
Ai không chịu đựng được điều này, ai kêu gọi một sự chấm dứt để lãng quên quá khứ, người đó không chỉ chối bỏ thảm họa chiến tranh và chế độ độc tài của Đức quốc xã. Người đó cũng hạ thấp giá trị tất cả những điều tốt đẹp mà chúng ta đã đạt được kể từ đó – người đó còn thậm chí phủ nhận bản chất quan trọng của nền dân chủ của chúng ta.
“Nhân phẩm của con người là bất khả xâm phạm.” Câu đầu tiên của Hiến pháp của chúng tôi vẫn còn hiển thị cho tất cả mọi người cho thấy những gì đã xảy ra ở Auschwitz, những gì đã xảy ra trong chiến tranh và chế độ độc tài. Không, không phải ký ức là một gánh nặng – không có ký ức mới trở thành gánh nặng. Không phải thừa nhận trách nhiệm là một sự xấu hổ – chối bỏ mới là một điều xấu hổ!
Nhưng trách nhiệm lịch sử của chúng ta có nghĩa là gì hôm nay, ba phần tư thế kỷ sau? Lòng biết ơn mà chúng ta cảm nhận ngày nay không được phép làm cho chúng ta thoải mái. Trái lại: ký ức đòi hỏi và làm cho chúng ta có trách nhiệm!
“Không bao giờ nữa!” (Nie wieder!) – điều đó chúng ta đã thề với chính mình sau chiến tranh. Nhưng “Không bao giờ nữa!” có nghĩa là trên hết đối với chúng ta người Đức: “Không bao giờ một mình nữa!” Và câu này không đâu đúng hơn ở châu Âu. Chúng ta phải cùng nhau giữ châu Âu chung lại. Chúng ta phải suy nghĩ, cảm nhận và hành động như người châu Âu. Nếu chúng ta, ngay cả trong và sau đại dịch này, không cùng nhau giữ châu Âu lại được, thì chúng ta tỏ ra không xứng đáng với ngày 8 tháng 5. Nếu châu Âu thất bại, thì “Không bao giờ nữa!” cũng sẽ thất bại!
Cộng đồng quốc tế đã học được từ “Không bao giờ nữa”. Sau năm 1945, công đồng đã tạo ra một nền tảng mới từ tất cả những gì nó đã học được từ thảm họa này, đã xây dựng quyền con người và luật pháp quốc tế, các quy tắc để gìn giữ hòa bình và hợp tác.
Đất nước chúng ta, nơi mà cái ác đã từng xuất phát, qua nhiều năm đã thay đổi từ là mối đe dọa cho trật tự quốc tế này thành người bảo trợ nó. Và vì vậy chúng ta không được để trật tự hòa bình này tan rã trước mắt chúng ta. Chúng ta không được cho phép mình bị xa lạ đối với những người đã tạo dựng nó. Chúng ta muốn hợp tác nhiều hơn trên toàn thế giới, không phải ít hơn – cũng như vậy trong cuộc chiến đấu chống đại dịch.
“Ngày 8 tháng 5 là một ngày giải phóng.” Tôi tin rằng chúng ta hôm nay phải đọc câu nói nổi tiếng của Richard von Weizsäcker lại và khác hơn. Vào thời điểm đó, câu này là một cột mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh với quá khứ của chúng ta. Hôm nay, tuy nhiên, nó cũng phải hướng vào tương lai của chúng ta. Thật vậy, “Giải phóng” không bao giờ hoàn tất, và nó không phải là cái chúng ta chỉ trải nghiệm một cách thụ động, mà nó đòi hỏi chúng ta hành động tích cực, mỗi ngày lại mới.
Trước đây, chúng ta được giải phóng. Hôm nay chúng ta tự phải giải phóng chúng ta.
Giải phóng khỏi sự cám dỗ của một chủ nghĩa dân tộc mới. Khỏi sự mê hoặc của độc tài. Khỏi sự ngờ vực, tự cô lập và thái độ thù địch giữa các quốc gia. Khỏi hận thù và kích động, sự bài ngoại và khinh miệt dân chủ – bởi vì chúng không gì khác hơn là những con ma hung ác cũ trong một lớp áo mới. Vào ngày 8 tháng 5, chúng ta cũng nghĩ về các nạn nhân của Hanau, Halle và Kassel. Họ không bị bỏ quên bởi Corona!
“Nếu điều đó có thể xảy ra ở đây, thì nó có thể xảy ra ở bất cứ đâu.” Đây là những gì Tổng thống Israel Reuven Rivlin năm nay đã kêu lên với chúng tôi trong Ngày tưởng niệm Holocaust ở Quốc hội của Đức. Nếu nó có thể xảy ra ở đây, nó có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Nhưng ngày nay không có ai giải phóng chúng ta khỏi những nguy hiểm này. Chúng ta phải tự làm điều đó. Chúng ta đã được giải phóng để tự trách nhiệm cho mình!
Tôi rất ý thức: Ngày 8 tháng 5 này rơi vào thời điểm biến động lớn và bất định lớn. Không phải chỉ mới đến hôm nay, mà đặc biệt vì đại dịch corona. Chúng ta hôm nay vẫn không biết làm thế nào và khi nào chúng ta có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Nhưng chúng ta biết với thái độ nào chúng ta bước vào nó: với niềm tin rất lớn vào đất nước này, vào nền dân chủ của chúng ta và vào những gì chúng ta có thể cùng gánh vác với nhau. Điều đó cho thấy chúng ta đã đi được bao xa trong 75 năm qua. Và điều đó cho tôi hy vọng về tất cả mọi thứ có thể vẫn còn nằm ở phía trước.
Các công dân nam nữ thân mến, chúng ta không thể tưởng nhớ cùng nhau vì Corona và không thể tổ chức sự kiện kỷ niệm nào. Nhưng chúng ta hãy sử dụng sự tĩnh lặng. Hãy giữ yên giây phút này.
Tôi xin tất cả người Đức: Hãy tưởng nhớ hôm nay trong sự im lặng những nạn nhân của chiến tranh và chủ nghĩa quốc xã! Bất kể gốc rễ của bạn có thể ở đâu, các bạn hãy hỏi ký ức của các bạn, ký ức của gia đình các bạn, lịch sử của đất nước chung của chúng ta! Hãy suy nghĩ về sự giải phóng ngày 8 tháng 5 có ý nghĩa gì đối với cuộc sống và hành động của các bạn!
75 năm sau khi kết thúc chiến tranh, người Đức chúng ta có rất nhiều điều để biết ơn. Nhưng không có cái gì từ những thành tựu tốt đẹp này, những cái đã từ đó không ngừng phát triển, được bảo đảm vĩnh cữu. Do đó cũng theo nghĩa này: Ngày 8 tháng 5 không phải là sự kết thúc của sự giải phóng – đúng hơn, duy trì Tự do và Dân chủ là nhiệm vụ không bao giờ dứt mà ngày đó đã truyền lại cho chúng ta!
Người dịch:
Lê Tùng Quân và
Nguyễn Xuân Xanh
Nguồn:
Xem thêm những bài về nước Đức: