“Bạn cần búa tạ” để giảm thiểu sự lây lan: Gabriel Leung

by , under Uncategorized

“BẠN CẦN BÚA TẠ” ĐỂ GIẢM THIỂU SỰ LÂY LAN

Bài phỏng vấn Gabriel LEUNG của báo DER SPIEGEL

(Courtesy DER SPIEGEL)

 

Lời nói đầu. Bài phỏng vấn này đã được đăng ngày 21/4 trong trang

https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/thong-tin-ve-dich-vi-rut-corona/

nay xin đăng lại thành chủ đề rời vì tầm quan trọng nhận thức của nó. NXX

 

Trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo DER SPIEGEL, nhà dịch tễ học Gabriel LEUNG của Hồng Kông giải thích lý do tại sao ông coi việc dỡ bỏ nhanh chóng các lệnh cấm tiếp xúc và các biện pháp cách xa xã hội là vô trách nhiệm. Cuộc khủng hoảng corona, ông tin, sẽ ở với chúng ta trong một thời gian dài.

Gabriel LEUNG, 47 tuổi, là một trong những nhà dịch tễ học hàng đầu châu Á. Ông phục vụ như là trưởng khoa y tại Đại học Hồng Kông và thường xuyên tư vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới và chính phủ Hồng Kông và Trung Quốc về đối sách của họ đối với coronavirus mới. Ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn dịch SARS đầu tiên vào năm 2003.

Gabriel LEUNG

DER SPIEGEL: Giáo sư LEUNG, việc đóng cửa hoàn toàn xã hội có tác dụng kéo coronavirus xuống, nhưng nó cũng kéo nền kinh tế xuống theo, và trái tim tâm trí con người. Xã hội có thể chịu đựng điều này trong bao lâu?

LEUNG: Chúng ta cần phải rất rõ ràng: Đây sẽ là một cuộc đua marathon chứ không phải chạy nước rút. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ ở trong một cuộc chiến giằng co ba mặt giữa bảo vệ sức khỏe, bảo tồn kinh tế và chấp nhận xã hội.

DER SPIEGEL: Và cuộc giằng co này sẽ kéo dài bao lâu?

LEUNG: Cho đến khi ít nhất một nửa dân số thế giới có được miễn dịch. Và chỉ có hai cách để có được miễn dịch: Một là thông qua nhiễm trùng và phục hồi, hai là bằng vắc-xin. Nhưng chúng ta còn ít nhất 9 tháng và nhiều khả năng hơn, một năm rưỡi nữa để có một loại vắc-xin sẵn sàng áp dụng rộng rãi có hiệu quả và an toàn.

DER SPIEGEL: Chúng ta có thể quản lý đại dịch thông minh hơn và theo cách ngăn chặn thiệt hại phụ không cần thiết không?

LEUNG: Tôi nghĩ vậy. Nhưng mục tiêu phải là để đảm bảo không vượt quá giới hạn hệ thống y tế của bạn. Năng lực tiếp nhận của hệ thống y tế ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ tử vong. Nếu năng lực tiếp nhận của bạn bị quá tải, hệ thống y tế và bệnh viện của bạn sẽ bị sụp đỗ, và đó là lúc một số lượng lớn người chết không cần thiết. Vì vậy, bạn phải quản lý và giảm thiểu và ngăn chặn sự bùng phát phù hợp với số người cần được chăm sóc đặc biệt, hoặc một máy thở, nằm trong năng lực chịu đựng của hệ thống chăm sóc sức khỏe của bạn.

DER SPIEGEL: Chúng ta có nên nhắm đến việc loại bỏ virus không?

LEUNG: Không, chúng ta không đề cập đến trường hợp zeo ca nữa. Sự ngăn chặn (containment) đã thất bại ở khắp mọi nơi. Những gì chúng ta cần là sự ngăn chặn, hoặc tốt hơn: các chu kỳ ngăn chặn và dỡ bõ, và có lẽ nhiều lần như thế. Chúng ta có thể thực hiện ít hơn một chút sự khóa chặt toàn diện và cho phép nền kinh tế quay trở lại một chút không? Câu trả lời là có. Nhưng có một số điều kiện tiên quyết. Điều kiện số 1: Dân số của bạn đã ở mức cơ bản thấp xét về số lượng bệnh nhân mới hàng ngày. Điều kiện số 2: Bạn sẽ cần phải làm tốt hơn rất nhiều trong việc xét nghiệm và truy tìm. Điều đó sẽ cho phép bạn cách ly những người có nguy cơ cao nhất và cách ly những người đã bị nhiễm bệnh. Đây là một chút bập bênh: Nếu bạn không xét nghiệm và truy tìm tốt, thì bạn sẽ phải làm nhiều hơn nữa giản cách vật lý. Nếu xét nghiệm và theo dõi của bạn được thực hiện tốt, bạn có thể nới lỏng giản cách vật lý thêm một chút.

DER SPIEGEL: Ông đang ủng hộ các quốc gia tuân thủ cách tiếp cận có cấu trúc (structured approach) đối với khủng hoảng. Nó trông như thế nào?

LEUNG: Bạn phải biết rõ có bao nhiêu trường hợp bạn có thể chịu đựng được và sau đó điều chỉnh sự can thiệp của bạn cho phù hợp. Điều này được xác định đầu tiên bởi số giường chăm sóc đặc biệt (ICU) bạn có, và số lượng bác sĩ và y tá chăm sóc cac giường đó. Ở Đức bạn hiện có đủ năng lực để chăm sóc ngay các bệnh nhân châu Âu khác, điều này thật tuyệt vời.

DER SPIEGEL: Số lượng giường có phải là yếu tố quan trọng nhất không?

LEUNG: Không, nên có nhiều tiêu chí hơn. Xã hội đã sẵn sàng chấp nhận điều gì xét về số người nhiễm bệnh và nhập viện, và số người cần được thở máy và có thể chết? Phải có một sự chấp nhận xã hội ngầm hoặc mặc nhiên.

DER SPIEGEL: Làm thế nào để chúng ta quyết định điều đó?

LEUNG: Dân chúng sẽ cho bạn biết và sẽ nói cho các chính trị gia họ có thể chịu đựng được bao nhiêu. Có một số nơi, dù vì bất kỳ lý do gì, có khả năng chịu đựng rất thấp đối với các kết quả bất lợi. Những nơi khác có sức chịu đựng cao hơn. Nó là tùy theo ngữ cảnh đặc thù. Tôi không nghĩ rằng một tiêu chuẩn phù hợp chung cho tất cả.

DER SPIEGEL: Tại sao chúng ta nên chịu đựng tai họa?

LEUNG: Mức căn bản là: Mỗi năm, cúm giết chết rất nhiều người ở Châu Âu, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn. Nhưng bạn không có một cuộc bất ổn hàng năm. Vì vậy, nó có vẻ được mọi người chấp nhận để đối phó với mức độ bệnh tật và tử vong đó. Không ai thích nó, nhưng nó được dung thứ. Không ai yêu cầu số tử vong cúm là zero. Nhưng nếu bạn vượt quá khả năng của ICU, thì bạn sẽ vượt một lằn ranh giới rất đỏ. Vì vậy, ở đâu đó giữa những gì mọi người chấp nhận chịu đựng hàng năm, và các ICU hoàn toàn bị tràn ngập như ở Thành phố New York, đâu đó giữa những thái cực này là mức độ chịu đựng của bạn.

DER SPIEGEL: Làm thế nào để chúng ta hạ thấp dịch bệnh xuống mức có thể kiểm soát được?

LEUNG: Nếu bạn có một ổ dịch kéo dài như ở hầu hết châu Âu, bạn cần dùng búa tạ để hạ hệ số lây nhiễm R0 xuống dưới 1. R0 là tốc độ lan truyền virus thực tế tại một thời điểm nhất định. Nhưng bạn cần phải xuống thấp hơn 1 nhiều để đưa mức cơ bản xuống mức đủ thấp để bạn có thể chấp nhận được.

DER SPIEGEL: Thấp đến mức nào?

LEUNG: R0 bằng 1 có nghĩa là cân bằng hiện trạng (statu quo). Đối với mỗi người bị nhiễm bệnh, hồi phục hoặc chết, bạn thay thế họ bằng một bệnh nhiễm trùng mới. Nếu mức căn bản của bạn là 1.000 ca nhiễm mỗi ngày, thì bạn sẽ tiếp tục có 1.000 trường hợp mới, và điều này sẽ kéo dài bất tận. Đây là những gì bạn cần làm: Bạn cần giảm R0 xuống dưới 1 trong một thời gian dài, thì bạn giảm xuống số lượng các trường hợp mới, thí dụ 20 mỗi ngày. Sau đó, bạn có thể cho R0 bằng 1 và có 20 trường hợp mới hàng ngày kéo dài bất tận, đó là những gì bạn có thể giải quyết. Bạn phải tìm xem ở cấp độ nào bạn muốn duy trì R0 xấp xỉ 1, hoặc là dưới 1.

DER SPIEGEL: Đức có R0 gần bằng 1 theo Viện Robert Koch, trung tâm quốc gia về kiểm soát dịch bệnh. Một số chính trị gia đã nói về việc nới lỏng các biện pháp.

LEUNG: Bạn cần phải rất cẩn thận trong cách bạn ước tính R0 – đó không phải là ước tính dễ dàng. Giả sử nó là trên 1, tôi nghĩ sẽ quá sớm để nói về bất kỳ loại nới lỏng nào. Những gì bạn cần làm là đưa R0 xuống dưới 1, và sau đó xác định số ca mới hàng ngày là mức chấp nhận được.

DER SPIEGEL: Làm thế nào các nhà chức trách có thể thu thập dữ liệu để có được viễn cảnh thời gian thực thực tế về virus lây lan nhanh như thế nào?

LEUNG: Các bạn có rất nhiều nhà dịch tễ học rất giỏi ở Đức, tôi không nghi ngờ họ có thể ước tính R0. Thông thường, cái khó khăn trong R0 là gấp đôi: Một là để có được nó một cách rất kịp thời. Và thứ hai: Để bổ sung nó với dữ liệu pha trộn xã hội (social mixing) và dữ liệu lưu động xã hội (social mobility) từ điện thoại di động, các hệ thống định vị địa lý hoặc bất cứ thứ gì, ở cấp độ tổng hợp, vì vậy bạn không cần phải vi phạm bất kỳ quyền riêng tư nào. Khi bạn đã giải quyết các vấn đề kỹ thuật chính, bạn cần nhà chức trách sử dụng nó để đưa ra quyết định. Điều đó với tôi là bước giới hạn tốc độ (lây lan) ở hầu hết các quốc gia.

DER SPIEGEL: Công nghệ sẽ đóng một vai trò rất lớn trong cuộc khủng hoảng này?

LEUNG: Nó có thể. Các bạn là những người đi đầu trong công nghệ. Tôi không thấy vấn đề với phần kỹ thuật. Nó đang thay đổi tư duy tin tưởng nó nhiều hơn là tin vào số trường hợp được báo cáo hàng ngày.

DER SPIEGEL: Cách đếm hàng ngày là không đáng tin cậy?

LEUNG: Bạn không biết bạn đang đếm gì. Có một độ vênh thời gian (time lag) dài và bạn không bao giờ biết chắc độ vênh là bao nhiêu. Ngoài ra, bạn không thể cố gắng bổ sung nó và đưa ra một cách có hệ thống, khách quan, để tìm xem cách đếm ca nhiễm dẫn đến đâu. Khi R0 được ước tính thành thạo, bạn có thể giảm đáng kể độ vênh thời gian và bổ sung nó bằng dữ liệu di động (mobility data).

DER SPIEGEL: Ở một đất nước rộng lớn như Đức, bạn có thể có các R0 khác nhau ở các thành phố khác nhau và những cách tiếp cận khác nhau không?

LEUNG: Bạn chắc chắn cần phải có một ước tính địa phương, nhưng bạn cũng sẽ có các R0 khác nhau trong các thành phố của bạn. Vâng, bạn cần nhiều sắc thái (nuance) hơn để bạn có thể nhắm đến các biện pháp chính xác hơn.

DER SPIEGEL: Ông có thể có một tình huống trong đó một thành phố phải khóa lại, nhưng một thành phố khác lại có thể nới lỏng các hạn chế?

LEUNG: Nếu động lực phát triển dịch bệnh bảo bạn phải làm như vậy, thì được. Frankfurt và Munich rất có thể có các chính sách khác nhau vì dịch bệnh ở các địa điểm bị ảnh hưởng đòi hỏi các chính sách chính xác và định hướng hơn.

DER SPIEGEL: Công bằng (fairness) có phải là một vấn đề ở đây không?

Lêung: Không. Vấn đề là làm sao đảm bảo rằng bạn có các biện pháp chính xác và định hướng tại các địa điểm khác nhau và các điểm khác nhau trong đại dịch. Sự công bằng là việc giữ gìn sự sống. Đó cuối cùng là biểu hiện đích thực của sự công bằng.

DER SPIEGEL: Những người trẻ tuổi có nên được phép tiếp xúc nhiều hơn không?

LEUNG: Cố gắng cho tiếp xúc đối với những người có nguy cơ thấp hơn để có thể sử dụng khả năng miễn dịch cộng đồng để bảo vệ những người khác có nguy cơ cao hơn – tôi nghĩ rằng nó sẽ không hiệu quả. Trừ khi bạn có một dân số rất, rất tuân thủ và bạn có một mục tiêu rất chính xác, gần như quân sự, theo cách bạn nghĩ mọi người sẽ hành xử.

DER SPIEGEL: Có những báo cáo ở Đức, đặc biệt là trong dân số trẻ, rằng mọi người không giữ khoảng cách xã hội gần đủ. Chúng ta có nên lo lắng không?

LEUNG: Tất nhiên, chúng ta nên – đặc biệt khi bạn đang trong giai đoạn phát triển của một dịch bệnh. Điều bắt buộc tuyệt đối là nếu bạn muốn giảm thiểu gánh nặng sự hoành hành bệnh và tỷ lệ tử vong thì giản cách vật lý (phải) được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng rất cao ở mọi cấp độ dân số, trẻ và già.

DER SPIEGEL: Vì vậy, hãy thử nhìn về quá trình hành động trong tương lai của chúng ta. Nó bao gồm kềm hãm và dở bỏ, kềm hãm và lại dở bỏ?

LEUNG: Trước khi có vắc-xin, tôi sợ rằng đó sẽ là cái bình thường mới.

DER SPIEGEL: Vũ Hán đã kết thúc phong tỏa. Điều đó có nghĩa là lần phong tỏa tiếp theo chỉ quanh quẩn đâu đây?

Lêung: Không. Bạn chỉ cần làm điều đó khi dịch bệnh của bạn hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát. Có nhiều mức độ các biện pháp giản cách, từ đơn giản như đóng cửa trường học cho đến tất cả các cách phong tỏa một thành phố, cơ bản không cho phép bất cứ ai rời khỏi nhà. Những gì chúng ta hy vọng sẽ thấy là chúng ta sẽ có các biện pháp giản cách vật lý ít quyết liệt hơn, bởi vì chúng ta sẽ có thể đón được một vài chuỗi truyền nhiễm mới đầu tiên đủ sớm để sau đó chúng ta nắm bắt được chúng. Điều đó sẽ cho phép chúng ta không bị hoàn toàn khóa lại. Một sự đổi chiều ngưỡng thấp giữa trấn áp và nới lỏng sẽ cho phép chúng ta áp đặt các biện pháp ít quyết liệt hơn.

DER SPIEGEL: Tại sao Hồng Kông đã giữ vững trận địa như vậy trong cuộc khủng hoảng này?

LEUNG: Tôi không bao giờ thích phó thác cho số phận. Tôi luôn luôn rất, rất cảnh giác về sự bùng phát của chúng tôi ở đây. Cho đến nay, chúng tôi vẫn đang duy trì kiểm soát.

DER SPIEGEL: Ông đã chuẩn bị tốt hơn vì trải nghiệm lịch sử về SARS năm 2003 chưa?

LEUNG: Hoàn toàn đúng. Dấu ấn xã hội học là sâu sắc, khắc sâu trong tâm lý Hồng Kông.

DER SPIEGEL: Có phải chúng ta thiếu nó ở phương Tây?

LEUNG: Tôi nghĩ mọi người sẽ cảnh giác rất cao sau COVID-19. Khi tất cả được nói ra và thực hiện, bạn sẽ thấy một sự xét lại tuyệt đối về cách chúng ta kiểm soát nhiễm trùng, sức khỏe cộng đồng, kiểm soát dịch bệnh. Nhưng còn cần thêm vài tháng nữa.

DER SPIEGEL: Văn hóa bắt tay sẽ bị chấm dứt thực hành?

LEUNG: Tôi không nghĩ vậy. Nó sẽ trở lại.

DER SPIEGEL: Đây có phải là một déjà vu (đã thấy) cho chính bạn với tư cách là một nhà dịch tễ học?

LEUNG: Vâng, chúng tôi đã bị SARS vào năm 2003, năm 2009 chúng tôi bị cúm lợn và năm 2013 cúm H7N9 có ảnh hưởng trên đất liền. Mỗi dịch là khác nhau. Nhưng đối với các nhà nghiên cứu: Tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là phải khiêm tốn từ bản chất tự nhiên.

DER SPIEGEL: Các nhà khoa học cần chuẩn bị gì để chống lại đại dịch này?

LEUNG: Bạn cần có sự kiên cường. Và mang theo bạn, với tư cách một nhà khoa học, một tình cảm nhân bản. Đảm bảo chúng ta làm khoa học tốt nhất, và biết rằng chúng ta làm khoa học tốt nhất để giữ an toàn cho mọi người. Và: kiên cường tuyệt đối trước những áp lực bên ngoài.

DER SPIEGEL: Các nhà khoa học nên cảnh giác về điều gì?

LEUNG: Đại dịch không bao giờ chỉ là vấn đề khoa học. Nó liên quan nhiều đến chính trị cũng như đến khoa học. Là nhà khoa học, chúng ta phải đưa ra những lời khuyên chân thành, không thiên vị, mạnh mẽ, cho các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta. Tất nhiên, họ sẽ có nhiều cân nhắc hơn là chỉ dùng thuốc men, sức khỏe hay khoa học. Tôi nghĩ rằng, chính sự tương tác và căng thẳng mà một số đồng nghiệp của tôi, bao gồm cả bản thân tôi, đôi khi thấy khó khăn và thách thức.

DER SPIEGEL: Các nước giàu có thể chống lại dịch bệnh bằng cách này hay cách khác. Chúng ta cần làm gì cho các nước khác?

LEUNG: Đó là những gì tôi muốn nói với sự công bằng và không thiên vị. Trừ khi các quốc gia giàu hơn trên thế giới có chủ đích và ý thức ngồi lại với nhau trong ý thức đoàn kết toàn cầu, bạn sẽ thấy giữa các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có sự bất bình đẳng lớn xảy ra với COVID-19 do sự bỏ rơi. Đó là: Nếu chúng ta không làm gì, chúng ta sẽ thấy số lượng các cuộc đời bị mất mát có liên hệ rất gần gủi với tiềm lực số giường ICU sẵn có, và của hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt. Và điều đó chúng ta không bao giờ được phép để xảy ra.

DER SPIEGEL: Có phải thế giới đang bất ổn?

LEUNG: Tôi không biết, hãy hỏi các chính trị gia. Chúng tôi cần các nhà lãnh đạo toàn cầu, những người tin tưởng vào, và bảo vệ, sức khỏe lẫn quyền con người. Và bạn có một thủ tướng rất nổi tiếng cho cả hai.

DER SPIEGEL: Chiến lược ra khỏi khủng hoảng thực sự duy nhất dường như là vắc-xin. Chúng ta có biết liệu một loại sẽ được tìm thấy?

LEUNG: Có hơn 100 nghiên cứu đang được thực hiện. Vì vậy, chúng ta nên hy vọng, nhưng chúng ta chưa chắc chắn lắm.

HẾT

Bản dịch của Nguyễn Xuân Xanh

Nguồn:

https://www.spiegel.de/international/world/corona-you-need-the-sledgehammer-to-bring-down-infections-a-e939bdf1-6485-4c24-b70e-9ee7a5cdf5b0