PHÁT BIỂU CỦA THỦ TƯỚNG ĐỨC
ANGELA MERKEL
NHÂN NGÀY LUẬT CƠ BẢN
(GRUNDGESETZ) 23/05/2020
Virus này là một sự sự đòi hỏi quá đáng cho nền dân chủ của chúng ta.
Angela Merkel
Lời nói đầu. Các bài phát biểu của bà Angela Merkel có lẽ không phải thuộc thuật hùng biện, nhưng luôn luôn toát ra tinh thần trách nhiệm đối với xã hội. Chúng ta có thể hiểu điều này hơn nếu biết rằng bà xuất thân từ một gia đình Tin Lành. Bố bà là một mục sư. Mà Tin Lành là một tôn giáo dấn thân và nhập thế, rất có tinh thần trách nhiệm xã hội. Nhà xã hội học Đức Max Weber, trong quyển sách nổi tiếng Đạo đức Tin Lành và Tinh thần của Chủ nghĩa tư bản, cho rằng chính đạo đức Tin Lành kia đã góp phần phát triển thành công chủ nghĩa tư bản châu Âu. Bà không phải nhà chính trị „lớn tiếng“, nhưng rất khiêm nhường, đi vào những vấn đề cụ thể, chặt chẽ logic, và hành động theo phương châm trách nhiệm xã hội như một định luật đạo đức. Tôi nhớ đến câu nói của Kant: “Bầu trời đầy sao trên tôi, và Định luật đạo đức trong tôi.” Kant cũng sinh ra trong một gia đình Tin Lành như bà. Ở phương Đông, cụ thể Nhật Bản, người “cha đẻ” của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản là Eiichi Shibusawa, cũng nêu tiêu chuẩn đạo đức lên hàng đầu cho giới kinh doanh. Ông nói, các doanh nhân mới cần kết hợp Luận ngữ và bàn tính (Analects và Abacus). Nó không khác gì đạo đức Tin lành. Vì thế họ đã thành công. Xem thêm https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/shibusawa-eiichi-doanh-nhan-lap-quoc-vi-dai-cua-nhat-ban/
Tự do và trách nhiệm. Trong thời gian dịch bệnh corona, tại nhiều nơi trên thế giới có những cuộc biểu tình đòi hỏi tự do và quyền không bị giới hạn đi lại, giống như quan niệm một tự do tuyệt đối trong xã hội đang bị đe dọa mà không cần biết hệ quả của nó cho cộng đồng. Một tự do như thế không thể nào có trong xã hội nếu không có trách nhiệm đi kèm. J. S. Mill từng viết: “Sự tự do duy nhất xứng đáng với cái tên đó là theo đuổi lợi ích của chúng ta theo cách riêng của chúng ta, miễn là chúng ta không cố gắng tước đoạt tự do của người khác, hoặc cản trở nỗ lực của họ để có được nó.” Khi một người bị lây nhiễm, họ trở thành một nhân tố gây lây nhiễm thực tế cho cộng đồng, do đó có thể làm hại người khác. Cho nên không thể nào đòi hỏi tự do mà không có trách nhiệm. Không ai, từ học giả đến các chính khách, có thể quan niệm một thứ tự do mà không đi kèm theo trách nhiệm, hay chối bỏ mối liên quan. Ai sợ trách nhiệm, hoặc làm hại, hay từ chối quyền tự do cho người khác, người đó không thể xứng đáng với hai chữ tự do. Hãy nghe Abraham Lincoln, Sigmund Freud, Bernard Shaw, Eleanor Roosevelt, Bob Dylan, Ronald Regean, Dalai Lama, Nelson Mandela … những phát biểu của họ như muốn nhắc nhở những ai chỉ muốn hưởng tự do mà không dám chịu trách nhiệm.
***
Mở đầu:
Ngày 23 tháng 5 là ngày Hiến pháp của chúng ta ở Đức. Vào ngày 23 tháng 5 năm 1949, Luật cơ bản của chúng ta đã được thông qua. Luật cơ bản này tạo cơ sở cho sự chung sống xã hội của chúng ta ở Đức. Nó xác định các quyền cơ bản cho công dân nữ và nam, mô tả cấu trúc nhà nước của chúng ta và cung cấp cho chúng ta khuôn khổ cho tất cả các hành động của nhà nước. Đại dịch corona đem đến cho chúng ta những thách thức đặc biệt trong năm nay, có lẽ là lớn nhất trong 71 năm qua. Cho nên tôn trọng các nguyên tắc của Luật cơ bản lại càng quan trọng hơn. Đặc biệt quan trọng là Điều 1: „Phẩm giá con người là điều bất khả xâm phạm“. Tất cả hành động của nhà nước đều cam kết gìn giữ phẩm giá này của người dân. Chính phủ liên bang làm việc theo tinh thần đó.
Câu hỏi: Bà có hiểu những lo lắng của người dân về những hạn chế của đại dịch corona không?
Vâng, tôi có thể hiểu những lo lắng này. Và bản thân tôi đã nói trong tuyên bố của chính phủ tại Bundestag (Quốc hội) của Đức: Virus này là một sự sự đòi hỏi quá đáng (Zumutung) cho nền dân chủ của chúng ta. Và đó là lý do tại sao, tất nhiên, chúng tôi không cảm thấy dễ dàng chút nào với những sự hạn chế về quyền cơ bản. Cho nên, các biện pháp nên càng ngắn càng tốt. Nhưng chúng là cần thiết và chúng tôi luôn giải trình cho điều này, bởi vì chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm với phẩm giá của mọi người, như đã được nêu trong Điều 1 của Luật cơ bản của chúng ta. Và đối với tôi cũng như đối với chính phủ Liên bang, điều này có nghĩa là chúng tôi muốn ngăn chặn sự quá tải hệ thống y tế của chúng ta. May mắn thay, chúng ta thành công điều đó. Nhưng tất nhiên bây giờ với sự nới lỏng các giới hạn, chúng tôi phải luôn luôn có trách nhiệm giải trình, tại sao chúng tôi không dở bỏ cái này hay tại sao chúng tôi có thể nới lỏng cái kia. Và trong giai đoạn này, tất nhiên, chúng tôi luôn phải cân nhắc sự thỏa đáng giữa các biện pháp với nhau. Cho nên, tôi rất vui khi hôm nay có thể nói rằng tình trạng lây nhiễm hiện tại đã tạo điều kiện để có thể cho phép chúng ta thực hiện nhiều thứ, và làm cho khả dĩ những điều đã bị giới hạn vài tuần trước đó. Nhìn chung, chúng ta đã thành công, chẳng hạn như đến nay cũng đạt được mục tiêu là ngăn chặn sự quá tải hệ thống y tế chúng ta. Tôi hy vọng rằng nếu mọi người tuân thủ các biện pháp giữ khoảng cách, đeo khẩu trang bảo vệ miệng và mũi, chúng ta có thể tiếp tục thành công như vậy.
Câu hỏi: Châu Âu có một vị trí đặc biệt trong Luật cơ bản. Điều này có ý nghĩa gì với chúng ta?
Thật là một điều thú vị là các bà mẹ và cha đẻ của Luật cơ bản đã tuyên bố trong phần mở đầu rằng chúng ta nên được truyền cảm hứng từ ý muốn phục vụ hòa bình của thế giới trong một châu Âu thống nhất. Và chính xác chúng tôi cũng cảm thấy cam kết cho mục tiêu này hôm nay. Chúng tôi biết rằng châu Âu đã mang lại cho chúng ta hòa bình. Châu Âu mang lại cho chúng ta sự thịnh vượng. Để chính xác giữ được điều đó, chúng ta phải luôn luôn nỗ lực phục vụ cho một châu Âu thống nhất. Đặc biệt là trong thời đại của đại dịch corona, chúng ta biết rằng tất cả các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu đều bị ảnh hưởng – và nhiều nước bị nghiêm trọng hơn chúng ta. Điều này có thể được nhìn thấy trong cả về số lượng những người nằm xuống trong đại dịch này lẫn về những hậu quả kinh tế. Vì vậy, bây giờ đã đến lúc chúng ta đứng lại cùng nhau trong châu Âu và cho thấy rằng chúng ta mong muốn ở lại cùng nhau mạnh mẽ. Trước mục đích đó, chính phủ liên bang cảm thấy cam kết cả trong việc thiết kế các chương trình giúp đỡ chung châu Âu, lẫn thiết kế nhiệm kỳ tổng thống của chúng ta trong sáu tháng tới kể từ ngày 1 tháng Bảy. Chúng ta sẽ nỗ lực để châu Âu ra khỏi từ cuộc khủng hoảng này sao cho nó có thể tiếp tục chiến đấu cùng nhau cho Hòa bình và Thịnh vượng. Các thách thức là rất lớn, nhưng chính phủ liên bang chấp nhận đối mặt với chúng.
HẾT
Chú thích. Luật cơ bản (Grundgesetz), thường được viết tắt GG, của Cộng hòa Liên bang Đức được thông qua ngày 23 tháng 5 năm 1949. Danh từ Luật cơ bản được mượn từ từ La tinh lex fundamentalis có từ thế kỷ 17. Luật cơ bản là nền tảng pháp lý cho sự hình thành Cộng hòa Liên Bang Đức. Nó thực ra chính là Hiến pháp, nhưng chưa được gọi như thế vì đất nước lúc đó chưa thống nhất. Konrad Adenauer, vị thủ tướng đầu tiên sắp tới (được bầu ngày 15.9.1949) của Cộng hòa Liên bang Đức trong bài phát biểu long trọng khi Luật cơ bản được thông qua diễn tả ý nghĩa của sự ra đời của Luật cơ bản:
Hôm nay, ngày 23 tháng 5 năm 1949, một chương mới trong lịch sử đầy biến động của nhân dân ta bắt đầu: Hôm nay Cộng hòa Liên bang Đức sẽ đi vào lịch sử. Ai đã từng sống ý thức những năm tháng từ 1933, đều nghĩ với một trái tim xúc động rằng, hôm nay Nước Đức mới được khai sinh.
Với sự thống nhất nước Đức ngày 3 tháng 10 năm 1990, Luật cơ bản chính thức trở thành Hiến Pháp (Verfassung) cho cả dân tộc Đức. Chỉ có Präambel, Lời mở đầu, được diễn đạt lại cho phù hợp với sự hiện diện của các bang mới, tổng cộng 16, của nước Đức thống nhất.
Xem: https://de.m.wikipedia.org/wiki/Grundgesetz_f%C3%BCr_die_Bundesrepublik_Deutschland
Nguồn: Transkript Podcast „Grundgesetz“ ngày 23.0 5.2020