Tư tưởng giáo dục của J. H. PESTALOZZI

by , under Uncategorized

Tư tưởng giáo dục của

JOHANN HEINRICH PESTALOZZI

Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu

Nhân nói về nền Giáo dục miền Nam trước 1975 

Lê Xuân Khoa: Đại học miền Nam trước 1975

đầy tính khai phóng và nhân bản, tôi không thể không trình bày đôi chút về ý tưởng của nhà giáo dục khai sáng Pestalozzi.

Pestalozzi là người Thụy Sĩ sống vào nửa phần cuối thế kỷ 18 và nửa phần đầu của thế kỷ 19, là giai đoạn Khai minh và phát triển mạnh mẽ của khoa học và toán học ở châu Âu. Ông có ảnh hưởng rất lớn lên nền giáo dục của nước Đức thời Fichte, Humboldt, và sau đó tiếp tục ảnh hưởng lên Hoa Kỳ rồi cả Tokyo trong thế kỷ 19. Những nhà giáo dục đầu tiên của Nhật Bản Minh Trị được gửi sang Mỹ để học giáo dục Pestalozzi, và mang triết lý đó về trồng tại quê nhà, trong đó phải kể đến Takamine Hideo (1853-1910) là người đầu tiên đưa phương pháp và triết lý giáo dục của Pestalozzi vào Nhật Bản cho chương trình giáo dục tiểu học một cách hệ thống nhất. Takamine được đào tạo rất chính quy tại trường sư phạm Oswego Normal School (SUNY Oswego ngày nay) tại New York, Hoa Kỳ, trung tâm của giáo dục Pestalozzi. Ông xây dựng một phong trào giáo dục mới, và trở thành hiệu trưởng của trường đào tạo lực lượng giáo viên mới tại Tokyo (Tokyo Teacher Training School).

Đối với một quốc gia mà giáo dục Khổng giáo là truyền thống lâu đời, giáo dục Pestalozzi có tính cách mạng nhằm phát triển những tư chất cá nhân (individualism). Ngoài ra, các lãnh đạo Nhật Bản Minh Trị sau đó cũng thuê nhà giáo dục Đức Emil Hausknecht (1853-1927) để lập chương trình giáo dục cho cấp trung học theo mô hình trường Gymnasium của Đức để chuẩn bị cho giai đoạn Đại học với mục đích phát triển khoa học và học thuật như mô hình của Wilhelm von Humboldt. Hausknecht, một môn đệ sôi nổi của Pestalozzi, áp dụng phương pháp sư phạm của nhà giáo dục Đức Johann Friedrich Herbart (17761841), người xây dựng môn sư phạm như một ngành khoa học hàn lâm toàn diện. Ý tưởng áp dụng giáo dục Đức là của Itō Hirobumi, thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản Minh Trị, cùng với Mori Arinori, bộ trưởng giáo dục đầu tiên của Nhật Bản. Họ thấy giáo dục là sức mạnh của quốc gia. Hausknecht cũng truyền bá đạo đức, và lòng yêu nước.

Xem thêm

Tư tưởng của Hausknecht có khác với tư tưởng giáo dục của Pestalozzi. Hausknecht chủ trương đặt vai trò Nhà nước lên cao nhất, không phải vai trò cá nhân, như giáo dục Pestalozzi và tinh thần của Fukuzawa Yukichi. Đó là điểm khác biệt. Giới lãnh đạo chóp bu của Nhật Bản Minh Trị, gồm Itō Hirobumi, Mori Arinori và Inoue Kowashi cuối cùng ưu đãi mô hình Đức, từ giáo dục đến tổ chức nhà nước, đặt Vua lên hàng đầu. Itō Hirobumi chính là người nghiên cứu Hiến pháp Phổ để tạo ra Hiến pháp Nhật Bản đầu tiên. Họ thuê cả chuyên gia pháp luật nhà nước Hermann Roesler làm tư vấn. Giới lãnh đạo có một sự thay đổi thình lình, chuyển hướng từ mô hình nhà nước theo tinh thần anglo-saxon Anh Mỹ mà Fukuzawa là người ủng hộ dựa trên sự tự chủ của cá nhân sang mô hình Phổ trao quyền lực tối đa cho nhà nước mà Vua đóng vai trò trung tâm. Họ bảo rằng Anh, Pháp có những cuộc cách mạng, trong khi Đức thì không. Họ sợ bất ổn có thể xảy ra như Phong trào đòi Tự do của Nhân dân (People’s Movement for Freedom).

Sự thay đổi trên diễn ra đồng thời với ảnh hưởng to lớn của các quan niệm đạo đức Khổng giáo mà gia sư của Hoàng đế Minh Trị là Motoda Nagazane là người chủ trương quyết liệt và có ảnh hưởng rất lớn lên Hoàng đế Minh Trị. Sau một hồi tranh cãi,  năm 1890 “Pháp lệnh Đế chế về Giáo dục” ra đời như một sự thỏa hiệp giữa Motada và Inoue Kowashi, nhân vật tài năng và thân tín của thủ tướng Itō Hirobumi. Bản thân Inoue kết luận rằng Nhật Bản không những cần có một thể thức chính quyền lập hiến phù hợp với một nhà nước hiện đại, mà còn, giữa những khó khăn bất ổn về chính trị, cần phải có một nền tảng đạo đức vững chắc. Con người không những là một sinh vật pháp lý, mà còn sinh vật đạo đức nữa. Quốc gia căn bản phải được xây dựng trên một nền tảng đạo đức thì mới bền vững. Cũng như thấy Kitô giáo là nền tảng đạo đức của các xã hội phương Tây, Inoue quay về truyền thống đế chế như trung tâm của đạo đức quốc gia (kokumin dōtoku) cho Nhật Bản. Từ cách nhìn đó, ông gặp gỡ quan điểm của Motada. Trong khi đó, Fukuzawa tuy cũng chủ trương để có tiến bộ văn minh Nhật Bản cần cả hai, tri thức và đạo đức, nhưng ông nhấn mạnh vai trò tri thức nhiều hơn, giống như tác giả Anh Thomas Buckle mà ông từng tham khảo trong tác phẩm Lịch sử Văn minh Anh quốc, bởi vì như theo Buckle, sự ưu tú đạo đức ít tạo ra lợi ích cho xã hội hơn sự ưu tú tri thức. Xem chi tiết trong Dẫn nhập sách Hoàng đế Minh Trị của Donald Keene .

Chúng ta có thể tóm tắt lại, giáo dục Nhật Bản chịu ảnh hưởng của triết lý Pestalozzi ở tầng dưới, của Herbart và tư tưởng đặt nặng vai trò nhà nước của mô hình Phổ tầng giữa, và đạo đức Khổng giáo tầng trên cùng.

click để thu gọn phần trên

Dưới đây là vài tư tưởng triết lý giáo dục của Pestalozzi. Tôi hy vọng có dịp thể trở lại đề tài giáo dục Pestalozzi và của Nhật Bản nhiều hơn.

Johann Heinrich Pestalozzi (Real Academia de Bellas Artes de San Fernando, Madrid).jpg

Johann Heinrich Pestalozzi (1746-1872)

Triết lý về giáo dục

Mục đích của giáo dục không phải sản xuất ra các thợ may giỏi, thợ giày giỏi, buôn bán giỏi, hay chiến sĩ giỏi, mà để làm cho ra các thợ may, thợ giày, doanh nhân và chiến sĩ trước nhất thành người, theo nghĩa cao quý nhất của danh từ.

Do đó, mục tiêu của tất cả giáo dục và giảng dạy là, và không gì khác hơn, sự phát triển hài hòa của các tài năng và năng lực nằm trong bản chất con người.

Bản chất con người, trong tổng thể của các thiên hướng, tài năng, những cái tất yếu, và các mối quan hệ, không chỉ là khởi điểm và trung tâm của giáo dục, mà cũng còn là mục tiêu cuối cùng, đối tượng duy nhất của nhiệm vụ nó.

Sống, và sống hạnh phúc trong cuộc đời, và trở thành một thành viên hữu ích của xã hội, là chân giá trị của con người, là mục tiêu của giáo dục trẻ em.

Đứa trẻ phải được xem ở mọi giai đoạn của giáo dục, và của sự dạy dỗ, như một tổng thể (toàn diện).

Không phải vấn đề chỉ là vun xới tri thức, mà còn là vun xới con người như một tổng thể.

Nghệ thuật của sư phạm, trên hết phải làm cho, và trong bất cứ trường hợp nào phải cho phép, Tự nhiên chín mùi trong tác phẩm của nó, và không bao giờ nối kết các quá trình của nó với lực không chín chắn của Tự nhiên; nếu không chúng sẽ, và không bao giờ có thể chín mùi.

PESTALOZZI

Giá trị giáo dục của Toán học so sánh với Văn phạm và Các ngôn ngữ chết

Con đường đến giáo dục trí thức thông qua văn phạm và ngôn ngữ chết đúng là một con đường vòng, nó có thể dẫn con người may mắn đến đích chắc chắn, nếu người đó kiên trì không bỏ cuộc, nhưng con đường thông qua sự phát triển của năng lực toán học là đại lộ thật sự, trên đó mỗi người, nếu giỏi đi bộ và sử dụng đôi chân của họ, tất yếu phải đến đích.

Những bài tập cơ bản về toán học làm sôi nổi lên, và đánh thức sự quan tâm tích cực, điều là nền tảng của tất cả sự phát triển đích thực của các năng lực chúng ta, trong mười trẻ em, trong khi các bài tập về văn phạm và ngôn ngữ chết sẽ chỉ đánh thức sự quan tâm, trong một trẻ em.

PESTALOZZI

Văn phạm ở đây thường ám chỉ văn phạm của La tinh và Hy Lạp.

Về giáo dục lịch sử

Là một điều không khôn ngoan nếu người ta dạy trẻ em các sự kiện lịch sử với những nguyên nhân và hệ quả, với cách đánh giá các giá trị hay không-giá trị. Bằng cách này, người ta làm cho trẻ em quen với cách đánh giá các sự kiện lịch sử, và các hành động của con người vào tuổi mà chúng vẫn chưa đủ sức để xây dựng một ý kiến chính xác về những thứ đó. Và điều còn tồi tệ hơn, người ta cho chúng kiến thức, ở tuổi vô tư lự này, về sự độc ác, và bạo lực của thế giới. Không thể nghi ngờ gì, quá trình tự nhiên của sự giáo dục đạo đức và trí thức qua đó sẽ bị chậm lại.

PESTALOZZI

 

Thực tế, Pestalozzi đã chọn con đường toán học, và lấy các bài tập toán làm nền tảng của giáo dục trường ông. Đối với ông, toán học không chỉ là tính toán thuần túy, mà nó giúp phát triển năng lực tư duy và đòi hỏi tư duy. Phải suy nghĩ, thay vì chỉ ứng dụng các quy tắc toán học cho sẵn.

Riêng đối với các bài toán trong SAT chẳng hạn, để giải chúng theo tôi: cần thiết tư duy trước về phương pháp, sau đó mới đặt bút tính toán. Nếu không đạt kết quả như mong muốn, phải nghĩ đến phương pháp khác.

NXX, 30.4. 2021

 

Cập nhật 8.6.2021:

GIÁO DỤC TƯ DUY BẰNG HÌNH ẢNH

File:Pestalozzi.jpg

Pestalozzi và vợ ông Anna thực hiện phương pháp giáo dục tại cơ sở

giáo dục Neuhof (tranh khắc gỗ năm 1882)

Một trong những đặc điểm của phương pháp giáo dục Pestalozzi là giáo dục tư duy bằng hình ảnh,  thinking in pictures (visualization, Anschauung). Tư duy bằng hình tượng, theo ông, ưu việt hơn tư duy bằng chữ và số. Nó khuyến khích phát triển óc tưởng tượng.Trong quyển sách 1801 có tên Gertrude dạy con cô như thế nào, ông phát thảo triết lý giáo dục của ông, khuyến khích trẻ em suy nghĩ độc lập, nên đi từ quan sát, thí nghiệm để đến một sự hiểu biết sâu sắc thay vì chỉ học thuộc lòng. Ông cũng cho rằng điều quan trọng là phải nuôi dưỡng “phẩm giá bên trong” và cá tính riêng của mỗi đứa trẻ. Pestalozzi tâm niệm, sinh viên nên được phép tự đưa ra kết luận của riêng mình, bằng cách sử dụng một loạt các quan sát thực hành và sau đó tiến tới trực giác, tư duy khái niệm (conceptual thinking) và hình tượng hóa (visual emagery). ([7]) “Hiểu biết trực quan là phương tiện cốt yếu và duy nhất để dạy cách đánh giá hình dạng của mọi thứ một cách chính xác”, ông viết, “việc học các con số và ngôn ngữ dứt khoát phải đóng vai phụ.” ([7]) hay ([3], 105)

Khi Albert Einstein may mắn được nhận vào học tại trường trung học ở tỉnh Aarau, Thụy Sĩ, gần thành phố Zürich, thì trường này dạy theo triết lý Pestalozzi, và đã để lại ông những ấn tượng đẹp đẽ không phai trong đời ông. “Học sinh được chăm sóc riêng lẻ, sự nhấn mạnh được đặt lên tư duy độc lập hơn là kiến thức chuyên môn, và những người trẻ xem người thầy không phải là một khuôn mặt quyền lực, mà bên cạnh học sinh, một người có nhân cách khác biệt”, như em ông Maya thuật lại.([7])

Trường Aarau hướng dẫn phương pháp thí nghiệm ý tưởng mà Einstein rất thích. Tại đây, ông làm thí nghiệm ý tưởng đầu tiên khi tưởng tượng chạy theo sóng ánh sáng. Theo suy nghĩ bình thường, khi Einstein bắt kịp, thì sóng ánh sáng sẽ ngưng lại. Nhưng ông cho rằng điều đó không có thể. Điều này liên quan đến lý thuyết tương đối hẹp của ông sau này.

Einstein từ nhỏ nổi tiếng chậm nói, làm cho bố mẹ lo lắng, tưởng con mình bị chậm phát triển. Sau này ông bảo, đó là vì ông suy nghĩ bằng hình ảnh. Ông nổi tiếng với ý tưởng, rằng óc tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức, cũng như với “thí nghiệm ý tưởng”, Gedankenexperiment. Các thí nghiệm ý tưởng này chính là phòng thí nghiệm của ông. Những khám phá nổi tiếng của ông, như thuyết tương đối hẹp và rộng, hay thuyết lượng tử của ánh sáng, đều gắn liền với thí nghiệm ý tưởng bằng hình ảnh. (Xem các quyển sách về Einstein trong Tham khảo)

Được một nhà toán học Pháp yêu cầu giải thích quá trình tư duy, Einstein trả lời:

Từ ngữ hoặc ngôn ngữ, như chúng được viết hoặc nói, dường như không đóng bất kỳ vai trò nào trong cơ chế suy nghĩ của tôi.

Max Wertheimer, một trong những người sáng lập Tâm lý học Gestalt (Hình dạng, [5]) và là bạn của Einstein, kể rằng từ năm 1916, trong nhiều cuộc thảo luận, ông đã hỏi Einstein “rất chi tiết về những sự kiện cụ thể trong suy nghĩ của ông” dẫn đến lý thuyết tương đối. Einstein nói với Wertheimer: “Những suy nghĩ này không đến dưới bất kỳ hình thức ngôn ngữ nào. Tôi rất hiếm khi suy nghĩ bằng lời. Một ý nghĩ đến, và tôi có thể cố gắng diễn đạt nó bằng lời sau đó”; và tiếp theo: “Trong suốt ngần ấy năm, tôi có một cảm giác về phương hướng, đi thẳng đến một cái gì đó cụ thể. Tất nhiên, rất khó để diễn tả cảm giác đó bằng lời … Nhưng tôi có nó trong một tổng thể, trong một cách trực quan.” (Gerald Holton, 103)

Rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng tư duy bằng hình ảnh, trong đó có Galilei, Faraday, Bohr, de Broglie, Heisenberg, Schrödinger, Richard Feynman, trong rất nhiều người khác.

Tham khảo

[1] Nguyễn Xuân Xanh, EINSTEIN. Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Mạng https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/sach-einstein/

[2] Albert Einstein, Thuyết tương đối hẹp và rộng. Nguyễn Xuân Xanh dịch và chú giải. Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Mạng  https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/thuyet-tuong-doi-hep-va-rong/

[3] Gerald Holton, On Trying to Understand Scientific Genius. Nguồn: The American Scholar, Winter, 1971-72, Vol. 41, No. 1 (Winter, 1971-72), pp. 95-110.

[4] Xem thêm Trang đặc biệt ALBERT EINSTEIN

[5] Tâm lý học Gestalt: Trường phái tâm lý học được thành lập vào thế kỷ 20, cung cấp nền tảng cho nghiên cứu hiện đại về nhận thức. Thuyết Gestalt nhấn mạnh rằng tổng thể của bất kỳ thứ gì đều lớn hơn các bộ phận của nó. Có nghĩa là, các thuộc tính của tổng thể không được suy ra từ việc phân tích các bộ phận một cách riêng biệt. (Britannica)

[6] Walter Isaacson, Einstein. The Life of a Genius, 12. André Deutsch, 2014.

[7] Walter Isaacson, Einstein, His Life and Universe, 26. Simon & Schuster, 2007.